Bùi Chí Vinh:
Nhà thơ Lương Sơn Bạc
Tôi quen biết Bùi đại ca khi anh ở bộ đội về. Tôi quen anh
đơn giản vì tôi là cô bạn gái của người bạn thân anh, vì vậy tôi có thể hiểu biết
đôi điều về con người của anh. Bạn anh nói rằng Bùi đại ca vào bộ đội bất ngờ
thì khi rời khỏi bộ đội cũng bất ngờ không kém. Cũng chỉ vì bản tính khí khái của
nhà thơ thích đời sống Lương Sơn Bạc mà anh dám tấn công viên chỉ huy của mình
để cứu những người bạn cùng đơn vị thoát khỏi sự trù dập độc ác của vị sĩ quan
cấp trên mình. Hậu quả của hành động liều lĩnh đó là anh bị giam 3 tháng ở quân
lao, bị tước quân tịch và may mắn anh còn được trở lại đời thường để trở thành
một nhà thơ bất đắc chí lang bạt giang hồ làm thơ cho dân nghèo. Những năm đầu
giải phóng gạo trở thành mặt hàng xa xỉ không ai dám tơ tưởng đến, người dân
thường phải đối mặt với những bữa ăn chỉ có bo bo là thực phẩm chính. Cơn
đói đến với tất cả mọi người, vào thời điểm này trở thành một con người lương
thiện đã là quá khó nói gì đến việc chống lại bất công, trù dập, dám ăn dám nói
với các quan chức chính quyền. Vì vậy việc làm của Bùi Chí Vinh trong giai đoạn
này quả là chuyện kinh thiên động địa. Cơn đói không làm anh ngã gục mà trái lại
nó còn là một chất xúc tác để anh sáng tác những bài thơ có sức mạnh ngàn cân đập
tan những tư tưởng, hành động giả dối của bọn quan chức thối nát, bọn cường hào
ác bá, và báo chí. Những bài thơ của anh quả thật quá “phạm thượng”. Nhìn anh đọc
thơ sang sảng trước đám đông mà tôi thấy sợ, sợ vì anh có thể bị công an chìm
công an nổi sờ tay vào gáy và tra tay vào còng bất cứ lúc nào. Nhưng nỗi sợ của
mọi người không làm anh nao núng. Anh vẫn đọc thơ vanh vách :
ĐÓI LIÊN TỤC
Lúa miền Nam gặp hạn
Bình Trị Thiên bão về
Đồng bằng sông Hồng hồi hộp vỡ đê
Sao đọc báo thấy bội thu lương thực
Nghe đài thấy gạo Việt thành cơm Tây cơm Nhật
Xem ti vi thấy thóc nở đầy hình
Thóc tràn vào ngân khố vô danh
Đất nước đang được mùa công trái
Cho lãnh tụ rộng mồm ăn nói
Diễn văn đầy ngũ vị hương
Ôi hoa màu thần tiên trên các bích chương
Thứ hoa màu trên giấy báo
Đương nhiên
Nhà hết gạo
Và mười người hết máu
Tôi rất mừng vì sau những bài thơ “quậy” anh vẫn được bình
yên, anh lại tiếp tục làm thơ. Những bài thơ nói về tuổi trẻ chúng tôi đang sống
trong một chế độ xã hội khắc nghiệt. Tuổi trẻ chúng tôi được đào tạo kỹ lưỡng để
trở thành những giáo viên, nhà thơ, nhà báo, nhà văn vv… nhưng những người trí
thức chúng tôi tại sao chỉ biết cúi đầu im lặng chỉ biết làm theo mệnh lệnh như
một người máy ? Tôi là một giáo viên, là một phụ nữ có cá tính, tôi không cam
chịu như vậy.
Tôi yêu thơ Hồ Xuân Hương vì nữ sĩ đã dám một mình chống lại
cả một xã hội phong kiến để đòi nữ quyền cho phụ nữ. Yêu thơ nữ sĩ nên tôi yêu
thơ anh vì anh đã nói lên được những nỗi niềm cay đắng mà những người trí thức
đang phải nhẫn nhục chịu đựng, những ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ chúng tôi rất
mong muốn làm một điều gì đó cho đất nước của mình. Tôi còn nhớ những câu thơ
khí khái anh đọc trên bàn rượu cho tất cả mọi người cùng nghe :
Tôi cân kí lô cái lưỡi của mình – Dù vua chúa triều thần tiểu
tiện lên các phát minh – Dặn tôi uốn lưỡi bảy lần thì cho nói – Uốn một lần thì
coi như tốt nghiệp nghề múa rối – Uốn lần thứ hai được bằng cấp hát tuồng – Uốn
lần thứ ba chuẩn bị phong quan – Lần bốn lần năm thì tha hồ chức tước – Uốn đến
lần cuối cùng hẳn quyền uy trấn quốc – Vì cái lưỡi bẩm sinh đã bị bảy lũy thừa
– Cũng may mà tôi không biết dạ biết thưa – Nên cái lưỡi vẫn còn nguyên mùi vị
– Mỗi lần lưỡi cong là nhảy ra thằng thi sĩ
Tôi nhổ nước bọt vào những điều lừa mị - Tôi hôn thiết tha
người con gái nghèo làm đĩ – Và bạt tai đứa công chúa hợm mình - Tôi theo phò
người giang hồ quân tử – Và tẩy chay đám quyền quý nịnh thần
Ngoài thơ Đời, anh còn có những bài thơ Tình nhẹ nhàng nhưng
nỗi niềm cũng không kém phần cay đắng. Tôi rất thích bài thơ SINH NHẬT của anh
:
SINH NHẬT
Hôm nay là sinh nhật của anh
Hai mươi bảy tuổi cháy ngon lành
Anh xòe diêm đốt mà cay mắt
Diêm tàn riêng sọi khói mong manh
Sinh nhật anh không có đèn cầy
Hoa hồng mang đến cánh còn gai
Em cong môi thổi như công chúa
Hơi thở thơm mùi hương trái cây
Sinh nhật anh không có rượu vang
Ly quên chén dĩa, ghế quên bàn
Anh quên đời sống như quên tuổi
Bó gối nghe đùi thương gót chân
Sinh nhật anh không có đàn bà
Tháng Mười, Chúa chẳng kịp sinh ra
Dang tay anh đứng làm thập tự
Mơ một nàng Madalena
Sinh nhật anh không có đàn ông
Tháng Mười, Phật giác ngộ chưa xong
Vòng tay anh khép làm tràng hạt
Đợi nàng Thị Kính cắt râu chồng
Sinh nhật anh mà sinh nguyệt em
Có nàng con gái rất thuyền quyên
Lách qua khe cửa như hơi gió
Ụp xuống đời anh cơn bão đêm
Sinh nhật anh ừ, sinh nguyệt em
Trăng lên soi rỗng túi không tiền
Mẹ anh sinh nở con cầu tự
Nên suốt đời anh ngủ mái hiên
Nhắc lại những kỷ niệm một thời phiêu bạt của anh cũng là
mong muốn gửi những lời cám ơn chân thành của tuổi trẻ chúng tôi đã từng sống
hào khí ngất trời với anh, với những vần thơ, nhạc điệu và ca từ của anh trên
bàn rượu, trong những buổi tiệc bạn bè. Chúng tôi rất vui vì một con người dám
ăn dám nói như anh, một con người dám sáng tác những bài thơ “phạm thượng” truyền
khẩu trong nhân dân lại có thể sống rất khí phách cho đến ngày nay. Những phát
biểu của anh trên đài BBC cho thấy rằng anh vẫn trung thành với lý tưởng của
mình. Tính Lương Sơn Bạc của anh vẫn kiêu hãnh như ngày nào. Và anh có quyền tự
hào vì những bài thơ “quậy” của anh đã đi vào lòng tất cả mọi người.
Một trăm hay hai trăm năm sau khi cảo thơm lần giở trước đèn,
thế hệ tương lai sẽ thấy được một xã hội thật được phơi bày trong từng câu thơ
của anh, một chủ nghĩa có được lòng dân hay không, người dân sống lầm than hay
yên bình, nhân sĩ trí thức được đối xử ra sao, tất cả đều đã được anh thể hiện
rất sinh động qua những vần thơ, ca từ điêu luyện, trữ tình, sâu sắc và rằng
hay thì thật là hay. Một lần nữa tôi thành thật cảm ơn anh Bùi Chí Vinh, nhà
thơ Lương Sơn Bạc của nhân dân, chúc anh thành công trong việc trừ gian diệt bạo,
chính nghĩa luôn thắng trong những kịch bản điện ảnh mà anh hiện đang cộng tác
với hãng phim Chánh Tín.
4/4/2012 Lan Hương
4/4/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét