Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Minh Trị Thần Cung - Meiji Jingu. Ðôi nét về đền thờ Meiji Jingu

Minh Trị Thần Cung - Meiji Jingu
Ðôi nét về đền thờ Meiji Jingu

Meiji-Jingu hay Minh Trị Thần Cung là một ngôi đền thờ thiên hoàng Minh Trị Meiji-Tenno (1852-1912) và Hoàng Hậu Chiêu Hiến Shōken-kôtaigô (1849-1914). Lưu ý nơi đây chỉ là nơi thờ phượng mà không phải là nơi an táng. Lăng vua Minh Trị ở phía Nam Tokyo, tại Fushimi-Momoyama.
Ðền thờ Meiji-Jingu nằm ở Yoyogi, Shibuya-ku, nếu dùng Yamanote Line, dừng tại ga "Harajuku". Sau khi đến ga và soát vé xong thì theo chỉ dẫn sẽ đến cửa chính của Meiji Jingu Shrine.
Meiji Shrine (明治Meiji Jingu) - Đền Minh Trị Thiên Hoàng, nơi thờ vị Thiên hoàng thứ 122, người tiến hành cuộc Duy Tân Minh Trị năm 1868, mở đầu thời kỳ chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa ở Nhật Bản và biến Nhật Bản trở thành một đế quốc. 
Vua Minh Trị sinh năm 1852 và lên ngôi năm 1867. Trong thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản hiện đại hóa để gia nhập cùng các cường quốc lớn của thế giới. Thời gian trị vì lâu dài của Nhật Hoàng Minh Trị được đánh dấu bằng nhiều sự kiện trọng đại. Sau khi ông mất năm 1912, để tưởng nhớ đến ông, dân chúng đã quyên góp được 100.000 cây từ khắp nước Nhật và từ nước ngoài để lập nên một khu rừng nhân tạo (1915-1920) nằm trong công viên Yoyogi (Meiji Shrine Gyoen) và năm 1920 một đền Thần đạo được dựng lên trong khu rừng này để thờ Minh Trị Thiên Hoàng và hoàng hậu. Khu rừng này hiện nay rộng 7 hecta và có 170.000 cây thuộc 245 loại khác nhau và là một trong những không gian xanh rất yên bình và thiêng liêng giữa Tokyo đông đúc. Khu đền này rất rộng, cây cối nhiều đến nỗi làm ta có cảm tưởng như là một công viên thiên nhiên không phải do công nhân tạo. Vườn gồm cây cỏ nhiều loại và hơn 240 loài sinh vật hoang dã.
Ðền Meiji-Jingu chủ yếu thờ phụng tổ tiên của thiên hoàng Nhật bản, đây là điểm khác với những ngôi đền thông thường ("Jingu" là tên gọi tắt của Ise-jingu").
Thần Đạo
Minh Trị theo Thần Đạo, một tôn giáo đã hiện diện từ rất lâu tại Nhật bổn từ trước Công Nguyên. Trải qua nhiều thế kỷ, các ngôi đền Thần Ðạo đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Ðền thờ vốn ra đời từ tín ngưỡng tôn sùng thiên nhiên của người Nhật. Thần Đạo tôn thờ mọi vật trong thiên nhiên từ núi, sông, suối, cây cỏ và đá. Theo quan niệm của người Nhật, thần linh cư ngụ khắp nơi trong thiên nhiên bao la. Ban đầu họ chỉ thờ cúng thần linh trong thân cây và trên các tảng đá, nhưng chẳng bao lâu sau đó, người ta bắt đầu lập bàn thờ thô sơ để tiến hành các nghi thức tế lễ.
Ðền thờ Thần Ðạo cũng có sự gắn bó mật thiết với công việc đồng áng. Ngày xưa, Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào việc canh tác lúa nước, công đoạn cấy lúa và thu hoạch hoa màu mang ý nghĩa sống còn đối với người dân. Vì kết quả của vụ mùa lại do thời tiết quyết định. Người Nhật quan niệm rằng, trong tự nhiên có rất nhiều vị thần chi phối thời tiết, chẳng hạn như Thần Mặt trời, Thần mưa. Vì vậy, mỗi khi đến mùa thu hoạch, người ta lại mang lúa hoặc hoa màu dâng lên thần linh tại các đền thờ nhằm cảm tạ thần đã cho họ vụ mùa bội thu. Cho đến nay, truyền thống này vẫn được duy trì tại nhiều ngôi đền.
Vào thế kỷ thứ VI, cùng với sự du nhập của Phật giáo, các chùa cũng xuất hiện tại Nhật.Tiếp nhận tôn giáo mới nhưng người Nhật vẫn duy trì tín ngưỡng bản địa, Thần xã tôn thờ các vị thần và chùa là nơi thờ Phật. Sự hợp nhất giữa Phật giáo và Thần đạo đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
Ðến thế kỷ XIX, sau khi chế độ Mạc phủ bị lật đổ, vào thời Minh Trị, chính quyền lúc bấy giờ đã ra sắc lệnh "Thần Phật phân ly", tách Thần Đạo ra khỏi Phật giáo, đồng thời nổ lực chấn hưng tôn giáo bản địa. Ðây là thời kỳ Thần Đạo phát triển mạnh mẽ với sự bảo trợ đặc biệt của chính quyền. Thần Ðạo trở thành quốc giáo của Nhật Bản, gắn liền với các hoạt động của nhà nước. Việc viếng đền cũng như thực hiện các nghi lễ theo quy tắc của Thần Ðạo được đề cao. Thần Ðạo trở thành biểu tượng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Trong thời này, Phật giáo bị đàn áp, chùa chiền bị phá hủy rất nhiều.
Cho đến thời Minh Trị thứ 22 (1889) thì Thiên Hoàng phải ban luật cho phép dân có quyền tự do tín ngưỡng. Sau Đệ nhị thế chiến, Nhật Bổn thua trận, Thần đạo bị tách rời ra khỏi chính quyền, và trở nên một tôn giáo bình thường không hưởng đặc ân nào khác.
Ðối với người Nhật, đền thờ Thần Ðạo là nơi linh thiêng, mỗi năm, họ thường đi viếng đền vào các dịp đặc biệt hoặc để cầu bình an, may mắn trước lúc đi xa.
Ðền thờ cũng là điểm dừng chân của du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống Nhật Bản và là nơi diễn ra các lễ hội tưng bừng trong năm.
Đặc trưng cho tất cả đền thờ trong Thần đạo Shinto ở Nhật Bản có thể tóm tắt như sau.
TORII là một cánh cổng, một biểu tượng truyền thống của Nhật Bản, thường được thấy ở lối vào của các đền thờ Thần Đạo. Torii tượng trưng cho Thần xã, là nơi chuyển tiếp giữa thế giới linh thiêng của thần thánh bên trong đền với thế giới trần tục của con người. Khi bước qua chiếc cổng torii, nghĩa là con người đã chính thức đi vào khu vực linh thiêng của thần thánh, đang đi trên con đường viếng thăm thần linh. Vì thế khi đi dưới Torii, khách thường cúi đầu chào torii nhằm tỏ lòng tôn kính thần linh và phải rửa tay và mặt cho thật sạch - hành động này biểu hiện sự thanh sạch và thánh hóa trước khi tiếp cận thần linh để cầu nguyện.
Cấu trúc cơ bản của Torii gồm hai cột thẳng đứng, hai thanh ngang đóng sát nhau ở trên đỉnh lần lượt là 笠木(kasaghi) và 島木(shimaghi), phía dưới nữa là một thanh ngang (nuki). Một số Torii còn có những tấm bảng viết chữ được đóng ở giữa. Theo truyền thống, Torii được dựng từ gỗ hay đá, nhưng hiện nay người ta bắt đầu dùng các loại vật liệu khác như bê-tông, đồng, thép và thậm chí cả thép không gỉ. Torii có thể được sơn màu da cam, đỏ, hay đen hay không sơn. Tùy theo cấu trúc của ngôi đền mà có thể chỉ có một hoặc nhiều cổng Torii. Ngay sau cổng Torii, thường có hai tượng sư tử bằng đá gọi là Komainu. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ các vị thần. Komainu thường có một cặp, một con há miệng tượng trưng cho sự xua đuổi tà ma và một con ngậm miệng lại tượng trưng cho việc giữ linh khí. Đôi khi tượng cáo, chó, trâu cũng được sử dụng tùy theo đền thờ Thần Đạo.
Vì cổng torii là để đánh dấu lối vào của một chốn linh thiêng, con đường dẫn vào đền thờ Thần đạo được gọi là sandō, luôn được mở rộng ra bởi một hoặc nhiều torii. Tại Minh Trị Thần Cung thì có hai tori, cổng tori thứ hai, gần đền chánh điện cúng bái (honden).
Giếng thanh tẩy (Te mizuya)
Trước khi qua cổng torii thứ hai tiến gần đến điện thờ, khách viếng đền phải trải qua nghi thức tẩy trần tại Te mizuya hay còn gọi là Giếng thanh tẩy. Đó là một giếng hoặc hồ nhỏ làm bằng tre hay đá chứa nước được xem là nước thánh. Trước khi tiến hành lễ cúng, khách viếng đền phải thanh tẩy bản thân sạch sẽ bằng cách rửa tay, súc miệng, rửa mặt ở đây.Theo phong tục Thần Đạo, người vào đền Thần đạo ở bất cứ nơi nào cũng phải rửa tay và mặt cho sạch sẽ.
Trước tiên, khách sẽ cầm lấy gáo nước bằng tay phải, sử dụng gáo hứng dòng nước đang tuôn chảy từ bên trong bể chứa bằng đá; dùng nước trong gáo xối ra để rửa tay trái trước, sau đó đến tay phải. Kế đến, hứng nước rót từ gáo vào lòng bàn tay trái và thực hiện động tác rửa miệng. Cuối cùng, úp gáo lại vị trí ban đầu.
Sau đó đi qua cổng torii và đi thẳng từ sân rộng này là đến khu nhà Honden và Haiden. Hai khu này Honden và Haiden có thể được xây riêng biệt hoặc kết hợp chung trong một tòa nhà. Honden là nơi thờ các vị thần linh và Haiden là nơi người dân đến cầu nguyện. Vì thần trong đạo Shinto ở Nhật Bản tượng trưng cho sự thiêng liêng nên luôn được thờ tại một nơi riêng biệt, thường dân không được thấy.
Ema. Hội mã (絵馬 ema) thường được treo trước đền, là những thẻ gỗ dùng để viết điều ước của mình lên đó. Những thẻ này được để bên ngoài để thần có thể đọc và hoàn thành điều ước. Hội mã nghĩa là "ngựa vẽ", vì ngày xưa người giàu thường dâng ngựa cho đền, nhưng ngày nay chỉ dùng "ngựa vẽ trên thẻ gỗ". Ema treo tại đền để cầu sức khoẻ bình an, thành công trong công ăn việc làm, thành đạt thi tuyển sinh hay hạnh phúc trong cuộc sống, v.v… Du khách và người thăm đền có thể mua những miếng gỗ ở một cửa hàng gần đó để viết và treo lại trên giá.
Nếu lại gần quan sát và nhìn kỹ, ta có thể thấy ngoài những miếng gỗ ghi tiếng Nhật, chữ Hán và những dòng ngoằn nghèo không biết từ quốc gia nào, còn có rải rác những bảng gỗ này được viết bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp v.v…
Omikuji. Omikuji là những lá thăm bằng giấy ở các đền thờ Thần đạo. Du khách sẽ rút ngẫu nhiên một tờ. Trong đó có những lá thăm rất may mắn (Daikichi) hoặc rất xui xẻo (Daikyo). Và người dân địa phương tin rằng buộc chúng xung quanh các cành cây trong đền thì may mắn sẽ trở thành sự thật và xui xẻo có thể tránh được. 
Shimenawa. Ở các cổng torii của đền thường treo những dây thừng làm bằng rơm gọi là "chú liên thừng" (注連繩 shimenawa). Những sợi dây này thường được treo ở những nơi thiêng liêng để đuổi tà, trên đó thường quấn thêm "chỉ thùy" (紙垂 shide), là những chuỗi thường được làm bằng giấy hay vải trắng có hình dạng như tia sét. Chỉ thùy cũng thường được quấn vào que đũa gỗ thành cái gọi là gậy trừ tà "phất xuyến" (祓串 tamagushi) hay gậy sét haraigushi (はらいぐし). Các vu nữ thường dùng phất xuyến gồm có chỉ thùy gắn vào nhánh cây chè sakaki () trong các buổi lễ thanh tẩy.
Khách du lịch có thể nhìn thấy Shimenawa treo trên cổng Torii, hay cuốn xung quanh tảng đá hay các cây linh thiêng.
Nay trở lại đền Minh Trị Thần Cung
Sau khi đi qua hai cổng Torii và một cổng thứ ba thì chúng ta bước vào khu điện chính của đền.
Toàn bộ khu đền gồm ba dẫy nhà gỗ mái cong. Trong sân chính một góc có một bệ đá và mấy cây cột, một góc có ba gốc cây cổ thụ. chung quanh một gốc có dàn treo những miếng gỗ nhỏ ema, hai gốc kia kến nối lại bằng một sợi thừng lớn có cốt những mảnh giấy trắng có tính cách thiêng liêng shimenawa.
Sau khi hoàn tất nghi thức thanh tẩy, khách viếng đền tiếp tục hướng về điện thờ Haiden, hay còn gọi là điện cúng bái. Haiden là kiến trúc chính của một ngôi đền nhìn từ cổng vào. Đây là nơi để người đi lễ khấn nguyện thần linh và cũng là nơi tiến hành các nghi lễ. Khu vực linh thiêng nhất là sảnh điện bên trong bản điện (本殿honden), là nơi thờ thần và cất giữ những vật linh thiêng, chỉ có các thần chủ (神主kannushi) mới được phép vào làm lễ, người thường không thể nhìn thấy những gì ở trong đó. Còn khu vực sân bên ngoài cho phép người ngoài đến viếng đền, cầu nguyện, uống nước, mua sắm, v.v…
Khi đứng trước Haiden, việc đầu tiên khách viếng đền cần phải làm là ném những đồng tiền vào thùng lễ vật Saisenbako, một bàn gỗ có nhiều khe. Đây cũng là một trong những nghi thức thanh tẩy. Tiền cúng dường dâng lên thần linh để xóa đi những tội lỗi và hoen ố.
Khi làm lễ, khách viếng đền đứng thẳng, rồi cúi đầu hai lần trước điện, sau đó giang rộng tay ra rồi vỗ tay hai cái và bắt đầu cầu nguyện. Mục đích của quy trình trên là nhằm bảo đảm các thần linh nghe được lời khấn nguyện của họ. Kết thúc lễ cầu nguyện, khách viếng đền cúi đầu thêm một lần nữa.
Một số hình ảnh chụp tại Minh Trị Thần Cung
Torii 1
Torii 2 và cổng thứ ba
Giếng thanh tẩy Te mizuya
Thơ Minh Trị và Hoàng Hậu Shoken
Sân chính sau cổng torii 2
Chính Điện cúng bái

Lễ tưởng niệm Hoàng Hậu Shoken
Gốc cổ thụ chứa ema
Chú liên thừng shimenawa

Đặc biệt ngày chúng tôi đến thăm Minh Trị Thần Cung lại là kỷ niệm qua đời của Hoàng Hậu Shoken, vợ Minh Trị Meiji, nên có bản chức sắc hành lễ tại Honden và thấy các vu nữ miko khi họ rời honden để đi ra ngoài.
Các vu nữ (巫女miko) có nhiệm vụ chăm sóc các ngôi đền. Vu nữ thường mặc kimono trắng với quần hakama đỏ, và bít tất tabi. Ngày xưa các vu nữ bắt buộc phải là trinh nữ. Họ giúp đỡ thần chủ trong các buổi lễ, biểu diễn các điệu múa nghi lễ gọi là "Vu nữ thần lạc" (巫女神楽 Miko Kagura), quét dọn sân đền, thắp đèn lồng, làm thẻ xăm bói toán, hoặc bán các loại bùa may mắn. Hình trên cho thấy các vu nữ miko cầm phất xuyến có gắn chỉ thùy vào nhánh cây chè sakaki.
Ở quanh đền trong sân chính có treo thơ Haiku mà thiên hoàng Minh Trị đã đọc (thơ được Thiên Hoàng ngâm gọi là "Gyosei", thơ được Hoàng Hậu ngâm gọi là "Kogoheika").
Ở nơi tận cùng về phía bắc của khu vực đền thờ là Ngôi nhà kho tàng của đền Minh Trị, được xây dựng một năm sau khi ngôi đền được mở cửa. Nhà kho tàng trưng bày nhiều đồ dùng cá nhân thú vị của Thiên Hoàng và Hoàng hậu, bao gồm cả xe ngựa mà Thiên Hoàng đã cưỡi trong tuyên bố chính thức của Hiến pháp Minh Trị năm 1889. Ngoài ra còn có một Bảo tàng phụ lục xây dựng ở phía đông của khu đền thờ chính trưng bày những triển lãm tạm thời.
Một khu vực rộng lớn ở phần phía nam của khu vực đền Meiji Shrine Gyoen, muốn vào thăm phải trả vé vào cửa. Khu vườn này trở nên đặc biệt trong thời gian giữa tháng sáu khi hoa Iris nở. Một cái giếng nhỏ cũng nằm trong khu vườn. Giếng Kiyomasa được coi như nơi chốn "quyền lực" thiêng liêng và được rất nhiều người thăm viếng. Giếng này được Kato Kiyomata cho đào khi khu đất này thuộc quyền sở hữu của gia đình Kiyomata trong thời Edo.
Trên con đường đi ra là khu bán đồ lưu niệm và ngay lối đi có một dẫy dài chứa những thùng gỗ rượu lớn ghi chữ rượu Pháp trên kệ cao. Bảng ghi bên cạnh cho biết khi quyết định canh tân nước Nhật theo phương châm: "Tinh thần Nhật Bổn, kiến thức Tây Phương", vua Minh Trị đã cho nhập cảng rượu vang làm từ nho ở vùng Bourgogne của một chateau bên Pháp để cung cấp rượu cho Hoàng gia Nhật (rượu Burgundy). Từ đó đến nay, loại rượu này được chọn để đưa vào đền mỗi dịp làm lễ. Sự trưng bầy những thùng rượu nho này ngay ở đền Minh Trị được coi như là chứng tích của tinh thần học hỏi văn minh Tây phương của người Nhật.
Và cách đấy không xa, bên kia đường là một giàn lớn chứa đầy hũ rượu sake, một biểu tượng như nói lên mặc dù nhà vua khuyến khích văn hóa Tây phương nhưng vẫn giữ những truyền thống thuần túy của người Nhật.
Sóng Việt Đàm Giang
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...