Âm hưởng dân gian trong ca
khúc nhạc sĩ
Nhạc sĩ
Hoàng Thi Thơ sinh tại Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng cũng như Duy Khánh, Nguyễn
Hữu Ba... ông đã có quá trình sinh sống và hoạt động tại Huế: Cuối năm 1945 cuộc
kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến hoạt động tuyên
truyền tại mặt trận Huế có cả nhạc sĩ Trần Hoàn và Hoàng Thi Thơ... Tháng
2/1947, mặt trận Huế bị vỡ, phần lớn văn nghệ sĩ Huế đã rời thành phố tham gia
kháng chiến ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 4...
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
thời trai trẻ. Ảnh: Internet
Nhân đọc cuốn hồi ký "Tân Nhân và Xa khơi"
(Nxb Lao Động, 2013) của NSƯT, ca sĩ Tân Nhân - người ca sĩ đã thể hiện thành
công nhất bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trước
đây,... được biết thêm cuộc tình bi đát của chính ca sĩ với nhạc sĩ Hoàng Thi
Thơ, nhất là phần cuối hồi ký có đăng lại đơn đề nghị của ca sĩ Tân Nhân gửi Bộ
Văn hóa và Thông tin năm 2007 về việc công bố sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thi
Thơ tại Việt Nam. Trong đó có đoạn viết: "Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là
một người đồng chí đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp... Trong sáng
tác âm nhạc dù trong môi trường nào, những sáng tác của nhạc sĩ cũng đều mang
âm hưởng dân ca, đậm màu sắc dân gian, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê
hương... Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng
Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta mặc dù nó vẫn
được lan truyền trong dân gian"...Bìa Hồi ký của NSƯT Tân NhânTrên cơ sở tham khảo danh mục các bài hát đã được cấp phép cho tác
giả Hoàng Thi Thơ hiện nay của Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch... xin nêu dẫn một số ca khúc tiêu biểu thấm đẫm âm điệu dân tộc đã
đi vào lòng công chúng xưa và nay.Trong sự nghiệp sáng tác của Hoàng Thi Thơ, gồm hằng trăm ca khúc
và nhiều thể loại âm nhạc khác, thì mảng đề tài quê hương với
"đồng xanh, lúa vàng, gió mát, trăng thanh" đã tạo nên một sắc màu,
một âm điệu đặc trưng trong âm nhạc, vẽ nên một bức tranh thủy mạc gắn bó
một thời với làng quê Việt Nam xinh đẹp, thanh bình... Có thể, ông đã sống qua
một thuở thiếu thời tại một làng quê xinh đẹp là làng Bích Khê quê của ông, nên
những nét đẹp của làng quê đã như một nét chủ đạo, có mặt hầu hết trong ca khúc
về quê hương của ông; Có thể, xuất phát từ lòng yêu nước, yêu quê hương được
hun đúc trong thời tham gia kháng chiến (Từ năm 1945, tham gia đoàn văn nghệ
Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Năm 1946, cùng với nhạc sĩ
Trần Hoàn gia nhập đoàn tuyên truyền kháng chiến Trung bộ do nhà văn Hải Triều
phụ trách. Năm 1947 làm phóng viên và biên tập viên báo "Cứu Quốc"
tại Liên khu 4 do Lưu Quý Kỳ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và nhà thơ Chế Lan Viên
làm trưởng ban biên tập...), nên đề tài quê hương luôn là nét son trong toàn bộ
sáng tác của ông...Tiêu biểu là chùm ca khúc: "Gạo trắng trăng
thanh", "Duyên quê", "Trăng rụng xuống cầu",
"Rước tình về với quê hương", "Đám cưới trên đường quê
hương", "Mấy nhịp cầu tre", "Tình ca trên lúa",
"Ô kìa, đời bỗng dưng vui", "Tình lúa duyên trăng",
"Rong chơi cuối trời quên lãng" "Múc ánh trăng vàng"...hay
những ca khúc viết về những mối tình quê: "Chuyện tình cô lái đò bến
Hạ", "Chuyện tình người trinh nữ tên Thi", "Chuyện tình La
Lan", "Túp lều lý tưởng" v.v...Âm hưởng dân gian biểu hiện trong dòng nhạc quê hương của Hoàng
Thi Thơ không hẳn là sự vận dụng cụ thể từ một làn điệu dân ca cụ thể
nào, mà chất liệu ấy được tích hợp bằng những yếu tố sau:- Tuyến giai điệu hình thành từ vị trí ngữ âm trong ca từ, đó là
sự lên bổng xuống trầm của giai điệu đều khớp với các dấu giọng trong tiếng
Việt, cộng với lời ca trữ tình nhưng mộc mạc như khúc ca dao, kèm theo là tiếng
láy, tiếng đệm, tiếng đưa hơi đặc trưng của dân ca đã làm cho ca khúc bàng bạc
màu sắc gió nội hương đồng, gần gũi với tâm hồn công chúng Việt Nam. Yếu tố này
chúng ta thấy quán xuyên trong các ca khúc: "Duyên quê", "Mấy
nhịp cầu tre", "Gạo trắng trăng thanh"...Trong "Duyên quê":... dầm mưa dãi nắng (mà) em biết
yêu trăng đẹp ngày rằm... Một buồng cau trắng (mà) duyên đôi ta nên vợ thành
chồng... ...(mà) đôi chúng ta xây dựng đời này...Trong "Mấy nhịp cầu tre":... Cho chàng (là chàng)
làng bên ấy, Thương em (là em) thôn bên này... (hơ hơ hơ hơ hơ hơ) Cầu tre (tang
tịch tình tang)...Trong "Gạo trắng trăng thanh":... Sông dài (Long là)
Cửu Long v.v...- Mặc dù kiến thức âm nhạc cổ điển phương Tây đã được ông trau dồi
thấu đáo, (Từng học lớp harmonie (Hòa âm), fugue (Fuga), contrepoint (Đối vị),
orchestration (Dàn nhạc), instrumentation (Nhạc khí pháp) và direction
d'orchestre (Sáng tác giao hưởng) với École Universelle (Pháp). Năm 1956 đã
xuất bản sách: "Để sáng tác một bài nhạc phổ thông") nhưng trong ca
khúc viết về quê hương, dân tộc thì ông đã kế thừa vốn nhạc cổ truyền, không lệ
thuộc hoàn toàn vào cấu trúc hình thức âm nhạc phương Tây. Chẳng hạn trong phát
triển giai điệu âm nhạc, nhạc sĩ thường hay sử dụng điệu thứ tự nhiên; thủ pháp
nhắc lại âm hình, nhất là thủ pháp mô phỏng, nên tiết chế được chất liệu để tập
trung vào chủ đề, hình tượng âm nhạc đã đặt ra, tạo sự dễ nhớ, dễ hiểu cho
người nghe, như ca khúc "Chuyện tình cô lái đò bến Hạ", "Chuyện
tình người trinh nữ tên Thi", "Duyên quê" v.v...Dù ca khúc được cấu trúc bằng thể thức hai đoạn đơn, ba đoạn đơn
theo lý thuyết âm nhạc phương Tây nhưng hầu như không chú trọng đến tính tương
phản, đối tỉ giữa đoạn một và đoạn hai. Thủ pháp Hoàng Thi Thơ thường sử dụng
là điệp câu, điệp đoạn, hay với thủ pháp mô phỏng theo kiểu sự chuyển hệ thang
âm trong âm nhạc cổ truyền, và thường là chuyển lên quãng bốn, nên màu sắc dân
tộc rất đậm đà.Thủ pháp mô phỏng theo kiểu chuyển hệ này đã tạo nên một cấu trúc
hình thức xinh xắn trong bài "Chuyện tình cô lái đò bến Hạ": Câu 1 ở
bậc chủ là Rê, câu 2 mô phỏng lên một quãng bốn là Son.Âm nhạc chỉ bằng một đoạn 2 câu như thế nhưng tác giả đã chuyển
tải 6 lời ca mang nội dung khác nhau để kể về chuyện tình cô lái đò Bến Hạ.
Cách cấu trúc này gần với dân ca một làn điệu nhưng được hát nhiều lời khác
nhau. Thủ pháp này được tác giả sử dụng nhiều trong các ca khúc khác. Trong ca
khúc "Trăng rụng xuống cầu" sự mô phỏng lên quãng bốn không phải giữa
câu 1 và 2, mà giữa đoạn một và đoạn hai:Thủ
pháp chuyển hệ thang âm được sử dụng càng khéo léo hơn trong bài "Duyên
quê". Giọng chủ là Rê thứ tự nhiên nhưng giai điệu chỉ tiến hành trên trục
chính thang 5 âm: rê - fa - sol - la - đô (không có âm mi, âm sib chỉ
thêu ở thì yếu của phách):Qua đoạn II, xuất hiện hóa biểu mới của giọng sol trưởng (fa#),
nhưng thực tế không phải có sự chuyển điệu qua bậc IV trưởng, mà tác giả chỉ
chú trọng việc thay đổi màu sắc bằng đặc điểm quãng 3 trưởng đi xuống từ âm chủ
(rê - si bình - la...) thường thấy trong dân ca, nhất là dân ca Nam Bộ. v.v...- Ngoài hai yếu tố bổ trợ trên, việc vận dụng thang 5 âm trong dân
ca Việt Nam vào ca khúc mới, tác giả đã tạo nên sự gần gũi với nhạc ngữ dân
tộc. Bởi thang âm là yếu tố chủ yếu mang lại âm hưởng dân gian trong ca
khúc Hoàng Thi Thơ. Sự lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc dân tộc trong sáng tác những
năm 50 ở bối cảnh miền Nam quả thật là hiếm hoi. Nhưng trong số ít đó, không
như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ... ông đã khéo kết hợp,
lựa chọn, trang sức cho ca khúc mình những quãng đặc trưng trong thang 5 âm của
các điệu hò, điệu lý... Dù không hoàn toàn xây dựng trên thang 5 âm nhưng tác
giả khéo léo pha màu đậm hay nhạt khác nhau giữa thang âm bình quân phương Tây
và thang âm dân tộc.Trong ca khúc "Đám cưới trên đường quê" tác giả sử dụng
gần như chủ yếu là thang 5 âm: mi - son - la - si - rê. Âm bậc II: fa# chỉ
thoáng qua trong một motif vào cuối bài, còn âm đô - bậc VI thì hoàn toàn vắng
bóng.
Thí dụ 7.
Ca khúc "Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ", trong câu 1 (thí
dụ trước) hình thành trên thang 5 âm: rê - fa - son - la - si - rê. Qua câu
2 có chuyển hệ thang âm nên phát sinh thêm chỉ một âm với vai trò lướt thoáng qua
một lần: âm đô...... và kể cả trong bài "Trăng rụng xuống cầu" (thí dụ
trước). Đó là cách pha trộn màu sắc mà âm hưởng 5 âm vẫn là chủ đạo. Có thể
thấy cách thức trên trong ca khúc "Duyên quê", "Tình ca trên
lúa", "Gạo trắng trăng thanh" hoặc "Mấy nhịp cầu tre",
"Rước tình về với quê hương" sau đây:Ca khúc "Mấy nhịp cầu tre" được viết trên giọng Đô thứ
tự nhiên. Trong cả đoạn I, bậc VI (lab) không xuất hiện, bậc III (mib)
chỉ xuất hiện trước nhịp kết... Vì vậy, giai điệu chính hầu như được hình thành
trên thang 5 âm: Đô - rê - fa - son - sib:Tương tự như thế, ca khúc "Rước tình về với quê hương"
theo hóa biểu là giọng Son thứ, nhưng vắng mặt âm bậc VI (mib); âm
bậc II (la) cũng chỉ xuất hiện bằng âm lướt, nên trục âm chính vẫn nổi trội lên
chất liệu, màu sắc 5 âm: Son - sib - đô - rê - fa:Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác rất nhiều thể loại, kể cả những thể
loại mang tính nghệ thuật cao như Trường ca, Nhạc cảnh, Nhạc kịch, Nhạc múa và
Nhạc phim... nhưng sống mãi với thời gian, tồn tại lâu bền trong lòng công chúng
Việt Nam là thể loại ca khúc với dòng nhạc quê hương. Có một ai đó đã nhận xét:..."Ông như nhà nhiếp ảnh tài ba đã ghi nhận toàn vẹn khung cảnh sinh
hoạt đầy màu sắc, âm thanh và hồn tính của truyền thống dân tộc hiền hòa nhân
ái"... và, như một nhà văn, đồng hương, đồng tộc với nhạc sĩ đã nhận
xét: "... có lần nhân kỳ nghỉ hè về thăm làng, dự một buổi liên hoan
văn nghệ ngoài bãi cỏ trước đình làng. Đêm trăng sáng, gái trai làng vui vẻ vỗ
tay hát:Trong đêm trăng, tiếng chày khua. Ta hát vang
trong đêm trường mênh mang. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về..."Trong bối cảnh này, tôi bỗng nhận ra rằng bài Gạo trắng
trăng thanh này dễ thương lạ lùng. Khó có nhạc sĩ nào tìm được một giai điệu
thích hợp với tâm hồn mộc mạc của trai gái làng tôi hơn là những Gạo trắng
trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu, Duyên quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thuở ấy
nếu không có ông, không biết những người bạn trẻ của tôi ở làng Bích Khê sẽ hát
nhạc gì?" (Hoàng Phủ Ngọc Phan, (2000), 50 năm văn nghệ, http://www.hoangtocbichkhe.com/)Điểm xuyết qua một vài yếu tố góp phần làm cho một số ca khúc quê
hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đậm đà âm hưởng dân gian trên quan điểm âm nhạc
học. Dòng ca khúc đã đóng góp một màu sắc đặc trưng vào truyền thống, vào kho
tàng ca khúc Việt Nam. Hy vọng, sẽ có một chuyên khảo đầy đủ về sự nghiệp âm
nhạc của ông.
Một ca khúc do Tinh
Hoa xuất bản
|
Khai Trí xuất bản
năm 1956
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tân Nhân (2013), Hồi ký "Tân Nhân và Xa khơi",
Nxb Lao Động.
- Hoàng Phủ Ngọc Phan, (2000), 50 năm văn nghệ,
http://www.hoangtocbichkhe.com/
- Hoàng Thi Thơ (1956), Để sáng tác một bài nhạc phổ
thông, Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
- Du Tử Lê (2010), Hoàng Thi Thơ, xuất hiện như một cơn
lốc lớn, http://www.saungon.net/
- Du Tử Lê (2010), Hoàng Thi Thơ: Con beo gấm của những
vùng trời nghệ thuật khác, http://www.nguoiviet.com và http://www.saungon.net/.
- Nguyễn Xuân Hoa (2015), 70 năm - một dòng chảy văn học
nghệ thuật nối tiếp văn mạch của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, Tc.
Sông Hương, số 319/09-15.
- LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (2015), Kỷ yếu 70 năm Hội
Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (1945 - 2015), Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Vĩnh Phúc (2015), Sơ khảo về lịch sử hình thành dòng âm
nhạc mới ở Thừa Thiên Huế, Thông báo khoa học, Học viện Âm nhạc Huế, số 11.
- https://vi.wikipedia.org/
- www.hoangtocbichkhe.com/vanhoavannghe/.
- Nhớ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, www.tuoitre.vn/
- Hoàng Thi Thơ: Ông tiên còn vướng bụi trần, www.dactrung.com/.
- Tân nhạc Việt Nam - Rước tình về với quê hương,
https://dotchuoinon.com
- Hoàng Thi Thơ một nhạc sĩ tài hoa...
hoanghuuquyet.vnweblogs.com.
Vĩnh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét