Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Tổng quan về sự phát triển âm nhạc HuếXXXX

Tổng quan về
sự phát triển âm nhạc Huế

Tham luận tại Hội thảo "Vai trò của Văn học Nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế, nhìn lại và phát triển" do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức tháng 4/2012.
Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế có một chiều dài lịch sử hình thành và phát triển trên 700 năm, tính từ sự kiện công chúa Huyền Trân với hai châu Ô, Rí thuộc về Ðại Việt. Trong khoảng thời gian khá dài ấy, đặc biệt có gần 400 năm là thủ phủ của xứ Đàng Trong, cũng như là kinh đô chính thức và cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam (qua 9 đời chúa và 13 đời vua, kể cả 24 năm thuộc vương triều Tây Sơn).
Trên bình diện văn hóa cổ truyền, Huế đã tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa đặc sắc, tồn tại và phát triển đến hôm nay. Với chiều dài thời gian trên, riêng vương triều nhà Nguyễn đủ để tạo dựng ở vùng Thuận Hóa - Huế này một chiều sâu văn hóa độc đáo, cá biệt mà những di sản để lại hầu như còn nguyên vẹn với các hình thái vật thể và phi vật thể. Nhiều ý kiến khẳng định: "triều Nguyễn đã để lại cho lịch sử một di sản văn hóa khổng lồ... Riêng số lượng sách được viết ra trong 2/3 thế kỷ XIX nhiều hơn sách của 300 năm trước đó cộng lại..." [1] Di sản văn hóa này, là trí tuệ, là thành quả của cả cộng đồng cư dân bản địa, là sự hội tụ nhân tài, vật lực của cả một quốc gia... là quá trình tinh chế vốn văn hóa dân gian có nguồn gốc từ cội nguồn văn hóa dân tộc Việt hỗn dung với văn hóa bản địa... đã hòa nhập vào tổng thể của nền văn hóa Việt Nam, trong đó có âm nhạc.
Tham luận có tiêu đề do BTC Hội thảo đề xuất là "Tổng quan sự phát triển âm nhạc Huế". Tuy nhiên nội dung tham luận không có tham vọng đúc kết lịch trình phát triển của âm nhạc Huế, mà chỉ tập trung vào một số đặc điểm tiêu biểu trong quá trình phát triển của một số thể loại tiêu biểu, đặc trưng của âm nhạc Huế trong hai lĩnh vực âm nhạc cổ truyền và âm nhạc mới.
***
I. VỀ ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN
Trong Nhạc hội Ca nhạc Huế lần thứ nhất được tổ chức tại Huế năm 1977, cố Giáo sư, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã khẳng định: "Trong toàn bộ vốn ca nhạc cổ truyền của dân tộc, một kho tàng quý báu vô giá là nền nghệ thuật ca nhạc Huế"... "Nghệ thuật ca nhạc Huế là một cột mốc lớn đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn hóa dân tộc" và "đồng thời là một cơ sở xuất phát cho những làn sóng ca nhạc rộng lớn tràn khắp châu thổ sông Cửu Long đến mũi Cà Mau, cũng như ngược dòng Nam tiến ảnh hưởng trở lại nơi địa bàn chôn rau cắt rốn của dân tộc là vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả và miền trung du Bắc Bộ".
Vậy kho tàng quý báu vô giá đó gồm những loại thể nào trong nền nghệ thuật ca nhạc cổ truyền Huế.
Cũng như trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, âm nhạc cổ truyền Huế gồm hai thành phần: Cổ truyền dân gian và cổ truyền chuyên nghiệp. Thành phần cổ truyền dân gian bao gồm các thể loại tiêu biểu khu vực đồng bằng và miền núi như Hò, Vè, Lý, hát ru con, hát Hầu văn, Sắc bùa, ngâm thơ...của người Kinh và Cha chấp, Ca lơi... của các dân tộc thiếu số Tà Ôi, Cơ tu. Thành phần cổ truyền chuyên nghiệp bao gồm: Ca Huế (còn gọi là nhạc cổ thính phòng Huế, Ca đàn Huế hoặc Ca nhạc Huế) và âm nhạc cung đình Huế.
Văn hóa dân gian, âm nhạc cổ truyền xứ Huế đều xuất phát từ cái nôi của văn hóa Đại Việt nhưng điều khiến cho âm nhạc Huế mang nét đặc trưng, khu biệt là do yếu tố ngữ điệu của hệ tiếng Huế đã tác động vào đường nét giai điệu mang âm hưởng của điệu nam hơi ai trong các làn điệu dân ca, dân nhạc. Sau đây xin lược và điểm qua một số thể loại âm nhạc cổ truyền Huế mang tính đặc trưng và tiêu biểu nhất.
1. Cổ truyền dân gian
1.1 Hò
Hò không phải là thể loại tiêu biểu chỉ của xứ Huế, mà trong bước đường Nam tiến đến Thuận Hóa, hành trang tinh thần của những người lưu dân mang theo đến vùng đất mới là vốn liếng văn hóa cổ truyền dân gian cội nguồn từ quê hương của xứ Đàng Ngoài. Các điệu hò thường gắn với sinh hoạt, nhịp điệu lao động cụ thể của từng công việc. Hò đến Thuận Hóa đã phát sinh, phát triển khác đi theo hoàn cảnh địa lý, điều kiện thổ nhưỡng... Huế có rất nhiều điệu hò khác nhau gắn với hầu hết mọi hoạt động của con người: từ các công việc lao động trên cạn, dưới nước; từ việc ru em, các trò chơi; từ những cuộc hát giao duyên hoặc hò trong các nghi lễ.
Tiêu biểu, đặc sắc nhất trong hò Huế là điệu hò Mái nhì, gắn với dòng sông Hương êm đềm, thơ mộng nên nhịp điệu lao động đặc trưng của thể loại hò đã không còn. Mặc dù đều là điệu hò sông nước nhưng Mái nhì khác với điệu hò sông Mã của xứ Thanh, hò Chèo thuyền của Thái Bình...Nét độc đáo của hò Mái nhì ngoài ra còn được phát hiện trong đường nét giai điệu. Đó là yếu tố thang âm mà Gs. Trần Văn Khê đề xuất trong trong luận án tiến sĩ của mình, là thang âm Pelog (Indonesia) gần gũi với thang âm hò Mái nhì...Gs. Tô Vũ nhận xét: "cũng là một loại thang âm rất gần so với chuổi âm có thể thấy ở một loại kèn trong âm nhạc Chăm"...Hò mái nhì từ trung tâm Thuận Hóa lan tỏa vào Nam Bộ đã tạo nên dáng vẻ, cốt cách của điệu hò Đồng Tháp.
1.2 Lý
Từ một thể hát trong âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ trút bỏ yếu tố giao duyên đối đáp, hội hè, đã phát sinh và phát triển ở Thuận Hóa một thể loại mang tính tâm tình, nỗi niềm riêng tư, không có môi trường diễn xướng cụ thể là thể Lý. Lý Huế là một thể hát giàu tính nghệ thuật, đặc sắc về giai điệu, phong phú về bài bản, sang trọng về tên gọi.... đã làm cho thể Lý ở Huế không những nhiều mà trở nên mang tính chuyên nghiệp như các điệu Lý: Lý giang nam, Lý hoài xuân, Lý hoài nam, Lý vọng phu, Lý dạ khúc, Lý tử vi, Lý tiểu khúc, v.v....Vì vậy, trong âm nhạc cổ truyền Huế, Lý là một gạch nối giữa hai thành phần cổ truyền dân gian và cổ truyền chuyên nghiệp.
Với đặc tính nghệ thuật của thể loại, một thời Lý đã tác động trở lại với cội nguồn miền Bắc với tên gọi Ca lý, Lý Kinh trong những năm đầu thế kỷ XX. Rõ nhất là trong khối giọng Vặt (còn gọi là giọng ngoại) của hát Quan họ để đáp ứng nhu cầu về bài bản để "đối giọng" trong các cuộc hát thi. Đặc biệt là các ấn phẩm "Bài hát Năm canh", "Lý Giao duyên Vọng phu" xuất bản tại Phúc An Hiệu tại Hà Nội năm 1929.
Hướng lan tỏa của Lý Huế vào vùng châu thổ sông Cửu Long theo bước chân của những người lưu dân cấy vào vùng đất mới tỏ ra hợp với "thổ nhưỡng" nên đã phát triển mạnh mẽ và phong phú hơn nhiều so với cội nguồn thứ hai của nó là Thuận Hóa. Điều này được Gs. Tô Vũ xác định "Âm nhạc Nam Bộ, là sự kế thừa truyền thống người Việt từ cái nôi châu thổ sông Hồng, qua chuyển giao ở một khâu trung gian là âm nhạc miền Ngũ Quảng, với trung tâm là Thừa Thiên Huế" [2]
2. Cổ truyền chuyên nghiệp
Trong âm nhạc cổ truyền Huế, Ca Huế và Âm nhạc cung đình thuộc thành phần cổ truyền chuyên nghiệp.
2.1 Ca Huế
Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh,thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế. Ở đây chúng tôi chỉ xét trên phương diện cái tương đồng; ít nhất là trong lối chơi: văn chương, tri âm tri kỷ, sự trau chuốt của giọng hát, ngón đàn: đàn Nam cầm và đàn Đáy; không gian sinh hoạt: nhạc phòng - tư thất, dinh phủ; v.v...
Ca huế thuộc loại âm nhạc cổ điển thính phòng, bao gồm cả nhạc Hát và nhạc Đàn, với cả một hệ thống bài bản cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi một kỹ năng diễn tấu điêu luyện của cả ca công và nhạc công. Đây là một bộ phận âm nhạc đặc sắc có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự đậm đà bản sắc Huế, mà còn in đậm dấu ấn hội tụ và lan tỏa trong lịch sử âm nhạc dân tộc.
Ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm ngữ điệu của giọng nói Xứ Huế, hoặc nói một cách khác mang tính hệ quả là do mối quan hệ gắn bó với nền âm nhạc dân gian - dân ca xứ Huế. Đây là một đặc điểm trong tiến trình phát triển của Ca Huế và cũng là một đặc điểm của nền âm nhạc cổ truyền xứ Huế; nơi mà hai thành phần âm nhạc chuyên nghiệp (nhạc Cung đình, Ca Huế), thành phần dân gian (dân ca : Hò, lý...) thường xuyên tác động qua lại, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau.
Cũng như Lý Huế, Ca Huế dù mang rõ nét tính chất đặc thù địa phương nhưng nó đã không chỉ bó hẹp trong một xứ Huế. Ngoài yếu tố đặc thù và một số đặc điểm vốn có của mọi thể loại nhạc cổ truyền thì nghệ thuật Ca Huế vẫn là khởi nguyên từ văn hóa nghệ thuật cội nguồn Thăng Long, hội tụ từ truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc. Vì vậy trong giai đoạn thịnh đạt đã lan tỏa trở lại với cội nguồn, thâm nhập và trở thành một thành phần tương hợp trong hầu hết dân ca vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Chẳng hạn: hơi Huế, giọng Lý, giọng Kinh ở khối giọng Vặt, giọng Ngoại trong hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Chèo v.v... Các ấn phẩm tại Hà Nội thời kỳ này cho biết Ca Huế được giới cầm ca Hà thành gọi là "Ca lý". Tuyển tập lời hát các điệu Ca Huế như "Các bài Ca lý" xuất bản tại Phúc An hiệu, Hà Nội năm 1927 được giới thiệu 9 điệu Ca Huế tiêu biểu: Cổ bản (3 bài), Lưu thủy, Hành vân, Nam ai (2 bài), Nam thương, Nam bình, Tứ đại cảnh, Vọng phu và Giao duyên. Qua việc in ấn, kinh doanh, chứng tỏ sự lan tỏa trở lại với cội nguồn của Ca Huế đối với Thăng Long – Đông Đô giai đoạn này là khá sâu rộng.
Hướng phát triển về phía Nam của Ca Huế thì rõ ràng đã sản sinh ra lối nhạc tài tử như nhà nghiên cứu Gs. Trần Văn Khê nhận xét: "lối "nhạc tài tử" trong Nam là con đẻ của lối "ca Huế" miền Trung"...
Tư liệu về bài bản Ca Huế, ông Hoàng Yến đã sáng tạo ra một lối ký âm riêng để ghi lại khá đầy đủ các bài bản và đăng trong tập san B.A.V.H năm 1919. Sau đó, đã được ông E. Le Bris chuyển dịch lại một phần qua lối ký âm phương Tây. [3] "Dạy hát tiếng Nam" của Nguyễn Trung Phán và Nguyễn Trung Nghệ là một tập sách hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết để học hát các làn điệu dân ca và Ca Huế, được in tại nhà in Tiếng Dân, Huế năm 1929.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, cho đến nay Ca Huế vẫn đã và đang trở thành một loại hình sinh hoạt âm nhạc chuyên nghiệp với số lượng bài bản, làn điệu rất phong phú và phương thức diễn xướng đa dạng.
2.2 Âm nhạc cung đình
Vương triều nhà Nguyễn từ khi mới lập nghiệp ở phương Nam đã sớm biết sử dụng nghệ thuật âm nhạc để "di dưỡng tinh thần" và để biện chính cho sự nghiệp bá vương của mình trong thế đối lập với nhà Trịnh ở Đàng Ngoài. Ngay từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đã lập ra Hòa Thanh thự luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh thự gồm 3 đội... Đội Nhất và đội Ba trông coi về nhạc, đội Nhì trông coi về ca và vũ.[4] Cố nhiên, đây chưa phải là Nhã nhạc, nhưng đã tạo dựng nền tảng nghệ thuật chuyên nghiệp, làm tiền đề cho âm nhạc cung đình các vương triều sau.
Ngay dưới thời Quang Trung vương triều Tây Sơn, từ kinh thành Phú Xuân đã có dàn An Nam quốc nhạc của cung đình Tây Sơn sang Tàu biểu diễn cho hoàng đế nhà Thanh nghe nhân dịp lễ thượng thọ 80 tuổi.. Dàn nhạc có biên chế nhạc cụ gần giống với dàn nhã nhạc triều Nguyễn về sau. Đặc biệt, Đại Việt quốc thư còn cho biết đội Nhã nhạc gồm cả ca công đã biểu diễn 10 bài Từ khúc (nhạc phủ từ khúc thập điệu). Rất có thể đây chính là liên khúc 10 bản "Thập thủ liên hoàn", thường gọi là 10 bản Tàu... phổ biến trong nhã nhạc cung đình Huế thời Nguyễn...
Sang thế kỷ XIX, dưới các triều vua nhà Nguyễn, các loại hình nghệ thuật cung đình mới thực sự phát triển theo mô thức, quy phạm của Nhà nước Phong kiến. Ngay từ khi Gia Long lên ngôi (1802) mặc dù còn bận sắp đặt lại chính quyền trong nước, chỉnh đốn lại sinh hoạt cho nhân dân nhưng không vì thế mà ít quan tâm đến âm nhạc. Nhiều sử liệu cho biết vua Gia Long đã cho thành lập hai đội Tiểu nam và Tiểu hầu chuyên trông coi về nhạc và luyện tập múa hát trong cung. Năm Gia Long thứ ba, hai đội này được hợp nhất lại dưới tên Việt tương đội.
Thời Minh Mạng càng được phát triển quy mô hơn với Duyệt Thị Đường, nhà hát đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trong cung; Thanh Bình Thự,[5] một cơ quan quản lý nghệ thuật và huấn luyện nghệ nhân ca, múa, nhạc cung đình được thành lập... Sử liệu còn cho biết chính vua Minh Mạng đã bàn về vấn đề cắt đặt lễ nhạc, chế tác bát âm.
Đây là giai đoạn cực thịnh của nghệ thuật cung đình triều Nguyễn. Những nghi thức, lễ lạc của một nhà nước phong kiến được bộc lộ đầy đủ nhất, đã chi phối toàn bộ sự phát triển của các loại hình nghệ thuật cung đình. Các tổ chức âm nhạc từ thời kỳ đầu các chúa Nguyễn, đều được các đời chúa đời vua nhà Nguyễn sau này duy trì, kế thừa và phát triển ngày càng quy mô, hoàn chỉnh hơn. Âm nhạc cung đình hình thành ba thể loại lớn là Nhạc lễ cung đình, Múa cung đình, và Tuồng cung đình.
- Nhạc lễ cung đình: Triều Nguyễn quy định 7 loại nhạc dùng trong các cuộc tế lễ chính như Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc và Cung trung nhạc. Trong từng loại nhạc cũng được quy định nghiêm ngặt về thiết chế dàn nhạc, Nhạc chương cũng như từng điệu múa được diễn tấu, diễn xướng trong từng lễ thức.
- Nhạc chương là khúc hát trong các loại nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, được viết bằng chữ Hán. Trong Giao nhạc, kể cả Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc... nếu không muốn nói Nhạc chương là linh hồn của cuộc lễ, thì cũng phải thừa nhận chúng là nơi chứa đựng và chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của từng lễ thức. Trong mỗi loại nhạc đều được quy định một hệ thống Nhạc chương với bài bản riêng, mà nội dung của mỗi bài đều phải ứng với nội dung của mỗi lễ thức được sắp xếp theo trình tự cuộc lễ. Nhạc chương là một thành tố quan trọng trong các Đại lễ cung đình triều Nguyễn. Nhạc và Lễ gắn bó như hình và bóng, không những chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của cuộc lễ, mà còn tạo ra nhịp điệu cho tiến trình bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành tố. Nhạc lễ nói chung, Nhạc chương nói riêng, với chức thể đặc hữu, đã gắn kết các thành tố cuộc lễ thành một tổng thể nguyên hợp mang tính sân khấu hóa cao. Toàn bộ hệ thống Nhạc chương gồm 126 chi chương đặt trong 10 tổ hợp chương mang 10 chữ sau: Hòa, Thành, Bình, Phong, Thọ, Huy, Văn, Phúc, Hy, Khánh.
- Hệ thống dàn nhạc và nhạc khí cung đình triều Nguyễn phát triển phong phú hơn nhiều so với các thế kỷ trước như: Nhã nhạc, Nhạc huyền, Đại nhạc, Ti trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty kỳ cổ, Tiểu nhạc, dàn nhạc Thiều cũng như các loại dàn nhạc khác như: Dàn nhạc kèn Tây của vua Khải Định, dàn nhạc Tuồng cung đình, dàn nhạc thính phòng Huế... Trong những dàn nhạc thời kỳ này, nhiều nhạc cụ gần như bị bỏ quên trong những thế kỷ trước đã được chế tác và lại được xuất hiện trong dàn nhạc Huyền, Ty chung, Ty Khánh... như: Biên chung, Biên khánh, Huân, Trì, Chúc, Ngữ, Thược, đàn cầm, đàn Sắt...
Hệ thống Nhã nhạc triều Nguyễn là sự thể hiện đầy đủ các quy tắc quy phạm của thể chế Nhã nhạc, bằng sự kế thừa, thực hiện và hoàn thiện hơn những nguyên tắc mà các triều đại đi trước không hoặc chưa thực hiện đầy đủ. Đó là thiết chế Bát âm (Kim, thạch, ty, trúc, cách, bào, mộc, thổ) gồm các dàn nhạc, múa Bát dật và Nhạc chương. Hệ thống này có lúc được tổng hợp thành một tổ hợp dàn nhạc mang tính chất quốc nhạc, dù tinh gọn hơn nhưng vẫn hội tụ đầy đủ thiết chế của Nhã nhạc, là dàn nhạc Thiều, dùng trong các lễ lớn của triều đình.
- Múa cung đình: Trong các thể loại âm nhạc cung đình, Tuồng, đặc biệt được các vua chúa quan tâm, nhưng dù sao vẫn là do nhu cầu tiêu khiển, như một lạc thú trong hoàng cung; còn Múa cung đình, thì một phần lớn lại gắn với tế lễ, triều nghi. Điệu múa Bát dật chẳng hạn, nó là một thành phần trong Nhã nhạc. Do vậy, Múa cung đình không đơn thuần là hát múa giải trí mà là một thể chế của lễ nhạc. Múa cung đình triều Nguyễn bao gồm 11 điệu được cải biên lại, hoặc biên soạn bởi Đào Duy Từ và viện Hàn lâm thời Minh Mạng sau đây:
Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Đấu chiến thắng Phật, Tứ linh (là một tổ hợp múa gồm 3 khúc sau: Song phụng, Lân mẫu xuất lân nhi, Long Hổ hội), Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến (múa quạt), Tam quốc - Tây du và Lục tiệt hoa mã đăng. Mỗi điệu múa đều có nhiều khúc hát khác nhau với ca từ bằng chữ Hán.
- Tuồng cung đình: Tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát tích rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc. Sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Tuồng dưới triều đại nhà Nguyễn, mà giai đoạn cực thịnh là thời Tự Đức - Thành Thái, đã nâng nghệ thuật Tuồng vốn còn mang nhiều tính dân gian trước đó lên thành một nghệ thuật dân tộc hoàn thiện cả về mặt kịch bản văn học và biểu diễn sân khấu, tạo dựng được một phong cách riêng, nâng Huế thành một trung tâm hát Tuồng của Việt Nam thế kỷ XIX. Cũng vì thế mà đã có lúc làm lu mờ cội nguồn, gốc tích xuất phát của Tuồng, như nhận xét của học giả Đông Châu: "Xét ra nước ta khởi điểm có lối hát Tuồng là từ đời nhà Lý, mà cũng tự trong Kinh, Quảng khởi xướng lên trước cho nên giọng hát phải theo giọng Kinh"...[6]và trong bài Khảo về hát Tuồng và hát Chèo, cụ Nguyễn Thúc Khiêm lại khẳng định: "Hát Tuồng nguyên là giọng Huế, hát Chèo nguyên là giọng Bắc Kỳ..." [7]
Hệ thống Tuồng cung đình Huế với tính chất cổ điển, bác học bởi sự quy phạm, mẫu mực... đã làm cơ sở phát sinh nhiều thể loại như Tuồng Sĩ phu, Tuồng Đồ phổ biến trong nhân dân, mà theo các nhà nghiên cứu thì Tuồng Đồ chỉ có từ Huế trở vào. Đặc biệt, cung đình Huế còn sáng tạo một nghệ thuật xây dựng Tuồng trường thiên với một bố cục chặt chẽ, khéo léo như dạng kết cấu tiểu thuyết chương, hồi của Trung Hoa. Có vở dài trên 100 hồi so với loại Tuồng cổ chỉ có 3 hồi. Ban Hiệu thư do vua Tự  Đức chỉ đạo, đã tập trung ngót vài chục nhà soạn Tuồng nổi tiếng đương thời để soạn hàng chục vở Tuồng phục vụ cung đình, riêng Đào Tấn cũng đã trên dưới 20 vở danh tiếng. Đạm Phương nữ sử từ năm 1923 cho biết : "Vì diễn kịch trong Nội đình có khi 10 ngày nửa tháng mà chưa xong một lễ khánh tiết, thời bản Tuồng phải thay đổi luôn, các nhà văn nhơn mặc khách tranh nhau đặt Tuồng ngót có trăm pho..." [8]
Một thành tựu nữa của Tuồng cung đình Huế về mặt âm nhạc, là điệu hát và điệu kèn Nam ai, một trong các làn điệu chính của Tuồng mà có thể được thâm nhập từ thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, định hình trong Tuồng cung đình, sau đó tác động trở lại miền Bắc. Theo nhạc sĩ Lê Yên thì thang âm cổ của miền Bắc Việt Nam (trong Chèo, trong Dân ca của người Kinh) thuộc về hơi Bắc trong Tuồng. Sau này, cùng với sự phát triển của người Việt về miền Trung và miền Nam, nhạc Tuồng được bổ sung thêm một thang âm độc đáo, đó là thang âm của điệu Nam ai thuộc về điệu thức Chàm.
II. VỀ ÂM NHẠC MỚI
- Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX âm nhạc phương Tây tràn vào Việt Nam ngày càng ồ ạt, mạnh mẽ. Đặc biệt ở Huế, nơi có Tòa Khâm sứ Pháp với số đông quan chức và binh lính Pháp, với hệ thống nhà thờ Công giáo, dòng tu, chủng viện. Bên cạnh dòng nhạc cổ truyền Huế lại tồn tại thêm một phường nhạc Tây dưới dạng những dàn kèn đồng, như dàn kèn hơi quân đội của Tòa khâm sứ Pháp ở Huế (1918), dàn kèn hơi cung đình triều Nguyễn dưới thời vua Khải Định (1919) và dàn kèn đồng của lính Khố xanh Huế (1920). Chưa kể các đội kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi chầu, buổi lễ...
Những dàn nhạc kèn hơi ở Huế được đào luyện có trình độ nghệ thuật khá, nên thường được chọn đi biểu diễn ở các đô thị lớn: Biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội (1922), biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt (1930), biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế tại Paris (1931) và biểu diễn thường xuyên vào các chiều chủ nhật tại Nhà Kèn trước tòa Khâm sứ tại Huế. Các tác phẩm được dàn kèn hơi diễn tấu là nhạc nhẹ và cổ điển châu Âu.
- Những năm cuối thập niên 30, phong trào cổ súy cho nhạc ‘cải cách" (thay thế cho phong trào "hát bài ta theo điệu Tây") diễn ra sôi nổi trên toàn quốc. Ở Huế một số bài hát mới ra đời như sự đánh dấu của giai đoạn Tân nhạc Việt Nam là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với các bài Trên sông Hương, Bướm hoa, Đêm đông...Văn Giảng (tức Thông Đạt) với Đêm Mê Linh, Ai về sông Tương...uếHuee
- Năm 1944, nhà xuất bản Tinh Hoa Huế được xem là nhà xuất bản chuyên nghiệp đầu tiên in và phổ biến các bài hát mới của các nhạc sĩ Việt Nam phát hành trên "toàn cõi Đông Dương" như Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Thương, Hoàng Trọng, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, La Hối, Hoàng Giác...
- Cũng từ đây, ngày càng nhiều các ca khúc được viết về Huế, về sông Hương núi Ngự của các nhạc sĩ trong cả nước. Đặc biệt là các ca khúc đã sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng bắng những cảm xúc và những phương tiện biểu hiện mới hơn, như nhà văn Sơn Nam đã từng ví von về những ca khúc của Trịnh Công Sơn, là "điệu hát Nam ai...hiện đại của người ven biển Đông". Đó là các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Văn Cao, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Trần Đại Mỹ, Lê Hữu Mục... Cùng với sự phát triển của phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam, ở Huế lại xuất hiện một dạng tình khúc tranh đấu của Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phước Quỳnh Đệ, Nguyễn Phú Yên, cũng như một khối lượng không kém đồ sộ các ca khúc của thế hệ nhạc sĩ sau năm 1975. Với hàng trăm ca khúc sáng tác về Huế, mang âm hưởng Huế đã tạo ra một hiện tượng hiếm thấy trong kho tàng ca khúc Việt Nam.
- Ngoài nhà xuất bản Tinh Hoa, các cơ sở hoạt động âm nhạc góp phần cho sự phát triển âm nhạc Huế phải kể đến là sự ra đời Tỳ Bà Trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba năm 1949 với mục đích "góp sức xây dựng một nền nhạc Việt bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền". Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Huế thành lập năm 1962, hiện nay là Học viện âm nhạc Huế là nơi đào tạo một cách chính quy về biểu diễn, sáng tác, phê bình âm nhạc cổ điển châu Âu cũng như âm nhạc truyền thống Việt Nam.
- Nếu cuối những năm 30 Thái Thị Lang - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn piano ở Nhạc viện Paris năm 1935 - sử dụng một số làn điệu ca nhạc truyền thống Huế như Lý ngựa ô, Hành vân, Bình bán đưa vào tiểu phẩm piano đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển của âm nhạc mới tại Huế và nhạc mới về Huế, thi cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI các âm điệu, làn điệu cổ truyền Huế được sử dụng trong các thể tài âm nhạc lớn là giao hưởng, như "Hương giang ngày về" của nhạc sĩ Việt Đức, "Ký ức Cố đô" của nhạc sĩ Vĩnh Phúc...
Hiện nay Huế có một Chi hội nhạc sĩ Việt Nam, một Hội âm nhạc nằm trong Liên hiệp các hội VHNT Tỉnh với đầy đủ các ngành: Biểu diễn, sáng tác, lý luận...hy vọng có một công trình sưu tập, tổng kết về lịch sử âm nhạc Huế một cách đầy đủ từ quá khứ đến đương thời.
Chú thích:
[1] - Nguyễn Phan Quang: Triều Nguyễn và xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Thông báo khoa học số 3, Chương trình nghiên cứu triều Nguyễn, trường Đại học Sư phạm Huế, 1994
[2] - Tô Vũ. Âm nhạc cổ truyền Nam Bộ. Tc VHNT số 3/1996.
[3] - E. Le Bris : Musique Annamite airs Traditionnels. Extrait du Bulletin Des Amis du Vieux Húe, Octobre - Novembre 1922. Các trang từ 28 trở đi.
[4] - Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam .Nxb Hoa Lư, Sài Gòn, 1968, tr. 442.
[5] - Thanh Bình Thự hiện toạ lạc tại đường Chi Lăng, Phường Phú Cát, TP. Huế. Hằng năm Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế tổ chức lễ giổ Tổ ngành hát Tuồng vào ngày 16 tháng 3 và 16 tháng 7 âm lịch.
[6] - Đông Châu. Tồn cổ lục, Tạp chí Nam Phong, sô 30-1919, tr. 523
[7] - Tạp chí Nam Phong, số 144 - 1929
[8] - Lược khảo về Tuồng hát An Nam. Tạp chí Nam Phong, số năm 1923. 
Tieu su nhac si Hue xưa: http://www.hoivanhoavn.org.uk/.
Vĩnh Phúc
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...