Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Phú Quốc: Đảo ngọc, biên hải, trấn ngự cõi trời Nam

Phú Quốc: Đảo ngọc,
biên hải, trấn ngự cõi trời Nam

1. Phú Quốc, rừng vàng
Trước khi đến Phú Quốc, tôi biết sự giàu có hàng đầu của Phú Quốc phải kể đến là hồ tiêu, hạt điều, nước nắm, ngọc trai, đồi mồi,... Tôi cũng đã đến thăm một số cơ sở nuôi trồng, chế biến các đặc sản này và mỗi nơi đều để lại những điều thích thú. Nhưng các chuyện đó sẽ nói vào dịp khác.
Vì ấn tượng nhất đối với tôi lần đầu đặt chân lên Phú Quốc lại là rừng. Hôm chúng tôi đến đã là cuối thu, nhưng ở đây không hề có "sắc đâu nhuộm quan hà", trái lại, đi nam đảo hay bắc đảo đều thấy một màu xanh ngút ngàn: vườn xanh, sông xanh, biển xanh và đặc biệt là rừng xanh. Rừng chiếm ¾ diện tích, trong đó rừng nguyên sinh là chủ yếu. Rừng có mặt ở khắp nơi nhưng tập trung ở phía bắc. Đảo Phú Quốc trông như một củ khoai đầu to đầu nhỏ, đầu to là bắc đảo và rừng nguyên sinh trùm lên gần như toàn bộ miền này. Rừng nguyên sinh ở đây thật kỳ thú. Đang ở ngoài trời nắng nóng như đổ lửa, đi vào rừng bỗng như đi vào phòng có máy lạnh. Tính chất "nguyên sinh" của rừng rất rõ rệt với chim ca đủ giọng, với những cây cổ thụ dây leo chằng chịt và hàng chục loài thực vật khác sống nhờ trên thân nó. Đặc biệt, rừng khá bằng phẳng và có những con đường mòn đi sâu vào tim rừng khiến ta có cảm giác nó không hẳn là rừng rậm nhiệt đới (rain forest) mà có gì đó hơi giống các khu rừng ôn đới bên châu Âu.
Các sách địa chí xưa khi nhắc đến Phú Quốc đều nhấn mạnh sự giàu có của đảo này về sản vật rừng. Trong Xiêm La quốc lộ trình tập lục (một cuốn sách miêu tả các con đường ở Xiêm và các con đường từ Việt Nam sang Xiêm, 1810) của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu, miêu tả Phú Quốc "nhiều trâu rừng, dân cư đông đúc, chuyên đi lấy huyền thạch, trầm hương, tổ ong, hải sâm, các thứ mây thủy đằng, thiết đằng, long đằng và làm các nghề đánh cá, nước mắm". Còn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820) thì viết: "Không có hổ báo, nhiều lợn rừng, trâu rừng, hươu nai, yến sào, mây, gỗ tốt, đồi mồi, hải sâm, quế hương (...); núi có huyền phách là tinh đá đen sáng óng ánh như sơn, tiện làm hạt đeo, có hột đường kính ba tấc, có thể khắc làm các thứ hộp dầu, chén đĩa, rất quý giá...".
Ngày nay, do Phú Quốc còn nhiều rừng nên đâu đâu cũng có nước ngọt, kể cả đào giếng sát mé biển vẫn có nước ngọt. Chỉ riêng về nước ngọt, Phú Quốc đã xứng đáng là một hòn đảo giàu có, nếu biết rằng cả dải duyên hải Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu nước ngọt khó khăn và ngày càng có nguy cơ cạn kiệt bởi sự nhiễm phèn mặn và sự khai thác vô độ của con người. Còn nếu so sánh với Singapore, đảo quốc không có nước ngọt, nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước mưa, phần còn lại phải mua của Malaysia hoặc tái chế, thì Phú Quốc là kho trời vô giá về nước ngọt mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam.
Vườn quốc gia trên xã Gành Dầu
(Ảnh: Đào Tiến Thi)
2. Phú Quốc, bước chân Nam tiến xa nhất của người Việt về phía tây nam
Thật khó biết người Việt nào đầu tiên đã "mang gươm đi mở cõi" ở Phú Quốc. Ghi chép sớm nhất về Phú Quốc có lẽ là trong Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên (1759 - 1824). Khi kê khai lý lịch của mình, địa danh Phú Quốc được ông nhắc đến trong trận đánh tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), trận này Nguyễn Ánh thua to quân Tây Sơn, phải trốn ra Phú Quốc. Đảo hồi đó đã đông dân rồi. Có lẽ người Việt đã đến Phú Quốc khai phá ít nhất từ đầu thế kỷ XVIII.
Còn trước khi người Việt đến đây, hòn đảo này cũng như đất Nam Bộ nói chung thuộc đất Thủy Chân Lạp. Và trước khi đất này thuộc về người Chân Lạp, chủ nhân của nó là người Phù Nam. Đế quốc Phù Nam, theo các nhà sử học, do những người gốc Ấn Độ lập nên vào giữa thế kỷ I, hưng thịnh ở thế kỷ III, suy tàn từ giữa thế kỷ VI và biến mất vào đầu thế kỷ VII. Đế quốc Chân Lạp (Khmer) sau khi thắng đế quốc Phù Nam, đã chiếm hữu vùng đất rộng lớn này nhưng người Chân Lạp chỉ sinh sống trên một vài vùng đất cao và họ thiết lập chủ quyền ở đây một cách lỏng lẻo. Có lẽ vì đất Bộ Chân Lạp (tương đương Campuchia ngày nay) – đất gốc của họ – hồi ấy đã quá màu mỡ và rộng rãi, cho nên miền Thủy Chân Lạp với rừng rậm đầm lầy lại đầy thú dữ, không đáng để họ quan tâm? Vả lại, trong suốt các thế kỷ XVII, XVIII, nhà nước Chân Lạp suy yếu, các vua chúa vừa lo đối phó với các cuộc xâm lược của người Xiêm, vừa mải tranh giành ngôi báu, vùng đất này gần như đã nằm ngoài khả năng quản lý của họ.
Vì thế, từ đầu thế kỷ XVII, người Việt và tiếp theo là những người Hoa tỵ nạn dưới sự bảo trợ của các các chúa Nguyễn Đàng Trong, đã tiến vào khai phá vùng lưu vực sông Đồng Nai (Đông Nam Bộ), rồi dần dần tiến sang phía tây (Tây Nam Bộ). Và miền đất Hà Tiên – Phú Quốc do Mạc Cửu (1655 – 1735, người Quảng Đông, Trung Quốc) chiêu mộ dân mà lập nên. Có lẽ chính Mạc Cửu đã đổi tên đảo Koh Tral (tiếng Khmer) thành Phú Quốc (vùng đất giàu có)? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề ở bài viết về Hà Tiên.
3. Phú Quốc, biên hải, tiền tiêu của Tổ quốc
Phú Quốc nằm cách TP. Rạch Giá 120km và cách TX. Hà Tiên 45km, là nơi xa xôi nhất của lãnh thổ Việt Nam về phía tây nam.
Phú Quốc từ xa xưa cho đến tận bây giờ là nơi dung thân cho những lưu dân với muôn vàn tình cảnh khác nhau, đồng thời cũng là nơi nương náu của các bậc anh hùng lỡ vận nhưng vẫn nuôi chí lớn. Cũng đảo này, dân ta cũng thường xuyên phải đương đầu với quân xâm lược Xiêm tràn sang cướp bóc. Và chính ở nơi đây, tuy đã thất thế (6-1868), Nguyễn Trung Trực vẫn lập căn cứ chống Pháp, hy vọng kháng chiến lâu dài. Thực dân Pháp nhận ra điều nguy hiểm này cho chúng nên đã tập trung một binh lực lớn để bao vây tiêu diệt. Nhưng tinh thần của người anh hùng thì lại bất diệt với câu nói mà nay được treo ngay trên điện thờ trong ngôi đình mang tên ông trên đảo Phú Quốc: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây".
Tuy nhiên, với một hải đảo xa xôi và hoang vu như Phú Quốc thì nạn hải tặc có lẽ còn thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn cả ngoại xâm. Trong các loại hải tặc thì giặc Chà Và, còn gọi là Đồ Bà (Java, Indonesia) là giặc cướp lớn nhất ở vùng biển này. Gia Định thành thông chí (sđd) viết về Phú Quốc: "Chỉ vì là nơi xa xôi hẻo lánh, phải phòng bị giặc biển Chà Và nhân sơ hở đến cướp, cho nên đặt quan thổ ngự, lấy dân làm lính, đều đủ khí giới, cùng nhau giữ gìn".
Đến Phú Quốc, tôi cảm hoài vô hạn với một địa danh mà ít người để ý: nhà hàng mang tên Biên Hải Quán. Biên Hải Quán nằm chênh vênh ở một điểm chót mũi của Mũi Gành Dầu, xã Gành Dầu, tức là điểm cực tây của đảo Phú Quốc. Từ đây nhìn về hướng tây bắc thấy đảo Kaoh Thmel hay Koh Seh (Cô-xét, xưa người Việt gọi là Hòn Siêu) của nước bạn Campuchia, chỉ cách bên ta có 4,5km.
Một góc Biên Hải Quán, chỗ tạm nghỉ trưa cho khách
(Ảnh: Đào Tiến Thi)
Biên Hải Quán là một nhà hàng kiểu "dã chiến", mang tính chất "quán" nhiều hơn nhà hàng. Chính vì thế, nó lại càng ấn tượng về một miền hải giới vừa có mây núi trăng ngàn, vừa có biển khơi sóng vỗ.
Quán biên thùy nơi chia đôi cương giới
Triệu một bên, Yên hờ hững một bên.
Đó là mấy câu hát trong trong vở kịch thơ Quán biên thùy của Thao Thao (1943). Câu thơ nói về nơi cương giới giữa hai nước Triệu, Yên, nơi tráng sỹ Kinh Kha chia tay bạn tri âm Cao Tiệm Ly để sang Tần, mà sao tôi lại thấy nó giống Biên Hải Quán của Phú Quốc quá chừng! Bất giác muốn thay mấy chữ để thành:
Biên Hải Quán nơi chia đôi hải giới
Việt một bên, Miên hờ hững một bên
Không biết thời xưa nước Yên "hờ hững" như thế nào, chứ nước Miên (Chân Lạp) vào các thế kỷ XVII, XVIII quả là có hờ hững về chủ quyền đối với vùng đất phía đông nam (tức đất Thủy Chân Lạp) của họ. Như đã nói trên, người Miên ngại khó hay nhu cầu dân số chưa cấp bách, hay vì chiến tranh liên miên mà hờ hững với mảnh đất này? Có lẽ là cả ba. Và vì thế người Việt từ việc tự phát đến đây mưu sinh, đã tranh thủ thiết lập luôn chủ quyền lãnh thổ của mình, hợp thức nó qua hình thức "dâng tặng" của các vua chúa Chân Lạp. Về sau các vua chúa Chân Lạp cũng có ý tiếc và thường lợi dụng lúc Việt Nam có biến để chiếm lại nhưng đều đã muộn. Theo luật pháp và thông lệ quốc tế, biên giới và lãnh thổ là cái được hình thành và ổn định trong lịch sử. Và đất này trên thực tế đã thuộc về Việt Nam và đã ổn định từ lâu. Âu cũng là bài học cho chính người Việt Nam chúng ta hôm nay. Bất kể tấc đất nào mà tiền nhân ta đã đổ mồ hôi khai phá và đổ xương máu để giữ gìn cũng đều là máu thịt thiêng liêng, chứ không thể coi là "bãi hoang chim ỉa". Nếu hững hờ sẽ mất chủ quyền lúc nào không hay.
Tác giả (đeo túi) đứng bên hông Biên Hải Quán, 
dãy núi xanh xa xa là đất Campuchia
Tháng 2/2016
Đào Tiến Thi
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...