Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Đường Việt Nam và đêm du ca

Đường Việt Nam và đêm du ca

Tháng tư lại về, tháng tư thương nhớ. Lòng người Việt Nam ly hương buồn rười rượi ngóng về phương Nam mà xót xa, quay quắt. Hình ảnh quê hương vẫn còn đang chìm đắm trong bao cảnh tai ương, oan khuất khiến người con Việt lưu xứ, ai có thể ăn ngon, ngủ yên?. Với một tâm thức hướng về Việt Nam trong tinh thần đồng hành, hỗ trợ và tranh đấu cho một nước Việt Nam tươi sáng, dân chủ tự do, đoàn Du Ca Nam Cali năm nay đã tổ chức một đêm sinh hoạt cho mọi người có cơ hội đến với nhau, hoài niệm và cùng hát về quê hương yêu dấu.
Chủ đề cho ngày 30 tháng 4 đêm nay là "Đường Việt Nam", cũng là tựa đề một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một vị đoàn trưởng du ca. Chưa đến 8 giờ là giờ khai mạc mà hội trường nhật báo Người Việt đã đông kín. Những cha mẹ già Việt Nam cũng ngồi xe lăn, chống gậy đến xem và cùng hát. Những mái tóc bạc phơ điểm xuyết bên các mái đầu muối tiêu hay xanh xanh tươi trẻ của các em thiếu niên làm khung cảnh phòng hội thêm ấm áp tình thân của ba thế hệ. Bao nhiêu ghế thêm vào, cũng không đủ. Nhiều người phải đứng tràn ra khỏi phòng, nhưng vẫn kiên nhẫn ở lại thưởng thức một chương trình dài gần 3 tiếng đồng hồ.
Hành trình về thăm lại con đường Việt Nam từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam, được hai MC Thiên Hương và Nguyễn Bá Thành dẫn dắt. Những nơi chốn đầy kỷ niệm dần dần hiện ra, thân thiết, đau đáu thương yêu. "Bài hát "Đoàn ta ra đi" của Nguyễn Đức Quang do đoàn du ca Nam Cali được trổi lên như một nhạc hiệu đã khởi đầu cho một lên đường. "Đoàn chúng tôi, băng rừng sâu suối xanh qua nương đồi,... đoàn chúng tôi, mang tình thương đến gieo cho muôn người..." Ký ức các cựu đoàn viên du ca hiện diện đêm nay như Hoàng Ngọc Tuệ, Phan Huy Đạt, Nguyễn Thiện Cơ, bác sĩ Nhuận..., ắt hẳn sống lại với những hình ảnh, màu áo sinh viên, học sinh, ngày cũ. Họ đã cùng cây đàn mang tiếng hát và bầu nhiệt huyết tràn đầy mong phục vụ tha nhân, lê chân khắp nơi vào các giảng đường, đến những trường, lớp, hay ở khuôn viên đại học Đà Lạt, Huế, Sài Gòn. Những nẻo đường Việt Nam từ miền Trung ra tới Cà Mau, được nhắc nhở qua bài hát "Đường Việt Nam". Tác giả đã mời gọi những chân người qua ruộng ngô, qua xóm làng giữa Trường Sơn bước vào sông núi miền Nam. Cũng như về thăm lại những đồng lúa chín bên những dấu vết kinh hoàng, tang thương của chiến tranh tàn phá.
Giấc mơ thanh bình "Tôi đang mơ một ngày thắm môi cười, tôi mong cho hạnh phúc lên mọi nơi" trong bài "Tìm về Nguyên Thủy" được anh chị em du ca hát lên như lời tâm huyết góp vào bức tranh quê hương trong mơ, đầy màu sắc. Những địa danh quen thuộc như Pleku, Nha Trang, Tuy Hòa, Tây Nguyên, Quảng Trị, Đà Lạt, Huế, Sài Gòn được nhắc nhở qua các bài hát sáng tác trước năm 1975 là một nút bấm mở ra kho tàng trí nhớ. "Chiều qua Tuy Hòa, Góc phố Hội An, Lần trở lại Ban Mê, Trả lại ta Tây Nguyên, Cờ bay trên Cổ Thành Quảng Trị, Còn chút gì để nhớ, Nha Trang ngày về, Ai lên xứ hoa đào, Chân trời tím, Huế đẹp và thơ, Đêm nhớ về Sài Sòn..." được trau chuốt với các giọng hát của những du ca viên và các thân hữu tự nguyện đóng góp.
Thế giới của sông nước, biển đảo, cũng được sóng sánh, vỗ về trong lời hát, cung điệu, hợp ca và đơn ca trong đêm 30 tháng tư. Đó là những bài, "Dòng An Giang, Chiều về trên sông, Bên bờ đại dương, Hoàng Sa, Trường Sa, Bức họa đồng quê..."
Yêu biết bao nhiêu, những em tuổi teen của liên đoàn Hướng Đạo khi các em bước lên sân khấu. MC Thiên Hương giới thiệu đây là thế hệ du ca thứ ba, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Những khuôn mặt còn măng sữa, còn đo đỏ vì mụn trứng cá của tuổi dậy thì, đứng đó, hát cười, lắc lư theo điệu nhạc "Tôi yêu quê tôi" khiến cả hội trường thích thú và đầy cảm hứng hát theo. Thương biết là bao, những mầm non, hạt giống không được gieo ở đất Nam mà học nói, tập hát, tập thương quê hương đất nước của các đấng sinh thành, cha mẹ, ông bà mình, dù chưa bao giờ ghé thăm. Bài hát "Về với mẹ cha" cũng được các em trình bày như một gạch nối nhiều ý nghĩa đưa các em về với cội nguồn Việt Nam.
Tốp ca Liên đoàn Hướng Việt
Những tiếng vỗ tay giữ nhịp, những tiếng hát theo vang dội hội trường là niềm phấn khởi, là những khuyến khích thương yêu của khách tham dự đêm du ca. Nhạc du ca dễ hát, tinh thần du ca tích cực, khơi động niềm yêu tha nhân, cộng với những tấm lòng, đã khiến không khí đêm du ca sống động hơn bao giờ hết. Những ca khúc sinh hoạt nho nhỏ của Hướng Đạo đâu đó được xướng lên: "Hay là hay quá, hay là hay ghê..." hoặc "Hoan hô anh này một cái, hoan hô anh này", như hàng tràng vỗ tay tán thưởng dễ thương. Hai MC thay nhau tung hứng, dẫn dắt, hò hát, thúc gọi người người, hát theo. Những điệu hò miền Nam, mộc mạc, chân tình, vui tươi, làm trái tim người hò, tăng lên nhịp đập yêu quê.
Hai MC Nguyễn Bá Thành và Thiên Hương
Ngoài phần văn nghệ, Đêm Du Ca còn có thêm phần đố vui để tất cả người trong hội trường cùng ôn lại những nơi chốn thân quen và những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong cơn biến loạn vào đầu thập niên 70 trong nước như biến cố của "Mùa hè đỏ lửa" hay những đặc điểm của Đà Lạt hay phố cổ Hội An. Quà thưởng đầy ý nghĩa là những đĩa CD du ca được ưa thích.
Những bài hát nặng tình yêu quê hương đất nước như "Việt Nam minh châu trời đông" và "Cho đồng bào tôi" đã làm nóng lên tâm tư yêu nước của những con Rồng, cháu Tiên dù xa quê vẫn nhớ về quê cha, đất tổ.
Hai bài hát mới "Cho nhau" và "Bên nhau hát vang" do hai tác giả được giải du ca trong nước gởi ra, được đoàn du ca Nam Cali trình bày. Bài hát thổ lộ được tâm tình và ước mơ của một thế hệ trẻ biết nghĩ suy và là thiện nhân dù được lớn lên trong một xã hội lấy độc tài, thù hằn và dối trá, làm kim chỉ nam. Những lời ca nhẹ nhàng, dịu dàng, khuyên răn con người sống với nhau bằng tình thương và lòng chân thật đã là một điểm son tươi đẹp trong đêm đen. "Đừng có nói mình đơn độc. Quanh ta có nhiều tha nhân. Và hãy sống bằng chân thật. Luôn thương mến nhau là cần..." hay "Hát vang khúc ca. Khơi niềm hy vọng. Dù trong bão tố. Vẫn còn ước mong...".
Quan khách trong hội trường Người Việt
Đêm bắt đầu khuya, không gian đã khoác vào mình chiếc áo lành lạnh mà trong hội trường ấm cúng, không một ai hay. Hồi gần kết cũng đã đến. Trưởng Hoàng Ngọc Tuệ bước lên sân khấu nói vài lời nhắn nhủ cùng ba thế hệ du ca. Những lời dặn dò luôn dấn thân, hướng về Việt Nam và hỗ trợ cho các cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ, như tâm nguyện của người đi trước đã làm cảm động người nghe. Bài hát "Tháng tư đen" được dùng như phút mặc niệm để tưởng nhớ  những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc, những đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên tìm tự do.
Ca khúc "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" luôn là bài hát cuối và cũng là lời tiễn biệt những người bạn đồng hành cùng đoàn du ca Nam Cali đi suốt con đường Việt Nam dài gần 3 tiếng đồng hồ. Đêm Little Sài Gòn an bình hơn bao giờ.
Trịnh Thanh Thủy
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...