Mục đích chính trong chính sách ngôn ngữ của chính quyền Pháp khi
mới chinh phục Nam Kỳ không phải là xúc tiến phát triển tiếng của người bản xứ,
tức là tiếng Việt, mà là nhắm truyền bá giảng dạy tiếng Pháp cho người dân mới
bị chinh phục với ý đồ là tiếng Pháp sẽ dần dần thay thế tiếng Hán trong lãnh
vực văn thư hành chánh, ngoại giao, sử liệu, ở cấp trung đại học..., nghĩa là
tiếng Pháp phải trở thành ngôn ngữ của giới hành chánh và trí thức Việt Nam. Để
lấp bằng sự thiếu thốn về phương tiện (cần ngân sách to lớn để tăng thêm số
giáo viên Pháp ) E. Aymonier ( 1890 : 34) không ngần ngại đề nghị dạy một thứ
tiếng Pháp giảm gọn, đơn giản hoá đến mức quái gở.
"Tôi
[Aymonier] đề nghị tạm bỏ đi trong tiếng Pháp những điều không theo quy tắc
chính tả, những khó khăn văn phạm, số lớn những từ đồng nghĩa và những từ trừu
tượng, hầu hết các phép chia động từ (ngoại trừ ở một số ngôi thứ ba số ít, và
các động từ không ngôi), như vậy sẽ còn lại một tiếng nói giảm gọn, "mọi
(nègre)" chúng ta có thể hiểu thế, có dáng điệu nói của tỉnh lẻ, nhịp
nhàng, nhưng cũng đủ
để diễn tả những tư tưởng cụ thể. Ví dụ như từ amour sẽ loại
bỏ đi vì có thể dùng aimer thay thế; parler dùng thay
cho parole"
Nhưng dù muốn dù không, chính quyền thuộc địa Pháp vẫn có nhu cầu
cho các viên chức của mình học tiếng Việt để tiếp xúc với dân bản xứ, và thi
hành công cuộc cai trị những lãnh thổ vừa mới chiếm. Đối với người Pháp, lẽ dĩ
nhiên, việc học tiếng Việt sẽ dễ dàng qua chữ quốc ngữ hơn là chữ nôm. Xin nhắc
là trong thời gian đầu chinh phục Việt Nam, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đều nằm
trong tay các đô đốc hải quân. Trong tình hình này, ta không lấy làm lạ là cuốn
từ điển song ngữ Pháp - Việt đầu tiên được xuất bản là do một quân nhân, đại úy
hải quân Gabriel Aubaret làm tác giả. Đó là cuốn Vocabulaire Francais - Annamite et Annamite - Francais, Bangkok, 1861, dày 157 trang.
5. Sự đề kháng của chữ nôm
Trước tình thế nhà cầm quyền Pháp tỏ vẻ ủng hộ chữ quốc ngữ, tức
là chữ viết theo con chữ La Tinh của tiếng Việt, thì giới nhà nho, tức tầng lớp
trí thức Việt Nam lúc bấy giờ nghĩ sao? Tất nhiên là họ chống đối vì nhiều lẽ.
Thứ nhất vì chữ quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và cũng là
công cụ truyền đạo thiên chúa. Ví dụ như Nguyễn Đình Chiểu không chịu chấp nhận
một thứ chữ viết được đồng hóa với những kẻ xâm lược.
Nét độc đáo của thời Nguyễn Đình chiểu là tuyệt đại đa số các tác
giả yêu nước và chống Pháp đều sáng tác bằng chữ nôm (xem Nguyễn Đình Chiểu, 1973, tr.9) Chữ quốc ngữ còn có khi được
gọi là "tây
quốc ngữ tức là
tiếng nói được viết ra bằng các con chữ Âu Châu" (P.G.V., 1897, VI). Mà
tên gọi này thì quá lộ liễu, nói lên rõ ràng nguồn gốc của thứ chữ viết này,
khiến các nhà thức giả Việt Nam thời ấy khó có thể dùng nó để viết bài kêu gọi
dân chúng chống ngoại xâm. Dùng chữ viết trở thành biểu tượng của một thái độ
chính trị.
Phần II Chữ nôm và chữ
quốc ngữ : thời cộng cư
Khi nói
đến chữ nôm và chữ quốc ngữ là ta nói
đến chữ viết và hai thứ chữ viết này cũng là để ghi tiếng
Việt. Nhưng sự việc này đôi lúc và đối với một số người không được rõ ràng như
thế. Lý do vì sao? Thử lấy hai câu đầu của Chinh phụ ngâm làm
ví dụ:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Nếu viết bằng chữ quốc ngữ thì không có vấn đề gì đặt ra: đấy là
hai câu thơ tiếng Việt. Nhưng nếu ghi bằng chữ khối vuông thì thử hỏi các chữ
in đậm, khách, hồng, truân chuyên còn có thể cho là chữ
nôm/ tiếng Việt được không? Hay là phải xem chúng là chữ Hán/ tiếng Trung Quốc?
Nếu xét thêm phương diện ngữ âm thì các từ này phát theo âm Việt, nhưng là một
thứ âm Việt đặc biệt, nghĩa là âm Việt xuất phát từ âm tiếng Hán đời Đường đã
được Việt hóa theo một số quy tắc chuyển đổi ngữ âm nhất định (xem Nguyễn Tài
Cẩn, 1979).
Phần trình bày trên cho thấy rõ một điều quan trọng: cùng một văn
bản tiếng Việt mà nếu viết bằng chữ nôm thì ảnh hưởng của chữ Hán/tiếng Trung
Quốc và theo đó là văn hoá Trung Quốc thật rõ đậm nét. Chữ quốc ngữ một phần
nào che lấp ảnh hưởng này. Bởi vậy khi chính quyền Pháp ở Nam Kỳ quyết định lấy
chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm để viết tiếng Việt, ngoài việc chữ viết kiểu La
Tinh dễ học dễ nhớ hơn chữ viết kiểu tượng hình, họ còn có dụng ý là đẩy lùi
ảnh hưởng của Trung Hoa ra khỏi Việt Nam.
Như vậy việc thay thế chữ viết vào giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam là
một hành động chính trị có tác động đến văn học, đến giáo dục, đến xã hội.
Chúng ta sẽ lần lượt xét qua những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh qua sự thay
đổi chữ viết bằng cách triển khai những điểm sau đây:
Chương 4 - Ảnh hưởng của văn
học Pháp vào văn học Việt Nam
Qua chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh, văn học Pháp thâm nhập
vào văn học Việt Nam trên hai mặt:
- Ðem lại những thể loại mới vào văn học Việt Nam như thơ ngụ
ngôn, tiểu thuyết văn xuôi.
- Cách tân hình thức, thay đổi diễn xuất, phong cách, tạo ra nguồn
cảm hứng mới, thoả mãn những thị hiếu mới, đề xuất những tư tưởng mới.
1. Dịch thơ Pháp
Sự thâm nhập sớm nhất của văn học Pháp qua đường dịch thuật được
thực hiện từ năm 1884 qua cuốn sách của Trương Minh Ký, Chuyện Phang-sa
diễn ra quốc ngữ (16 chuyện ngụ ngôn của La Fontaine), Sài-gòn, 1884
(xem Trần Văn Giáp và đtg, 1972, 82).
Còn có một cuốn khác cùng đề Chuyện Phang-sa diễn ra quốc
ngữ gồm 150 chuyện ngụ ngôn của La Fontaine dịch ra dưới thể văn xuôi
và thơ lục bát (18 bài) . Sách này được xuất bản năm 1886 và được tài trợ của
Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ thuộc Pháp (Conseil Colonial de la Cochinchine
Française). Xem qua cơ quan tài trợ này đủ biết việc áp dụng chữ quốc ngữ có đi
đôi với chủ trương phổ biến văn học Pháp ở những vùng Pháp mới chiếm đóng.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng bộ ba Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh
Của, Trương Minh Ký, những nhà nho miền Nam tiên phong trong việc dùng chữ quốc
ngữ và có hấp thụ được văn hóa Âu Tây không phải là những tác nhân tích cực cho
việc truyền bá văn chương Pháp. Vai trò này về sau dành cho Nguyễn Văn Vĩnh và
Phạm Quỳnh và nhất là nhóm Nam Phong từ nhị thập niên thế kỷ 20 trở đi. Trái
lại một người như Huình Tịnh Paulus Của quả xứng đáng là một nhà Việt Nam học
có công trong sự nghiệp giữ gìn, làm giàu, tăng niềm tin tưởng vào tiếng Việt
và chữ quốc ngữ qua cuốn Ðại Nam Quấc Âm tự vị, Saigon,
Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1895, 596 trang. Thật ra ý ban đầu của tác
giả là muốn làm một cuốn từ điển song ngữ Việt-Pháp nhưng vì gặp nhiều trở ngại
đành bỏ phần tiếng Pháp nên Huình Tịnh Của trở nên tác giả của cuốn từ điển
Việt-Việt đầu tiên. Tác giả đã có lời phân bày (Ðại Nam Quấc Âm tự vị,
tr. IV): "Làm tự vị này, sơ tâm ta muốn cho có tiếng Langsa. Hồi
mới khởi công, có nhiều quan Tây giùm giúp, sau các ông ấy có việc phải thuyên
đi Bắc-kỳ, bỏ có một mình ta, lúng túng, phải bỏ phần dịch tiếng Langsa. Nhưng
vậy nhơn khi rỗi rảnh, ta cứ làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày
đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc..."
Trong một bài nghiên cứu đăng trong Cahiers d'Etudes
Vietnamiennes (Tập San Việt Học), 10, 1989-90, Phạm Ðán Bình đã lập
một bản kê rất công phu theo niên đại xuất hiện những bản dịch ra Việt ngữ các
bài thơ Pháp. Bản kê bắt đầu với bài dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine của
Trương Minh Ký năm 1884 như đã lược bày ở trên và kết thúc với bài dịch của
Tường Vân đăng trong Tao Ðàn số 13, 16.10.1939, có đề là Từ
giã tổ quốc (Tiếng hát của kẻ vượt bể khơi đi) mà nguyên bản tiếng
Pháp là của Victor Hugo, Le chant de ceux qui s'en vont sur mer (Les
Châtiments).
Cũng trong bài này, Phạm Ðán Bình đã đưa ra một số nhận xét đáng
lưu ý khi nói về ảnh hưởng của văn học Pháp đối với văn học Việt Nam ở nửa đầu
thế kỷ 20.
Nếu không kể nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine, các thi sĩ Pháp khác có
thơ dịch ra tiếng Việt thì Victor Hugo dẫn đầu với 27 bài; Lamartine 16 bài;
Musset 11; Verlaine 10; Ronsard và Sully Prudhomme, mỗi người 6 bài.
Năm thi sĩ Pháp, Lamartine, Hugo, Musset, Ronsard và Verlaine hầu
hết thuộc trường phái lãng mạn, đã chiếm gần phân nửa tổng số các bài thơ dịch
(tức là 139/300); số còn lại dành cho khoảng 60 tác giả khác.
Các người dịch dường như nghiêng về các đề tài buồn như sự trôi đi
của thời gian, tính mỏng manh của đời người, cái lạnh lùng của số mệnh.
Nếu tính theo ngày xuất hiện bản dịch thì La Fontaine được dịch
sớm nhất, lần đầu tiên năm 1884 do Trương Minh Ký; Beaudelaire năm 1917 do
Phạm Quỳnh dịch ra văn xuôi ba bài thơ trong tập Fleurs du Mal là Spleen
(U uất), La Rançon (Chuộc mình) và Recueillement (Bình tĩnh), đăng
trong Nam Phong số 5, 1917. Chateaubriand, một nhà thơ lãng mạng nổi tiếng được
dịch năm 1921 qua bài Nuit chez les sauvages de l'Amérique (Ðêm vắng ở
khoảng giã bên Tân Thế Giới) do một học sinh năm thứ 3 Quốc Tử Giám,
đăng ở Nam Phong số 47. Cùng năm 1921, Lamartine đuợc dịch ra 5 lần, bốn lần
với bài Le lac (Cái hồ), một lần với bài L'Automne (Mùa
thu), tất cả đều xuất hiện trên Nam Phong số 48, 49
và 51. Ronsard, một tác giả ở thế kỷ 16, phải chờ đến 1923 với bài Sonnet
(sur la mort de Marie) (Một người con gái từ trần); Sully Prudhomme
năm 1923 với bài Le vase brisé (Cái bình vỡ); Musset năm 1924
với bài L'étoile du soir (Hỏi sao hôm), bài Lorsque le
laboureur... (Nhà sét đánh cháy) đều đăng trong Nam Phong
số 88 và sau cùng là Victor Hugo, năm 1925, với bài Hymne [Mort pour la
patrie] (Vị quốc vong thân), Nam Phong số 91, và bài Oceano
Nox (Những kẻ đắm tàu), Nam Phong số 93.
2. Dịch truyện và tiểu thuyết Pháp
Về truyện và tiểu thuyết Pháp dịch ra tiếng Việt thì dịch giả đầu
tiên cũng là Trương Minh Ký với cuốn Tê-lê-mạc phiêu lưu ký, Sài-gòn,
1887; nguyên bản Pháp văn là của Fenelon, Les aventures de Télémaque
(1699). Sách này được Trương Minh Ký diễn ra bằng tiếng Việt theo thể
thơ lục bát và khởi đăng ở Gia Ðịnh báo, kể từ 20.6.1885.
Thứ đến phải kể đến Trần Chánh Chiếu (1867-1919) còn gọi là
Gilbert Chiếu, người gốc quận Châu Thành, Rạch Giá. Ông theo học ở Collège
d'Adran Sài Gòn, sau được bổ dụng làm giáo học rồi làm thông ngôn cho Tham biện
Chủ tỉnh Rạch Giá. Theo Bùi Ðức Tịnh (1972: 46-47) thì trong hai năm 1906,
1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Ðàm (số 1,
1901, Saigon) và nổi tiếng trong cuộc vận động Duy Tân nên được
mệnh danh là ông Phủ Minh Tân. Ðồng thời Gilbert Chiếu cũng kiêm luôn chủ bút
tờ Lục Tỉnh Tân Văn (số 1, 1907, Saigon) dưới tên Trần Nhựt
Thăng, hiệu là Ðông Sơ. Trần Chánh Chiếu có cho in cuốn Tiền căn báo
hậu, bản dịch cuốn tiểu thuyết của Alexandre Dumas, Le Comte
de Monte-Cristo (1846) do nhà Imprimerie de l'Union, Saigon, ấn hành
năm 1914. Sau bản dịch Tê-lê-mạc phiêu lưu ký, Sài-gòn, 1887,
của Trương Minh Ký, đây là bản dịch tiểu thuyết Pháp thứ hai, cách nhau 27 năm.
Về việc dịch tiểu thuyết Pháp, một người thứ ba đáng nói đến là
Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1896, mới 14 tuổi đã tốt nghiệp
trường Thông ngôn. Có thể nói Nguyễn Văn Vĩnh là người đã dịch tiểu thuyết Pháp
ra tiếng Việt nhiều nhất. Một số tác phẩm Pháp do Nguyễn Văn Vĩnh dịch được
liệt kê như sau (Trần Văn Giáp và đtg, 1972, II, 103):
- 1927 A. Dumas, Les trois mousquetaires (1844) (Truyện ba
chàng ngự lâm pháo thủ)
- 1927 Fenelon, Les aventures de Télémaque (1699) (Tê-lê-mặc phiêu lưu
ký)
- 1932 Abbé Prévost, Histoire du chevalier des Grieux et de Manon Lescault
(1731) (Mai-nương Lệ-cốt)
- 1928 V. Hugo, Les misérables (1862) (Những kẻ khốn nạn)
- 1928 Ch. Perrault, Les contes (1697) (Truyện trẻ con)
- 1928 H. De Balzac, La peau de chagrin (1831) (Truyện miếng da lừa)
Ngoài ra nội trong năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch ra bốn bản
kịch nổi tiếng của soạn giả Pháp Molière ở thế kỷ 17. Ðó là Người bệnh
tưởng (Le malade imaginaire), Người biển lận (L'avare), Giả đạo đức (Le
misanthrope) và Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois
gentilhomme).
3. Ảnh hưởng thơ Pháp vào thơ mới Việt Nam
Qua phần trình bày trên, ta nhận thấy rằng ở mặt chữ viết, chữ
quốc ngữ được chính thức dùng để viết tiếng Việt là vào giữa thế kỷ 19 do nhà
cầm quyền Pháp quyết định và chỉ áp dụng cho phần đất Pháp mới chiếm ở Sài
Gòn-Lục Tỉnh. Dần dần với cuộc chinh phục quân sự Việt Nam của Pháp càng ngày
càng mở rộng ra phía bắc và miền trung Việt Nam thì việc dùng chữ quốc ngữ cũng
được lan ra theo với lực lượng chiếm đóng của Pháp.
Có thể nói việc áp dụng chữ quốc ngữ xuất phát từ trong Nam đã làm
một cuộc Bắc tiến, lần hồi lấn át chữ nôm và chữ Hán, và đã thắng lợi hoàn toàn
với quyết định năm 1918 của Triều đình Huế bãi bỏ các cuộc thi kiểu xưa của các
triều vua chúa Việt Nam mà trong đó chữ viết chính là chữ khối vuông (Hán và
nôm).
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng danh từ chữ quốc ngữ ở
đây là để chỉ chữ viết, thứ chữ viết tiếng Việt dùng mẫu tự La
Tinh; chữ quốc ngữ đối lập với chữ nôm thuộc loại chữ khối
vuông dùng "hình tượng" tuy cả hai cùng sử dụng để viết tiếng Việt.
Không thể và không nên hiểu chữ quốc ngữ như là tiếng quốc ngữ được La Mã hóa như qua từ ngữ "langue
nationale romanisée" (xem Bùi-Xuân Bào, 1985, tr. 4). Hiểu như
thế này sẽ dẫn độc giả, nhất là độc giả ngoại quốc, đến sự lẫn lộn tai hại
là tiếng Việt đã bị La Mã hoá.
Ðồng thời với hướng tiến từ Nam ra Bắc của chữ quốc ngữ thì việc
du nhập văn chương Pháp qua những bản dịch các bài thơ hoặc truyện và tiểu
thuyết cũng phát triển theo hướng Sài Gòn-Hà Nội.
Như vậy trong lĩnh vực thi thơ, sự gặp gỡ với các thi sĩ Pháp đã
đem tới cho tác gia Việt Nam nguồn cảm hứng mới và những hình thức biểu đạt
mới. Sự chuyển tiếp bắt đầu từ cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20 được thể
hiện qua sự phê bình, hoặc sự lảng quên luật thơ Ðường mà tiền nhân xem như một
kiểu mẫu hoàn chỉnh của thi thơ. Trong lúc xã hội khám phá ra cá nhân, cái tôi,
thì văn thơ hồ hởi thoát ra khỏi những niêm luật khắc khe đã định ra ở Trung
Quốc từ mười thế kỷ trước về việc gieo vần, thuận thanh, đối ngẫu. Với sự lui
dần vào hậu trường của Hán tự, các bài thơ làm theo Ðường luật càng ngày càng
hiếm. Cảnh mờ dần của thơ Ðường kéo theo sự mai một của một nhãn quan nào đó về
vũ trụ, của một thứ nhuệ cảm nào đó, của một quan niệm về nghệ thuật nào đó.
Trong khi ấy, các môn đồ và những người khởi xướng thơ
mới khai trương từ năm 1932 - với bài Tình già của
Phan Khôi đăng trong Phụ Nữ tân văn, số 122, ngày
10.3.32 - hầu hết còn đang ở độ thanh xuân; một số trong bọn họ đã nổi tiếng
lúc mới 16 tuổi, ngay ở bài thơ đầu và giành được cảm tình của thế hệ trẻ ít
nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Âu Tây. Rất đông các tác giả thơ mới đã hút
nhụy từ thơ Pháp và không đọc được chữ Hán. Ðối với họ, sự thay thế chữ Hán hay
chữ nôm bằng chữ quốc ngữ không phải chỉ là một sự thay đổi chữ viết, mà còn là
một cuộc giã từ đối với một di sản trĩu nặng những ràng buộc nó bóp nghẹt cá
nhân và làm cản trở cảm hứng của thi sĩ. Theo Xuân Diệu *, con người ở Việt Nam
tính theo diện một cá nhân "trong những năm 30 (của thế kỷ 20) chối bỏ
những tấm tã lót của xã hội phong kiến, đã ra đời lần đầu tiên. Có một lòng cảm
thán, một sự phát minh say sưa; đó là một thứ tình đầu... Chúng tôi muốn giải
phóng cả nội dung lẫn hình thức của thơ"
Giải phóng nội dung? Tức là làm ra những bài thơ cá biệt. "Không còn là cái vui, cái buồn, cái tuyệt vọng phi cá thể, đã lắng xuống, có
thể nói là đã cô đọng lại, được tìm thấy trong thi thơ truyền thống, nhưng mà
là một sự rung cảm thầm kín của một con người bằng xương bằng thịt, sự phơi bày
ra những góc chốn u tối của một cá thể đau buồn hoặc sung sướng, thấy và cảm
thấy sự vật và hoàn cảnh đã sống qua với một cảm giác rung động, dâng cao gần
đến mức bệnh tật" (Nguyễn Khắc Viện và ctv, 1975: 47).
Ðể thực hiện công việc này thì người mẫu có đó, ở trong văn học
Pháp sẵn sàng cho ta mô phỏng. Trên mặt từ ngữ, đôi khi là một sự vay mượn,
thường là một sự cải tác, nhưng hay gặp hơn là một sự pha trộn thành công của
cảm hứng và công sức, một thứ luyện đan có kết quả của sáng tạo và vay mượn.
Như Xuân Diệu đã lấy một câu thơ của Edmond Haraucourt: Partir,
c'est mourir un peu (Ði là chết đi một ít), và thay đổi khúc đầu: Yêu là chết ở trong lòng một ít.
Một hôm, Alfred de Musset nói với George Sand: Dépêche-toi,
George, notre amour est vieux (Nhanh lên em, George, mối tình chúng ta đã già
rồi). Câu này làm nguồn cảm hứng cho bài Giục giã của
Xuân Diệu:
Mau với chứ, vội vàng
lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi...
Tình
non đã già rồi thời đó
là một kết hợp từ ngữ khá bạo. Theo lời thú nhận của Xuân Diệu, "Một số
đông độc giả quen thuộc với thơ cổ điển, đã bất bình trước lời văn quá Âu hoá
của Xuân Diệu, không còn đặc tính dân tộc, thi vị kín đáo của phương Ðông; một
số người xấu miệng còn cho rằng một số câu thơ của Xuân Diệu làm người ta phải
đỏ mặt vì tính suồng sã của nó"
Những câu dịch sát chữ từ câu thơ Pháp:
Hơn một loài hoa đã rụng
cành
Plus d'une espèce de fleurs a quitté les branches
(X.D. "Ðây mùa thu tới", Thơ thơ, 1938)
Nhưng
ta cũng có thể tìm ra những cái đổi mới, hay cả những phát minh nằm ở mép giới
hạn chấp thuận của ngữ nghĩa, tư duy Việt Nam thời bấy giờ:
Cái bay không đợi cái
trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
(X.D. "Ði thuyền", Thơ thơ, 1938)
(Cái)
bay, (cái) trôi, những
động từ được biến thành danh từ; đó chứng tỏ cách dùng từ rất bạo dạn của Xuân
Diệu trong câu văn tiếng Việt kể từ những năm 30 của thế kỷ 20. Hơn nữa ta còn
có (cái) tôi dùng để chỉ bản ngã, một khái niệm thời thượng
lúc bấy giờ, trong trào lưu muốn nâng cao cá nhân, tách cá nhân ra khỏi cộng
đồng.
Nói về cú pháp của câu thơ thì các nhà thơ mới không ngại ngùng từ
bỏ luật đối ngẫu của thơ truyền thống mà áp dụng phương thức bắc cầu kiểu
thơ Pháp:
Thức dậy nắng vàng ngang
mái nhạt
Buồn gieo theo bóng lá đong đưa ->
Bên thềm. Ố Ai nấn lòng tôi rộng
Cho trải mênh mông buồn xế trưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét