Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

XXXXNhững văn - ảnh có chất thơ trong triết học

Những văn - ảnh có
chất thơ trong triết học

I. GẶP GỠ THƠ KHI ĐỌC TRIẾT HỌC (1)
Đây không phải là bài bàn luận về thi ca, một vấn đề rộng lớn đòi hỏi nhiều hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật hay lịch sử các trường phái của thi ca. Dĩ nhiên trong thi ca có triết lý bao hàm ở bên trong, có thái độ tư tưởng hay lập trường của thi sĩ, nên công việc này cũng không phải đi tìm những vấn đề của triết học tàng ẩn trong thi ca. Việc đi tìm đó có phải được đặt tên là hướng phê bình theo chủ đề của triết lý? Đối với vài triết gia, thi ca cũng làm thành vấn đề triết học, vậy nên phân biệt "thi ca, một vấn đề triết học" với "tính chất thi ca trong triết học". Nhưng thế nào là "thi ca, một vấn đề của triết học"? Trong lịch sử triết lý Tây Phương, theo sự hiểu biết hạn hẹp của người viết bài này thì có hai triết gia đã làm cho thi ca trở thành vấn đề triết học, là Schopenhauer và Heidegger. Đối với Schopenhauer, nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, là một cách thế giải thoát con người ra khỏi ngục tù dục vọng mà ông gọi là "ý chí muốn sống" (le vouloir-vivre). Cũng giống như chủ trương của triết học Phật Giáo, Schopenhauer cho rằng chính ý chí muốn sống ấy gây ra bao nhiêu cuộc đấu tranh tàn nhẫn, làm cho đời người trầm luân trong biển khổ, vậy muốn giải thoát con người thì phải tiêu trừ cái lòng ham muốn. Điều đặc biệt nơi triết lý Schopenhauer là ông coi nghệ thuật (âm nhạc đúng hơn thi ca) như cách thế giải thoát thứ nhất (Première libération du vouloir-vivre). Tại sao nghệ thuật có thể giải thoát ta ra khỏi ngục tù dục vọng tham sinh úy tử? Tại vì sự chiêm ngưỡng thẩm mỹ đưa ta đến một nhãn giới khác với thế giới hữu hình phiền đa và biến chuyển. Ông lấy thí dụ như khi lạc vào vùng sa mạc im lìm không sự sống, nếu ta đắm chìm vào sự chiêm ngưỡng thuần túy thì ta sẽ không còn sợ hãi cái chết; ta không còn vướng bận lẽ Tồn Vong: "Transportons-nous dans une contreé solitaire; l'horizon est illimité, le ciel sans nuages, des arbres et des plantes dans une atmosphère parfaitement immobile, point d'animaux, point d'hommes, point d'eaux courantes, partout le plus profond silence, un pareil site semble nous inviter au recueillement, à la contemplation toute affranchie de la volonté et de ses exigences".(2) [Trích trong cuốn "Schopenhauer, "L'art et la sagesse"- Bản dịch từ Đức ngữ của André Dez, trang 128] Người thứ nhì coi thi ca như một vấn đề triết học là Heidegger. Đối với Heidegger, nhiều học giả cho rằng ông là triết gia của "chân lý hữu thể"; triết học của ông mãi bàn về thực tại hằng cửu ẩn đàng sau hiện tượng. Nhưng "hữu thể" này đào sâu đến nền tảng, không phải loại hữu thể đã biến thành sự vật như "bản thể" trong triết học cổ điển. Ngoài tính chất sự vật tính, hữu thể trong triết học cổ điển là cái gì quá trừu tượng khô lạnh, vì đã phủi sạch những vấn vương sương khói của huyền học. Vậy mà hữu thể trong triết lý Heidegger cũng không phải là cõi siêu hình đối lập với thế giới hữu hình; nó là giải sương mù huyền hoặc đầy tính chất lãng mạn và bí ẩn, mô tả là ở trên đối nghịch hữu hình và vô hình, tinh thần và vật chất, thời gian và vĩnh cửu. Nó là "logos" tức "nguyên ngôn" dung hòa mọi dị biệt, nhưng cũng không thể hiểu nó như một sự vật, khó đem ra diễn tả bằng lời, thấu rõ bằng lý trí. Theo Heidegger, trước khi đi tìm hữu thể của vạn vật, hãy mô tả hữu thể con người trước đã. Hữu-thể-con-người được gọi là "Dasein" (từ ngữ Dasein này cũng không phải dễ hiểu trong tư tưởng của Heidegger). Ông còn chủ trương thi ca cũng là một cửa ngõ đi tìm hữu thể, bởi vì thi ca là sáng tác (Poiesis), mà sáng tạo là đem cái gì từ hư vô ra ánh sáng. Thi ca theo nghĩa nguyên thủy là sáng tác, nên việc đó có thể đem hữu thể còn ẩn dấu ra ánh sáng. Tại sao thi ca lại có thể làm xuất lộ hữu thể, tức bản chất của sự vật? Theo Heidegger, ngôn từ của thi ca là nhà ở, là nơi ẩn dật của hữu thể (le langage est la maison de l'être). Căn cứ vào chỗ này, giáo sư Trần Thái Đỉnh, trong tạp chí "Đại Học", xuất bản tại Huế, viết nơi bài "Heidegger và bản chất thi ca", đã cho rằng quan niệm về thi ca của Heidegger khác với cách hiểu thi ca có màu sắc văn nghệ văn chương. Đó là nhận xét thật chuyên môn về phương diện "bản thể" bởi vì thi ca theo nghĩa của triết lý Heidegger là một vấn đề của siêu hình học. Nhưng có lẽ nhận xét ấy chưa đặt vấn đề quan trọng này: tại sao Heidegger lại chủ trương việc đi tìm bản thể bằng thi ca mà lại không bằng âm nhạc hay hội họa hay các nghệ thuật khác? Đặt vấn đề như vậy là tìm hiểu nguồn gốc cảm hứng của Heidegger đối với thi ca, trước khi ông bàn về triết học. Có lẽ Heidegger là người đã tìm thấy cái thâm sâu ẩn dấu của thi ca mà ông Bùi Giáng gọi là phần vô ngôn, cái ở bên kia lời, vì Heidegger đã từng viết "Plus l'oeuvre d'un pòete est poétique et plus son dire est libre: plus ouvert à l'imprévu, plus prêt à l'accepter" (Trong bài "L'homme habite en poète", bản dịch ra Pháp ngữ của André Préau đăng trong tạp chí "Cahier du Sud", số 344 năm 1958) (3). Thấu hiểu được tính cách xuất lộ bất ngờ đó của thi ca, Heidegger mới chủ trương thi ca là cửa ngõ đi tìm hữu thể, như vậy "ăn khớp" với chủ trương chân lý là sự "vén màn" của sự vật, nhằm làm xuất lộ ra thực tại linh động. (Thực tại lung linh ấy vẫn là bản thể, nhưng Heidegger không ưa Sự-Vật-Tính của bản thể trong triết học cổ điển). Từ nguồn gốc cảm hứng thi ca trên bình diện văn chương, Heidegger đã chuyển thi ca vào bình diện triết học, trở thành một vấn đề của Bản Thể Học. Vậy xin nhắc lại, đây không phải là một bài nghiên cứu về thi ca theo nghĩa thông thường, cũng không phải là bài tìm hiểu thấu đáo vấn đề triết học lấy đối tượng thi ca trong triết lý Heidegger. Bài này tự giới hạn ở chỗ đi tìm tính chất thi ca nằm trong các trang chữ triết học. Có thể nói rằng công việc này ngược lại với ý hướng đi tìm những vấn đề siêu hình nằm trong thi ca. Còn đây thì chỉ đi tìm những hình thức thuộc về văn chương trong triết học, và những nội dung gợi cảm thơ. Tại sao có thể đặt được vấn đề có tính chất thi ca trong tác phẩm triết học. Vấn đề được đặt ra là vì khi đọc triết học, ta cảm nhận ra những thấp thoáng mỹ cảm của ngôn ngữ diễn tả tư tưởng. Đó là các văn ảnh và huyền truyện hiện diện khá nhiều trong triết học. Ngoài hình thức văn chương, chất thơ cũng do từ nội dung triết lý làm lay động đến tâm tình của đại chúng, khi họ đọc tới những đoạn bàn đến vũ trụ bao la, đời người vô nghĩa, vạn vật vô thường; hoặc cho biết còn một thực tại hằng cửu phía sau những biến dịch đổi dời (xin gọi là ẩn thể thay vì hữu thể quá trừu tượng đối với đại chúng). Chất thơ cũng do các nội dung về Tâm Lý Học. Chẳng hạn William James nói tâm hồn con người như những lớp sóng, hết lớp nọ đến lớp kia, tạo nên một dòng nước ý thức sinh động: như nghe một tiếng sấm thì không phải chỉ nghe tiếng sấm đó mà thôi, nhưng bao hàm nghe được sự im lặng mới đó đã bị triệt tiêu. Thật là thơ khi bà bá tước De Nouailles nói không bao giờ ta còn gặp lại tâm hồn chiều nay của chúng ta v.v... (Những văn ảnh có chất thơ này không phải ở nơi những tác phẩm khó tìm, mà đã rải rác trong các sách giáo khoa môn Tâm Lý Học và Siêu Hình Học thuộc chương trình Trung Học Việt Nam trước 1975 tại Miền Nam).
Văn ảnh và huyền truyện. Nội dung siêu hình và sự đào sâu tâm lý. Đó là những tính chất thi ca trong triết học. Áp dụng tính chất văn ảnh có chất thơ ấy (phân biệt với các văn ảnh không cần chất thơ mà chỉ cần minh-họa), người viết bài đã có một số thơ sáng tác thử cụ-thể-hóa vài ý tưỏng trừu tượngcủa triết-học, và đã in trong "Tập Thơ Độc Nhất" và "Tập Thơ Bổ Khuyết", phát hành hạn chế tại Sài Gòn vào năm 1964. Những sáng tác ấy đã được ông Trần Nhựt Tân (Tiến sĩ Triết Học) đề cập đến trong cuốn "Dư Vang Nghệ Thuật", xb. năm 1971 tại Sài Gòn.
II. VĂN-ẢNH TRONG TRIẾT HỌC THƯỜNG Ở DẠNG VĂN XUÔI (4)
Ta thử phân biệt "Thơ: Một vấn đề của triết học" và "Tính chất thơ trong triết học". Có lẽ trong lịch sử triết học (ít nhất là trong triết học Tây Phương), chỉ có triết gia Đức tên là Martin Heidegger (1889-1976) là người đã đặt thi ca thành một vấn đề của triết học. Ông đã dựa vào nguyên ngữ Hy Lạp Poiesis, dịch ra là thi ca, mà thi ca theo nguyên ngữ này có nghĩa là vén màn hư ảo, là làm xuất hiện phần vô ngôn ẩn tàng sau ngôn ngữ, là làm phơi bày ra ánh sáng những che giấu sau hiện tượng ta trông thấy và thâu nhận hàng ngày. Chân lý theo Heidegger là làm sao bắt gặp ẩn thể đó, mà hiểu được chỉ có cách là làm quen, giao tiếp thân mật, không thể hiểu được bằng khoa học, bằng định luật vật lý, bằng suy luận, nói chung là không thể thông cảm những lung linh ẩn tàng bằng sự học thức. Cũng giống như những con đường rừng chằng chịt, chỉ có người tiều phu đốn củi là rành rọt đường đi lối về, vì người tiều phu là kẻ thân thuộc, là bạn thân thiết của những con đường mòn đó. Từ quan niệm đặc biệt về thi ca như vậy, Heidegger mới chú giải thơ Holderlin (cũng là một thi sĩ người Đức) như một cuộc hành trình trở về quê hương, tức là nguồn cội của ẩn thể; và chú giải ngôn ngữ như một ngôi nhà (nhà ở đây có nghĩa là nơi tàng trữ cái sâu xa bí ẩn); và chú giải thi sĩ như một kẻ chăn cừu (le berger de lêtre), vì chỉ thi sĩ mới chăn dắt được thi ca (thi ca ở đây có nghĩa là vén màn bí mật của ẩn thể). Từ quan niệm thi ca như một vấn đề triết học của Heidegger, từ quan niệm thi ca đồng nghĩa với hé lộ huyền nhiệm của ông, ta không thể không liên tưởng đến "hồn sông núi" (cũng là một ẩn thể) trong ngôn ngữ mỗi dân tộc. Như lời ca dao thắm thiết, như tiếng hát ru con ngậm ngùi, chắc chỉ có ta là thông cảm được hồn thiêng ấy, vì ta là kẻ quen thuộc thân thiết, mà người ngoại quốc dù có thông bác ngôn ngữ ta đến đâu có lẽ cũng không làm sao bắt gặp được hồn sông núi đó.
Còn như chất thơ trong triết học là một vấn đề thuộc lãnh vực văn chương. Tương tự như ta có thể tìm thấy chất thơ khi ta đọc tới những biển dâu dời đổi trong môn địa chất học; hoặc tìm thấy chất thơ khi đọc tới những huyền ảo của khám phá khoa học về sự thống nhất thể từ vật chất siêu vi tới những thiên hà vĩ đại trong vũ trụ, trong ngành vật lý thiên thể hiện đại (Astrophysics). Ta đọc tới là đọc tới qua ngôn ngữ diễn đạt, không phải qua những dụng cụ khoa học, thì phải chăng văn chương vẫn giữ một vai trò quan trọng đối với ta, khởi điểm để biết khoa học. Cũng vậy, ta cảm thấy cái hay của triết học nhiều khi không hẳn do thích thú hệ thống lý luận chặt chẽ, mà do chất thơ của văn-ảnh, thâm trầm của huyền truyện; như huyền truyện tù nhân trong thạch động của triết gia Platon; như huyền truyện cánh chim bằng bay về ao trời của Trang Tử; như văn-ảnh "Con sông dài qua kinh thành cũ" biểu tượng cho dòng thời gian với suối nguồn là quá khứ, biển cả là tương lai, nơi ta chứng kiến nước đang qua là hiện tại. Triết học Phật Giáo với rất nhiều những văn-ảnh có chất thơ: bãi cát Sông Hằng, mặt biển sinh diệt, bờ bến đam mê, con thuyền giác ngộ, giải sương mù ảo hóa, tiếng dội hải triều âm...Ta thử đọc một đoạn trích trong triết học Phật Giáo:
"- Này Đại Vương, nếu có người thắp một ngọn đèn lên, ngọn đèn có thể cháy suốt đêm được không?
- Bạch ngài, ngọn đèn có thể cháy đến sáng!
- Vậy ngọn đèn lúc canh một có phải là ngọn lửa đèn lúc canh hai không?
- Bạch ngài, không.
- Ngọn lửa đèn lúc canh hai với ngọn lửa đèn lúc canh ba có phải là một không?
- Bạch ngài, cũng không phải.
- Vậy thì canh một có một cây đèn, canh hai có một cây đèn khác, và canh ba có một cây đèn khác nữa chăng?
- Bạch Ngài, không. Ánh sáng suốt đêm chỉ có một cây đèn mà thôi.
- Này Đại Vương, sự liên tục của một người hay một vật cũng vậy. Con người của phút này sinh thì con người của phút trước diệt, dòng liên tục không ngừng. Con người của phút sau không phải là một với con người của phút trước. Như thế con người liên tục mãi cho đến giai đoạn cuối cùng của ý thức bản ngã".
Đọc đoạn văn xuôi trên đây, ta có cảm tưởng đó là một đoạn thơ. Tại sao? Cái gì phân biệt thơ với văn xuôi? Một trong những yếu tính của thơ là nét cụ thể của một hình ảnh hay, một biểu tượng hay. Biểu tượng hay làm cho dễ hiểu một ý tưởng trừu tượng. Ngoài biểu tượng hay, còn có biểu tượng thơ mộng hoặc huyền ảo. Vừa hay vừa huyền ảo thì triết học lại càng có chất thơ. Ta có thể nói tư tưởng Phật Giáo là một triết học có nhiều chất thơ (5)
Chú thích:
(1) Phần này đã đăng trong Tập san ĐỐI THOẠI của Ban Chấp Hành Sinh Viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (vào khoảng năm 1964 hay 1965 hoặc 1966, không nhớ chính xác).
(2) Dịch đoạn trên: "Ta đi về một nơi hiu quạnh, chân trời xa vô hạn, bầu trời không gợn mây, cây cối hoàn toàn bất động, không một con thú, không một bóng người, không một dòng nước chảy, khắp nơi sâu thẳm yên lặng; một quang cảnh như vậy dường như mời mọc ta vào sự chiêm niệm và chiêm ngưỡng, hoàn toàn cởi bỏ ý chí và những đòi hỏi của nó" (SCHOPENHAUER, sách đã dẫn).
(3) Dịch đoạn trên: "Tác phẩm của thi sĩ càng có tính chất thi ca, và lời nói của nhà thơ càng không bị ràng buộc: tác phẩm càng mở phơi cho sự bất ngờ và càng được đón nhận tốt" (HEIDEGGER, tài liệu đã dẫn).
(4) Phần này đã đăng trong báo DÂN CHÚNG của nhà thơ Nguyên Sa, số ra ngày 12 tháng 3 năm 1994, tại Nam California.
(5) Xin kèm hai bài thơ sáng tác theo lối văn-ảnh diễn tả cụ thể hai ý tưỏng trừu tượng (theo lối thơ văn xuôi, mong cũng có chút thi-tính):
CÁI BÓNG Ở NGOÀI TA
Ta tự đặt ra ngoài cái-không-ta (Phi-ngã, le Non-moi) để từ đó quay lại phản-tỉnh ý-thức mình là mình; nhờ biện chứng đi-ra-trở-vào đó nên ta đã sáng tạo làm cho ngoại giới hiện hữu - Theo triết lý Duy-Tâm Chủ-Quan có vẻ dị-thường của Fichte (1762-1814)
Lúc bấy giờ trời vừa xế chiều, người là một khối lù lù vô-thức ngồi bất động bên một triền núi nhìn ra ngoài kia có hay không một màu xanh phẳng lì của mặt biển.
Ánh nắng hoàng hôn chưa hiện thực nhưng chiếu rọi cái khối vô-thức ấy lên vách đá thành một hình thù hư ảo mà nhờ đó người tạo ra sự tồn tại của mình.
Cái bóng đó là do người muốn đặt ra ngoài mình vì tự ý đến ngồi đây nhờ ánh nắng chiếu dọi tạo thành, nên không giống sự thụ-động ngoài ý muốn của các tù nhân do một đống lửa chiếu từ phía sau in hình họ lung linh vào hang đá mà một triết gia thời cổ nào đó đã từng nói tới.
Hình tượng khối vô-thức ấy in lên vách đá mỗi lúc một mờ dần, thu nhỏ dần, chứng tỏ tạo vật đang vận chuyển ở trong vòng thời gian, và cái thu mình ngồi đó chiếm lấy một chỗ không gian chứng tỏ người là hiện tượng vật giới.
Ý thức mình là thời gian và vật giới nên bây giờ người đã biết mình là ai, biềt mình đang hiện hữu trong cuộc đời.
Phản tỉnh nhờ đi ra rồi trở về mình nên cái khối vô-thức cùng cái bóng ở ngoài đứng lên nhập lại thành một người thực sự, và kéo cao cổ áo đi vào thành phố cũng vừa mới lên đèn đây đó...
HỒN NHỮNG CON ĐƯỜNG
Ý niệm Chân-lý trong triết lý Heidegger chủ trì sự làm quen, tiếp xúc thân thuộc. Chân-lý không thể đạt tới bằng trí hiểu. Như những con đường mòn trong rừng chỉ quen thân với người tiều phu.
Chúng tôi còn những con đường ngoại ô của người đàn bà gánh nước nửa đêm bỏ lại phía sau từng vũng chuyện buồn đi về xóm vắng đìu hiu đèn vàng.
Chúng tôi còn nghe tiếng nói lam lũ một đời qua hình ảnh người phu xích lô đạp xe đường khuya bóng dáng ngã dài xuống bến trăng xanh.
Nếu người từ phương xa đến đây tìm hiểu đất nước này thì xin người tiếp xúc làm quen chứ đừng thả dài trên đại lộ phồn hoa khi hoàng hôn đỏ rực công trường.
Bởi vì bề mặt kinh thành không phải là hồn dân tộc chúng tôi mà chỉ là những hình khối mấp mô dựng lên bầu trời, và cùng lắm thì chỉ nghe được tâm sự não nùng của người ca sĩ sầu tình hát khúc buồn tênh.
Người phải đi qua những ngõ tối mưa khuya lầy lội có tiếng hát ru con ngậm ngùi tan vào bóng tối trầm tư nửa đêm gỗ đá thì thầm.
Hay lắng nghe phần vô ngôn ẩn thể chuyên chở trên lời thơ của người thi nhân lãng tử đêm đêm lướt qua phố phường như một vì sao lạc rồi đi mất dần vào ngõ khói âm vang...
Trần Văn Nam
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...