Trịnh Cung và hành trình của
"Những cuộc hóa thân tháng tư"
Tháng tư năm nay lại về, về như một dấu hằn, dấu mốc, dấu thất
lạc, dấu nhớ, dấu vỡ, dấu khắc khoải, dấu động kinh của 40 năm xưa mà như mới
hôm qua. Tháng tư cũng là khởi điểm của những hành trình hoá thân của bao nhiêu
triệu người Việt đã và đang sống ở trong nước cũng như ngoài nước Việt Nam.
Giống mọi người, Trịnh Cung đã trải nghiệm một cuộc hoá thân
khởi đi từ tháng 4, năm 1975. Bầu trời ông thở vào thời điểm đó, của miền Nam
sau khi thua cuộc, phát ra những tia sáng mong manh và yếu ớt một buổi chiều chạng
vạng. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp vào tâm hồn người cầm cọ, lại vướng tính mẫn cảm
của một kẻ yêu và thích làm thơ như ông. Ông như người rơi vào vòm đêm rã rượi
của tháng tư đen, như chìm trôi trong cuộc hôn mê suốt 10 năm dài, cuối cùng tỉnh
lại và kịp thoát ra khỏi bóng đêm tuyệt vọng. Ông đã tìm thấy nghệ thuật là cái
phao cứu độ đúng như ông đã tự bạch trong vựng tập của cuộc triển lãm cùng các
hoạ sĩ đồng thời như Nguyễn Trung, Ðinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyên Khai… tại
Houston, Hoa Kỳ năm 2012. "Hội họa luôn cứu chuộc tôi khỏi những vấp ngã,
những khủng hoảng tưởng chừng không gượng dậy được..."
Sau 10 năm buông cọ ông đã nhận ra sao không biến những đau
thương của đời mình thành những tác phẩm nghệ thuật và từ sự suy nghĩ đó tác phẩm
"Những cuộc hóa thân tháng tư" ra đời năm 1990 như một đứa con mang dấu
ấn kinh hoàng không bao giờ có thể quên, như hệ quả sau một cuộc hiếp dâm tập
thể.
Bây giờ chúng ta hãy cùng theo dõi cuộc chuyển hóa của ông và
hoàn cảnh đất nước vào năm 1990 trong tác phẩm "Những cuộc hóa thân tháng
tư".Những Cuộc Hóa Thân Tháng 4 (1990), Sơn dầu trên canvas, Kích thước: 80cm x 100cmNhìn vào bố cục cân bằng của tranh, chúng ta thấy một lằn
ranh màu xanh phân đôi bức tranh làm hai mặt phẳng, hai miền thời gian hay hai
thế giới sắc màu rõ rệt. Lằn ranh ấy đồng thời miêu tả dáng cong một người phụ
nữ bằng một đường ngực và hông, mở ra một chân trời mát dịu trong màu xanh pha
xám lấm chấm xanh ngọc và bạc. Cách pha màu dịu nhẹ này của Trịnh Cung khiến mới
nhìn, tôi có cảm tưởng như ông vẽ bằng màu nước chứ không phải sơn dầu trên bố.
Lạ lắm cái màu, nửa xanh, nửa xám, nửa lam lại có vẻ trắng bàng bạc mà ông đặt
tên là xanh phổ (Prusse Blue) này, theo tôi, nó diễn tả được những nội tâm phức
tạp cũng như những cảm tính bất định nơi người phụ nữ.
Phía lằn ranh bên phải gần dưới cùng bức tranh, chúng ta thấy
một con chim nhỏ màu bạc đuôi xanh. Phía trên con chim là một vòng tròn to đỏ,
tượng trưng cho mặt trời và trên nữa là một mảnh trăng lưỡi liềm cũng đỏ. Màu
xám bạc chung quanh vầng trăng và trong mặt trời nâng đỡ cho màu đỏ, khiến người
ta nghĩ tới một tế bào máu hay giọt máu hồng. Màu đỏ cũng dịu nhẹ hơn nhờ sự hỗ
trợ của xám và bạc lan toả. Trên nữa là hình một cái đầu ngựa màu nâu đất. Phía
trên cùng góc trái là một đầu trâu. Còn dưới thấp trông như hình một con dao gẫy.
Chung quanh những hình thể người, thú và vật là những mảng màu trắng bạc
(Titanium White), nâu, xám được pha trộn làm nhạt đi, loãng ra để nổi bật lên
màu chính là xanh phổ, đỏ và nâu đất.
Nhan đề "Những cuộc hoá thân tháng 4" là một dẫn dắt
cần thiết cho người xem bước vào nội dung và ý nghĩa ẩn dụ của bức tranh. Chúng
ta hãy đi ngược về quá khứ tháng tư năm 1990 để nhìn vào hoàn cảnh đất nước Việt
Nam thời ấy sẽ thấy ánh sáng của bức tranh được soi rọi và hiện ra dần. Trung
tâm bức tranh là người phụ nữ mà cũng là cái trục của cuộc đời xoay quanh. Dáng
hình người phụ nữ ấy như ở giữa lằn ranh của hư và thực và rồi bị đẩy trượt vào
quá khứ màu xanh xám. Miền quá khứ ấy là những kỷ niệm đẹp đẽ để con người hoài
niệm và tiếc nuối mà con người lỡ để nó tuột khỏi tầm tay. Bên phải, trái là những
mặt nạ trá hình của lũ đầu trâu mặt ngựa hiện diện như số phận hay hình hài hoá
thân của kẻ dữ trong một thời đại hỗn mang. Con chim mang ẩn dụ cho số phận nhỏ
nhoi của người dân bị thu mình lại. Mặt trời và mặt trăng bị nhuộm đỏ tức cả nước
chìm trong màu cờ đỏ của cộng sản. Con dao như vũ khí và sức mạnh của miền nam
đã bị bẻ gẫy. Đó là phía của người thua cuộc.
Thoạt nhìn tranh Trịnh Cung tôi nhận ra được những uẩn ức nội
tâm đang được ông dùng những màu sắc nhẹ và mềm mại thể hiện. Ông sử dụng các
hình tượng, chim, người phụ nữ, mặt nạ đầu trâu mặt ngựa để bộc lộ những suy tư
từ lâu bị dồn nén. Ông đã dùng nghệ thuật Biểu Hiện. Tuy nhiên, vì sinh ra và lớn
lên trong thời thịnh đạt của trường phái lãng mạn, cây cọ của ông thường ảnh hưởng
đường nét của nghệ thuật lãng mạn. Thêm nữa, trong con người ông lại có tố chất
của một người làm thơ vì vậy màu sắc và phong cách vẽ của ông không ít thì nhiều
ảnh hưởng tính lãng mạn trữ tình của thi ca thời ấy. Ông không sử dụng màu dày,
hay nổi bật dữ dội. Trái lại, cách ông pha màu hay chuyển đổi từ màu này qua
màu kia, trông rất mềm mại, nhẹ nhàng và tinh tế. Đã vậy, hình như ông lại muốn
vượt thoát ra khỏi ngôn ngữ ẩn dụ của hình thể, để vươn lên một cái gì mới hơn,
vô hình thể hơn, trừu tượng hơn. Do đó, những mặt nạ, dáng người phụ nữ, con
dao, đã trở nên mờ nhạt, không rõ rệt, mơ hồ và xa rời Biểu Hiện để bước vào thế
giới của nghệ thuật Trừu Tượng. Phải nói là trạng thái nội tâm của ông khi vẽ bức
tranh này rất là rất phức tạp, nên ông đã dùng hình thái nghệ thuật Biểu
hiện - Trừu tượng (Abstract expressionism), để vẽ bức này.
Nói tóm lại, thông điệp của bức tranh đã nói lên được tâm trạng
của Trịnh Cung vào một tháng tư và những tháng tư sau này. Tâm trạng một người
nghệ sĩ tạo hình bất lực trước sự thay đổi hỗn mang của thời cuộc và đất nước.
Ông, một con chim nhỏ, một kẻ lưu vong trên chính quê hương mình, không biết
làm gì hơn là thu mình lại, và cất tiếng hót vào hư không.
Trịnh Thanh Thủy
Trịnh Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét