Đọc lại bài tựa truyện Kiều năm 1820 của
Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân
Ngày trước, các ấn phẩm in truyện Kiều (đoạn trường tân
thanh) của Nguyễn Du, mở đầu thường có hai bài tựa:
- Bài thứ nhất của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân (1820)
- Bài thứ hai của Phong Tuyết chủ nhân Thập thanh thị (1828)
Cùng bài thơ chữ Hán (đề từ - thi vân) của Lương Đường Phạm Lập
Trai (Phạm Quý Thích)
Về bài "tựa thứ nhất" của Mộng Liên Đường, viết vào
năm 1820, đây là năm Canh thìn, Vua Gia Long băng hà, Vua Minh Mệnh nối ngôi -
đồng thời cũng là năm Đại thi hào lâm bệnh qua đời ở kinh đô Huế trong một nạn
dịch bệnh đương thời làm chết hàng vạn người. Nói theo kiểu cổ nhân: Mộng Liên
Đường đề "tựa" Đoạn trường tân thanh mà Nguyễn Du viết vào khoảng năm
1814 sau khi đi sứ nhà Thanh(bên Tàu) về...
Nghĩa là truyện Kiều đã trình làng được 6 năm, tác giả của nó cũng vừa qua đời;
người viết có đủ điều kiện và xúc động ở thời điểm vừa "cái quan định luận"
để đề "tựa". Bài viết ngắn gọn, xúc tích dài chưa đầy hai trang giấy mà
có nhiều câu người đời sau dẫn đi dẫn lại. Mở đầu bài "tựa", Mộng
Liên Đường lý giải rất khéo về hai chữ "đoạn trường" : "trong trời
đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất
bình.Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của
hai chữ đoạn trường vậy".
Sau khi nói về cái lý do mà Tố Như tử đem truyện Thúy Kiều
chép trong Lục Phong Tình rồi "dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả tình đã
hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm
lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy?...
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ
sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình,
tuy khác đời mà chung một dạng. May được nối ở đằng sau quyển "Tân
thanh" của Tố Như tử, cũng là một khúc đoạn trường để than khóc người
xưa."
tháng hai, niên hiệu Minh Mạng (1820)
viết ở Thán hoa hiên đất Hạc Giang
TIÊN PHONG
Mộng Liên Đường chủ nhân
Tiên Phong và Mộng Liên Đường (đình) là tên hiệu của Quan chức
- nhà văn Nguyễn Đăng Tuyển(1795-1880) hậu duệ Trạng Bịu (Nguyễn Đăng Đạo 1651-
1719) quê ở thôn Thượng(tên nôm là làng Bịu Thượng) xã Hoài Bão, huyện Tiên Du,
Tỉnh Bắc Ninh.
- Nguyễn Đăng Đạo, đỗ Trạng Nguyên năm 33 tuổi, niên hiệu
Chính Hòa, đời Vua Lê Hy Tông 1683. Năm 1687 ông được cử đi sứ sang Tàu
vào chầu Vua Khang Hy nhà Thanh.
Do đối đáp, thi thố văn tài với sứ thần các nước, có các bài đệ lên ngự lãm, được
Vua Khang Hy (một vị Vua nổi tiếng hay chữ) phê cho Trạng Bịu: "Bắc
Triều đệ nhất Trạng Nguyên". Theo sử sách: ông là người trung thực, thương
dân, làm tới chức Tham Tụng(Tể Tướng). Ông mất năm Vĩnh Thịnh thứ 15 - vua Lê Dụ
Tông phong tặng Lại Bộ thượng thư, Thọ quận công, ban cho bốn chữ "Lưỡng
Quốc Trạng Nguyên" và một đôi câu đối:
Tiến sĩ, thượng thư, thiên hạ hữu
Trạng Nguyên, tể tướng, thế gian vô.
- Ông nội của Mộng Liên Đường là Nguyễn Đăng Vỹ, đỗ tiến sỹ
năm Bảo Thái (1720 - 1729) đời Lê, làm quan tới hàm Thiếu Bảo, tước Kế Thiện hầu
.
- Cha Mộng Liên Đường là Nguyễn Đăng Chiểu đỗ hương cống(cử
nhân) làm quan đến Hồng Lô tự khanh. Cuối đời Lê loạn lạc ông đưa vợ con
lánh lên xứ Đoài, làm nhà thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây. Thời Lê huyện lỵ
Tiên Phong đóng ở xã La Phẩm(nay thuộc huyện Ba Vì - Hà Nội).
- Nguyễn Đăng Tuyển từng đỗ Tú Tài được bổ làm giám sinh ở Quốc
Tử Giám. Năm Minh Mệnh thứ 17(1836) được bổ làm tri huyện Vị Xuyên(Tuyên Quang)
sau chuyên về Kinh làm chủ sự ở Bộ Hộ rồi được thăng Thừa Chỉ, Thị Độc. Ông là
người "vì văn học mà được Vua biết đến" thường được Vua Tự Đức cho ngồi
bên cạnh dự các kỳ thi do Vua chủ trì, ông đã soạn các quyển"Đào hoa mộng
ký", "Nam thị quốc phong", dâng Vua xem, được tán thưởng, chuyển
làm trước tác rồi được sung chức Biên Tu Quốc Sử Quán. Năm 1856, ông được bổ
Tri Phủ Thuận Thành(Bắc Ninh) rồi xin hưu trí. Tuy đã về hưu,ông vẫn được Vua
cho người về thăm hỏi, lại sai làm Vịnh sử ca.Vào dịp Vua 50 tuổi(ngũ tuần đại
khánh) , ông dâng thơ tụng, được ban thưởng, vài năm sau thì mất, thọ 86 tuổi.
Nguyễn Đăng Tuyển - một cây bút tài hoa, ông lưu danh cùng Tố
Như tử với tên hiệu "Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân" (bài tựa)
được dịch in trong sách "Truyện Thúy Kiều" do Bùi Kỷ và Trần Trọng
Kim hiệu khảo, in năm 1925 và tái bản nhiều lần.Nay đọc lại lời bình sâu sắc của
ông"xem đến chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn nguyên vẫn gỡ chưa rồi;
khúc đàn bạc mệnh ấy gẩy xong mà oán hận vẫn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất
không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn
bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm
ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên"đoạn trường tân thanh"
cũng phải."
Nay đã qua 189 năm, đọc lại bài tựa truyện Kiều của Mộng Liên
Đường, kẻ hậu sinh (NK này) vướng duyên hàn mặc(bút mực) vẫn thấy văn chương của
bậc tiền bối như nước chảy mây trôi, sâu đậm tình người truyền lại cho con cháu
cái tài, cái tình theo cánh Rồng bay lên quả là hứng khởi biết chừng nào?.
Góc Thành Nam Hà Nội, 2-9-2009Nguyễn Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét