Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ăn chữ - Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam

Ăn chữ - Truyện ngắn
của Đoàn Hữu Nam

Ông Hàm phát hiện ra việc thằng cháu nội ăn chữ. Trước pho sách Trung dung của Khổng Khâu Phu Tử, trước sự chứng kiến của ông nội, Vóc vái giời vái đất rồi bình thản cúi xuống đưa lưỡi lia dọc lia ngang từng trang, từng trang, lưỡi Vóc lia đến đâu trang sách trắng đến đó, chả mấy lúc pho sách đặc những chữ thành vỏ trứng dốc hết ruột. Liếm xong pho sách mắt Vóc long lanh, da Vóc hồng hào, mồm miệng thao thao sách lược…
Nhà ông Hàm vốn phát về đường chữ nghĩa. Cụ ba đời của ông đỗ cử nhân, ông nội ông đỗ tú tài, bố ông thi đi thi lại cuối cùng cũng lấy được cái thành chung, đến đời ông, tuy đường học lận đận nhưng cũng mấy chục năm gõ đầu trẻ. Ngặt một cái đến đời con ông chữ chui xuống lỗ công cống. Chữ tan vào sông vào suối thành ra chín anh em con ông cả trai lẫn gái đều mặt ngó đất đít nhòm giời. Không chịu củ mài ăn xuống, ông Hàm rồi các con ông bắt lũ con cái trong nhà ngày ngày phải gọi chữ, quơ chữ. Bé thì lấy búp lá tre câu dử công cống, lớn thì ra suối quăng chài. Câu dử ở lỗ công cống lũ trẻ hát: “Lý lý lẽ lẽ/Lừa trẻ dối già/ Ù òa ù ập/ Chữ nhớ chui lên/ Chữ quên chui xuống/ Cuốn chiếu từng đoàn/ Về chầu họ Lỗ.”. Quơ chữ ngoài suối lũ quăng chài hát: “Ngồi như con chó/ Đứng chạm mái nhà /Nhập nhập nhòa nhòa/ Xỏa ra đầy suối/ Chuối, trạch, chầy, trôi/ Lấy chữ thay mồi/ Trồi lên hụp xuống.”… Búp tre gọi một ngày được công cống, quăng chài chụp một ngày được rong rêu, nhưng gọi, chụp một tháng, ba tháng, ba năm thì động được lòng giời, nhà họ Lỗ được thằng cu Sức. Sức trán cao, mũi thẳng, cằm vuông, răng bàn cuốc, lông mày vểnh hình cánh cung, quý tướng lồ lộ từ nét mặt, dáng đi, giọng nói.  Sức có trí nhớ tuyệt vời, đọc đâu nhớ đấy. Họ Lỗ xưa kia sống vì chữ, có từ chữ nên sách nhiều như thóc nhà địa chủ. Sách xếp hàng trên giá, xếp đầy trong rương, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, cuốn thắp hương mới được mở, cuốn gối ngay đầu giường, của chìm là sách, của nổi cũng là sách. Từ lúc mắt biết nhìn, tai biết nghe, miệng biết bi bô sách đã ngấm vào người Sức. Khi biết đọc, biết viết kho sách là khối nam châm, Sức là đồng xanh căng thia lia trên biển sách. Rồi Sức bị bệnh thèm sách hành hạ. Hành hạ đến nỗi ăn rồi hay không ăn không nhớ, qua ngõ lúc nào chẳng hay, tên làng đọc thành tên trại… Thấy Sức sáng sách, trưa sách, tối sách, mở mắt vồ lấy sách, nhắm mắt ôm sách vào ngực, cười một mình, nói một mình, ngủ mê cũng một mình một kiểu, người ngợm lúc nào cũng lơ ngơ, lờ ngờ như cá bị ruốc, cả nhà, cả họ giật mình, nghĩ mọi ra cách lôi Sức ra khỏi cơn mê, nhưng càng lôi Sức càng như người vĩ cuồng. Chỉ bảo đường hơn lẽ thiệt? Vô ích. Gia pháp răn dạy? Không xong. Cất sách? đốt sách? giam nhốt? Cất, đốt, giam được sách, được người chứ sao đốt, giam, nhốt sao được hồn người?
Nhà văn Đoàn Hữu Nam ở Lào Cai
Chữ nghĩa ăn hơi ăn sức đến năm thứ mười lăm thì Sức về giời, họ Lỗ chôn nỗi đau mất mát xuống chín tầng câm, tưởng như đời này, kiếp này phải quên đi chuyện chữ nghĩa, ai ngờ cu Vóc bỗng dưng nổi như phao. Cả họ Lỗ vừa mừng vừa lo. Mừng vì giời không phụ lòng người. Lo vì chữ nghĩa là ma quỷ. Còn hơn cả ma quỷ, ma ám quỷ trêu có phù thủy trị, chữ ám có giời trị. Mẹ Vóc bảo: “Từ thủy tổ đến giờ con người ăn rừng, ăn đất, ăn nước, ăn nhau nhưng chưa ai ăn được chữ, nó là thánh thần hay là ma quỷ nhập hồn không biết?”. Bố Vóc bảo: “Kiếp trước chắc ăn muối nhiều nên kiếp này tai dài mặt ngắn rồi”. Ông Vóc bảo: “Đến nước này rồi thì phải xin tổ tiên giời đất thánh thần phù hộ thôi.”. Cả họ bàn bạc rồi làm lễ xin Vóc được phù hộ nghiệp chữ nghĩa. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính. Nồi nước xông hương bốc khói nghi ngút, mùi thơm của hương hồi, hương sả, hương quế, hương rừng, hương núi tỏa ra ngây ngất. Trong lãng đãng khói hương, thiên thần, nhân thần hội tụ, thần lim dim chiêm nghiệm, thần trợn mắt trợn mũi, thần toát mồ hôi hột khiến con cháu họ Lỗ sợ hãi, quỳ rạp vái như tế sao. Ông Hàm đặt trước hương án pho sách Luận Ngữ 20 thiên rồi vẫy Vóc lại. Vóc từ từ cúi xuống, những con chữ mang Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín như đàn kiến nối nhau rồng rắn chui vào bụng Vóc khiến ông nửa mừng nửa vui.
Trong những ngày này mỗi ngày qua đi là nhà họ Lỗ mỗi ngày vui. Vui nhất là ông Hàm. Thế thời vật đổi sao dời song đổi dời gì thì lòng ông vẫn trung trinh thờ chữ, những con chữ trong kho sách nhà ông mấy đời truyền lại vẫn như những hạt thóc trong bồ nép vào nhau chờ ngày bật mầm đâm lá. Vóc ăn chữ, thành người chữ. Kho chữ nhà họ Lỗ rỗng đi bao nhiêu thì dạ Vóc sáng bấy nhiêu. Cùng với thân hình tươi mới, nẩy nở trán Vóc mỗi ngày mỗi cao, mắt Vóc mỗi ngày mỗi sáng, ăn nói, đi đứng khoan thai, ra trên, ra dưới, ra dáng người có học. Trong nhà, ngoài đường, trong trường, giữa chợ, đông tây kim cổ ai hỏi cuốn nào, đoạn nào là Vóc vanh vách từng cuốn, từng trang. Cứ đà này Vóc không chỉ làm sống lại thời huy hoàng của họ Lỗ mà còn có thể khơi dòng, dẫn đường cho con cháu trong họ, trong làng ra giúp ích cho nước, cho đời.
Mang tâm trạng háo hức của người hồi lại sức lực sau thập tử nhất sinh ông Hàm họp họ rồi họp làng. Trước cả trăm đôi mắt, trăm tấm lòng khao khát đổi đời ông dẫn chứng, phân tích rành rẽ về sự phát tiết chữ nghĩa, về tiền đồ tươi sáng của họ Lỗ, của làng Bần báo ứng vào Vóc. Cứ đà này trước sau gì Vóc cũng là niềm tự hào của làng Bần, sẽ dẫn con cháu làng Bần ra năm châu bốn biển. Làng Bần tiếng là bốn họ Hoàng, Nguyễn, Đoàn, Lỗ trụ bốn góc làng mười mấy đời nay nhưng dây mơ rễ mái nội ngoại nối đời nhằng nhịt nên cũng giống như trong một họ lớn, hơn nữa người trong làng ít nhiều đều mang ơn chữ nghĩa từ ông trưởng họ Lỗ nên nhời nhẽ chí tình của ông được cả làng thấm như giấy thấm nước. Cả họ, cả làng dồn vào nuôi Vóc giống nuôi Phù Đổng Thiên Vương. Ngày ba tháng tám đói đâu chết đâu không biết Vóc cứ ngày ba bữa, ra giày vào dép, lên lớp thì thôi về nhà là chúi đầu vào ăn sách, cả trung đoàn, đại đoàn chữ nghĩa bao năm làng Bần gom góp nâng niu chậm rãi chui dần vào bụng Vóc. Không phụ lòng ông bà cha chú, Vóc trở thành ngôi sao sáng của trường Trung học cơ sở xã Bần Bạch, tên tuổi của Vóc, của trường, của làng xuất hiện liên tục trên báo chí của tỉnh, của trung ương.
Nhưng miệng ăn núi lở, sau dịp cả nước phát động cuộc thi kể chuyện sách, Vóc thi trường đứng đầu trường, thi huyện đứng đầu huyện, thi tỉnh đứng đầu tỉnh, thi Quốc gia đứng đầu Quốc gia thì kho sách làng Bần đã thành kho giấy trắng. Hết sách Vóc lại lơ ngơ thui thủi như chó cúm. Họ Lỗ lúng túng. Làng Bần lúng túng. Thời buổi thóc cao gạo kém, làng Bần lâu nay thanh bạch, thuần nông lấy đâu ra tiền tậu sách nuôi tằm. Cũng may, ông anh con ông bác Vóc làm phu hồ tứ chiếng về nói giờ ở thành phố sách ế bày la liệt khắp vỉa hè giá rẻ như cho. Họ tộc bàn nhau, đây ra thành phố ba bốn chục cây số, lấy xe cải tiến chở gạo ra bán rồi mua mang sách về nuôi thần đồng, lợi cả đôi đường.
Rồi thì người ra thành phố bán gạo mua sách cũng trở về. Mọi người hoa mắt chóng mặt, ngược lại với mớ sách cũ kỹ, ố nát của làng Bần sách chất trên xe cải tiến toàn những cuốn sách ngoài thì bìa cứng, trong ruột giấy trắng tinh, con chữ rõ ràng, ngay ngắn, hứa hẹn cho Vóc no cả đời.
Nhưng “niềm vui qua nhanh nỗi buồn đọng lại”, không biết chữ nghĩa không hợp với chủ mới hay chủ mới không chấp nhận chữ nghĩa mà sau khi ăn hết ruột mấy chục cuốn sách từ thành phố mang về Vóc động nói động bẳn, những từ ngữ ít khi buột khỏi miệng con nhà gia giáo vung vãi như hàng tôm hàng cá ngoài chợ.
Rồi bệnh tật vắt kiệt sức lực Vóc. Bụng Vóc chướng phềnh, hơi thở khò khè, mắt lồi ra, chân tay nó nghều ngoào, đầu óc chật mích những từ ngữ tục tĩu, những hình ảnh con đánh bố, trò đánh thầy, vợ ngoại tình, chồng cắt “của quý” của vợ, anh giết em, tranh nhà tranh cửa…. Cả họ Lỗ thất vọng, lo lắng xúm vào chữa chạy cho Vóc, đông tây y kết hợp cúng bái đủ kiểu nhưng Vóc vẫn điên chẳng ra điên, rồ chẳng rồ rồi dần dần lịm đi như người kiệt sức.
***
 Nằm bệt trên cái giường góc nhà chờ ngày về chầu tiên tổ Vóc vẫn tỉnh táo nhận biết rành rẽ thế giới xung quanh, vẫn hiểu mọi người đang thất vọng, đau khổ vì mình. Vóc đau, đau lắm. Số phận đi ở của Vóc y như giời đã định. Mọi sự lo lắng, chạy chọt cuống cuồng của cha mẹ, họ tộc đã vợi, đã chìm trong tiếng thở dài, trong những bước đi nặng nhọc, cam chịu. Ngoài sân ánh trăng đang tung hoành, một nhóm cha chú quây quanh mâm rượu. Họ lặng lẽ uống, lặng lẽ truyền cho nhau sự đồng cảm. Nỗi đau trong mình, ngoài mình giống như những cơn gió bấc thổi thốc lên từng đợt, từng đợt làm cho họ tái tê, đau đớn. Tiếng giun dế thảng thốt như sắp tiệt giống nòi, tiếng cú rúc cắt rời đêm không lôi họ ra khỏi cơn mê thương cảm. Còn ông nội. Nhìn ông ngồi gục trước ban thờ, tiếng rên cố nén của ông giống như tiếng mèo hen ngày trở gió khiến lòng Vóc như xát muối. Vóc đã từng xấu hổ với bạn bè khi ông nội gọi vườn trẻ là ấu trĩ viên, gọi bốn mùa là tứ thời bát tiết, nhưng khi nghe ông diễn giải về suy kỷ cập nhân, kỷ sử bất dục vật thi ư nhân thì nó hiểu chữ nghĩa trong ông đã ra ngoài trang sách, vậy mà…, nó ấn tiếng thở dài vào sâu trong ngực, tình thương làm nó đang làm nó nát tim nát gan. Nó thương ông, mái đầu trắng như cây trứng cá đương hoa của ông có phần do nó gây nên. Nó thương cha, cha nó chữ nghĩa rụng rơi đầu mom cuối bãi, kiệt sức vì manh áo miếng cơm, nó chưa làm được gì để trả ơn sinh thành dưỡng dục thì vấp phải nạn chữ nghĩa, kỳ vọng thất vọng đuổi nhau, thi nhau ăn da ăn thịt làm cha hốc hác hình hài. Nó thương mẹ, mẹ đang ngồi tụng kinh, tiếng lốc cốc lốc cốc chung chiêng giữa trời giữa đất, như có như không đang cố đánh động lòng giời giúp nó trở lại bình thường. Nó thương anh, thương em, thương chú bác trong họ ngoài làng,ngọn lửa hy vọng vào nó mọi người vừa nhóm lên đã bị bão tố tai ương phũ phàng thổi tắt. Nó thương nó, cái chết được báo trước khiến khát vọng sống trong nó bùng lên. Nhắm mắt nó cũng thấy bầu trời vẩy tê tê xếp chồng xếp lớp báo nắng báo mưa; sáng sáng ngoài ngõ con chèo bẻo bấu chặt vào ngọn cây măng vòi líu ríu, ngó nghiêng. Bịt tai nó cũng nghe thấy tiếng bì bõm cần mẫn, đơn độc của người đánh dậm đêm. Sợi rơm vương trên tóc đứa em gái làm nó nhớ quay quắt cái hõm của đống rơm trên sân hợp tác. Mùi cá nướng trên bếp cho nó nhớ những đêm bồng bềnh thả lưới trên chiếc thuyền nan, và kia… kia nữa… nếu không có mớ chữ nghĩa chết tiệt trong bụng thì nó đang háo hức bịt mắt bắt dê với đám bạn rồi…
Từng đàn nắc nẻ vỗ cánh bên ngoài cửa sổ làm Vóc nghĩ đến hồn ma của lũ nặc nô về đòi nợ, những giọt nước mắt muộn mằn mặn chát chìm vào lòng nó. Không! Không thể ra đi vô lý thế này được, Trước khi Nam Tào khai trừ nó ra khỏi thế gian thì nó phải khai trừ mớ chữ nghĩa ra khỏi bụng đã. Vóc vùng dậy, hổn hển. Mọi người giật mình, xúm lại, ý nguyện của con chim sắp rời đàn được thực hiện ngay tức khắc, Vóc được nằm sấp trên chiếc ghế ngựa đặt giữa nhà, những bìa sách mới, cũ được mở ra, bày la liệt trên nền. Sau khi thắp hương tạ tội tổ tiên ông Hàm run run nhận chiếc roi dâu từ tay con trai.
Vút…Vút…Vút… Sau mỗi nhát vút rin rít của cây roi dâu là Vóc lại ựa lên, từng đàn chữ theo nhau ộc xuống mặt sách, chữ nào về lại sách nấy. Khi ông Hàm mỏi tay, thở dốc thì phần nhiều cuốn sách đã trở về nguyên trạng thủa mới sinh ra, Vóc đã dần hồi da hồi thịt, cả họ Lỗ mừng như bố chết sống lại. Thật hú vía, chữ với chẳng nghĩa, tí nữa thì đi đứt một mạng người.
ĐOÀN HỮU NAM
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...