Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Chân gỗ - Truyện ngắn Tống Ngọc Hân

Chân gỗ - Truyện ngắn
Tống Ngọc Hân

Mới sáng, mặt trời đã lừng lựng ngọn rừng. Ve sầu là loại sinh vật khỏe nhất trần gian. Mở mắt ra là nó giục giã. Còn lại, tất cả đang đủng đỉnh ngáp nắng. Cái thứ nắng già, chưa sớm đã xộc vào nhà như đòi nợ. Lão Chải là bản cũ, đất cũ, rừng ruộng cũ, người cũ. Già hết cả rồi. Cái suy nghĩ cũng cũ cũng già. Như tiếng ve ran ngàn đời cứ cuối tháng tư đầu tháng năm đã sôi sục.
Phơn váy áo xong xuôi, đứng chườm cái hơi nóng da thịt vào lưng Vần mà nhấm nhẳng. Chưa đi được à? Vần giật thót mình, như thể là vợ bắt được cái ý nghĩ của Vần. Cái ý nghĩ như thằng trộm, vừa chạm tay vào cái vòng bạc của người ta đã phải buông ra vì bị phát hiện. Vần vội tỏ ra thản nhiên. Đi thôi. Xong rồi. Đợi mình lâu thì có.
Nhà văn Tống Ngọc Hân
Đường đi nhà anh trai qua một con sông. Mùa cạn, đội áo lên đầu bơi cũng qua. Mùa này nước phứa lên ngang ngọn cơi, bọt phơi trắng xóa. Một xe máy và hai đứa là mười nghìn xuồng máy. Tay Phơn khư khư cầm sẵn mười nghìn.
Vừa đặt bánh xe xuống cát, đã nghe tiếng ơi ới trên đò. Nhanh chân lên nào. Thoát được tiếng ve là đến tiếng sông. Tiếng sông là tiếng đò máy. Cành cành, cành cành, cạch cạch, cạch cạch. Một chị người Mông đi mua xăng dầu ngoài phố về chạy máy nổ, dẩu môi. Đi mua lợn con à? Phơn gật đầu. Từ độ Vần đi ở rể bên Lão Chải, người Vỹ Sơn xem Vần là khách rồi. Vỹ Sơn là đất người Mông với nghề trồng ngô và ươm lợn con. Cái loại lợn lông ngắn, lang ở bụng, xương bé thịt nhiều, cứ bữa một con. Là bữa giỗ, bữa cấy, bữa gặt, bữa đẻ hay dựng nhà ấy… Độ chục mâm một bữa. Con to nhất thì ba chục cân, con bé chỉ hơn chục cân thôi, là đã béo, đã ngọt thịt lắm rồi. Tứ bề núi non vòi vọi, Vỹ Sơn là lòng chảo, nên lúa ngô tốt đằng lúa ngô, người béo khỏe đằng người. Gia súc, gia cầm thì sinh sôi ngun ngút.
Tiếng ho nghe quen quen. Vần nhận ra lão Tản, người Lão Chải. Gớm, lão đi đâu sớm thế. Lão Tản cười mủm mà răng thò ra ngoài miệng. Đi Vỹ kiếm thuốc ho đây. Vần bật cười nhớ đến ruộng thuốc lào nhà chị dâu. Vụ xuân này, lá thuốc phàm phạp ngả vàng và đang độ thu hoạch. Người dân thái rồi đấy. Vần không nghiện món ấy. Chứ dân Lão Chải, chỉ trừ con gái và trẻ con là không hút. Còn thì thanh niên nứt mắt, đến ông bà già chuẩn bị “lên ngựa” đi thăm tổ tiên vẫn hút. Trong khi nhiều nhà xung quanh trồng hết cây ngô ngọt thì nhà anh trai vẫn trồng thuốc lào. Trồng một ruộng thôi. Rồi tự thái, chế biến và bán cho dân nghiện trong vùng. Vần hỏi khi xuồng cập bến, mọi người lục tục đẩy xe lên bờ. Sao không trồng mà hút? Lão Tản nhìn cái thằng không nghiện ngập, cười tít mắt. Sao mày không tự trồng lợn con mà phải đi mua? Trồng cái thuốc ho khó lắm á. Phải có kĩ thuật, phân bón. Và đất phải tốt, tơi xốp nữa. Lão Chải nhà ta đất cũ rồi, trồng người còn còi cọc nói gì thuốc. Vần cũng nhoẻn cười. Phơn thoăn thoắt leo lên xe máy, khỏa váy trùm lên đuôi xe và vỗ vào mông Vần như thể vỗ vào mông ngựa. Đi mau còn về, chả nắng vỡ mặt. Lôi thôi với lão Tản có mà hết cả hơi cơm sáng. Lão Tản đi bộ khỏe lắm. Mỗi bước đi là mỗi bước ho. Chó sủa ran. Lão bảo chó sủa mới vui. Ra đường, nhất là đường đêm mà không có tiếng chó sủa thì nản lắm. Nên lão cứ phải rặn ra mà ho để đánh động lũ chó. Lâu dần thành quen. Lão cứ bước chân ra đường là ho. Chó chưa sủa thì lão ho to. Chó sủa và đuổi theo thì lão ho nhỏ lại. Cứ chỉnh ho như chỉnh máy hát. Dân bản gọi lão Tản là máy ho.
Cổng nhà anh trai kia rồi. Chỗ cây mận đang phơi những chùm quả vàng óng căng mọng. Hồi mẹ còn sống, Vần về đây thì gọi là về nhà mẹ. Mẹ mất rồi, gọi là về nhà anh trai. Đôi lúc, Vần nhầm là về nhà chị dâu, khiến Phơn tức giận, dỗi dằn. Nhà nào của chị dâu thế? Những lúc ấy, Vần thường im lặng. Nửa năm trở lại đây, Phơn không còn ghen với chị dâu nữa.
Thuốc lào vàng quạch, cái lá thuốc không to, không dài như những mùa trước, đang treo trên sào. Chắc anh trai mới thu về. Sân vườn, củi đuốc không ai vén, trông bừa bộn. Ngày chủ nhật, hai đứa con anh đang ở nhà. Chúng lúi húi dưới bếp làm bữa thì phải. Nhìn thấy Vần, nó bẽn lẽn chào như chào khách. Đi ở rể là thế đấy, giờ máu mủ nhìn thấy nhau mà vời vợi e dè như thể nhìn khách. Chả cứ con anh, mà con của hai chị gái Vần cũng thế. Chúng thấy Vần là lủi mất. Vần thấy buồn ngập lòng. Ngập lên tận cổ, tận mồm. Cái lưỡi như kẻ chết đuối, ấp úng một câu rất thừa. Bọn trẻ nay nghỉ à? Anh trai gật đầu. Nghỉ đấy. Nghỉ dịch bệnh suốt, mới đi học. Đang làm rau để nấu canh cho nguội bớt. Hai người ở ăn cơm nhé. Anh mời như mời khách. Đứa trai lớn của anh chị độ mười bốn tuổi, đứa gái bé chạc mười tuổi, mắt tròn xoe, da trắng hồng, cứ nhìn Vần lạ lẫm. Nhìn đứa cháu gái, lòng Vần rộn lên cảm giác khó tả. Ừ thì nó là con của chị dâu mà lại. Nó giống mẹ nó thôi mà.
Phơn theo chân anh trai đi vào trước, Vần bước theo sau. Nhà hơi tối. Là do chưa quen mắt thôi. Chứ nhà anh trai to nhất khu này rồi. Căn nhà gỗ năm gian lợp ngói thắm. Dui mè đều sơn màu nâu sáng. Cột nhà để màu gỗ tự nhiên. Tất cả đều là sến mật. Cả vùng Vỹ Sơn trù phú này, số nhà gỗ sến mật như anh trai Vần chỉ đếm đầu ngón tay. Nhà vốn đã rộng sẵn, giờ có một người ốm nằm bại giường thì càng thêm rộng. Tiếng Phơn ở trong gian buồng bên trái vọng ra. Chị có khỏe không? Không có tiếng trả lời. Chị còn đau không? Im lặng. Như có trăm có ngàn con kiến bò trong xương thịt Vần.
Nhà có hai anh em trai. Trước đây, lúc mẹ còn sống, bà vẫn bảo trăm cái thiệt thòi Vần gánh. Bao cái sướng anh trai hưởng.
Từ khi sinh ra, anh đã gầy ốm yếu, hay hờn khóc. Và bố mẹ hình như thương anh hơn. Nhất là bố. Nên khi em gái của bố lấy chồng hai năm chưa sinh được con, ngỏ ý muốn xin một đứa cháu về làm con nuôi, thì mẹ đã cho Vần đi, làm con cô, giữ anh lại. Qua tuổi sài đẹn, qua tuổi ma rừng ma suối bắt nạt, trêu ghẹo, anh lớn nhanh như thổi. Sau này Vần hỏi mẹ, sao không cho hai chị gái, mà lại cho Vần đi. Mẹ Vần thật thà, con gái biết việc còn để làm việc nhà chứ. Chưa kể, con trai lớn lên, bố mẹ phải làm nhà cho, rồi cưới vợ cho, tốn kém lắm. Trong khi con gái gả cho người ta còn được bạc đem về, được trâu được lợn đem về. Nên mẹ cho Vần đi.
Số Vần cũng long đong. Cô nuôi Vần được ba năm thì bỗng dưng cô chửa đẻ. Năm trước đẻ đứa trai, năm sau lại đứa gái. Thế là cô đem Vần về trả. Vần về khi anh Van chuẩn bị đi học lớp một. Năm sau Vần mới đi học. Kí ức Vần bập bõm lắm. Hằn sâu là những tủi hờn khi đùa nghịch, chị gái hay tát vào mặt Vần đuổi cút mày đi. Anh Van cũng hay đánh Vần mỗi khi Vần chạm vào sách vở của anh. Kể cả con quay, hay cái súng chun của anh cũng thế, đừng động vào. Vì anh được các chị nhường nhịn, cả nhà nhường nhịn quen rồi. Khi Vần đi ở với cô thì anh là út mà. Nên anh không thấy có lí do gì để san sẻ cho đứa em trai làm con người ta bỗng dưng trở về nữa. Mẹ thì lúc nào cũng cất lên điệp khúc “nhường anh đi con” đầy vẻ sợ sệt và cam chịu. Còn bố Vần thì thường xuyên đứng ngoài những oan ức của Vần. Thấy các anh chị bắt nạt thằng út, bố ngơ đi. Nhà Vần khi xưa nghèo lắm. Nghèo nhất bản ấy. Vì bố Vần ốm yếu liên miên. Mẹ kể, khi anh Van còn bé, có lúc cả bố lẫn con đều ốm, củ mài không có mà ăn. Vần lên mười thì bố Vần bị cảm lạnh và chết ở trong rừng khi đi tìm thuốc cho anh Van.
Ngày ngày, sau những buổi học, mấy anh chị em Vần lên nương lẩu cỏ, đốt, tra ngô lúa lấy cái ăn. Và mỗi lần tranh nhau con dao sắc hơn, cái cào bén hơn, mẹ đều nhìn Vần bằng ánh mắt gần như van lơn “nhường anh đi con”. Lâu rồi thành quen, không đợi mẹ phải nhắc, tự Vần nhường nhịn anh như một quy định.
Phơn hiện ra ở cửa buồng, ánh mắt Phơn như giục Vần bước về phía ấy. Vần đứng lên, bước chân run bắn. Bóng Phơn chập chờn trước mắt. Tiếng ve vẫn ran ran trong khu vườn rợp bóng cây cối. Ánh điện đủ sáng. Cánh màn vén một bên, thả một bên. Cây quạt hơi nước kêu phờ phờ từng chặp. Chị dâu nằm nghiêng trên giường như khúc gỗ cong bị người đốn gỗ vứt lại xó rừng. Căn buồng quá ngột ngạt. Anh trai đã đưa chị dâu từ bệnh viện về. Từ nay, mọi người phải chấp nhận một sự thật nghiệt ngã là chị dâu chỉ còn một chân và một tay. Nhìn cái váy đen chị dâu mặc, Vần biết, một bên chân bị cụt ngang đùi. Đá núi lở sau những ngày mưa lớn. Mất quá nhiều thời gian để tìm thấy chị trong đống đất đá. Lại mất quá nhiều thời gian để đưa chị ra khỏi đó. Đường về bệnh viện thì xa…
Vần ngồi xuống chiếc ghế gỗ để cạnh giường, nơi mọi người đến thăm hỏi ngồi. Cũng có thể anh trai ngồi ở cái ghế ấy cho chị dâu ăn. Phơn thì ngồi ghé mép giường, nhìn chị dâu bằng ánh mắt rất lạ. Không phải là hờn ghen. Nhưng cũng không phải là thương cảm. Phơn đưa tay chạm nhẹ vào mép váy của chị dâu. Thực ra, lúc trước Phơn đã lật váy chị dâu ra. Đời Phơn chưa từng nhìn thấy vết sẹo nào trên da thịt người lại lớn và đáng sợ đến như thế. Giờ Phơn muốn Vần thấy vết sẹo ấy. Đừng! Tiếng Vần đột ngột văng ra khỏi lồng ngực. Phơn giật bắn mình. Vần đứng dậy đi ra ngoài. Chị dâu nhấc bàn tay ra khỏi bụng, cong người giữ lấy mép váy. Từ khóe môi người đàn bà bất hạnh, khẽ nhếch lên một nét cay đắng. Phơn thu bàn tay thừa thãi lại rồi đứng dậy, đi ra ngoài thấy Vần ngồi im trên ghế như mỏm đá ngoài bờ suối. Nó nghĩ gì kệ nó. Phơn ngúng nguẩy đi ra sân.
Một đoạn kí ức mà Vần ngỡ đã tiêu tan vào đất đá từ lâu bỗng dưng tràn về, như cơn nước sông Chảy mùa lũ. Hai mươi tuổi, Vần bị đứa con gái họ Vàng vùng Yên Sơn bắt mất vía ở chợ phiên. Nó bắt vía Vần giấu trong đôi mắt to, nâu mượt như mắt nai. Nó giấu vía Vần dưới làn da trắng như cháo củ mài. Nó giấu vía Vần cả trong áng tóc đen dài như bóng đêm rừng thẳm. Nó còn giấu vía Vần trong tòa váy rực rỡ chập chờn khắp mọi nẻo chợ phiên. Tháng có bốn phiên chợ chủ nhật. Mùa xuân có hơn chục phiên chợ, Vần không bỏ sót phiên nào. Vần đi tìm vía, đòi vía. Có lần, Vần dắt mẹ đến tận chỗ nó ngồi giữa đám bạn mà chỉ cho mẹ thấy. Có lần Vần dắt cả anh Van đến mà khoe. Anh Van thì không nói gì. Còn mẹ, mặt đỏ bừng. Trong tay mẹ chưa có đồng bạc nào. Lợn nhà mình còn bé. Trâu cày còn phải đi mượn con ơi. Kệ. Vần vùng vằng. Vì đứa kia cũng thích Vần rồi. Vần biết tên tuổi, biết nhà của nó rồi. Mẹ không lo được thì để Vần kéo nó về. Tục của người Mông thế mà. Bố ngày xưa cũng kéo mẹ đấy gì. Kéo qua ba ngọn núi, ba bản làng và một dòng sông đấy gì.
Nói là kéo. Thực ra là Vần vác Hoàn mà chạy phăng phăng. Sức trai mà. Lại có anh Van chạy phía sau để cản người Yên Sơn lại. Từ chợ Phố về Vỹ Sơn là năm cây số đường mòn ven sông. Vần hết cõng rồi vác, rồi kéo tay Hoàn chạy. Gần đến nhà Vần thì Hoàn như đổi ý, cô gái mười tám tuổi không muốn đi nữa, không muốn ngồi yên trên lưng Vần để Vần cõng đi nữa. Vần cũng mệt rồi. Đúng lúc ấy thì anh Van bảo, để anh cõng cho. Vần lững thững đi sau.
Căn buồng của mẹ vốn đã không rộng, từ mấy hôm trước đã bị ngăn làm đôi, trổ một cái cửa ra mé bếp. Hoàn được đưa vào căn phòng nhỏ ấy và chốt cửa phía ngoài. Qua liếp, Vần thấy Hoàn nằm co quắp trên giường, khóc thút thít, tóc tai rối bù không buồn chải. Cơm mẹ Vần đem vào lúc trưa Hoàn không ăn. Tối mẹ Vần lại đem cơm vào dỗ dành Hoàn. Nếu qua một đêm mà Hoàn không khóc nữa, không đòi về nữa, đồng ý ở lại làm dâu nhà họ Thào, thì Vần có vợ. Lễ lạt đem sang nhà gái chỉ còn chút ít thôi. Vay mượn là xong. Rồi vợ chồng bảo nhau làm ăn vài năm là trả hết nợ.
Mẹ bảo Vần cứ nghỉ đi, mọi việc để mẹ lo. Nên Vần gục đầu lên gối ngoài hè, cách cửa buồng Hoàn ở chừng một mét mà ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, Vần thấy mình nắm tay Hoàn quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên. Thấy bố và ông nội gườm gườm nhìn Vần như trách móc gì đấy. Chắc là sắm chạc cho bê trước bò, mọi người không bằng lòng đây. Tại sao Vần còn làm phật ý cả những người chết rồi thế nhỉ?
Tiếng con gà gáy làm Vần tỉnh giấc. Trời le le sáng. Vần chạy ra chum, múc nước vã lên mặt. Từ cửa buồng, nơi Hoàn ngủ, một bóng người đi ra. Vần chạy lại gọi toáng. Mẹ ơi! Bóng đen sững lại. Tiếng anh Van. Anh đây! Chân Vần khụy xuống. Mẹ từ trong nhà chạy ra đỡ Vần lên. Sao lại là anh? Tiếng mẹ run run. Khẽ thôi, bà nội nghe thấy giờ. Mẹ xin con đấy. Anh Van đứng như cây nêu, nhìn nét mặt đầy thách thức của anh là Vần biết, gạo đã thành cơm. Vần vung tay đấm thẳng vào mặt anh nhưng anh kịp thời né được. Vần loạng choạng đau đớn. Tiếng mẹ sụt sịt. Mẹ xin con đấy. Con nhường anh đi….
Nhường anh đi… nhường anh đi… Tai Vần ù đặc bởi cái điệp khúc quen thuộc. Tại sao, tại sao mẹ lại luôn bất công với con, tại sao? Hay con không phải là con đẻ của mẹ? Không! Con đừng nói thế. Là anh con cũng thầm thương trộm nhớ cô ấy lâu rồi. Nhưng Hoàn yêu con cơ mà. Tại sao?
Đám cưới cũng diễn ra. Hoàn là cô dâu, còn chú rể là anh Van.
Vần bỏ nhà lên lều nương ở không về. Tự Vần đào một hố sâu trong lòng mà chôn mối tình đầu xuống đấy. Chôn tiếng đàn môi, chôn ngọn lửa tình mới nhen lên trong tim, chôn ánh mắt đắm đuối của người con gái. Tiện thể Vần cũng chôn luôn những kỉ niệm của hai anh em. Những buổi đi rình bắn sóc trên vạt chuối rừng ven khe, những buổi đi đào dúi, bẫy gà gô, những lần câu cá suối… Chôn cả lời xin lỗi bẽ bàng của Hoàn, rằng đêm ấy, trời tối đen, ngọn đèn dầu trong phòng bị gió thổi tắt, Hoàn đã nhầm lẫn… Chôn hết… chôn hết… chôn hết…
Năm năm sau, khi con của họ lên bốn, Vần gặp Phơn và đi ở rể Lão Chải đến giờ. Mẹ cũng không mất một xu nào để cưới vợ hay làm nhà cho Vần. Ngày mẹ mất, Vần về muộn quá, không kịp nghe mẹ dặn. Sự ra đi của mẹ giống y như bố Vần ngày xưa. Ngày bà nội mất, Vần về, chú ruột bảo mày đi lâu quá rồi, không cần mày lạy bà đâu.
Dù anh trai có giữ, nhưng hai vợ chồng Vần cũng không ở ăn cơm. Kể từ khi chị dâu ở bệnh viện về đến nay là bốn ngày, chị cũng chưa nói câu nào cả. Anh trai bảo thế. Vần vào chào chị để về. Chị vẫn nằm nghiêng, nhưng giờ quay mặt ra ngoài. Bất ngờ chị cất tiếng, giọng nhỏ nhưng rõ ràng. Mẹ để thư cho chú đấy. Bảo anh Van đưa cho. Vần giật bắn mình. Thư gì. Mẹ có biết chữ đâu mà viết thư? Chị dâu mở mắt, nhìn Vần như nhìn cái cây ngô không ra bắp. Một cái nhìn dửng dưng vô tình khiến Vần nhói đau trong ngực. Vần thầm nghĩ. Có hai người ở đây thôi. Chị dâu không nhìn Vần một cái tử tế hơn được hay sao. Chị hãy nhìn Vần như nhìn đứa em trai một lần thôi. Đứa em dại dột và cố chấp. Tiếng Hoàn lạnh nhạt. Mẹ đọc cho tôi viết. Nhưng vì, chú chưa một lần nào đi một mình về nhà, nên tôi không tiện nói. Vần run rẩy, quả tim văng mạnh trong lồng ngực, mỗi nhịp lại nhói đau. Vần đi chậm chạp ra khỏi buồng chị dâu. Trước đây, chị khỏe mạnh, làm ra bao nhiêu ngô, lúa, tiền bạc, chị còn không dám nói một lời yên ả với Vần. Thì giờ đây, chị tàn phế, cả cuộc đời sau này nương tựa vào anh, chị càng không dám.
Ngoài sân, anh Van đứng đấy, tay cầm cái sừng trâu thắt dây vải chàm cũ thành cái quai. Anh quàng sợi dây qua cổ Vần rồi bảo. Thư trong ấy.
Cả chuyến xuồng máy sang ngang chỉ có hai vợ chồng Vần và cái sừng trâu là khách. Tiếng máy nổ vang mặt nước. Ông lái xuồng bảo đang mưa phía thượng nguồn nên nước sông mỗi lúc thêm to.
Giữa sông, Phơn chạm tay vào cái sừng trâu trên ngực chồng. Vần trừng mắt. Phơn rụt tay lại. Con xuồng chòng chành. Mắt Vần như bảo, cô còn chạm vào nữa, tôi vứt nó xuống sông đấy. Phơn hiểu suy nghĩ ấy. Nhưng cô tò mò lắm. Không hiểu mẹ chồng cô viết gì, dặn dò gì. Trong cái sừng trâu ấy, ngoài lá thư ra, còn gì không? Có khi nào là một món đồ trang sức nhỏ mà mẹ chồng tặng cho dâu út nhưng anh trai không đưa ngay? Vần có biết là cái cổ của Phơn cũng cao, cũng trắng như cổ chị dâu không? Vần có biết là bắp tay Phơn cũng tròn, cũng lẳn như chị dâu không? Sao cổ chị dâu, tay chị dâu có vòng bạc đẹp thế, còn Phơn thì đeo vòng sắt? Vần có biết là Phơn cũng sinh cho họ Thào hai đứa con một trai một gái ngoan ngoãn không? Bây giờ, Phơn còn hơn chị dâu một cái chân, một cánh tay nữa. Nhưng sao Phơn lại thua chị dâu nhiều thứ thế. Toàn thứ quý, thứ đẹp, giấu trong cái hòm nhỏ làm bằng trúc để trong buồng chị dâu mà Phơn rất muốn một lần mở ra xem.
Bữa tối. Tưởng món hoa chuối xào thịt sóc làm Vần say đứ đừ, Phơn mon men sờ vào cái sừng trâu treo trên cột, thì Vần quát. Đừng. Tôi đã bảo cô đừng động vào nó. Nếu không tôi ném vào lửa đấy.
Cả đêm Phơn trằn trọc như con ngài vật lộn thoát khỏi cái kén. Cái kén chính là lòng tham. Là trí tò mò. Mà không thoát được. Toàn thân cô ê ẩm. Đầu óc mụ mị.
Sáng ra, thấy Vần đeo cái sừng trâu vào ngực, lên xe máy phóng đi.
Ve kêu đến lượt thứ trăm thứ ngàn, thì Vần chở về mấy thanh gỗ đã xẻ, bào nhẵn. Chắc nó đi xưởng mua gỗ về đóng đồ gì rồi. Nhìn là biết gỗ quý. Anh mua gỗ về làm gì?
Vần không để ý lời vợ. Khẩn trương đem gỗ xuống và lôi đồ ra. Cả Lão Chải này ai chả biết Vần khéo tay. Tủ, giường, bàn ghế, chạn bát, đồ đạc nhà Vần toàn tự Vần tìm gỗ rừng về xẻ và đóng lấy đấy. Những năm gần đây có xưởng máy xẻ mở ở khu ủy ban thì Vần kiếm gỗ rồi đem thuê xẻ, bào cho nhàn.
Mãi rồi đá cũng phải mở miệng. Phơn hỏi dễ đến mười lần, Vần đành cạy răng. Làm cái chân gỗ cho chị dâu thôi mà. Phơn đứng ngây người ra.
Xong cái nạng gỗ vàng tâm, Vần uống một bữa thật say. Để lấy can đảm mở nút cái sừng trâu à? Không phải. Dù không đọc thư, Vần cũng biết, cũng đoán mẹ định nói gì với Vần rồi. Vần uống thật say, là để lấy cái can đảm ném bức thư của mẹ vào lửa. Vần không muốn đọc. Vần muốn quên hết mọi thứ đã vùi sâu chôn chặt về thân phận mình.
Thấy chồng ngủ say, Phơn rón rén lại gần cây cột nhà, nhấc cái sừng trâu xuống, đem vào buồng, chốt cửa lại.
Phơn mở cái nút bằng vải ở đầu sừng trâu, nghiêng sừng, lắc lắc. Trong sừng trâu chả có thứ Phơn mong đợi, chỉ có một mảnh giấy cuộn tròn đã ngả màu rơi ra. Phơn mở cuộn giấy ra. Bí mật lớn nhất của chồng cô là đây sao? Sao Vần có thể không đọc bức thư suốt cả chục ngày thế nhỉ? Đã ai đọc chưa? Chị dâu viết thì hẳn là chị biết rồi. Sau đó, có thể chị lại nói với anh. Rồi anh lại nói với các chị. Thế là cả nhà họ Thào biết nội dung bức thư của mẹ. Còn Vần, có khi lúc đem theo vào rừng chặt gỗ, Vần cũng đọc rồi. Chỉ là Phơn biết sau cùng, sau tất cả mọi người thôi mà. Có gì đâu mà run. Vần say thế kia, Vần không biết đâu.
Phơn run rẩy mở bức thư ra. Vỏn vẹn năm chữ. Nét chữ mảnh mai như chữ học sinh của chị dâu hồi xưa. “Bố con tên là Phin”.
Phơn vội vàng cuộn lá thư y như cũ, nhét vào sừng trâu, nút lại. Đem sừng ra cột nhà mà treo. Vần vẫn ngủ say như chết. Bọn trẻ con cũng chả biết gì. Tưởng ai, chứ ông Phin thì cả cái vùng Vỹ Sơn còn ai không biết. Đến như dân Lão Chải nhà Phơn còn biết mà. Ông ấy là người đàn ông tài hoa với nghề làm khèn Mông và cả các loại nhạc cụ của các dân tộc khác. Nhà ông giàu lắm. Đầy tiền. Đầy học trò. Đầy con nuôi. Chỉ không có vợ và con đẻ thôi. Sao chồng cô lại có thể là con ông Phin? Hay là lúc xưa, anh Van đau ốm, túng bí quá, mẹ chồng cô sang ông ấy vay mượn nhờ vả rồi thì… Đàn bà ấy mà, khi con ốm đau phải đi cắt thuốc, chữa trị mà trong túi không có đồng nào thì cũng phải tìm đủ mọi cách. Mà cái cách ấy, thì cũng còn hơn là đi ăn trộm.
Mà thôi, nghĩ làm gì cho nhức cái đầu. Cho bạc sợi tóc. Dù ít tiếp xúc nhưng Phơn thấy mẹ chồng cô là người tốt.
Lưng chiều, Phơn đi ngoài suối về, thấy Vần đang dùng vải mới cuốn lên cái nạng gỗ. Thấy Phơn, Vần thản nhiên làm cho xong rồi đứng dậy, dắt xe máy ra, buộc cái nạng lên xe. Phơn đi vào nhà, cầm sừng trâu ra đưa cho chồng. Cái sự chu đáo bất thường của Phơn làm Vần hoài nghi. Cô đọc thư rồi phải không? Tôi biết ngay mà. Cô thật là… Vần giật lấy cái sừng trâu từ tay vợ, lôi miếng giẻ bịt đầu sừng ra rồi dốc ngược sừng lên. Tờ giấy nhỏ xíu cuộn tròn như ngón tay út rơi ra. Vần bỏ lá thư vào miệng, nhai rồi nuốt đi. Ánh mắt Vần nhìn Phơn sợ lắm. Vần leo lên xe, nổ giòn giã rồi phóng xe đi. Nhất định, lần này, Vần sẽ về nhà một mình. Không có Phơn đi kè kè bên cạnh, chị dâu sẽ vui hơn một chút chăng?
Phơn nhìn theo chồng, nước mắt lăn dài. Phơn biết, Vần tuy giận mẹ mà ra ở riêng từ rất sớm, nhưng Vần lại sùng kính mẹ mình. Có thể, Vần không muốn giấu diếm thân phận mình với vợ, nhưng Vần không bao giờ cho Phơn cơ hội được chạm vào quá khứ của mẹ, của Vần. Mà Phơn cũng đâu có dại dột thế. Chỉ là Phơn tò mò thôi mà. Vợ chồng người Lão Chải là thế, đi đâu cũng có đôi. Khi họ không còn muốn đi cạnh nhau đến chợ, đến chỗ bạn bè, đến nhà người thân nữa, là đã hết thương nhau rồi, không còn tự hào về nhau nữa, không còn thoải mái, tha thiết với cái tổ ấm gia đình nữa rồi.
Bất chợt có tiếng xe như quay lại cổng. Đúng là Vần quay về. Xe đi vào sân, Vần xuống xe, cởi cái nạng gỗ ra, buộc gọn ra phía đuôi xe, dịu giọng gọi vợ. Thế có về nhà anh không? Phơn gạt nước mắt. Vần giục. Gửi con sang bà đi. Thay cả áo nữa!
TỐNG NGỌC HÂN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...