Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Trong thung lũng thần linh

Trong thung lũng thần linh

1. Hà Khê bảo nàng yêu hết tất cả các buổi chiều. Bất kể nắng mưa. Yêu cái dịu nhẹ râm mát chợt chùng xuống sau cả ngày nắng rát. Là cái không khí bất chợt u trầm rơi xuống rất nhanh quanh vùng thung lũng những ngày mưa buồn. Nhiều bữa mưa buồn đến muốn khóc. Ba nàng nhiều lần bảo cái con bé ni lạ thiệt, cứ thích buồn là sao? Rồi sẽ khổ cả đời con ơi!
Lời ba nàng cứ như một tiếng thở dài, lâu lâu vẳng lại, buồn não ruột. Hải thì bảo, sao mắt em buồn thế? Cứ như muốn chực khóc vậy? Mỗi lần như thế nàng quay mặt đi, không dám nhìn Hải nữa. Và cười. Hải bảo, sao lại cười?, không thể hiểu em luôn. Làm sao Hải hiểu nổi nàng đã chịu đựng ra sao suốt những năm tháng khốn khổ ấy? Làm sao Hải hiểu cho nổi cái buổi chiều mẹ bỏ chị em nàng mà đi. Một buổi chiều mưa như cầm chỉnh đổ. Mẹ dúi vào tay nàng mấy đồng tiền lẻ, quệt nước mắt và bảo, mẹ đi…, con cố gắng chăm sóc em… và… ông ấy. Rồi mẹ nàng bỏ chạy dưới cơn dông nhằng nhịt rạch nát bầu trời. Hồi đó, nàng không hiểu. Chỉ thấy giận mẹ. Ghét mẹ nữa. Sau này lớn lên nàng bắt đầu hiểu ra dần dần. Cuộc sống thì quá cơ cực. Mà mẹ thì lại quá đẹp. Không nên quá đẹp ở một nơi quá ư khổ cực như quê nàng. Vào mùa hạn, đến nước cũng không có để rửa mặt đừng nói chi tắm táp. Mà mẹ nàng thì quá kỹ, không tắm không thể nào chịu đựng nổi, ngày phải tắm mấy bận. Ba nàng hay nói thói quen của bọn thành phố mỗi lần nàng đòi tắm. Nhà thì ở trên đồi cao, quanh năm hun hút gió, toàn gió Lào mang theo cái nóng rực rỡ không khác chi lửa. Còn nghe nói nhà ngoại giàu lắm. Ở xa đâu tận dưới Phố. Là Phố trong câu hát buồn thiu mẹ hay hát. Cầm cân xuống Phố múc vàng. Gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba. Mẹ hát toàn những bài lạ lắc và khó hiểu, ở quê nàng không thấy ai hát. Là nghe vậy chứ chưa bao giờ nàng đến được nhà ngoại. Có lần nào đó nàng bất chợt hỏi thì gặp ngay cái trừng mắt dữ tợn của ba nàng.  Từ đó, nàng không dám hỏi nữa. Quê ngoại rớt hẳn ra khỏi trí nhớ của nàng. Đôi lần nghe loáng thoáng từ mấy người hàng xóm rằng mẹ nàng bỏ nhà theo ba nàng bởi không được gia đình cho cưới. ọ bảo, không dại gì gả con lên xứ khỉ ho cò gáy ấy! Ba nàng chỉ một thân một mình trên cái chòi che tạm trên ngọn đồi đầy gió. Và nắng. Và mưa. Bữa đói, bữa no sau những ngày đất nước vừa im tiếng súng.
Nhà văn Lê Trâm ở Quảng Nam
Mỗi ngày một buổi, rất đều đặn, Hà Khê lùa bò vào thung lũng, cho bò ăn quanh các cụm tháp đổ nát. Có bữa giận ba, nàng nhịn đói, lùa bò đi thật sớm khi cây cỏ hai bên con đường đầy sỏi còn long lanh sương sớm. Bỏ mặc bọn bò với cây, với cỏ, nàng lẩn quẩn quanh các ngôi tháp, lạ lẫm cứ như lần đầu đến nơi này vậy. Nàng thích nét uốn lượn của các vũ công đang múa trên những vách tháp, thích những mặt kala, mỗi cái mỗi vẻ như đang đăm đăm nhìn vào mặt nàng nửa như muốn dọa nạt, nửa lại như muốn làm thân(?). Những nét chạm trổ kỳ diệu bày ra khắp nơi. Nhiều khi nàng bất giác sững sờ trước vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ diệu và hợp lý như trời đất quy định sẵn rằng đã sinh ra là phải như vậy như vậy. Những cột đá nhẵn bóng nằm lăn lóc khắp nơi. Rồi những linga. Những yoni. Ấy là sau này nàng nghe các ông – Tây – trùng – tu nói ra nàng mới hiểu dần. Những ông Tây râu ria xồm xoàm nhưng thân thiện và tốt bụng. Và nhiều, khá nhiều những người Việt, là nhà nghiên cứu, là các cộng sự cua mấy ông Tây – trùng –  tu. Trong ấy có cả nhà thơ. Nàng nhớ như in thơ người ấy.  Những câu thơ như cứ ám ảnh vào nàng:
Nơi ấy nắng lên muộn
nắng xuống chậm
Sông chảy xuôi thì buồn
Lưng sóng đầy mốc meo cổ tích
*
Nơi ấy trăng to dần
băng qua mảng trời về phía núi
Tôi lần theo
và bơi ngược những dòng sông
dòng sông dắt tôi
như dắt ký ức mình
nhỏ dần
nhỏ dần
nhạt đi
*
Nơi ấy phủ đầy hình hài
mùi hăng cỏ dại
phế tích trĩu buồn
buồn như những cuộc tình không sinh không nở
buồn như tiếng gà bí ẩn xưa xa
buồn đến thót tim những trưa đứng bóng
lảnh lót tiếng gà ác mộng nghìn năm
            *
Nơi ấy ngọn đèn đã tắt
Tôi ngồi hí hoáy hõm đêm
            ngồi như ngồi bên người tình đã từng ôm ấp
những trận mưa quất đau cổ tháp
những vàng vọt nắng quái chiều tà
những chòng vòng nhơ nhớ
lưng sóng đầm đìa phế tích hoang rêu
            *
Nơi ấy những cơn say chệnh choạng
Tôi với bóng mình ngả nghiêng bóng Tháp
dắt ký ức về gởi em giữ dùm*
…Dần dần, nàng hiểu ra những điều kỳ vĩ chìm khuất sau ngổn ngang những đá, những gạch, những mảnh vỡ… Những nguyên sơ nằm rải rác khắp thung lũng. Người ta gọi đó là Thung Lũng Thần Linh. Nàng tin. Bởi nhiều khi còn lại một mình giữa thung lũng hoang vắng nàng lại có cảm giác hình như ai đó đang hiện diện quanh nàng. Những rì rầm như đang trò chuyện. Và có cả những tiếng hát ẩn hiện mơ hồ. Nhiều bóng người cứ chấp chới. Những cánh tay mượt mà vươn lên, nở ra như sen, vươn lên cao, như ngọn lửa. Nàng thích miết tay lên những búp tay ấy, miết lên từng đường nét thanh tân của những thân thể ngọc ngà đang uốn lượn. Đôi khi, nàng bất giác lặp lại các nét lượn, những cái uốn mình cong và đẹp và quyến rũ ấy. Một mình. Vô thức. Rồi lại bất giác phát hiện ra “câu chuyện của mình”, mặt nàng nóng bừng. Nàng hoảng hốt nhìn quanh quất như sợ ai đó đang nhìn trộm mình. Rồi bật cười. Giọng nàng trong vắt như tiếng suối vọng vào các tháp, các bức vách đá và gạch xưa, vọng sâu vào trong núi xa. Nghe xa xôi như giọng ai đó vọng về từ ngàn xưa. Nhiều lúc nàng bỗng sợ mình bị ám ảnh bởi các tấm thân ngà và các điệu múa. Mọi thứ cứ như đang diễn ra sống động trong một buổi tế lễ nào đó…
Mùa đông, sau những cơn mưa dầm dề kéo dài hết ngày này đến ngày khác, tháp bắt đầu dệt lên rất nhiều rê xanh. Tháp dường như có vẻ mượt mà hơn. Các nàng apsara trên nền đá khoác thêm tấm lụa mới càng trở nên lung linh.
Mùa trùng tu rồi cũng đi qua. Bắt đầu diễn ra nhiều lễ hội. Các điệu múa, những tiếng kèn saranai được cất lên từ những nghệ sĩ đến từ một nơi nào đó rất xa. Và, nàng bắt đầu trở thành thiếu nữ với những đường cong dịu dàng, bí ẩn; nửa đến từ ba từ mẹ, nửa của những uốn lượn ma mỵ của những thân thể mềm mại bước ra từ các bức vách chạm trên các cụm tháp.
Ở đó, nàng gặp Palao người cháu họ của ông già không tuổi thổi kèn saranai. Palao có nước da ăn nắng ăn gió của bộ tộc mình, ít nói và có cái nhìn lúc nào cũng lặng lẽ. Cứ như muốn nói lên điều gì đó,  rất lạ. Hình như Palao muốn gởi hết câu chuyện qua tiếng kèn saranai đầy ẩn dụ của mình. Mỗi lần chạm mặt Palao nàng đều không giữ được bình tĩnh. Chân cứ run lên và không thể nào làm chủ nổi cả lời nói lẫn cử chỉ. Nàng lí nhí mà không biết mình nói gì. Chân tay vụng về, thừa thãi. Palao chỉ nhìn nàng mỉm cười. Cũng rất ít nói. Chỉ như thể cũng đã làm cho nàng bủn rủn cả chân tay rồi…
Rồi nhà xa nhà để đi học. Mỗi kỳ nghỉ nàng đều vào với tháp. Bây giờ thì khó hơn, bởi phải mua vé. Tháp – của –nàng giờ đã gởi cho thiên hạ mất rồi(?).
Câu chuyện tìm việc làm xô đẩy nàng chạy hết thành phố này đến thành phố khác. Những công việc tạm bợ trong thời gian ngắn ngủi rồi lại thay đổi. Thay đổi luôn luôn. Nhiều lúc chẳng nhớ là mình đang đi hay đang trở về nữa. Rồi nàng gặp Hải, với sự mệt mỏi mong có được một sự dừng chân. Hải, với những sô diễn đang cố tạo nên nét chuyên nghiệp, thu nhập khá nhưng vẫn có cảm giác chênh vênh. Đó là điều nàng cảm thấy không yên lòng…
Ba nàng đột quỵ sau một buổi chiều trầm ngâm bên ly rượu trắng. Uống suông một mình. Rồi đi. Dứa em trai cũng bỏ quê đi làm ăn xa, lâu lâu mứ đảo về thăm quê một lần. Nó đi, cùng với ngày tháng, mỗi lúc một xa. Dần dần, Hà Khê có cảm giác đứa em đang tuột dần khỏi tay mình. Mõi ngày một ít…
Công việc, với Hà Khê, cứ chập chờn, được rồi mất. Một trong những lần thất nghiệp nàng hòa vào với đám bạn cũ cùng đội múa của xã. Ở đó, nàng thấy mình như được hồi sinh. Một lần, nàng được chọn múa thay một diễn viên bị ốm đột xuất. Rồi được chọn vào đội múa của trung tâm biểu diễn dân gian phục vụ du khách. Nàng chặt lưỡi, ừ thì thử chút xem sao, ai ngờ công việc tiếp tục gắn bó với nàng. Dần dần nàng trở thành diễn viên không thể thiếu của các buổi diễn, nhất là các lễ hội lớn. Không ai nhớ ra là nàng đã học múa tự bao giờ nữa…
Công việc cứ cuốn nàng đi, hết ngày này sang ngày khác. Hải có cảm giác bị bất lực, không nắm giữ được gì. Nhiều lúc nàng như thuộc một thế giới khác. Lạ lẫm. Dị biệt. Xa xăm. Có vẻ như nàng bị cuốn hút vào một thế giới kỳ bí nào đó của các thần linh thì phải (?)
Ông già thổi saranai không tuổi rồi cũng ra đi, không để lại con số cụ thể nào cho tuổi của mình. Palao bỗng được thay vào chỗ của ông, một sự thay thế đầy ngẫu hứng và bất đắc dĩ. Có lần nàng hỏi, Palao chỉ lắc đầu. Rồi bảo, Cũng còn tùy….
2. Chiều đã khá muộn. Sau buổi biểu diễn phục vụ đoàn chuyên gia Ấn Độ về đầu tư cho một dự án trùng tu mới và một thêm đoàn khách đến từ Pháp, vẫn là công việc quen thuộc không hiểu sao người Hà Khê như muốn rũ ra. Nàng vén váy ngồi ghé vào bệ gạch. Đây là đường đi vào nhóm tháp chính, vốn rất quen thuộc với nàng. Mỗi khi có điều gì nghĩ ngợi Hà Khê hay ra ngồi ở đây. Một mình. Những ngọn khói như thở ra từ mấy ngọn tháp cuốn lên, uốn éo rồi cứ thế, cuộn lên cao mãi. Một chút sương mờ cũng bắt đầu cuộn lên từ mặt cỏ dưới đất, lúc đầu còn la đà rồi cứ thế bốc lên, xóa mờ dần mặt cỏ. Ở đó, chỉ còn một màu sương trắng đùng đục.
Hà Khê nhìn lên đỉnh hòn Mỏ Quạ, lẩm bẩm, rồi khói sương cuối cùng cũng sẽ lan lên tận trên cao ấy, phủ kín cả Thung Lũng Thần Linh thôi.
Có tiếng kèn saranai lạc lõng cất lên từ phía nhà biểu diễn. Nghe thảng thốt. Không phải tiếng kèn quen thuộc của Palao, nghe rất lạ. Như được cất lên từ một cõi nào đó, mơ hồ, xa xăm.
Nàng từng đọc đâu đó câu chuyện huyền thoại về nàng Ipsinkharon xinh đẹp. Có sự gắn kết nào giữa thực tại và huyền thoại? Từ quá khứ vàng son không kém phần cay nghiệt của một vương triều Champa cũ xưa, từ vẻ đẹp khiến đất trời cũng ghen ghét, với thực tại? Sự tự mãn, ngạo mạn của nhà vua ngày ấy buộc người nhìn thấy thân thể của nàng Ipsinkharon phải bị chôn sống. Bây giờ, có ai buộc bất cứ aii nhìn thấy thân thể nàng sẽ phải bị chôn sống không? Là bởi, Hải, một lần đã nhìn rất rõ thân thể nàng khi ánh đèn của phòng thay trang phục bất ngờ bật lên, ai đó hoảng hốt rú lên và ánh đèn tắt phụt, có bị chôn sống? Nàng mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Hay là, sẽ phải nhận / bị  một kiểu trừng phạt khác?
Bây giờ, có vẻ như mối tình của nàng có dấu hiệu sắp bị chôn sống? Hải bảo, bỏ múa đi. Về phố với anh. Nàng lại nghĩ mình sẽ phải cầm cân xuống phố múc vàng… Ở đó, ánh đèn sân khấu rực rỡ hơn. Và em sẽ không phải ngày đêm gắn mình với những câu chuyện đã cũ, với đền đài, với tháp rêu nữa. Một sự ràng buộc anh không hề thích … Em sẽ là đóa hoa rực rỡ đến từ núi rừng của các sân khấu lớn. Ở đó, em sẽ có sức hút ma mỵ. Đi nhé, Ipsinkharon xinh đẹp? Hải không gọi tên nàng nữa, phải chăng sẽ là sự khởi đầu mới? Nghe lời hay từ chối? Chợt ngân lên lời ru của mẹ thuở nào, gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba, nghĩa là sao, Hà Khê vẫn cứ không hiểu?
Khi nãy, vừa xong xuất diễn, Palao đã tìm gặp Hà Khê. Và nàng đã lặng người đi khi nghe Palao báo tin. NHà anh có chuyện rồi, Hà Khê, anh sẽ bay chuyến sớm nhất. Chắc sắp tới sẽ có nhiều thay đổi, Hà Khê à! Lẽ nào anh sẽ phải về hẳn phía những ngọn tháp đầy nắng, & gió?
Tự dưng nàng lại nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ nọ:
 Nơi ấy trăng to dần
băng qua mảng trời về phía núi
Tôi lần theo
và bơi ngược những dòng sông
dòng sông dắt tôi
như dắt ký ức mình
nhỏ dần
nhỏ dần
nhạt đi…*
Ôi mẹ! Sao đến lúc này mẹ vẫn chưa về? – Hà Khê lẩm bẩm, tiếng nàng chìm giữa thung chiều, chấp chới.
LÊ TRÂM
_______
*Thơ Phạm Tấn Dũng
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...