Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Trên đồi tĩnh lặng

Trên đồi tĩnh lặng

Huyên giật mình tỉnh dậy trong đêm, ấy là một cơn giật mình tới thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm, khiến cô luôn rơi vào tình trạng thấp thỏm. Cô với tay tới công tắc đèn ở ngay đầu giường, bật điện lên và vơ cốc nước trên bàn, uống cạn, hồi lâu mới bình tâm lại được. Huyên cố gắng hít thở sâu, biết mình không ngủ lại được nữa nên cô lấy tài liệu ra đọc, định bụng sắp xếp lại các dữ liệu thu thập được xung quanh đây suốt hai ngày qua, nhưng khi vừa bật máy tính lên thì cô lại tắt đi ngay. Cái máy tính chai pin ấy như cuộc hôn nhân của chính Huyên, chỉ cần không đấu điện là trở về im ắng với màn hình đen kịt. 
Huyên mở cửa sổ, từ đây có thể trông ra vòm không vòi vọi với muôn ngàn ánh sao, không khí tuy rét buốt nhưng lại khiến người ta thoải mái, cái rét cùng cực khiến cô không thể suy nghĩ tới gì khác, chỉ để ý tới những ngón tay ngón chân đang cước đỏ lên. Huyên mở phích nước nóng xin của chủ nhà trọ từ chập tối, ngâm rửa chân cho đỡ đau, cô thần người nhìn những giọt nước bắn ra sàn, đầu óc trống rỗng, tâm trí rơi vào khoảng không vô định, mãi cho tới khi nước nguội ngắt cô mới sực tỉnh, rút chân ra. Huyên xỏ chân vào đôi dép nhựa cứng có sẵn, chần chừ giây lát rồi đi tất và giày vào, quyết định ra ngoài.
Nhà văn trẻ Phạm Giai Quỳnh ở Hòa Bình
Nói khẽ vài câu với cậu thanh niên đang gà gật ở quầy trực, Huyên cứ vậy đẩy cửa đi ra. Gió rét như cắt ập tới như lưỡi dao bén ngọt làm cô thu mình lại, trùm mũ lên, Huyên chầm chậm tản bộ. Theo những tư liệu mà Huyên đọc trước thì cách đây mấy năm ở thị trấn này khá thưa dân, tuy nhiên chỉ trong vòng hai năm mà nhà xây san sát, nhưng rồi cũng vì bắt kịp xu hướng về rừng mà những căn nhà sàn mang dáng vẻ mộc mạc lại mọc lên như xưa. Thế giới sẽ luôn biến đổi một cách phù phiếm như vậy, dù tốt hay xấu thì cũng sẽ luôn biến đổi, chỉ có con người là bất biến, bị cầm tù trong chính những gì mình đặt ra, luẩn quẩn chỉ bị đánh bại bởi bản thân – Huyên sực nhớ tới câu nói này, cô đã đọc ở đâu đó hoặc do chính cô nghĩ ra mà chẳng hay biết, nhưng nó nổi lên, trong bóng đêm này, như một luồng sáng xẹt qua rồi biến mất.
Sao và trăng thay ánh đèn rọi sáng đường cô, tưởng như chỉ cần men theo nó, Huyên có thể sẽ đi tới cùng trời cuối đất.
Huyên dừng chân trước một tiệm ăn nhỏ sau một hồi đuổi bắt với cái bóng của mình, bây giờ đã là ba giờ sáng nhưng đèn vẫn sáng, lác đác có khách ăn đêm, tất cả đều là khách du lịch, hoặc cũng có lẽ có một số tới để công tác như cô. Chủ quán này cũng là người xuôi, theo gia đình lên đây theo diện khai hoang cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước rồi chuyển lòng hồ, cả chủ nhân lẫn không khí và đồ đạc vẫn còn hơi hướm cũ rơi rớt lại… Những điều ấy chảy qua, thuật lại trong não dù trước đây cô đã nói chuyện với chủ quán. Nhẩm lại những chuyện được nghe kể là công việc của cô, việc chép lại nó cũng vậy, tựa như một cuộc đối thoại với chính mình, câu chuyện dần dà đi xa hơn, được thêm thắt một đôi chỗ, vĩnh viễn chẳng thể quay lại với vẻ sơ sài ban đầu. Suy cho cùng, dù là bất cứ thể loại gì, việc viết lách cũng chỉ là diễn dịch lại suy nghĩ của bản thân mà thôi.
Từ ngày tới đây, Huyên vẫn thường tới ăn ở quán này bởi cũng không còn quán ăn nào khác ở gần. Những người buôn bán quen mặt khách rất nhanh, và quên họ rất nhanh nếu họ chỉ là người lạ, nhưng với Huyên thì khác. Có lẽ vì đôi mắt sắc bén, cũng có thể vì đôi đồng tử mang màu hạt dẻ hoặc cũng có thể vì sự cô độc ăn sâu vào cốt tủy rồi tỏa ra bốn phía, sự cô độc không thuộc về bất cứ ai bất cứ nơi đâu.
Huyên nở nụ cười, ngồi xuống ghế, ấy là một băng ghế dài được ghép từ ba mảnh gỗ đã lên nước đen bóng theo thời gian, và nhiều tuổi hơn cả cô. Chủ quán gật đầu hỏi:
– Sao lại đi ăn vào lúc dở dang thế này?
Huyên đáp:
– Tôi đói quá nên không ngủ được, phải đi kiếm gì đó ăn tạm.
Chủ quán là một người đàn ông hơn ba mươi tuổi, học lại công thức và quản lí quán ăn của cha mình. Ông cụ chỉ biết mình là người Thái Bình, sau đó thì không còn gì nữa, lưu lạc và trôi dạt khi còn quá nhỏ, những con sông, mảnh đất và những khu rừng mà đôi chân ông băng qua đã ngăn cách hoàn toàn giữa quê hương và con người. Và thị trấn ở phố núi này trở thành quê hương thứ hai của ông, sau chiến tranh, ông cưới một cô vợ gần nơi mình ở, là người Tày, sinh được hai trai một gái, đứa con trai cả yểu mệnh, đã qua đời vì bệnh viêm màng não, cô con gái đã đi lấy chồng và chuyển về thành phố để làm ăn, còn đứa con trai thứ hai cũng đã trở về đây sau nhiều năm học hành, lưu lạc, di chuyển từ thành phố này tới thành phố khác, từ núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng xuống biển, và cuối cùng lại ngược về núi.
Một ngày nọ, ông cụ thấy con trai mình xuống khỏi xe khách, cái xe thường đỗ ngay trước cửa để trả hàng hóa và dừng chân để ăn uống gì đó, bụi bặm bám đầy trên giày và ba lô, râu mọc tua tủa khiến anh già đi cả chục tuổi, đã từng kết hôn và ly hôn.
“Vậy đấy, ông cụ không tỏ ra vui mừng hay gì cả, ông nhìn tôi như thể đó là điều hiển nhiên, rằng ông biết rằng tôi sẽ trở về đây, mang theo nhiều vết thương, bị phụ nữ lừa phỉnh và đá bay như một hòn sỏi ngáng chân. Sau đó, ông bô đã đãi tôi bằng một bữa cơm với cá khô rán và canh cà chua.” – Chủ quán vừa kể chuyện cho Huyên nghe, vừa lau mấy cái bát đã rửa xong. Huyên ăn chậm rãi, nhỏ nhẹ, để tiếng nhai thức ăn không át đi giọng kể của anh. Đấy là một chất giọng trầm ấm, Huyên bảo, giọng của một người từng kinh lịch, từng háo hức với thế giới và chán ngán thế giới.
***
Vườn của nhà chủ quán ăn nọ nằm ở trên một mảnh đất thoai thoải, gần đó là một trạm xá, một vườn sắn và một gốc si cổ thụ. Đêm qua, trước khi về nhà trọ, Huyên ngỏ ý muốn tới thăm khu vườn. Chỗ tôi hiếm không gian để trồng trọt, Huyên nói, tôi cũng chỉ có thể trồng chỗ rau thơm và một ít rau cải vào các hộp xốp, nhưng luôn phải thay mới, vì nếu không đáy hộp sẽ mục ra, đầy đất cát, tất nhiên hiếm người để ý tới điều đó, nhưng tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy nước và đất rỉ ra, lênh láng khắp sân thượng.
Ánh nắng sớm mai vương đầy tóc và vai áo, sương đọng trên những mạng nhện đã vắng bóng chủ nhân, lấp lánh và rực rỡ, Huyên chạm nhẹ vào một mạng nhện trước mặt khiến sương tung ra vương xuống đám cỏ dần úa tàn bên dưới, nếu nhìn kỹ thì có thể thấy được một vài nhánh cỏ non đang nảy mầm. Chủ quán lặng lẽ nhìn Huyên, sự tồn tại của cô tựa như một nhánh cây cứng cáp nhưng khô rạc, thưa lá, vươn thẳng lên sống sót giữa nơi đồng hoang với đất đai cằn cỗi, trở thành nơi cung cấp các hốc cây cho lũ sóc và chim chóc tới trú lại, người như thế rất khó hòa nhập với thế giới xung quanh.
Ông bô tôi rất yêu khu vườn này, anh bảo khi ngắt một nhánh kinh giới và đưa cho Huyên. Mùi hương hơi hắc, cay và ấm ôm trong lòng bàn tay, trùm lấy khứu giác, Huyên nhét chiếc lá vào trong túi áo khoác. Cô rất kiệm lời, thỉnh thoảng chỉ nở một nụ cười sau khi nghe những gì chủ quán nói. Khu vườn không rộng, nhưng họ dừng chân cạnh mỗi loài cây, rau cỏ rất lâu, để nói chuyện về chúng, thuyết minh về chúng, chốc chốc, Huyên lại lấy sổ tay ra ghi chép những gì mình mới biết. Cuốn sổ vẫn vương ít nước đọng lại từ chiếc lá kinh giới trong túi áo.
Họ ngồi xuống một phiến đá dài và lớn, đó là phiến đá mà chủ quán đã cất công mang ở lòng suối về, cỏ gấu mọc chờm lên, đôi lúc lại có một đàn kiến rẽ lối tha mồi qua, chúng đã đào tổ bên dưới, biến nơi đây thành vương quốc của riêng mình. Một người phụ nữ hai mươi bảy tuổi như Huyên giờ đây ngồi xổm dưới đất, chăm chú ngắm nhìn những con kiến công kênh một con châu chấu về bằng ánh mắt ngạc nhiên và tràn ngập hứng thú.
Vậy rốt cuộc thì cô làm những gì?
Tôi thu thập thông tin, trải nghiệm và ghi chép, đôi khi sẽ quay phóng sự, như các phóng sự anh xem trên tivi ấy. Tôi ở vị trí phóng viên, nhưng tôi sẽ gọi mình là một tác giả, tôi thích những nơi như thị trấn này, nơi hiếm người khai thác.
Cô tìm gì ở đây?
Thông tin về một viên đá, viên đá khởi đầu cho truyền thuyết “bà Chúa Thác Bờ.”
Không khí bắt đầu ấm áp hơn, chủ quán đưa cho Huyên một bình giữ nhiệt đựng chè đường. Huyên cảm ơn, đón lấy, nhấp một ngụm nhỏ. Hồi bé bởi chứng thiếu máu, thường xuyên ngất nên ông ngoại lúc nào cũng chuẩn bị sẵn thức uống này trong nhà, sau này lớn lên, cô hay mang theo mình một hai chiếc kẹo gừng, kịp thời ngậm ngay khi cơn chóng mặt hoặc ù tai xuất hiện. Sau khi ông ngoại qua đời, cô cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc trên thế giới này, chẳng còn một ai có thể hiểu được điều cô nói và điều cô muốn nói, thậm chí cô đã mất khả năng nói một thời gian ngắn, chẳng thể bật ra chỉ một tiếng kêu than.
– Hai người sống riêng lâu chưa? – Chủ quán chợt hỏi trong quãng im lặng.
Huyên sững người nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên. Chủ quán cười:
– Vết đeo nhẫn trên ngón tay cô còn hằn rõ lắm.
Huyên giơ tay lên theo phản xạ, chỉ thấy có một vệt trắng lằn ở ngón vô danh, nổi lên trên làn da rám nắng vì thường xuyên phải chạy khắp nơi để lấy tin. Huyên bật cười, nói với giọng hơi mỉa mai:
– Anh tinh mắt nhỉ? Chúng tôi ly thân được độ nửa năm rồi, đang làm nốt thủ tục.
Chủ quán nhún vai:
– Đồng bệnh tương liên thôi, nhưng vệt nhẫn của tôi đã biến mất rồi, nghe nói một khi nó biến mất thì chủ nhân sẽ sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Vệt nhẫn đó sẽ biến mất sớm thôi, nếu cô muốn.
– Đôi khi… – Huyên nhìn chủ quán, chỉ thấy vệt nắng xéo xuống mái tóc xoăn nhẹ của anh, che khuất mất một phần khuôn mặt ấy, bây giờ cô mới để ý rằng mình chưa bao giờ nhìn được toàn bộ gương mặt của người đàn ông này. Một ý tinh nghịch dấy lên trong cô – Đôi khi tôi cảm thấy một vài suy nghĩ của anh còn bay bổng và khác thường hơn cả tôi nữa. Hay anh là một loài chim nào đó biến thành người? Một loài chim tới từ biển khơi? Nếu phải thì tôi cũng chẳng mấy ngạc nhiên đâu, tôi đã từng gặp một người đột ngột xuất hiện ở khu rừng bãi đào vàng và người đó cũng đột ngột biến mất trước mắt rồi.
– Không, tôi là người, một con người còn người hơn cả người – Chủ quán lắc đầu, đáp lại với cái nhìn xoáy vào đôi mắt Huyên.
Cái nhìn đó khiến Huyên rùng mình.
***
– Tôi thường mơ thấy hình ảnh một kén bướm đang tách dần ra, chuẩn bị thoát thai để trở thành một sinh vật đẹp đẽ, tuy nhiên, giấc mơ chỉ ngừng lại ở đó. Có lần, vì quá sốt ruột, tôi đã tách đôi cái kén ra, Huyên nói trên đường về.
– Cô đã thấy gì? Chủ quán hỏi.
– Tôi đã thấy một cái kén rỗng, Huyên đáp. Sau khi xong phóng sự này, chắc tôi sẽ xin nghỉ một thời gian.
– Cô định đi đâu?
– Không biết – Huyên dè dặt cười – Có thể là lên núi, xuống biển, nhưng phải là một nơi nào đó ít người và rộng rãi.
***
Huyên đã quay xong các thước phim mình cần nhưng vẫn kéo dài thời gian quay lại thành phố. Chỉ bật một chiếc đèn bàn, Huyên ngồi im lặng trước màn hình máy tính, cô đã viết tiểu thuyết được một thời gian. Khi cuộc hôn nhân dần đi vào bế tắc, cô tìm được lối thoát trong những con chữ và thế giới mà mình xây đắp nên. Sáng tác trong khi ngay bên cạnh mình là tiếng ngáy rền của chồng, chốc chốc bị phân tâm, cô lại ngoảnh lại nhìn người đàn ông ấy với ánh mắt thất vọng, nhưng không phải là thất vọng về chồng mà là về chính bản thân mình. Cô đã cố gắng quen, một ngày chỉ ngủ được khoảng hai ba giờ, những chuyến công tác xa nhà dài ngày, những đêm ở lại tòa soạn tăng ca là lúc cô được yên tâm ngủ sâu hơn.
Cô sợ tiếng động quá lớn, những tiếng động lớn vang lên bên tai hằng ngày và hằng giờ ấy sẽ đi sâu vào tiềm thức, hóa thành cơn ác mộng, như những trận đòn mà bố giáng xuống mẹ thời thơ ấu, tiếng chậu hoa vỡ nát khi mẹ nhấc nó lên và giáng vào đầu bố lúc ông đang bị rượu đánh gục. Sau đó, bà trượt xuống nền nhà, thần người ngồi đó nhìn máu chảy lênh láng. Nhưng bố không chết, cú đánh của người phụ nữ đau bệnh trong người chỉ đủ làm ông ngất đi. Ngay sau đó mẹ đã vội vàng gọi xe cứu thương, còn Huyên thì khóc cho tới giọng khản đặc lại, cổ họng đau như bị thủy tinh cứa vào.
Cha mẹ Huyên từng là một đôi nam thanh nữ tú trong làng nghệ thuật được nhiều người chúc phúc, ngưỡng vọng, nhưng sau khi kết hôn, hiện thực ập đến. Màn bảo vệ lấp lánh bên ngoài hai mảnh ghép hoàn hảo đó dần bị bóc tách từng lớp, từng lớp, cho tới khi chỉ còn nghi kỵ, đau đớn, hoang mang, dối lừa, rượu, chất gây nghiện và những căn bệnh mãn tính quấn thân. Rồi đứa con ra đời. Trách nhiệm và áp lực đè lên vai hai con người vốn sống rời xa hiện thực đó ngày càng nặng nề. Thực ra cuộc hôn nhân vẫn hoàn hảo ấy đã vỡ nát chẳng thể hàn gắn được từ lâu, những dấu hiệu đã tiên dự trước kết cục, rằng một ngày, tình yêu của hai người rồi sẽ tới hồi phai nhạt và kết thúc, chán nản chẳng nhìn được mặt nhau, có nhân tình bên ngoài nhưng vẫn gắng gượng chống đỡ căn nhà.
Chính vì thế mà Huyên đã chọn một người chồng vừa vặn với mình, thực tế, biết tính toán làm ăn, dù đôi lúc thiếu tinh tế. Bắt đầu cuộc hôn nhân không có tình yêu từ năm hai mươi hai tuổi, cho tới nay đã duy trì được năm năm, đột nhiên, Huyên muốn dừng lại. Cô nhận ra, rốt cuộc thì dòng máu mình mang trong người vẫn là dòng máu của cha mẹ, chẳng thể nào từ chối và tự giải thoát được. Lựa chọn làm một phóng viên tầm tầm, mức lương ổn định, phong cảnh và các vùng đất cô được đặt chân tới phần nào làm dịu cái kén bên trong cô. Tuy nhiên, Huyên biết, mình luôn thấy thiếu thốn. Một cuộc hôn nhân được xây dựng dựa trên tình yêu hoàn hảo là sai lầm, vậy một cuộc hôn nhân được xây dựng dựa trên hiện thực thì sao, chẳng phải cũng đang lâm vào kết cục sụp đổ đấy ư? Cô đã từng gặp cô bé nhân tình của chồng mình, còn quá trẻ để hiểu được rồi mai đây mình sẽ phải đối diện với thế giới này ra sao, cô thương hại nhưng cũng ghen tị, vì cô chưa bao giờ dám vượt qua sông một bước.
Tiếng chuông báo tin nhắn vang lên, Huyên chưa mở lên vội, cô lần trong bóng tối, ra bàn tìm nước uống, rồi mới trở lại cầm máy.
Đó là một bức thư thay vì tin nhắn, Huyên vịn tay ngồi xuống giường, cẩn thận đọc từng dòng. Chồng cô giải thích hết thảy, kể từ chuyện trước khi cưới cho tới khi ngoại tình và tình cảm trở nên nguội lạnh, nói rằng anh xin lỗi, rằng sau nhiều đêm suy nghĩ thì anh cảm thấy họ phải ngừng lại thôi.
Huyên chỉ gửi một lời đồng ý, không hơn.
Chồng cô là người ít khi viết những lời mùi mẫn, bức thư này hẳn là những lời khiến anh phải thức nhiều đêm liền như anh kể, nặn vắt hết óc ra, dùng hết vốn từ mình có để giãi bày. Nhưng không rõ vì sao Huyên lại thấy cảm giác buồn cười trào lên, giống như một cơn say, cô lao vội vào nhà vệ sinh và nôn thốc nôn tháo. Lúc ngẩng lên rửa mặt, cô thấy trong góc tường có vết máu đã khô két lại, có lẽ là vết máu của một người nào đó, một vụ giết người chẳng hạn? Vụ án xảy ra trong một đêm mưa gió (các vụ án thường xảy ra vào đêm mưa gió), hung thủ đã sát hại người tình của mình sau khi phát hiện anh hoặc cô ta có mối quan hệ nằm ngoài mối quan hệ của họ, chợt nhận ra tình yêu điên cuồng đó là sai lầm, gạt phăng mọi thứ và tương lai, bây giờ hung thủ chỉ muốn người mình từng yêu kia phải chết trong tay bản thân, sau đó y sẽ tự sát để họ chết cùng nhau, cùng bị đày xuống địa ngục, cùng chịu khổ đau cho tới khi linh hồn tan biến. Tiếc thay việc hung thủ tự sát bất thành đã là motip chung. Những vụ án như thế nhiều lắm, chúng xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc…
Huyên loạng choạng bước trở về bàn làm việc, cô không đau lòng, nhưng nước mắt cứ tuôn rơi lã chã, tràn ướt cả má và cổ áo, thấm cái giá buốt vào người. Chữ cái “A” kéo dài mãi trên văn bản, hóa thành cái miệng rộng hoác như muốn nuốt chửng cả người sáng tạo ra mình vào bản thảo.
***
Huyên tới quán ăn khi chủ quán đang nướng hành khô, mùi hăng hăng ban đầu dần trở nên ngọt ấm, quện hòa với mùi hoa hồi và thảo quả đương ở trong chảo rang thấm vào từng món đồ ở đây, trở thành mùi hương đặc trưng tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mùi hương của sự kế thừa, tiếp nối.
Vì quán vắng nên chung quanh khá yên tĩnh, nghe thấy có tiếng động ngoài cửa, chủ quán ngẩng đầu lên, mái tóc đen lấm tấm vô vàn đốm tro xám bay lên từ bếp lửa. Nhìn thấy Huyên, chủ quán khẽ gật rồi thong thả lấy cặp nặp cời hành khô, cho chúng vào bát, nhấc chảo rang xuống. Huyên cũng tìm một chỗ ngồi xuống, chưa đợi cho chủ quán lên tiếng, cô đã hỏi:
– Anh có rượu không?
Chủ quán đương lau tay dở, ngưng lại một lát, bật cười bảo:
– Đây là đất rượu mà, nhưng sau hôm nay cô lại muốn uống rượu?
Huyên mỉm cười giơ tay trái lên, dùng ngón trỏ còn lại gõ nhẹ vào ngón vô danh. Chủ quán thở dài, nhún vai bảo:
– Vậy đợi tôi một lát.
Sau đó anh trở vào bếp trong, khuất sau tấm ri-đô xanh thẫm lấm tấm dầu và nước. Huyên nhìn kỹ hơn: trên tấm ri-đô người ta đã vẽ hình một con thuyền giong buồm ra khơi, nước bên dưới sâu thẳm và mặt trời trước mắt thì xa vòi vọi. Một lát sau, chủ quán quay lại với một chai rượu trắng, một đĩa thịt trâu khô đã xé. Anh đặt đồ lên bàn và ngồi xuống, nói:
– Đằng nào cũng không có khách, để tôi uống với cô một đôi chén.
– Tôi muốn uống một mình.
– Những lúc thế này nên uống cùng ai đó, chí ít thì, tôi có kinh nghiệm hơn cô trong chuyện này.
Nghe tới đây thì Huyên bật cười, cô tò mò hỏi:
– Vì sao anh lại li hôn?
Chủ quán nhún vai:
– Để chống chế thì tôi sẽ nói rằng chúng tôi không còn hợp nhau nữa. Nào, đừng nhìn tôi như thế. Nhưng có lẽ tôi là một thằng đàn ông thảm bại tới nỗi để vợ mình phải kiếm nguồn vui từ những chàng trai trẻ hơn bên ngoài.
Huyên rót rượu, người đối diện cầm chén lên và dốc cạn. Huyên cũng uống, một chén rồi hai chén, đến chén thứ ba thì chủ quán chặn lại, nửa đùa nửa thật:
– Tôi không quân tử tới mức để cô có thể yên tâm uống rượu một mình cùng đâu.
– Tôi tự tin về mắt nhìn người của mình. À, tôi cũng đã sai một lần.
– Tất cả đều là lựa chọn thôi, cô không cần phải vùi mình vào nỗi đau và rượu để quên đi.
Huyên lắc đầu, thở ra một hơi, cười cay đắng:
– Tôi không đau khổ vì chuyện li hôn, thực ra từ đầu chúng tôi không có tình cảm với nhau, chỉ đơn thuần là đồng nghiệp. Không rung động, không gì cả, không gì cả, vậy đấy. Nhưng tôi cảm thấy tiếc khoảng thời gian và công sức mình bỏ ra, những tưởng có thể xây dựng một phòng tuyến hôn nhân khác với cuộc hôn nhân của bố mẹ mình. Và tất cả sụp đổ.
Chủ quán đặt tay lên vai Huyên, buông lỏng chén rượu ra, Huyên bật cười uống nốt, nói tiếp:
– Nhưng người ban đầu đưa ra đề nghị li hôn là tôi, bây giờ toại nguyện rồi. May mà chúng tôi không có con với nhau, nếu có một đứa bé thì có lẽ mọi việc sẽ khó khăn hơn, có lẽ tôi sẽ lặp lại cuộc đời của cha mẹ mình, mắc kẹt hoàn toàn, chẳng thể đào thoát.
Rồi lại uống, rượu cay đổ vào, Huyên biết mình đã hơi ngà ngà, nhưng một khi uống rượu đến độ chẳng còn cảm giác thì lại càng muốn uống nhiều hơn nữa.
– Tôi đã xong việc ở đây rồi, ngày mai tôi sẽ thu xếp về Hà Nội để hoàn tất mọi việc và chuẩn bị tìm chỗ ở mới. Cũng may thay, tôi đang viết một cuốn sách, biết đâu sự tịch mịch về sau sẽ giúp tôi sáng tác nhanh hơn?
– Vì sao cô lại đưa ra lựa chọn này?
– Chỉ đơn giản là tôi nghĩ mình sẽ chết nếu tiếp tục… Có một ngày, tôi thử nói với chồng mình về ý tưởng viết sách, một cuốn sách chứ không phải phóng sự, tuy nhiên khi nhìn thấy ánh mắt dửng dưng cụt hứng đó, tôi chợt dấy lên một ý niệm, ấy là mình phải dừng lại.
Chủ quán yên lặng ngồi nghe Huyên nói, cô nói rất nhiều, như thể chưa từng được nói nhiều như vậy, như thể mọi suy nghĩ, mong muốn từ lúc tấm bé tới thuở thiếu nữ chưa kể hết nay được thỏa lòng giãi bày.
Cuối cùng, anh nói:
– Cô biết không, tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, không chốn đi chẳng chốn về, không chốn nương thân an ổn.
***
Huyên không nhớ mình đã về tới chỗ trú chân thế nào, chỉ biết rằng cô đã ngủ một giấc rất sâu – vẫn loạng choạng bước trong giấc mơ của chính mình, trước mắt là cái kén bướm khổng lồ cô quen thuộc, nhưng cái kén bây giờ đã rỗng không, chỉ còn lại lớp vỏ khô xác. Huyên chần chừ và khẽ chạm tay vào nó, có một tiếng “rắc” khẽ vang lên từ bên trong kén, rất khẽ, nhưng lại tác động mạnh vào thính giác của cô, rồi tiếng vỡ nát đó lan đi, cái xác kén chỉ còn lại là một đụn vụn vỡ hỗn độn, bay theo cơn gió.
Huyên ngóng mãi theo những gì còn sót lại của cái kén, chỉ thấy ngàn dặm cao xanh.
Năm giờ sáng, cô thức dậy chuẩn bị đồ đạc và xách ba lô xuống chỗ quán ăn, đấy là điểm xe bắt và trả khách. Ở đó đã có một hai người đợi sẵn, họ cuốn mình dày trong những chiếc áo gió và áo phao, gương mặt mỏi mệt vì giấc ngủ ngắn. Huyên định bụng ăn một thứ gì đó nhưng lại thôi, cô không thấy đói, chỉ còn lại cảm giác trống rỗng nhưng chẳng phải thứ cảm giác khiến cho người ta khó chịu, mà như thể là một thung lũng rợp ngợp cỏ cây, lộng gió và hương hoa chuyển mùa, như thể là dòng dịch chuyển trên thế gian đã thay đổi để người như cô có thể dự phần vào.
Cô cứ thế nhìn vào quán, nhìn ngắm những người đang ăn bữa sáng, nhìn ngắm những đốm lửa lập lòe và cả chủ quán đang lúi húi bên bếp than, nướng thịt và chuẩn bị đồ ăn khách gọi. Ánh mắt họ gặp nhau một thoáng. Huyên nhoẻn miệng cười rồi quay lại bước ra gần vệ đường hơn, ở đó có một gốc xoan cỡ khoảng một người ôm. Cứ đợi mãi như thế, cho tới khi tiếng còi xe vang lên từ xa.
Sương mù vẫn giăng dày, đèn xe mang theo âm thanh chói tai rẽ sương mà đi. Bỗng nhiên, Huyên thấy mùi hương liệu quen thuộc phảng phất sau lưng, ngoảnh lại nhìn chủ quán, bảo:
– Tôi đi đây. Cảm ơn anh vì tất cả.
Chủ quán vung cái khăn bông ở trong tay, chỉ cười mà không đáp. Huyên nói tiếp:
– Nhưng tôi vẫn chưa biết tên anh. Khoan! Đừng trả lời vội, hãy nói với tôi khi tôi quay lại.
Chủ quán mỉm cười, gật đầu, bảo:
– Lên đường bình an.
Huyên ngồi ghế cuối cùng – ở cái vị trí chẳng ai để ý tới, cô có thể thoải mái ngắm phong cảnh bên ngoài. Những cành chít vươn ra khỏi tali, rành rõ cả sỏi đá và đất vàng, xe hú còi một lần nữa và xông mình vào lần sương. Cô nhắm mắt lại ngủ một giấc ngắn, bỗng nhiên nhớ lại một đoạn nói chuyện hôm qua.
Anh bảo: Trên triền đồi cách đây không xa có một thảm hoa dại, bây giờ chúng đều đã tàn úa, chỉ còn màu vàng nâu lẫn với màu đất, trong khi đấy, ở trong lòng đất, những hạt cây rụng xuống từ cuối thu đang ngủ đông, chỉ cần một cơn mưa xuân báo hiệu là chúng đồng loạt nảy mầm, không quá ba hôm, cỏ sẽ lại xanh rì và những đóa hoa tím sẽ nở rộ, đấy là cảnh tượng mà có lẽ ngôn ngữ không sao tả được.
Huyên không rõ mình đã trả lời anh ra sao, hay lúc đó cô đã say tới mức ngủ gục rồi, nhưng cô biết rằng mình sẽ trở lại đây, cũng trên một chuyến xe xuyên qua ánh nắng và mùi hương cỏ cây, với các giọt sương nặng phản chiếu chính gương mặt mình.
PHẠM GIAI QUỲNH
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...