Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Bỏ bùa - Truyện ngắn Phan Mai Hương

Bỏ bùa - Truyện ngắn
Phan Mai Hương

I. Đón cốc nước chè của một cô bé gầy gò, đen sắt, trên mặt đầy tàn nhang, dáng vẻ nhanh nhảu và láu lỉnh, Thi ngao ngán nhìn nắng ung ung oi ả đọng từng vòng tròn nhiễu sắc, khi biết về trường phải đi hai cây số nữa.
Gió Lào lồng lộn, xoáy tròn cuốn từng bụm đất đỏ quạch tung lên cao rồi thả trùm xuống.  Hai dãy nhà bám hai bên ven đường nom tạm bợ, nhô ra thụt vào. Nhà mái ngói nâu nâu xin xỉn xen kẽ nhà lợp lá gồi xù lên như lông con gà mái lúc nó tức giận, ngập trong lớp bụi nâu hồng. Bốn bề ngút ngàn núi đá nhọn hoăn hoắt, lởm chởm, cao chất ngất, chừng như va nhẹ là đổ sập. Dãy phố oằn mình héo hắt như bị rang trong chảo.
Nhà văn Phan Mai Hương ở Hòa Bình
Nơi ngã ba, oai nghiêm cây đa cổ thụ, gốc xù xì choãi ra bạnh cây, xùm xòa chùm rễ lòng thòng, già nua. Tán cây xòe như cái ô khổng lồ, màu xanh mướt, tỏa bóng mát rượi trên một khoảng đất rộng. Quanh gốc đa, khoảng chục đứa trẻ và vài người lớn bán hàng rong cho người qua đường và ô tô khách dừng nghỉ ít phút. Những quả bưởi đã lột vỏ, tách múi, trắng nhợt và đang héo khô dần theo nắng, mía tiện và dứa gọt sẵn bọc trong túi ni lông. Dưa chuột, ngô và khoai lang luộc ở trong rổ, nước chè xanh đựng trong ấm nhôm. Cái cốc nhựa úp trên vòi ấm cứ chực văng đi khi bọn trẻ chạy thục mạng để giành khách.
Chiếc xe đạp lạch cạch phanh kít ngay trước mặt. Cái xích khô roong, một bên có bàn đạp, một bên trơ lõi nhọn hoắt như bút chì. Chắc cô giáo về trường cấp Ba? Thi ngước lên, bắt gặp một đôi mắt nâu ấm dưới mái tóc bù xù như tổ chim sẻ bị bão, lướt nhìn mình từ đầu đến chân. Không chờ câu trả lời, bàn tay mạnh mẽ nhấc chiếc va li lên. Tiện đường về thì mang hộ cô giáo thôi. Vừa vâng, định hỏi anh là ai, thì chiếc xe đạp đã vút đi để lại một vệt bụi đỏ. Cái lưng gầy cong như con tôm trôi nhấp nhô dưới nắng lấp lóa.
Giữa bãi cỏ mênh mông, lổn nhổn chen chúc những tảng đá to và nhỏ, trơ trọi dãy nhà lợp tranh, vách đan phên nứa, bàn ghế lỏng chỏng bên trong. Một dãy nhà khác nằm ẹp trên đất, mái khum khum như con rùa gẫy chân. Phòng hội đồng và nhà tập thể ở phía sát hàng rào bằng cọc và tay tre, bên ngoài là bãi hoang. Đó là ngôi trường mà Thi sẽ dạy. Sau này, khi ở lâu, Thi biết những cơn lốc bất ngờ khiến mỗi năm vài lần dựng lại trường.
Đồng nghiệp mới quen chào ríu ran, hỏi hành lý đâu, Thi mới chợt nhớ ra. Vừa lúc mái tóc bù xù từ cánh cổng đan bằng rào nứa đột ngột xuất hiện cùng nụ cười tươi tắn, anh nói còn rẽ vào nhà một học sinh thuyết phục bố mẹ cho em í  đi học, bị giữ lại ăn cơm, nói mãi mới được thả ra đấy.  Giờ mới biết anh tên Hoàng Hữu, dạy Địa lý, hơn Thi hai tuổi. Kể chuyện, mọi người cười bò ra. Bác hiệu trưởng tên Luân ân cần bảo, cháu dễ tin người quá, may gặp người tốt. Sau này, khi đã xa nơi thừa gió Lào, sương muối, núi đá, và thiếu nước, Thi mới ngẫm ra lời bác.
II
Nhà chị Thủy là một ngôi nhà gỗ lợp ngói nâu nâu, so với gian phòng Thi đang ở thì nó thật đáng mơ ước. Chị Thủy, ba mươi hai tuổi, dạy môn Lịch Sử. Nhưng tìm mỏi mắt trong nhà chị cũng chẳng thể nào kiếm ra được một cuốn  sách nào nói về lịch sử, kể cả sách giáo khoa. Tất cả đã mất hút trong cái đống hỗn độn toan lo của chị rồi. Đêm ngày lo chăm sóc ba con gái, cùng với bố mẹ chồng đã gần tám mươi. Lai còn lo vườn tược, chợ búa, lo tránh thai, nhỡ mà anh chồng làm nghề lái xe nay đây mai đó vì khát con trai đi “ kiếm thêm”. Chừng ấy thứ  khiến cho  khuôn mặt và  dáng người, chắc  xưa kia cũng xinh đẹp, của  Thủy héo queo quắt như quả mơ muối phơi khô.
Nhưng cả ba con gái nhà chị Thủy xinh lắm, cho dù lúc nào cả ba đứa cũng nhem nhuốc, bẩn thỉu vì chơi lê la nơi sân vườn hay chui rúc vào bụi cây, chỉ còn mỗi đôi mắt là sạch sẽ,  lóng lánh  và trong veo. Trẻ con có bao nhiêu thú vui riêng mà người lớn khó có thể   hiểu được. Tương lai gần của Thi đấy chăng? Thi vui hay buồn? Lẽ ra Thi phải vui chứ vì tình nguyện đến đây dạy học mà. Bố Thi không xin cho con gái ở lại thành phố. Bạn của bố, là lãnh đạo ngành, nói còn trẻ thì nên đi huyện vài năm, sau về cho từng trải.
Đang vẩn vơ thì Hữu sang rủ đi chợ. Thi lắc đầu bảo bận, nhưng chợt nhớ chợ phiên thị trấn đông nhất, thì đi chơi chợ cho biết, xem có khác biệt với chợ thành phố thế nào. Cả hai sán đến bên chú bé xách chiếc lồng đan cật nứa tươi rói màu xanh, bên trong có một con loang lổ trắng đen trông giống như con trăn nằm khoanh tròn. Hữu hớn hở, chỉ bằng số tiền một tháng lương thôi, mua mang về nấu cao, cao trăn tốt lắm, chắc mẹ sẽ khỏi đau lưng đấy. Hai đứa hì hục bê con trăn” về nhà. Đặt cái lồng xuống đất, rón rén mở nắp đậy, bất chợt “ con trăn”  dựng đứng, phun phì phì, nom rõ khoanh đỏ quanh cổ , cái lưỡi ba chẽ lia thụt thò. Nhanh như cắt, Hữu đưa tay sập cái nắp đậy xuống. Cái sọt bị quăng vèo ra bụi cây bên ngoài bờ rào, phía bãi hoang mênh mông.
Chiều sẫm dần. Mặt trời đỏ ối vừa cuộn cái nóng hầm hập xuống sau dãy núi xanh tím. Sương muối đã len lỏi, giăng mờ mờ trong bụi cây kịp mang đến cái buốt lạnh. Lá cây se sắt vì nắng gắt và sương muối. Nền trời nhờ nhờ bởi vầng trăng khuyết với một đường viền bao quanh. Thi ngắm trăng non vừa lên và nghĩ đợt sương muối này sẽ còn dài lắm. Nhã đi ngang cửa tay cầm rổ rau ra giếng, chợt cười với Thi và hất mặt về phía phòng mình. Thi tự hiểu là Vũ đang ở đây. Nhã, người Hà Nội, về trường sau Thi một tháng, xinh vừa đủ, dạy học là phụ, ngược xuôi buôn tân dược là chính, có người yêu là Vũ. Nhã kể nhà Vũ có cửa hàng to nhất phố, mẹ sành sỏi bán buôn, cầm trịch trong nhà, có cô em gái thừa kế đủ tính nết mẹ, rồi cười hi hí bảo ít nữa tớ có hai mẹ chồng. Vũ ghen kinh khủng. Tuần nào Nhã ở lại trường là Vũ lại vượt 100km, không chuyện trò với ai, chỉ cãi nhau với Nhã. Tiếng cãi nhau trộn lẫn lổn nhổn trong sương muối, lúc to lúc nhỏ nơi đầu hồi nhà. Cao to, đẹp trai như diễn viên Chánh Tín, con nhà giàu, ăn mặc luôn đúng mốt,  thì  Vũ  ghen với ai ở đây nhỉ? mà trai ở đây thì  chả có ai  dám bén đến gót chân Nhã. Đàn ông trong trường đều xa lạ với kiểu người như Vũ. Cảm giác yêu mà mệt mỏi đến nỗi như thở hắt ra. Tình yêu thực sự thì sướng hay khổ? Nhã kể nhà Vũ bỏ tiền chạy chọt một ông có quyền to nào đó để cho Nhã được chuyển về Hà Nội, nhưng Nhã không muốn bị ràng buộc bởi đồng tiền.
Trăng rắc bụi vàng khiến bụi cây khô xác nhìn có cảm giác mát mẻ hơn. Trên chiếc chiếu trải ở sân, Thi và Nhã ngồi nhìn sang phía cửa phòng của Đô, quê Ba Vì. Thi hơi buồn cười vì cái tên đối lập với dáng người bé choắt, đã thế dạy tiếng Nga mà nói l ( lờ) và n (nờ) lẫn lộn. Vật cái xe cuốc Liên Xô ra sân, Đô vá xăm, kiểu sáng tạo nhất thế kỷ XX là lấy giẻ bện thành búi, cuốn chặt, buộc nối với đoạn xăm còn lại, và nhồi vào lốp. Hai đứa khúc khích cười, thương xót cái xe cuốc sẽ phải lăn 30 km đến vùng cao, nơi Đô có cô người yêu cao to, vai rộng, tướng đàn ông, đang dạy tiểu học. Cơ mà kiểu gì Đô cũng mang được người về nhà. Ngoài ra còn kèm theo hàng lô xích xông những măng khô, mộc nhĩ, mật ong, rắn, rùa, tắc kè, mà người yêu Đô đã  mua gom trong tuần. Chủ nhật trùng chợ phiên, Đô mang bán cho khách mua buôn ở Hà nội lên, lãi cho một lần bằng vài tháng lương. Chuyện buôn bán của Đô, Thi thấy cũng hay ra phết khi tình yêu nhuốm màu sắc gia đình. Lại nhớ bố mẹ Thi chỉ bàn chuyện tiền bạc nợ nần khi các con đã ngủ hết. Thi là đứa thính ngủ hay thức giấc nên nghe trộm được hết. Vì thế mà vườn rau luôn được Thi chăm sóc tốt bời bời, cắt mang chợ bán liên tục.
Chị Mai sà vào chiếu góp chuyện kể miền quê của chị có núi đá ngủ trong mây trắng quanh năm, có con gái đi học đại học là chuyện cổ tích, có thầy cúng chuyên làm bùa yêu, đôi nào bị thả bùa thì sẽ dính nhau như bánh dầy đôi ngày Tết, chết cũng không rời. Chị Mai kể hồi nhỏ được chứng kiến một người vợ không ăn uống, bảy ngày sau chêt gục bên mộ chồng, vì bùa yêu. Nên các thầy bùa chỉ làm bùa yêu trong vòng ba tháng thôi, hết phép lại làm bùa khác. Học nghề làm bùa yêu khó lắm, phải là người có đức độ, ngoan hiền, lại chỉ học vào ban đêm và đủ 100 đêm liên tục.
Giấc ngủ muộn màng cứ chờn vờn bởi cái bí ẩn của bùa yêu từ câu chuyện chị Mai kể. Gần sáng bị đánh thức bởi tiếng cửa mở lạch xạch, lạch xạch ở phòng kế bên. Trong lúc mơ màng cố nối giấc, ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu, tiền hay tình quan trọng hơn? Thấy ngọn đèn dầu từ phòng Hữu trôi trôi ra ngoài bãi đá, trườn theo cái đuôi rắn ngoe nguẩy. Thấy mẹ quay lưng bước đi, mình vội hét lên đuổi theo. Bật tỉnh giấc, hóa ra mơ một giấc không đầu không cuối. Thấy mọi thứ trôi chập chờn trong sương muối buốt lạnh hoang mang.
Chụm mấy thanh củi gỗ đã chẻ nhỏ, đổ chút dầu xuống, vừa thả que diêm lửa đã bùng lên kèm mùi dầu cháy khét lẹt, vừa hát nho nhỏ “ chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…” để mơ về một làn gió mát. Bất chợt có tiếng vỗ bành bạch vào vách, Thi ơi, ăn nhanh đi chơi với anh. Xạo quá, đánh cho giờ, ai chả biết anh Tín đi xuống nhà  người yêu, giữa tuần mà nàng cũng về hả? Không tiếng trả lời, chỉ có tiếng líp xe đạp giòn tanh tách ngoài sân. Anh chàng Tín dạy môn Hóa kiêm bí thư chi đoàn giáo viên, nghề chuyên môn như ngấm vào máu, tính nết tỉ mỉ cẩn thận, cái xe Cuốc Liên Xô luôn được lau chùi bóng loáng, lốp bơm căng, nếu bị thủng thì anh ta vật nó ra sân và dò từng nốt vá cũ lẫn nốt và mới, cho dù các nốt vá chồng chéo lên nhau thì cũng vẫn chở em yêu rất tốt.
Ăn cơm tối xong, kiểm tra đám mít học trò vừa mang lên xem có quả chín không, trải chiếu ra sân và gọi Nhã.  Thi  và Nhã thích ăn mít, nhưng nắng nóng như này chỉ có cách đợi đến đêm để thỏa cơn thèm. Mai và Hữu thì lại dửng dưng với món mít, nên không tham gia. Nhìn màu múi mít lẫn với màu vàng đặc quánh của trăng, chị Mai than, ngày mai sẽ nóng lắm đây.
Ăn xong về phòng, muốn ngủ quá rồi, mà nóng vật vã, cái đèn dầu ma dút tỏa khói khét lẹt trên bàn càng làm cho nóng hơn. Đang thiu thiu dỗ giấc, thì tiếng lip xe đạp tanh tách, tiếng mở khóa cửa lạch xạch, giọng Tín vui vẻ háo hức, Thi ơi đi họp chi đoàn. Trời. Giá mà đánh được thì Thi cũng dậy để vả vào miệng anh ta mất. Giả vờ ngủ, nằm im, thì anh ta lại ồm ồm, đừng có giả vờ nhé, biết rồi đấy, ngủ gì mà không thở như chết rồi thế. Đấy cái vách nứa đan cứ tưởng ngăn phòng, nhưng hóa ra nó lại thông thống. Lại thấy Tín lạch xạch mở cửa ra ngoài. Giấc ngủ ơi, mi ở đâu? Đến đi, mai ta có những 5 tiết cơ đấy. Giấc ngủ đến chập chờn trong cái lạch xạch khép mở cánh cửa vọng vào.
Trưa oi nồng. Cánh tay mỏi nhừ với cái quạt nan, mà cái nóng vẫn như vón cục lại. Cả dãy tập thể, có mỗi cánh cửa bên phòng chị Mai là mở. Không thể dỗ đôi mắt,Thi sang ngó vào, quá ngạc nhiên vì Mai đang trong tư thế kỳ cục, bò chổng mông trên cái phản nhỏ để viết, xung quanh lộn xộn xấp báo Phụ Nữ đã cũ rích ố vàng. Thấy Thi ngạc nhiên, Mai giải thích, đang viết kiểm điểm vì có thai, Công Đoàn phát hiện ra đấy. Chị cố cười nói với Thi mà nước mắt như sắp rơi. Ôi trời! có lẽ khi tìm ra châu Mỹ, người ta cũng không bị choáng  hơn Thi bây giờ, bố em bé là  ai thế? Mai nén hơi thở dài xuống, chị không nói đâu, chị sẽ  để đẻ, chị nghĩ sẽ là con trai đấy, Thi giúp chị chứ? Viết hộ chị cái bản kiểm điểm.
Một đề bài văn khó nhất trong đời.
Thế ai nghe kiểm điểm của chị? Có Ban Giám hiệu, Công Đoàn, Chi bộ thôi, Đoàn thanh niên đi vắng, chị được báo họp chiều nay rồi. Thi chợt nhớ Hữu về quê, và nghĩ đây là một cuộc họp kiểm điểm giáo viên kỳ lạ, chỉ có lãnh đạo. Thế kiểm điểm cái gì? nói tình yêu là tội lỗi à? luật mới về Hôn Nhân và Gia đình cho phép đẻ con ngoài giá thú mà. Biết rồi, Mai đẩy tờ báo Phụ Nữ về phía Thi. À, hay viết bản tường trình nhỉ? thế tường trình cái gì? Có phải là việc ngủ với nhau mấy lần, và làm như thế nào để có em bé không? Câu hỏi đầy ngây thơ của Thi làm Mai nghệt mặt ra, ừ đúng rồi nhỉ? Chẳng lẽ viết như thế à? Thế thì hãy đi tìm những người định kiểm điểm chị và  nhờ họ  viết cho, em không biết những cái đấy đâu.
Cuối cùng, không có bản kiểm điểm nên không họp nữa, nhưng người ta lo lắng chuyện này sẽ thành tiền lệ. Thế là xong một vụ kiểm điểm vì chuyện hủ hóa, sau khi giao kèo miệng với Mai là không có lần thứ hai đâu nhé, có một đứa con không bố là quá đủ rồi. Thế mới biết làm lãnh đạo thật khó, phải biết lo xa như thế nữa. Thi biết là Mai sẽ vẫn lên lớp bình thường thôi, vì môn Toán có mỗi chị dạy cả trường, kiểm điểm đình chỉ dạy học á, có mà tan trường. Nhưng nếu Thi ở lại đây thật lâu, năm năm hay mười năm nữa,  thì ai dám chắc là không có tiền lệ như  chị Mai? Cảm giác con đường đi về thành phố sao mà  xa đằng đẵng ?
Thi sang giếng nhà chị Thủy, thả cái dây gầu dài hết cỡ mà cái gầu cao su cứ chạm vào đá lục cục dưới đáy, chả thấy nước đâu. Chồng chị Thủy đứng ở đầu hồi chuồng lợn nói với ra, phải đợi một lúc nước chảy ra mới múc được. Rửa rau vo gao xong, Thi mang xuống cái lều gianh được che thành căn bếp nhỏ xíu, chồng hai chiếc ghế gỗ và co cả hai chân ngồi xổm lên mặt ghế. Phải chọn cách ngồi như thế để tránh bọ chó. Cái con bọ đen đen như hạt vừng, bé li ti bằng đầu cái  kim khâu, nhảy tanh tách như trò ảo thuật. Nó mà chạm vào đâu là da chỗ đấy sưng tấy lên cục u đỏ mọng và ngứa muốn phát điên, gãi đến bật máu mà vẫn chưa thỏa. Ghê sợ đến chết khiếp cái loại sinh vật tinh quái  hút máu người này lắm. Nhìn xuống nền bếp, thấy bọn chúng lấm tấm như vừng đen rắc trên bánh đa. Bọ chó và cứt gà lại rất hợp nhau, bởi ngay sau vách bếp là chuồng gà của chị Mai. Chả thế mà hồi ở nhà, buổi chiều tối, Thi sợ nhất là khi mẹ sai đi đóng cửa chuồng gà. Đã cài cửa chuồng rõ nhanh thế mà vẫn bị vài con bọ nhảy vào người. Nhưng lại thấy thương mẹ, những  khi mà mẹ chưa yên tâm về lũ gà, cứ như chui hẳn  người vào chuồng để đếm xem bọn gà  đã về đủ chưa? hoặc thò cánh tay vào lôi ra những con đã chết cứng vì dịch gà rù.
III
Hai tuần nữa mới đến năm học mới. Sân trường vắng lặng. Cỏ mần trầu, cỏ mật mọc dầy, bụi xấu hổ hoa tím thoải mái bò khắp nơi. Hai mẹ con con trâu gặm cỏ soàn xoạt ở cửa phòng hội đồng.Trước cửa phòng chị Mai có một túi quả đu đủ xanh đã héo, hình như là của anh người tình mang đến. Chị Mai thông báo văn tắt  tình hình ở trường.Tin gây ngạc nhiên nhất là Tín đã chuyển việc về quê Vân Đình rồi, anh ta có bố nuôi là phó chủ tịch huyện, nhờ vả kiểu  gì đó nên chuyển nhanh như gió, nói chuyển vùng là xong luôn  mọi thứ giấy tờ  trong vòng một tuần . Ngạc nhiên là bởi trước hè có thấy anh ta nói chuyển vùng đâu? Thế bỏ người yêu sắp cưới à? Mai không trả lời, mà ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác, nhưng Thi  đã kịp thấy  đôi mắt chị đỏ mọng dần lên và ngấn ngấn nước.
Tin động trời nữa là Đô bị chết bởi chính con hổ mang chúa mà Đô tự mang về Hà Nội bán, nó mổ cho một nhát khi Đô thò tay định bắt nó ra. Do xa xôi, chỉ có ban giám hiệu đi viếng. Đúng là không định sinh nghề mà lại tử nghiệp, chả biết là buồn hay đau cho một phận người. Chị Mai kể cô người yêu khóc vật vã và kiên quyết để tang như một  người vợ, cũng chung thủy ra phết, nhưng chả biết được, còn phải đợi thời gian, để tang ba năm chứ có ít gì đâu, hết cả tuổi xuân mất. Thi nghĩ, mỗi người có lựa chọn riêng cho mình.
À.., chị Mai dè dặt, Hữu lên trường một lần, nói sẽ đi miền Nam.  Thi lặng im. Vậy là không có cơ hội đắm mình trong ánh mắt nâu ấm nữa rồi. Thi có cảm giác rùng mình khi nghĩ đến cái cổ đỏ ba khoanh của “con trăn” đang phồng lên, và thấy hình như mình có lỗi trong chuyện Hữu đột ngột bỏ ra đi.
Tin vui cho Thi này, chị Mai vui vẻ, con bé Nghĩa đỗ đại học sư phạm rồi nhé. Nó nói biết ơn cô Thi nhất, vì nếu không có cô Thi đến vận động mẹ nó cho đi học cấp ba thì nó không có ngày hôm nay đâu. Mà Thi mang vinh dự đến cho trường nhé, lần đầu tiên trường mình có học sinh thi đỗ đại học đấy. Chà, con bé Nghĩa này, là sinh viên đại học rồi  mà vẫn đen xì và gầy nhẳng, nhưng được cái chăm chỉ và có nghị lực vô cùng, loại nghị lực của con nhà nghèo, không có bố và tự  kiếm tiền nuôi sống bản thân từ nhỏ.
Chị Mai trở dạ.Khi Thi và bà đỡ về đến nơi thì đứa bé đã nhô đầu ra.Thi đã làm cái việc cho một lần duy nhất trong đời  là đón lấy bé. Còn bà đỡ thì cắt rốn, lôi bánh nhau ra. Thi không hình dung được là chị Mai lại liều lĩnh sinh con tại nhà. Nhưng Thi hiểu chị dứt khoát không đi bệnh viện, vì mặc cảm,  vì sợ phải nghe mọi người  bàn ra tán vào.  Nói không ngoa chứ, ở cái huyện nhỏ như lỗ mũi này, chỉ cần hắt hơi là toàn thể dân chúng phố huyện đều biết, huống chi là chuyện cô giáo không chồng mà có con.
Gian phòng nhỏ yên tĩnh và ngập tã lót, chìm nghỉm trong mùi sữa gây gây, mùi bà đẻ tanh tanh nồng nồng. Thi dễ nhận ra những mùi đặc biệt ấy, vì quen phục vụ mẹ đẻ em bé rồi.  Thằng cu khỏe mạnh, hình như biết trước thân phận của nó hay sao ấy, chả quấy khóc gì cả, bú no ngủ im thin thít. Không đủ thức ăn nên mẹ nó ít sữa, thì thay thế bằng nước cơm pha đường, nó vẫn chén no căng bụng, chả kêu ca gì. Chỉ có điều bố thằng bé vẫn bặt vô âm tín, lặn một mạch không sủi tăm.  Con trai gì mà giống bố như lột ra từ cái móng chân ngón tay, đấy là mẹ Mai của nó bảo thế.  Nhìn mẹ Mai của nó thì ngời ngời hạnh phúc như thế kia, thì bao nhiêu  lời đàm tiếu dị nghị đáng vứt hết xuống khe suối sâu hoắm cho nước lũ cuốn đi.
Chị Mai nói không muốn ràng buộc, tình yêu phải là sự tự nguyện, không thích thì chị thả cho về quê, chỉ có điều sau này đừng có mà lên nhận con.  Chị còn cười cười, nửa đùa nửa thật, nếu tao thả bùa yêu á, có mà chạy đằng trời, thật đấy. Trong ý nghĩ của Thi lại tràn đầy âm thanh  lạch xạch khép mở trong đêm vọng sang  từ  bên phòng Tín. Chị Mai làm Thi hoang mang, nghĩ không biết có bùa yêu thật  không? sao bố nó lại từ chối một thằng cu đáng yêu như thế? Chiều hoang hoải, tím sẫm nơi chân núi, sương bắt đầu ùa ra, Thi ngửi thấy mùi sương lành lạnh loang loang trong không khí. Thi nghĩ Mai dũng cảm thật, nhưng hình như sự lựa chọn hoàn toàn đúng.
Nhã lên lấy tiền hàng, nghe nói Mai sinh con, vào thăm, mua trứng gà và mật ong, ít quần áo cho thằng cu. Gặp tôi, Nhã mừng ríu rít, khoe có quyết định chuyển trường, xa nơi rừng rú âm u này kể cũng nhớ, nhưng  nhớ cậu nhất đấy Thi à, mà chưa chắc đã dạy học. Nhã sắp lấy chồng nhé, nhưng chú rể không phải Vũ đâu, Thi có đi dự đám cưới Nhã không? Tôi ù tai, không hiểu gì cả, cố giấu tiếng thở dài vào trong ngực, cười và chúc Nhã hạnh phúc. Chắc là Nhã sẽ hạnh phúc thôi, vì tuy dạy Văn nhưng Nhã thực tế lắm, chả có cái kiểu nghĩ nhiều như Thi. Nhớ có lần Hữu từng nói, em nghĩ vừa vừa thôi, kẻo mà người cũng  tan ra thành ý nghĩ  đấy.
Vậy thế nào là hạnh phúc? Có phải là ghen, là nhớ, thấy được sở hữu? Thi không biết. Mang chậu quần áo của mẹ con Mai đi giặt, qua cửa hang cạnh suối, Thi nhớ đôi mắt nâu ấm, đã  run rẩy và đỏ dừ cả tay lẫn tai khi liều lĩnh ôm  hôn Thi trong khi giải lao của buổi lao động của chi đoàn Thanh Niên. Nụ hôn ngọt ngào làm Thi nhớ Hữu đến thắt cả tim, mà mỗi khi nghĩ đến lại như có cục đá chẹn trên ngực. Nếu Hữu ở đây, Thi sẽ nhào vào ngực anh, chắc chắn là thế. Thi nhớ đôi mắt nâu chìm sâu trong buồn bã, trong suốt cả tuần cuối cùng, trước kỳ nghỉ hè. Hữu về quê mà không từ biệt Thi.
Thi đến trường sớm một phần cũng là mong gặp Hữu. Mong Hữu hiểu Thi mang hai nỗi nhớ. Một bên là ánh mắt nâu ấm và những đứa trẻ chạy như bay với ấm chè xanh trên tay. Một bên là thành phố thân yêu, nơi Thi có gia đình ruột thịt, có bạn bè thời ấu thơ. Cho nên, về nhà thì Thi muốn vào trường, còn ở trường Thi lại muốn về nhà. Vậy bùa yêu của Thi ở đâu? Chỉ biết là Thi đã đánh rơi đôi mắt nâu ấm, thả chìm xuống dòng suối sâu và lạnh.
PHAN MAI HƯƠNG
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...