Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Hoa đại đỏ - Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến

Hoa đại đỏ - Truyện ngắn
Nguyễn Hải Yến

Mười một rưỡi, dâu út gạt nút tắt wifi, buông cái điện thoại nóng phồng pin xuống khay nhựa đựng đồ lặt vặt đầu giường, dụi toét mắt, ngáp sái quai vạc, chân đăm đá chân chiêu, xiêu vẹo đi vào nhà vệ sinh. Cửa vừa khép, nắp bệt vừa bật lên thì Quang Dũng hát: “Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời…”.
“Cả buổi tối chẳng sao. Giờ nửa đêm đứa nào còn bày đặt!”. Giật nước nhao ra, chưa kịp chạy bước nào thì tắt. Nhưng ngay lập tức, Quang Dũng gọi lần hai. Chết rồi! Bác Cả gọi! Khuya khoắt đêm hôm. Hay bà có chuyện gì. “Em đây bác ơi! Nhà có chuyện…”. Chưa kịp nói đến tiếng “gì” thì bên  kia đã choang choảng như xóc mảnh sành trong rổ sắt: “Gớm nhẩy! Thím dạo này cao giá nhẩy! Gọi mỏi cả chuông. Mới chập tối mà kĩ thế…”. “Em đã ngủ đâu. Nhà có chuyện…” – vẫn chưa kịp nói đến tiếng “gì”. “Chủ nhật này chú thím về nhé!”. “Lại họp gia đình hả bác? Sao lâu lắm rồi không họp? Sao không về ngay?”. “ Không phải họp. Thư thả, chủ nhật hãy về”.
***
Bác trưởng gái, đã thành lệ, đều đặn theo tháng, lâu hai chóng một lại giật giọng gọi anh em, con cháu về họp gia đình. Nguyên nhân mười lần thì chín lần rưỡi do bác trai gây sự. Điện thoại gọi, dẫu đêm hay ngày, đầu tuần hay cuối tháng đều: “Về ngay!”. Nhưng: “Nhà em đang xuống xã. Chủ nhật mới về”. “Cháu bà đang thi học kì. Chủ nhật mới xong”. “Con bé nhà con đang ốm. Chủ nhật chắc mới khỏi”…Trăm ngàn lí do đưa ra đều dồn vào chủ nhật. Và thế là đúng sáng chủ nhật, gần sớm, xa muộn, lũ lượt kéo nhau về đủ mặt, chật nhà. Gà vịt trong chuồng, thích ăn gì liệu mà bắt. Ổi, táo, bưởi, xoài, mùa nào quả ấy, lũ cháu gái bưng hàng rổ vật sang sân nghĩa trang, ngồi dãi thẻ ở lối đi dưới tán hàng đại đỏ, mùa hè um xum lá, mùa đông khô khỏng, thùi lụi những cành, chấm muối ớt. Xong, như mọi lần, cứ việc sẵn đấy, chong chóng mà làm. Nhổ cỏ, tưới cây – mấy trăm ngôi mộ liệt sĩ , không nhảo lên thì trưa dật trưa dờ.
Sau bữa trưa, đến tiệc trà. Thường là chú Ba – lúc bấy giờ mới dóng dả: “Bác gọi chúng em về họp có việc gì?”. Bác trưởng gái từ sáng đến giờ xoay như cù quay trên nhà dưới bếp, nghe nhắc mới ngẩn người, ờ ờ nhớ lại nội dung cần nói. Lần thì: “Anh các chú bảo tôi “Bà thì biết gì. Nói nhiều sao không thấy mỏi mồm”. Không biết cái gì mà một tay xây nhà dựng cửa, nuôi ba đứa con công ăn việc làm, hầu hạ bố mẹ chồng mọi nhẽ, cấm ai chê được câu gì”. Lần thì “Bao nhiêu tiền con cháu mừng tuổi giấu bom bỏm. Vợ vay, bảo cất ở đâu quên, để tìm đã. Thế mà nghe quân lừa đảo, xui khôn xui dại moi hết ra, rước  đôi gà tre. Về hôm trước, hôm sau chết rù. Ngữ ấy mà thịt, chặt ra chắc được trong lòng cái đĩa tách?”.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến ở Hải Dương
Bác Cả trai ngồi giữa trường kỉ, hai ông em kẹp hai bên, tay cầm chén chè, thư thái nhấp, quay sang: “Chú Ba uống nước đi!”, quay lại: “Chú Út, nước chè hay nước vối?” chả quan tâm bác gái kể tội gì. Hai ông em gật gù: “ Bác Cả như thế là không được!”. Hai cô em dâu về phe anh chồng: “Bác ấy nói thế ăn thua gì. Em bác ấy, mắt lồi ra như hai cái chén tống, đe vả vợ rơi răng”. Hay: “Bác ấy nuôi gà còn được thịt. Đây này, nhà bằng cái dạng đái mà em bác rước về hai con chim, chẳng biết cái giống gì, kêu choen choét, lồng treo giữa cửa, đi không tránh khéo, cứt chim ỉa đầy đầu. Đi thì chớ, về đến nhà là lao vào cho chim ăn, chim tắm. Cháu Hĩm bác ốm, bày đặt đi mua thuốc hạ sốt, từ quá trưa đến mịt mắt mới về, lôi ra một rổ sề thuốc. Hỏi thuốc gì? “Thuốc sổ giun chim. Thuốc đau bụng chim”. “Thế thuốc con đâu?”. “Quên quên…Đi ngay đây!”. “Thôi ạ! Ông đi bây giờ chắc sáng mai về. Kiểu gì cũng rước thêm bịch thuốc nhuộm lông chim”.
Lũ cháu cả trai lẫn gái mài đít trên nền gạch hoa, châu mắt há mỏ lên nghe, cười sằng sặc. Mười cuộc họp gia đình  thì cả mười kết thúc bằng câu chốt hạ của cái Duyên- con gái lớn bác Cả: “Mẹ đừng cầu toàn. Người như bố con tuyệt chủng gần hết rồi!”. Rồi quay sang thằng chồng đang ngồi ôm con: “Anh nhỉ!”. Cả mười lần “Anh nhỉ!” Thì cả mười thằng chồng đều nhắc: “Ăn xong hãy nói! Hóc bây giờ!”. Phận làm rể, dại gì mà ừ với không ừ. Ừ cũng chết. Không ừ cũng chết. Chi bằng ngậm miệng ăn tiền.
Những chuyện trời trăng chả liên quan đến nội dung cuộc họp nở như gạo vàng. Lần gần nhất cũng xôm trò không kém. Bác Cả gái ngồi một ghế, đối diện lom lom chiếu tướng ba anh em bên kia: “Ông ngồi yên đấy!” Ngồi yên đấy nghĩa là vẫn ngồi kẹp giữa hai ông em – ba con voi còi chật trường kỉ, khó bề nhúc nhích. Bọn trẻ con lại châu mắt, há mỏ về một phía hóng hớt. “Tôi hỏi ông, ở nhà này, ông còn coi tôi ra cái gì không?”. “Bà nói thế nào. Lúc nào tôi chẳng coi bà ra cái gì”. Dâu thứ mỏng mày hay hạt, thính mũi ngửi ra mùi chiến sự: “Có chuyện gì hả bác?”. “Nào có chuyện gì thím”. “Ông đừng nói không có chuyện gì. Tôi hỏi ông, ông đã hỏi ý kiến tôi, hỏi các chú thím chưa mà tự tung tự tác nhận làm trưởng thôn vớt?”. “Vớt là vớt thế nào. Họ vận động tôi mãi”. “Ủ uôi… Bác Cả làm trưởng thôn cơ á?”. “Mày chẳng biết gì. Trưởng khu. Đội Một thôn mình giờ đổi thành khu Tám Thị Trấn”. Dâu Út reo to: “Bác trưởng oách thế! Công danh phát lúc cuối đời!” Bác gái bĩu môi đánh thượt: “Mả tổ táng hàm chó, gặp cơn gió cất vó về hàm rồng. Cả đời lông bông, về già còn bày đặt”. “Thế trưởng thôn cũ là ai hả bác?”. “ Lão Tí chứ ai. Khôn quắt lại. Mặt như miếng vỏ quýt khô. Đang làm, trốn việc, bày mưu mắt kém”.  “Thì thấy chú ấy viết đơn, bảo nhìn cái gì cũng không rõ, xà phòng Ômô đựng trong hộp, tưởng mì chính, tra mấy thìa vào nồi canh”. “ Điêu quẹn mỏ. Kém mà chơi Phây ầm ầm. Thấy đứa con gái nào đèm đẹp tí là xông vào nhai”. “ Nhai là gì hả bác?” “Tiếng nước ngoài. Là thích đấy. Thấy chúng nó bảo thế. Tao biết đâu”. “ Là like bác ạ. Không phải nhai”. “Ừ thì nai”. “Sao bác biết?”. “Thấy chúng nó bảo thế. Tao biết đâu. Tôi nói cho ông biết, lão Tí ăn không được, phải nhả ra. Ông lại vạt vào. Làm gì không làm, đi làm trưởng thôn. Suốt ngày lậng cậng khác gì thằng mõ xóm”. “Bác ơi oai mà!” .“Oai hơn cóc chết! Hết chậng này ông đem giả ngay cho tôi. Việc nhà bum xum, ngập lên đến mắt mà còn giở thói kéo rào ngược, trốn vệc nhà a dua làm quan…”.
***
Bác trưởng gái nói mười chỉ đúng bảy vì việc nhà dẫu có bum xum ngập đến mắt mà bác ra tay thì đâu cũng yên bề đấy. Mấy chục năm long thao hổ lược thay chồng- vốn là công nhân lái máy xúc của một tổng công ti xây dựng cấp nhà nước, nay xuôi mai ngược, trong nước ngoài biên, mỗi năm chỉ ở nhà chừng non tháng- bác Cả gái thành nữ tướng với biệt danh “Hổ đồng bằng”. Bác trai theo gương cả nhà, xuôi dần theo nếp: “Bác đặt đâu chúng em ngồi đấy”. Nghỉ hưu về hôm trước, hôm sau, lũ cháu con lít nhít liềm xảo, xô thùng lộc cộc đi trước, bác Cả trai lững thững vác cuốc theo sau, chẳng cần chọn ngày tốt giờ đẹp, theo lệnh bác gái, sang hướng dẫn, làm mẫu, dạy bác trai nội trong một ngày phải học thành thạo nghề gia truyền từ đời bà nội – Nghề quản trang. “Mấy chục năm lông bông, chả được tang dạng gì. Giờ tôi giao cho ông đóng đô ở đây. Ngày xưa mọi người làm thế nào ông cứ thế mà theo”.
“Ngày xưa” là tính từ trước hôm lũ cháu truyền nghề cho bác. “Mọi người” là tính từ bà nội đến cái lũ lau nhau, đứa bé kế đứa lớn. “Cứ thế mà làm” là sáng ra mở khóa, dạng chân chèo kéo hai cánh cổng sắt lừng lững, nghe tỉnh tai xem tiếng kêu suông hay rít để tra dầu cho kịp rồi ghé qua nhà quản trang, cuốc, liềm, thùng, xảo tùy ý, đảo quanh một vòng nghĩa trang. Gần năm trăm ngôi mộ liệt sĩ Thị Trấn nằm trong khuôn viên ngót hai ngàn mét vuông, quẩn quanh với cắt tỉa, tưới vun cũng đủ già chiều. “ Việc đè ngập đầu mà còn thân làm tội đời. Rồi không rước nợ tròng dây vào cổ tôi đi đầu xuống đất!”
***
Nhân bảo như thần bảo, bác gái vừa dọa hôm trước, hôm sau nợ không rước cũng tự mò sang. Cục nợ này nặng ngót bảy mươi kí, trừ mùa đông trời không chiều lòng người còn lại xuyên xuân, qua hạ, về thu chuyên áo chẽn, quần đùi,  khoe cặp giò to như hai thân chuối hột mọc cạnh bờ ao cả – con mụ Thị Tẹo – tên thường gọi là Tẹo Loa – không chồng, ba con, mỗi con một bố.
Bác Cả nhận chức trưởng khu tuần trước. Tuần sau, ngót chiều là mụ sang, vấm véo ngay từ đầu ngõ: “Bác trưởng khu có nhà không đới?”. “Có việc gì thế cô?”. “Em nhờ bác một mảy. Nhà tuyền đàn bà con gái, chân yếu tay mềm”. “Vâng, cô cứ nói!”
Rồi bác Cả đi, tối chẫm mới về. Hôm sau, mới nghe mụ Tẹo ráo toa đầu ngõ, bác gái đã lộn máu lên đầu: “Ông sang nhà nó làm gì mà sang lắm thế?”. “Thì cô ấy nhờ”. “Nhờ gì?”. “Nhờ xem hộ cái loa đầu hồi nhà cô ấy sao không nói. Không nghe được thông tin”. “Ối giời ơi! Trên cổ ông là cái đầu hay cái củ chuối mọc rễ? Binh tình cái loa như thế nào ông không biết hay giả ngẫn?”.
Bác Cả không giả ngẫn. Vốn lơ ngơ như bò tơ đội nón làm sao bác biết nội tình thâm cung bí sử của hệ thống loa truyền thanh Thị Trấn nhà. Chuyện khí dài dòng nhưng đầu đuôi xuôi ngược gọn lại như này. Cuối năm ngoái, ấm ớ vớ huy chương, đài truyền thanh Thị Trấn được nhận bằng khen của Tỉnh về công tác xã hội hóa truyền thông. Đại diện lên nhận phần thưởng trong tiếng vỗ tay rào rào, dưới dàn đèn sáng lòe cả mắt, lại được lên ti vi trực tiếp, ông chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị Trấn “Vô cùng vinh dự và tự hào”. Ôm chặt tấm bằng khen trước ngực để thằng cháu thợ ảnh đi theo phục từ chiều chụp lấy chục kiểu kỉ niệm gọi là, ông nhủ thầm bằng mọi cách phải đầu tư, cải tạo lại hệ thống truyền thanh đã tã như lá chuối gặp bão bởi sự kế thừa không phát triển cơ sở vật chất từ thế kỉ trước để xứng với danh hiệu vừa được trao. Nghĩ đi đôi với làm, ngay lập tức, hàng cột dây dẫn bằng gỗ phi lao được thay bằng cột bê tông cốt thép, Mỗi đường thôn đặt một đôi loa Tàu miệng bằng cái bát ba, toe mỏ vào nhau nói toang toác đủ ba cữ sáng, trưa, chiều, mỗi cữ hai tiếng, chạy đúng một chương trình mặc định: Tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Thi thoảng cũng tự phát chương trình riêng dăm, mười phút. Lúc ấy, chỉ nghe nhạc hiệu cũng thừa biết nội dung. “Công đức sinh thành. Người ơi đừng quên…” sẽ đọc tin cáo phó. “Ngày mai anh lên đường…” là  lệnh tuyển quân.  Sau “Em sẽ là mùa xuân của mẹ…” là thông báo của một trong ba trường học. “Từ ngày anh đi đường cày đâu thẳng ngay” là thông báo của hợp tác xã nông nghiệp…
Sau ngày trùng tu tôn tạo công trình truyền thanh có thâm niên của một di tích lịch sử, cả hệ thống dẫu chằng chịt như mạng nhện vẫn vận hành êm ru. Trừ cái loa đầu hồi nhà mụ Tẹo.
Vốn dĩ vị trí cái loa ấy không phải đặt ở đấy nhưng khi đồng chí trưởng ban truyền thanh Thị Trấn đi thực địa, chỉ đạo dựng cột bắc loa, đã thấy mụ đứng đầu cổng vồn vã: “Bác trưởng ban bận hỉ? Mời bác vào nhà em xơi chén nước chè. Chè Thái chính tông hôm qua con bạn em mới đi ngược về”. Hôm ấy cuối năm nhưng ấm trời, bác trưởng ban mặc áo cộc tay còn mụ diện quần cộc chân, áo sát nách. Sáng vội chưa kịp ăn, nhìn cái khối ngồn ngộn ấy, trưởng ban hoa mắt, tụt huyết áp, lảo đảo, phải dựa vội vào bờ rào râm bụt.  “Bác oai thật đấy! Dưới một người, trên muôn người. Hô một tiếng quân nghe răm rắp”. Nghe mụ nói, dẫu biết thừa là không phải nhưng trưởng ban vẫn sướng tỉnh cả người. “Bác cho em hỏi khí không phải: cái loa này bắc chỗ nào đấy ạ?”. “Chỗ sân kho, giữa xóm.”. “ Em là em xin có ý kiến thế này. Nếu không phải bác bỏ quá cho. Cái loa bắc tận sân kho, chúng em muốn nghe cũng khó. Mà chính sách của Đảng, của nhà nước thì phải cập nhật hàng ngày. Chi bằng bác cho quân bắc ngay đầu hồi nhà em. Ngày ngày, em và các cháu nghe cho thấm. Bác là người quyền cao chức trọng lại quan tâm đến dân đen thì em mới dám nói”. “Ấy chết! Tôi cũng bình thường thôi mà. Cô muốn thế nào cứ bảo. Cả Thị Trấn này chả mấy người quan tâm đến đường lối, chính sách được như cô. Quý hóa quá!”. “Em cũng bình thường thôi mà. Sao quý hóa bằng bác”. Chỉ vài câu đưa đẩy, hai bên đã quý hóa nhau ra mặt, còn cho nhau cả số điện thoại “Phòng khi loa máy có trục trặc em gọi bác”.
Mụ Tẹo trông thế mà rõ ra giống độc mồm. Cả hệ thống loa vận hành trơn như cháo chảy, chỉ có mỗi cái loa đầu hồi nhà mụ là có vấn đề. Mấy hôm đầu nói choang choác, mấy hôm sau không cảm cúm, không khật khừ lăn ngay cổ ra chết ngóp khiến đồng chí trưởng ban phải đích thân đến kiểm tra. Ra vào như cơm bữa. Được một thời gian, nghe chừng chữa nhiều cũng mệt, nhất là sau khi đồng chí bị vợ không chửi, không đánh chỉ lừ lừ hất ra đường với một cái bọc cuộn cái chiếu gập đôi, buộc thêm vào quai của cái nồi gang đen kịt và hai bộ quần áo. “Ngày xưa lấy tôi có gì, giờ mang đi như thế. Cả ngày chỉ biết ăn rồi nhởi. Lượn cho khuất. Cấm cửa hồi đầu về!”. Báo hại đồng chí phải thay sim, đổi số, mỗi lần thấy bóng mụ Tẹo là mặt xám như gà toi, tránh như tránh tà, lủi nhanh hơn cuốc chui bờ dậu.
Hết gọi trưởng ban, mụ Tẹo quay sang gọi trưởng khu. Nhưng lão Tí quắt như con cá cơm khô, chân như hai ống sậy héo, hai túi hậu sau đít lúc nào cũng nhét hai cái ví căng phồng giấy báo mà vẫn chẳng có mông, nào chịu được mấy nả, chạy mất dép sau dăm buổi chữa loa.
Bây giờ lại đến đận bác trưởng.
“Tôi biết đâu đấy. Thấy cô ấy gọi thì đi xem sao”. “Thế ông chữa được chưa?” .“Chưa. Tìm mãi không biết hỏng chỗ nào”. “Ông đi theo tôi. Tôi chỉ cho!” Bác gái bình bịch đi trước. Bác trai và Ba Bưởng – thằng cháu họ thánh hóng – lật đật theo sau.
Chiều nhập nhoạng nghiêng sang tối, mụ Tẹo ngồi dạng háng trước hiên, chúi mũi vào cái điện thoại Samsung màn hình rộng lướt Facebook, like dạo, nghe động, ngẩng lên: “ Ấy chết! Hai bác sang em lúc này có chuyện gì. Quý hóa quá!”. “Thấy nhà tôi bảo loa cô hỏng không rõ nguyên nhân”. “Vâng bác ạ. Em cũng thấy phiền! Hai bác và chú vào em uống chén chè đã. Ché Thái chính hiệu…”. “ Bạn cô trên ngược mới gửi về chứ gì. Cô cứ pha, chờ bác cháu tôi chữa xong vào uống là vừa. Thằng Ba đâu?”. “Có con thưa bà trẻ!”. “Mày ra đầu hồi, chỗ chuồng chim bồ câu, trèo lên trạc ba cây ổi, có cái mo cau quấn tròn, giở ra, nối hai đầu dây loa bị cắt vào nhau. Nhớ quấn băng dính cho chặt kẻo tuột. Chụp cho tao vài kiểu ảnh để sau này có hỏng, ai chữa thì lấy làm mẫu!”. “Ối giời ơi! Em phục bác! Thế mà chúng em tìm mãi không ra. Bác giỏi thế!” .“Ăn thua gì! Tôi còn giỏi nữa. Tôi kể cô nghe. Chín giờ tối ngày mồng 3 tháng 10 năm 2015, sau ba ngày chôn cột mắc loa, cô mặc quần đùi đỏ, áo hai dây vàng, đi dép Lào xanh, bắc ghế trèo lên, lấy kéo cắt dây loa rồi dùng mo cau giấu mối. Lúc trèo xuống còn trượt trạc ổi suýt ngã. Ông Tài truyền thanh vào chữa mười ba lần, có lần mười hai giờ đêm mới về. Chú Tí quắt vào chữa năm lần. Đúng không?”. “Ối giời ơi! Em lạy bác. Nhà bác thờ ma xó à?”. “Không thờ ma xó nhưng cái gì cũng biết nhá. Lần này chữa xong, có hỏng cô cứ gọi tôi!”. “Em lạy bác cả nón! Không phải là ma xó thì cũng là âm binh đi theo phò trợ. Chúng em người trần mắt hột không thấy núi Thái Sơn, bác kêu âm binh xá tội cho em, em yếu bóng vía, các ngài cứ theo dõi em thế này, em gầy mòn ốm o mà chết. Em lạy bác! Bác thương em!”. Mụ Tẹo Loa túm chặt lấy bác gái, lải nhải, sụt sùi, đổ diệt cho bác gái có âm binh phò trợ. Ngay cả Ba Bưởng, trùm hóng, mười ngày như một chục tập kết ở quán nước chè lão Khương Chột đối diện với nhà Tẹo loa cũng không hiểu sao bà trẻ lại thần tình đến vậy. Mà cái tích bà trẻ Hoài đi đâu có âm binh theo đến đấy cũng từ mồm nó mà toe ra sau vụ vợ Chí đen, mặt xanh như đít nhái chết, ghé qua quán lão Khương mua ve rượu chắt cho chồng: “Lão nhà em mấy đêm nay mê sảng, nói liên thiên làm mẹ con em sợ rúm vó. Thằng cu khóc ầm lên bảo bố bị điên”. “Sao không cho chú ấy đi khám bệnh. Nhỡ ốm”. “Ốm gì. Ban ngày khỏe như trâu. Đánh bốn bát ba cơm với hai cút rượu. Đêm mới giở trò. Kêu toàn các ông bộ đội ở đâu về, dựng giường, bắt ngồi, không cho ngủ”. “Chết nỗi! Hỏi chú ấy xem có phạm chệ gì”. “ Em cũng ngờ thế. Lúc đầu còn giấu. Vửa rồi mới thú thật hôm nọ đi qua nghĩa trang, thấy bác Hoài đang dọn, chõ mồm vào nói nhõn có một câu: “Nhà bác chịu khó nhẩy. Mỗi năm ăn của Thị trấn vài chục triệu có khác. Tận tụy thế!”.
Ba Bưởng quăng chén chè đang uống dở, phun phì phì: “Ngu rồi! Chồng mụ ngu rồi! Cụ tôi nhận trông nom nghĩa trang là tự nguyện, là trông không công, hiểu chửa? Lão chồng mụ ngáp ngọng thế ngu rồi! Đã bảo là nhà cụ tôi già trẻ nhớn bé đi đâu là âm binh đi theo đến đấy. Các ngài ấy còn vật cho chết nhe nanh chứ dựng giường không cho ngủ thôi à”.
Vợ Chí đen quăng be rượu, vồ lấy chân Ba Bưởng: “Ối giời ơi! Giời còn thương run rủi cho em gặp bác. Bác rón tay làm phúc bẩu nhà em phải làm sao bây giờ?”. “ Vào bảo bà trẻ tôi kêu với các ngài cho. Qua được thì bảo lão chồng mụ từ giờ đậy cái nắp mồm lại. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì!”
Chuyện Chí đen và Tẹo Loa nhoằng một cái đã theo cái mồm Ba Bưởng loe đi khắp xóm. “Bà trẻ tao thánh vãi!” – Mỗi lần kể xong Ba Bưởng  cũng chốt lại một câu như thế.
***
Loa chữa xong, chuyện mụ Tẹo ắng dần.
Một buổi sáng, vừa bảnh mắt, bác Cả gái đã hỏi xóc bác trai một câu, nghe lòi tai cũng không thấy tính xây dựng: “Ông làm trưởng thôn hay làm bù nhìn canh dưa?”. “Nhà mình làm gì có dưa mà làm bù nhìn”. “ Làm trưởng thôn thì nhát ông quá bộ lên ngõ nhà lão Tí, nhìn cái lối thông ra trường Tiểu học hộ tôi cái!”. “Nhìn cái gì?”. “Cứ ra đấy ắt có cái nhìn!”
Thổng buổi, xong việc, bác trai thong thả rẽ sang ngõ nhà Tí. Lão này từ khi thôi làm trưởng thôn, mắt lại sáng ra, nhàn rỗi tợn, ngồi bắc ghế chõ mồm sang bên kia đường buôn với mụ Hoa tạp hóa. Phải chõ mồm là vì đôi thánh buôn bị ngăn cách bởi con đường ngập nước. Trưa hè, con đường sông lấp lóa, mùi cống xông lên nhức óc. Đúng tầm trẻ con đổ về, xắn quần, xách váy lên đến bẹn, lội oàm oạp, trai nào gái nấy nước cống bắn lên tận đầu. Vốn thống minh, bác Cả hiểu ngay vấn đề: “Ý bà bảo tôi xem cái đường ngập ấy chứ gì. Cái ngõ ấy ngập lâu rồi. Không mưa cũng lụt. Tôi thì làm được gì”. “Muốn làm được gì, chiều ông đi gọi thằng Ba Bưởng và thằng Chí đen vào đây!”
Chí đen sau vụ âm binh coi bác Cả gái như thánh sống, thân với Ba Bưởng ra mặt. Nhót một cái lại sai con: “Bố cháu mời bác sang uống chè!”. “Uống gì thì uống tao không uống chè”. “Vâng để cháu bảo”. Lại nhót một cái đã về đến cổng gào từ đầu ngõ: “Bố ơi! Bác Ba bảo bác ấy chưa ăn gì!”.
Chưa sẫm mặt người đã thấy bóng: “Bà trẻ cho gọi chúng con?” “Gọi hai anh để bàn về cái đường ngõ Đồng Tiến. Để thế không được” .“Nhưng bà bảo chúng con phải làm sao?” .“Ngày mai hai anh cho người quay cho tôi toàn bộ cảnh trẻ con đi học và về học. Nhớ cho thật nét vào”.
Hôm sau, đích thân chủ ảnh viện áo cưới Thủy Đạt nổi danh Thị Trấn chỉ đạo hai máy án ngữ, quay cả chiều đi và chiều về hai đầu con đường nước thải: “Phải như thế mới chuẩn bác ạ!”. “Chuyên môn anh hơn người, anh làm thế nào cho chuyên nghiệp thì làm. Hết bao tiền tôi giả”. “Tiền nong gì. Làm xong vụ này bác cho con xin một bản gửi về “Góc nhìn khán giả” đài truyền hình Trung ương. Nổi tiếng thích hơn. Hôm nào tivi phát con bảo cả làng mở ra xem”.
Sáng mùa hè quang trời, nhà Thành mở màn cho Video clip ấy bằng một cú ngã trời giáng vì gạch xếp làm lối đi lẫn trong nước đen, thánh mới nhìn ra. Tung hê cả măng, miến, mộc nhĩ cho nổi lềnh bềnh trên đường, mụ để nguyên cả quần áo bốc mùi, chống càng giữa lối đi chửi bọn Thị Trấn ăn trên ngồi chốc, bao nhiêu chia nhau hốc hết để dân khổ thế này và khóa máy bằng cảnh trẻ con đi học về, thằng cháu đích tôn của Chủ tịch Thị Trấn bị bạn giật tung cặp, sách vở, hộp bút trôi như thuyền trên mặt đường. “Ngày mai, ông đi với hai đứa lên gặp Chủ tịch, mở cho lão ấy xem. Bảo lão tính thế nào thì tính. Đất Đồng Mơ bán, bảo để xây đường mà năm năm nay Thị trấn chưa có công trình nào. Bảo lão phải cho phương án ngay, chúng tôi không cần Thị Trấn làm hết, các ông đứng ra tổ chức, chúng tôi cùng làm, nếu không sẽ gửi lên đài Tỉnh, đài Trung ương, đừng bảo không nói trước. Tính lão này sĩ diện, vừa được nhận bằng khen năm ngoái lại sắp bầu cử không dám ì ra đâu. Việc này chỉ già non hai tháng là xong”.
Bác Cả gái tính toán như thần. Chưa đầy hai tháng, con đường đổ bê tông Thị Trấn và nhân dân cùng làm đã hoàn thành, nuột như vẽ. Lão Tí góp mặt bằng hai băng ghế đá để bên rệ đường, dưới bóng bằng lăng, bảo để phụ huynh đón con ngồi nghỉ nhưng kì thực để lão ngày hai buổi sáng, chiều, ôm điện thoại, câu chực Wifi trường Tiểu học lướt Facebook.
***
Chiều muộn thứ bảy, mùa hạ nhưng eo eo gió, đang ngồi chụm đầu rau với Ba Bưởng và Chí đen cạnh bàn cờ tướng và giành tích nước vối ủ gừng, bác trai chợt nhớ : “Mai bà gọi chúng nó về làm gì? Lại họp gia đình à? Tôi có làm sao đâu?”. “ Họp hành gì. Mai tôi khao. Mời cả hai cháu đến cho vui nhá! Cữ này phải ăn to”. “Khao gì thế bà trẻ?”. “Khao ông ấy được lên huyện báo cáo điển hình tiên tiến”. “Bà định bêu tôi à? Toàn bà chỉ đạo, tôi biết cái gì. Tôi còn lo lên báo cáo biết gì mà nói”. “Cứ làm thế nào nói thế, ông làm trưởng thôn, ông là điển hình tiên tiến, không phải tôi. Tối nay ông viết sẵn ra, mai đọc cho cả nhà duyệt. Hôm ấy hai đứa đi với ông cho đỡ run. Nhớ chụp vài kiểu ảnh!”. “Bà trẻ khỏi lo. Cứ giao cho chúng con! Ông nhà mình oách nhá!”. “Lại chả oách! Lão Tí làm bao nhiêu năm có được như thế không?”. “Sao bà bảo hết đận này tôi đem giả quách?”. “Chưa giả vội. Có tí chức phải làm được gì cho dân đã. Đợt tới, có bầu, ông cứ nhận cho tôi. Phải có kế hoạch sửa cái sân kho hợp tác cũ, lấy chỗ cho trẻ nó chơi”.
Có tiếng loa ông ổng, tiếng xe máy phành phạch, loa đến đâu, tiếng xe theo đến đấy, rồi Minh điên phóng xe máy kẹp ắc quy gắn loa ào qua ngõ.  “Nhà Minh từ ngày xây trả giếng mắt rồng của xóm đỡ điên hẳn. Giờ đâm ăn chơi, đi đâu mang loa hát theo đến đấy. Xóm ấy dạo này nghe chừng yên”. “Yên gì? Nhà Hưng có cái tổ tò vò. Tối nào chả tụ tập hai chiếu xóc đĩa. Không ngăn thì loạn”. “Bà trẻ thánh vãi. Cái gì cũng biết”. “Nhưng bà tính thế nào?”. “Thằng Hưng trùm sò. Đánh được thằng này là nhổ luôn cả cụm. Tính thằng này mềm xuôi, rắn bật. Ngày mai ông gọi nó sang nghĩa trang, lấy cớ mộ ông cụ nhà nó có chỗ mối đùn. Tôi ắt có cách”.
Bác Cả gái chống gối đứng dậy: “ Ông xem dãy đại đỏ bên nghĩa trang đã bật nõn hoa chưa. Tầm này tháng sau là đại giỗ, bật nõn bây giờ mới nở đúng kì”. “ Kể cũng lạ. Hoa đại các nơi cứ đầu hè là nở, chỉ có ở nghĩa trang Thị Trấn mình cuối hè mới bung hoa”. “ Thế mới nói. Đầu xuân này ông cháu chúng mày giâm thêm hai hốc nữa ở cổng vào. Vật đất mới lên cho tốt. Dọn lại nhà quản trang, từ mai ông sang đấy ngủ. Tháng này trở ra, hàng đêm, các bác các chú về nhiều, phải có người ở đấy cho ấm cúng”.
Hoàng hôn nhoang nhoảng buông nhưng chân trời vẫn hắt ngược lên những vầng sáng đỏ, bên ruộng cúc vàng đang nhú bông chờ đại lễ, đài liệt sĩ trầm mặc nổi bật trên nền trời, trên nền cây lá xanh sẫm bóng mênh mang…
NGUYỄN HẢI YẾN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...