Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Bên lở - Truyện ngắn Ngô Thị Thu Vân

Bên lở - Truyện ngắn
Ngô Thị Thu Vân

Tôi về Vàm Luông vào những ngày trắng trời mưa bão, phong phanh xống áo, co ro giữa chiều quạnh vắng, chầm chậm đi dọc bờ sông. Chỗ bãi đất bồi ngó ra sông Cái giờ đã sạt lở nham nhở như vết ngoạm của một con cá sấu khổng lồ. Dưới sông, nước khi nãy mới vừa nhửng lớn giờ đã lé đé mép bờ. Gió càng lúc càng dày. Màn mưa mỏng cứ từng hồi giãy giụa.
Vàm Luông cái thuở quanh năm chỉ nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng nước vỗ ì ạch, tiếng gió rượt nhau chạy qua những quãng đồng mông quạnh thì thứ âm thanh làm cho người ta buồn bã nhất chính là tiếng mưa rả rích trong những ngày mưa bão dầm dề.
Nhà văn Ngô Thị Thu Vân
Ngoài đường thì vắng vẻ, chợ búa vắng tanh. Trong những ngôi nhà trống trước trống sau, phên nứa dập vào nhau xành xạch, những người đàn ông nằm gác tay lên trán, cọt kẹt đưa võng, nhìn đôi trâu già nua thong thả nhai mấy cọng rơm khô, nghĩ đến cảnh nhà đứt bữa mùa giáp hạt, thở dài. Những người đàn bà lôi mấy thứ quần áo rách bươm ra vá chằng vá đụp để tận dụng mặc làm đồng. Mấy đứa trẻ quanh quẩn trong nhà đến phát chán mà bão vẫn chưa qua.
Chừng bão tan, Vàm Luông lại mang một nỗi buồn khác, nhà nhà kéo nhau xuống ghe đi Kinh cắt lúa, còn lại chỉ toàn ông già bà cả với con nít còn ẵm ngữa, nên cái cù lao vốn đìu hiu càng thêm ảm đạm.
Dứt mùa lúa trên Kinh thường là giáp Tết. Vừa ráo những giọt mồ hôi trên cánh đồng chang chang nắng là người ta lại quên luôn những ngày ăn bụi ngủ bờ, lại lui cui đón Tết, lại tự hào ru con bằng câu hát “Sông Vàm Luông bên bồi bên lở/Gái Vàm Luông đẹp tợ tiên sa”. Tôi mang máng nhớ hồi bé khi ru tôi ngủ, chị cũng thường hay hát câu này. Có điều, ngày đó tôi không biết chị là con gái Vàm Luông.
 
Mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng, chị được cha “gởi” lại cho ngoại. Bà ngoại quấn chị vào cái khăn choàng tắm bỏ xuống chiếc ghe tam bản thả trôi theo dòng nước. Chị lớn lên trên chiếc ghe hàng ấy. Chiếc ghe hàng với những mặt hàng thuộc dạng nhu yếu phẩm như dầu lửa nước mắm, mì gói tương chao còn khách hàng toàn là dân đi cắt lúa mướn nên tiền lời kiếm được đủ nuôi hai bà cháu qua ngày là may phước lắm rồi.
Năm chị mười chín tuổi thì bà ngoại mất sau một cơn bạo bệnh. Khi đó, bắt đầu thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp. Lúa được thu hoạch bằng máy gặt, máy tuốt. Dân Vàm Luông thôi không đi cắt lúa nữa. Chú Tư thợ rèn sống nhờ nghề rèn lưỡi hái giờ cũng thất thu. Cả ngàn con người lớn bé bám vào cái cù lao bé xíu. Nghèo càng nghèo. Có điều, con gái Vàm Luông đẹp cứ đẹp, tưởng chừng như nghèo với đẹp không “ăn nhậu” gì với nhau. Nhưng thật ra là có đó. Đầu tiên là từ trong suy nghĩ của chị: Dùng “sắc đẹp” để kiếm tiền. Nghĩ sao làm vậy, chị kéo ghe hàng lên bờ, mở một quán nước nhỏ. Quán ngày một đông. Khách hàng của chị mới đầu chủ yếu là cánh thanh niên trai tráng ở địa phương. Sau mấy tháng, bến sông trước cửa nhà chị tấp nập xuồng ghe từ nơi khác tới. Quán nhỏ chỉ lèo tèo mấy chai nước ngọt, mấy bao thuốc lá cùng mấy bàn cờ tướng (mấy bàn cờ tướng cũng chỉ là cái cớ). Không phải chân lấm tay bùn, dầm mưa dãi nắng, chị đẹp, ngày càng đẹp theo cái cách của một tiểu thư đài cát. Cái thời người ta còn mặc áo bà ba cổ tròn, thân rộng, đinh thấp thì chị đã biết tự thiết kế cho mình những chiếc áo khoét cổ tim trễ, chít ben bó sát eo, xẻ đinh bằng ngang chân ngực. Khách hàng đến đây chủ yếu là vì cô chủ quán. Rõ là vậy.
Chị đi đứng khoan thai, tay chân sạch sẽ, nói cười nhỏ nhẹ dịu dàng, con mắt lúng liếng đưa ngang đưa dọc… Những thứ đó với mấy vị “phụ huynh” chính là “bùa mê thuốc lú”. Người ta gọi chị là con lũ quét, quét sạch đến những đồng tiền làm mướn chắt bóp của chồng con họ. Người ta gọi chị là cơn gió độc, thổi tung cuộc sống vốn yên ả của cái cù lao này. Ngày nào, trước cửa quán của chị cũng diễn ra cảnh mẹ tìm con, vợ kiếm chồng, tru tréo chửi rủa. Họ chửi chồng con họ y như là họ nguyền rủa chị.
Trong khi những tay thanh niên tóc tai chải chuốt, áo quần bảnh bao ra sức tán tỉnh chị thì có một người đàn ông trung niên cứ chiều chiều lặng lẽ  nơi góc quán, một mình với bàn cờ tướng, mặc những lời bóng gió xa xôi. Mặc những đôi mắt “mang hình viên đạn” của đám choai choai.
“Phụ huynh” làm dữ quá, quán bắt đầu vắng khách. Chỉ có ông vẫn đều đều mỗi ngày lặng lẽ ngồi ở một góc quán, chăm chú như thôi miên mấy con cờ trên bàn cờ tướng. Chị ngồi ngó mong ra cửa. Trước mặt chị là chỗ giáp nước. Chị đưa mắt nhìn những xoáy nước ngụp lặn thấy chới với. Chị nghĩ đến đàn thú đi lạc. Một con thú gầy rộc vì đói, thất thiểu giữa một đàn đang tựa nhau đi trong vùng hoang mạc mênh mông không thấy chân trời. Sự mê muội và bản năng loài cầm thú… khiến nó nghĩ cách “ăn thịt” đồng loại để tồn tại, để chiến thắng nỗi sợ hãi và niềm tuyệt vọng, để thỏa mãn khát khao được sống và ước mơ về một vầng hào quang lộng lẫy phía trước. Nhưng sau khi làm cho cả đàn điêu đứng thì nó cũng không giải thoát được mình. Chỉ có sự bế tắc và cô độc cùng cái nhìn e dè rẻ rúng của đồng loại. Chị thấy chị giống như con thú ấy. Suy nghĩ đó làm chị thấy sợ hãi.
Nỗi sợ hãi mơ hồ lập tức thành hiện thực. Bước vào quán là hai người thanh niên và một người đàn bà, không biết ai giằng chị xuống, kéo banh hai chân chị ra. Không biết ai đã đổ nguyên một ấm nước đang sôi ùng ục trên bếp – chị để sẵn, pha cà phê cho khách – vào giữa hai chân chị. Ở một góc quán, người đàn ông trung niên hốt hoảng gỡ đôi mắt ra khỏi những con cờ. Ông khủng khiếp ngã quỵ xuống van lơn: “Bà ơi! bà hiểu lầm rồi”.
Người đàn bà và hai người thanh niên vút ra cửa nhanh như lúc họ đột ngột xông vào. Quán vắng. Xóm vắng. Tiếng gào thét của chị lạc vào không gian chơi vơi.
Họ về sống với nhau trong cái quán nhỏ đìu hiu giờ trở thành tiệm tạp hóa. Ông chăm lo cho chị với trách nhiệm của một người đã gián tiếp gây ra hậu quả. Chị chấp nhận ông vì cảm động tấm lòng tử tế, vì sự hàm ơn và cả vì không còn con đường nào khác cho phận đời côi cút của chị. Dù vậy, đó là những ngày thật sự hạnh phúc nhất mà chị có được. Người nông dân miền sông nước Nam bộ vốn nhân hậu khoan dung. Họ đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Cho nên quán nhỏ vẫn luôn nhộn nhịp khách.
Phải đến hai năm sau, chị mới quen dần với phần thân thể biến dạng của mình. Cái đêm đầu tiên khi ông âu yếm mân mê những vết sẹo bỏng gồ ghề như những cái rễ cây bò lỏm ngỏm hai bên bẹn chị thì chị thật sự tin vào   cuộc sống với những điều kỳ diệu của nó. Nước mắt chị ướt đầm khuôn mặt ông tiều tụy. Sáng sớm hôm sau, ông tranh thủ đi chuyến đò nhứt lên chợ tỉnh bổ hàng để kịp chuyến về trong ngày. Chị còn say sưa ngủ. Áo trễ ngực. Gương mặt không giấu được một chút mệt mỏi nhưng vẫn tràn trề hạnh phúc.
Đang vào mùa bão, bầu trời như một chiếc màn sương khổng lồ trùm kín không gian. Gió liu riu mang theo hơi nước lạnh lẽo. Đã nghe tiếng còi báo hiệu đò sắp sửa cặp bến. Ông quấn vội chiếc khăn len kín cổ rảo bước. Ra vàm, đò quay mũi xuôi theo hướng gió, chuẩn bị qua sông Cái thì trời đổ mưa. Mới đầu là lắt rắt, sau lớn dần. Gió mỗi lúc mỗi mạnh. Sóng càng lúc càng cao. Mũi đò gối sóng chồm lên hụp xuống từng cơn. Mọi người bắt đầu hoang mang chộn rộn. Không ai dám nói ra cái điều khủng khiếp mà họ đang nghĩ tới.
Chị giật mình tỉnh giấc bởi tiếng ồn ào, nhốn nháo, la khóc. Chưa kịp xuống giường, đã nghe tiếng đập cửa ầm ầm, chị lao ra. Vốn là lính đặc công thủy, từng lăn lộn trên chiến trường sông nước nhưng sau khi đưa vào bờ được gần chục người, thì ông hoàn toàn kiệt sức. Lần sau cùng ông cố lao ra đã không thấy trở vào. Bắt chước mấy người có thân nhân trôi trong chuyến đò chìm đó, chị đắp cho ông ngôi mộ gió chỗ bãi đất bồi ngó ra sông Cái.
Không biết tự khi nào mưa đã tạnh, bầu trời trong trẻo bất ngờ. Có vẻ như báo hiệu sắp qua đợt bão. Nước sông bắt đầu ròng. Tôi thấy mình giống một người đang trôi trong mộng du, đi tìm kiếm một điều gì đó trong vô thức. Tự nhiên tôi nhớ chị quá. Tôi và chị là hai cuộc đời được định mệnh sắp đặt phải gắn chặt vào nhau nhưng lại luôn tìm cách chối bỏ nhau.
Đầu tiên là chị chối bỏ tôi. Chị kể với tôi, tôi là đứa trẻ được chị lượm về nuôi nhưng vì năm đó chị còn trẻ quá nên ngại cho tôi gọi bằng má. Tôi ơn chị và tự hứa sẽ báo đáp. Tôi không giống chị. Tôi không phải là con gái Vàm Luông. Nhưng mọi người ai cũng khen tôi đẹp. Tôi học lớp mười đã có con trai tán tỉnh. Tôi thích một bạn trong lớp định về kể chuyện cho chị nghe. Vừa bước chân qua cửa tôi ngạc nhiên nghe có tiếng gắt gỏng của chú Cần – người đàn ông thường hay qua lại bàn chuyện làm ăn với chị.
– Có cái mỏ kim cương trong nhà mà không biết khai thác, cô tính để hưởng một mình hả?
Tiếng chị van lơn:
– Em lạy anh. Anh cần bao nhiêu hàng em cũng đã kiếm đủ cho anh rồi. Riêng con bé em xin anh đừng…
– Cô làm gì ghê vậy. Chỉ là con bé nhặt được ngoài đường thôi mà. Được nuôi nấng cho ăn học tử tế là phần phước nó lớn lắm rồi, phải bắt nó trả ơn chứ.
Chị hòa hoãn:
– Nhưng nó còn nhỏ quá.
– Chần chừ để nó đem cho không thằng nhãi ranh nào thì cụt vốn.
– Con bé rất ngoan. Em bảo đảm với anh không có chuyện đó đâu.
– Cô vô ơn lắm. Ngày mới trôi dạt lên đây, cô ôm nó đỏ hỏn trên tay,  không việc làm, không chỗ ở, đến đi bán trôn ăn mà người ta còn chết khiếp không ai dám. Không có tôi dẫn dắt làm ăn thì cô với nó có sống được hay không?
– Nhưng em cũng vì anh mà làm bao nhiêu điều có lỗi với bà con dưới quê em. Bao nhiêu con gái đẹp Vàm Luông đã khốn khổ khốn nạn, anh còn muốn gì nữa.
– Lấy được chồng Đài Loan, Hàn Quốc đem tiền về quê cất nhà tường nhà đúc cho cha mẹ mà gọi là khốn khổ khốn nạn hả.
Cuộc giằng co càng quyết liệt. Giọng chú Cần càng hung dữ. Chỉ nghe thấy tiếng chị van lơn. Tôi không còn đủ tỉnh táo để nghe tiếp câu   chuyện của họ. Khiếp sợ, ê chề, thất vọng, tôi ngã quỵ xuống khi chị bất chợt rống lên, giọng thảm thiết:
– Nó là con em mà.
Tôi tỉnh lại trong bệnh viện. Chị ôm tôi vào lòng nước mắt dầm dề gọi con ơi.
Đến lượt tôi chối bỏ chị. Tôi không chịu nổi khi nghĩ rằng mình lớn lên nhờ những đồng tiền kiếm được từ cái nghề “buôn người” của chị. Tôi dập tắt mọi cơ hội giãi bày của chị. Tôi không thèm hỏi tại sao chị không nhìn tôi, không cho tôi kêu chị là mẹ. Tôi cứ để thắc mắc ấy lớn lên mỗi ngày theo nỗi uất hận do tự tôi suy diễn ra. Tôi lặng lẽ đi về như không hề biết đến sự có mặt của chị bên cạnh. Chị chấp nhận tất cả để đổi lấy một thỉnh cầu: tôi đừng bỏ đi. Nhưng có một việc tôi có cố cũng không thể giấu được mình, ấy là tự thâm tâm, tôi vẫn rất thương chị. Nhiều năm sau, cho đến khi chị qua đời, tôi vẫn không nói cho chị biết là do tôi quen miệng gọi chị là chị chứ thật sự tôi đã xem chị là mẹ của tôi rồi. Bây giờ, nếu còn điều gì với chị làm tôi ân hận thì chính là việc này.
Tôi trở về đây theo ý nguyện sau cùng của chị như một người hành hương tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, để biết nguồn cội, để xua tan nỗi ám ảnh suốt một thời là đứa trôi sông lạc chợ. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi có lẽ không đủ khiến cho tôi quyết định tìm về. Mà còn vì… tôi muốn tự mình được tận mắt nhìn thấy, được tận tay đốt ba nén hương trầm quỳ bên ngôi mộ gió của cha tôi, để cảm nhận hết sự thiêng liêng của tình phụ tử. Tôi muốn một lần được nhìn thấy dòng sông nơi xương thịt của cha tôi đã hòa vào phù sa đắp bồi bờ bãi.  
Tôi cứ đi dọc bờ sông, tới lui không biết đã bao lần vẫn không tìm thấy những ngôi mộ gió theo lời kể của chị. Trời chạng vạng. Con nước ròng chảy xiết. Mặt sông ngày càng thu hẹp. Lòng sông sâu hun hút. Bắt đầu thấy hoang mang, tôi quyết định quay về. Cũng vừa lúc phát hiện đang đi lại gần phía tôi là một người đàn bà luống tuổi. Như nhận ra tôi không phải người địa phương, bà lên tiếng:
– Sao tối rồi mà cô còn ở đây? Cô ở xa tới phải không?
– Dạ! Con từ Sài Gòn về. Bà cho con hỏi thăm chỗ mấy ngôi mộ gió.
Người đàn bà trân trân nhìn tôi rồi chỉ tay xuống bãi sông sâu trước mặt:
– Ngay đây nè cô. Nhưng đất lở trôi mất lâu rồi.
 Ngừng một lát, bà tặc lưỡi nói như chạnh lòng:
– Hồi xưa bên này là bãi bồi. Ghe cát hút miết, bờ bãi nào còn. “Sông Vàm Luông bên bồi bên lở” là của ông trời chớ vô tay con người rồi bên nào cũng lở cô ơi.
 Tôi nhìn xuống bãi sông sâu, hình dung cảnh đất lở ầm ào, những ngôi mộ gió nháo nhào cuốn trôi theo dòng nước. Những ngôi mộ không hài cốt. Những ngôi mộ chỉ chứa linh hồn. Bất chợt, tôi nghĩ đến sự cố lở đất như là một cách giải thoát cho linh hồn và thể xác cha tôi được sum họp ở một nơi nào đó giữa mênh mông thiên hà. Ý nghĩ ấy làm tôi vơi bớt buồn.
Ngoài kia, đoàn tàu khai thác cát đang bắt đầu thả những chiếc vòi bạch tuột của nó xuống lòng sông.
NGÔ THỊ THU VÂN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...