Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Mưa trên cầu Phú Cường

Mưa trên cầu Phú Cường

Tháng giêng, trời se se lạnh, cái lạnh ẩm của buổi sớm mai giữa một rừng cây thưa, giữa vùng đồi hơi chập chùng toàn cây ăn trái, cái lạnh của dòng sông đang thao thiết chảy, thêm cái lạnh không đâu ở trong lòng, khiến Minh phải khoác thêm áo gió trước khi dắt xe ra đường.
Xe trôi nhẹ xuống con dốc dài xã Phú Cường, đêm qua mưa lớn nên tinh mơ sáng có chút sương mù, sương chập chùng ôm những hàng cây dầu lâu năm trên đồi cao kia, sương hoen mờ đỉnh dốc vắng. Đến đoạn dốc cao Minh phải xuống xe dẫn bộ. Ngang qua Trường Công Binh, nàng cúi đầu dắt xe bước nhanh, nơi ấy với nàng đã vương vấn kỷ niệm…
Chỉ mươi phút sau Minh đã đến Miếu Tử Trận, nàng dựa xe vào một thân cây rồi bước vào bên trong.
Minh hơi thất vọng, chưa ai cắm nhang sớm, không có những cọng nhang bẻ hình tam giác… “Anh Hai lại không đến? Hay anh chưa đến”…
Nàng nhìn đồng hồ… “Còn sớm mà!…”
Đã mười bốn thứ hai rồi anh em không gặp nhau. Chưa bao giờ lâu đến thế. “Anh Hai bận gì? Hay… có bị sao không?…”
Nhà văn Phan Đức Nam
Minh quay lại chỗ để xe lấy bó nhang trong giỏ, chợt chép miệng: “Quên bật lửa rồi!…” Nàng nhìn bên kia đường, quán cà phê cóc đã mở… Sáng sớm xin lửa họ có kiêng không? … Minh ngần ngừ, rồi bước vào miếu, để dựa bó nhang vào góc, lẩm bẩm: “Cha mẹ ơi! Phù hộ cho anh em con …”
Nàng rút cọng nhang, bẻ hình tam giác rồi để trước trang thờ.
Một cơn gió chợt lạnh! Một chiếc lá khô rơi đậu trên vai áo nàng, như bàn tay ai, rất nhẹ?…
Minh rùng mình nổi da gà.
Chiến tranh đã cướp mất cha mẹ nàng cách đây sáu năm. Một trái pháo bất ngờ chụp xuống khi nàng và anh trai đi học.
Anh Bình năm đó 14 tuổi, nàng 12 – Anh Bình học trường Mỹ Thuật Sông Bé, được các thầy thương tình kéo vào xưởng sơn mài làm để kiếm tiền anh em sinh sống.
Đến năm anh Bình 18 tuổi, được miễn quân dịch lý do hoàn cảnh, nhưng một hôm anh nói với nàng: “Anh đi lính em à…”
Anh Bình học quân trường ba tháng, nhờ tình nguyện nên được ưu tiên về địa phương quân, đóng chốt trên cầu Phú Cường, vậy là gần nhà. Đi lính nhàn có lương vậy là khỏe.
Một đêm, có hai tiếng nổ lớn: Cầu Phú Cường sập, cắt đứt huyết mạch từ Củ Chi qua Sông Bé. Chốt gác trên cầu cũng tan tành, hơn nửa tiểu đội lính địa phương quân banh xác rơi xuống sông. Cả tuần sau mới tìm được bốn xác lính tơi tả tấp dọc hai bên bờ sông, có một xác trôi xuống tận Cảng Bà Lụa.
Được tin, Minh vật vã khóc suốt mấy ngày.
Bất ngờ một đêm anh Bình về, anh em ôm nhau mừng phát khóc.
Sau đó anh Bình đội lục bình bơi qua sông, bên đó là căn cứ Củ Chi.
Từ đó nàng sống nhờ tiền “tử tuất” của anh – nghĩ cũng vui.
Thỉnh thoảng anh em nàng vẫn gặp nhau vào sáng thứ hai – quãng năm sáu giờ, địa điểm là Miếu Tử Trận. Ai đến trước thì cắm nhang, bẻ vài cọng nhang thành hình tam giác để làm hiệu chờ nhau …
“Hơn ba tháng rồi còn gì!?… – Minh lẩm bẩm và thấy lo.
Minh nhớ, năm nàng đậu Sư Phạm Tiểu học, trong một lần gặp, anh Bình rủ nàng đi chợ Thủ ăn cháo cá nóng. Anh đã hất mặt về phía một đám sinh viên sĩ quan công binh ngụy đang cười nói bên kia đường, rồi đưa nàng vào cuộc: “Em hãy tìm cách làm quen với một thằng.”
Nàng đã đỏ mặt gật đầu.
Thế là nàng quen Đức, – cuối con dốc Phú Cường kia kìa, thật dễ dàng và tình cờ làm sao. Hình như Đức cũng thơ thẩn đến đó để gặp nàng? Có phải  số mệnh?…
Chiều đó Đức đi giữa tốp bạn, nàng còn nhớ rõ sáu người, nhưng mặt mũi họ nàng quên ngay, chỉ có đôi mắt Đức lấp lánh sáng sau làn kính cận mỏng, và miệng cười tươi quá! Cười như chào, như châm nhẹ người ta… Đức có một vẻ gì đó thư sinh lạc lõng, khác với những bộ mặt câng câng tự mãn của những người kia…
Nhớ rồi, chiều hôm ấy mưa nhẹ, nàng và Thủy nép vào một hiên nhà chờ cơn mưa qua đi. Một tốp sinh viên sĩ quan công binh đội mưa đi tới, họ trông thấy hai nữ sinh áo trắng liền tấp vào tìm cách chọc ghẹo.
Chỉ có Đức là im lặng.
Khi cơn mưa sắp tan, cái miệng cười tươi ấy khẽ nói bên tai nàng: “Chủ nhật tới – cũng giờ này, chỗ này nghe? …”
Nàng nhìn nhanh gương mặt anh, đôi mắt sáng lấp lánh cười, rồi gật đầu.
“Có phải mi đó không?…”
Quen Đức, nàng được biết anh đang học năm cuối kỹ sư Phú Thọ thì bị tổng động viên. Đức coi bộ tiếc lắm!
Một chiều chủ nhật, hai người ngồi dưới một gốc dương bên bờ sông, nhìn qua bên kia cầu Phú Cường đang bị đứt đoạn, người ta phải tạm thời vận chuyển giao thông bằng những chuyến phà. Đức nói với nàng: “Anh là dân xây dựng, ghét chiến tranh tàn phá lắm. Mong mau mau hòa bình, biết đâu anh sẽ được tham gia xây lại cầu đó, để hai đứa mình đi…” Nàng đã vặn: “Hai đứa mình đi thôi sao?” Đức cười rất trẻ con: “Thì nói vậy… cho sang. Anh bắc cầu Kiều em sang mà!”
Chuyện đó, khúc đầu nàng đã kể cho anh Bình nghe.
Cho đến một chiều, Đức rủ nàng dự lễ mãn khóa sĩ quan công binh. Đức đã chuẩn bị kỹ, dặn đi dặn lại nàng trước hai ba tháng: “Em đến nhé?”
Minh xấu hổ với chính mình. Nàng được anh trai dặn phải luôn cảnh giác với bọn sĩ quan ngụy – dù là sĩ quan công binh. Tất cả là nhiệm vụ.
Nhưng hình như nàng đang lạc trong một khu vườn lạ? Trên một con dốc lạ? Vườn không rậm, và dốc không cao, không quanh co nhiều, giống như những con dốc ở Thị xã Thủ Dầu Một này, mùa đông thỉnh thoảng vương chút sương mù…
Nàng có yêu Đức không?…
Chính Thủy – bạn nàng – cũng công nhận: “Mày và Đức rất đẹp đôi”.
***
Minh chợt nhíu mày… Một thanh niên chạy thể dục đột ngột rẽ vào Miếu… Minh lẩm bẩm: “Anh ta cao hơn…”.
Minh thở nhẹ, từ từ bước tới chỗ để xe đạp và liếc vào miếu, thấy người thanh niên đang mân mê những cọng nhang bẻ hình tam giác.. “Có phải?…”
Chờ anh ta bước ra, Minh thử gật đầu chào? Anh ta nhìn nàng chăm chăm, mỉm cười: “Minh phải không? Tôi là bạn anh Bình đây”.
Người trai lạ ấy nói thêm: “Mình xuống chợ Thủ ăn cháo cá, rồi nói chuyện”. Minh gật nhẹ.
Hai người vào đúng cái quán mà anh em Minh vẫn thường ăn. Chàng trai lạ nói: “Đây là cơ sở của ta”. Minh lại gật.
“Sao không nói gì về anh mình?…” Minh lo lo, nhưng chưa dám hỏi, nghĩ trước sau gì anh ta cũng sẽ nói.
Mãi đến khi ăn cháo xong, chàng thanh niên mới ngập ngừng:
– Anh Bình… dặn tôi… đưa cô đi ăn cháo…
Minh sốt ruột:
– Anh tôi giờ ở đâu?
– Anh… hy sinh rồi!…
Minh ôm mặt khóc.
Chàng thanh niên nắm vội tay nàng, bóp nhẹ:
– Cô bình tĩnh!… Từ nay, tôi sẽ thay anh Bình liên lạc với cô…
Minh vẫn khóc. Bà chủ quán dúi cho nàng chiếc khăn tay, rồi kéo nàng vào trong.
Sau đó, chàng trai trao cho Minh lá thư tuyệt mệnh của Bình viết cho em gái. Minh vừa gạt lệ vừa đọc nhanh lá thư.
“…Chuyện với Đức, em cứ tiến hành.
…Vĩnh biệt em thân yêu. Anh rất thương em. Anh Hoàng là Tiểu đội trưởng của anh, sẽ thay anh chăm sóc em…”
Người tiểu đội trưởng tên Hoàng ấy còn trao cho nàng một hộp nhỏ cùng những lời dặn dò.
***
Bốn giờ chiều thứ sáu, Minh ôm hộp quà và chùm hoa Tigôn hái ở vườn nhà, cùng Đức bước vào gian tiếp tân trong lễ mãn khóa của Trường Sĩ quan Công Binh.
Đức rạng rỡ hãnh diện với bạn bè khi có Minh bên cạnh.
“Có thể Đức sẽ nguy!…” – Minh nghĩ – “Vậy mà anh lại vui…”
Minh rưng rưng, giấu đôi mắt sau chùm Tigôn đỏ hồng, tưởng có máu mình pha trong những cánh tim Tigôn tan vỡ… “Mình yêu hoa này, nhưng đáng ra hôm nay không nên mang đến…”
Nàng cắn răng nghĩ đến cái chết của cha mẹ, đến sự hy sinh của anh mình, để lấy lại lòng can đảm và căm thù.
***
Vụ nổ chiều thứ sáu ấy làm nhiều tân sĩ quan ngụy chết, nó gây tiếng vang lớn, vì vào đúng hôm lễ mãn khóa trường Sĩ quan Công Binh nổi tiếng của chế độ ngụy miền Nam.
Hôm ấy Đức bị thương rất nặng! Trong giây phút hồi dương anh thật tỉnh táo.
Cho đến tận bây giờ, Minh vẫn còn thắc mắc sao lúc đó Đức không chịu bước theo nàng như lúc đầu? Khi Đức sắp đi thì lại có bạn cụng ly, và anh cứ nể nang nấn ná…
Chỉ cần Đức bước ra khỏi bàn đó trước một phút…
Lúc đó, Minh đã rời xa Đức khoảng mười mét và nấp sau cột bê tông. Tiếng nổ làm nàng choáng đi, nhưng định thần được ngay…
Sau đó, trong đám khói bụi, nàng vẫn còn thấy đôi mắt Đức đang dõi nhìn nàng đăm đăm, rất đau đớn!…
Tim Minh tan nát! Cho đến lúc đó nàng mới biết mình yêu Đức nhiều. Thay vì bỏ chạy, nàng lao đến bên anh…
Trong vũng máu thịt bầy nhầy, Đức gượng ngẩng đầu, thều thào hỏi: “Em có sao không?…”
Nàng lắc đầu rồi ôm anh khóc nức nở, không còn sợ máu me gì nữa. Đức cố gắng xô nàng ra, cái xô rất nhẹ vì anh đã quá yếu: “Em chạy đi… chạy đi…”
Nhưng nàng không đi. Lúc đó nàng có dại không?…
Hộp nổ để trên bàn, giữa một đống quà, tất cả đã tan nát không còn biết của ai.
Dĩ nhiên sau đó Minh và những khách mời bị bọn phòng nhì thẩm vấn nhiều lần. Nàng đều lắc đầu nói không biết, và chỉ khóc.
Có lẽ nhờ Minh là em của một lính Cộng Hòa “đã chết”, nàng lại không chạy như nhiều người khác, mà ở bên Đức cho đến lúc cuối, nên bọn địch hầu như không nghi ngờ gì.
Minh mơ hồ nghĩ trong giây phút cuối ấy, Đức đã biết nàng là ai. Nàng đã nhìn sâu vào đôi mắt từ từ trắng… Anh có đồng tình với em không? Anh có tha thứ cho em không?…
Đức đã mỉm cười, rồi ra đi.
***
Mưa bay bay, Minh vẫn đứng lặng yên, dựa lưng vào gốc liễu già và nhìn về phía bên kia, bến bờ Củ Chi xanh ngát yên bình. Sau chiến tranh, những gì bị tàn phá đã được xây dựng lại. Cầu Phú Cường giờ đã được đúc bê tông rộng đẹp. Có thể trong lòng nhiều người – như Đức hoặc anh Bình nếu còn sống chẳng hạn, do chỉ đứng một bên bờ, sẽ còn bị ám ảnh bởi quá khứ, cảm giác rằng cầu ấy vẫn chưa hoàn toàn được nối kết.
Nhưng đối với nàng, người dân đất lành này, đã từng qua bên kia bờ, từng ngắm nhìn hai phía, đã không còn phân biệt mà chỉ muốn mau mau rũ sạch những vướng mắc hận thù, quên đi khổ đau mà khao khát yêu thương.
Qua bao mất mát, trong ký ức thẳm sâu của nàng thì cây cầu ấy một thời đã đứt, đã gãy đổ, một thời đã được nối tạm bằng gỗ, nhìn xa nửa trắng nửa đen, nửa ánh sáng nửa bóng tối, mập mờ ẩn hiện hình ảnh cha mẹ nàng, anh trai nàng, và Đức…
Bến bờ sinh tử gần nhau quá!…
***
Mưa bắt đầu nặng hạt, nhưng Minh vẫn đứng lặng, một cành liễu bị gió quật là đà rũ xuống vai nàng, trút những giọt mưa như lệ. Ngay gốc liễu này đây, Đức đã ôm nàng đòi hôn, nàng đã đẩy anh ra. Sau đó Đức rủ nàng đi xem phim Pháp Aller dans la pluie – “Lữ hành trong mưa – Lãng mạn và buồn quá phải không anh?” Đức gật, vuốt tóc nàng: “Giữa con tim và lý trí, em chọn bên nào?” Lúc đó nàng đã thầm giật mình. Hay anh đã biết? Nàng đang bối rối thì Đức lại nói: “Anh muốn cả hai. Có tham quá không em?”
Nàng lại nhớ khi anh Bình còn sống, nàng đã nhiều lần tâm sự với anh về Đức. Anh nàng đã chăm chú lắng nghe, rồi gật gù: “Anh biết em sẽ lôi kéo được Đức. Hay đó! Ta sẽ có thêm một cánh tay tốt”.
Giờ anh Bình và Đức đã chết cả rồi. Không biết hai người có gặp nhau?…
Ôi chiến tranh! Đức chưa một lần hôn nàng. Thế mà chiều nay, mưa giăng mù phía bên kia Củ Chi, mưa giăng trên sông, mưa trên cầu Phú Cường… Giữa không gian lạnh, thêm giá buốt trong lòng, vẫn nhói trong tim Minh một ngọn lửa nhỏ âm ỉ cháy dài theo tháng năm…
PHAN ĐỨC NAM
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...