Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ở tuổi nào tình yêu vẫn thế

Ở tuổi nào tình yêu vẫn thế

Bây giờ ông đã vào tuổi tám mươi, bà vợ vào tuổi bảy mươi, nhưng điện thoại gọi cho nhau vẫn ngọt mềm em à, anh à. Giọng ông ngọt, có phần quyến rũ. Tôi nghe và thấy lạ. Ồ, chả lẽ, ở tuổi này…
Thấy tôi giấu nụ cười khi nghe ông gọi điện thoại.  Ông bảo, cô cười cũng đúng mà cũng không đúng, vì già như chúng tôi bây giờ không giống già của các cụ đầu thế kỷ hai mươi nhé. Có thể ai đó cười tôi như cô cười tôi, nhưng không sao, chúng tôi khác họ cô ạ. Thế kỷ hăm mốt rồi, cái đặc tính nông dân và phong kiến cổ hủ nó đã bỏ xa thế hệ bây giờ cô ạ. Với lại, mười tám tuổi non tôi đã được sang Trung Hoa ăn học, người ta học bốn năm thì về nước đi làm, còn tôi lại phải học hai năm nữa để phục vụ quân đội. Và vì sao đến giờ này chúng tôi không thay thế gọi là ông ơi, bà ơi, mà vẫn anh và em là có lý do đó cô. Tôi kể cho cô nghe một chi tiết đó thôi, chứ cuộc đời tôi có thể viết được cuốn tiểu thuyết dày dặn với nhiều khúc đoạn bi hài, đau đớn lắm đấy, chứ đừng nhìn chúng tôi hiện nay thì cuộc đời như ý quá.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Ông nói rồi cười sảng khoái, chất giọng miền Trung còn lưu lại trong giọng nói của ông, vì khi mới năm tuổi ông đã theo cha trong đoàn ra Bắc tập kết, nên cái chất giọng miền Trung của ông hầu như ít thay đổi, cái chất giọng có phần luyến láy kia khiến cho âm sắc giọng nói của ông thật hấp dẫn và tôi chợt thấy giọng nói ấy có sức mạnh ghê gớm, nó như thêm một lần quyến rũ ở cái tuổi xưa nay hiếm ấy của ông. Tôi ngồi lặng nghe ông kể về cuộc đời không như ý của ông trong một buổi chiều nắng to, nhưng có gió biển rất lộng vì đang vào cữ con nước ở hòn đảo có tên Ngọc Vừng rất đẹp của vùng biển Đông Bắc.
Giọng ông vẫn như lời tâm sự rủ rỉ đâu đó, dù ngoài kia, phía rừng dương trên bãi cát trắng mịn ở đảo Ngọc Vừng gió vẫn lồng lộng. Bãi biển cát trắng phau, sạch và gợi cho ta về những gì là êm ả nhất, cái ánh sáng của cát trắng lóe lên như một tấm gương khổng lồ khiến cho ai đó ngồi bên bãi biển khuất nẻo này thêm những ý nghĩ mới. Có lẽ thế mà dù mới biết ông qua những công việc liên quan và một cuộc hội thảo thì ông đã coi tôi như một người bạn vong niên hiểu chuyện và ông không ngần ngại kể với tôi về một phần cuộc đời lính tráng của ông.
Khi học xong tôi về nước thì vừa giải phóng miền Bắc khỏi chế độ thực dân Pháp. Công việc của các anh đo đạc nó cũng chả quan trọng lắm, nhưng là đo đạc quân sự thì không hề nhẹ nhàng tí nào, nhất là khi ấy nước ta đang ở giai đoạn vừa chiến tranh, vừa xây dựng tái thiết đất nước. Vì thế mà vợ tôi đã sinh con trai đầu lòng được ba tuổi tôi mới có dịp về phép thăm gia đình. Ngày đầu tiên gặp con, nó nhìn tôi như người xa lạ. Mẹ nó nói bố con đó, nó vẫn nép vào mẹ  không chịu cho tôi ẵm. Tôi chịu chết không bế nó được tí nào trong ngày đầu tiên về nhà ấy. Rồi vẫn cứ xa nhau. Biền biệt. Khắc khoải. Xa cách. Bức bối. Tôi nghĩ mãi và tìm cách để chuyển vợ con ra Hà Nội để thuận tiện với điều kiện công việc lính tráng của tôi cũng như lâu dài cho vợ con sum họp. Nhưng không hề dễ như mình nghĩ. Liện hệ được nơi nhận thì lại vướng ở nơi cho đi. Những tưởng, vợ bộ đội thì họ sẽ giải quyết cho vợ chuyển công tác đi ngay để hợp lý hóa gia đình. Nhưng ông thủ trưởng cô ấy nhất định không. Ở Hà Nội, một người bạn đã giúp cho tôi để chuyển vợ ra, và  giờ tôi phải lo để  phía cơ quan vợ đồng ý là chuyển ra ngay. Biết là cơ quan mới người ta cũng không thể chờ lâu đâu, tôi cũng nói nhỏ với người bạn, cho tôi thời gian một tháng là đủ thời gian để lo công việc chuyển đổi đó thôi. Vì điều kiện thời chiến, từ Hà Nội về Quảng Bình là chặng đường không thể đi nhanh được. Thế là tôi cắt phép năm theo chế độ rồi khoác balo ra tàu hỏa, mấy ngày nằm trên cái tàu chợ đủng đỉnh ấy tôi mường tượng viễn cảnh thuận lợi khi đến đề đạt với thủ trưởng của vợ, chắc ông ta sẽ giải quyết êm đẹp thôi. Nhưng vẫn vẩn vơ nghĩ, một tháng cũng không dài, nên cơ quan cô ấy càng giải quyết nhanh thì mình càng thuận lợi đưa hồ sơ về cơ quan mới ngoài Hà Nôi. Chứ họ đủng đỉnh thì một tháng không giải quyết được điều gì, lỡ cơ hội chuyển vợ ra cơ quan mới.
Cũng may quãng đường xa lắc lơ đi dưới trời đầy bom đạn ấy  tôi đã về đến nhà an toàn, và ngày đầu tiên nghỉ ngơi với vợ con xong xuôi thì ngày thứ hai tôi cùng vợ ra cơ quan cô ấy gặp gỡ đồng nghiệp của cô ấy ở cơ quan và gặp riêng thủ trưởng cô ấy. Ông thủ trưởng cô ấy người gầy, cặp môi hơi to với khuôn mặt cũng thô, rỗ huê. Một gương mặt có tí dị tướng. Vốn từng có thời gian ở Trung Hoa dài dài nên tôi cũng có đáo qua những cuốn sách nho y lý số, đến tử vi, bát quái… nên nhìn gương mặt thủ trưởng vợ tôi  là tôi bỗng ngờ ngợ có một điều bất an. Anh thủ trưởng ấy tên đầy đủ là Quách Tiến Lên, cái tên nghe đã có vẻ rất nhiều mong mỏi của phụ thân, phụ mẫu sinh ra anh ta rồi. Tôi loáng thoáng lướt qua hình hài anh ý để cố gắng tập trung vào công việc vô cùng khó khăn xin cho cô Vân vợ tôi, làm nhân viên kế toán tổng hợp của cơ quan ấy theo chồng về Hà Nội mà thôi. Anh ý cũng rất vồn vã tiếp tôi. Giọng anh ý đầy sảng khoái, nghe thôi đã đầy tin tưởng mọi nhẽ sẽ tốt đẹp:
-Ôi quý hóa quá, hóa ra chồng cô Vân đã là sĩ quan cấp úy, tôi có nghe, nhưng chưa có dịp được gặp anh. Vâng, chuyện anh đề đạt chuyển cô Vân đi để hợp lý hóa gia đình có chi mô. Mọi việc đơn giản thôi anh hè. Tôi cứ tiếp nhận đề đạt của anh chị ở đây. Tôi sẽ yêu cầu tổ chức cơ quan tìm ngay người làm công việc thay thế cho cô Vân. Công việc cũng không có gì đâu, nhưng vẫn có người thay thế cứng cáp tôi mới yên tâm, mà cô Vân đi cũng yên tâm, phải không cô Vân.
Vợ tôi nhanh nhảu đáp:
-Vâng thủ trưởng, nguyện vọng của nhà em thủ trưởng đã rõ rồi, rất mong thủ trưởng giúp cho chúng em đạt nguyện vọng sớm ạ. Trước tiên chúng em cứ cảm ơn thủ trưởng đã tạo điều kiện giúp chúng em ạ.
-Có gì đâu hè, anh chị yên tâm ở tôi đi.
Nghe ông thủ trưởng vợ nói thế, chúng tôi nhìn nhau và vui như mở cờ trong bụng. Riêng tôi mừng rơn vì cái hạn một tháng kia sẽ không bị đình trệ lại, sẽ thuận lợi cho vợ cho tôi quá.
Tuần thứ nhất qua đi, vợ về vẫn nói, ông thủ trưởng chưa cho đi vì chưa tìm được người thay thế. Tôi bảo, ờ mình chờ, vẫn còn thời gian mà.
Tuần thứ hai qua đi, vợ vẫn nói những lời như tuần thứ nhất.
Tuần thứ ba vẫn không thay đổi lời động viên đầy tinh thần đồng đội của ông thủ trưởng.
Đến lúc này, tôi đã bắt đầu hoang mang. Ngắm nhìn lại vợ mình, cô ấy không sắc nước hương trời nhưng cô ấy có duyên, gương mặt phúc hậu, hé miệng cười đã thấy cả một trời tươi vui. Lòng tôi nhen lên một nỗi mơ hồ… Hay là, hay là… có lẽ nào, có lẽ nào… Vì tôi xa nhà biền biệt. Vợ có chửa cũng không biết. Vợ chửa con gái hay con trai cũng không biết. Khi con đã miệng ăn, chân chạy của một thằng bé lên ba mới biết mình được làm cha, hỏi rằng cô ấy, cô ấy…liệu cô ấy có ai ngoài tôi không. Lòng tôi như lửa đốt.
Bữa đó vợ đi làm về, cơm nước xong xuôi, tôi thân mật với vợ hơn chút xíu rồi ướm hỏi cô ấy:
– Em này…
– Có gì hở anh, sao hôm nay anh lại tỏ ra ngập ngừng khách sáo chi vậy?
– Chả là, chả là…
– Là chi anh nói em nghe đi nào..
– Anh hỏi thật, cái anh thủ trưởng của em…
– Anh hè, anh ý tốt mà
– Nhưng sao tốt mà đề đạt của vợ chồng mình sắp đến hết thời gian cho phép rồi mà anh vẫn không giải quyết.
– Không anh hè, bên phòng tổ chức vẫn đang tìm người thay thế em, mà chưa có thôi ạ, có là các anh cho em đi liền.
– Anh chả tin.
– Không, anh phải tin chứ, anh ý tốt mà.
Tôi không nói thêm câu nào nữa. Cô ấy thấy tôi im lặng thì cũng sợ tôi nổi giận sao đó và cô ôm ấp tôi, như xoa dịu cơn nóng của tôi. Nhưng cái đầu tôi lúc đó đâu có nghĩ đến ân ái, tôi chỉ nghĩ làm sao giải quyết được công việc cho mau mà trả phép và ổn định công việc của cái gia đình bé xíu của của chúng tôi. Thế rồi tôi cũng thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Sáng sau vợ tôi đã đi làm. Tôi cũng chỉnh tề quân phục đạp xe ra cơ quan vợ. Người đầu tiên tôi ghé là ông già vừa nhận làm bảo vệ cơ quan, vừa có quán bán nước chè chén, thuốc lào ngay cổng cơ quan. Chuyện trò một lúc thì ông già biết tôi là ai. Ông bảo:
-O Vân làm việc tốt lắm, vợ bộ đội mà nên việc nào cũng đâu ra đấy. Cô ấy có duyên, chồng đi xa biền biệt nhưng chả có điều tiếng gì đâu. Chứ vợ bộ đội ở trong ni dạo này cũng đã có cô hư thân mất nết rồi đó eng ạ.  Nhiều chuyện dở cười, dở khóc, có người đã phải ly thân, ly hôn. Eng may mắn đó, có cô Vân quá ư chỉn chu.
Thấy ông thao thao, tôi cắt lời:
-Vâng, cảm ơn ông, tôi cũng biết mình đi xa nhà suốt, hậu phương chỉ mỗi vợ phải lo chu toàn cả đôi bên nội ngoại, nếu cô ấy có lỡ lầm gì đó thì…cũng đành chịu thôi ông.
Ông già xua tay rối rít:
-Không, không phải thế eng ơi, riêng cô Vân thì eng cứ yên tâm đi. Cô ấy còn làm trưởng ban phụ nữ cơ quan, là đảng viên, nên gương mẫu lắm. Eng không tin tui, eng cứ hỏi cả cơ quan ni, cả tỉnh ni xem cô Vân có đúng như rứa không nhé, chứ không lại nói tui cứ nói quá về cô ấy eng hè.
Nghe ông già nói thế, tôi cũng vơi bớt cơn ghen tức trong lồng ngực đang trực chờ bung ra. Tôi nói lời cảm ơn ông:
-Vâng ạ, thì tui cũng chỉ biết cảm ơn bác, cô ấy vẫn vững vàng thế thì tui cũng yên tâm ở khi xa nhà ông ạ. Cảm ơn ông nhiều, giờ tui vào gặp anh Lên đây ạ.
Ông già cười gật đầu chào tôi và trong ánh mắt của ông, tôi thấy có một niềm hân hoan thì phải. Tôi mạnh bạo bước vào gõ cửa phòng trưởng ty Quách Tiến Lên. Có tiếng mời vào, tôi bèn đẩy cửa vô phòng, ông Lên ngẩng mặt thấy tôi và vẻ mặt như rất ngạc nhiên, chưa kịp rào đón gì, ông ta đã nói:
-Ôi, để vất vả cho đồng chí bộ đội như thế này tôi cũng áy lắm, nhưng hiện tại, vẫn chưa tìm được người thay thế cô Vân, vì thế, anh thông cảm đợi thêm một hai ngày nữa tôi sẽ giải quyết thủ tục, mọi việc nhanh thôi mà.
-Vâng, tôi chưa kịp nói thì anh đã nói trước, tôi sốt ruột quá nên lại ghé anh để hỏi xem anh đã giúp cho chúng tôi được đến đâu thôi ạ.
-Đồng chí bộ đội cứ yên tâm, tôi sẽ giải quyết mà, bây giờ tôi lại có cuộc họp, xin lỗi anh tôi đi họp đã. Nếu trưa anh ở lại thì tôi mời anh ăn bữa cơm dưa muối với anh em cơ quan tôi nhé.
Tôi nghe thế thì cũng đành quay gót. Nhưng trong ngực tôi  đã chất chứa nỗi uất ức như quả bộc phá, chờ châm giây cháy. Tôi đếm thời gian của tôi chỉ còn bảy ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Tôi không nói với vợ, cứ sáng vợ đến cơ quan thì tôi cũng đến phòng trưởng ty Quách Tiến Lên ngồi đợi ông ấy. Cô thư ký của ông ý bảo, chú Lên hôm nay họp cả ngày, tôi viết giấy lại: “Tôi đại úy Trịnh Hoàng Khôi đơn vị…chồng cô Vân, cán bộ ty của anh, tôi đến mà anh không ở phòng”. Ba ngày liền tôi đến, đều không gặp được Quách Tiến Lên. Ngày thứ 4 tôi không gửi lại giấy nữa, tôi ngồi ở đó đến tối mịt. Nghe cô văn thư nói líu ríu bên ngoài rằng có ông Khôi như thế này, như thế kia…bên ngoài hành lang, tôi biết cô ấy đang báo cáo nhanh với trưởng ty. Tôi bèn lao ra túm áo ngực Lên và chỉ chút nữa thôi thì tôi cho hắn một quả đấm vào cái mặt  dị tướng quỷ ám ấy, nhưng tôi kịp dừng lại và vẫn giọng đầy bực tức, tay túm cổ áo hắn và dù đã cố kìm nén, nhưng  giọng tôi vẫn như hổ gầm với hắn:
-Anh có là người không hả anh Lên, anh hứa lèo với tôi, với vợ chồng tôi cả tháng nay rồi anh không giải quyết thủ tục cho chúng tôi. Anh nói anh vì bộ đội, anh vì những người lính xa nhà thế à. Anh là người hay là ngợm hử. Hôm nay anh phải trả lời có giải quyết cho vợ tôi chuyển công tác không, nếu không thì tại sao. Chả lẽ cả tỉnh này không có ai thay thế được cô ấy à, anh đừng lạm dụng thói cửa quyền, anh đừng cậy thế mà gây khó khăn cho gia đình bộ đội, anh đừng cố mà giữ người vô lý như thế. Anh coi thường chúng tôi, anh đã….
Hắn thấy tôi căng thẳng dồn dập thế, hắn  bèn bảo:
-Tôi xin lỗi đã làm khó cho anh, thì anh cứ bỏ tay ra, ta ngồi vào bàn nói chuyện cho ổn thỏa.
Thấy hắn nói thế, tôi buông tay khỏi cổ áo hắn, hai thằng ngồi đối diện nhau, hắn thẽ thọt:
-Anh Khôi ạ, không phải tôi không biết anh chị cần thời gian đến thế nào, tôi biết, phía cơ quan ngoài Hà Nội tiếp nhận cũng chỉ cho anh chị có thời gian là…
Bốp. Tôi đập tay xuống bàn, bộ ấm chén tung lên rơi loảng xoảng, giọng tôi như gầm lớn, tay tôi chỉ thẳng mặt tay Lên:
– Tôi nói cho anh biết, anh không cho vợ tôi đi, chẳng qua anh đã hủ hóa với vợ tôi. Cả tỉnh người ta đồn ầm lên rồi. Anh giữ cô Vân không cho chuyển công tác là vì anh đã hủ hóa với cô ấy. Anh là cán bộ, là đảng viên, là thủ trưởng cơ quan, anh đã vi phạm chính sách hậu phương quân đội. Tôi sẽ làm cho ra nhẽ việc này. Chào anh, tôi về.
Hắn đứng như trời trồng. Rồi hắn vội vã vớt vát yếu ớt:
– Không, không… anh nói thế sai sự thật, tôi không…không ….
Tôi mặc hắn. Tôi bước ra khỏi phòng hắn và đóng cảnh cửa đánh sầm. Dù đã ở ngoài hành lang, nhưng tôi  vẫn nghe như hắn đang lồng lộn với căn phòng của hắn.
Tôi ra lấy xe đạp, thủng thẳng đạp xe đi về phía cửa hàng bia hơi thị xã, xếp hàng mua được vại bia, uống ực một hơi cho bõ tức rồi lững thững đạp xe đến nhà người anh em dưới huyện. Thấy tôi đến, hắn vui vẻ đãi rượu, lâu không gặp nhau, thì hàn huyên đủ thứ, tôi cũng không nói câu chuyện ban chiều. Rồi mệt quá, uất ức quá, tôi ngủ luôn ở nhà nó. Hôm sau tôi đạp xe về nhà, đang định bụng sẽ bàn cách khác với vợ để mau chóng mọi việc. Chứ thời gian như thế này là toi một tháng chờ đợi vô vọng rồi. Khi ra Hà Nội lại phải nói khó người giúp cho xin lùi thêm thời gian… Tôi vừa dựng xe vào hiên nhà thì vợ tôi hốt hoảng kêu lên:
– Trời ơi, anh đi đâu mất tiêu từ hôm qua, em và mẹ tìm anh suốt không thấy đâu.
Cô ấy bù lu, bù loa khóc kể lể mẹ chồng và nàng dâu đã tưởng tôi bị làm sao. Một hồi sau trấn tĩnh lại cô ấy gạt nước mắt và bảo tôi.
– Anh làm em và mẹ mất ngủ cả đêm qua, giờ thì vui rồi, anh về lành lặn là yên tâm rồi. Em có tin vui cho nhà mình mà anh không thấy đâu. Vậy anh đi đâu từ qua đến giờ, nói xong em sẽ báo tin vui.
– Có chi đâu, hôm qua rỗi rãi anh đi xuống nhà thằng Bảo, nó cho uống rượu thì ngủ luôn đến sáng, định bụng hôm nay anh về anh sẽ nói em và anh đến nhà…
– Rồi, rồi, em đã biết anh đến đâu là em yên tâm rồi. Giờ thì không cần đến nhà lên hay xuống nữa. Giấy tờ trưởng ty đã giải quyết xong xuôi sáng nay. Anh chuẩn bị trả phép và cầm giấy tờ đi cho em đây này.
Tôi há hốc mồm. Mắt tôi, tai tôi đều như mờ đi, ù đi. Không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi bế bổng Vân lên và quay mấy vòng. Cô ấy kêu oai oái:
– Trời ơi, nỡm quá, anh có bị làm sao không, mẹ cười cho đấy. Có thế thôi mà như trúng sổ số độc đắc thế hả.
Tôi không nói gì. Nhất định tôi không nói gì với Vân. Sẽ có lúc tôi nói. Còn bây giờ, tôi chỉ tràn ngập niềm vui, lồng ngực của tôi như căng hơn, như muốn vỡ tung. Vân ơi, đòn hiểm của anh đã đánh trúng cái thói cửa quyền, cái thói hợm hĩnh của kẻ được ngồi trên ai đó rồi. Vợ chồng mình được đoàn tụ đã. Chúng mình rồi sẽ đẻ một đàn con. Chúng mình không phải xa nhau nữa…
Và cái sự việc vợ tôi chuyển được ra Hà Nội theo chồng cũng chưa phải đã thuận như buồm gặp gió, vì cái thời buổi khó khăn đủ thứ. Vì không thể chuyển vợ tôi vào cơ quan ở Hà Nội, mà phải ở tỉnh Hà Tây, thế nên rắc rối cái hộ khẩu. Và vì vậy vợ tôi không làm việc ở Hà Nội, thì cũng không thể có hộ khẩu ở Hà Nội, cũng không nhập khẩu vào Hà Nội được, dù tôi có  đăng ký hộ khẩu ở Hà Nội. Nhưng thôi, chuyện hộ khẩu không kể cô nghe nữa. Chỉ là ơn giời, chúng tôi xa nhau hơn năm trăm kilomet giờ chỉ cách nhau có năm mươi kilomet là hạnh phúc vô bờ lắm rồi. Dù gì, chúng tôi còn hạnh phúc chán, còn hơn chán vạn những người cùng thời, chúng tôi vẫn được ở bên nhau mỗi dịp cuối tuần. Hạnh phúc đó thật vô bờ bến. Và cuộc đời tôi còn nhiêu khê lắm thứ lắm. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn bên nhau là ổn rồi.
Tôi thấy ông như vẫn còn niềm vui của hơn bốn mươi năm trước, mắt ông sáng lên, gương mặt hừng lên niềm hạnh phúc chỉ của người trong cuộc mới thẩm thấu được. Rồi ông lại tiếp tục câu chuyện với tôi.
Mãi lâu sau. Tôi nhớ rất lâu sau, tôi mới kể cho vợ nghe cái vụ túm cổ áo, đập bàn với tay trưởng ty của cô ấy, tôi bảo tôi có lỗi khi đã phải “ra đòn hiểm” xúc phạm vợ để giải thoát tình cảnh lúc ấy. Hai vợ chồng cười chảy nước mắt.
Cô ấy bảo:
-Anh không có lỗi. Giờ em mới biết khúc khắc câu chuyện của anh thì em càng thương anh nhiều hơn mà thôi, anh phải giở mẹo mực để giành giật cơ hội của gia đình nhỏ chúng ta, đâu phải vì cái gì khác, nên em càng thương anh hơn đã phải xả thân vì gia đình nhỏ của mình. Mà, em cứ hình dung, nếu lúc đó ông ta nhận ông ta hủ hóa thật với em và nói  anh đừng lôi em đi nữa thì anh giải quyết làm sao chứ?
Tôi nghe cô ấy nói thế thì cũng giật mình bảo:
-Ờ nhỉ, nhưng lúc đó anh không nghĩ đến điều đó, chỉ là nóng mắt lên, cáu tiết tiết lên là vung tay dọa ông ý thôi, ờ, mà nếu như vậy không biết sẽ ra sao nhỉ.
Cả hai vợ chồng lại cười. Cô ấy bảo tôi:
-Cũng không sao đâu, nếu xảy ra tình huống đó, em vẫn là người phải chịu trách nhiệm chứ.  Nhưng vì em làm gì có chuyện đó, ông ta cũng chẳng dại gì để mất tất cả vì một thông tin không đúng sự thực ấy nên ông ta đã ký giấy ngay cho em hôm sau đó. Em cũng ngạc nhiên là cả tháng trời vợ chồng mình nín thở chờ đợi, ông ta cứ hứa thôi, bỗng nhiên sáng đó ông ta cho người gọi em và giải quyết mọi thủ tục. Mà thời gian cho mình chỉ còn 2 ngày, anh còn phải đi tàu ra đâu kịp chứ, mà quãng đường dài đầy bom đạn, chứ đâu phải có giấy tờ đã ra đến Hà Nội ngay được cơ chứ. Giờ nghĩ lại thật là hãi hùng. Và em nghĩ, tin nhau để yêu nhau hơn. Nếu anh không làm thế, chắc chắn vợ chồng mình sẽ xa nhau đến già ấy chứ.
Tôi chỉ biết ôm cô ấy chặt hơn. Tôi đã dành cả cuộc đời cho cô ấy một cách trọn vẹn. Chúng tôi tự hào về điều đó. Và tôi chắc ở gầm giời này hiếm có ai yêu nhau, thương nhau lại vất vả như chúng tôi. Tôi coi những vất vả đau đớn ấy là tài sản riêng quý giá của mình. Là hạnh phúc của chúng tôi cô ạ, không phải như các bạn bây giờ đâu hè. Chúng tôi có những tài sản vô giá đến thế đó cô ạ. Cho nên ở tuổi này chúng tôi vẫn gọi nhau là anh em là thế đó. Có gì ngạc nhiên đâu cô nhà văn ơi. Tôi cười. Đúng là hạnh phúc muôn nẻo, không hạnh phúc nào giống hạnh phúc nào, không hạnh phúc nào so sánh được với hạnh phúc nào.
Tôi cũng vui lây cùng ông khi nhìn ông già lấp lánh mắt cười khi gọi điện cho bà vợ, giọng vẫn rổn rảng:
– Em à, hôm nay Hà Nội nắng nóng bốn mươi độ, nhưng ở biển mát lắm em ơi, gió biển thổi lồng lộng. Mai anh về, mai em nấu canh cua mình ăn nhé, hôm nay các cháu đứa nào đến thăm em không, ờ ờ, thôi, mai anh về, ngày kia mình đi bơi nhé…
Ôi chao. Tôi chả thể tin được, ở tuổi này,  tình yêu của họ là thế đó.
Ông bảo, vợ chồng ông vẫn dắt nhau đi bơi mỗi sáng ở bể bơi trong khu dân cư. Ông vẫn tiếp tục các công việc yêu thích là nghiên cứu sử sách mà cả cuộc đời ông đã gắn bó. Ông ham nghiên cứu nên khi về nghỉ chế độ, ông chả có chức trách gì, nhưng ông bảo, chuyện chức trách cũng quan trọng, nhưng mình không có cũng vẫn sống như ai. Quan nhất thời, dân vạn đại cô ạ. Quan trọng hơn, mình là ai, khi mình sống với ai cho tử tế, bạn chơi cũng tử tế, thế là vui rồi. Ông bảo sở thích của ông từ lâu rồi đến giờ vẫn duy trì là ông thích dắt bà dọc đường Phan Đình Phùng khi mùa hoa sưa rắc đầy trên hè phố. Ông thích tha thẩn đi bộ quanh khu Hoàng thành nhiều tán cây xà cừ cổ thụ. Ông thích dắt bà đi xe bus khắp thành phố, điểm nào cần xuống thì xuống, chỉ để thăm một ngôi chùa, thăm một kỷ niệm đã qua ở nơi ông đã gắn bó cả cuộc đời đầy thăng trầm. Ông vẫn gọi bà là em ơi. Bà vẫn gọi ông là anh ơi. Kệ bọn trẻ. Mình có hạnh phúc của mình chứ. Hãy sống cho mình cô ạ.
Vâng, tôi chỉ biết đáp lời ông. Tôi cầu cho ông và bà cùng nhau đi hết tháng năm yêu thương vô cùng này. Như ông vừa nói với tôi, ở tuổi này tình yêu vẫn thế, đừng nói chỉ gọi anh ơi hay em ơi khi còn trẻ cô ạ. Đã là tình yêu, thì ở tuổi nào cũng thế. Tôi chả biết nói gì. Câu chuyện của người bạn vong niên của tôi, một ông già cựu binh đầy trí tuệ và thật ấm áp. Ngoài kia, gió biển vẫn lồng lộng. Bãi biển Ngọc Vừng cát trắng phau, đang là dịp hè nên có nhiều đôi tình nhân đến tận hưởng với biển, với cát ở nơi đảo xa trong trẻo này. Hàng dương vẫn rì rào kể chuyện của biển, của gió, của sóng, của muôn đời.
Tôi bật cười nhẩm lại câu nói giản dị của người bạn vong niên giàu trí tuệ  ấy, ở tuổi nào tình yêu vẫn thế.
Đảo Ngọc Vừng, 5.2019
VŨ THẢO NGỌC
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...