Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Gội đầu cho mẹ

Gội đầu cho mẹ

Trương Văn Tuấn ở Bến Tre là một trong những đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa qua ở Đà Nẵng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Truyện ngắn xúc động “Gội đầu cho mẹ” của Trương Văn Tuấn vừa được trao Giải khuyến khích Cuộc thi viết Sống đẹp lần II – 2022 do Báo Thanh Niên tổ chức, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn
Anh lại đến. Anh ngồi đó và chờ đợi – sau liệu trình của bác sĩ là phần của anh.
Cái kiểu ngồi của anh ngày càng khép nép, e dè. Càng ngày anh càng sợ, sợ mình không còn được vào đây để gội đầu, cắt tóc cho người già – dẫu là miễn phí. Anh làm việc này hơn một năm rồi. Anh tự nhủ phải cẩn thận thái độ, lời nói sao cho không mất lòng một ai. Đồ nghề anh mang theo chỉ là cái lược, tông-đơ, một chậu, một xô, một chai dầu gội – cũng phải giữ sao cho không vướng víu cản trở một ai. Anh phải biết giờ giấc, tính nết của bảo vệ, nhân viên ở từng bệnh viện mà anh đến.
Cộc tính, thêm cái tự ái của người đứng tuổi, nhưng anh vẫn phải xởi lởi để lấy lòng từng bảo vệ.
Có lần anh ngồi nhìn một điều dưỡng trẻ, tay cầm điện thoại tay đẩy xe lăn xuống dốc nhưng không chịu quay người lại cho lưng bệnh nhân tựa vào xe. Bệnh nhân khốn khổ ấy cứ bị đổ người về trước, suýt ụp mặt xuống đất. Định nhắc nhưng thôi. Chỉ là đôi lời nhỏ nhẹ không phải hơn thua nhưng biết đâu sau này anh không được vào đây gội đầu cho ai nữa.
Có lần anh ngồi bên ngoài nghe một bác sĩ trẻ gắt gỏng, chán ngán vì bà cụ giường trong cùng cứ ngơ ngác hỏi một đằng trả lời một nẻo, kêu hít mạnh vào nhưng cái lưng trơ xương không chút động đậy. Người nhà thì thầm: bệnh viện tự thu tự chi nên nợ lương bác sĩ ba tháng rồi đó, vật tư cũng thiếu đủ thứ…
Anh định nói với người bạn trẻ kia: sau tất cả, mỗi sáng sớm vẫn được đi làm đã là vui rồi… Nhưng thôi, biết bao người già còn chờ anh gội đầu giúp.
Người già sức yếu nên rất sợ lạnh, ít khi nào tắm vào buổi chiều. Nên anh tranh thủ vào buổi sáng rồi giúp họ đến đầu giờ chiều. Anh từng nuôi ba, rồi nuôi mẹ nhiều ngày, ở nhiều bệnh viện nên hiểu cái khát khao được gội đầu, cắt tóc của người già. Nằm ngồi một chỗ, thậm chí phải đi vệ sinh trong tã, nên người họ lúc nào cũng rít rắm, ngứa ngáy, tự tủi hờn vì thấy mình hôi tanh. Mỗi lần muốn tắm gội là cả một công trình vất vả gian nan, cần đến hai ba người bê đỡ.
Trước đây mẹ anh không thể ngồi lâu nên đành xê đầu ra mép giường, mấy anh chị em kề chậu vào rồi nhè nhẹ vo đầu, rửa tóc. Không được mạnh tay nhưng thao tác cũng phải nhanh nhẹn để bà không phát lạnh vì gội lâu nước ngấm vào người. Mỗi lần gội đầu xong bà như trút được cả ngàn cân gánh nặng, ăn ngon, ngủ ngon được vài hôm.
Lúc trước anh chỉ gội đầu giúp người già thôi, sau anh còn nhận cắt tóc giúp nữa. Tóc các cụ ông không nhiều, nhưng cũng chính vì loe hoe nên làm ngứa tai ngứa cổ. Anh chỉ cần dùng kéo hoặc tông-đơ đi vài đường là xong.
Những năm đi nuôi bệnh, thêm cả khoảng thời gian chăm chỉ gội đầu này anh được tiếp xúc với nhiều người già. Trong cái chung yếu ớt, nhăn nheo vẫn hiện ra mỗi người một nết.
Có người đến cuối đời vẫn không dám ho hen lớn tiếng, môi cứ mím chặt hư hư hự hự, tiếng nôn ói cũng khe khẽ riêng tư. Nhưng cũng có người tận giây phút cuối đời dường như vẫn còn gì uẩn ức, cuồng nộ, tiếng ho tiếng nôn cứ lanh lảnh vọng khắp hành lang.
Có người cứ cả một đời giận dỗi, cho mỗi mình là đúng, con cháu làm gì cũng sai, cũng dở tệ. Có người sáng mai trút hơi thở cuối cùng nhưng chiều nay vẫn co ro, sợ con sợ cháu.
Có người, mới chớm già, cứ nhắm mắt là giật thót người ú ớ gọi chồng rồi chửi bới, trách hờn, kể lể. Những ghen tuông, căm hờn cố kìm nén thời trẻ, vô tình ngấm sâu trong từng hơi thở nặng nhọc lúc về già. Ông ngồi đó nhìn xa xăm, không rõ là đang ăn năn hay đang tưởng tượng về ngày tự do khi bà chìm trong giấc ngủ sâu.
Rồi anh chứng kiến cả những mối tình già. Hai ông bà ở hai nơi xa lạ, gặp nhau ở cái hành lang nội trú này, rồi thương nhớ nhau. “Chỉ là thương nhớ thôi, nên để bả về sống chung, chứ yêu đương gì tuổi này” – ông giải thích thế khi thấy con cháu bưng mặt phản đối. Lần chữa trị này con cháu chưa thuận ý, nên họ hẹn lần sau, lần sau lên chữa bệnh rồi tính tiếp. Người già cứ một hai tháng lại đi viện trùng tu sức khỏe ấy mà. Nhưng tháng sau chỉ có một người quay lại ngồi chờ ở hành lang cũ, người kia không kịp lên nữa.
Tranh của họa sĩ Lê Kiệt
Ba mẹ anh cũng quen biết thêm nhiều người già khi điều trị tại bệnh viện dân tộc. Họ hằng ngày cùng nhau được làm thuốc, con cháu người này đẩy giúp xe lăn, đổi giúp bình nước nóng, mua giúp phần cơm chay cho người nọ. Đêm đêm họ rì rầm tâm sự chuyện đời xưa. Hết một tháng, hoặc hết một liệu trình, họ được về nhà ít hôm rồi quay lại làm thuốc tiếp. Mỗi lần chia tay là họ hẹn nhau, ráng nha anh, ráng nha chị, tụi mình gặp nhau thêm vài lần nữa. Như bao cuộc hẹn khác, có khi gặp lại, có khi không.
Mỗi lần vào bệnh viện gội đầu giúp người già, anh đôi khi gặp lại người cũ. Anh gặp những người con cháu, trước thì họ nuôi ông, nay nuôi bà. Anh cũng gặp lại những bệnh nhân trước nằm cùng phòng với mẹ anh.
– Mẹ con khỏe không?
– Dạ mẹ con mất rồi.
Bà cụ im lặng. Rồi vu vơ:
– Trước mẹ con bị sao, quên rồi?
Hỏi cho hỏi thế thôi, chứ người già quanh đi quẩn lại cũng có chừng ấy bệnh.
Đau nhức nên mất ngủ, mất ngủ thì lại đau nhức, tim mạch, huyết áp, suy nhược, khó ăn… Rồi thành ra tồi tệ, cứ đau, cứ rên.
Riêng mẹ anh thì cứ ám ảnh về bệnh tiêu hóa. Có lần mẹ anh đi tái khám, bà kể tận mắt chứng kiến một người phụ nữ ngang ngang tuổi đi đại tiện ra quần, ngay tại sảnh chờ. Mùi hôi, chất bẩn không cách nào che giấu. Biết bao ánh mắt hốt hoảng lẫn e dè bao vây người phụ nữ đơn độc kia. Bà khủng hoảng đến mức quay cuồng, đi sang trái rồi sang phải, không biết hướng nào là nhà vệ sinh. Mẹ anh cũng già cả yếu ruột, ngoài cái tã quần đang mặc, trong túi xách lúc nào cũng mang theo quần dự phòng. Mẹ anh đã cố đi theo người phụ nữ ấy để đưa cho bà thay, nhưng bà xấu hổ, cứ cuống cuồng đi miết, rồi mất hút ở cuối dãy hành lang.
– Rồi sau này tao cũng vậy đó – Bà thở dài suốt dọc đường về nhà.
Bà ám ảnh đến mức đêm ngủ mà ú ớ, thảng thốt. Ruột người già vốn không khỏe nay càng yếu hơn vì ám ảnh, sữa không dám uống, rau không dám ăn, nước súp lề đường không dùng được… Anh chị em nhà anh hay kêu trời: Do tư tưởng nên sinh bệnh thêm đó thôi!
Lần ấy mẹ anh bệnh liên hoàn, chứng nọ kéo chứng kia. Cả gia đình dốc sức theo đuổi các liệu trình từ bệnh viện công đến bệnh viện tư, từ tuyến tỉnh đến thành phố lớn. Mẹ anh nằm đó thiêm thiếp, truyền dịch này dịch khác, chuyển từ phòng nọ sang phòng kia. Bốn tháng trời bỏ công bỏ việc, thức ngày thức đêm, cả nhà thay nhau bê đỡ, thay tã, lau mình.
Cuối cùng mẹ anh cũng về nhà được.
Tưởng thế là mừng.
Rồi một hôm anh nhận được thông báo từ chị gái rằng mẹ đang cùng các bạn già ngồi xe đi thăm khám bệnh tiêu hóa ở một địa chỉ rất hay ho nọ. Nỗi bức bối của người già vì phải thường xuyên đi đại tiện còn ám ảnh nặng nề trong bà. Cái hay ho của liệu trình mới chưa thấy đâu, chỉ thấy bà mệt nhọc vì đường xa dằn xóc, gập ghềnh. Mọi thứ trong bà dường như gãy đổ hết, bà lại mệt, lại nằm liệt. Anh có cằn nhằn, trách móc vì tiếc công sức trước đó của cả gia đình và của bà.
Hôm trước bà nhắc anh về gội đầu giúp, anh dạ nhưng rồi chần chừ: mới đi làm về còn mệt, chưa thay đồ, chưa tắm giặt… nên hẹn sáng mai. Sáng hôm sau anh về thì mẹ không còn nữa.
Lạ vậy đó, nhà là nhà mình, mà mỗi lần về thăm lại hay chần chừ vì những lý do không đâu, còn bận, còn mệt, còn chưa tắm rửa…
– Thôi cũng mừng cho mẹ con, hết đau hết mệt. Chứ cô còn mệt quá…
– Dạ.
Nhưng mỗi khi chạm vào nước, anh cứ thấy có cái gì đó trong suốt vướng vướng ở giữa những kẽ tay, như sợi tóc bạc của mẹ mình. Anh đưa tay lên ngang mặt, nhìn thì không thấy gì.
Lần cuối gội đầu cho mẹ, anh hẹn nhưng không kịp.
Rồi một xế chiều anh ngồi ở nhà chờ sân bay, lướt điện thoại. Một người dùng mạng xã hội nhặt được đâu đó cái clip đã cũ quay tại bệnh viện, và đăng lên với dòng cảm thán: Khổ thân bà cụ!
Đoạn clip ngắn quay lại cảnh người phụ nữ lớn tuổi bất hạnh đi đại tiện ra quần, ngay tại sảnh chờ. Mùi hôi, chất bẩn không cách nào che giấu. Biết bao ánh mắt hốt hoảng lẫn e dè bao vây người phụ nữ đơn độc. Bà quay cuồng, đi sang trái rồi sang phải, không biết hướng nào là nhà vệ sinh.
Và đó chính là mẹ anh. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện hôm đó bà kể lại là chính bà. Vì xấu hổ mà bà không nói thật. Lúc đó anh ở đâu? Đang tranh thủ đi làm việc nọ việc kia rồi hẹn: chút con quay lại?
Anh co rúm người đứng giữa nhà chờ, rồi luống cuống sang trái, sang phải để tìm lối ra. Anh hả họng khóc nhưng không ra tiếng như lúc bé nghịch dại để lá cỏ cứa đứt kẽ tay.
Anh loanh quanh khắp thành phố rồi ghé vào tiệm tạp hóa bên đường, mua chậu, mua xô. Anh ghé vào khoa lão của bệnh viện gần nhất, giọng giấu chút nức nở:
– Gội đầu không cô ơi! Gội đầu không bà ơi! Gội đầu miễn phí không bà ơi!…
Rồi cứ rảnh là anh đi, bệnh viện này bệnh viện kia, ai gọi gấp anh cũng vào.
Đôi khi gặp lại những người quen xa lạ.
Đôi khi nước cũng chảy ướt lớp khẩu trang.
TRƯƠNG VĂN TUẤN
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...