Thành phố đi vắng
Tôi viết truyện ngắn này sau một chuyến đi xa trở về. Bước xuống
sân bay bất chợt thấy thời gian, không gian chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi tự hỏi
đây có phải nơi chốn của mình không hay của ai khác? Tất cả trôi qua trong nháy
mắt. Âm thanh vẫn còn đây mà không phải âm thanh quen thuộc ngày nào. Mùi con
người đây mà không phải mùi con người ngày nào. Thực sự sợ hãi, chỉ còn tình
yêu của tôi, chỉ còn anh bên cạnh nắm lấy tay tôi bảo đừng xa anh. Nhưng rồi
chính trong giờ phút ấy tôi linh cảm thấy chúng tôi rồi sẽ xa nhau. Tình yêu và
những cảm xúc như lớp màng mỏng phủ trùm lên mọi vật, nơi chốn thân quen, làm tất
cả trở nên lấp lánh. Khi không còn tình yêu nữa con người bỗng thành cận thị bước
đi trong màn mưa ướt nhòe vừa gần vừa xa. Sống mà như chết, vô cảm với bản
thân, với mọi người, cảnh vật xung quanh. Không ai còn biết ai, không ai quan
tâm đến ai và mỉm cười với ai. Tất cả chỉ trong nhắm, mở mắt, một thành phố đã
đi vắng từ lúc nào. (Nguyễn Thị Thu Huệ).Nhà văn Nguyễn Thị Thu HuệCô đu người, nhảy lên chiếc xe bus số 300 trôi êm trên những
phố dài. Bên ngoài, người xe lướt mê mải. Trong xe, khách đông, ngồi kín ghế.
Người đứng vai kề vai, lặng ngắt, bàn tay nắm vào cọc sắt hoặc dây kéo thả từ
trên xuống. Người ngồi cứng đơ như những bức tượng. Mỗi khi xe phanh gấp, tượng
người bê tông đó nghiêng nguyên khối, sau trở về trí cũ. Mắt ai cũng nhìn vào
khoảng trống trước mặt, đem cho người đối diện cảm giác họ đang suy nghĩ rất
sâu về một vấn đề riêng, tất cả đều mang khuôn mặt ơ hờ, bình thản. Bắt gặp ánh
mắt muốn nói chuyện của cô, lập tức những tia lạnh từ mắt người đối diện bắn ra
thông điệp “Đừng làm phiền tôi”.
Ngày ấy.
Thường vào cuối tuần, cô và anh nhảy lên bất cứ xe bus nào
trước mặt. Cảm giác của việc xe chạy thật nhanh, rồi dừng đánh phịch đột ngột
làm mọi người dúi dụi, bất ngờ hít sâu mùi của người bên cạnh. Va đập, hít ngửi
nhau xong, cô và anh luôn phá lên cười. Khách trên xe cũng cười. Những chuyến
đi một mạch qua nhiều bến đỗ, phố dài, phố ngắn, nơi ùn kín xe, đứng chờ cả nửa
giờ, rồi đến đích. Rồi cùng nhau, cô, anh và bác tài quay lại đường cũ. Bác biết,
họ đi “khứ hồi” thế này vì thích nhìn ngó, cảm nhận nơi chốn này, háo hức trên
con đường quen đã bốn năm không cần nhìn cũng biết có cái hố, hay khoảng nào cần
chậm lại vì bên hông, có con hẻm nhỏ, con nít rất hay chạy cùng trái bóng để
sang bên kia chơi. Mỗi ngày một chuyện, cô chú biết không, hôm qua xe bus của
thằng cháu tôi, đỗ một chỗ đợi khách, có bà tự lao vào đuôi xe, nằm trong đấy.
Đúng lúc thằng bé nổ máy chạy đi thế là cán nát bươm. Chết kiểu gì như tự tử ấy.
Mà ác thiệt. Quyết tự tử được thoát cái thân mình, nhưng hại thằng bé mới vào
nghề được vài tháng. Từ lúc cán chết người, nó điên luôn, nằm la hét, cào cấu
trong phòng tạm giam. Lại còn chuyện tối qua, lúc tôi chạy qua ngã chín gần khu
bờ sông, có con bé giận mẹ, cắm dao trong túi quần đi tự tử. Lên xe, ngồi cái
chỗ cô đang ngồi ấy, khóc rống lên, lảm nhảm nói, chửi bố mẹ không cho tiền mua
xe máy. Mọi người mệt, bảo nó khóc ít thôi, nghe cứ như đang đi xe tang. Nó
điên lên, rút ngay con dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô
tô tải đi cùng chiều với xe này. Chết luôn. Giá rau muống lên rồi, mà rau thì
toàn hóa chất, đàn vịt nhà tôi, mới hôm kia lăn ra chết vì ngộ độc rau muống sống.
Mình ăn chín hơn nó, với lại mình to bằng năm mươi lần con vịt, ngấm độc cũng dần
dần, không chết tươi như vịt… Mỗi lần còn hai vị khách đặc biệt, chu du thành
phố bằng xe bus, ông tài thành hướng dẫn viên, nói đủ thứ chuyện không đầu
không cuối. Thời gian đầu, cô dịch cho anh nghe. Hai năm sau, anh vừa nghe vừa
đoán. Đôi khi, anh hiểu thành một chuyện khác.
Từ ngày cô một mình quay lại thành phố này, bác tài nào cũng
như người máy, thành thạo vài động tác đơn giản, chính xác, lịch sự. Khách quẹt
thẻ, im lặng tự vào chỗ ngồi. Khách trả tiền mặt, bác nhìn thẳng, tay chìa đưa
vé, nhận tiền bỏ vào cái hộp nhỏ bên cạnh. Mỗi lần khách chìa tay ra, thấy đầu
bác hơi cúi nhẹ, có thể hiểu đấy là chào. Hôm nay cũng vậy. Hết một chặng đường
dài, trên xe, chỉ còn cô và bác. Cô lên ngồi ghế thường dành cho phụ xe, nhìn
bác chằm chằm, như đánh thức góc quen ngày xưa. “Cháu mới đi nước ngoài về,
cũng hơn một năm rồi, bác còn nhớ cháu không?”. “Dạ, nhớ”. “Bác vẫn vậy, có vẻ
mập hơn. Con gái bác tốt nghiệp đại học, đã đi làm chưa?” Người máy lái xe hơi
giật mình khi nhận ra người quen cũ, nghe hỏi thăm về con gái, không chút động
đậy biểu lộ xúc cảm là sao giữa trăm nghìn người lên xuống xe mỗi ngày, sau hơn
một năm, có người vẫn nhớ là ngày xưa, bác rất căng thẳng chuyện con gái có xin
được việc làm hay thất nghiệp giữa một nơi có cả triệu sinh viên không có việc
làm. Miệng người máy lái ô tô nhả chữ đều đều, lịch sự “Cảm ơn cô, cháu nó đã
đi làm”. Cô biết mình đang vấp vào một điều gì đấy, bao trùm lên tất cả. “Cháu
mới về, muốn hỏi bác vài chuyện, cháu thấy sao sao ấy…” Cô khoát tay, nhăn nhó,
diễn tả khó khăn. “Không còn vẻ náo động của những phố mua bán, người đi lại sắm
đồ. Không thấy các cửa hiệu mở cửa suốt đêm cho khách thập phương. Tất cả có gì
đấy như vừa được siết lại về trật tự. Tiếng động cũng khác xưa”.
Chiếc xe bus chứa sáu mươi chỗ đã kín khách, chạy chiều ngược
lại. Cô hỏi. Tự trả lời. Lại hỏi. Mức căng thẳng dâng cao khi những lời nói như
đập vào tấm kính vô hình trong suốt, cách âm ngăn giữa cô và bác tài. Đến bến
cuối. Khách sau cùng nhảy cái huỵch xuống đất, biến mất trong đêm đen, lái xe
quay sang nhìn cô, xám xanh, không động đậy. Ánh mắt quét lên toàn thân cô hơi
lạnh của thép. Sự khó chịu, khó hiểu toát lên khuôn mặt râu cạo nhẵn, trơn bóng
mồ hôi dầu, càng đáng sợ khi thành phố về đêm, đường vắng, nhập nhòa những ghế
trống, vài dây nắm tay đung đưa, đung đua. Ánh mắt phát đi thông điệp “Cút
ngay. Tao hết sức chịu đựng sự lảm nhảm của mày rồi”.
Không gian lặng ngắt. Cảm giác tang tóc, âm phủ từ bên ngoài,
luồn qua khe cánh cửa lên xuống đã tự động sập lại, đem mùi chết chóc nhuốm dần
lên tất cả khoang xe. Thông điệp lại phát tiếp từ lái xe “Ra khỏi xe, không tao
giết mày”.
Cô lạnh, rồi nóng. Một cơn giận bùng lên. Xông vào lái xe,
người chắc nịch như đổ bê tông, giật mạnh ngực áo “Ông nói đi. Sao ông không muốn
nói chuyện với tôi. Chúng ta có quen nhau và ông cũng nhận ra tôi? Có cái gì ở
đây mà mọi người nhìn nhau như những bóng ma?” Lái xe dùng bàn tay to, chắc
dày, nắm lấy tay cô, giằng mạnh ra, nhìn cô lạnh lẽo “Đừng chọc giận tôi, phiền
đấy”.
Những ngày cuối tuần xưa. Anh và cô chân dép xỏ ngón, quần
soóc lang thang những phố đi bộ. Có khi ngồi bệt bên hàng cháo huyết, phở cuốn
đủ loại chấm nước chao cay, ngậy mùi bơ lạc không đứng lên được vì chuyện của
bà bán hàng về cách làm tương chao, cách hãm huyết heo sao cho thơm, mềm. Giờ
có đi cả phố cũng không thấy những chiếc xe bán trái cây gọt sẵn thơm mát đựng
trong những bịch nilông trắng, thò ra mấy cái que nhọn dùng để xiên khi ăn. Phố
dài sau mưa, mùi hơi mát, hăng hăng lá cây giập vỡ, không còn loáng thoáng mùi
trái cóc chín, hay mùi hủ tiếu bốc ra trong chiếc xoong đun sôi sùng sục nằm gọn
sâu giữa chiếc xe đẩy khắp con đường rợp bóng cây. Không còn sự lộn xộn của cuộc
sống thị dân bao đời vẫn thế. Phố vốn dài, giờ thêm lạnh. Người vẫn đông, nhưng
hết âm thanh, như những diễn viên phim câm. Con phố ngày xưa, anh và cô ôm vòng
giữ ngang hông nhau, sà vào hàng chè thập cẩm, cho chúng tôi tất tật, thập cẩm
của thập cẩm xem nó ra cái mùi gì. Chủ quán cười toét, tung cái li lên cao, rồi
tóm vào chân li như diễn viên xiếc, nhón mỗi loại chè đủ màu xanh đỏ hồng vàng
đen trắng, xúc thêm muỗng đá bào như mảnh kính vụn phủ lên, múa một vòng rồi
đưa ra hai cái li óng ánh màu cho khách.
Ngày cuối tuần nay thành phố như người đông máu, vô cảm dửng
dưng. Thật lạ khi phát hiện ra đời sống của một nơi chốn lại có thể tác động đến
cảm xúc của mình đến thế. Mọi thứ hỗn độn, tiếng động của sự sống và mùi hương
khoáy sâu vào tận những góc riêng tư. Những tế bào trong cô quẫy mạnh, như bung
ra vì bị cầm tù dưới làn da. Chúng phá phách muốn tìm nguyên nhân tại sao mọi
âm thanh của nơi cô và anh quen thuộc, yêu quý này đột ngột biến mất. Thèm nghe
tiếng người lào xào ngày xưa luôn làm cô bức bối, đau đầu, nay lại nhớ nó nao
ruột vì biến đâu mất rồi. Những quán bia hơi vắng, vài người khách nghèo, uống
cốc bia với miếng xoài xanh cho đỡ cơn thèm. Không còn “một hai ba, một hai ba,
một hai ba, dô ô ô…”. San sát nhà hàng đóng băng. Khăn bàn phủ trùm không vết
nhăn, vết ố bẩn. Bát đĩa sạch, mùi mốc từ những tấm thảm chùi chân. Phục vụ đứng
ngay ngắn như người được giao nhiệm vụ nhưng không có việc để hoàn thành, ngơ
ngác buồn vu vơ như mắt những con bò đói bị cột mõm nằm dưới gốc cây.
Chỉ quán Nhật Tusi là còn nghe ran ran tiếng “Irashaimase…
Insamase… Irashaimase…” của phục vụ, nấu bếp chào đón khách. Những chàng trai
khéo tay đứng sau quầy, cuộn sushi các loại, trong những bóng đèn hắt thẳng,
nhoẻn cười đem cảm giác đã gặp được người, điều mà suốt tuần nay cô đi tìm
không thấy. Cơm lươn nướng (món này cô ăn giúp anh) và bình sake nóng. Tiếng
chào khách lan từ cửa chính, tới tận cùng chỗ bà béo đứng rửa bát hút sâu cuối
nhà. Những chàng trai cắm cúi bên lát cá hồi, hay cuốn cơm bằng những tấm nan gỗ
sau đấy lấy lá rong khô bọc, miệng không ngớt. “Insamase… Insamase…” Cô chìm ngập
trong tiếng người hỗn độn thuở nào, dù công suất giảm tối đa, lời qua đáp lại của
những vị khách ngồi dọc hai bên quầy bar, những bàn độc lập nghe rõ hơn, bởi sự
chậm rãi của từng câu nói. Nhìn xoáy vào cô quản lí chính, người duy nhất cũ
nơi nhà hàng này, cô cười thân thiện “Cô có thể ngồi với tôi vài phút, tôi muốn
hỏi chuyện này”. “Dạ!”. Cô quản lí lịch sự ngồi ghé nửa mông lên chiếc ghế cao
nhìn cô trìu mến, chờ đợi. “Tôi có việc phải đi xa thành phố này ba năm”. “Dạ!”.
“Khi về, đã một tuần nay, tôi vẫn không định nghĩa được, có điều gì đấy đã thay
đổi, rất lớn. Tất cả cùng thay đổi”. Cô khoát một vòng tay rộng. “Dạ!”. “Hồi
trước khi đi, tôi và bạn trai thường ăn ở đây, lúc đấy cô đã làm quản lí, cô có
nhớ tôi không?”. “Dạ, tôi có nhớ chị. Bạn chị người Thụy Điển”.
“Đúng rồi”. Chồm người về phía quản lí ngày trước nhanh mồm
nhanh miệng, luôn hỏi cô, là anh nhà chị có hài lòng với món lươn nướng hôm nay
không, hoặc món ngao hấp kiểu Pháp có bị thiếu vị gừng, giờ vẫn ánh mắt thân
thiện, nhưng chỉ thấy “dạ” nhẹ nhàng. “Tôi thấy mất tiếng động. Xe máy, ô tô
cũng ít. Nhiều nhà hàng, hay cửa hàng thời trang lớn đóng cửa, vỉa hè thoáng
đãng. Nhìn chung, là rất thích, rõ ra sự thay đổi, nhưng có điều gì đấy, giống
như cả thành phố này đang đi vắng, hoặc sắp dọn đi, và ai cũng trong tư thế chuẩn
bị”. “Dạ!”. “Tôi muốn cô nói cho tôi lí do, là tại sao – cô lại khoát tay ra
bên ngoài, qua tấm kính lớn, ngoài kia là khu đại lộ, với ngã bảy đường lớn, dẫy
cột điện cao áp chạy dài, những tòa chung cư cao, sáng trắng đèn mờ mịt trong
màn mưa – tại sao tất cả lạnh cóng thế?” “Dạ!”.
Cô hỏi mãi, nói mãi, về sự im lặng đáng ngờ của thành phố, giống
như chết hết rồi, người xe lướt đi dưới một cõi âm như những bóng ma. Đáp lại,
chỉ là ánh mắt ấm áp, đôi môi thoa lớp son bóng mỏng lịch sự, duy nhất một câu
“Dạ!”.
“Sao cô không trả lời tôi?” Cô mở to mắt, trừng trừng nhìn.
Quản lí hơi giật mình, thở dài khe khẽ, rồi nhẹ nhàng, thả giọng đều đều, khác
hẳn sự háo hức nói chuyện ngày xưa: “Dạ, em không biết những điều chị nói chính
xác là cái gì. Có thể chị ở xa về nên thấy khác lạ so với ngày chị đã ở đây.
Nhưng với em, thì không. Mong chị thông cảm. Gần mười năm nay, từ ngày có Tusi
này, em tới nhà nhà hàng là 7 giờ 45 phút, và rời đây về khi 11 giờ đêm. Sáng
nào em cũng đi một con đường bằng taxi kí hợp đồng tháng. Đường về buổi tối thì
ngồi xe hơi của nhà chồng rước. Thực sự, là em không thấy ngày hôm nay khác một
ngày nào đấy của ba năm trước”.
Rượu sake đắng. Mắt cô nhức buốt, giật sâu trong hốc. Biểu hiện
của huyết áp đang dâng cao do thần kinh bị kích động. Gượng cười nhạt, chào quản
lí đang đứng lên đi ra xếp bàn cho sáu người khác ướt lướt thướt vào. Mưa tạnh.
Cô lao ra đường đi như chạy trên dãy phố bán hoa, gần một cổng phía nam khu chợ.
Một đứa trẻ khoảng mười tuổi mặc cái váy hồng, đính những viên đá cũng hồng mắt
nghếch nhìn mấy tấm biển hiệu trên cao, vấp mạnh, ngã chúi xuống. Khi ngã, người
nó đổ đúng vào chân cô. Cô vội cúi xuống nâng lên, xuýt xoa. Bất ngờ, một bàn
tay phụ nữ bóp lấy vai cô, cứng như gọng kìm siết đau nhói. Buông tay ra khỏi
con bé, cô nhăn nhó vì đau, ngẩng nhìn. Người phụ nữ cao gầy, tóc uốn từng lọn
bóng mượt, chiếc váy đen vải mềm ôm sát thân người gọn không tích mỡ, nước hoa
Chanel No.5 thoang thoảng quyến rũ. Ánh mắt bà sắc như mũi tên bắn vào cô, lạnh
ngắt thông điệp “Đi ra chỗ khác ngay”. Cô bủn rủn chân tay, thấy lại ánh mắt
tài xế xe bus đêm trước. Con bé im lặng, nhìn nhanh vào mắt cô vẻ biết ơn, cắn
chặt môi nhịn đau, lồm cồm ngồi dậy, bước chúi đi. Bàn tay trắng nuột thon dài
người mẹ nắm chặt khuỷu tay mũm mĩm của nó, kéo giật về phía trước. Đầu gối nó
chảy máu, nhưng cả hai đều không để ý, đi nhanh như trốn chạy. Cô ngồi bệt xuống
đất tuyệt vọng nhìn theo. Con bé đau một chân, vấp váp theo mẹ đang sải những
bước dài. Chợt nó quay lại, nhìn cô, nhoẻn cười rất vội. Giơ bàn tay không bị mẹ
nắm ra sau, vẫy vẫy chào, khuôn mặt bừng sáng. Cô bật khóc. Cơn tủi thân, sự cô
độc giữa chốn đông người và ý thức những điều mất mát, tốt đẹp đã tuột mất trong
đời làm cô không đứng dậy nổi. Mắt nhòe nước, nên không thể thấy người mẹ khi
biết con gái quay lại vẫy tay nhoẻn cười với người lạ, rất nhanh tát đánh bốp
vào bên má bầu bĩnh của cón bé, giật mạnh tay để hai người đi nhanh hơn.
Cửa sổ phòng khách sạn cô ở trông xuống ngã sáu.
Ngày còn anh. Tối muộn, anh sau khi làm xong việc trên máy
tính, cô vẽ được những phác thảo cho cuốn truyện trẻ con mới, hai người tự thưởng
cho mình bằng cách đứng bên cửa sổ, uống bia lạnh với thịt nguội. Dòng nước men
ngọt ngào thấm qua cổ, trôi xuống như tắm mát cho hai lá phổi. Nhiều lần, cô và
anh tranh cãi là tại sao uống bia lạnh không mát ruột mà lại mát phổi. Quá phản
khoa học, nhưng rõ ràng bia trôi đến đâu, phổi mát đến đó. Dưới đường, loang
loáng ánh đèn, tiếng còi xe, tiếng nhạc đủ thể loại hắt ngược lên. Tiếng ca cải
lương não nề từ chiếc xe bán băng đĩa dạo. Tiếng trống đập rầm rầm loại nhạc
hip hop đang thịnh hành của lũ trẻ phát ra từ hàng thời trang TTT, hay tiếng hủ
tiếu gõ, tiếng phầm phầp nẹt pô xe độ phân khối lớn gây cảm giác xe đi xa mà
khói vẫn quẩn quanh. Thỉnh thoảng, leo lắt tiếng ca buồn ngang ngang ma quái
Khánh Ly hát nhạc Trịnh “Em còn nhớ hay em đã quên… Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng.
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân… Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng…” thấp
thoáng bay ra từ hàng treo biển cắt tóc gội đầu nhưng chủ yếu khách vào chỉ để
nằm phưỡn bụng cho tiếp viên chân trắng thẳng tắp nặn trứng cá và ngoáy tai.
Hai người ôm ngang lưng nhau, bia thấm ngọt lành. Bình yên.
Giữa muôn vàn tiếng động. Anh thì thầm “Anh yêu nơi này quá”. Cô gật, tóc bay
lòa xòa, mắt lấp lánh hạnh phúc “Hai đứa mình may có một nơi chốn để yêu”.
Khoát tay, vòng quanh quầng sáng phía dưới những con đường, cánh tay khua cao
như muốn ôm trọn tất cả những gì xung quanh nơi họ đứng vào lòng. Vẻ mặt mãn
nguyện đem cho anh cảm giác nếu ăn được “nó” cô sẽ ăn hết để giữ trọn cho riêng
mình.
Ba năm qua rồi, giờ cô đứng một mình nơi cửa sổ, nhìn xuống
đường. Sau lưng cô, trong phòng, không có những bức phác thảo rải kín mặt giường.
Không quần áo bừa bãi vắt khắp nơi. Không có anh. Không có bia. Mùa hè nhưng lạnh.
Giá vẽ mini gập nguyên dựng góc cửa. Bảng màu và những ống sơn gọn gàng im lặng
chân giường. Chỉ có cặp giấy trắng, mấy thanh than đen để trên bàn. Một bức kí
họa dang dở. Khuôn mặt con bé nhoẻn cười, bím tóc buộc cao. Cô đã cuống cuồng vẽ
lại nó trong nỗi ám ảnh về nụ cười duy nhất từ ngày quay lại nơi này.
Phía dưới một con chó Nhật lông xù trắng đang đứng giữa đường.
Con chó không hề quan tâm đến ba bề bốn hướng ô tô, xe máy lao rầm rập về phía
mình, thản nhiên đứng sủa bà chủ ở phía đối diện mặt đang tái xanh tức giận.
Người đi đường cũng không bấm còi xua con chó ngang bướng lắm mồm chạy dẹp sang
bên hay dừng lại tìm cách giúp nó chạy tiếp, việc mà cách đây ba năm chắc chắn
xảy ra. Có chiếc xe máy đi chậm chở hai người một nam một nữ đi tới. Cô gái ngồi
sau bước xuống, bằng một động tác nhanh, mạnh, đá thẳng vào giữa mõm con chó.
Con chó nuốt tiếng nằm vật ra đất, cổ ngoẹo sang bên. Xong xuôi, cúi nhặt con
chó mềm oặt, lả như đống bông, hai mắt trợn ngược đặt vào tay người đàn bà đang
đứng chết cứng. Người đàn bà rùng mình bừng tỉnh, sợ hãi ôm con chó chạy cắt
qua đường. Cô gái trở lại vẻ lịch lãm ban đầu, nhẹ nhàng trèo lên xe máy của
chàng trai, hòa vào dòng người lặng lẽ.
Cô chồm người, muốn bay qua khung cửa. Người nóng bừng, rồi
run rẩy vì lạnh. Người đàn bà ôm con chó đi trên vỉa hè, lúc ẩn lúc hiện cạnh
những gốc cây to, đen thẫm. Rồi biến mất.
Ngã sáu người và xe im lìm trôi.
Ngồi trước ông bác sĩ, da mặt căng hồng, hàng ria tỉa đều vắt
ngang trên đôi môi dày, hàm răng bọc sứ trắng bóng, thỉnh thoảng lóe ánh vàng của
một chiếc răng bên phải, cô nói không dừng “Tôi không thể hỏi ai, về sự đổi
khác. Tất cả những người quen cũ đều đi đâu hết. Ngay cái khách sạn trước đây
tôi ở, chủ vẫn là người đấy, phòng tôi ở vẫn phòng đấy, nhưng họ không nói với
tôi về sự thay đổi. Thế là tại sao? Ông cũng đã chữa bệnh đau đầu cho tôi, cũng
quen biết tôi ngày xưa, ông nói đi”. Bác sĩ nhìn thẳng và sâu, hoàn toàn không
hiểu cô đang nói gì. Run rẩy vì bị kích động, cô khởi động Ipad, vào mạng
internet, chìa ra “Ông đọc đi. Tất cả các báo đều viết về những người chết
trong ngày. Ông hiểu không. Chết do nhảy cầu tự vẫn. Chết vì đổ xăng vào người
rồi đốt lên. Chọc nhau một câu trong quán nhậu là vớ dao đâm chết người. Chết
do lật xe, cả một đống người không nhận ai ra ai nữa… Một ngày, có tới gần trăm
người chết. Tin này đứng cạnh tin giá vàng không dao động, vẫn nằm ở ngưỡng cao
hay đang mùa hoa tulip tím ngập tràn Hà Lan… Tại sao mọi người nói về chuyện cướp,
giết tỉnh bơ như vậy?” Ông bác sĩ vẫn ngơ ngác nhìn cô, như đang nghe một ngoại
ngữ lạ. Bấm điện thoại nội bộ, ông gọi một nhân viên vào, nói nhẹ nhàng “Cô nói
khách đợi tôi thêm ba mươi phút nữa. Ca này nặng hơn dự kiến, phải kiểm tra
thêm trước khi quyết định”. Cô y tá hiểu ý bác sĩ sau câu nói ngắn gọn, ánh mắt
sâu vời vợi đầy ẩn ý. Y tá gật đầu lùi ra sau khi quay nhìn cô, tia mắt xa xôi,
không lộ cảm xúc.
Ngoảnh ra nhìn quanh phòng khám rộng, giật mình không hiểu
câu “ca này nặng hơn dự kiến” dành cho cô hay ai. Phòng trống. Cô càng điên loạn,
đấm mạnh xuống mặt bàn “Ông vừa nói gì?”
Ngồi thẳng người trên ghế, bác sĩ nhìn chăm chú vào hình một
xác chết trên trang báo điện tử, bình thản như nhìn những cánh rừng hoa tulip
tím ngắt, hoặc ảnh một người đàn bà đi cạnh một con ngỗng với chú thích “Con ngỗng
là người bạn thân thiết với bà chủ”. Cô chồm người lên, sa sả.
“Tại sao người ta không can một thằng đàn ông ghen với vợ, đổ
xăng lên người cô ấy và đốt cháy? Tại sao một thằng con lại đánh cha đẻ mình đến
hấp hối? Tôi không hiểu. Thành phố này không còn tiếng động. Không còn tiếng những
người bán dạo, tiếng rao hàng trong những con phố”. Bác sĩ nhìn cô, vô hồn. “Có
rất nhiều tấm kính chắn mọi người với nhau. Từ ngày tôi quay về chưa gặp một nụ
cười. Duy nhất một cô bé cười với tôi, ngay lâp tức mẹ nó giật đi mất là sao?
Có chuyện gì, ông nói đi”.
Hôm nay. Năm ngoái. Cô và anh lang thang một ngày bên Nàng
tiên cá. Đan Mạch mùa đông nhưng đúng ngày không có tuyết. Nắng lạnh. Vàng rực
bên hồ phủ lên những tán cây. Những đứa trẻ hai má ửng hồng cười toét miệng, chạy
ra nhặt trái bóng lăn vào chân cô ở quán ăn. Xa xa, những ông bố bà mẹ duỗi
chân trên đất, vừa nhấm nháp cà phê vừa đọc sách. “Trời càng lạnh uống bia càng
ngọt”. Cô chủ quán nói, có món cá đặc biệt, ai đến vùng này đều thử một lần. Có
cặp vợ chồng mặc đồ cưới, cô dâu béo tròn tự tin bên chú rể cao nghêu cười với
khách lạ dọc con đường từ nhà thờ đến quán bia. Đi cạnh là hai người lớn và ba
đứa trẻ. Hai thanh niên trong nhà hàng chạy ra cười tươi khui sâm panh. Trước mặt
mọi người những ly rượu đỏ bọt tràn đầy. “Xin mọi người cùng chia vui với chúng
tôi. Chúng ta là bạn”. Chú rể mặt vẫn còn mụn trứng cá ôm cô dâu da lấm tấm tàn
hương cùng giơ hai ly rượu lên cao. Lạ, quen, chạm ly chúc mừng hạnh phúc. Họ
hôn nhau miệt mài. Có cô bé chừng hai tuổi ngả nghiêng chạy tới ngả vào đùi cô.
Cùng lúc anh vòng tay ôm qua. Gió ràn rạt thổi. Nhắm mắt, nuốt trọn hơi ấm
không gian, thời gian, vòng tay…
Bây giờ, ở nơi chốn của mình, sau ba năm trở lại cô nức nở ôm
mặt khóc.
Bác sĩ nhìn đồng hồ. Không còn vẻ lịch sự đối với người quen,
bệnh nhân, mà với một người cần phải tỏ rõ thái độ. Cô quệt nước mắt… Bác sĩ
như không thấy, những ngón tay đeo chật nhẫn hí hoáy viết vào cuốn sổ y bạ mới
“Nhập viện. Phòng 309. Chuẩn đoán bệnh: Tâm thần giai đoạn 2”.
Chàng trai Thụy Điển xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào một chiều
cuối mùa mưa. Mịt mùng nước giăng thành những tấm nan thủy tinh trắng dầy rơi.
Thành phố phủ màu xám xanh, ủng sũng. Những tán cây cổ thụ ngả rạp. Người và xe
lướt êm trên đường. Anh vừa kết thúc dự án cộng đồng ở một nước châu Phi. Năm
năm trước, nơi đây, ngày kết thúc Dự án khuyến khích trẻ em nông thôn viết, vẽ
và đọc sách, anh và cô, một họa sĩ tự do lên đường sang châu Phi. Được hai năm
cô quay lại đất nước của mình đợi anh về làm đám cưới.
Giờ anh về lại ngã sáu.
Mặt đất bóng loáng. Xe miên miết trôi. Người miên miết đi.
Phòng khách sạn năm nào cửa sổ trông xuống các ngả giao cắt, loáng ánh đèn. Chống
tay ngây dại nhìn mọi vật chuyển động, tiếng nước tí tách chảy trong phòng tắm
như cô đang đứng giũ tóc năm nào. Ngày ấy, sau một tuần lang thang ở một tỉnh
miền núi dạy trẻ em tập vẽ, tập xem và nhận xét về những bức tranh trong khu
trường cấp một xa trung tâm thành phố, hai người về khách sạn. Nước ấm, hương
tinh dầu phủ dài tuổi trẻ, họ yêu nhau như đã xa rất lâu chứ không phải vừa
cùng đi suốt chặng đường dài. Tiếng nước cũng tí tách như hôm nay. Tất cả mọi
chuyển động dưới ngã sáu vẫn như ngày ấy. Không gian mát lành mùi lá cây giập vỡ
như xưa…
Và cô từ buồng tắm bước ra vòng tay ôm lấy anh, rúc mặt vào cổ
hít nhẹ.
Anh đứng yên. Biết mình vừa đi một chuyến rất xa và luôn
ngóng ngày quay lại nơi chốn yêu quý này. Giờ thì anh đã ở đây, còn cô thì đi vắng.
Thành phố dưới kia cũng đi vắng. Anh đứng thế này đợi đến ngày mai. Khi bình
minh lên, ánh sáng ngày mới bao phủ vạn vật, anh sẽ lên chiếc xe bus quen đến
tìm cô.
Hồi chiều, chủ khách sạn lúc mở cửa căn phòng, im lặng đặt
vào tay anh mảnh giấy báo nơi thường trú của cô.
Khu 29, lô E, số mộ 435 - Nghĩa trang Bình Yên.
15/11/2010 Nguyễn Thị Thu Huệ
15/11/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét