Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Giấc xuân - Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Giấc xuân - Truyện ngắn
của Lê Hà Ngân

1. Chợ xuân năm nay không đông vui nhộn nhịp như mùa xuân năm trước. Cây thế bày la liệt, hoa đỗ quyên đỏ thắm, trà phấn hồng chíu chít nụ đợi nắng lên là bung lụa. Những cánh mộc trắng ngà khẽ rùng mình, giá buốt mưa gió càng làm hương mộc ngát hơn. Các dãy hàng bày la liệt, rổ rá cày cuốc, đồ nông sản nhiều tới cơ man nhưng chợ vẫn thưa thớt khách du xuân. Vài ông đồ ngồi bán chữ thở dài nhìn giấy đỏ mưa hắt vào hoen  phẩm. Chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Tâm bị mưa bụi làm vết mực loang dài như nước mắt của chúng sinh. Ông đồ già thở dài nhìn sang hàng bên  có cô đồ trẻ mắt đượm buồn hiu hắt bó gối nhìn mưa rơi. Ông bỗng thở dài rồi lẩm bẩm: Giời đất này chả biết sao nữa? Chợ xuân mà vắng hoe, cũng chỉ tại dịch cúm covid mà thôi. Tiếng thở dài loang trong  giá buốt.
Kéo cao cổ áo khoác cho đỡ lạnh, người đàn ông đảo mắt nhìn khắp chợ, mặc gió mưa, ông sải bước tới  gian hàng bán đồ cổ bày la liệt. Lão chủ hàng đang ngủ gà ngủ gật thấy bước chân khách choàng tỉnh. Một giọng khàn khàn như người nghiện cất lên:
– Gớm trời mưa quá! Ông mua đồ mở hàng cho em đi. Ế ẩm quá! Chưa có năm nào như năm nay, từ sáng tới giờ chưa bán được gì cả.
Người khách ngần ngừ, toan bước đi, nhưng lão bán hàng như tỉnh hẳn :
– Nhờ vía bác cả năm. Bác mua mở hàng cho em đi, em bán rẻ lấy may bác ơi.
Nhà văn Lê Hà Ngân
Tiếng mời chào nài nỉ, khiến khách chẳng đành lòng bước qua. Dõi mắt nhìn một lượt. Đĩa cổ Lý ngư vọng nguyệt, Hạc mai nguyên cặp, tiền đồng các triều đại hàng đống, đồ gốm sứ Lý Trần và cả chén ấm Minh Thanh đủ cả. Đôi hươu lộc bằng đồng đứng cạnh nhau mà vẫn toát lên vẻ bơ vơ. Người khách cầm chiếc nậm lên ngắm nghía. Lão chủ hàng nheo đôi mắt chuột tinh quái véo von:
– Ông quả là người có con mắt tinh tế. Chiếc nậm này có tên Tiêu Tượng, hàng thượng phủ đẹp và lụa không tì vết. Ông xem nét vẽ con voi đang cuộn tàu lá chuối tinh xảo không? Men của nó là men ngọc, đẹp như một bức tình thư ông nhé.
Nói rồi lão ngâm nga:
“ Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi  đâu gượng mở xem”.
Lão đọc thơ Nguyễn Trãi rồi cười khà:
– Đúng là quí vật đi tìm quí nhân, không phải ai cũng nhận ra chiếc nậm này đâu, đại ca ạ!
Khách vẫn lặng im, khuôn mặt tươi hơn một chút, có lẽ khách cũng vui lây cái véo von của lão bán hàng bẻm mép. Qua vài lời mặc cả  phát giá, khách đồng ý mua chiếc nậm Tiêu Tượng. Tần ngần ánh mắt, khách dõi sang hàng đồ cổ bên cạnh, bắt gặp ánh mắt thiếu phụ thật đẹp mà đượm buồn. Nàng ngồi bán hàng mà xa vắng, lơ đãng như chìm vào thế giới huyền bí. Những đồ gốm sứ của nàng cũ kĩ không còn nguyên vẹn, chúng sứt mẻ lệch đôi, lũ đồ đồng hoen rỉ mốc xanh, vài cái cốc bằng đồng như từ các vương triều Trung Hoa cũ. Mươi đồng bạc trắng hoa xòe nằm tênh hênh trên manh chiếu cũ. Không một lời chào hàng thiếu phụ ngước đôi mắt nhung thăm thẳm nhìn khách. Nàng không đẹp rực rỡ kiêu sa như đóa hải đường e ấp trong gió sớm mà nét đẹp nuột nà đằm thắm của cặp môi đỏ tươi, đôi bàn tay trắng như ngó cần đan vào nhau. Nàng ngồi bên những đồ cổ xưa rất giống như vương phi thất thế. Ánh mắt như từ tiền kiếp hiện về ma mị  dẫn dụ. Nhìn lũ ấm đồng thiếp mệt trong gió lạnh, lũ ấm ngả màu vàng sỉn không bắt mắt, lão hàng đồ cổ ngồi bên quan sát thiếu phụ rồi cười khẩy. Khách toan bước đi chợt mắt ông sáng lên trước một vật lạ. Ông ngồi xuống bên lũ ấm cổ, nhẹ tay nâng một chiếc ấm hình con rùa lên. Màu đồng cổ nâu  sạm, nắp ấm là con rùa con, thân ấm là con rùa mẹ, được gò  đúc tinh xảo, có những cổ tự rất đẹp. Không cưỡng được cảm xúc ông cất tiếng hỏi thiếu phụ bán hàng:
– Bao nhiêu tiền chiếc ấm này hả cô?
Thiếu phụ nhìn ông khách phong trần nhưng vẫn không giấu  được vẻ lịch lãm của đất thành kinh. Nàng liếc chiếc ấm cổ, một thoáng ngạc nhiên xuất hiện trong đầu. Chiếc ấm này đã nằm trong sạp hàng đồ cổ bao năm nay từ khi nàng còn bé tí, nó lăn lóc theo cha nàng khắp các lễ hội ngày xuân nhưng chẳng thấy ai hỏi gì cả? Rồi cha nàng về cõi bên kia, nàng theo nghiệp cha quen dần với gánh hàng đồ cổ  nhưng cái ấm vẫn nằm tẻ nhạt trên mẹt hàng của nàng. Sao bây giờ lại có người đàn ông này để ý tới chiếc ấm và cầm trên tay nâng niu thế này? Một thoáng bối rối, đôi mắt nhung huyền thắm thắm ngước lên, giọng nói nhẹ như gió thoảng:
– Tùy ông cho bao nhiêu cũng được. Em bán cho ông chiếc ấm lấy may.
Mắt  nhung gợn sóng thu ba. Nhìn vào đấy  khách như gặp cả bể oan cừu. Thật kì lạ chưa có người bán hàng nào lại thờ ơ với đồng tiền như vậy? Khách bối rồi rồi mỉm cười lấy một nắm tiền mới trong ví đặt vào tay thiếu phụ. Giọng trầm ấm cất lên:
– Bao nhiêu tiền này đủ chưa cô?
Thiếu phụ mỉm cười rồi nhẹ nhàng gật đầu:
– Thưa ông thừa rồi ạ! Cảm ơn ông đã có duyên với chiếc quần ấm mẫu tử này.
Người bán ấm nhoẻn cười, nụ cười  xinh đẹp  bừng sáng khuôn mặt. Khách lâng lâng bước đi trong ánh mắt huyền thăm thẳm vướng víu hương hoa mộc quyến ngọt loang xa, loang xa. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Khách đường xa rùng mình, gió đông mỗi ngày một bạo hơn.
Đại hồng chung chùa Đại Bi chợt ngân nga. Tiếng chuông đúng ngọ cất lên, như giục bước chân người mua ấm. Ông nhanh chân mua thẻ hương, bước vào tam quan. Khói trầm nghi ngút, thấp thoáng vài bóng người đang sì sụp khấn vái  trước Phật đài. Khách thành kính thắp ba nén nhang vào bát hương công đồng, rồi đặt chiếc ấm xuống bệ thờ khấn vái
– Con nam mô a di đà Phật. Con lạy chín phương trời mười phương chư Phật. Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ chư vị tôn thần. Con là họa sỹ ở kinh thành, nay về lễ Phật cầu an, du xuân Viềng Tỉnh  cũng do lòng đam mê cổ vật yêu hồn cốt văn hóa xưa mà được gặp chiếc ấm lạ giữa hội xuân. Có lẽ cũng là một nhân duyên. Con cúi xin Phật Trời phù hộ cho con đem ấm về được bình an may mắn.
Lời khấn vừa dứt. Nén hương thắp vòng tít lại. Chiếc ấm đồng nâu sỉn chợt hồng rực lên như phép màu đã linh hiển. Họa sỹ cúi đầu khấn vái cảm tạ trước tam bảo, mở vuông lụa đỏ trong túi xách bọc lấy chiếc ấm thanh thản bước ra khỏi tam quan
2.
Xe hơi dừng lại nơi biệt thự cổ trồng toàn hoa hồng trắng. Họa sỹ bước xuống. Người quản gia già vội vàng mở cổng:
– Thưa cậu đã về. Cậu vào nhanh kẻo trời đang mưa to ạ!
Cầm chiếc ô từ tay người quản gia, ông sải bước tới tiền sảnh. Biệt thự cổ được kiến trúc  theo lối Gothic vòm mái trang nhã. Tất cả các cánh cửa đều làm bằng đồng và được chạm trổ cầu kì, trong mưa bụi mùa xuân biệt thự đẹp như lâu đài của bá tước phương tây. Điều đặc biệt nhất là lối đi rải sỏi trắng, dọc hai bên trồng toàn hoa hồng trắng. Loài hoa hồng cổ tỏa hương thơm ngát, kẻ mơ mộng nhìn vào sẽ phải thốt lên: Ta đang lạc vào vương quốc bất tử của hoa hồng ư? Và cảm giác sẽ có một nàng công chúa ngủ quên dưới những bụi hồng ấy.
Giũ chiếc áo khoác bay đi mưa bụi đường xa, họa sỹ ngước ánh nhìn nhàn nhạt về phía quản gia rồi cất tiếng:
– Hôm nay tôi đi vắng ở nhà có chuyện gì không?
– Thưa cậu. Có ông Thành đồ cổ tới tìm ạ! Ông ấy còn hẹn là chiều tối sẽ tới để xem tranh và bàn với cậu về vài món đồ cổ ạ!
Họa sỹ  Vũ Thượng nhăn mặt khó chịu khi người quản gia nhắc tới Thành- gã buôn đồ cổ lõi đời và cũng là một kẻ sưu tầm tranh hợm hĩnh. Đã nhiều lần ông muốn tuyệt giao với kẻ trọc phú bần tiện đó nhưng gã cứ bám chằng lấy ông. Lúc gặp mặt, gã xoắn lấy véo von như người của kiếp trước không bằng. Gã mua tranh của Vũ Thượng  treo trong phòng khách nhà mình và luôn ngẩng đầu khoe với thiên hạ rằng họa sỹ với hắn là chỗ tâm giao. Gã luôn mượn danh tiếng của ông để làm sang. Bao lần gã  gọi điện tới ông tắt máy không muốn giao tiếp, nên gã đã rút ra kinh nghiệm xương máu là không việc gì lên tiếng mà cứ đến thẳng biệt thự nếu như muốn gặp chủ nhân. Chiếc áo khoác vừa được người quản gia đỡ lấy treo vào mắc thì cũng là lúc chuông cổng biệt thự reo lên. Họa sỹ nhăn mặt:
– Ta mệt mỏi không muốn tiếp khách lúc này. Lão hãy ra cổng từ chối cho ta.
Giới mỹ thuật đồn rằng họa sỹ Vũ Thượng là gã quí tộc gàn, cực tài nhưng tính cách thì lập dị không giống ai. Vũ Thượng đắm say với nghệ thuật, từng du học ở trường Mỹ thuật danh tiếng  nước ngoài trở về. Vũ Thượng giầu có vì được hưởng một gia sản kếch sù của cha ông để lại. Căn biệt thự này cũng chính  là tài sản của người cha để lại cho con. Nhưng trong con mắt của họa sỹ thì tài sản này chỉ là thứ phù hoa. Nỗi cô đơn luôn gặm nhấm ông. Có những người không bao giờ chịu yên phận  dừng chân ở một chỗ nào nhất định, họ luôn muốn lang thang hết sông dài biển rộng. Có những kẻ tư tưởng chẳng bao giờ bình lặng mà nó luôn lang thang tới tận cùng ngóc ngách của vũ trụ và nhân gian. Cái lang thang đó đã biến thành sự cô đơn đến tận cùng của tâm hồn. Hồn hoang leo ngược đó đã hội tụ cả trong con người của họa sỹ Vũ Thượng. Nhiều khi Vũ Thượng bỏ cả biệt thự khoác ba lô chinh chiến tận miền biên viễn nơi đèo mây, dốc núi để nghe tiếng thở của đại ngàn, ngắm một sắc hoa cải mèo nở rộ trên nương, hoặc ngẩn ngơ buồn bã trước bức tượng nhà mồ của Tây Nguyên. Những chuyến đi xa về, ông lao vào vẽ như điên dại, quên ăn quên ngủ thả hồn vào những bức tranh. Điều đặc biệt hơn trong biệt thự của Vũ Thượng là chẳng bao giờ thấy xuất hiện một bóng hồng. Bao kẻ giàu có gia thế đánh tiếng gả con gái cho họa sỹ, nhiều  cô gái xem tranh của Vũ Thượng cũng trở nên thương nhớ xa xôi. Nhưng tất cả véo von và dư âm đó không làm họa sỹ xuyến xao rung động. Sắp bước sang tuổi năm mươi Vũ Thượng vẫn là họa sỹ độc thân. Mặc dù đã từng du học trời Âu, phong cách đậm sắc thái phương tây nhưng ông vẫn mê cổ vật và mê ấm, có lẽ cũng là gien di truyền từ đời trước để lại.
3.
Chuông cổng lại đổ dồn liên tiếp, người quản gia chậm chạp nhìn chủ đoán ý rồi bước ra mở cổng. Cánh cổng  đồng hé một lối nhỏ chỉ vừa đủ cho mái tóc già nua bạc trắng đưa ra:
– Thưa ông! Cậu chủ mệt, khi khác ông quay lại.
Chưa kịp quay đầu lại khép cổng thì gã lùn đầu tóc bờm xờm, mắt ốc nhồi vằn đỏ, trán ngũ đoản, cất tiếng đầy hơi rượu:
– Sao lão cứ khó khăn với chúng tôi nhỉ? Cho tôi vào chỉ gặp chủ lão năm phút rồi ra luôn có sao đâu. Chủ tớ nhà lão phách lối quá đấy!
Người già yếu làm sao kháng cự được với kẻ đẫm hơi men đang đẩy mạnh cánh cửa bước vào sân  biệt thự. Cái dáng ngắn tủn, đôi bàn chân cập rập như của gã hề làm xiếc, gã buôn đồ cổ vừa đi vừa chạy vào biệt thự. Cứ như thế gã đã tới đại sảnh. Nhìn thấy cái ấm cổ  gói trong tấm lụa đỏ đặt trên bàn trà, chẳng kịp chào hỏi gã vồ lấy:
– Ui danh họa kiếm ở đâu ra vật quý này vậy? Bao nhiêu tiền đây? Cái ấm này lạ nhỉ? Để lại cho đệ nhé!
Thấy chủ nhân của chiếc ấm nhăn mặt không nói tiếng gì, gã  vẫn giả tảng như chả có chuyện gì sảy ra, liền lấy điện thoại chụp lấy chụp để. Gã vật ngửa thân ấm sang trái, lật ngửa những cái chân con rùa mà chụp, cả nắp ấm là con rùa con nữa, mắt gã  hoa lên vì những cổ tự trên thân ấm như phát quang. Ngắm nghía bằng con mắt nhà nghề, soi đồ cổ xong, gã  buông cái ấm vào lụa đỏ :
– Cái ấm này lạ và đẹp, nhưng không khéo đại ca mua phải hàng giả đấy.
Thấy thái độ thờ ơ của chủ nhân, gã  hơi chột dạ. Hình như Vũ Thượng đọc được kiểu dìm hàng của gã. Gã lại chép miệng véo von:
– Nhưng không sao. Cái ấm này vẫn lạ, đại ca cứ để cho đệ nhé. Nó về tay đệ thì sẽ lừa được thiên hạ.
Khuôn mặt đẹp của họa sỹ vẫn lạnh lùng, thờ ơ như không để ý gì đến lời tán tỉnh mánh lới của kẻ buôn đồ cổ. Cảm giác như hồn của họa sỹ đang lênh đênh trôi trên những cánh hoa hồng cổ ngan ngát trong gió xuân ngoài lối đi dẫn vào biệt thự.
– Đại ca làm sao thế? Em gửi đại ca ba ngàn đô gọi là chút lộc đầu năm. Anh để cho em nhé!
Gió vẫn thổi. Hương hồng cổ nồng nàn, hồn vẫn phiêu dạt tận đẩu đâu. Cuộc mà cả độc thoại của kẻ buôn đổ cổ mỗi lúc một ráo riết:
– Anh không nghe em nói gì sao? Cái ấm này em gửi anh bảy ngàn đô anh gật đi để thằng em còn ôm nàng  về dinh.
Tiếng nói của gã như hét lên. Họa sỹ Vũ Thượng như bừng tỉnh, cất tiếng lạnh lùng:
– Quản gia tiễn khách, tôi muốn nghỉ ngơi.
Gã buôn đồ cổ sượng sùng, tiếc rẻ đứng lên. Trước khi rời bước đôi bàn tay ngắn tũn chuối mắn của gã  còn mân mê vuốt ve cái ấm thêm một lần nữa. Bước chân ra tới cổng rồi gã vẫn còn ngoái cổ nhìn vào tiền sảnh.
4.
Đêm chìm sâu trong yên tĩnh. Ngoài hiên vẫn lắc thắc giọt mưa xuân. Họa sỹ thao thức mãi không thể nào ngủ được. Có gì đó bồi hồi thấp thỏm cứ dâng lên trong lòng ông như thủy triều cồn cào trong ngày bão.
Vũ Thượng tiến lại bộ tràng kỉ và ngồi xuống. Chẳng muốn làm phiền người quản gia già nua đã gắn bó với gia đình họa sỹ từ mấy đời trước. Ông lặng lẽ nhặt vài mảnh trầm bỏ vào lư hương. Hương trầm bén lửa tỏa hương ngan ngát, căn phòng thờ vốn tĩnh mịch giờ chập chờn trong ánh lửa và hương thơm. Đôi hồng lạp to như bắp tay cũng được thắp lên. Căn phòng chan hòa  ánh sáng nến. Chợt tiếng ho khẽ từ sau lưng khiến họa sỹ giật mình:
– Cậu muốn gì ạ?
Họa sỹ định thần nhận ra tiếng nói của quản gia. Ái ngại nhìn người hầu già, họa sỹ xua tay:
– Không có gì, mặc ta. Lão cứ đi nghỉ đi kẻo trời lạnh lại ốm..
Người quản gia già ngần ngừ một chút rồi lặng lẽ lui vào phòng sau đi nghỉ. Nhẹ nhàng, họa sỹ lấy chiếc thau đồng thường để bao sái đồ thờ, mở chum rượu Vò Di lâu năm. Khí rượu thơm tràn ngập cả căn phòng làm họa sỹ lâng lâng. Vò Di tửu nổi tiếng của miền Sơn Nam Hạ được một nữ văn sỹ tận tay chưng cất và gửi biếu, họa sỹ nâng niu thường làm đồ phù tửu kính cáo tiên linh giờ được dùng gáo ngà múc ra từ cái chum bịt vải đỏ. Đưa tay đỡ lấy chiếc ấm con rùa bằng đồng, họa sỹ nhẹ nhàng tưới rượu lên thân ấm cọ rửa. Như ma nhập, họa sỹ buột miệng:
– Qua bao tao loạn, nàng đã về với ta rồi ư? Nàng yên tâm ta sẽ yêu thương nàng và nâng niu như bảo bối.
Lời khấn nguyện vừa dứt, chiếc ấm chợt hồng rực lên như có hào quang tỏa sáng. Họa sỹ kinh hãi và mừng rỡ, liền lấy nước sôi dội vào lòng ấm để tráng đi hơi rượu. Một mùi hương trà ngào ngạt từ trong ấm tỏa ra. Đưa tay với lọ trà Long Tỉnh, một thứ trà quí  tận Chiết Giang người ta thường dùng nước suối bản địa mà pha. Nhưng họa sỹ Vũ Thượng là một kẻ sành trà thì lại  dùng những hạt sương trên lá sen, kì công hàng tuần liền khi mùa sen nở nơi đồng nội mà hứng lấy. Trà  Long Tỉnh không ưa nước sôi già mà chỉ sôi lăn tăn là có thể pha mới nhuận hương. Thứ trà một lá, duy nhất trên cây chỉ một búp nhỏ này khi nhấp trên môi tinh thần cực nhẹ nhõm như thức tỉnh lục giác, sảng khoái đến vô cùng. Vũ Thượng yêu trà Long Tỉnh vì nó có thể dẫn người ta vào cõi mơ. Sau biên thức của sảng khoái thì có thể đưa con người vào giấc mơ ngạt ngào đồi núi và bát ngát xanh như một giấc viễn du thần tiên.
Búp trà Long Tỉnh thả vào ấm. Nước trong hỏa lò than cũng reo vui, chiếc ấm đồng sôi lên sùng sục, hương trà thanh khiết tới dị thường. Họa sỹ nhấp chén hương thơm trên môi, chợt trong làn khói thơm mờ ảo của hương trà xuất hiện một người con gái đẹp.Y phục như quận chúa thuở xưa, nhẹ nhàng nở nụ cười tiến về phía mình:
– Chàng ơi! Đã bao năm nay chàng có an mạnh không? Có còn thương nhớ thiếp hay không? Chàng có nhớ bài thơ chàng làm được khắc vào đáy ấm lúc thiếp lên kiệu hoa, vâng lệnh cha gả về miền biên viễn phía Bắc để giữ yên bờ cõi hay không?Chàng còn nhớ bài thơ đẫm lệ đó hay không?
Họa sỹ ngơ ngác như đi trong sương mù, tiếng đọc thơ trong như ngọc cất lên:
Vạn lý xa xôi vạn lý tình
Đào hoa ôm mộng cõi ba sinh
Ta thương hương lửa chưa nồng đượm
Muôn kiếp  phu thê một bóng hình
Nước mắt của nàng trong tựa ngọc tuôn rơi trên gò má thắm. Vũ Thượng thấy lòng mình đau như cắt, cảm giác hàng ngàn mũi kim châm vào tim  tê buốt nhức nhối đến khôn cùng. Người con gái đẹp bất giác tiến về phía họa sỹ, như có một ma lực nào xui khiến Vũ Thượng liền ôm lấy người đẹp. Nước mắt nàng làm nỗi đau trong tim của họa sỹ như dịu hẳn đi. Giọng oanh vàng đẫm lệ vẫn thỏ thẻ bên tai:
– Chàng ơi! Thiếp là con gái tổng đốc miền Sơn Nam Hạ, còn chàng chính là một họa sư danh tiếng. Cha thiếp rất yêu chuộng đồ đồng tinh xảo lên đã mời chàng về vẽ mẫu cho những đồ vật trong dinh mỗi khi cần dùng. Người cũng rất thích được truyền thần lại chân dung của mình, lên hàng tháng trời chàng được cha thiếp lưu lại để họa.
Tiếng thỏ thẻ ngọt ngọt vẫn cất lên:
– Còn thiếp làm sao quên được vẻ anh tuấn của chàng, quên sao được buổi ấy trong vườn hoa khi hải đường e ấp trong gió sớm, chàng đã say đắm vẽ đôi chim uyên ương lên khăn lụa tặng thiếp. Chiếc khăn ấy giờ thiếp vẫn mang bên mình. Ai có ngờ đâu uyên ương nhỏ máu. Cầm chiếc khăn tặng thiếp biết mình đã thuộc về chàng muôn kiếp.  Ngày cưới của chúng ta cũng chính là ngày thiếp nhận định mệnh oan khiên. Phải từ biệt chàng ra đi vĩnh viễn. Phu quân ơi! Đường biên cương lắt lẻo thân gái dặm trường, xa xôi vạn lý thiếp sao đành lòng lỗi đạo phu thê cơ chứ? Hơn tháng trời rong ruổi, thiếp ôm chiếc ấm chàng tặng lúc ra đi chẳng phút nào rời. Chàng ôi! Sao chàng không đợi một ngày chúng ta đoàn tụ mà lại vội vã xông vào đội quân của triều đình mà bỏ mạng nơi chiến địa. Tin dữ từ quê nhà truyền tới làm sao thiếp có thể yên lòng làm phu nhân của tù trưởng miền biên viễn? Rồi cũng chính đêm động phòng hoa chúc, thiếp đã uống rượu độc giao bôi mà rời xa nhân thế vĩnh viễn. Trong cõi luân hồi, thiếp chẳng đành lòng vẫn đi tìm chàng. Nhân duyên cho chúng ta gặp lại nhau đây. Từ nay chỉ xin chàng đừng rời xa thiếp nữa. Thiếp không muốn mất chàng  thêm một lần nữa đâu họa sư của thiếp ơi.
Người con gái đẹp nghẹn ngào khóc òa lên làm Vũ Thượng xúc động thương cảm đưa tay ôm chặt nàng vào lòng. Một mùi hương ngào ngạt làm chàng xốn xang rực nóng toàn thân
Gió xuân mỗi lúc thêm lạnh, Vũ Thượng chợt giật mình khi tiếng gọi của quản gia:
– Cậu ơi! Cậu dậy vào chăn nằm đi, cậu gọi tên ai mà thảng thốt vậy? Có nàng nào đâu? Cậu ngồi đây cả đêm hay sao?
Vũ Thượng choàng tỉnh, người nóng ran, mồ hôi vẫn ướt trên trán. Hương thơm vẫn còn phảng phất trong không gian. Họa sỹ bàng hoàng vì mình vừa trải qua một giấc mơ. Có chút gì run rẩy thổn thức thật lạ dâng lên trong tim họa sỹ. Một câu hỏi mơ hồ chợt nhen lên trong hồn chàng: Không lẽ chàng họa sư của giấc mơ đêm qua chính là tiền thân của ta ư? Và  ta họa sỹ Vũ thượng chính là hậu kiếp nhân duyên của chàng? Họa sỹ chợt  bàng hoàng nhận ra một điều là thiếu phụ xinh đẹp bán ấm nơi Viềng Tỉnh rất giống người con gái trong giấc mơ đêm qua của minh? Ta phải làm sao bây giờ? Tự dưng họa sỹ  thấy nhớ khuôn mặt và bàn tay búp măng đẹp óng sáng của người bán ấm hội xuân quá!
5.
Năm sau, hoa đào nở, nắng xuân tơ lụa bừng sáng miền Sơn Nam Hạ, dịch covid đã bị đẩy lùi. Người ta nô nức đi chợ Viềng bán rủi cầu may. Hoa khoe sắc tươi hồng mời gọi người đi chợ xuân. Những ông đồ, cô đồ  đang hối hả thảo nét bút tươi thắm  cho người đến xin chữ đầu năm. Đại hổng chung chùa Đại Bi vẫn ngân nga thoát tục chứng giám lòng thành cho chúng sinh đi lễ. Mấy gian hàng đồ cổ tíu tít người mua và xem hàng. Người đàn ông lịch lãm, sang trọng dắt tay một thiếu phụ xinh đẹp, đài các tiến tới gian hàng đồ cổ. Đó là họa sỹ Vũ Thượng và người vợ mới cưới. Nhận ra khách quen năm ngoái gã bán đồ cổ véo von:
– May quá lại gặp bác. Chiếc nậm Tiêu Tượng em bán cho bác vẫn đẹp chứ ạ?
Họa sĩ mỉm cười cúi nhìn một vài món đồ cổ của gã rồi cầm lên. Gã bán hàng ngước mắt nhìn thiếu phụ đang nhoẻn cười cùng họa sĩ rồi buột miệng:
– Cô đây là…Tôi không nhầm chứ?
Thốt ra được câu nói đó, hắn im lặng, chăm chú nhìn người đàn bà. Họa sĩ mỉm cười âu yếm cầm tay vợ:
– Đây là nhà tôi, chủ nhân của chiếc ấm đồng mà tôi mua năm ngoái.
Thiếu phụ ngước đôi mắt nhung thăm thẳm nở nụ cười đằm thắm với chồng. Gã bán đồ cổ ngỡ ngàng lẩm bẩm thốt lên: Nhân duyên.
Người vào chợ mỗi lúc một đông, nắng xuân như ửng hồng trên gò má người thiếu phụ đang xoan.
LÊ HÀ NGÂN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...