Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Nữ Tướng Hoa Sen

Nữ Tướng Hoa Sen

Đêm mùa hè ở quê thật tuyệt! Trên vòm trời đêm chi chít những vì sao sáng lấp lánh tựa như những hạt kim tuyến rắc lên tấm vải nhung đen thẫm. Những đêm trăng sáng, ánh trăng bàng bạc trải khắp không gian khiến cảnh vật xung quanh thêm lung linh, kỳ ảo. Gió từ phía đầm sen thổi về mát rượi, mang theo hương sen ngan ngát.
Nhà văn Đào Thu Hà ở Đắk Nông
Nghỉ hè năm nay Hân được bố mẹ cho về quê ngoại. Năm trước vì dịch bệnh, cả năm Hân không được về thăm bà nên lần này Hân vui lắm, chỉ mong mùa hè kéo dài mãi. Mỗi tối, cơm nước xong xuôi, ba bà cháu lại trải chiếc chiếu ra hè ngồi hóng gió. Hân và Bảo – cu em nhà dì ruột Hân ngồi bên cạnh bà, lúc thì thi nhau ríu rít kể chuyện ở trường, ở lớp, khi thì lại đòi bà kể chuyện cổ tích. Vừa nghe bà kể chuyện, vừa ngước nhìn bầu trời đêm. Đêm mùa hè ở quê thật tuyệt! Trên vòm trời đêm chi chít những vì sao sáng lấp lánh tựa như những hạt kim tuyến rắc lên tấm vải nhung đen thẫm. Những đêm trăng sáng, ánh trăng bàng bạc trải khắp không gian khiến cảnh vật xung quanh thêm lung linh, kỳ ảo. Gió từ phía đầm sen thổi về mát rượi, mang theo hương sen ngan ngát. Hân hít hà hương sen, hỏi bà:
– Bà ơi, lúc ở trên thành phố, mùa sen mẹ cháu cũng mua hoa sen về cắm mà sao cháu thấy chẳng thơm như ở quê mình.
Bảo “xì” một tiếng thật dài rồi nói như “ông cụ non” (bà ngoại và dì Ngọc hay trêu cu Bảo là “ông cụ non chính hiệu” vì lúc nào nó cũng nói “y như người lớn” dù cu Bảo mới chỉ học lớp 3, thua Hân tận 3 lớp):
– Có thế mà chị cùng phải hỏi. Sen ở thành phố là sen cắt từ quê lên. Lúc chở trên xe, gió thổi bớt hương rồi thì làm gì còn thơm được như sen ở quê mình nữa.
Nghe cu Bảo nói, bà cười hiền hậu. Đôi tay bà nhặt những hạt đỗ đen để ngày mai nấu chè. Lúc chiều, cu Bảo nói thèm ăn chè đậu đen bà nấu. Hân giúp bà nhặt những hạt đậu đen bị lép bỏ riêng ra, chỉ để lại những hạt đậu căng mẩy, đen bóng. Câu chuyện về hương thơm của hoa sen khiến trong đầu Hân bất chợt nảy lên một câu hỏi:
– Bà ơi, bà có chuyện gì về hoa sen không, bà kể cho chúng cháu nghe đi ạ.
Bà thoáng suy nghĩ một chốc rồi trả lơi:
– Có đấy. Câu chuyện về một nữ anh hùng của dân tộc. Nữ anh hùng ấy sinh ra ngay trên mảnh đất quê hương mình. Để bà kể cho các cháu nghe nhé!
Cu Bảo đang vào nhà tìm mấy tờ giấy màu để làm tranh xé dán, nghe bà kể chuyện cũng vội vàng chạy ra ngồi xuống bên cạnh Hân. Giọng bà nhẹ nhàng, trầm ấm, men theo những cơn gió hè và hương sen ngan ngát đưa Hân và cu Bảo trôi về thời gian rất xa, rất xa về trước…
“Cách đây lâu lắm rồi, từ thời đất nước ta đang bị giặc phương Bắc đô hộ, ở làng Lũng Ngòi có hai vợ chồng ông bà Lê Hoàn nổi tiếng là người nhân đức, độ lượng. Ông Lê Hoàn làm nghề bốc thuốc còn vợ ông làm ruộng. Vợ chồng ông bà thường giúp đỡ, chạy chữa cho người nghèo mà không đòi hỏi tiền nong, không cần báo đáp, không ham danh lợi nên mọi người đều kính trọng, yêu mến và gọi ông là ông lang Lũng Ngòi. Tuy vậy, hai vợ chồng ông về ở với nhau đã lâu mà chưa có con cái.
Một hôm, sau khi xong công việc, hai ông bà ngồi nghỉ chân ở đầm sen của làng hóng gió. Cảnh làng quê về chiều thật đẹp và yên bình. Cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Trong đầm, những búp sen hồng chen lẫn với những chiếc lá xanh thẫm soi bóng xuống mặt đầm. Gió nhẹ lay những búp sen, làn sóng gợn khiến những chiếc lá tròn lay động như những con thuyền nhẹ chao trên làn nước biếc. Hương sen thơm ngát khiến lòng người thêm thư thái. Ngắm nhìn cảnh vật, đưa mắt dõi theo những cánh chim tự do chao liệng trên nền trời, nghĩ đến cảnh nước nhà đang bị kìm kẹp dưới ách đô hộ của giặc bạo tàn, ông Lê Hoàn buột miệng than thở:
– Cảnh làng quê mình đẹp như gấm vóc. Chỉ tiếc là bị giặc giày xéo, người dân lầm than, đau khổ, nào có được mấy thời khắc thảnh thơi mà ngắm nhìn.
Bà vợ ông Lê Hoàn vốn là người phụ nữ chăm chỉ, chịu thương chịu khó lại hết lòng yêu chồng. Thấy ông buồn, bà nhỏ nhẹ an ủi:
– Ông ạ, hết đêm rồi đến sáng, hết mưa rồi lại nắng, biết đâu đến đời con chúng ta mọi sự sẽ khác…
Nghĩ đến chuyện con cái, bà chợt buồn bã. Bà thầm cầu mong trời thương tình cho vợ chồng ông bà đứa con để vui vầy sớm tối lúc tuổi già.
Bà vừa thầm ước thì bỗng trời nổi gió, từ phía chân trời xa tít có một đôi chim bay về phía đầm sen. Đôi chim bay tới gần, ông bà vui mừng nhận ra đó là một đôi chim phượng. Đôi chim phượng lượn cánh trên đồng, sắc lông đỏ rực tỏa sáng như những tia nắng mặt trời. Đôi chim ngân nga những tiếng trong vắt, tựa như tiếng sáo của thần tiên, múa lượn mấy vòng rồi sải cánh bay khuất trong những tầng mây. Ông Lê Hoàn vui mừng bảo vợ:
– Hôm nay nhìn thấy chim phượng, loài chim quý ít người nhìn thấy, chắc là trời ban điềm lành cho vợ chồng mình rồi bà ạ.
Đúng như lời ông dự đoán, ít lâu sau bà có thai, sinh đôi được hai người con gái. Ngày bà sinh, cả làng được bao phủ trong hương sen thơm ngát. Ông bà đặt tên cô chị là Ngọc Thanh, cô em là Ngọc Trinh, thường gọi là Ả Chàng và Ả Chạ.
Lớn lên, Ả Chàng và Ả Chạ đều xinh như những bông hoa sen thắm. Dân làng truyền tai nhau hai nàng là con gái của Nữ thần Hoa Sen, do ông bà ăn ở hiền lành, phúc đức nên trời phái hai người xuống làm con gái của ông bà. Ả Chàng là chị, tính tình đằm thắm, thùy mị nết na, chăm chỉ việc đồng ruộng, may vá. Ả Chạ là em lại đẹp sắc sảo, gương mặt như búp sen, mắt lóng lánh như vì sao sáng, môi đỏ tươi như hoa lựu, thích đánh gậy ném đá. Mỗi lần đi chăn trâu, Ả Chạ thường bày trò cho các trẻ chăn trâu chia làm hai phe chơi trò đánh trận, có khi sứt đầu mẻ trán. Phe của Ả Chạ lúc nào cũng giành chiến thắng. Bọn trẻ chăn trâu phục Ả Chạ lắm.
Năm hai nàng mười chín tuổi, có viên quan đô hộ cho người đến hỏi Ả Chàng về làm thiếp. Ông bà Lê Hoàn và Ả Chàng không chịu, viên quan bèn cậy quyền thế ức hiếp, ép Ả Chàng về. Không chịu khuất nhục, Ả Chàng lao mình xuống đầm sen, hồn nàng hóa vào những bông sen thắm. Hai ông bà Lê Hoàn căm giận kẻ thống trị tàn ác, thương xót con gái đến sinh bệnh rồi lần lượt qua đời. Trước khi mất, ông cầm tay Ả Chạ căn dặn:
– Từ bé con đã chỉ thích học võ, chơi trò đánh trận. Hàng xóm nhiều người đến phàn nàn nhưng cha không bao giờ đánh mắng con vì cha biết con có khí phách của người anh hùng, không như hạng nhi nữ thường tình. Vì nước mất nên nhà mình phải mang nhục, phải cách biệt âm dương. Con phải ghi nhớ mối thù nước, nợ nhà”!
Nghe bà kể đến đây, hai chị em Hân, Bảo đều rơm rớm nước mắt. Cu Bảo vụt đứng dậy:
– Cháu ghét bọn giặc tàn ác. Sau này lớn lên cháu sẽ đi bộ đội. Bố cháu bảo đi bộ đội là bảo vệ đất nước.
Bà âu yếm:
– Vậy thì cháu phải hay ăn chóng lớn, chăm chỉ học tập và rèn luyện sức khỏe thì mới đi bộ đội được.
Hân phụ họa theo bà:
– Thế thì Bảo phải ăn thêm cả rau nữa chứ Bảo lười ăn rau, làm sao mà mạnh được.
Bảo phụng phịu ngồi xuống:
– Từ mai em sẽ ăn rau cho chị xem. Mùa hè sang năm em sẽ cao lớn hơn chị.
Hân kéo dài giọng:
– Ừ, chị nhớ lời này nhé, chị chờ nhé.
Nói rồi, Hân ngồi sát lại gần bà hơn, tựa vào lòng bà:
– Bà ơi, bà kể tiếp đi ạ. Bố mẹ và chị gái mất hết rồi, một mình Ả Chạ làm sao sống hả bà?
Bà đã nhặt đỗ xong, tay bà phe phảy chiếc quạt nan. Đôi bàn tay của bà lúc nào cũng tìm việc để làm, chẳng mấy khi thấy ngơi nghỉ.
“Bố mẹ và chị gái không còn nữa, Ả Chạ luôn ghi nhớ lời cha, nung nấu mối thù nhà nợ nước. Nàng chuyển về ở với người cậu ruột, cùng bàn mưu chống giặc báo quốc. Hai cậu cháu bí mật bí mật tích trữ lương thảo, chiêu tập những người có cùng chung chí hướng, luyện tập võ nghệ.
Tranh của họa sĩ Uyên Thao
Một ngày cuối thu, trời se sắt trong những cơn gió heo may, có một nhóm tráng sĩ tìm đến cậu cháu Ả Chạ. Sau khi thử thách, người cậu và Ả Chạ biết đây là những tráng sĩ có tài chí, cùng chung mối thù với bọn giặc ngoại bang tàn ác nên mời về bàn việc lớn. Các tráng sĩ dò la biết được có một đoàn thuyền lương của giặc sẽ đi từ sông Đáy ra sông Hồng nên đến bàn với Ả Chạ để cướp lương thực. Hai bên bàn bạc tụ hợp những người dân chài phối hợp với các nghĩa binh mà cậu cháu nàng Ả Chạ đã chiêu mộ được tập kích bất ngờ đón đánh đoàn thuyền lương ở bến làng Cao, cách ngã ba sông Hạc ba dặm. Sau khi  cướp được đoàn thuyền lương, nàng Ả Chạ và các tráng sĩ sẽ dựng cờ khởi nghĩa chống giặc giành lại độc lập cho non sông. Người dân khắp nơi cũng đã nổi dậy rồi!
Hai ngày sau, đoàn thuyền lương của giặc đến đỗ ở bến làng Cao đển nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Giặc hạch sách, quấy nhiễu người dân, bắt dân cung phụng đủ thứ để chúng chè chén no say. Lợi dụng đêm tối lúc canh ba, giặc đang say giấc, nghĩa quân của Ả Chạ nổi lửa vây kín đoàn thuyền giặc. Các tráng sĩ mang đao nhảy lên thuyền bắt sống tướng giặc. Các dân chài phối hợp chuyển lương thực từ thuyền giặc đến chỗ cất giấu. Ông cậu cho nghĩa quân chặn đường từ Bạch Hạc để đề phòng quân chi viện của giặc nhưng người dân đã vận chuyển hết lương thực lên bờ, đánh chìm thuyền giặc mà vẫn không thấy bóng quân cứu viện đâu. Nghĩa quân rút lui an toàn.
Ngày hôm sau, Ả Chàng tế cờ khởi nghĩa. Mọi người tôn Ả Chàng làm nữ chủ soái, người cậu là Phó trưởng soái lĩnh quân cơ, nghĩa quân đóng ở Đàm Luân. Giặc kéo quân đến đánh nhưng bị nghĩa quân đánh bại. Nhân dân càng thêm tin tưởng và động viên con em mình theo nghĩa quân đánh giặc. Ả Chàng cùng nghĩa quân của mình xây dựng căn cứ như một bông hoa sen. Đàm Luân là nhị sen, các làng xung quanh là cánh sen che chở, bảo vệ và bao vây, tạo thế từ ngoài đánh ra, từ trong đánh vào khiến cho quân giặc phải thua cuộc lui quân.
Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, hiệu triệu người dân cả nước đứng lên quét sạch giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi. Hào kiệt các nơi về tụ nghĩa. Ả Chàng cũng đem nghĩa binh về với Hai Bà và được giao cho chức Tả tướng quân. Đội quân của Ả Chàng lấy cờ thêu chim phượng làm hiệu, hăng hái xông lên tiêu diệt địch, lập nên nhiều công trạng. Ả Chàng được bà Trưng Trắc phong là Đại tướng quân.
Giặc bị đánh bại phải rút về nước, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Ả Chàng là Ngọc Trinh Công chúa. Ả Chàng nhớ tới câu chuyện ngày bé bố mẹ thường kể cho nghe về đôi chim phượng ở đầm sen quê nhà nên xin được đặt hiệu là Ngọc Phượng”.
Bà dừng lại một chút uống ngụm nước vối. Hân rót nước mời bà. Nước vối bà hãm trong chiếc ấm tích, rót ra cốc có màu xanh nhạt, tỏa thứ hương ngai ngái dễ chịu. Bà bảo mùa hè uống nước vối giải nhiệt, vừa mát vừa tốt cho sức khỏe. Bà còn phơi khô lá vối để dành và gửi làm quà cho mọi người. Uống xong cốc nước, tay bà lại phe phẩy chiếc quạt nan. Cu Bảo đã nằm gối đầu lên chân bà, tấm tắc:
– Cháu đọc truyện cổ tích toàn thấy kể công chúa xinh đẹp đi dự vũ hội và gặp được hoàng tử, nghe bà kể mới thấy có công chúa cưỡi ngựa đánh giặc. Bà ơi, bà kể tiếp đi bà.
– Ừ, để bà kể tiếp cho các cháu nghe.
“Giặc không từ bỏ âm mưu đen tối muốn cướp nước ta bèn cử thêm quân sang chiếm đánh. Đồn Đàm Luân của Ngọc Phượng công chá tức là Ả Chàng nằm ở vị trí che chắn cho Mê Linh nơi Hai Bà Trưng đóng quân nên giặc quyết tâm đánh phá bằng được. Quân giặc đông lại đánh bất ngờ khiến nghĩa quân của Ngọc Phượng công chúa phải cố gắng hết sức để phá vòng vây. Trận đánh diễn ra từ đêm cho đến quá trưa mà vẫn chưa nghỉ. Ngọc Phượng công chúa cưỡi lên chiến mã, mang gươm ra chặn địch. Bị đánh rơi kiếm, nàng liền cởi ngay dải yếm bọc đá làm vũ khí đánh giặc. Khí phách của nàng đã cổ vũ quân sĩ và Nhân dân thêm hăng hái chiến đấu khiến giặc phải tháo chạy rút lui. Cả một năm trời, giặc không có cách nào đánh bại được nghĩa binh của Ngọc Phượng công chúa.
Không thể đánh thắng được, giặc bày mưu tính kế cho quân rút hết, mấy tháng trời không giao chiến. Rồi bất ngờ một hôm giặc bí mật cho quân bao vây, dùng nỏ cứng bắn vào Đàm Luân. Ngọc Phượng công chúa cưỡi ngựa, tuốt gươm cố gắng hết sức chống đỡ nhưng giặc đã cho quân vây kín các ngả không cho các cánh quân ứng cứu nhau. Chiến đấu đến khi bị thương nặng, biết không thể cầm cự được nữa, Ngọc Phượng Công chúa bèn nhảy xuống đầm sen gửi thân. Dân làng bảo nàng là con gái của Nữ Thần Hoa Sen, được trời phái xuống giúp Hai Bà Trưng đuổi giặc, khi mất lại gửi hồn về đầm sen, hồn muôn đời phù hộ cho dân cho nước”.
Bà kể xong rồi mà Hân và Bảo như chưa dứt ra được khỏi câu chuyện. Hân thấy mình muốn khóc vì thương nàng công chúa dũng cảm, gan dạ. Giọng Hân nghèn nghẹn:
– Vậy là Ngọc Phượng công chúa mất rồi hả bà?
Bà xoa đầu Hân:
– Ngọc Phượng công chúa hy sinh vì dân vì nước nên người đời mãi mãi không quên công ơn của nàng. Câu chuyện về nàng mãi như hương sen thơm ngát muôn đời cháu ạ. Người dân quê mình cũng lập đền thờ, năm nào cũng mở hội để tôn vinh công lao và tưởng nhớ Ngọc Phượng công chúa. Hội được mở vào ngày 10 tháng 9 và ngày 4 tháng Giêng, cháu nhớ chưa?
Hân nhìn bà:
– Bà ơi, chiều nào cháu cũng theo em Bảo đi thả diều ở cánh đồng, đi qua đền thờ mà cháu không biết. Tháng 9 cháu phải đi học không về được nhưng tháng Giêng năm sau về ăn Tết, bà dẫn cháu ra đình xem rước tượng Ngọc Phượng công chúa, xem hội bà nhé.
Bà đồng ý rồi giục hai chị em vào ngủ. Đêm đã khuya, những vì sao như càng tỏa sáng lấp lánh hơn. Hương sen trong đêm lại như càng thơm ngát hơn. Hân chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, cô bé thấy một đầm sen bát ngát, những bông sen thắm soi bóng xuống gương nước. Và hình như còn có cả đôi chim phượng múa lượn phía trời mây xanh thẳm…
ĐÀO THU HÀ
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...