Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Gió thổi thì buốt sóng lưng

Gió thổi thì buốt sóng lưng

Lúc cơn gió thổi qua cửa sổ, H’Ban đã thấy lạnh buốt. Cảm giác ướt át như khi mí bước vào cửa, lướt từ nhà trước ra nhà sau, quét ánh mắt nhạt như một người lạ vào H’Ban:
– Ama mày đâu?
– Không biết.
– Sao lại không biết. Mày là con gái lớn trong nhà, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng qua tay mày mà hỏi Ama đâu lại bảo không biết. Mày ghét mí lắm chứ gì?
– Ừ.
– Tao là người đẻ ra mày đấy chứ ừ. Biết thế ngày trước tao nhảy suối cho mày tuột đi rồi. Làm gì còn ngồi ở đấy mà trả lời mẹ thế.
Mí trả lời bằng giọng đắng ngắt. Mắt nhìn con gái mà như nhìn kẻ gian. Nhưng H’Ban không sợ. Cô nhỏm dậy, nhìn trừng trừng. Bao nhiêu năm rồi, mỗi khi mí về nhà, H’Ban đều dành cái nhìn giận dữ, phừng phừng như lửa cho mẹ mình. Và hờn. Không ai nhìn mí mình như thế bao giờ. Ai đẻ ra mình, ai vật vã cả mấy tháng trời, ăn không ăn được, uống không uống được. Rồi 9 tháng 10 ngày, phải chịu cơn đau thấu trời mới sinh được H’Ban có mặt trên đời chứ.
Nhà văn Niê Thanh Mai ở Đắk Lắk
H’Ban chỉ ước gì mí mình đừng bao giờ quay về nhà nữa.
Cứ đi biệt tăm biệt tích ở chốn nào đó. Hay mí lấy chồng, đẻ con ở đâu khuất mắt là được. Mỗi khi mí về rồi mí lại đi, cuốn theo tất cả những bình yên của ngôi nhà gỗ nhỏ xíu của ba cha con, để lại tiếng khóc hờ hờ đòi mẹ của thằng em út, để lại đôi mắt đục ngầu và sự ngật ngưỡng vì say rượu của cha thì H’Ban cảm thấy căm ghét mí tận cùng.
H’Di ngồi bắt chéo chân trên ghế. Ánh mắt ả nhìn H’Ban giễu cợt. Con bé lớn quá. Khéo đứng cạnh mình, nó phải cao vổng hơn cả cái đầu. Con gái lớn mà không sửa soạn, tóc thì buộc cẩu thả, xoăn tít. Váy thì quấn vội vàng.
– Mày không thấy mày đang như cái cây lớn từng ngày hả con?
H’Ban cắm cúi giã cà đắng, tay nắm từng vốc ớt xanh ném vào cối hằn học. Tiếng chày bùm bụp nện xuống cối vẫn đều đều không hề ngừng lại. Nó giã miết, giã miết đến nỗi cà nát tươm rồi, mùi ớt xanh xộc lên mắt lên mũi cay nồng. Có vẻ như nó không thèm nghe thấy tiếng mí nó hỏi. H’Di mặc kệ, hắng giọng. Cái giọng hơi khàn vì hơi thuốc lá có vẻ làm con bé thấy ngột ngạt.
– Con gái bằng tuổi mày thì người ta bắt được chồng rồi đấy. Nhà này cần đàn ông. Cha mày thì coi như bỏ đi rồi. Bắt chồng đi cho có đứa làm nương làm rẫy. Nhà này cứ lạnh lạnh thế nào mày không thấy à?
H’Ban bật khóc tức tưởi.
– Bà cút đi. Ai cho phép bà vào nhà tôi nói lời dạy dỗ. Tôi có bao giờ xem bà là mí tôi đâu.
Ôi. Đau quá. Giá như cầm được cái sào mà chọc. Vác được cái cây mà đuổi thì H’Ban đã làm rồi. Cha không cho chị em H’Ban nói lời hỗn với mí. Cha bảo dù sao mí cũng là người rứt ruột sinh ra hai chị em. Có tệ thế nào thì cũng là người cho mình hình hài trên đời H’Ban à.
Thấy H’Ban giận dữ, thậm chí mắt nó vằn lên đỏ quạch thì H’Di lật đật đứng dậy, đi một hơi ra cửa. Tiếng xe máy vang lên rền rền. H’Ban ôm mặt khóc tu tu. Hờn quá. Giá như khóc xong quên hết mọi thứ thì hôm nay khóc một trận cho thỏa. Khóc từ tối đến sáng. Khóc đến nỗi mắt sưng không thấy đường đi cũng được.
Nhưng có bao giờ quên được nỗi đau của mí gây ra. Nỗi đau dai dẳng suốt hơn hai mươi mùa rẫy. Ngày nào đó, mí nó bảo sống với cha khổ quá. Đàn bà đẹp phải sống sướng chứ sống khổ như người làng thì mí nó không sống được. Thế là một hôm trời đẹp, mí ôm quần áo theo người đàn ông lạ lên thành phố đổi đời.
Hồi ấy H’Ban mới lên hai. Thằng em trai được chừng sáu tháng. Đứa nào cũng gầy quắt queo. Bữa nào cũng húp nước cháo. H’Ban chậm ăn cơm hơn bọn trẻ con trong buôn nên chỉ bằng nắm tay. Bằng thế nào được thì trẻ con trong buôn khi chúng nó hằng ngày được day vú mẹ. Còn H’Ban thì hai chị em tới bữa chỉ có nước cháo.
Thằng em trai khóc suốt. Tiếng khóc ngằn ngặt của thằng bé khó mà dỗ thì H’Ban cũng ấm ức khóc theo. Cha dỗ mãi mà hai đứa con không nín thì bỏ mặc, cha lẳng lặng rót rượu uống một mình hết ly này đến ly khác. Khóc chán chúng nó tự nín, đói quá thì chúng nó tự xúc cho nhau ăn. Vì lúc đó cha đã nằm còng queo vì say rượu mất rồi.
Cứ thế chị em H’Ban tự nuôi nhau lớn. Lúc bé đứa nào cũng khóc nhiều quá nên mới chớm lớn là đã hết nước mắt rồi. Có bị cha mắng thế nào mặt chị em H’Ban cũng trơ ra, tuyệt nhiên không bao giờ khóc cho dù bị đánh.
Vậy mà khi mí bước vào nhà, bao nhiêu uất ức lại ùa về. Lần nào H’Ban cũng hét ầm ĩ. Khi mí ra khỏi nhà là nó lại đổ xuống như cây chuối bị dao phạt ngang gốc. Khóc tu tu như nhà có tang. Khóc như cả đời chưa bao giờ được khóc.
Thôi thì khóc vì tiếng xì xào của người làng về đứa con gái có mẹ đi hoang. Ai cũng thương chị em H’Ban. Rồi người ra chặc lưỡi. Con bé không có mí dạy dỗ mà ngoan lắm, việc lớn việc nhỏ trong nhà một tay nó quán xuyến. Làm nương làm rẫy thì có thằng em trai lo hết. Cha chỉ vác cuốc thong thả theo sau chứ chẳng phải vất vả lo lắng gì.
Thanh niên trong làng ưng bụng H’Ban lắm. Con gái Ê Đê biết làm việc nhà, biết đảm đang, biết nấu cơm, dệt vải như H’Ban bây giờ có nhiều đâu. Nhiều đứa lớn lên chỉ biết chưng diện, quần quần áo áo rồi leo lên xe bọn thanh niên đi tụ tập đấy thôi. Về nhà H’Ban làm rể chắc nhà cửa sẽ ấm, bếp lúc nào cũng đỏ lửa, rồi con cái sau này, chắc sẽ ngoan.
Thì người ta nói thế thôi.
Nhưng nhà có con trai, người ta không muốn đến nhà H’Ban ở rể. Người này người kia bắn tiếng rằng nhà ấy dột từ nóc. Mí H’Ban đó, rồi nhỡ đâu…
Ôi cái tiếng “Nhỡ đâu…” nghe mà nhói tim, nhói ruột.
Cậu bảo xấu hổ lắm anh à, em không có mặt mũi đi hỏi chồng cho cháu. Chị gái em làm người đàn bà xấu thì tội lỗi chị ấy phải gánh. Nhưng cái mặt mo thì dòng họ, anh em mình phải mang. Em là thương các cháu quá anh ơi.
Cậu khóc. H’Ban ghét nước mắt của cậu. Nó làm lòng cô nhói buốt. Chỉ thương cha. Ông ngồi thờ thẫn cả ngày hôm đó, rồi ngày hôm sau nữa. Mờ sáng lên rẫy ông cũng chỉ ngồi thụp dưới gốc cây keo, cứ thế ngồi yên lặng hàng giờ liền.
Một buổi tối sáng trăng. Thằng em trai hỏi H’Ban bằng giọng ráo hoảnh:
– Em rời buôn lên thành phố nhé chị Ban?
– Lên thành phố làm gì?
– Em đi làm. Em muốn thoát khỏi sự ngột ngạt của buôn mình. Ở đây mãi thế này, em chết mất.
Cha ngồi ở bậc cửa, hút thuốc bằng tẩu ngắn. Im lặng không nói gì. Lâu lắm rồi, từ lúc nào không rõ nữa, cha luôn im lặng. H’Ban kéo khung chỉ cho ngay ngắn rồi quay lại nhìn em trai. Nó lớn lúc nào cũng không rõ, tóc xoăn tít, ngực nở vổng lên ra dáng thanh niên thực thụ. Cô cười khẽ:
– Đi đi. Ở nhà có chị rồi. Có sải cánh thì mới thành đại bàng được đúng không cha?
Cha vẫn im lặng. Thằng em trai thở phào. Chắc nó nghĩ H’Ban sẽ cản. Cản thế nào được. H’Ban thấy bất ngờ trước quyết định của nó nhưng không bất ngờ. Biết đâu nó đi ra ngoài, ra khỏi cái buôn Liêng chật hẹp này, cuộc đời nó sẽ khác chứ không đầy rẫy nỗi buồn và sự thù hận như chị nó của bao năm qua.
H’Di nhận ra con bé càng lớn càng giống mình.
Dáng nó cũng tròn lẳng, nước da cũng màu nâu nâu. Nhưng mắt nó thì khác, tròn to và buồn mênh mang. Không giống mẹ, lúng nào cũng lúng liếng, nhìn ai là hút lấy người ta. Nhất là những gã đàn ông cứ chằm chằm nhìn vào cổ áo hun hút, mẩy như hạt lúa đang thì con gái.
Con bé không bao giờ chịu nhận là nó rất giống mẹ. Nó ghét mẹ. H’Di biết. Không chỉ mình con gái, mà chồng H’Di cũng thế, cả dòng họ Niê này cũng thế. Cả làng cũng thế. Người ta khinh miệt ả đàn bà lăng loàn đẹp người mà xấu nết.
Mặc kệ. H’Di vẫn về làng. Kệ ánh mắt căm phẫn của đứa con gái mỗi khi H’Di bước lên cầu thang. Nó không bao giờ đón chào H’Di. Cha nó cũng thế. Cả thằng con trai chưa bao giờ gọi H’Di là mí cả. Mà đúng hơn cả hai chị em nó chưa bao giờ gọi tiếng mí.
Cũng không cần.
H’Di muốn về làng để kéo con bé xuống thành phố phụ mình bán quán nhậu. Ôi đứa con gái mắt nâu, tóc xoăn, mông cong vút của H’Di mà xuất hiện thì bọn đàn ông ở thành phố sẽ ngẩn ngơ cho mà xem. Nhìn nó tất bật lên rẫy, chân lấm đầy bùn đất mà xót quá. Đôi bàn chân của con bé phải được mang giày cao gót, phải xúng xính váy áo thì mới xứng. Bùn lầy chỉ làm nó cũ. Mà không thể để nó ở góc núi như thế. Về phố nó sẽ tỏa hương sắc. Rồi biết đâu con bé vớ được đại gia phố núi nào đó. Biệt thự, xe hơi, quần áo thơm tho. Rồi thì cuộc đời H’Di sẽ đổi. Một bước lên tiên không chừng.
H’Di nghĩ là mưa dầm đất sẽ thấm.
Ừ thì mưa dầm.
H’Di mang về nhà quần áo, son phấn, nước hoa và hằng hà những thứ linh tinh người ta vẫn dành cho con gái thành phố. Thơm phức.
Chờ mãi thì con bé cũng đi về. Có vẻ như nó đi giao vải mới dệt cho người ta. Cứ nhìn khung cửi tháo dang dở thì biết. Nó nhìn H’Di bằng một cái nhìn dửng dưng, cũng không buồn hỏi. H’Di giả lả:
– Mí mang về cho con quần áo và nước hoa. Con gái lớn rồi, sửa soạn cho xinh đẹp bằng nhà người ta con à.
H’Ban không cười, nó gạt mọi thứ sang một bên rồi đứng dậy.
– Tôi không cần những thứ ấy.
– Mày lên thành phố với mí đi con. Đẹp như mày, sống ở xó núi này phí quá con à.
H’Ban sững người. Nó nhìn trân trân vào mặt mẹ nó. Cái nhìn sao giận dữ. Cái nhìn sao căm hờn đến thế. Bao nhiêu năm bà bỏ rơi, mặc kệ nó lay lắt lớn lên như cây dây leo bám vào cổ thụ lớn lên từng ngày. Bây giờ mí nó muốn bứng cái cây mang xuống thành phố để bày cho thiên hạ ngắm hay sao.
Thốt nhiên. Cha H’Ban lao từ nhà sau ra, ông giận dữ phang cái gậy về phía mí nó rất mạnh, gậy tung xuống sàn nhà bật lên vách nhà. H’Ban nhào đến ôm chặt lấy cha, ông đang hét ầm ĩ bằng tiếng đồng bào, giọng nghẹn cứng trong cổ họng vì uất ức quá. H’ Ban chỉ nghe vẳng tiếng hét: “Cút ngay, cút ngay. Đàn bà thối”. Mí nó hoảng hốt chạy tuôn ra cửa rồi nhào xuống cầu thang, thoắt cái biến mất trong bóng chiều chập choạng. Cha quăng gậy, thở dốc. H’Ban đỡ cha ngồi xuống ghế. Lâu lắm rồi mới thấy ông hành động dữ dội như thế.
– Cha à. Cha đừng giận nữa. Con không đi theo mí đâu mà.
– Ả đàn bà đó. Không đáng cho con gọi là mí. Trời ơi.
Cha gục xuống cho cây chuối bị chém đứt ngay gốc. H’Ban ôm lấy vai cha, nhận ra sao vai ông ây gầy quá. Từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên H’Ban ôm cha gần đến thế. Bao nhiêu năm nay, ông cứ lủi thủi ngồi ở bậc cửa, uống rượu trong chai nhỏ rồi nhìn mông lung trước mặt. Những lúc ấy, H’ ban nghĩ nhiều lắm. Đôi khi nghĩ rằng cha mong mí về. Cũng đôi khi nghĩ cha đang hận người đàn bà bỏ cha đi biền biệt. Rồi mơ hồ nghĩ đến việc mí về cha có chào đón không.
Cho đến hôm nay. Khi chứng kiến cha nổi cơn điên dại khi nghe mí dụ dỗ H’Ban bỏ làng theo mí thì H’Ban bỗng thấy mắt mình cay xè. Cay như thể vừa cắm mặt giã xong cối ớt xanh. Và rồi thấy thương cha quá.
Rồi cũng nghĩ. Có phải rời làng thì cuộc đời mới thay đổi không!
Rồi cũng nghĩ. Người đàn ông nào đó sẽ đến và làm chồng mình có phải ở tận thành phố không.
Chỉ nghĩ chừng ấy thôi là H’Ban mất ngủ suốt mấy đêm rồi…
NIÊ THANH MAI
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...