Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Sau bức màn sương khói

Sau bức màn sương khói

Chú muốn tậu đất cất nhà ở đồi hoang ấy thật hả? – Bà Năm Tỷ tò mò hỏi. – Dạ! Nơi phố xá ồn ào quá, vì thế, cháu thích sống ở quê – Bội cười nói. – Đồi hoang ấy, xây nhà, lập vườn trồng cây, được đấy! Có điều…
Ông Ba Hiếu bỏ lửng câu nói nửa chừng, nét mặt lộ vẻ băn khoăn. Bội nhận ra điều đó. Có chuyện gì uẩn khúc chăng? Bội khéo léo gặng hỏi nhưng bà Năm Tỷ và ông Ba Hiếu đều đánh trống lảng khiến anh càng thêm hoài nghi, nghĩ ngợi. Chơi ảnh và tập tành chụp ảnh, anh đến với vùng trung du nhấp nhô gò đồi này săn tìm cái đẹp, tình cờ lạc bước tới đây. Nằm ngay bên con đường liên huyện uốn lượn quanh co, thảm nhựa phẳng lỳ, hồ nước rộng mênh mông trông giống như chiếc gương trời được che giấu bởi rừng keo lá tràm khép tán xanh um, làm Bội ngẩn ngơ. Anh không ngờ ở cái xóm nhỏ độ mươi ngôi nhà tường xây mái ngói sẫm màu thời gian lại có cảnh quan đẹp tuyệt vời đến thế! Bẻ tay lái, Bội chạy xe chầm chậm trên con đường bê tông viền quanh hồ. Phong cảnh thật nên thơ hữu tình. Hình như những chú le le, vịt trời đã quen với sự xuất hiện của con người, bình thản bơi lòng vòng trên mặt nước kiếm ăn, tạo nên những vòng sóng lăn tăn. Gạt chân chống dựng xe, Bội ngồi xuống phiến đá bên đường, vừa châm lửa đốt điếu thuốc lá rít một hơi dài khoan khoái, vừa đưa mắt ngắm nhìn chiếc gương trời. Hơi nước từ mặt hồ bốc lên thành làn khói sóng mỏng manh tan loãng dần trong ánh nắng mai xuân. Đâu đó có tiếng chim cu cườm cúc cu… cúc cu… cúc cu cu… cu… đồng vọng lại. Chuỗi âm thanh thánh thót như bản nhạc không lời do “nhạc sĩ của đồng quê” biểu diễn khiến anh như lạc vào thế giới vô ưu ở chốn hồng trần.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ ở Quảng Nam
 
Đang miên man suy nghĩ, chợt Bội nghe ai đó hỏi từ phía sau: “Chú làm chi đây?”. Giật mình quay lại, anh thấy cô bé trạc mười một, mười hai tuổi, nhoẻn miệng cười. “À, chú ngồi chơi! Còn cháu?”. Anh cũng cười nói. Cô bé không trả lời, lại hỏi: “Chú từ xa tới chụp ảnh le le, vịt trời… bơi ở hồ Thơ?”. Bội ngạc nhiên, chưa kịp nói gì thì cô bé liến thoắng: “Nhà con ở đằng kia. Biết chú chụp ảnh, con đến xem”. “Tại sao cháu lại biết chú chụp ảnh?”. Không giấu được sự tò mò, Bội hỏi. Cô bé lại nhoẻn miệng cười hồn nhiên: “Thì ai mang chiếc túi xách màu đen chạy xe máy tới đây cũng chụp ảnh nên con đoán thế!”. Cô bé có vẻ hay chuyện. Bội không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về cái xóm nhỏ ven hồ và cảnh vật chung quanh. Nhờ thế, anh biết được nhà của từng gia đình ẩn hiện trong những vườn cây sum suê cành lá. Rừng thông Caribê xòe mở vô vàn búp chồi non tơ trông đẹp như mơ ở mạn đông, mạn tây và mạn bắc có tên là Mù U, Gò Mè. Khe suối nhỏ ngày đêm đổ nước vào hồ Thơ qua thác đá cao chừng ba mét, từ xa ngó y hệt dải lụa bạc ai đó bỏ quên. Bất chợt có tiếng gọi: “Út ơi!”. Cô bé dạ và co cẳng vọt về nhà. Bội cũng đứng dậy chạy xe chầm chậm trên con đường bê tông viền quanh hồ. Anh không ngờ ở chỗ dải lụa bạc ai đó bỏ quên lại có cái hố dài bị kẹp giữa một bên là đồi Mù U và một bên là bờ đất cao tạo nên cánh đồng rộng mênh mông ở phía trên.
“Ở bên kia, chỗ nước chảy, đấy là hố bà Dơn”. Bội mỉm cười nhớ lại lời chỉ dẫn của cô bé. Địa thế hố bà Dơn trông giống chữ U đặt nằm ngang, rộng khoảng hai chục mét và dài gần hai trăm mét. Như những vệt xanh được xếp cao dần đều, những thửa ruông bậc thang cứ nối tiếp nhau trải kín cái hố. Ở mé đồi Mù U sim mua cằn cỗi mọc đầy. Mấy con bò nhởn nhơ gặm cỏ. Bội đi dạo lang thang. Và anh nhận ra nơi đây vốn là một khu vườn bởi dấu tích còn hiện hữu là những bờ đá núi chất phân tầng thẳng băng, những gốc mít lụi tàn còn trơ gỗ lũa. Bội đưa mắt nhìn quanh. Hố bà Dơn, nếu chia ra và đắp thành ba cái hồ trồng sen thì tuyệt. Còn mảnh đất hoang hóa có tổng diện tích ước chừng hai héc ta, cất một ngôi nhà tranh tre nứa lá làm nơi sớm tối vào ra để lập vườn trồng cây… Ý nghĩ ấy khiến Bội mường tượng về cuộc sống ở chốn thôn dã yên bình tĩnh lặng, khác hẳn với nơi phố thị ồn ào bon chen mà anh luôn phải mệt mỏi đối mặt. “Chú đến chi đây?”. Ông Ba Hiếu từ rừng thông Caribê bước ra, hỏi. Bội cười chào ông và nói: “Cháu đi chụp ảnh phong cảnh hồ Thơ, thấy chỗ này mọc đầy sim mua đẹp quá nên đi dạo lên xem…”. Hai người đứng trò chuyện với nhau. Lát sau, Bội theo chân ông Ba Hiếu ghé nhà bà Năm Tỷ uống nước. Anh thổ lộ những suy nghĩ của mình. Không ngờ bà Năm Tỷ và ông Ba Hiếu nghe anh nói, hai người nhìn nhau lộ vẻ băn khoăn…
Ngắm mấy kiểu ảnh chân dung mình hiển thị trên màn hình chiếc máy ảnh hiệu Nikon D90, ông Ba Hiếu thích mê tơi. Ông mời Bội về nhà chơi.
“Hồi mô quay trở lại chốn này, chú in sang cho tôi ít tấm to như quyển vở học trò. Hẳn nhiên, tiền nong tôi trả sòng phẳng”. Trên đường đi, ông Ba Hiếu cười bảo. “Chú yên chí! Nhất định cháu sẽ tặng chú vài ba bức ảnh làm kỷ niệm”. Bội cũng cười nói. Buổi trưa hôm đó, Bội ở lại nhà ông Ba Hiếu. Cơm nước xong, hai người ra nằm trên hai chiếc võng mắc dưới tán cây măng cụt sum suê cành lá bên hông nhà trò chuyện với nhau. Bội lại nhắc tới mảnh đất hoang hóa mọc đầy sim mua ở hố bà Dơn. Sau một lúc đắn đo do dự rồi ông Ba Hiếu khẽ khàng bảo: “Chỗ đó chăn thả trâu bò thì không sao nhưng dựng nhà, lập vườn trồng cây lại không ổn”. “Nguyên do?”. Bội hỏi. “Khó nói quá! Mà chú định tậu mảnh đất ấy thật hả? Không được đâu! Bởi con rọm vẫn còn tồn tại, dẫu đã trải qua hơn tám mươi năm có lẻ…”. Đang nằm trên võng, Bội ngồi nhổm dậy, chồm qua ông Ba Hiếu: “Con rọm là con gì? Nó to nhỏ lớn bé thế nào? Làm sao nó lại sống dai như vậy?”. “Đấy là con sâu ngải bà Dơn nuôi để hãm hại người khác những mong làm ăn phát tài phát lộc…”. Ông Ba Hiếu nói. Im lặng hồi lâu rồi ông lại thở dài: “Ở đời, ác giả ác báo. Bà Dơn hại người, con sâu ngải hại bả, cả nhà chết hết chẳng còn một ai!”. Bội bán tín bán nghi. Đoán biết được ý nghĩ của anh, ông Ba Hiếu nói chắc như đinh đóng cột: “Chuyện hoàn toàn có thật. Các bậc cao niên trong làng đều biết rõ…”.
Tò mò, Bội gặng hỏi.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Và ông Ba Hiếu trầm giọng kể.
Theo lời mẹ tôi, hồi ấy – cách đây trên dưới tám mươi năm, mảnh đất hoang hóa mọc đầy sim mua ở mé đồi Mù U và cả hố ruộng bậc thang phía trước là của bà Dơn. Hơn hẳn chồng trong việc tính toán làm ăn, bà ấy trở thành trụ cột gia đình. Hình như lão Xớn – chồng bà ấy, cũng bằng lòng với việc thay bậc đổi ngôi, tuân thủ theo sự sắp đặt của người vợ đảm đang. Hàng ngày, lão dẫn lũ con ra vườn làm lụng. Chăm sóc quế. Dọn cỏ chè. Chất bờ vườn… Lão Xớn và lũ con trần lưng lao động quanh năm một nắng hai sương. Cây cối trong vườn không phụ công người vun xới nên đua nhau đâm cành nhảy nhánh tốt tươi. Ruộng lúa mùa nào cũng bội thu. Cuộc sống của gia đình bà Dơn ngày càng khấm khá, dư dả. Lúc sinh thời, mẹ tôi bảo: “Bà Dơn giàu có nhưng không keo kiệt ky bo. Người làng gặp khó khăn hoạn nạn, đến nhà vay mượn tiền nong thóc gạo, bà sẵn lòng giúp đỡ, không hề tính toán thiệt hơn”. Ông Ba Hiếu ngừng lời, ngước nhìn lên vòm cây măng cụt. Bội kiên nhẫn chờ đợi. Rồi gia đình bà Dơn bất ngờ rẽ sang lối khác đầy bất trắc, khi bà Chín Chỉ – người hay lui tới nhà bà Dơn làm thuê, mắc căn bệnh lạ và qua đời sau ba tháng mười ngày. Đấy là nguyên do xuất hiện lời đồn bà Dơn nuôi sâu ngải thuốc bà Chín Chỉ… Thoạt đầu, ai cũng lắc đầu cười. Nhưng rồi sau đó lại có thêm vài ba người nữa lìa đời bởi căn bệnh lạ khiến thiên hạ đều tin sái cổ.
Ghê sợ gia đình bà Dơn, người làng lảng tránh từ xa. Và miệng lưỡi người đời thêu dệt nên lắm chuyện ly kỳ về con sâu ngải. Có kẻ mạnh mồm khẳng định đã tận mắt nhìn thấy trong buồng bà Dơn có cái chum đặt nằm ngang trong góc xó. Đích thị đó là ổ con rọm. Có kẻ bảo rằng, có lần chăn bò trên đỉnh Mù U, khát nước quá nên ghé nhà bà Dơn xin nước uống, vô tình úp chiếc nón lá trên đống củi chà chất ở góc sân. Đang ngồi trò chuyện với gia chủ, chợt nghe có tiếng con gì đó cựa quậy lột sột trong chum. Mặt bà Dơn bỗng nhiên biến sắc. Rồi bà ấy lấy lý do rải đống củi chà ra phơi, lật ngửa chiếc nón lá ra. Lập tức, tiếng cựa quậy lột sột im bặt, không còn nghe thấy nữa. Lại có kẻ chỉ trời cao đất dày thề rằng, chân ông ta bị chàm bao là vì đi theo lối mòn con rọm kiếm ăn. Hôm ấy, trời vừa tắt nắng, ông ta mang bị chà là từ đỉnh Mù U về nhà, trên đường đi bắt gặp con gì đấy giống y hệt con sâu khổng lồ, to bằng bắp chân, dài gần thước mộc, lông lá màu xám mốc, chạy ngang qua. Ông ta cứ nghĩ do bụng đói nên hoa mắt, trông gà hóa cuốc, cứ thản nhiên rảo bước. Nào ngờ đó là con sâu ngải do bà Dơn nuôi. Chung lối với con rọm một đoạn mà ông ta đã phải mang họa vào thân, bằng chứng là chân trái bị chàm bao thuốc thang đủ thầy vẫn không chữa khỏi… “Miệng lưỡi người đời thật là khiếp hãi. Họ cứ thêu dệt mãi. Rồi ai ai cũng cũng nghĩ bà Dơn nuôi sâu ngải…”. Ông Ba Hiếu trầm giọng nói.
Bội hỏi: “Chú có tin không?”. Ông Ba Hiếu làm thinh. Bội lại hỏi: “Con rọm mà bà Dơn có được do đâu? Và nuôi nó bằng cách nào?”. Ông Ba Hiếu cười: “Chuyện đó, lúc sinh thời mẹ tôi cũng không tường tận. Chỉ bà cụ Mận biết rõ ngọn ngành. Bà cụ đã quy tiên từ đời tám hoánh. Có điều, hồi còn bé tôi đã được nghe bà cụ kể…”. Khẽ e hèm mấy cái rồi ông Ba Hiếu lôi câu chuyện được nghe từ hồi còn bé ra kể. Để tạo con rọm quả là một kỳ công đối với kẻ ác tâm. Thoạt tiên, lấy râu mép ông khái cất kỹ trong tráp gỗ. Đúng mùa trăng, đợi đêm khuya vắng mới đem ra tắm sương. Mờ sáng hôm sau, đem tráp gỗ vô nhà đậy nắp giấu không cho ai biết. Tắm sương như vậy suốt ba mùa trăng. Sau đó, tìm kiếm một mụt măng bụ bẫm vừa nhú lên khỏi mặt đất, mọc khuất lấp trong lùm tre, lấy con dao tre được chuốt sắc nhọn bằng mẻ chai, xẻ một vệt dài và nhét cái râu mép ông khái vào, dùng mảnh vải điều quấn chặt lại, niệm chú. Sau ba tháng mười ngày, mụt măng hóa thành con rọm nằm trong chiếc kén là mảnh vải điều đã chuyển sang màu hồng nhạt. Chọn ngày lành tháng tốt, kẻ ác tâm đợi lúc đêm khuya mới bày lễ vật cúng bái và rước con rọm về nhà nuôi. Bởi vậy, ngày xưa vây hội ngày xuân, khi đâm chết cọp, công việc đầu tiên của đám thanh niên trai tráng là quơ tàu cau đốt cháy trụi lủi hết râu mép ông khái nhằm phòng ngừa kẻ ác tâm lén nhổ đem về nuôi sâu ngải hãm hại người lương thiện trong xóm trong làng.
Bội hoang mang thực sự.
Dường như ông Ba Hiếu không nhận thấy điều đó, tiếp tục câu chuyện dở dang.
Bà cụ Mận bảo rằng, ban ngày con rọm nằm ngủ li bì trong ổ, khi màn đêm buông xuống nó mới bò ra vườn kiếm ăn. Chẳng ai biết nó xơi những gì. Và đó là bí ẩn đối với cả người nuôi. Con rọm có đôi tai cực kỳ thính nhạy, lại kỵ đồ đạc trong nhà để úp. Ngủ li bì nhưng chỉ cần một vật dụng nào đó vô tình lật úp là nó thức giấc cựa quậy và cất tiếng kêu chin chít mơ hồ như từ một cõi xa xăm nào đó vọng tới, thật khó diễn tả thành lời. Bởi vậy, mọi thứ trong nhà bà Dơn đều để ngửa. Mũ nón. Thúng mủng giần sàng. Chổi cau, chổi chà rang quét nhà, quét sân cũng phải dựng ngược nơi kẹt phên, góc hè. Đến áo quần giặt phơi cũng phải lộn trái hết ra. Nuôi rọm như chơi dao hai lưỡi. Mỗi năm thuốc được một người, gia chủ làm ăn phát đạt ngoài mong đợi. Trồng khoai lên xanh tốt. Cấy lúa được mùa vàng. Nuôi heo, heo chóng lớn. Nuôi bò, bò sinh sôi… Ngược lại, năm nào không thuốc được ai, gia chủ làm ăn lụn bại, vợ chồng, con cái ốm đau quặt quẹo triền miên. Mà chú có biết kẻ ác tâm thuốc người lương thiện bằng thứ gì không? Phân con rọm! Nam bảy viên. Nữ chín viên. Cho vào bát nước chè xanh mời uống là xong. Người bị thuốc sau một tuần mới phát bệnh. Bất chợt ruột gan đau quặn thắt, mặt mày tái xanh tái xám, mồ hôi mồ kê tuôn dầm dề. Đau một buổi một ngày rồi thôi. Vài ba hôm mới tái diễn. Miệng đắng, chẳng muốn ăn. Người ngợm ngày một gầy rộc. Cứ như vậy, sau ba tháng mười ngày là hồn lìa khỏi xác…
Ở đời, ác giả ác báo. Gia đình bà Dơn bị người làng ghẻ lạnh lánh xa. Cả nhà bị cô lập, sống thui thủi với nhau ở mé đồi Mù U. Lũ con của họ rơi vào tình cảnh trớ trêu. Trai không lấy được vợ. Gái không lấy được chồng. Không thuốc được ai, họ bị con sâu ngải quay lại hãm hại, làm ăn ngày càng lụn bại thất bát. Sự trừng phạt không dừng ở đó. Cuối năm Giáp Thân – 1944, gia đình họ gặp đại họa. Khởi đầu là bà Dơn. Không rõ bà ấy mắc căn bệnh gì, đau bụng quằn quại, ỉa đái, nôn mửa suốt ba ngày ba đêm rồi chết. Hết vợ đến chồng. Và rồi tới chín người con cùng mắc căn bệnh giống hệt nhau. Cụ Sáu Thiên – lương y nổi tiếng trong vùng, cũng bó tay, không chữa trị được. Xóm làng lo lắng. Ai cũng khiếp sợ không dám tới gần. Chẳng còn cách nào khác hơn là đứng từ xa phóng hỏa đốt nhà cho cháy thành tro tất cả… Ông Ba Hiếu khẽ thở dài. Hai người hai cánh võng nghiêng chao. Rồi ông Ba Hiếu lại lên tiếng. Cả làng ai cũng đinh ninh con sâu ngải ấy đã bị chết cháy trong vụ phóng hỏa đốt nhà bà Dơn vào chiều hôm đó. Không ngờ nó vẫn còn sống. Hãm hại gia đình bà Dơn chết sạch trơn rồi nó bỏ đi. Thi thoảng người làng lên đồi Mù U quơ củi, hái trái chà là… khi quay về nhà lúc trời chập choạng tối, họ tình cờ bắt gặp nó bò đi kiếm ăn. “Đã hơn tám mươi năm trôi qua nhưng con sâu ngải ấy vẫn còn tồn tại, vì thế dân ở đây luôn e ngại cái hố bà Dơn. Bỏ hoang hóa để chăn thả trâu bò không sao. Dựng nhà, lập vườn trồng cây, biết đâu đấy, con sâu ngải ấy quay về hãm hại thì nguy”. Ông Ba Hiếu cảnh báo.
– Vì sao chú lại tin như vậy? – Bội hỏi.
– Thì mọi người đều suy nghĩ như thế, nào riêng gì tôi! – Ông Ba Hiếu phân bua – Mà chú bán tín bán nghi thì hỏi cụ Sáu Thiên, khắc rõ!
Ông Ba Hiếu cho hay, vị lương y nổi tiếng trong vùng dù đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Hằng ngày ông cụ vẫn bắt mạch, cắt thuốc chữa bệnh cho bà con nghèo ở quê. “Nhà cụ ở đâu?”. Bội hỏi. “Cũng gần thôi!”. Ông Ba Hiếu cười. Rồi ông tận tình hướng dẫn đường đi nước bước cho anh. Chung quanh câu chuyện về người đàn bà có quá nhiều yếu tố hoang đường như những lớp khói sương phủ che sự thật. Bội linh cảm có gì đó khuất tất mà anh chưa biết. Mẹ ông Ba Hiếu bảo rằng, “Bà Dơn giàu có nhưng không keo kiệt ky bo. Người làng gặp khó khăn hoạn nạn, đến nhà vay mượn tiền nong thóc gạo, bà sẵn lòng giúp đỡ, không hề tính toán thiệt hơn”. Người như thế không thể ác tâm được. Khi ông Ba Hiếu vác cuốc ra đồng làm buổi chiều, Bội cũng khác túi xách lên vai chạy xe máy đến nhà cụ Sáu Thiên. Đã hơn bách niên nhưng trông cụ như mới ngoài chín mươi. Người chắc khỏe. Da dẻ hồng hào. Sau tuần trà nước, cụ Sáu Thiên cười hỏi Bội: “Hình như chú là người từ xa đến? Tôi đoán thế bởi nghe giọng nói không phải xứ này”. Bội gật đầu xác nhận. Rồi anh trình bày lý do mình có mặt ở đây. Cụ Sáu Thiên cười: “Chú quả là người tinh ý. Hơn bảy thập kỷ trôi qua, chú là người đầu tiên phát hiện ra điều vô lý trong câu chuyện kể về bà Dơn. Chú muốn biết sự thật?”. “Dạ vâng!”. Bội lại gật đầu.
Cụ Sáu Thiên lặng nhìn cánh đồng bậc thang lúa đông xuân đang thì con gái ở phía trước nhà. Tất cả mọi chuyện đã lùi vào quá khứ xa xôi nên cụ tĩnh tâm ngồi lục tìm lại. Bội thầm nghĩ. Thực ra, bà Dơn và gia đình bà ấy chỉ là những nạn nhân của thói đời ganh ăn ghét ở mà thôi! Cụ Sáu Thiên chậm rãi nói. Mấy kẻ làm thuê từ giã cõi trần chẳng phải do bà Dơn hãm hại bằng cách lén bỏ phân con rọm vào nước uống, cơm ăn. Họ mắc căn bệnh hiểm nghèo thứ tư trong tứ chứng nan y: Phong, lao, cổ, lải. Cái chết của họ đã bị đám địa chủ phú hộ trong vùng lợi dụng để tung tin thất thiệt nhằm triệt hạ gia đình bà Dơn. Vì sao ư? Vì bà ấy luôn sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khó khiến bọn họ mất đi nguồn lợi từ cho vay nặng lãi. Ngày ấy dân mình còn u mê do hạn chế về nhiều mặt, mù quáng tin vào những điều bịa đặt hoang đường, không tưởng. Bà Dơn nuôi sâu ngải? Nào có ai trông thấy hình thù nó như thế nào? Tại sao người ta lại bắt gặp nó lúc trời chập choạng tối, thời khắc nhập nhằng giữa ngày đã tàn và đêm chưa sang? Bằng chứng mà mấy kẻ làm thuê cho bà Dơn chết vì căn bệnh hiểm nghèo thứ tư trong tứ chứng nan y lại biểu hiện rất rõ, đó là lúc đau bụng quằn quại, khi người lại bình thường, nhưng thể xác ngày một xanh xao gầy guộc. Họ trút hơi thở cuối cùng vì không còn sức sống. Cụ Sáu Thiên cười bảo với Bội: “Chú không nói nhưng tôi biết chú đang tự hỏi rằng tôi hiểu rõ mọi việc sao không lên tiếng, đúng không? Tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn đã biến tôi thành người lạc lõng…”.
“Bỗng dưng cả nhà bà Dơn ngã bệnh và chết hết trơn trong một thời gian ngắn là điều cháu rất băn khoăn, thưa cụ!”. Bội nói. Vị lương y ngồi trầm ngâm như hóa đá. Mãi một lúc sau cụ mới nén tiếng thở dài trả lời Bội. Hồi đó, những năm bốn mươi của thế kỷ XX, vùng quê này thỉnh thoảng lại xảy ra bệnh thổ tả. Căn bệnh truyền nhiễm ấy, ngày xưa đông y không có thuốc chữa hiệu nghiệm. Cả nhà bà Dơn chết vì thổ tả. Họ không có ai thân thích ruột rà. Và người làng lo sợ căn bệnh ấy lây lan nên đứng từ xa phóng hỏa đốt nhà. Bảo bà Dơn không thuốc được ai, con sâu ngải quay lại hãm hại cả nhà chỉ là lời đồn thổi vô cớ do đám địa chủ phú hộ bịa đặt. “Rất nhiều người ở cái xóm nhỏ bên hồ Thơ vẫn còn tin chuyện con sâu ngải. Tại sao cụ không giải thích cho họ hiểu?”. Bội hỏi. “Ở đời, có sự thật cần phải làm sáng tỏ nhưng cũng có sự thật cần phải biết lặng im”. Cụ Sáu Thiên mỉm cười độ lượng. Bội ngơ ngác. Mảnh đất hoang hóa ở mé đồi Mù U là của chung tất cả mọi người. Không ai dám chiếm hữu vì họ còn tin vào câu chuyện hoang đường. Nếu nói ra sự thật, ắt sẽ có lắm kẻ giành giật bằng mọi cách và mọi giá. Mà thời buổi này, như chú biết đấy, chỉ vì thẻo đất bé tí tẹo, vợ giết chồng, cha giết con, anh giết em… Nói ra sự thật liệu có nên chăng? Câu hỏi khiến Bội càng thêm khâm phục sự uyên thâm và tầm nhìn xa rộng của cụ Sáu Thiên.
Quê kiểng bây giờ đã và đang bị đô thị hóa với tốc độ chóng mặt. Tre pheo không còn. Chim chóc biến mất. Mảnh đất hoang hóa ở mé đồi Mù U là sân chơi chung của bọn trẻ con trong xóm trong làng. Hè sang, bọn chúng lên đó chăn trâu thả bò và tha hồ khám phá bao điều mới lạ về cỏ cây hoa lá ở quê. Bọn chúng sẽ không sao hình dung được màu tím của hoa mua hoa sim, không sao biết được cây lá chổi, cây cơm nguội… nếu mảnh đất hoang hóa ấy không còn nữa! Cụ Sáu Thiên ngừng lời cầm tách trà chiêu một ngụm nhỏ: “Chú là người từ xa đến nên tôi mới kể. Nghe xong, mong chú bỏ ngoài tai. Và tôi khuyên chú hãy từ bỏ ý định tậu đất cất nhà ở đấy, bởi thói đời ganh ăn ghét ở thời nào cũng thật đáng sợ”. “Vâng, cháu hiểu! Cháu cám ơn cụ nhiều…”. Bội chân thành nói.
NGUYỄN TAM MỸ
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...