Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Đất nghèo - Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng

Đất nghèo - Truyện ngắn
Chu Quang Mạnh Thắng

Quê hương đây rồi. Mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của Thân đây rồi. Thế mà đã  mười năm hắn sống xa quê. Nhanh thật. Mười năm cứ như một giấc mơ, một giấc mơ ngắn ngủi. Bởi những gì về quá khứ, về những tháng ngày hắn sống ở mảnh đất này như vẫn còn đây, vẫn còn nhiều lắm. Nó in đậm trong trí nhớ của hắn như đã được khắc sâu vào từ một bàn tay của Thượng Đế, và chẳng bao giờ hắn quên được.
Bước những bước chân rắn rỏi đi về phía cổng làng, hắn cảm thấy hồi hộp. Hắn lại cố đi nhanh một chút, rồi một chút. Hắn đi như chạy, chỉ một chút nữa thôi, hắn sẽ gặp lại cha, gặp lại bà con lối xóm và bè bạn…
Tới cổng làng, hắn dừng lại ngắm hai con chó đá. Chúng vẫn ngồi lặng lẽ nhìn ra cánh đồng mênh mông như muốn bảo: “Anh cứ vào làng đi! Bây giờ, những người lính canh như chúng tôi chẳng còn tác dụng gì nữa rồi!” – Ngày xưa, chúng ngồi oai phong lắm. Ai đi ra, đi vào cũng đều được nhìn thấy chúng. Bây giờ, người ta kéo chúng vào sát hai bên góc đường, cho ngồi chung với mấy bụi ké xanh um. Dẹp gọn chúng vào hai bên góc để mở rộng cái cổng làng cổ lỗ, lấy chỗ cho xe công nông chạy ra, chạy vào khỏi quệt.
Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng
Một nhóm trẻ con bỗng từ đâu ào tới, chúng đứng ngơ ngáo trước cổng làng nhìn người “khách lạ”. Hắn quay lên, nhìn đám trẻ con nhếch nhác, ăn mặc xộc xệch như những con rối làm bằng gỗ khi còn nhỏ, hắn và đám bạn vẫn hay chơi. Khẽ nở một nụ cười thân thiện với bọn trẻ, hắn xoa đầu một đứa bé có gương mặt quen quen rồi hỏi:
– Cháu con ai?
– Dạ, cháu con bố Tự! – Thằng bé vừa được hắn xoa đầu ngoan ngoãn trả lời.
– Thế à! – Hắn ngạc nhiên – Con bố Tự đã lớn thế rồi à? Giống bố quá!
– Chú này, cháu đã lên bảy rồi đấy! – Thằng bé hơi vênh mặt lên một chút.
Ờ, phải! Hắn chép miệng. Nhanh thật, không khéo lát nữa, ngay cả thằng bố nó cũng quên luôn cả hắn rồi cũng nên.
Đi vào làng, có bọn trẻ con hộ tống phía sau, hắn bước về phía nhà mình ở giữa làng. Bức tường rào bằng đất ngày xưa hắn đắp vẫn còn đây, mặc dù nó đã bị mưa nắng làm trơ ra khá nhiều sỏi nhưng sẽ còn bền lắm. Ngày trước, hắn trộn bùn rất nhiễn với rơm khô, hai thứ ấy mà kết hợp với nhau thì còn lâu mới hỏng được.
Ông Mùi, bố hắn đang loay hoay làm cái gì đó ở ngoài vườn, bỗng nghe bọn trẻ con hét toáng lên:
– Ông Mùi ơi, có khách!
Ông Mùi ngẩng đầu lên rồi chạy ra cổng, ông nheo mắt nhìn rồi thốt lên:
– Thằng Thân, mày đã về rồi hả?
Hắn mừng rỡ ôm chầm lấy ông cụ rồi đi vào nhà:
– Con định tết mới về nhưng sốt ruột quá, chẳng biết dạo này thầy sống ra sao? Quê hương đổi mới thế nào? Con về lần này, nhân tiện đón thầy vào Tây Nguyên luôn!
Ông Mùi chặc lưỡi:
– Thôi, thầy chẳng đi đâu. Già rồi, sống ở quê cho có bạn!
Hắn mệt mỏi định ngồi xuống, bỗng thấy léo nhéo ngoài cổng rồi bà con họ hàng ùa vào kín cả sân. Người thì đang nấu cơm, người thì đang làm đồng…, họ hay tin, kéo hết cả sang đây, líu ríu thăm hỏi, tay bắt mặt mừng như thể đã mấy chục năm rồi không gặp. Người thì bảo hắn có già đi nhiều, người thì khen hắn chững chạc quá…
– Ôi dào! Người chứ có phải Tiên đâu mà không thay đổi!
Một giọng nói bỗng vang lên từ ngoài cổng làm cho hắn phải ngóc đầu lên cao, cố nhìn cho bằng được thủ phạm. Thì ra là nó, vẫn là cái giọng bốp chát, ngay thẳng của thằng Tự ngày nào. Hắn liền chạy ra. Hai người ôm chầm lấy nhau, vui mừng không kể xiết…
Rồi Tự buông hắn ra, miệng vẫn bô bô:
– Tao nghe thằng con trai tao nó mách nhà ông Mùi “có khách”. Nghe tả sơ sơ, tao đoán ngay là mày! Sao hả, nghe nói mày ở trong đó, làm kinh tế được lắm hả?…
Hắn gật đầu:
– Cũng tạm! Còn mày, sao?
Tự chép miệng:
– Ôi, sống ở cái mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này thì mày biết rồi…
– . . .
Mọi câu chuyện cứ thế, nổ vang như  pháo Bình Đà… Chẳng cần vào nhà, cũng chẳng cần trà nước, bà con họ hàng cứ đứng quây lấy hắn ở giữa sân mà thăm hỏi, mà trò chuyện… Chẳng mấy chốc, cái cổ họng của hắn đã khản đặc, nói không ra lời nữa. Lúc này, mọi người mới chịu ra về cho hắn được nghỉ ngơi…
* * *
Chiều. Tự bắt con gà trống thiến, bảo vợ làm cơm thật gấp để lát nữa tiếp khách quí ở Tây Nguyên mới ra. Xong, Tự sai thằng con trai sang gọi Thân qua uống rượu. Một lát sau, Thân đã vác thằng bé chạy sang. Đặt thằng bé xuống đất, Thân cười hì hì:
– Cu cậu cũng nặng ra phết đấy nhỉ?
Thằng bé lại ôm choàng lấy cổ người bạn của bố nó.
– Tại, không được nũng nịu với bác! – Tự quát.
Thằng bé bèn chạy vù đi. Nó ra đường, chơi đùa với đám trẻ cùng làng. Lát sau, nó chạy về, miệng méo xệch. Tự lại quắc mắt:
– Sao lại khóc?
Thằng bé thút thít…
– Thằng Hải…
– Cái đồ ăn hại, to xác mà lại để cho nó đánh. Lại còn khóc nữa hả?
Thằng bé vẫn rưng rưng nước mắt. Thân liền ôm nó vào lòng.
Tự chép miệng:
– Bây giờ, chúng nó nghịch lắm, nghịch hơn chúng mình ngày xưa nhiều! À, cái thằng vừa đánh thằng Tại nhà mình là con cái Hằng đấy! Thằng chồng nó vẫn đánh cho như đập đất chỉ vì những cái tội không đâu ấy. Tội nghiệp con bé, ngày xưa xinh gái nhất làng…
– Thế à? Sao mà thằng chồng nó vũ phu thế?
Tự lắc đầu:
– Không hiểu, kể từ lúc lấy được cái Hằng rồi, nó vẫn thường vũ phu thế đấy! Giá mà cái Hằng lấy được mày thì quả là một cặp trai tài gái sắc!… À, mà thôi, ta ngồi uống rượu kẻo thức ăn nguội hết rồi!
Thằng Tự, cái thằng bạn nối khố của Thân ngày xưa, nay đã là bố của hai đứa trẻ con rồi. Sao mà chúng nó… nhanh thế nhỉ?
Hắn chép miệng:
– Mới đây mà chúng mình đã bước sang tuổi ba mươi rồi!
Tự với chai rượu, vừa rót vừa hỏi:
– Sao? Chừng nào thì cậu mới chịu lấy vợ?
– Chưa biết! – Hắn lại chép miệng.
– Kìa, uống đi chứ! Ở quê, chỉ có thứ rượu này thôi! Rượu ông ngoại thằng Tại mới nấu đấy! Tay nghề của ông cụ cũng khá đấy chứ?
Hắn lại ngửa cổ uống hết chén rượu thơm nồng rồi gật đầu:
– Ngon! Đã lâu lắm mới được nếm mùi rượu gạo của làng mình!
Tự cũng ngửa cổ uống hết một chén rượu rồi hỏi:
– Năm nay cà phê thế nào rồi?
– Tạm được!
Tự gật gù:
– Vậy là tốt rồi!
– Cũng may dạo trước mình tiếc không chặt bỏ. Phí lắm. Mồ hôi, nước mắt của mình bao nhiêu năm trời chứ ít gì!
Hắn tặc lưỡi:
– Chậc, ở đời ai biết được chữ ngờ? Ngày trước, cũng có khối kẻ giàu lên nhờ cà phê đấy chứ! Rồi lại có khối kẻ phải méo mặt vì nó!
– Mày còn tăng gia gì thêm không?
– Có chứ! Phải xoay ra mà nuôi ong! Bây giờ, tao đã gây được vài trăm đàn rồi!
– Mày quả là giỏi! Tao mà vào trong ấy, có nước chết đói mất!
Thân đưa ly rượu lên nhấm nháp rồi tiếp:
– Ngày xưa, tao vào Buôn Ma Thuột làm thuê, chán rồi lại lên Kon Tum… Rồi lại trở về Krôngpăk. Cuối cùng thì dừng chân ở đó. Cũng cực đủ mọi bề rồi mới có ngày hôm nay đấy chứ. Bây giờ bảo về quê thì khó dứt đi được lắm. Chỗ nào mình đã đổ mồ hôi xuống thì chỗ đó cũng chẳng khác gì một quê hương!
– Thôi, thế cũng được! Dù sao thì cũng vẫn hơn ở quê! Chậc, bây giờ ở quê chỉ thấy toàn người với chuột. Chỗ nào cũng thấy chuột và người. Nào thì chuột nhà, nào thì chuột đồng… Chúng nó gặm xơ cả cái mảnh đất này rồi…
Tự nói rồi uống ực một ly rượu. Khuôn mặt Tự buồn buồn…
Chẳng mấy chốc, cả hai đã gật gù như hai ông cụ non đang bàn việc nước. Ngoài vườn, những cơn gió mùa đông-bắc đầu tiên đã tràn về.
Tiết trời se se lạnh…
* * *
Thân thả bộ trên con đê quen thuộc của làng. Cái con đê ngày nào, hắn cùng bọn thằng Tự vẫn thường coi như một lãnh thổ riêng của mình. Nơi đây, biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu vẫn còn in đậm trong tâm trí của hắn. Thế mà thấm thoát đã ba chục tuổi đầu rồi. Bọn thằng Tự thì đã trở thành một ông bố. Cô bạn gái của hắn ngày nào nay cũng đã là một bà mẹ. Còn hắn thì đã trở thành một gã trai già. Nghĩ tới Hằng, hắn bỗng thấy nôn nao như cái thủa hai đứa còn lén lút hẹn hò nhau ở bãi dâu ven đê, dưới những ánh trăng trong vắt của đêm hè hoặc dưới cái lạnh thấu xương của những đêm mùa đông băng giá… Thủa ấy, cái thủa hai đứa còn mười tám, đôi mươi. Cái thủa không còn trẻ con nhưng cũng chưa hẳn là người lớn ấy, hắn đã yêu và cũng đã được yêu. Một mối tình đẹp đẽ… Vậy mà, khi phát hiện con gái mình tòn ten với con trai ông Mùi, ông bố của Hằng liền cấm tiệt. Thời trai trẻ, ông bố của Hằng và ông Mùi đã cùng yêu một cô gái trong làng. Cô gái khá xinh xắn và đảm đang sau này đã trở thành vợ ông Mùi (mẹ của Thân). Từ đó, ông bố của Hằng cứ hục hoặc với ông Mùi suốt năm này qua tháng nọ. Mối tình của Thân và Hằng cũng bị chia rẽ bởi những sự hục hoặc vớ vẩn ấy. Rồi chẳng bao lâu sau, cô phải đi lấy chồng. Chồng cô là một gã trai cùng làng nhưng chưa một lần cô yêu hắn. Hồng nhan thì bạc phận. Thương cho số phận của người yêu. Buồn bã cho cái số phận của mình, hắn bỏ làng, cùng thằng em trai vào Tây Nguyên làm ăn rồi hắn đi biệt luôn đến bây giờ mới chịu về. Ngày mai, nhất định hắn sẽ sang thăm xem cuộc sống của Hằng bây giờ thế nào…
Dừng chân trước quán nước của cụ Khai ở cạnh gốc cây đa bên cạnh bến đò ngang. Đã mấy chục năm nay rồi, cụ Khai vẫn đóng đô ở đây, ngày ngày nhìn ngắm người đời qua lại. Thỉnh  thoảng, mới có một vài kẻ lỡ đò ngồi sà vào làm vội một, hai chén trà nguội rồi lại đi ngay. Cụ cũng tranh thủ một vài phút hiếm hoi ấy, khi thì tò mò hỏi xem vị khách này quê ở đâu, khi thì hỏi xem anh kia về nơi nào, khi thì cụ lại bâng quơ than trách cái sự đời…
Thấy hắn, cụ Khai đon đả:
– Vào làm vài chén trà quê hương đã cậu!
Hắn khom người cho khỏi chạm đầu vào chiếc mái rạ rồi chui vào, ngồi xuống chiếc ghế bằng gỗ đã lõm xuống vì lâu ngày. Hắn biết, chiếc ghế này đã tồn tại ít nhất là vài chục năm nay, khi hắn còn nhỏ, đã thấy nó hiện diện ở trên cõi đời này rồi, có điều hồi đó, chiếc ghế chưa lõm sâu như bây giờ.
Rót cho hắn một chén trà nóng, cụ Khai sởi lởi:
– Sao hả, lần này về thăm quê, có thấy nó khác đi nhiều không?
Nhấm một ngụp trà. Xong, hắn đặt chén trà xuống mặt bàn:
– Khác nhiều cụ ạ!
Cụ Khai cười buồn:
– Khác là khác thế nào mới được chứ?
– Cái gì cũng khác cụ ạ! Chỉ có con người là vẫn vậy!…
Cụ Khai có vẻ hài lòng với những nhận xét của hắn. Cụ gật đầu:
– Đúng, cậu nhận xét rất đúng! Chỉ có con người là vẫn thế! Đúng, khà, khà, đúng…
Lại đưa chén trà lên nhấm nháp, lại chép miệng rồi hắn buồn bã nhìn ra dòng sông đang lặng lẽ trôi. Có lẽ chỉ có dòng sông là bình an vô sự trước cái cuộc sống đầy những bon chen, tính toán và chụp giật của những con người lam lũ ở chốn này. Nhưng không? Cụ Khai đã thở dài rồi báo cho hắn một cái tin giật gân và không thể nào tin được:
– Dòng sông này bị “bán” rồi đấy cậu ạ!
Rồi cụ lắc đầu:
– Có lẽ tôi nói “bán” thì hơi quá nhưng nó cũng gần như vậy!
Có vẻ chưa hiểu lắm về cái chuyện “bán” sông, hắn thắc mắc:
– Cụ bảo bán sông là bán thế nào? Ai mua? Và mua để làm gì?
Cụ Khai chỉ tay xuống những chiếc thuyền đang hút cát trên sông:
– Đấy! Đấy là những kẻ đã “mua” những khúc sông này để được quyền tự do khai thác cát! Sau khi “hợp đồng chui” với chính quyền địa phương, mỗi kẻ được độc quyền một khúc. Mấy tháng trước, có mấy kẻ còn tranh giành, chém nhau rớt cả cánh tay xuống sông vì vi phạm ranh giới của nhau nữa đấy! Ranh giới thì bảo vệ được, còn cánh tay thì mò mãi không thấy đâu!
– Ôi, khủng khiếp! – Hắn lại chép miệng.
Tiếng cụ Khai thở dài:
– Thế đấy cậu ạ! Con người ở đây bây giờ là thế cả. Chỉ vì cái nghèo nên sinh ra đủ thứ chuyện. Người ta sẵn sàng bán rẻ cả lương tâm, bán rẻ cả anh em, bè bạn, đôi khi cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo…
Thật không thể hiểu nổi. Hắn bỗng cảm thấy có cái gì đó đắng nghét đang dâng trào lên tận cổ họng? Hắn với tay lấy ấm trà, rót thêm một chén rồi ngửa cổ uống cho cái cục đắng nó trôi đi, khỏi nghẹn…
Hắn lại thả bộ trên con đường đất đỏ đi về làng. Phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn, hắn vẫn bước đi. Hai bên vệ đường, bọn trẻ chăn trâu đang la hét đuổi nhau chạy xuôi ngược. Một đứa lao sầm vào Thân rồi lại vùng chạy, miệng xin lỗi rối rít… Hắn chợt nhớ lại hình ảnh của mình và bọn thằng Tự ngày nào. Cũng ham chơi và nghịch ngợm. Những buổi chiều đi chăn trâu cũng là những buổi chiều đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Ấy là những buổi bỏ mặc cho đàn trâu mê mải gặm cỏ trên đê. Còn hắn và bọn thằng Tự thì rủ nhau vào làng hái trộm bưởi hặc bơi sang sông đánh nhau với bọn trẻ chăn trâu ở bên ấy chỉ vì những lý do rất trẻ con… Những buổi chiều xưa ấy, sao mà đáng yêu quá!
Về tới cổng làng, chợt thấy có tiếng xôn xao phía nhà Hằng. Mọi người đang xúm đen, xúm đỏ. Không hiểu có chuyện gì? Thân cũng vội chạy vào. Phía trong, đứa con nhỏ và ông chồng vũ phu của Hằng đang ôm bụng giãy giụa, co giật như bị động kinh, nôn ói liên tục… Còn Hằng, cô đang luống cuống mếu máo không biết phải làm thế nào? Rẽ đám đông, hắn tiến sát vào bên trong. Nhìn mâm cơm đang ăn dở và những thứ thức ăn bị nôn ra đầy nhà, nhiều người cũng như hắn đều khẳng định:
– Bị ngộ độc thức ăn rồi!
Hằng ngước lên nhìn. Trước mặt cô là Thân. Bữa  qua, nghe tin hắn về, cô cũng bồn chồn lắm mà chưa dám sang chơi, sợ thằng chồng vũ phu nó lại gây chuyện nữa thì khổ. Mười năm không gặp. Bây giờ, hai người lại gặp mặt nhau trong hoàn cảnh như thế này, thật chẳng tiện chút nào. Hồi nãy, không hiểu sao, vừa ăn được bát cơm, đứa con và chồng cô đã lăn đùng ra làm cô sợ phát khiếp. Cũng may là cô còn bận ra giếng rửa rổ rau sống cho bố con nó ăn nên chưa kịp và miếng cơm nào.
Mọi người đành xúm vào giúp khiêng chồng con của Hằng ra cổng. Hai chiếc xe Minsk được huy động tới. Thân ôm sốc anh chồng của Hằng leo lên một chiếc xe. Cả đứa con trai của Hằng cũng lập tức được chở theo…
Cả vùng bỗng bàng hoàng khi được tin gia đình cô Hằng bị trúng độc! Chưa biết sống chết thế nào?
* * *
Trưa hôm sau, Hằng quyết định sang thăm và cám ơn Thân. Cô rón rén đi vào, lột chiếc nón lá cầm trên tay, ngại ngùng đứng ngoài cửa.
Thân ở trong nhà một mình. Hắn đang mải rình đập mấy con chuột khốn nạn lại cắn mất đôi dày mà hắn mới mua để đeo đi chơi cho ra dáng một chút. Tiếng đập lụp bụp vang lên kèm theo những tiếng chửi tức tối của hắn trong căn nhà cổ thấp lè tè làm cho Hằng cảm thấy hơi ngại… Những con chuột đáng ghét, cũng chính vì chúng mà người chồng của Hằng đã xuýt giết chết cả nhà khi dùng khoai lang tẩm thuốc độc đặt trên nắp thùng gạo để bẫy chuột và không may đã bẫy luôn cả gia đình mình.
Đứng một lúc, Hằng quyết định lui ra.
Trong nhà, hắn bỗng “xung phong” chạy ra với một cây gậy trên tay và một tên chuột đang “xung phong” chạy phía trước. Thấy Hằng, hắn đứng khựng lại, quăng cây gậy, chạy ra cổng:
– Hằng! Hằng!
Hằng dừng bước, ngại ngùng không biết nên đi tiếp hay quay lại. Hắn tất tưởi chạy ra với một chiếc áo sơ mi bị chuột cắn thủng lỗ chỗ, trông hắn thật hài hước, chẳng khác nào một thằng hề đang chuẩn bị lên sân khấu diễn trò.
Hắn bối rối:
– Hằng vào nhà!
Đứng phân vân một chút, Hằng quyết định quay lại, theo hắn đi vào nhà, ngồi xuống mép phản, lúng túng:
– Em sang đây là để cám ơn  anh về chuyện hôm qua!
Hắn cũng bối rối xua tay:
– Có gì đâu mà Hằng phải cám ơn!
– Hôm qua, không có anh và hàng xóm giúp đỡ kịp thì gia đình em không biết ra sao rồi!
– Ôi, chuyện vặt ấy mà, Hằng bận tâm làm gì? À, ông xã và cháu khỏe hẳn chưa?
Hằng khẽ cúi xuống, mân mê vành nón lá:
– Dạ, cũng khỏe cả rồi!
Hắn mừng rỡ:
– Như vậy là tốt rồi!
– Hôm qua nếu không có anh và bà con lối xóm, em cũng chẳng biết phải xoay xở thế nào!
Hắn vội xua tay:
– Thôi, chuyện nhỏ mà, không nên nhắc lại nữa Hằng ạ!
Rồi Hắn tiếp:
– Dạo này, ông cụ bên nhà có khỏe không?
– Cũng không được khỏe lắm đâu anh ạ!
– Thế à? Chắc ngày mai, anh phải sang thăm cụ một chút, mặc kệ ông cụ ghét anh cỡ nào!
Hằng bỗng im lặng. Trên gương mặt cô, khẽ thoảng qua một nét buồn. Đã hơn chục năm nay, cô mới lại được ngồi nói chuyện với Thân. Hắn thì vẫn thế, vẫn luôn là một kẻ tốt bụng. Nhưng cô thì đã khác, đã là một người phụ nữ có chồng con. Điều đó đã không cho phép cô được ngồi ở đây lâu hơn nữa. Thiên hạ mà  xì xầm to nhỏ thì khổ, cái thằng chồng vũ phu của cô lại chẳng có thêm duyên cớ để mà hành hạ cô nữa ấy chứ. Cái mối tình của cô và hắn ngày xưa, ở cái làng này, có ai mà không biết. Hồi sáng này, đã có vài kẻ ác mồm ác miệng đồn rằng, cô đã cho thuốc chuột vào thức ăn, đầu độc chồng con cho chết hết, để có cơ hội trở về với người yêu cũ. Ác gì mà ác quá thế không biết? Cô cũng không ngờ cái chuyện chồng con bị trúng độc, lại trúng ngay cái dịp Thân trở về sau mười năm xa quê. Thiên hạ lại tha hồ thêu dệt đủ thứ chuyện. Còn thằng chồng vũ phu lại tha hồ có lý do để mà hành hạ cô…
Hằng liền đứng dậy, hai tay vẫn mân mê vành nón:
– Thôi, em phải về!
– Từ từ đã, Hằng!
Hắn vội nắm lấy tay Hằng, kéo lại. Đã chục năm rồi, hắn mới lại được nắm bàn tay của Hằng. Bàn tay cô vẫn mềm mại như thời con gái nhưng hơi thô giáp vì lao động nhiều. Hằng bỗng run lên y như lần đầu hai người nắm tay nhau ở ngoài bãi dâu ven sông… Đêm hôm ấy, hắn đã ôm cô, hắn đã hôn cô, hắn đã tỏ tình với cô… Cũng sau đêm hôm ấy, cô đã không còn là con gái. Cô đã cho hắn tất cả… Hai vòng tay đã siết chặt như chẳng bao giờ tách rời nhau được, vậy mà…
Như không kìm được, hắn đứng bật dậy, ôm choàng lấy Hằng. Cô cũng vòng tay, ôm chặt lấy hắn. Chiếc nón lá rơi xuống bên cạnh, nằm lăn lóc. Hắn hôn như mưa lên khuôn mặt trái xoan và cái cổ trắng ngần của Hằng. Hơi thở hắn và hơi thở của Hằng cùng vang lên gấp gáp…
Rồi cả hai cùng ngã nhẹ xuống chiếc phản gỗ đã lên màu đen bóng…
* * *
Đi ra phía cổng làng, ông Mùi khẽ chùi nước mắt, bảo với hàng xóm:
– Thôi, kệ nó, muốn bán thì bán. Ngôi nhà này, trước sau gì cũng là của nó! Còn tôi! – Ông Mùi lại lau nước mắt – Tôi sẽ không đi, nhất định tôi sẽ không đi khỏi làng!
Một người có vẻ ngạc nhiên vì thái độ rứt khoát của ông cụ:
– Ông không muốn đi theo con cháu thì ông ở lại đây với ai?
– Ở đây với bà con chòm xóm, với ông bà tổ tiên và mẹ chúng nó đang nằm ở trên kia! – Ông Mùi chỉ tay lên một ngọn đồi cao ở cạnh làng.
Rồi ông đi về phía ngọn đồi, nơi người vợ quá cố của ông đang nằm yên nghỉ.
Một vài kẻ bèn lắc đầu, chế giễu:
– Đúng là ông già lẩm cẩm! Sướng không muốn lại cứ muốn khổ! Sống với con cháu không muốn lại cứ muốn sống vò võ một mình!…
– . . .
Nghe phong phanh chuyện Thân bán nhà, Tự liền chạy sang. Thân đang ngồi một mình, vẻ suy tính…
– Sao, mày định bán nhà thật hả? – Tự hỏi nhỏ.
– Ừ! – Hắn gật đầu – Nhưng vấn đề là kể cả khi bán nhà rồi, ông cụ vẫn không  chịu đi!
– Quả thực, mày không còn cách nào sao?
Hắn thở dài:
– Tao định tính thế này nhưng…
– Mày định tính thế nào?
Hắn kéo Tự ra ngoài vườn:
– Tao định nhường lại ngôi nhà này cho vợ chồng thằng Tỵ nhà bác Ngọ. Bảo vợ chồng nó trông coi giùm, đồng thời hương khói cho tổ tiên. Thỉnh thoảng, anh em tao về thăm quê, cũng còn có chỗ để chui ra, chui vào!
– Hay! – Tự vỗ tay đánh bép – Như thế thì còn gì bằng?
– Nhưng như thế thì ông cụ lại càng không chịu đi! Chẳng lẽ để ông cụ sống với vợ chồng thằng Tỵ à?
– Ừ, cũng căng đấy nhỉ! Hay là mày cứ để cho cụ ở lại, ép cụ làm gì! Không ở với con thì ở với cháu cũng tốt chứ sao!
Hắn chép miệng:
– Con cái cả đống mà lại để cụ phải sống với thằng cháu thì còn ra thể thống gì?
– Ôi dào! – Tự xua tay – Có sao đâu! Tại ông cụ không muốn đi chứ có phải tại mày ép cụ ở lại đâu nào!
Suy ngẫm một lúc, hắn đành gật đầu:
– Có lẽ đành phải chiều theo ý ông cụ vậy!
Rồi hắn quay sang nắm lấy hai vai Tự:
– Có mày ở nhà, thỉnh thoảng sang động viên ông cụ giùm tao nhá!
– Được rồi! – Tự gật đầu – Mày cứ yên tâm!
* * *
Thấm thoát cũng đã chục ngày kể từ khi Thân về thăm quê. Ngày mai cũng là ngày Thân phải trở vào Tây Nguyên. Bữa cơm cuối cùng khá đông đủ. Có cả gia đình nhà bác Ngọ cùng hai người bạn không thể thiếu của hắn, ấy là vợ chồng thằng Tự.
Hôm nay, vợ chồng Tỵ cũng chính thức dọn về ở và trông coi căn nhà này. Căn nhà do ông bà để lại cho ông Mùi và người thừa kế sau này là Thân nhưng hắn đã nhường lại cho vợ chồng Tỵ để sau này còn có chỗ đi về…
Bữa cơm diễn ra khá vui vẻ và đầm ấm.
Hắn và Tự, đôi bạn thân nhau như con chấy cắn đôi từ thủa nhỏ lại chúc nhau những ly rượu cuối cùng. Ngày mai, hắn phải đi rồi và không biết đến năm nào mới lại trở về?
Tự khật khừ:
– Lần sau nhớ đừng về một mình đấy nhé! Năm nay ba chục tuổi rồi đấy!
Hắn cười khì khì:
– Lần sau “về ba” được không?
– Ừ, ba bốn gì cũng được. Miễn là đừng về một mình!
– . . .
Sáng hôm sau, hắn lại một mình rời khỏi làng. Hắn không hề biết rằng, có một người con gái đang nấp trong cánh cổng dõi nhìn theo và khóc. Đó là người con gái mà hắn đã từng yêu…
Chín tháng sau, Hằng sinh ra một đứa con gái. Đứa con gái ấy càng lớn càng trở nên xinh xắn và thông minh lạ. Chồng cô vẫn vũ phu và càng hay đánh đập, hành hạ vợ khi ngày nào cũng phải nhìn thấy đứa con gái xinh đẹp do vợ gã sinh ra nhưng lại chẳng… giống mình.
CHU QUANG MẠNH THẮNG
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...