Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Chuyện ở viện dưỡng lão

Chuyện ở viện dưỡng lão

Tôi đưa đơn ly hôn chồng khi bước sang tuổi bảy mươi. Những người quen biết trong thành phố đều hết sức sửng sốt. Nhưng với tôi đó là niềm hạnh phúc mà tôi tự thấy thỏa mãn.
Chúng tôi yêu nhau và tự nguyện đến với nhau như bao cặp vợ chồng khác. Cuộc sống thường nhật cũng trôi đi như trăm ngàn người xung quanh mình. Chúng tôi cùng có đam mê yêu nghề của mình. Anh thì dạy toán còn tôi dạy sử. Chúng tôi chơi với nhau từ khi học cấp ba rồi vào đại học, đến khi ra trường cùng đi dậy học, vì thế chúng tôi cùng có một môi trường làm việc liên quan đến nhau. Tình yêu của chúng tôi cũng như những người cùng trang lứa, lấy nhau thì lo toan chỗ ở, lo toan sinh con, đứa một rồi đứa hai, rồi đứa ba. Thời đó nhiều người sinh con nhiều hơn tôi đến bốn năm đứa ấy chứ, nhà tôi ba đứa thì vẫn gọi là ít. Công việc túi bụi cứ cuốn đi, khi những đứa con đã hết cữ sài, đẹn thì tôi nhi nhoe làm thơ, vốn dân chuyên văn nhưng khi vào đại học không hiểu sao thì tôi lại được vào khoa sử. Thế là thành cô giáo dạy sử, nhưng cái máu mê văn chương thì không lụi tàn đi tí nào. Lúc còn túi bụi với con cái thì tạm quên đi nhưng khi đã ổn định mọi thứ thì cái máu mê văn chương ấy lại tưng bừng để tôi có những khoảng riêng cho mình. Làm được một chùm thơ ưng ý, thơ được đăng báo thì lòng tôi còn rạo rực nhiều hơn. Tôi như có người tình trong mộng để chìm đắm vào những khoảnh khắc ấy. Tuy thế, nhưng mọi công việc với cuộc sống hiện hữu với chồng, con tôi vẫn chu toàn.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc ở Quảng Ninh
Trong trường tôi vẫn được đồng nghiệp suy tôn vì là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nếu không vì…nhường cho chồng thì tôi cũng đi học lên nữa và chuyển sang làm quản lý như anh. Nhưng tôi yêu đàn con của tôi. Tôi yêu cái sự yên ấm của gia đình mà mình tạo dựng nên bao năm. Lòng tôi luôn tâm niệm, phúc đức tại mẫu, vì thế, với ba đứa con, tôi đã định hướng cho chúng từ bé, luôn phải phấn đấu bằng con đường học hành như cha mẹ, không được ỷ thế vào cha mẹ mà sinh lười nhác. Và đến tuổi này thì tôi hoàn toàn yên tâm và tự hào về ba đứa con đã theo đúng ý tôi, chúng thành đạt ở  các ngành nghề mà chúng theo đuổi. Chúng có gia đình riêng êm ấm và cũng đang hướng cho bọn trẻ con học hành như tôi đã từng làm với chúng. Đến tuổi này tôi mừng lắm. Vợ chồng không đau ốm nặng, tiền bạc cũng không thừa thãi nhưng không phải là thiếu thốn. Nhà cửa thì chắc chắn là nhà tôi cũng không đến nỗi nào, khi có đủ điều kiện thì chúng tôi đã xây ngôi biệt thự ở rìa thành phố trước khi cả hai về nghỉ hưu. Giờ thì chúng tôi đọc sách, chăm hoa và tự mình làm những việc mình thích. Cuộc sống như thế thì có gì phải phàn nàn ạ. Nhưng xin thưa, trong cái yên bình đó, lòng tôi đau đớn nhận ra mình bị chồng phụ công từ lâu mà mình không biết. Ban đầu tôi nghĩ chồng sinh chuyện vì tuổi già nhưng rồi thì không biết tôi đúng hay ông ấy đúng, mà ông ấy đã hành hạ tôi suốt những năm tháng tưởng đã an nhàn ấy.
Đôi khi tôi tự đặt câu hỏi về tính khí lạ lùng của anh đối với tôi, anh biểu hiện như một gã ti tiện và tầm thường. Một linh cảm đàn bà chợt lóe lên. Nhưng rồi tôi tự dập tắt ý nghĩ mơ hồ đó. Có những lúc tôi cự nự anh, nào là những tháng năm nuôi con bé thơ, nào là cuộc sống khó khăn, nào là…định bụng nói với anh một điều gì đó cho ngã ngũ, nói một lần rồi thôi. Nhưng thoáng thấy nét mặt anh như có đám mây ngang qua, thấy anh buồn là lòng tôi chùng xuống, tôi không muốn làm anh tổn thương, rồi tôi chuyển sang câu chuyện khác, bao giờ cũng là do tôi một là im lặng hai là không được nói với anh so đo nọ kia gì hết. Và tôi vẫn không bao giờ muốn anh buồn. Những lúc ấy tôi chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ. Gió trong vườn vẫn hát, một bóng chim vút qua. Tôi im lặng. Anh im lặng.
Khi tôi về nghỉ hưu trước anh, tức là lúc tôi đã năm mươi nhăm tuổi, tức là cái tuổi của người phụ nữ trí thức chưa phải là già quá, còn anh thì năm năm sau anh mới đến tuổi về nghỉ hưu. Cái đoạn đời đó tôi nhớ mãi, vì tôi được nghỉ hưu, thời gian cho việc cửa nhà cho anh và lũ con còn chu toàn hơn. Tuy nhiên con cái thì chỉ gửi các con của chúng cho tôi đi đâu đó một hai bữa, chứ chủ yếu chỉ có tôi và anh sống trong căn biệt thự đó. Có thời gian rảnh, tôi tham gia câu lạc bộ thơ với bạn bè, phần được thỏa đam mê sáng tác thơ ca, phần ra ngoài đường mỗi buổi sáng nào đó cho mình đỡ lạc hậu với thời cuộc, nhưng hễ hôm nào tôi có đi họp hội thơ hay tụ tập ngồi với bạn bè về nhà muộn một chút thôi, thì kiểu gì cũng là cái gương mặt anh cau có, và buông một câu nhạt thếch
– Em đi đâu, làm gì mà giờ này mới về.
– Thì em ngồi cà phê với mấy bạn cùng nhóm thơ thành phố thôi mà.
– Tại sao lại cứ đi ngồi với cái đám ấy.
– Ui chao, đám ấy là Hoa, là Huệ, là Kim Anh toàn những đồng nghiệp cũ anh biết cả rồi, có gì nghiêm trọng ạ.
– Hừm, chả nên.
Những cuộc khẩu chiến nhẹ rồi đến nặng, tôi vẫn chịu đựng hết. Vì con, vì cái gia đình êm ấm mà chính tôi và anh đã song hành cùng nhau tạo nên. Đồng nghiệp cũ khi biết chuyện do tôi có lúc bi quan quá đã thốt ra đã khuyên, ly dị đi, chưa sáu mươi, giờ vẫn chưa muộn. Ở với cái con người độc đoán thế thì cũng vô nghĩa thôi. Giờ là lúc được nghỉ ngơi, cả cuộc đời đã hy sinh cho người ta mà người ta không biết đến thì mình ở bên cạnh cũng vô nghĩa, ích gì. Tôi ầm thầm khóc cùng những bài thơ của riêng tôi. Tôi thấy giận bạn đồng nghiệp đã khuyên tôi như thế. Gia đình tôi là gia đình danh giá ở tỉnh này, không phải nhà nào cũng có được như nhà tôi. Anh và tôi đều là những người của công chúng. Nhưng thôi, vì các con, vì cái mà tôi đang có như một cái bình quý nên tôi có làm sao thì cái bình quý vẫn còn nguyên vẹn. Song, anh đã không cho tôi có cơ hội để giữ cái bình quý đó. Các con có điều kiện bảo thuê người giúp việc hàng ngày cho tôi đỡ vất vả dọn dẹp nhà cửa vì mỗi khi đàn con đưa các cháu về, hoặc mẹ già rồi, để chúng con thuê người đến hàng ngày đỡ đần mẹ tí chút chứ ngày nào cũng thấy mẹ lau dọn cả tòa nhà thì sụn lưng mất. Tôi bảo mẹ còn khỏe, còn minh mẫn để làm những việc đó và làm thế coi như là tập thể dục thôi. Nhưng khi các con ra về thì anh cau có bảo tôi:
– Lương bà mấy đồng dư thừa gì mà bà nói thuê giúp việc. Lãng phí.
– Ơ hay, anh nói lạ, các con nó đề xuất thế chứ tôi có đề xuất đâu nhỉ.
– Nhưng cũng không nên.
– Thì tôi cũng có nhận đâu mà anh đã vội.
– Thì thôi, nhưng tháng này bà tiêu gì thì tiêu, còn có ba đám cưới trong họ, ba đám cưới con đồng nghiệp cũ, bà mà cứ đi cà phê cà pháo nhiều thì chả còn tiền mà đi hiếu hỉ đâu, tôi cứ nói trước. Rồi đến lúc ốm đau phải nằm viện, chả có tiền mà đi viện đâu.
Ôi. Tôi không ngờ anh nói với tôi những câu ấy. Và, tôi nhận ra, đây không phải lần đầu tiên anh nhắc tôi chuyện tiền nong, những lần trước tôi cho qua vì nghĩ, mình nên biết hy sinh và không chấp chi nhỏ mọn sự cứng nhắc ấy của chồng. Hy sinh cả đời cho chồng, cho con thì chả nên tính toán làm gì với vài ba câu chuyện đời thường vụn vặt.
Tôi nhớ tôi đã nhịn anh như nhịn cơm sống cả quãng đời tươi đẹp kia mà lòng càng dâng lên nỗi uất hận. Tôi nhớ và tôi đau đớn nhất khi làm tiệc cưới cho con trai thứ hai, tôi đã phải nén chịu trong tình cảnh khi còn đang tiễn khách khi tiệc cưới của con vừa tan, anh đã đứng đó bậm môi, dậm chân gọi tôi lại. Tôi đã nín nhịn tươi cười với khách và quay vào xem anh gọi tôi có việc gì không mà anh vội thế, cưới con cơ mà, phải vui chứ. Anh tới bên tôi, ghé sát vào tai tôi và bảo:
– Em không cần phải vồn vã đến thế đâu. Cái đám nhà gái đi ăn chạc, có mừng rỡ gì đâu mà phải vồn vã.
Tôi sững người. Số khách nhà trai hoặc nhà gái bao giờ cũng phải đến mỗi bên để ăn tiệc và dự cưới là thông lệ bình thường mà, chả lẽ anh không hiểu. Tôi nén lòng vì  vẫn còn khách khứa ra vào nên tôi vẫn giữ nụ cười trên môi. Rồi tranh thủ nói nhỏ:
– Xin anh, anh để tôi yên, đừng làm tôi bẽ trước mặt họ hàng.
– Thì…thì…họ xong rồi, sao em cứ mất thời gian vô lý làm gì.
Tôi không trả lời và vẫn giữ nụ cười với khách khứa, nói lời cảm ơn và tiễn họ. Xong xuôi ở tiệc cưới về. Anh đã gắt gỏng với mấy mẹ con:
– Nào, mấy mẹ con mở thùng thư đi, kiểm đếm xem sao. Ngày mai tôi còn đi hội thảo tỉnh ngoài
Tôi bảo:
– Anh cứ từ từ, việc đó để các con nó làm nhanh thôi mà..
– Cái gì em cũng từ từ. Hừ, nhanh còn trả lại tôi số tiền tôi cho cô mượn đặt cọc tiệc cưới.
Ui trời. Tôi ôm ngực lảo đảo. Con gái, con rể, con trai và con dâu đều nhào đến bên tôi và tôi không thể gượng dậy lúc ấy. Sau này thì tôi biết, con gái đã đưa đủ số tiền mà bố nó nói đã đưa tôi đi đặt cỗ. Khi anh ấy cầm tiền rồi nhưng vẫn ngồi canh chừng mấy đứa ghi chép xem đám tiệc thu về được bao nhiêu!
Bao đêm tôi nằm nghĩ ngợi, vậy mình có đáng phải thế này, thế kia không nhỉ. Đoạn cuối cuộc đời này chấp chi một vài điều đơn giản ấy thì có đáng không.  Cả đời không muốn làm phiền lòng chồng, làm con buồn, làm cháu mất vui…Nhưng đến lần này thì….Chao ôi, ông chồng yêu quý của tôi, người đồng nghiệp mà tôi từng trân trọng về trình độ, nhịn nhục về tư cách sống của anh, người đàn ông tôi đã hy sinh hết cả cuộc đời. Người mà tôi đã hy sinh khi được cấp trên lựa chọn hoặc anh hoặc là tôi đi học quản lý để về chuyển công tác lên cấp cao hơn, để từ đó con đường quan chức mở ra. Mà thực sự ngày đó, người được chọn là tôi chứ không phải anh, tôi biết thế vì có một lãnh đạo đã nói với tôi, nhưng vì tôi yêu anh, nên tôi trả lời lãnh đạo luôn, tôi xin rút. Và, từ đó, anh nghiễm nhiên có mặt ở con đường thênh thang được ấn định kia. Người mà tôi đã đầu gối tay ấp, nâng giấc ăn, giấc ngủ hàng ngày, lo toan hàng ngày để anh ra đường là chĩnh chệ, tạo ra một hình ảnh đẹp mà nhiều người cùng thời ngưỡng mộ anh. Và cả những lúc tưởng anh ngã ngựa trên con đường thăng quan tiến chức giờ lại đổ vào tôi những điều vô liêm sỉ này. Cái cay cú, cái đau đớn của tôi không nằm ở cái tính keo bẩn của anh, mà chính là hình ảnh anh là tượng đài trong tôi biến mất. Tất cả như dốc tuột xuống một hố đen sâu thẳm không có đáy. Sau nhiều ngày tôi lăn ra ốm vì bị street như thế thì tôi quyết định gửi đơn ly hôn ra toà án. Khi biết tin anh gầm lên mắng tôi:
– Em bị điên à. Em dám bỏ anh à. Em là loại người gì thế.
– Vâng, tôi điên nên tôi xin anh cho tôi ra khỏi cuộc đời anh dù tôi chỉ còn chút ít thời gian trên cõi đời này tôi cũng xin được ra khỏi cuộc đời anh.
– Không, không bao giờ. Em định bôi xóa anh thế hả. Đến giờ này là giờ nào mà em dám…
– Tùy anh thôi. Giờ này thì tôi không còn đủ sức để nhượng bộ cho anh nữa.
– Không, không bao giờ.
Tôi bỏ mặc anh ngồi đó với gương mặt qoặn cọ. Tôi bỏ mặc anh và đi đến viện dưỡng lão của thành phố, nơi tôi đã biết mấy người bạn già đang lựa chọn ở đó đoạn cuối cuộc đời. Anh đã đến tìm tôi. Anh đã năn nỉ tôi trực tiếp hoặc gián tiếp qua các con là tôi nên trở về và đừng vì những điều này nọ mà làm mất thanh danh của anh và các con. Tôi im lặng. Mùa đông đã bắt đầu đổ xuống những trận rét tái tê. Viện dưỡng lão trong một khu rừng ven thành phố khá đẹp. Tôi bắt đầu một bài thơ mới ở đó. Nơi có rất nhiều cây cỏ, hoa lá và chim chóc, nơi tôi được hít thở những buổi sáng trong lành, nơi tôi có những người bạn mới….
HN, 23.8.2017
VŨ THẢO NGỌC
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...