Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Thủy thủ thư - Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Thủy thủ thư - Truyện ngắn
của Đỗ Xuân Thu

Đã hết giờ làm việc buổi sáng từ lâu mà ông Thi vẫn cứ ngồi giương cặp kính lão đọc tạp chí. Thủy hết đứng lại ngồi, vào lại ra, làm các động tác “gợi ý” để về mà ông ấy vẫn không “ý kiến” gì. Mọi người trong cơ quan về hết cả rồi. Phòng nào phòng ấy đã đóng cửa. Riêng cửa phòng thư viện vẫn mở toang. Trong phòng chỉ còn hai người: Thủy và ông nhà thơ tên Thi. Hôm nào cũng thế, ông này đến từ lúc cơ quan chưa có ai. Dựng chiếc xe đạp ở góc sân, thong thả lấy bao thuốc lá trong túi ra, rút một điếu, đảo đầu nọ đầu kia, gõ gõ mấy lần ông mới châm lửa hút. Ngậm điếu thuốc lá trên môi, ông nhẹ nhàng ngồi xuống ghế đá, khoan khoái thả khói lên trời. Phong thái rất ung dung tự tại. Về hưu rồi, có việc gì đâu mà ông phải vội.
Thú vui của ông Thi là đến cơ quan văn nghệ đọc sách báo xem tác phẩm của bạn bè văn chương. Và quan trọng hơn, ở đó có cô Thủy thủ thư cao ráo, xinh đẹp như người mẫu. Sáng nào cũng thế, chờ Thủy đến mở cửa, bước vào phòng xong, ông liền bước theo sau. Người đầu tiên “xông phòng thư viện” là ông. Được đọc sách báo, được ngắm người đẹp và tán gẫu với nàng thì còn gì bằng. Nhiều hôm, ông đọc sách báo thì ít mà ngắm trộm Thủy thì nhiều. Khổ thế. Cái thói đa tình của nhà thơ nó vẫn thế. Khối hôm ở thư viện hội về, ông gõ máy không kịp những tứ thơ vừa xuất hiện. Hôm nay cũng vậy, ông cố nán lại đây cũng từ cái ý ấy.
Nhà thơ Đỗ Xuân Thu ở Phú Thọ
Quá sốt ruột, chồng con ở nhà đang mong, cuối cùng Thủy phải lên tiếng: “Anh ơi! Hết giờ rồi, anh về nghỉ chiều lại đến đọc tiếp nhé! Em cũng phải về đây”. Ông Thi thoáng giật mình ngẩng lên. Nhướn cặp mắt dưới hai tròng kính lão, ông chăm chăm nhìn Thủy. “Ơ! Đã hết giờ rồi hả em? Nhanh thật. Lại phải xa em rồi!”. Ông Thi buông quyển tạp chí, bần thần tiếc nuối. Thủy cười cười. Hai tay nàng làm động tác thu dọn số sách báo trên bàn ngầm nhắc khéo ông Thi một lần nữa. Ông Thi đứng dậy, giơ tay ý chừng để bắt tay chào Thủy. Thói quen hồi đang chức ông không bỏ được. Thủy miễn cưỡng bắt tay ông. “Tạm biệt!”, ông Thi nói và bước thấp bước cao ra xe. Hơi ấm bàn tay Thủy làm cho ông lâng lâng.
Từ ngày Thủy về công tác ở cái hội đặc thù này, không khí cơ quan sôi động hẳn lên. Bao nhiêu năm, ở đây toàn những vị nhiều tuổi. Họ hơi bị khác người. Bác thì tóc rậm, râu dài. Ông thì quần áo các kiểu, có phần luộm thuộm nữa. Các bá, các dì cũng xuê xoa, xồ sệ hết cả. Thế mà, đùng một cái, một cô gái đẹp như tiên sa về công tác bảo sao mà không khác lạ. Trẻ đẹp, duyên dáng, Thủy lại có nước da trắng hồng. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt thăm thẳm buồn cùng hai má bầu bĩnh với hai cái lúm đồng tiền chết người như hút hồn bao kẻ đàn ông háo sắc. Mái tóc Thủy đen nhánh xõa ngang vai, luôn bồng bềnh theo nhịp đi của nàng. Thủy cao một mét bảy, hơn mấy bác cùng cơ quan cả một cái đầu. Nàng mặc váy, chẳng cần đi tất, đôi chân nàng vẫn cứ nuột nà khiến ai đã nhìn rồi thì không thể nhìn đi chỗ khác được nữa. Cánh đàn ông xì xầm “sao lại có em chân dài ngon thế ở cái cơ quan này nhỉ?”. “Đúng là gái một con”. Cánh đàn bà thì…ngầm ghen tị. “Ngày xưa chúng tao đâu có kém”.
Những năm trước, cơ quan hội vắng như chùa bà Đanh. Thì dân thường có ai tới cái hội đặc thù này làm gì? Họa chăng chỉ mấy ông nhà văn, nhà thơ, mấy bác họa sĩ, nhạc sĩ đến tụ tập nhau nói chuyện văn chương, nhạc họa chứ có còn ai nữa? Thời buổi kinh tế thị trường người ta lo kiếm tiền, làm giàu mấy ai còn để ý đến chữ nghĩa, màu sắc, nhịp phách. Ngay cả mấy bác thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ cũng thi thoảng mới đến hội. Hình như cơn lốc thị trường cũng ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của các văn nghệ sỹ. Cơm áo không đùa với khách thơ mà. Ấy vậy mà, từ ngày cơ quan hội có Thủy, các bác hội viên, cả những cộng tác viên nữa, đã đến hội đông lắm. Bác nào bác ấy cứ “anh anh em em” ngọt xớt với Thủy.
Những ngày đầu, Thủy chỉ dám “bác bác chú chú” và xưng cháu với họ thôi. Mọi người phải góp ý với nàng rằng cơ quan văn nghệ cứ xưng hô anh em cho nó trẻ, cho nó tươi mới. Ngay cả tên nàng, mọi người cũng bảo không để là Mai Thị Thủy nữa mà phải là Mai Thu Thủy và gọi ngắn gọn là Thu Thủy. Như thế mới nghệ sỹ. Như thế mới hợp với hội này. Lâu dần cái tên Thu Thủy trở thành quen. Còn việc xưng hô nàng phải tập “em anh” mãi mới đối đáp ngọt lừ như bây giờ. Ông Thi cũng thế. Đáng tuổi cha chú nàng, nàng vẫn cứ “anh em” như không. Có bác nhà thơ cao hứng còn nói rằng “em Thu Thủy đã mang lại sinh khí mới cho hội của chúng ta”. Có lẽ cũng không ngoa. Mới đó mà đã dăm năm.
Thu Thủy học kế toán tài chính. Đại học hẳn hoi nhé. Bằng đỏ hẳn hoi nhé. Vậy mà nàng lại lận đận trên con đường tìm việc. Cầm tấm bằng đỏ chót trên tay, đến cơ quan nào người ta cũng lắc đầu. Có sếp thấy nàng xinh đẹp quá bị hớp hồn cứ loanh quanh xoắn xuýt bên nàng. Họ muốn nhận nàng lắm nhưng chết nỗi chân kế toán thì đã có con của sếp lớn giữ chỗ rồi. Những vị trí khác thì không có chỉ tiêu biên chế. Thế là cán bộ tổ chức, rồi cả sếp nữa cứ hứa nọ hứa kia với nàng, kiếm cớ để được kéo dài thời gian đi lại của nàng, để được gần nàng. Có vị còn sàm sỡ, giở trò chim chuột nữa. Thùy uất lắm, nén hận bỏ cả hồ sơ lại để đi gõ cửa cơ quan khác. Tình cảnh vẫn không khá gì hơn. Cuối cùng, Thủy đành nhận làm chân kế toán cho một công ty xây dựng tư nhân. Làm ở đó được mấy tháng thì nàng bị tay giám đốc dở trò đồi bại trong một đêm trên công trường. May mà nàng chạy thoát. Từ đó, nàng cạch chẳng dám xin việc ở đâu nữa.
Đang lúc bế tắc như vậy, thì cơ quan hội đặc thù này thông báo tuyển biên chế công khai trên báo đài của tỉnh. Nàng nhanh chóng tìm hiểu và quyết định thử vận may một lần nữa. Không ngờ đến cơ quan toàn văn nghệ sỹ này, nàng được chấp thuận ngay. Ông thủ trưởng với bộ mặt nghiêm trọng nói với nàng: “Cơ quan thiếu một biên chế nhưng nhiều người xin quá. Cả đống hồ sơ kia nhưng chúng tôi sẽ chọn em. Tuy nhiên, em sẽ phải làm trái ngành, trái nghề mình học đấy. Nếu chấp thuận thì chúng tôi ra quyết định tuyển dụng ngay”. Hai bàn tay Thủy vặn vào nhau, nàng khẽ hỏi: “Thế cháu sẽ làm gì hả bác?”. Ông thủ trưởng cười tít mắt: “Em không phải làm gì cả. Cứ ngày ngày đi lại trong cơ quan là được rồi. Xinh đẹp như em là rất cần cho hội văn nghệ chúng tôi”. Thủy trợn tròn mắt. Biết lỡ lời, ông cười giải thích: “Đùa tí thôi. Em sẽ làm chân văn thư nhé. Được không?”. Sau cả năm trời chạy xin việc, ngấm bao nỗi nhọc nhằn, Thủy đành gật đầu đồng ý. Mà không nhanh, người khác sẽ chiếm chỗ ngay. Thì ông ấy chả bảo cả đống hồ sơ xin việc kia à? Thủy trở thành “văn nghệ sỹ” từ đó.
Vào cơ quan rồi, Thủy mới biết cái hội đặc thù này chẳng ma nào màng tới. Cái đống hồ sơ sếp nói cũng chỉ là đòn gió. Ai lại dại gì mà xin việc vào cơ quan toàn chữ với nghĩa, toàn sơn với vóc… Người nào người ấy cứ ngây ngây ngô ngô như ai bắt mất hồn. Trông thì rõ oách mà túi họ thường lại rỗng tuếch. Có mỗi từ lấp lóa hay lấp loáng khác nhau ở chỗ nào mà ngồi tranh luận với nhau cả buổi. Chẳng bù cho ngoài kia người ta phi vụ nọ, dự án kia thu về cả núi tiền.
Môi trường Thủy học để làm việc là những con số, những bút toán với những tài khoản nợ có rành mạch, cân đối thu chi, chứ đâu chỉ toàn chữ nghĩa mông lung, trừu tượng thế này. Nàng hụt hẫng mất một thời gian sau rồi cũng tặc lưỡi chấp nhận số phận. Với lại nhà nàng rất khá giả, chồng nàng là giám đốc công ty xây dựng cỡ lớn ở Hà Nội. Tiền đối với gia đình nàng không quan trọng lắm. Nàng đi làm chủ yếu cho vui. Vò võ ở nhà ôm con với những việc tề gia nội trợ của phụ nữ buồn lắm. Gì thì gì làm nhà nước vẫn vị thế hơn. Với lại, được công tác ở cơ quan văn nghệ cũng sang lắm chứ. Khối đứa học cùng nàng vẫn lông nhông chạy khắp nơi xin việc kia kìa. Nói chính xác ra là chúng nó đi mua việc mà mua vẫn chưa xong. Nàng được thế này là hạnh phúc lắm rồi.
Mấy tháng đầu, nàng giữ chân văn thư đúng như ông thủ trưởng nói. Nào là vào sổ công văn đi đến. Nào là đánh máy, phô tô văn bản. Nào là trình ký, lưu trữ hồ sơ. Rồi phân loại giấy tờ, sổ sách… Bao nhiêu việc không tên, nàng lóng ngóng nhầm lẫn lung tung hết cả. Thì có được học về văn thư lưu trữ bao giờ đâu. Sếp trưởng, sếp phó thì thay nhau kiếm cớ ngồi ở phòng văn thư xem và ngắm nàng làm việc. Đã thế, các bác nhà văn, nhà thơ lại cứ tự nhiên vào phòng nàng ngồi tán chuyện cà kê dê ngỗng mặc cho ngoài cửa phòng đã có biển “không nhiệm vụ miễn vào” rồi. Nàng đã rối lại càng rối hơn. Vừa không làm được việc lại vừa vi phạm kỷ luật bảo mật an toàn cơ quan. Thế nên, bình bầu thi đua hàng tháng, Thủy toàn dính loại B. Âu cũng là sự ghen ghét, đố kỵ với sắc đẹp của nàng của cánh phụ nữ cơ quan. Sếp muốn cho nàng A lắm nhưng quy chế là quy chế. Sếp trưởng, sếp phó đành chịu theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”.
Thương nàng, hai sếp bàn nhau thành lập phòng đọc. Cơ quan văn nghệ phải có phòng đọc sách báo chứ. Viết, in bao nhiêu sách mà cơ quan chữ nghĩa lại không có phòng đọc thì còn ra cái gì nữa. Phòng đọc sẽ là nơi giới thiệu, quảng bá tác phẩm của hội viên và của các tác giả khác, là chỗ để các nhà văn, nhà thơ và những người yêu quý văn chương đến để đọc sách, trao đổi nghiệp vụ sáng tác. Có lý lắm. Đề án tổ chức nhân sự được cấp trên thông qua liền. Thu Thủy lập tức chuyển nhiệm vụ sang quản lý phòng đọc. Vừa nhàn cho nàng vừa đảm bảo an ninh an toàn cho phòng văn thư bảo mật. Nàng ở đâu chắc chắn các bác nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ sẽ theo đến đó.
Thu Thủy thở phào và vui vui với nhiệm vụ mới. Được cái, nàng rất mê đọc sách. Nàng tha hồ thả hồn vào những trang văn, tứ thơ. Nàng quên dần những bút toán thu chi, những tài khoản nợ có, những chứng từ hóa đơn. Thay vào đó là những câu thơ tình, những trang tiểu thuyết, những nhân vật cốt truyện… Văn nghệ sỹ của hội, bạn đọc ngoài cơ quan không chỉ mê cô thủ thư xinh đẹp mà còn khoái sự hiểu biết về văn học, nghệ thuật của nàng. Giữa họ có sự đồng cảm. Đồng cảm càng nhiều sẽ dẫn tới tâm giao. Nàng đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ dần. Trong các câu nói thường có nhiều ý văn hoa, triết lý, đôi khi xen cả những câu thơ nữa. Chẳng bù cho ngày xưa, hễ nói chuyện là nàng bô lô ba la giữa đám bạn bè, là mốt này mốt nọ, là tỷ giá lãi lờ… Người thân ai cũng ngỡ ngàng về sự thay đổi của nàng, nhất là đám bạn gái. Cách ăn mặc của nàng cũng khá nhiều thay đổi. Thoáng hơn. Cởi mở hơn. Thì ở cơ quan văn nghệ mà, có phải gò bó như những cơ quan khác đâu. Vì thế, sắc đẹp của nàng càng có dịp khoe diễn. Những đường cong cơ thể của nàng như nhảy múa, như uốn lượn làm hoa mắt, ngơ ngẩn nhiều người. Nàng đã đẹp lại càng đẹp hơn.
Này, mày khai thật đi, hiện giờ có bao nhiêu bồ hả Thủy? Bồ mày là nhà thơ hay nhà văn? Có anh nào bảy, tám mươi không? Hí hí… Tao hỏi vậy thôi chứ biết thừa rồi nha. Các chàng bám theo nàng thì vô kể. Đúng không? Văn nghệ mà, thoải mái phải biết. Có anh nào kha khá nhường cho tao một anh nha. Tao mà đẹp như mày, được làm văn nghệ sỹ như mày thì tao cho hàng loạt các chàng chết luôn. Cái Trang bạn thân của Thủy hễ gặp là nó lại nhỏ to tra khảo Thủy. Chán chê, nó ghé sát tai Thủy thì thào: Liều liệu đấy, kẻo anh Phương nhà mày mà biết thì nhừ đòn. Rồi nó phá ra cười ha hả kèm theo một cái liếc xéo ngang đầy ngụ ý. Thủy vừa tức vừa buồn cười về nó. Mày làm như văn nghệ sỹ họ lăng nhăng lắm ý. Còn lâu nhá. Họ đúng mực, nghiêm chỉnh lắm. Chẳng như mấy thằng cậy quyền, cậy thế, cậy tiền đâu. Họ lãng mạn chứ không lăng nhăng. Tao thề đấy. Thùy nghiêm mặt nói với cái Trang. Cái Trang tròn mắt cười hơ hớ: Tao đếch tin.
Ngoài nhiệm vụ thủ thư ra, Thu Thủy còn được phân công tạp vụ cho sếp phó. Ông này nhà xa nên ở lại luôn cơ quan. Nhiệm vụ của Thu Thủy là vệ sinh phòng, chuẩn bị nước nôi, ấm chén, tiếp khách cùng ông. Ông tuổi cha, tuổi chú của Thu Thủy. Phòng ông liền kề với phòng thư viện. Tính ông ít nói nhưng mê văn thơ. Ông mê nàng ngay từ những ngày đầu tiên nhưng e dè sếp trưởng không dám vượt mặt để có nàng. Không ngờ sếp trưởng tinh ý bố trí nàng làm luôn chân tạp vụ cho ông. Tuy nhiên, ông rất đúng mực, giữ khoảng cách cần thiết với nàng. Xưng hô thì lúc chú cháu, lúc anh em. Công việc tạp vụ phòng được một thời gian thì ông bảo Thu Thủy lúc nào ông bận quá thì giúp, còn đâu thì ông tự lo. Quét dọn phòng, rửa ấm chén nào có nhiều nhặn nặng nhọc gì. Thực lòng, ông thấy Thu Thủy làm những việc này không hợp lắm. Từ bé đến giờ nàng đâu phải vất vả. Hơn nữa, đẹp xinh như thế, làm những việc thế nó cứ tồi tội thế nào ấy. Ngược lại, Thu Thủy rất thương ông. Xa nhà, cơm niêu nước lọ, vò võ một mình cần người chăm sóc lắm chứ. Hơn nữa, tiêu chuẩn của ông được vậy cơ mà. Thế nhưng, sáng nào đến cơ quan, nàng đều thấy phòng ông đã sạch sẽ, ấm chén tinh tươm cả rồi. Nàng vừa áy náy vừa xúc động.
Dạo này, Thu Thủy được bạn gái đưa ô tô đi làm. Chồng nàng đã nửa năm nay không về. Anh ấy đang theo công trình mãi tận trong Nam. Thằng con ba tuổi thì ông bà nội tranh nhau bế giữ. Thu Thủy rảnh ranh hơn. Đã nhàn nàng lại càng nhàn hơn. Vì thế, nhan sắc của nàng càng có dịp phô diễn. Nàng được bao nhiêu người tặng thơ. Trong số đó thì ông Thi và sếp phó tranh nhau chiếm kỷ lục. Những bài thơ tình trên tạp chí của hội và các báo chí trung ương của hai ông này đều ghi tặng TT. Chỉ những người trong hội đặc thù mới hiểu TT đó là Thu Thủy. Cánh họa sĩ và những vị làm thơ kém hơn trong hội ai nấy đều thầm ghen tị với hai ông. Họ đến thư viện hội đành khua môi múa mép, liếc mắt đưa tình tán tỉnh nàng thay cho những câu thơ tắc tị của mình. Ngược lại, Thu Thủy trân trọng tất cả các bác, các chú mà bây giờ nàng quen miệng gọi là anh.
Đang giữa buổi chiều thì trời bỗng tối sập lại. Mây đen ùn ùn kéo tới. Giông gió nổi lên. Ngoài đường bụi cuốn mù mịt. Lá cây bay tơi tả. Mọi người trong cơ quan vội vã nổ máy xe ra về. Thu Thủy cũng vội vàng thu dọn sách báo. Nàng đứng ngóng trông ra cổng cơ quan chờ bạn đánh xe ô tô tới đón. Điện thoại rung. Nàng bấm máy vội nghe rồi thừ mặt ra, nhìn mưa gió. Bạn nàng điện về bảo đi huyện công tác tám, chín giờ tối mới về, nàng tự tìm cách về giúp. Nhìn cơ quan vắng tanh, nàng gần như khóc.
Sấm sét đì đoành khét lẹt. Chớp xé dọc ngang xanh lét. Trời tối om. Mưa trút nước. Gió gào rít. Mấy cánh cửa trên tầng hai không kịp đóng đập phành phành. Bất chợt nghe tiếng rầm một cái. Mái nhà thư viện hở ra toang hoác. Tấm phi-blo xi măng bị cành cây gãy rơi xuống vỡ lả tả. Nước mưa theo đó đổ ào ào. Thu Thủy kêu thét lên. Có cái gì đó đâm vào chân nàng đau nhói. Nàng ôm bắp chân. Cảm giác ươn ướt mát mát. Chớp lóe sáng. Máu! Nàng rú lên rồi gục xuống nền nhà.
Nghe tiếng kêu, ông Hải – sếp phó chạy vội sang. Qua ánh chớp, ông thấy Thu Thủy ngồi rũ dưới cái bàn để sách báo. Chạy vội tới, ông xốc Thu Thủy lên. Dòng nước trên mái nhà chảy xuống bàn bắn vào mặt ông. Áo Thu Thủy ướt hết. Nàng kêu oai oái. Cẩn thận không mảnh kính đấy sếp ơi! Ối, ối chân em! Lại chớp lòa. Ông Hải thấy rõ mảnh kính, mảnh phi-blo trên bàn và quanh người Thu Thủy. Nàng ôm chân nhăn nhó. Ông dìu Thu Thủy về phòng mình. Lấy chiếc điện thoại di động, bật chế độ đèn pin, phát hiện ra vết thương ở chân Thu Thủy đang chảy máu, ông Hải cuống cuồng lấy chiếc khăn mặt quấn vội quanh bắp chân nàng. Tìm đoạn dây, ông buộc chặt chiếc khăn lại. Một tiếng sét kinh hoàng dội tới. Hình như nó đánh vào trạm biến thế hoặc cây xà cừ ngoài ngã tư. Thu Thủy run rẩy ôm choàng lấy ông Hải. Em sợ quá sếp ơi!
Ông Hải soi tìm và lấy chiếc áo của mình đưa cho Thu Thủy. Thay ngay áo này vào kẻo lạnh. Ông nói với nàng. Thu Thủy nhìn chiếc áo rồi nhìn ông. Nàng run bần bật. Thay đi. Nhanh lên. Cảm lạnh thì chết à? Ông Hải quát. Thu Thủy sợ sệt. Chợt hiểu ra điều tế nhị, ông dìu Thu Thủy vào phòng trong rồi bảo nàng thay áo. Ông chạy sang kiểm tra phòng đọc và dọn tiếp chỗ sách báo đang bị mưa dội tới. Một lúc sau, ông trở lại phòng làm việc của mình rồi hỏi với vào phòng trong: “Ổn chưa Thu Thủy?”. Tiếng nàng vọng ra: “Em ổn rồi sếp ạ!”.
Vẫn cứ sấm sét. Vẫn cứ gió gào. Vẫn cứ mưa tuôn. Cứ mỗi tiếng sét to đoành là ông Hải lại nghe thấy tiếng kêu của Thu Thủy. Tuy vậy, ông vẫn ngồi như phỗng ở phòng làm việc nhìn trời mưa bão. Kiểu này còn giông gió lâu đây. Chắc vét mãi ông trời mới được cơn bão cuối mùa này. Thảo nào mấy ngày nay nóng bức thế cơ chứ. Bỗng ông giật bắn mình trước ánh chớp sáng lòa và tiếng sét kinh hoàng ngay trên mái nhà. Tiếng Thu Thủy thét lên. Ông Hải chạy vội vào phòng trong. Qua ánh đèn pin điện thoại, Thu Thủy ngồi rúm ró ở góc giường. Thấy ông, nàng lao tới ôm chầm lấy. Em sợ quá sếp ơi!
Thu Thủy run rẩy tin cậy nép sát vào người ông Hải. Ông Hải vỗ vỗ nhẹ tay vào lưng nàng. Đừng sợ, có anh đây rồi! Không gian như chùng xuống. Không biết hơi ấm của nàng tỏa sang ông hay từ ông tỏa sang nàng. Một cảm giác là lạ bỗng len lỏi trong người ông. Cúi đầu xuống, ông Hải sững sờ trước khuôn mặt đang tái đi vì sợ của Thu Thủy. Hơi thở nàng tỏa ra một mùi thơm con gái. Ông nghe rõ cả tiếng đập thình thịch của con tim. Không biết tim ông hay tim nàng. Thế rồi, ông Hải vít ngửa đầu Thu Thủy ra và hôn nàng như mưa như gió. Cả hai cùng đổ ập xuống giường. Quấn quýt. Quằn quại. Rối rít. Chính trong lúc mê cuồng đó, một tiếng sét lại vang lên. Thu Thủy sực tỉnh đẩy ông Hải. Ông Hải cũng sững người buông vội nàng. Ông ngồi dậy, kéo chăn đắp cho nàng rồi cuống cuồng bỏ chạy ra phòng làm việc.
Ông Hải bo đầu, co hai chân ngồi thu lu trên ghế như bức tượng. Người ông vẫn nóng hầm hập, tim ông vẫn đập hồi hộp. Ông bàng hoàng về giây phút nông nổi vừa qua. Trời ơi! Suýt nữa thì… Trong phòng, Thu Thủy cũng cuộn chăn ngồi thu lu. Đôi mắt nàng thao láo. Nàng vẫn run cầm cập. Không phải vì sợ sấm sét nữa mà nàng sợ cái lúc vừa nãy. Chúa ơi! Suýt nữa thì… Phải cánh xây dựng, bọn quyền tiền thì không biết nàng sẽ như thế nào. May mà chú ấy. Thơ tình thì lãng mạn da diết thế, thế mà thực tiễn thì chú ấy lại… Chợt nàng nhìn thấy cái áo mưa treo trên tường. Nàng vội cởi cái áo sơ-mi của ông Hải ra, mặc cái áo mưa vào. Nàng cầu trời khấn phật cho chóng tạnh. Cứ thế, nàng ngồi cuộn chăn như đống nấm trên chiếc giường của sếp Hải.
Gần tiếng đồng hồ sau thì gió ngớt dần. Sấm sét cũng thưa bớt. Chỉ còn mưa là vẫn ào ào như trút nước. Ông Hải rút điện thoại bấm số. Hơn chục phút sau, chiếc tắc-xi hãng Mai Linh đỗ sịch trong sân cơ quan hội. Ông gọi Thu Thủy. “Ngớt gió bão rồi. Em ra xe về đi Thu Thủy!”. Chừng như sốt ruột, ông vào phòng dìu Thu Thủy ra. Cửa xe tắc xi mở. Ông đỡ nàng lên xe. Dặn cậu lái xe và chào Thu Thủy, ông Hải quay lại ngồi co ro một mình trên chiếc ghế nhìn ra ngoài trời vẫn đang mưa mù mịt. Cả cơ quan ngập chìm trong mưa.
Hơn chục phút sau, chiếc điện thoại của ông Hải rung lên. Ông ấn nút và áp máy vào tai. “A-lô! Chú Hải ạ. Cháu về đến nhà rồi chú nhé. Chú yên tâm. Chúc chú đêm nay ngủ ngon!”. Thu Thủy nói như reo trong điện thoại. Ông vui vẻ đáp lại: “Thế hả? Thế là tốt rồi! Nhớ rửa và băng bó lại vết thương đi Thu Thủy nhé”. “Vâng ạ! Cháu cảm ơn chú!”.
Vừa lúc đó thì điện sáng bừng lên. Bão đã tan. Ông Hải bật hết các bóng điện và đi kiểm tra cơ quan. Rất may, phòng thư viện chỉ bị ướt mất ít số sách báo ngay chỗ tấm phi-blo xi măng bị vỡ. Ngày mai, cho hong phơi lại sách, thay tấm kính và tấm phi-blo là ổn. Quay về phòng, ông định nằm ngả lưng thì chợt nhìn thấy chiếc áo của Thu Thủy lẫn trong tấm chăn của ông. Cầm chiếc áo lên, ông hít hà rồi cứ thế đắp lên mặt mình, khoan khoái tưởng tượng về giây phút ban nãy cùng nàng. Ý nghĩ tội lỗi bất chợt lại đến. Rất may một tứ thơ mới cũng ùa về kịp xua đi cái ý nghĩ điên rồ ấy. Ông Hải bồng bềnh trong mơ và trong thơ…
ĐỖ XUÂN THU
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...