Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Nơi không có nhau

Nơi không có nhau

Bạn bè đồng hương, đồng khóa, lớp trên lớp dưới… chúng không học trung cấp, đại học thì cũng là công nhân, giúp việc… và sống rải rác ở các thành phố, các miền.
Tôi cũng vậy, đi, kiếm việc, trôi nổi bao năm ở phố, từng ở chung nhà trọ rẻ tiền, từng ngồi lề đường bán các loại nước uống, khẩu trang, kính các kiểu… từng giúp việc nhà, nhà giàu hẳn hoi, đã bảy tám năm giữa chốn đông người, tôi không bao giờ hết hy vọng gặp được người đàn ông của mình, nhưng chờ mãi, cũng không tin được là tôi ế chương ra. Bạn bè nói tôi, mũi thẳng, mắt sáng, da trắng, nhan sắc thế cũng là tạm ổn rồi, có điều tính tình lắm khi không ổn, phức tạp.
Bạn bè vui buồn lại í ới nhau, ngoảnh đi ngoảnh lại chúng nó làm vợ, làm chồng, con cái, lo ăn lo mặc, tôi thành gái già, cô đơn, rảnh rang. Chúng bạn khi hạnh phúc sung sướng nói tôi, mày lấy chồng đi chứ, nhưng khi có chuyện vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt lại bảo tôi, như mày là sướng nhất.
Cũng có anh A, anh B mang hy vọng đến, thân thương, cảm mến mà chẳng đi đến đâu. Tôi trôi dạt với phố, vẫn không ngưng hy vọng, hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, mùa này sang mùa khác. Lâu, già đi, tôi cũng không vội, không sốt ruột, kệ thôi.
Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài
Thế rồi tôi trở về với mẹ sau những tấp nập, nhiều hy vọng, nhiều lênh đênh ở phố. Mẹ đau nhiều hơn, nặng hơn nhưng mẹ giấu. Mẹ bị ung thư máu. Sốc. Bàng hoàng. Buồn bã. Cái chết biết trước, cái chết đến từ từ… đó là những ngày tôi nghe những tiếng nói dưới địa ngục vọng lên, tăm tối, lạnh lẽo, nghẹn ứ, tuyệt vọng, và tôi nghe tiếng nói từ xa xăm mơ hồ vỗ về, dỗ dành, nhẹ nhàng, mẹ trong lòng chứ có mất đi đâu. Không tiền chạy chữa. Mà cũng vô phương chạy chữa. Tôi ngẩn ngơ, bần thần giữa những tính đếm, những có không.
Hai mẹ con động viên nhau. Giấu kín nỗi buồn đau, không ai biết. Quên, xem như không là thứ thuốc tốt nhất trong cảnh ngộ như thế. Không cho ai biết. Lặng lẽ để yên bình. Mẹ và tôi học yên bình, để khỏe nhẹ. Yên bình để lắng nghe cho rõ những thứ mình còn.
Mẹ uống thuốc giảm đau, dần tiều tụy. Tôi cứng cáp, tôi phải cứng cáp. Cha mất từ nhỏ, lúc tôi chưa biết gì, cha mẹ lấy nhau không có ảnh cưới, ảnh thờ của cha chụp lại từ ảnh chứng minh thư, không rõ nét, tôi không nhớ được mặt cha. Bảy tuổi, tôi bắt ốc, bỏ thính cất te, mười tuổi cuốc đất, trồng rau, đi chợ mua bán. Mẹ thường đi làm thuê khi có người gọi. Tôi lớn, mười sáu mười bảy tuổi, học lên cấp ba, tự lo liệu được thì có khi mẹ đi đợt xa, dài… đi làm “ô sin”.
Học, muốn đi ra, tôi muốn thoát mịt mùng nghèo khổ. Không thi đỗ thì nghĩ nhiều cách khác để tiến tới. Tôi cố ườn mà đi ra, bươn chải, mê mải với những dẫn dắt mù mờ không biết của chính mình hay của đấng Thần Phật?
Mẹ đòi đi chùa. Mẹ nói đi ra thay đổi không khí cho khỏe người. Chùa xa lắm, tôi không muốn mẹ đi đâu cả, ở nhà cũng thanh tịnh, yên ả, có cây cối chim muông, nắng sớm, nắng chiều… không khác mấy chốn chùa chiền. Nhưng mẹ tha thiết đi chùa lắm, tôi không nỡ lòng ngăn mẹ. Tôi muốn mẹ vui. Mẹ đi chùa xa, mẹ vẫn khỏe mạnh, bóng dáng mẹ quanh ngôi nhà, mảnh vườn, mẹ hóa mình trong đứa con, trong chính tôi. Mẹ và tôi là một.
*
Một mình một nhà một vườn vắng vẻ, thanh tịnh tháng ngày hương khói cho mẹ…
Mẹ chọn gửi hồn xác nơi chùa xa. Mẹ lo tôi trẻ dại, anh em bà con xa xôi, neo khó nên từ lâu mẹ đã thăm viếng, đi lại cửa chùa, công đức cho chùa bằng công quả, bằng chút tiền gom góp được. Mẹ tính ngày tắt thở được nương nhờ cửa Phật. Tôi qua lại cửa chùa, chùa xa hóa gần. Mẹ ở trong lòng. Tôi nghĩ mình chính là mẹ.
Buồn, tôi trồng thêm cây, chăm chút tỉ mỉ. Trồng thêm mía, bất cứ chỗ nào có đất dư dôi, quanh bờ rào giáp đường, sau chân núi… là vì tôi nghĩ đến việc nhờ người mua cho cái máy ép nước mía, thuê người làm cái chòi lợp lá trước nhà để chạy ra chạy vào bán nước, rồi trong vườn có gì bán nấy, cho khuây, cho vui chân, vui mắt.
*
Cái quán tranh mọc lên bên góc cổng, nền đất, mái nhà, mái hiên lợp bằng lá mía trong vườn, cỏ tranh trên đồi. Chỉ mất ít trăm tiền mua tre và trả công người dựng quán. Tôi xin cành hoa giấy về giâm, nhổ cúc vạn thọ dọc ngõ trồng quanh mảnh hiên quán, cúc vạn thọ đang làm nụ bé như hạt đỗ, nó là loài cây dễ sống… Bụi cây dại cao quá đầu người tên gì không ai biết, nó có hai cành, hai cái tán nhỏ. Tôi giữ nó lại, không chặt đi như số cây dại đoạn bờ rào phá làm quán. Một góc nhỏ mới được chăm nom. Tôi lại có gì đó để hy vọng thêm.
Quán bén hơi người, khách lạ khách quen, có hôm năm, bảy người, hôm chỉ một, hai người… Nó dần cũ. Tôi vừa chăm vườn vừa chăm quán. Có lẽ nhờ cái quán nhỏ bán nước, bán hoa quả trong vườn mà số phận tôi khác đi, mà tôi gặp được anh.
Đồn biên phòng cách chỗ tôi hơn trăm cây số. Tiếng anh pha trộn rất lạ. Anh nói anh quê miền Trung, lớn lên ở miền Bắc, đi học nghề miền Nam, về công tác miền Trung, lại vào miền Nam học tiếp, và thường đi công tác nhiều nơi.
Lần thứ ba gặp nhau anh nói anh đã có vợ nhưng cô ấy đã lấy chồng lần nữa rồi. Tôi không dám nghĩ gì thêm. Không tưởng tượng linh tinh nữa.
Tôi theo anh đến đồn, theo anh xuống phố. Anh nói tôi mặc lụa là thì quý phái, mặc áo lao động thì dễ thương. Ánh mắt anh nóng bỏng như chạm vào da thịt tôi. Đêm ở phố, chưa cưới nhưng tôi là vợ anh rồi. Tôi theo về thành phố của anh. Tôi ngơ ngác tin cậy, phó mặc.
Đi lấy chồng thì gửi nhà cho bác Mai hàng xóm. Nhà tôi chẳng có gì, bốn bức tường mỏng hoen ố, ngói xám đen oằn mái, chút đất, chút vườn… gửi bác Mai, tôi yên tâm, không hề có cảm giác xa rời, chỉ cảm thấy chưa khi nào lại thương ngôi nhà mảnh vườn nhỏ như thế.
Hết tuần trăng mật thì anh về đơn vị, tôi xa quê nhưng giờ đã có anh qua lại ngôi nhà bên núi, giờ nó cũng là nhà của anh.
Anh quan trọng không chỉ với riêng tôi.
Tôi lau dọn nhà cửa, chợ búa cơm nước, chăm sóc mẹ chồng. Mẹ anh giờ như chuối chín cây. Nếu không có kỷ niệm, không có tình yêu của anh tôi sẽ cảm thấy lạc lõng trong ngôi nhà mới đến ở chưa đầy tháng với người mẹ ốm yếu, ít ăn, ít nói, ít biểu hiện cảm xúc.
Tôi không lạ thành phố, nhưng lạ phố của anh. Tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều ở nó, mặc dù nó có thể đáp ứng cả. Tôi chỉ cần anh với ngôi nhà của mẹ ở quê núi đã xa xôi trăm dặm, thế là đủ, thế nên thành phố chật chội mà lại quá rộng với tôi, nó thừa ra bao thứ, chỉ thiếu mỗi anh.
Bụi bẩn bám lâu ngày, những đồ vật, bàn ghế, cửa gỗ, cửa kính… sắp xếp lại, lau bụi cả phòng sách, rất nhiều sách.
Tôi nhớ anh, nhìn chữ của anh trong tin nhắn, thấy anh như trước mặt, như kề cạnh. Tôi thèm nghe tiếng anh nói, kể cả khi anh nói với bất kỳ ai. Tôi nhớ và thèm những lúc được đi bên triền núi sau lưng nhà. Thèm hít thở mùi cây lá… mọi thứ xen vào nhau, chen vào nỗi nhớ anh, nhớ tiếng nói, nét mặt, ánh mắt, nụ cười ấm áp, rạng rỡ của anh… nỗi nhớ chật kín căn phòng, ngôi nhà, rồi tôi treo nỗi nhớ lên những cành cây, đính vào hoa lá, cành cây không đủ để treo, nỗi nhớ theo ngõ phố, tường cũ, buổi lên đèn, theo những ồn ào phố, chợ chật chội, hương hoa…
Anh đang làm gì? Anh đang ăn cơm. Anh đang làm gì? Anh đang xem tin tức. Anh đang thế nào? Anh nhớ em, thèm được bên em… Tôi thuộc lịch của anh trừ khi anh đi công tác, những chuyến công tác của anh dày đặc, anh lọt giữa trùng điệp cây lá, bữa cơm giấc ngủ nhiều khi thất thường, tôi thấy anh cao lớn, nhưng anh nói, con người rất nhỏ bé em ạ. Xa, càng khiến tôi nhớ và yêu anh, đã quen ngẩng lên trời, nó cao rộng nhưng tôi có thể treo nỗi nhớ anh lên đó, cả tâm tư nỗi niềm lẻ loi cô quạnh của tôi, anh có thấy? Anh bảo, anh thấy hết, rất nhiều, em treo nó khắp nơi, cả trên bầu trời, đi đâu anh cũng thấy.
Có những khi tôi gọi anh không được, nhắn tin chờ mãi cũng không nghe thấy gì, thì anh đang bận việc hệ trọng, có thể bận đến mức ít dành ý nghĩ cho tôi, nhưng anh đã nói, em ở trong anh từ ngày đầu anh gặp. Ngày đầu anh đã nhìn tôi rất lạ, tôi chưa quên một điều gì từ anh vì anh ít nói, vì chúng tôi chẳng có nhiều thời gian bên nhau, có lẽ thế nên những gì từ anh cũng đều dễ khắc sâu trong tôi.
Thong thả, tôi vào phòng sách, cũng như những con đường phố ở đây, tôi có cảm giác quen dần, dù trên những con đường ấy, cổng nhà người ta có mở thì cũng không hiểu được bên trong những ngôi nhà, dù sao tôi vẫn cảm thấy dần bình yên, dần yêu thương.
Một hôm, có người phụ nữ xinh đẹp, sang trọng đến nhà, chị nhìn ngôi nhà, đồ vật, mép bàn, bức vẽ, góc thềm… tần ngần và hình như chị khóc. Tôi mời nước thì chị xin phép đi lại, tôi ngồi yên, không biết nên như thế nào. Chị hỏi tôi, ngày trước chỗ mấy chậu cây cảnh kia có một gốc hoa giấy lớn lắm, nó chết rồi chăng? Tôi nói, tôi không được biết về gốc hoa giấy đó, chị ấy bần thần như nhớ tiếc cây hoa giấy lắm thì phải? Chị đi, thoảng thơm mùi nước hoa.
Chị ấy về thì đến lượt tôi bần thần, chị ấy là vợ cũ của anh. Anh không nhắc tới lần nào thêm ngoài một lần trước lúc cưới tôi, anh nói, người vợ trước của anh không chịu nổi xa cách, có bạn khác, cô ấy đề nghị ly hôn. Chuyện qua gần cả chục năm rồi.
Sao chị ấy quay trở lại làm gì khi mọi chuyện đã lâu như thế rồi? Chị mặn mà xinh đẹp, và tôi sợ chị nuối tiếc chiếm lại trái tim anh ấy, hoặc không thì cũng khiến anh ấy bận tâm. Tôi buồn, chưa khi nào buồn vì chuyện như thế này. Ngoài trời bỗng bắt đầu mưa, khéo cho cả người lẫn trời. Tôi gọi điện cho anh, không thấy anh nghe, tôi biết thường có khi anh bận, nhưng không như bao lần, lần này tôi cứ cố bấm gọi, đến khi anh gọi lại, giọng anh hơi lo lắng. Tôi bỗng ắng nghẹn, anh trầm ấm, nước mắt tôi rơi ra, không nói, ừ, tôi không nên nói gì với anh về chuyện vừa rồi mới phải, đừng để anh phải nghe như thế. Anh kiên nhẫn chờ nghe tôi, tôi chùng lòng trước giọng anh, lời anh như dỗ dành, rồi tôi nói với anh là không sao, chỉ tại em nhớ…
Anh nói để anh nhờ chị gái thu xếp, tôi đi thăm anh, thăm quê nhà.
Từ phút đó, đi mỗi bước trong nhà mà tôi vui như thể đang đi đến với anh. Mà có mấy khi tôi không đi những bước đến với anh kể từ ngày có anh đâu nhỉ? Tôi chờ một, hai, ba ngày thu xếp, cắt đặt, cảm thấy như làm phiền chị chồng và cũng thấy ơn chị ấy lắm.
Tôi có hiểu lơ mơ chuyện chị anh từng mai mối cho anh một người phụ nữ nào đó mà không thành, rằng mẫu người vợ chị ấy thích cho em trai, dù em trai của chị một lần dang dở, phải có người vợ có học thức, danh giá… Chị anh lo cho anh là đúng rồi, học thức, danh giá, xinh đẹp… anh thì tài giỏi, tôi cũng nghĩ anh nên lấy những người phụ nữ như thế chứ!
*
Tôi lên tàu thăm anh, và được trở về nhà mình nữa. Con tàu rời ga trong niềm vui sướng hạnh phúc của tôi. Tiếng tàu chạy, âm thanh mạnh mẽ, tôi vẫn cảm thấy mình nhẹ trôi trong phút xung quanh ầm ầm chuyển động. Rồi lướt trôi qua đêm.
Màu nắng sớm bừng mở thật là mới, từng hơi thở của tôi đầy ắp anh, thật rõ. Cảnh vật trôi qua hân hoan, bình yên, ngời sáng… và lần đầu tôi gắn nó với những suy nghĩ về nhiệm vụ của anh, những âm thầm ở đâu đó rất rộng lớn nữa liên quan đến những gì tôi đang nhìn ngắm. Gặp anh và quê nhà là hai niềm vui hòa chung làm một, lớn, và nhiều mà lòng tôi như không chứa hết, nó bị tràn cả ra ngoài, theo sông suối, mây trời, sương nắng… Tôi chưa bao giờ thấy có thứ hạnh phúc thế. Tôi nghĩ đến mẹ. Mẹ đã luôn bên cạnh, linh thiêng phù hộ tôi chăng? Hình như nỗi buồn, nhớ, sự cô quạnh lẻ loi, và lắm lúc tủi thân của những ngày tháng qua… lẫn trong hạnh phúc lại khiến tôi rơi nước mắt.
Xuống tàu lại lên xe. Một đêm một ngày tàu xe, tôi thấm mệt. Đường chiều về rừng, cây và nắng thân quen, rừng núi cao dần, trập trùng quanh co dần… Anh gọi điện hỏi, em tới đâu rồi, có mệt không? Rồi báo là anh nhận lệnh đi công tác đột xuất. Anh an ủi thêm…
Xuống xe khách tôi bắt xe ôm. Cũng đã nửa năm trôi. Bóng chiều đổ xuống dần. Khác đi rồi. Bởi tôi thành vợ, thành dâu của người phố? Có gì đó đã “già” hơn nữa rồi.
Xe ôm dừng cổng nhà. Còn chút ánh sáng cuối cùng của ngày soi rõ cái ngõ đất, mảnh vườn, nếp nhà… Ngõ vẫn mọc đầy cúc. Loài cúc vạn thọ cứ đến mùa là mọc rất khỏe, đến hẹn là đơm nụ trổ hoa.
Tôi thơ thẩn nhìn ngắm. Cây cối ruộng vườn nhà cửa bao tháng qua tôi theo chồng, bỏ chúng, bỏ nơi này mà đi…
Tra chìa vào ổ khóa. Đồ vật cũ kỹ thân thuộc trong tối sáng giao nhau trong mùi hoang ẩm lạnh lẽo.
Tôi cố không nghĩ gì thêm, xua cảm xúc buồn, tự an ủi, bật điện, đi đến bàn thờ rút hương thắp. Mùi hương lan tỏa, bớt đi cô quạnh, yên lòng hơn, tôi vái khấn thật lâu.
Xong rồi lòng lại vẫn ngùi ngùi cảnh xa vắng, ngổn ngang nỗi cố giành cố giữ. Bần thần ngồi yên mãi bên giường không buồn dậy, anh vẫn trên đường đi…
Gạt hết, tôi nghĩ tới ngày mai. Mai dậy đón ngày mới, yêu thương quét dọn, yêu thương nhổ cỏ, cắt cành, tưới nước… yêu thương ngóng chờ.
HỒ THỊ NGỌC HOÀI
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...