Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ban mai lạnh - Truyện ngắn của Phong Điệp

Ban mai lạnh - Truyện ngắn
của Phong Điệp

Thần linh ơi, gã vác cái đầu trọc lốc, nhếch cái khóe miệng đanh đá đón cô ở cổng cơ quan.
Thật không phải là gã đấy chứ? Không phải gã thì còn ai vào đây nữa! Cái cười theo kiểu “kệ cha đời” thì dẫu có bôi bồ hóng đen sì khắp mặt gã cô vẫn nhận được ra. Nhìn gã nước mắt cô tự nhiên ứa ra. Vậy mà hôm trước cô nghe phong thanh… Nghe xong lòng tê tái như thể sắp mất đi một phần cơ thể mà chỉ biết buông tay bất lực. Cô cuống cuồng nhao đến nhà tìm gã. Mở cửa là một người đàn ông trung niên hói sọi cả đỉnh đầu, dáng vẻ mỏi mệt, trả lời mớ câu hỏi lộn xộn của cô bằng cái giọng ngái ngủ “chuyển đi rồi”. Trong tích tắc, cửa đóng sầm lại, một lớp bụi mơ hồ bay ra đáp trả lại cô sau cú dập cửa quá mạnh. Cô ngơ ngẩn nhìn chăm chăm vào cánh cửa sơn xanh tróc lở, chi chít tem quảng cáo các loại, từ thông tắc bể phốt đến sửa máy giặt, tủ lạnh và cung cấp gas giá rẻ. Trong cô dậy lên mối hồ nghi rằng gã vẫn trốn đâu đó ở phía sau cánh cửa bí ẩn kia. Cô kiên nhẫn đứng nhìn các số điện thoại dán lộn xộn trên cửa như thể có chỉ dẫn bí mật của gã găm lại trên đó, cho tận đến lúc một bà thu gom đồng nát xuất hiện, mắt vừa nhìn cô dè chừng, tay vừa nhặt nhạnh mấy vỏ thùng carton cũ chất dưới góc hành lang. Gã đi đâu? Liệu ai có thể trả lời cho cô câu hỏi ấy? Làm ơn, gã đừng ngã dúi vào một xó nào đó và rồi khi có người phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Cô lục tung những địa điểm tình cờ biết rằng gã hay ghé thăm nhưng chưa khi nào muốn lôi cô theo. Những cái lắc đầu thờ ơ. Những ánh nhìn dò xét. Những thái độ dè chừng. Điện thoại ngỡ là thứ kết nối nhanh chóng nhất, tin cậy nhất thì trong trường hợp này nó trở thành đồ phản trắc với thứ nhạc chờ nghe như kèn gọi hồn tử sĩ và thông tin báo lại chả khác nào một con vẹt lười biếng vừa dùng xong bữa sáng quá đà: “Thuê bao hiện đang ngoài vùng phủ sóng. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Vậy là mọi nỗ lực kết nối với con người ấy đều vô vọng.
Nhà văn Phong Điệp
Rồi thì bất thình lình, gã đùng đùng xuất hiện, phởn phơ như thể chả có gì quan trọng sất: “Hê nô cô mình!”. Nghe mà ức đến phát khóc! Cô là thế nào mà gã nỡ đối xử với cô như vậy? Gần chục năm anh em gắn bó thân thiết, chẳng lẽ gã không thể sống có trách nhiệm hơn với bản thân và người khác được hay sao? Chẳng lẽ …
Mà thôi… còn hiện diện trước mặt nhau thế này, còn cảm nhận được hơi thở của nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi. Cô ghìm những nhịp thổn thức đang dâng lên nghèn nghẹn…
Gã lấy chân khều cái bàn ra xa khỏi đám khách đang say sưa tranh cãi nhau xem vua khỉ trong phim bom tấn vừa công chiếu khiến bà con trên Facebook “lên đồng tập thể” được làm kỹ xảo có bao nhiêu cái lông. Khóe miệng gã không quên kéo lên cỡ một phần năm nụ cười. Ôi cái kiểu nhếch mép bủn xỉn mà thề có thần linh, cô nhìn mà chỉ muốn vạch thêm cho gã một vệt bồ hóng đen sì phía mép bên kia cho cân xứng với cái thứ điêu toa có hạng! Kệ! Gã giơ tay gom dúm ba cái tai ghế như kiểu trẻ con gom que tính sang phía bàn vừa kê lại, đoạn đặt phịch cái túi vải màu cháo lòng to tổ chảng xuống một chiếc ghế. Ổn định xong “bàn tọa”, gã vớ cốc nước lọc bà chủ quán chu đáo vừa bưng ra, uống như cả năm không có giọt nước nào được chui vào cổ họng. Sau khi giải quyết xong cơn khát, gã mới săm soi hai khóe mắt vẫn còn dấp dính nước của cô:
– Nhện vừa đi tiểu vào mắt à?
Cô phì cười. Ôi cái con người khó chịu này!
– Biết thế em chả thèm lo nữa cho xong…
– Lo gì? Á… à… Lo tớ ngoẻo củ tẻo chứ gì? Ối dào! Chết thế quái nào được. Còn sống mà ăn vạ đằng ấy nữa chứ. Nhỉ?
– Anh không nghiêm túc được một tí à? Túm lại là anh bị làm sao? Sao không chịu nghe điện thoại của em?
– Đằng ấy gì mà căng thế? Đây đang rất chi là nghiêm túc nhá! Nghiêm túc là đang ngồi đây, chưa chết. Nhá!
– Đừng giấu em nữa. Mọi người nói với em rồi.
– Ối dào. Có gì đâu mà phải giấu. Giấu thì đã chả ai biết mà nói đến tai đằng ấy!
– Nhưng sao em lại là người biết sau cùng? Tại sao…?
Giọng cô tự nhiên như người bị hụt hơi. Cái con người đáng ghét vô tâm kia có khi nào quan tâm đến cảm xúc của cô không vậy?
Gã ngồi im. Mắt trân trối nhìn dòng xe cộ nườm nượp đi trên phố. Hai bàn tay vặn vào nhau răng rắc. Giọng nói hờn giận, ánh mắt trách cứ của người con gái ấy làm gã tê tái. Nhưng gã biết thanh minh thế nào đây. Ừ… thì nhìn cái đầu trọc lốc vì chạy hóa chất, có khờ đâu mà không hiểu. Nhìn thân hình sọp đi như miếng cau khô, màu da bợt dần sức sống của gã ai mà không đoán ra. Sau khi nhận tờ kết quả giống như một án tử, gã không dám tin. Gã vo viên tờ giấy, trút vào đó những nỗi hận vô cớ rồi thẳng tay vứt vào thùng rác. Gã gọi đám bạn đi lolotica giải xui. Khi đám bạn thả gã đã mềm nhũn như sợi bún về đến nhà và lượn đi sạch bách thì những cơn đau thốc ngược từ dạ dày lên tìm đến gã. Gã lăn lê như con chó bị trúng bả dưới sàn nhà, dãi rớt đầy mồm, ruột như sắp bở rữa ra, những tưởng có thể chết ngay đi được. Hôm sau, khi đã tỉnh táo hơn, tĩnh trí hơn, gã lẳng lặng moi từ thùng rác tờ giấy nhàu nhĩ lên. Gã nhìn trân trối vào bản án dành cho mình. Gã không thể “kệ cha đời”. Phải đối diện với sự thật mà tìm cách giải quyết vì đằng nào ngày mai gã cũng không thể chết ngay được. Phải sống và hy vọng! Câu này nghe hơi sến, nhưng lúc này thì đúng với gã. Một liệu trình điều trị được lên kế hoạch. Cũng may trước đó gã mua bảo hiểm nhân thọ của một hãng có uy tín chỉ vì cả nể đứa bạn làm ở phòng kinh doanh, giờ thì nhờ tấm “bùa hộ mệnh ấy” các khoản chi phí dội lại gã không đến mức quá nặng nề. Thôi thì ông trời còn thương ngày nào biết ngày ấy!
Không thể chết ngay ngày mai nhưng miếng da lừa của gã chỉ còn tí teo thôi. Thì ai chả phải chết, nhưng chẳng ai muốn điều đó tìm đến với mình cấp tập như thế, nhất là khi gã còn trẻ, còn bao nhiêu kế hoạch hay ho. Dù sắt đá đến đâu, sự thật nghiệt ngã kia cũng đốn hạ gã, khiến gã có lúc trở nên bạc nhược. Gã đã muốn lẩn trốn cả thế gian này, lẩn trốn bia mộ đã khắc sẵn tên gã, chỉ chờ đến ngày đến tháng “nhập tịch”. Nhưng khi phải chọn lựa thì cô là người duy nhất gã thực sự muốn né tránh.
Không hiểu sao những lúc nằm vật vã với cơn đau, gã thường nghĩ đến cô. Gần mười năm quen biết nhau, gã tự ngẫm thấy rằng mình dù có hùng hổ bặm trợn ở đâu, như thế nào thì lúc hiện diện trước cô gã cũng trở nên cẩn trọng, giữ gìn hơn. Gã từng trải qua vài ba mối tình, nhưng đến với ai gã cũng hay liên tưởng vô cớ đến cô… Nhưng tỏ tình với cô thì chưa bao giờ gã nghĩ đến. Có phải bởi trong mắt gã, cô vẫn chỉ là bé con ngốc nghếch, thánh thiện không hợp với chuyện yêu đương? Hay khi người ta đã quá thân thiết, quá hiểu nhau rồi thì tình yêu không còn chỗ nữa? Vớ vẩn! Làm gì có chuyện thế. Phải thân, phải hiểu mới yêu được nhau chứ. Nhưng sao gã không dám chạm vào người cô? Người con gái ấy không có cái nhan sắc rực rỡ thu hút mọi ánh nhìn, nhưng khi đối diện đôi mắt hiền như nước, nụ cười sáng tinh khôi của cô, gã luôn có cảm giác phải cẩn trọng hơn, gượng nhẹ hơn. Sau mỗi chuyến đi xa, gã thích trở về bên cô, để nghe cô huyên thuyên đủ mọi chuyện. Đó là bí mật gã giữ riêng cho mình. Gã thích thú quan sát nét mặt cô, nhất là mỗi khi có gì lạ lẫm, hai mắt cô lại nhướn lên tò mò, kèm câu hỏi rất đặc trưng “thế cơ ạ?”. Gã chẳng ngại ngần kể với cô về những mối tình của mình, và kiên nhẫn ngồi nghe cô tư vấn chuyện tình yêu! Ôi cái con bé con khó tính như bà chằn, hễ ai le ve tán tỉnh là sợ chạy mất dép mà cũng lên giọng thuyết lý phải thế này, phải thế nọ khiến gã chỉ chực cười phá lên. Gã nhớ ngày đầu gặp cô là khi gã ngồi ghế tuyển dụng còn cô là sinh viên mới ra trường. Câu cảm thán “thế cơ ạ” của cô khi ngồi nghe hắn bla bla hòng ra oai với mấy em trẻ từ hồi đó gã vẫn còn nhớ mãi. Rồi tự nhiên mà thân thiết với nhau. Gã thực sự không giải thích được sự gắn kết lạ kỳ giữa cô và gã suốt chừng ấy năm.
Gần một năm trời qua gã lẩn tránh cô. Gã lăn lộn, vật vã với những cơn đau từng ngày từng ngày hủy hoại, tàn phá cơ thể mình. Gã lết từ bệnh viện về nhà sau khi đã ngấm đẫm hóa chất sau mỗi lần hóa trị. Thời gian ấy thật khủng khiếp. Cả người gã bải hoải. Miệng chực nôn ói. Gã không còn tha thiết điều gì trên đời này nữa. Nhưng gã vẫn nhớ cô trong leo lét những ngày dài. Gã thèm nhìn thấy bóng dáng cô đi đi lại lại cho gã bớt quạnh quẽ. Để mỗi ban mai thức dậy, cảm giác tê tái, bải hoải không choáng ngợp gã. Chỉ một cú điện thoại thôi. Gã tin chắc cô sẽ bay đến bên mình. Gã hiểu người con gái ấy. Nhưng thay bằng nhấc máy lên, tìm số của cô để gọi thì gã cho nó vào danh sách chặn. Lần đầu tiên, gã thấy mình khóc…
– Tại sao anh không nói gì với em cả? Tại sao?
Gã biết mình không thể lẩn tránh được nữa.
– À ờ… Dạo này tớ bận quá. Đi suốt ấy mà. Mới về hôm qua nên hôm nay lượn đến cà phê với đằng ấy đây còn gì.
– Ý em là…
– Đằng ấy có thấy chuyện chán nhất là nói về bệnh tật không. Có tí bệnh tật cỏn con, kể lể rách chuyện lắm. Nói chuyện gì khác đi. Đằng ấy đợt này hơi xanh xao đấy. Lại không chịu ăn chứ gì? Chị đồng nghiệp tốn bao nhiêu tấn giấy thấm nước mắt cho “Cô dâu 8 tuổi” rồi? Lão sếp còn ngáy thân ái trong giờ làm việc không?
Cô không thể nhịn được cười trước cái lối nói tưng tửng, khiêu khích của gã.
– Sao anh không ở chỗ nhà cũ nữa à?
– Ừ, chỗ ấy ồn ào quá, tớ
có muốn hát opera cũng khó tập trung.
– Thì anh kiếm bộ trống mà gõ cho rôm rả.
– Ừ… há… một sáng kiến vĩ đại để tuyển nhạc trưởng cho dàn trống lễ hội đang mùa ăn nên làm ra!
– Thôi không nhảm nữa! Bây giờ anh ở đâu? Khi nào cho em qua thăm nhé?
– Ôi, đằng ấy mới vào ban vệ sinh dịch tễ của phường à? Chết thật! Thôi tớ can! Đến cái ổ lợn của tớ mà làm gì. Tớ thì khả năng miễn dịch vô địch rồi. Đằng ấy đến đấy lại chả phải đi giật lùi ra ngay, có khi phải gọi xe cấp cứu thì khổ tớ ra.
– Em nói nghiêm túc đấy, em muốn qua thăm chỗ anh ở.
Nghe cái giọng hơi gắt lên của cô gã biết không đùa cợt được nữa. Mà tính cô gã biết, sẽ khó mà thoái thác được lời đề nghị. Ờ thì đến. Đằng nào thì gã cũng chịu lộ diện trước cô rồi, còn có gì để giấu nữa đâu. Chẳng phải thâm tâm gã đã từng ước cô xuất hiện ở căn phòng chật chội, nơi mỗi ngày gã lại nhẩm tính việc tiêu dè thời gian hay sao…
Hóa ra chỗ gã ở gần ngay nơi làm việc của cô. Một căn hộ tầng 5 trong khu tập thể cũ kỹ cạnh nhà ga. Từ khoảng sân chật chội phía trước đến lối lên cầu thang đều sực lên mùi nước giải khăn khẳn, lưu cữu lâu ngày. Cô không dám bịt mũi vì sợ gã chạnh lòng, bèn dành sự quan tâm cho hệ thống đường dây điện chằng chịt như mạng nhện rối bao quanh tòa nhà. Nhỡ đâu một mối nối nào đó tóe lửa điện lên thì xong đời. Khu chung cư cao cấp gần đó mới đây đã chẳng bị thiêu rụi cả mấy tầng vì sự cố chập điện đó sao?
– Đến rồi, đến rồi!
Gã huýt sáo vang lừng, nhanh tay mở cửa như thể đón chào một bộ phim hay đang chờ sẵn. Bỗng gã dừng khựng lại:
– À mà thôi…
Cô mở tròn mắt, ngạc nhiên nhìn gã.
– Đằng ấy xuất hiện nhỡ thất kinh lũ chuột nhà tớ.
Tí nữa thì cô đã nhảy cẫng lên vì sợ. Tim cô đập rộn lên. Cái tay quái quỷ này, sao lại nói đến chuột lúc này hả giời? Tại sao không thể nghiêm túc hơn được một chút hay sao?
Giờ thì cô đã ngồi thu lu trên chiếc ghế mây cáu xỉn đặt giữa phòng, ngó nghiêng các góc nhà với thái độ cảnh giác cao độ. Trong khi đó, gã đôn đáo đi dọn quần áo bừa bãi và xếp chăn màn cho gọn lại. Dù không muốn, cô cũng thoáng nhìn thấy ngăn tủ đầu giường gã ngổn ngang những vỉ thuốc đang uống dở, chiếc khăn vắt trên thành giường còn vương vệt máu, những vỏ mì tôm vương vãi đầy một góc nhà… Và không hiểu sao, từ mọi ngóc ngách của gian phòng, một mùi buồn u uất ứa lên. Cô thấy tim mình ngột ngạt…
***
– Em sẽ dọn đến đây với anh, đến khi nào anh khỏe!
Cô nhìn gã. Cái nhìn không thể cương quyết hơn.
– Ấy dà. Đằng ấy làm tớ ngạc nhiên đấy. Tớ không có ý định tuyển người nâng khăn sửa túi. Càng không có điều kiện để tuyển osin. Nhá!
Cô không tự ái nữa. Cô biết kiểu gì con người ngang tàng ấy cũng sẽ tìm được lý do để khước từ đề nghị của mình. Có bao giờ gã muốn người khác nhìn thấy sự yếu đuối, mệt mỏi của mình đâu.
– Em đến làm bạn! Đơn giản có thế thôi!
– Chà chà. Ca này “phức tộp” đây… Đằng ấy để tớ tư duy cái. “Phức tộp” quá.
Gã bỏ ra ban công hút thuốc trong lúc cô loay hoay không biết đặt túi đồ của mình vào đâu.
Gã hiểu cô. Con người nhân hậu ấy không thể bỏ mặc gã trong lúc này. Gã nhìn trong thái độ của cô có chút gì đó vừa xót xa của một đứa em gái với người anh trai ương bướng, vừa là nỗi lo lắng của một người mẹ với đứa con ngang ngạnh không chịu nghe lời, vừa lại giống như sự lo toan của người vợ với người đàn ông của đời mình. Liệu gã có thể khước từ được không đây?
Dù không nói ra nhưng gã thấy hạnh phúc vì lại nhìn thấy cô trở về vào cuối ngày. Cô tất tả đi lại tự nhiên trong căn phòng ổ chuột của gã, lo toan cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, cáu bẳn với gã vì chiếc áo bẩn nhét góc tủ cả tháng không bỏ ra giặt, thủ thỉ với gã về một cuốn sách vừa đọc, hét toáng lên khi nghe tiếng chuột đuổi nhau trên nóc nhà… Những lúc như thế, gã chỉ biết ngồi ngắm nhìn cô không biết chán. Cái miệng quen láo liên, xỏ xiên của gã bỗng như bị “rút phép thông công”.
Sau 6 lần hóa trị, gã trở nên vật vờ như một cái xác không hồn. Gã nằm dúm dó trên giường, dường như quên mất sự tồn tại của cô. Gã biết cô cố gắng vỗ về gã, hỏi han gã, nhưng sự dịu dàng quá thể ấy khiến gã cáu kỉnh. Gã đau. Gã đau chết đi được. Cô kiên nhẫn kéo chiếc ghế mây, chầu chực cạnh gã. Có lúc mệt quá, cô thiếp đi. Khi đã bớt cơn đau, gã sẽ sàng lau vệt nước mắt ứa ra trên má cô trong khi ngủ. Mùi buồn bã của căn phòng bủa vây lấy gã. Gã thấy mình yếu đuối và bất lực…
Lẽ ra cô đừng nên xuất hiện ở đây. Lẽ ra gã đừng tìm đến cô. Gã đã chạy trốn cô được cả một năm trời, gã còn tìm cách xuất hiện trước mặt người con gái ấy làm gì? Để được tận hưởng cảm giác yêu thương vỗ về? Để tìm được sự bình yên? Để thừa nhận sự thất bại của mình? Gã chờ đợi điều gì đây? Tâm tư gã như thùng rác vừa bị xới xáo tung tóe. Gã không chịu nổi ánh mắt vừa trìu mến vừa xa xót của cô.
– Đằng ấy đừng lâm li thế. Lạc quan lên chứ!
– Anh có muốn đi đâu chơi ít ngày không?
– A, đằng ấy độ này ham chơi ghê nhỉ. Hơi bị bất ngờ đấy. Thì đi. Sợ quái gì! Bỏ hết mà đi. Không đi thì bao giờ mới đi nhỉ!
Đồ đạc đã sẵn sàng. Lộ trình đã lên chu đáo. Vậy mà những cơn đau như thác kéo đến, đốn gục gã, không khác nào trận cuồng phong phát gọn cả vườn chuối sau nhà gã năm nào. Gã như vỏ lon bia rỗng, bẹp dúm trên giường. Gã mơ hồ cảm thấy nước mắt cô rơi trên má mình. Người gã như thể có luồng điện chạy qua vào khi bàn tay cô vừa đan vào tay gã.
“Anh ơi, anh có sao không”.
Gã thấy mình đang trôi. Chầm chậm. Êm êm. Không còn đau đớn. Ở phía xa kia, cô đang nở nụ cười sáng rỡ. Váy cô dâu bồng bềnh, bồng bềnh…
“Tớ yêu đằng ấy…”.
Miệng gã như bị băng kín. Câu chữ đông kín trong miệng, không cách nào thoát ra được.
“Tớ yêu đằng ấy…”.
Gã cố sức một lần nữa.
Điều muốn nói chưa kịp thổ lộ, gã đã thiếp đi như cả thập kỷ chưa được ngủ.
***
– Tớ đến chào đằng ấy, mai tớ lên đường rồi. Lại có dự án tận bên Lào cơ. Hay đằng ấy đi Lào với tớ không? Đi cho biết thế lào là nước Lào ấy mà.
Gã cười khơ khớ. Trong đầu gã bỗng hiện lên giấc mơ hôm trước. Gã lại phải tránh xa cô thôi. Thà cứ biền biệt không biết tin tức gì của nhau còn hơn ở cạnh nhau, để rồi cứ đêm đêm gã phải nhúng mình vào những cơn mơ buồn đến da diết, và chứng kiến nước mắt người con gái ấy, dù chỉ trong giấc mơ…
Thực ra, sau lần “cả nể” đưa cô về giới thiệu tân gia, gã đã trốn biệt vì sợ mình có thể phạm sai lầm. Bữa hôm ấy, cái dáng bé nhỏ của cô ngồi thu lu trên chiếc ghế mây úa mốc giữa phòng ám ảnh gã. Gã không thể làm khổ cô được. Mọi liên lạc của cô lập tức lại rơi vào vùng trắng.
Nhưng càng chạy trốn, gã càng hay mơ về cô. Đến mức gã không biết đâu là mơ, đâu là thực. Bữa cơm gã tự nấu ra sao gã vẫn thấy như có bàn tay cô? Gã ăn mà như có cô đang chống đũa ngồi nhìn. Những lúc gã quằn quại đau đớn, chỉ có tiếng chuột lích rích chạy sao gã vẫn cảm thấy hơi thở cô ở ngay cạnh đó. Thật mềm, thật thơm…
Hay là cô đã bí mật dọn về ở trong căn nhà của gã? Rồi cô trốn gã như cô Tấm náu mình trong quả thị. Gã tự bật cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh này.
– Ơ, tớ chào thế mà đằng ấy không ỏ ê gì à? Nhạt nhẽo thế à?
Nhiều lần tỉnh dậy giữa giấc mơ, gã bần thần, tiếc nuối đến nỗi không muốn ngồi dậy. “Tớ không có ý định tuyển người nâng khăn sửa túi. Càng không có điều kiện để tuyển osin” – vừa nhớ lại câu trả lời bá đạo của mình gã vừa nhếch miệng cười. Nhưng miệng thì cười mà lòng sao tê tái…
– Anh thật không có gì để nói với em hay sao?
Cô nghiêm trang nhìn vào mắt hắn. Hắn thấy luống cuống. Như kiểu trẻ con nghịch dại bị người lớn bắt lỗi. Nói gì bây giờ đây. Đừng ép người ta thế chứ. “Tớ yêu đằng ấy…” – Liệu gã có cơ hội để nói ra điều ấy hay không?
– Mai tớ phải đi. Đi lâu đấy.
Miệng gã chát đắng.
Cô ngồi lặng thinh. Mặc nắng bắt đầu lan vào má ran rát. Hắn loay hoay bẻ các ngón tay đến mức đau điếng.
“Em yêu anh… Đừng bỏ trốn em nữa…”.
Có phải gã vừa nghe thấy một tiếng nói cất lên nhẹ như hơi thở? Gã sững sờ không dám quay sang phía cô. Là nắng, là gió, là ảo ảnh thôi mà. Chẳng có tiếng nói nào cất lên hết. Là nắng… là gió… là ảo ảnh… Chỉ thế thôi…
Bàn tay cô tìm bàn tay gã. Mong manh. Run rẩy. Cuối cùng thì cô cũng đã nói ra được điều sâu kín ấy. Rồi ban mai sẽ không lạnh nữa. Mùi buồn sẽ không còn bủa vây chúng ta mỗi ngày nữa. Còn hiện diện trước mặt nhau thế này, còn cảm nhận được hơi thở của nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi…
Hà Nội 3.2017
PHONG ĐIỆP
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...