Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ngày sao cát nở

Ngày sao cát nở

Hai hàng áo lam đồng loạt ngẩng khỏi giá kinh, báo Ái biết mình lầm to. Mấy chục cặp mắt mới ít phút trước còn sám hối hướng Phật thoắt cái chĩa phẫn nộ trùng trùng về phía Ái.
Ái nhớ bữa mình lên chùa hình như nhằm ngày sao cát nở. Dọc đường đi, Ái thấy đầy những bông hoa phơn phớt tím hoa cà. Ngược với sến rện màu hoa, cánh lẫn nhụy đều dày cui, sần sùi bất cần đời.
Đứng chờ mẹ rửa hột cát nào đó bay vô mắt, Ái còn định giơ tay ngắt thử một bông chơi.
– Ngu quá! Bông đó độc. Lở hết tay còn làm ăn gì được!
Mẹ la lớn. Tay Ái giật mình, sực nhớ còn có chuyện cần hơn.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
Dù vậy, buộc nhả ra thứ sắp nắm trong tay cứ khiến Ái ậm ạch bực trong bụng. May lội thêm hai dốc cát nữa, chùa đã hiện ra. Nếu không, bực đã bắt Ái nổi sùng.
Nổi sùng vốn là nghề Ái đó giờ.
Nên xông thẳng vô chánh điện, giữa bài kinh sám hối giấc chiều, giữa hai hàng phật tử áo lam tụng đôi ba câu lại kính cẩn dập đầu, ngó thẳng người áo vàng đang xếp bằng an nhiên gõ mõ, Ái gào lên:
– Ba! Sao ba bỏ mẹ con con?
Ái đã 17 tuổi. Mà cứ tưởng mình còn trẻ nhỏ, nói bậy không ai chấp.
Hai hàng áo lam đồng loạt ngẩng khỏi giá kinh, báo Ái biết mình lầm to. Mấy chục cặp mắt mới ít phút trước còn sám hối hướng Phật thoắt cái chĩa phẫn nộ trùng trùng về phía Ái.
– Con nhỏ này ở đâu tới? Nói khùng nói điên!
– Bắt đầu nó lại. Dám đặt điều cho thầy!
– Phải có người xúi biểu nó chớ. Bắt nó khai ra!
Cả chánh điện như sôi lên. Hai hàng giá gỗ bị thô bạo vẹt qua, hất mấy quyển kinh bên trên rớt xấp xãi trên đất.
Ái đứng chôn chân ngay tượng ông Ác, thấy như mình vừa gây hẳn một trận bão. Ông Phật trên chánh điện cũng như hầm hầm ngó Ái kết tội.
Biết thanh minh cũng như không, Ái trừng mắt lại ông Phật. Mấy mặt người hầm hừ liếc, Ái xấc xược liếc trả lại.
– A. Con này hỗn…
Có bà mập tức nhịn không nổi, giơ tay hăm tát Ái.
Tràng mô phật từ người áo vàng không kịp ngăn lại, chưa biết Ái sẽ làm gì. Người bà ta nung núc mỡ, đầy chỗ cho Ái găm răng lẫn móng tay. Chưa kể cổ bà ta còn lủng lẳng sợi dây chuyền dài cả thước. Nếu ngoài đường, chỉ cần mẹ Ái sượt qua, sợi dây ắt chuyển từ cổ bà ta vô giỏ mẹ liền.
Nghề không bằng mẹ, nhưng canh lúc cào cấu lộn xộn nhét sợi dây vô lưng quần, Ái làm dư sức. Mẹ chắc còn chờ chỗ quán nước dưới chân động cát. Thấy sợi dây chắc tắt bài than muôn thuở chỗ chùa chiền làm ăn sao được.
Nhưng trong bụng áo Ái còn bị bọc nilông tiền moi từ thùng cúng dường chưa kịp đếm. Trữ trong người tới hai món, dưới bao nhiêu cặp mắt phẫn nộ, Ái e mình chạy không lọt. Chưa kể xuống chùa còn bao nhiêu bậc cấp, rồi cả động cát mênh mông bao bên ngoài. Ái chạy sao thoát nổi.
Nên lúc mô phật tiếp tục cùng giọng nghe hay như tiếng chuông: “Chuyện liên quan đến thanh danh nhà chùa. Xin quý phật tử cho phép nhà chùa xử lý”. Như người khác đã sợ xanh mặt. Riêng Ái, chỉ nghe khấp khởi mừng thầm.
Mấy ngày Ái ở chùa là mấy ngày sao cát nở ác liệt nhất. Giữa trập trùng cát vàng, từng cụm tím chỏi lên, không phơn phớt hoa cà như lần đầu Ái thấy nữa mà tím rục, tím riễu. Tím như thể chỉ cần một cái chạm tay cũng đủ làm cả cụm hoa bục ra, tan biến.
Người đi chùa bàn tán chưa thấy sao cát nở lạ vậy bao giờ. “Chắc có điềm!”. Ba tiếng này họ nói vào tai nhau. Ái lạ gì mấy âm thanh lào xào không rõ lời nhưng độ sát thương cao.
Không có nhu cầu nghe nên ngang qua túm tụm chỗ ghế đá, gốc cây, Ái thường đi thẳng.
– Sao ông thầy chưa đuổi đầu con nhỏ đó?
– Biết phải nó thiên tinh thử tế không? Hay có gì khuất tất?
Bữa loáng thoáng mấy câu này, Ái đứng lại lâu hơn chút.
Giả đò cầm cây chổi quơ quơ mấy bông sứ khô rụng, Ái dỏng tai hết cỡ, ráng nghe coi còn câu nào hay ho kiểu: “Mấy bà nhìn cặp chân mày nó coi. Giống ông thầy y hệt” không. Xui xẻo gặp đúng giờ vô kinh, bàn tán ngưng bặt, lục tục kéo nhau lên chánh điện tụng niệm.
Ngó theo mấy bóng áo lam, Ái công nhận mẹ nói đúng, thời buổi này người ta dễ tin phát sợ. Không đâu một con nhỏ lạ hoắc xộc vô tự nhận mình con thầy chùa, cũng có người tin sái cổ. Lại toàn mấy gương mặt bữa trong chánh điện ra bộ bảo vệ thầy, đòi đem Ái nhốt lại. Ra toàn diễn kịch.
Ái bẻ khóa với thó đồ giỏi nhưng nghề hai mặt như họ, tự thấy mình thua.
Tan buổi kinh, lên chánh điện đóng cửa, tắt đèn, Ái được dịp chọc quê ông Phật. Rằng ngày nào cũng được cả đám xạo xự quỳ gối, dập đầu, ông có vui không? Còn người áo vàng kia nữa, ông ta có biết người ta đang nghi ngờ?
Mấy ngày ở chùa, Ái nói chuyện được với ông đúng một lần. Ngay buổi sáng ông xin phật tử được tự mình “xử lý” Ái.
Sau bữa đó, ngày cũng như đêm, hễ chùa không còn ai ngoài Ái, ông ta toàn ở rịt trong phòng.
Đương không, Ái thành bà từ giữ cả cơ ngơi rộng thênh. Sáng sáng, lại xách chổi quét giáp vòng từ sân vô chánh điện, lên lầu. Rồi chiều chiều tưới cây, lau tượng. Sẩm tối còn thắp nhang, dộng chuông. Đúng ra, đâu ai biểu Ái làm. Chỉ là, để tay chân rảnh rang, Ái không quen.
Khuya, lau thềm sạch sẽ, Ái ôm chiếu ra trải nằm dưới chân tượng ông Ác. Từ nhỏ ngủ lăn lóc ghế đá công viên rồi hiên nhà người ta đã quen, nằm vậy, Ái còn thấy trăng thanh gió mát. Chỉ hơi phiền chút vì quay qua cứ đụng mặt ông Thiện đứng đối diện. Ông thì mặt mũi sáng láng ngon trai rồi. Hiềm nỗi, nhìn miệng cười ông, Ái cứ nhớ cái cười mỉa của đám người đi chùa.
Tầm buồn ngủ gần kéo sụp mắt Ái, từ phòng trụ trì lại vẳng ra tiếng mõ. Khác chậm rãi, thư thái như lúc đệm cho các buổi kinh. Tiếng mõ không cho tai phật tử nào nghe cứ gấp gáp, dồn dập như sợ hãi, như hoảng loạn chạy trốn điều gì.
Len vào giấc mơ Ái, có đêm tiếng mõ thành tiếng mưa đổ lên mái tôn mục căn nhà dưới gầm cầu. Trong mơ, Ái gặp lại cảnh nhà sụm xuống, bẹp dí trong nước lụt. Gặp mình và mẹ ướt nhẹp ôm nhau khóc trên mấp mé nước.
Lần khác, tiếng mõ vụt hóa tiếng trống múa lân. Người đàn ông mang bụng phệ ông Địa, bồ mẹ, vừa nhảy chồm chồm theo trống vừa cười nhăn nhở với Ái sau mặt nạ. Mò vào giường Ái, ông ta cũng đem nụ cười ấy theo.
Phản xạ luyện được từ ngày nhỏ ở với ông ta, cứ tới nửa đêm Ái giật dậy. Lăn khỏi chiếu, úp mặt xuống thềm chùa lạnh ngắt, Ái mong tiếng mõ đừng gõ, đừng dắt mơ Ái đi nữa. Toàn mấy đoạn đường Ái đâu muốn nhớ. Cả lúc thức lẫn khi mơ.
Nhớ lẽ ra nên để dành trả lời bữa ông thầy hỏi Ái: “Mẹ con tên gì?”. Nhớ không chịu đến sớm, xém nữa Ái làm bung bét bữa nói chuyện đầu tiên (chắc cũng là duy nhất) với ông thầy. Đều do mẹ hết. Mỗi chỗ mẹ dắt Ái tới, người ta lại gọi mẹ bằng một cái tên khác. Giấy tờ mẹ đem theo người cũng không tên nào thiệt. Lục muốn banh đầu, Ái không chắc tên mình kiếm ra biết đúng tên mẹ thời con gái.
Nhớ còn nên để dành cho mấy thùng tiền công đức trong chánh điện. Hay tin nhắn mẹ hối: “Làm gì lâu dữ! Kêu lên lấy có mấy đồng bạc!”. Hay chỉ thị mới nhất (không biết từ mẹ hay ông bồ mới): “Sẵn ở thì coi ổng giấu tiền cúng ở đâu. Mới xong lễ. Việt kiều về chùa đầy. Bảo đảm có tiền”.
Tiếng mõ vẫn dồn đuổi bên tai làm Ái nhức đầu. Nhức y chang tối dụ mẹ nhậu xỉn quắc cần câu. Không dè Ái tỉnh, mẹ xỉa móng tay sơn đen, nhọn hoắt vô mặt Ái: “Cặp chân mày này đây. Là giống rặt thằng cha mày. Thằng ăn cướp bày đặt làm thầy chùa!”.
Lạnh tỏa từ mặt thềm, lạnh dội xuống từ sương đêm, không làm nhức buốt Ái đỡ hơn.
Co quắp dưới chân ông Ác, Ái ước sao trời sáng trăng. Có trăng, nhìn từ chỗ Ái ra động cát sẽ thấy được bụi bông sao. Tự nhiên, Ái mong được thấy vô cùng những cánh hoa tím rục đau đớn, chực tan biến nhưng phải neo mình lại.
Ai kêu không dưng mang màu tím. Đã tím, phải thủy chung. Như Ái, chung thủy với cuộc kiếm tìm cặp chân mày giống mình mấy năm nay. Tìm từ thời còn đứa nhỏ xinh xắn da căng, má hồng sang đứa gái giơ xương, mắt thâm quầng như con nghiện.
Lúc mới tìm, Ái tự cho mình quên đoạn sau mẹ nói lúc xỉn. Ái đi kiếm cặp chân mày trên mắt mấy ông nhà giàu. Ái coi mấy cảnh con nhà giàu trên phim rồi. Biết đâu mẹ nói lộn. Ái cũng được quyền làm tiểu thơ, được ngủ phòng công chúa, giường chất đầy gấu bông lắm chớ.
Một hai năm sau, khi mẹ và những ông bồ trở nên ồn ào, Ái giảm ao ước xuống, chỉ mong ba là người cho Ái được một căn phòng. Ái chán lắm rồi cảnh bịt tai, đỏ mặt bởi họ khi đêm buông.
Một hai năm sau nữa, chịu chấp nhận đoạn “thằng ăn cướp bày đặt làm thầy chùa”, Ái tưởng việc tìm cặp chân mày sẽ dễ hơn.
Vậy mà cũng ròng rã không biết bao nhiêu ngôi chùa. Mặt tiểu, mặt sa di, mặt sư thầy, mặt phật. Bao gương mặt cứ thế trôi qua Ái, không cặp chân mày nào neo lại.
Chừng sắp tin bữa say mẹ nói dóc. Chừng tiền trong thùng cúng dường trước bàn linh đã yên vị cùng bị nilông đen trong bụng áo. Tình cờ ngó qua ô thông gió sau chánh điện, Ái thấy ông thầy.
Quên phứt trong áo có bị tiền ăn trộm, vòng ra hành lang trước, vô thẳng chánh điện, Ái quyết nhìn kỹ ông thầy thêm lần nữa.
Nhìn rồi không kềm được. Mừng rỡ, tủi thân cùng hồi tưởng đằng đẵng đường tìm kiếm vật tỉnh táo, Ái té sầm dưới tượng ông Ác.
Chừng lý trí gượng dậy, mới nhận ra câu Ái cất sẵn bao lâu nay trong cửa miệng đã vuột ra rồi.
Đến nước đó mà bữa nói chuyện với Ái ông thầy chỉ kể chuyện Phật. Câu tính ra riêng tư nhất cũng dành hỏi mẹ, nào phải cho Ái đâu.
Phải ông được như bà phật tử dây chuyền cả thước sáng kia vẫy Ái lại, thân mật kéo ngồi xuống ghế đá.
– Em gái. Đó giờ tìm ba chắc cực lắm ha?
Ái chưa kịp mở miệng, tay bà đã thò lên tóc.
– Thấy em mấy ngày nay siêng năng làm công đức, tụi chị ai cũng thương. Nói chị nghe. Ba nhận em chưa? Sao hồi xưa ổng bỏ hai mẹ con vậy? Uất ức sao kể chị nghe. Chị nói mọi người lên tiếng cho em.
Bỗng nhiên, Ái nghe lạnh sống lưng. Mấy ngón tay bà bò trên tóc không khác gì đám rắn uốn éo, ngóc đầu chực Ái sơ hở sẽ tức thì mổ xuống.
Gạt phắt bầy rắn, Ái đứng vụt dậy. Ngó bà bằng ánh mắt (may sao còn xài được) của con Ái ăn trộm biệt danh “xì ke”, Ái xấc láo hất mặt:
– Bà ngu thiệt hay ngu giỡn! Tui nói có một câu mà tin từ bữa đó tới giờ. Biết vậy, bữa tui nói tui con rơi chồng bà. Phải vui hơn không!
Trước khi bàn tay mập đưa lên, và chắc sẽ còn nhiều bàn tay, giọng chửi nữa cùng trợ sức, Ái đâm đầu chạy.
Vèo cái đã qua khỏi cổng chùa. Thêm vài cú phóng, xong hết mấy bậc tam cấp, nhúng chân xuống cát.
Đường về với mẹ hóa ra đâu khó khăn như Ái hình dung. Mấy ngày trước, lúc bị tiền cúng dường còn trong bụng, sợi dây chuyền chắc cú nhét được vô lưng quần, Ái chịu rời chùa thì đâu vô cảnh này.
Cảnh cong chân chạy mà đầu cứ thắc thỏm ngó lại. Thắc thỏm chờ cánh cửa phòng bên trên chánh điện hé mở. Chờ một bóng áo vàng bước ra, đứng nhìn theo.
Lo ngoái đầu, Ái vấp phải bụi sao cát, té sấp mặt. Lồm cồm bò dậy, miệng ngậm đầy cát, mắt Ái chạm trúng một cụm hoa tím. Mà thật ra nào phải tím. Chỉ là những bông hoa khô quắt, đen cháy ráng níu lấy nhau.
Muốn khóc, Ái vươn tay giũ mạnh cuống hoa. Lớp cánh khô được giải thoát rụng xuống, tan biến trong cát.
Ném luôn cái điện thoại lại rung tin nhắn mẹ, Ái phăm phăm lội đi.
Cùng những dấu chân, Ái bỏ lại hết cho cát, nắm níu cuối cùng.
NGUYỄN THỊ KIM HÒA
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...