Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

100 năm ngày mất Marcel Proust: Thời gian, trừng phạt và khoan hồng

100 năm ngày mất Marcel Proust:
Thời gian, trừng phạt và khoan hồng

Một trăm năm ngày tôi qua đời khép lại, một trăm năm tới lại mở ra, thời gian cứ trôi, tôi viết và viết, tôi trôi qua những thế giới khác nhau, rồi lại cầm tay ai đó để viết tiếp, vì quả thật, đời thì quá ngắn, mà Proust thì còn rất dài.
Khi đọc bài viết này, được viết với thủ pháp pseudo fiction, bạn đang cùng bạn đọc toàn cầu tưởng nhớ Marcel Proust – tiểu thuyết gia vĩ đại của văn chương thế giới thế kỷ XX, người đã ra đi đúng 100 năm trước (18.11.1922), để lại ảnh hưởng choáng ngợp và sâu đậm lên các thế hệ nhà văn về sau.
“Bấy lâu, tôi đã yên nghỉ ở đây, phía đông bắc nghĩa trang Père Lachaise. Đôi khi, lúc mặt trời vừa chạm vào chân trời phía Tây, một sinh viên văn khoa trẻ tuổi, dù gương mặt đã bắt đầu phảng phất những dấu tích tàn khốc của cuộc đời, đến chầm chậm thả bước trong nghĩa trang này, làm tôi cứ nhớ hoài về thời trai trẻ của mình. Và, nửa giờ sau, ý nghĩ rằng đã đến lúc ngưng hồi tưởng lại những ngày từng sống sau một trăm năm chắc sẽ giúp tôi nguôi ngoai mà yên nghỉ tiếp, nghịch lý thay, lại khiến trí óc tôi bắt đầu bị xâm chiếm bởi những cảnh ngổn ngang của cuộc đời mình…”.
Nhà văn Marcel Proust (1871-1922)
Độc giả đang đọc một đoạn viết lại phần khởi đầu của Đi tìm thời gian đã mất, xuất bản lần đầu năm 1913 tại Paris. Độc giả tỉnh táo chắc là đang buồn cười lắm vì người chết thì làm sao còn có thể hồi tưởng về đời mình được. Nhưng xin đừng vội lật trang, nếu tiếp tục đọc đến hết bài viết này, độc giả chắc sẽ thu được ít nhiều một vài điều hiếm khi tiết lộ về cuộc đời và tác phẩm của tôi.
“… Tôi tên là Marcel Proust, sinh ngày 10 tháng bảy năm 1871 và mất ngày 18 tháng mười một năm 1922, cách đây vừa tròn một trăm năm. Những con số ngày tháng tưởng như vô hồn nhưng khi ta qua đời rồi, hay hồi tưởng quá khứ, thì lại hóa ra vô cùng quan trọng vì chúng có sức mạnh gọi lại những khoảnh khắc nhỏ nhặt chất đầy ý nghĩ và cảm xúc của chúng ta trước những sự việc xảy đến trong ngày hôm đó.
Ngày 10 tháng Mười Hai năm 1919 là một ngày như vậy trong đời tôi.
Số 44 đường Hamelin, quận 16. Tôi 48 tuổi. Còn ba năm nữa là tôi chết. Ngoài trời thì lạnh như cắt, tôi chẳng có thèm muốn gì khác hơn là ở lì trong chăn, hít hà vài hơi thuốc chống suyễn mà Céleste đã mua giúp tôi ngoài tiệm chiều hôm trước. Không khí trong phòng có hơi nặng mùi thuốc và phòng cũng lạnh vì phổi tôi không chịu được lò sưởi, nhưng dù sao còn tốt hơn nhiều so với ngoài kia. Cứ nghĩ tới cái cảnh phải leo xuống rồi leo lên năm tầng lầu để về lại phòng là tôi cảm thấy sung sướng được gắn chặt mấy đốt sống lưng tội nghiệp vào chiếc giường này. Nhưng mùa đông thì cả những ý nghĩ sung sướng nhất cũng nhanh chóng kéo nhau trốn vào im ắng dưới chăn.
Ấy vậy mà đời ít khi cho tôi được yên thân. Khoảng hơn mười giờ sáng, có tiếng chân huỳnh huỵch leo cầu thang của ít nhất ba, bốn người. Khi Céleste mở cửa, họ nói đôi ba lời ngắn gọn gì đó với nàng mà sau ít phút tôi được biết ngay nội dung : Người ta mới trao giải Goncourt danh giá cho Dưới bóng những cô gái đương hoa, phần hai của Đi tìm thời gian đã mất!
“À…” tôi buột miệng nhưng chẳng biết nói gì hơn. Thì cũng là tin tốt đấy. Cuối cùng thì, sáu năm sau lần tôi nhận được zéro phiếu của mươi ông hàn Goncourt cho phần một Bên phía nhà Swann, giờ họ lại tin cuốn sách phần hai của tôi xứng đáng được hưởng một chút tiếng tăm. Thì cũng đúng thôi, đến thế kỷ 21 này khi giới nghiên cứu văn chương nhìn lại thời kỳ đó, họ mới nhận ra từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, dòng văn chương chủ nghĩa tự nhiên chỉ toàn tạo ra những nhân vật máy móc vô hồn, còn chủ nghĩa biểu tượng với chủ nghĩa suy đồi thì thất vọng với hiện tại để rồi ngập ngụa trong mơ tưởng với thuốc phiện. Một tiểu thuyết vừa nắm bắt được cái ngẫu nhiên, độ dày của quá khứ và kinh nghiệm sống hằng ngày, vừa soi rọi vào cái phức tạp, mâu thuẫn trong tâm hồn con người, như Đi tìm thời gian đã mất, xuất hiện lúc đó hẳn là đã mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho văn chương. Nhưng nếu độc giả nhầm tưởng rằng cái tên Marcel Proust của tôi toàn gắn với hào quang, thì thưa quý độc giả thân yêu, những ký ức tiếp sau đây của tôi sẽ làm cho quý vị nhận ra những nhầm tưởng mà chúng ta ít khi nhận ra hoặc cho là nhỏ, lại thường là to lớn đến nhường nào.
Đó là một chiều ngày Giáng sinh năm 1912, bảy năm trước khi nhận giải Goncourt. Độc giả sẽ thấy tôi đang ngồi ở Café de la Paix (số 5 place de l’Opéra, quận 9) đọc lại những ghi chú và bản thảo phần một Bên phía nhà Swann.
Sau khi Miss Hayward cật lực đánh máy những phác thảo của tôi từ 1908, phần một mang tên Bên phía nhà Swann đã được gởi đến tạp chí NRF và tôi đang chờ hồi đáp. Dù vậy, cái thói quen đọc, đọc lại, sửa, rồi lại sửa lần nữa, lần nữa của tôi đã thấm vào trong máu, còn đậm đặc hơn cả tổng số hồng cầu và lượng cafein trong tách cà phê Verona mà tôi đang nhấm nháp cộng lại. Bao nhiêu lần tôi gập bản thảo lại là bấy nhiêu lần bản thảo nhảy nhót ngược lại vào mặt mũi tôi. Tôi phải xem lại bảy mươi lăm trang viết tay – phiên bản thu nhỏ và đầu tiên của Đi tìm thời gian đã mất – mà sau này, đến năm 2018, người ta mới tìm lại được. Tôi mở xem tiếp cuốn sổ tay dài và hẹp trên bìa vải có hình cô thiếu nữ dandy mảnh mai mà bà Straus, mẹ ông bạn thân Jacques Bizet của tôi, quả phụ của ngài Bizet nổi danh, một trong số hơn bốn mươi nhà soạn nhạc mà tôi nhắc tới trong Đi tìm…, đã tặng tôi quà mừng năm mới.
Những sổ khác của tôi đôi khi được đánh số La Mã hay Ả Rập, đôi khi được gọi tên là “sổ Những chiếc khăn”, “sổ Dux”, “sổ Querqueville”, “sổ Dép babouche mang trong nhà”, “sổ Vénus”, hay gọi tên theo màu “Xanh”, “Đỏ phớt”, “Khăn đen”, chúng giúp tôi rất nhiều vì khi cần có thể trích dẫn hay phóng chiếu liên kết đến nhau tạo thành một mạng lưới khổng lồ các chi tiết và ký ức. Tôi mở sổ ra. Trang bên trái, như thường lệ, tôi luôn để trống, dành cho những ghi chú và thêm thắt sau này, nhiều khi phải dán thêm vài trang mới đủ dài. Đôi khi dài quá tôi phải tạo ra thứ mà Céleste hay gọi là paperole, tức những trang giấy tôi nối vào với nhau và gập lên nhau như đàn accordeon, khi giở ra có thể dài đến hai mét.
Trở lại với trang bên phải. Nổi lên trên đám chi chít chữ mực đen mực tím mà tôi viết vội để kịp với ký ức của mình cùng với vài hình vẽ bằng chì màu xanh, đập vào mắt tôi là một đoạn quá nặng kỹ thuật! Không thể chấp nhận được! “Phong cách, đối với một nhà văn cũng như đối với họa sĩ, không bao giờ được là vấn đề của kỹ thuật mà phải là vấn đề của con mắt nhìn”. Tôi sẽ viết rõ ràng như vậy nhiều năm sau, trong phần bảy mang tên Thời gian tìm lại được. Sau khi bện đầy những sổ ghi chú rồi, tôi dùng đến sổ lắp ráp để xâu chuỗi các đoạn. Cuối cùng là “sổ sạch” hay “sổ bông”: khoảng hai mươi cuốn “sổ sạch”, “sổ bông”, sẽ tạo thành các tổng thể liền mạch và chặt chẽ cho những ký ức chồng lấn chen chúc chật chội, như trong không gian chật chội của cuộc đời này, nơi ông chúa Tình cờ ngự trị. Sau này, có lúc, tôi đã yêu cầu Céleste đốt một phần gồm ba mươi hai cuốn sổ đủ loại của tôi đi. Còn phần hai của Đi tìm…, tức Dưới bóng những cô gái đương hoa, sẽ được dựng lên hoàn toàn từ “sổ tím”.
Vậy đó, công việc khiến tôi kiệt sức. Rồi phải tìm một chỗ để in. Ba năm trước, NRF – một tạp chí mới ra đời do André Gide lĩnh xướng, trên số 1.3.1909 đã trích dẫn lời Dostoïevski: “Đối với tôi, những gì người ta tưởng là ngoại lệ và gần như hư ảo lại chính là bản chất của thực tại”. Kể từ ngày đọc được trích dẫn làm tuyên ngôn đó của họ, tôi chưa bao giờ ngừng đặt hết niềm tin vào tờ tạp chí này. Tôi hồ hởi gởi bản thảo và tưởng như Bên phía nhà Swann đã sẵn sàng in! Ôi thôi! Vậy mà! Hôm nay, đúng đêm Giáng sinh, vừa từ quán cà phê ra, tôi nhận được cả hai tin tồi tệ: hết Fasquelles rồi NRF đều từ chối, đặc biệt là NRF làm tôi buồn quá đỗi. (Phải hai năm sau, tháng Một năm 1914, André Gide mới viết thư xin lỗi và ngỏ lời muốn in lại toàn bộ tác phẩm của tôi tại NRF!)
Còn lúc này đây, năm 1912, nhà Fasquelles nhận định Bên phía nhà Swann là một tiểu thuyết không đầu không đuôi, câu cú loằng ngoằng như viết nháp. Trong khi đó nhà NRF thì cả một hội đồng bỏ phiếu chống: “quá nhiều hầu tước, công tước!”, “quá dài!”, “quá lủng củng!”. Mà thật ra chủ yếu là do một vài trong số họ phải cân đo thương mại đó thôi. Đứng sững người trước quán cà phê, nếu là một tay cay cú hẳn một Proust đầy thất vọng trong tôi phải muốn bật lại “quá hám tiền!” Nhưng Proust nhạy cảm cùng cực mà tôi là, đã không nói vậy. Tôi không nói gì. Tôi về. Thời gian trôi đi, cuối cùng, một năm sau, rồi cũng có một nhà xuất bản chịu in, bằng tiền túi của tôi: “Bấy lâu, tôi đã thường đi ngủ sớm…” xuất hiện trên giấy trắng mực đen lần đầu tại Nhà xuất bản Grasset năm 1913 dưới nhan đề Trái tim chìm nổi. Thời gian đã mất.
Nhìn thấy mấy dòng chữ của mình trên giấy trắng mực đen ấy bỗng dưng, không hiểu vì sao, lại khiến tôi nhớ đến chuyện con chim hét trắng giữa bầy chim hét đen của Alfred de Musset mà mẹ hay đọc cho tôi nghe lúc nhỏ. Đó lại là một chuyện buồn khổ khác của tôi.
Một đêm khuya, tháng Mười Hai năm 1880.
Tôi 9 tuổi và nằm trong vòng tay nghe mẹ kể chuyện. Con chim hét trắng không đen như những con khác nên nó bị cha mình ngược đãi, a, nó sẽ chết!, không, nó trốn bầy đi hoang, a, nó sẽ bị ăn thịt!, không, sau này nó viết văn kể lại ký ức của mình, sau cùng nó bỏ cả văn chương để trốn về một vùng quê. Rồi sao nữa? Rồi sao nữa? Mẹ chưa đọc hết đầu trang mà mắt tôi đã dò la khúc cuối. Đầu óc thằng bé Marcel là tôi lúc ấy giữa đêm thâu mà cứ nhảy loạn cào cào cả lên: nó vừa muốn mẹ kể tiếp, kể tiếp, kể tiếp nữa câu chuyện hấp dẫn của ông nhà văn mà nó ngưỡng mộ, lại vừa chỉ mong chờ thôi, thôi, mẹ ngừng nhanh nhanh để nó còn được nhận nụ hôn ấm áp của mẹ như một nghi lễ thần thánh mà nó tôn thờ và say đắm mỗi khi nhắm mắt đi ngủ…
Lần khác, mẹ lại đọc cho tôi nghe François đứa con bị bỏ rơi của nữ sĩ George Sand. Những quyển sách thời thơ ấu này về sau sẽ trở thành vật thể và chất liệu trong tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của tôi.
Từ những dòng đầu tiên của Đi tìm…, sau khi người kể chuyện bồn chồn không ngủ được vì không được mẹ hôn, bà mẹ đến ngồi kế bên và đọc cho người kể chuyện của tôi nghe một quyển tiểu thuyết, chính là quyển của George Sand. Lần khác, mẹ đọc cho tôi nghe Racine, tôi cứ muốn nhảy cẫng lên với vở Esther. Mẹ rồi sẽ đóng vai Esther, Marcel sẽ đóng bạo chúa Assuérus, lang quân của Esther, mẹ rồi sẽ hát Choeurs d’Esther của Reynaldo Hahn, còn Marcel sẽ mê đắm ngắm khuôn mặt mẹ trong âm nhạc thần kỳ “… và từng đường nét tuyệt diệu trên khuôn mặt Do Thái của mẹ, khảm nét dịu hiền Kitô và lòng khổ hạnh, tất cả biến mẹ thành Esther… “.
Vậy mà mẹ lìa đời bỏ tôi ra đi mãi mãi một ngày tháng Chín năm 1905.
Thời gian hủy hoại con người, cướp mất của con người những gì thân yêu nhất, nhưng cũng chính thời gian cho tôi cơ hội nhìn lại, tìm ra ý nghĩa và khám phá ra chính con người mình. Thời gian vừa là sự trừng phạt vừa là lệnh khoan hồng cuối cùng của cuộc đời cho tôi. Những nhân vật của tôi trong Đi tìm thời gian đã mất, như độc giả đã thấy, đều là mồi ngon của thời gian, qua thời gian đều thay đổi và trở nên đầy mâu thuẫn. Như sau này tôi đã từng nói trong lần phỏng vấn năm 1913 với Elie-Joseph Bois: “Những nhân vật như vậy cuối cùng sẽ hóa ra hoàn toàn khác với họ ở phần hiện tại, hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ họ sẽ trở thành, như vậy mới chính là những gì thực sự diễn ra trong cuộc sống”. Elstir và Vinteuil, những nghệ sĩ lúc đầu thoáng xuất hiện không có tài năng gì cuối cùng lại hóa ra là thiên tài ẩn giấu. Oriane cố rướn người vượt khỏi những quy ước trong thân thế quý tộc của mình để tỏ ra biết suy nghĩ độc lập, vậy mà sẽ quay ra đả kích những người sinh ra trong gia thế thấp hơn mình. Bà Swann thì cũng lắm bà Swann, “tách biệt nhau bởi thứ dung môi không màu mang tên năm tháng” như người kể chuyện của tôi nhận xét. Còn Albertine thì người kể chuyện của tôi thừa nhận ngay trong tác phẩm là không nắm bắt nổi: “Về phần Albertine, tôi cảm thấy mình chẳng bao giờ hiểu nổi một cái gì, giữa những chồng chất chi tiết thật và muôn phần giả dối, tôi chẳng bao giờ có thể lần ra đường dây mối nhợ”. Viết về cái phức hợp này của tâm hồn con người là một yêu cầu khắt khe mà tôi tự đặt ra cho mình, như tôi đã viết trong thư cho Antoine Bibesco: “Trăm nhân vật trong tiểu thuyết, nghìn ý tưởng đòi hỏi tôi phải cho chúng hình hài, như những bóng quế trong truyện Odyssée đòi Ulysse cho uống máu để trở lại vào đời”. Rồi sau tất cả, thời gian sẽ áp đặt luật chơi của nó, từ bà de Guermantes đến công chúa de Nassau, từ ông de Guermantes đến nhà Cambremer, trong cái buổi sáng ở nhà Guermantes ấy, tất thảy những gì của con người đều bị thời gian lột sạch, chỉ còn lại là những ông bà già tóc bạc trắng với khuôn mặt và dáng hình khẹp khọm mà thôi.
Thời gian đã mất là thời gian của những ký ức không bao giờ lên đến được tầng ý thức mà ở mãi trong vô thức chúng ta cả cuộc đời. Tìm lại những ký ức này và trăm tầng xúc cảm trong đó là nhiệm vụ của tôi, như chiếc khăn ở Balbec dường như đã gói ghém biển bên trong đó, để khi có ai đó nhớ đến lại làm biển trào ra giữa những nếp khăn. Từ thuở mê mẩn chơi đèn chiếu, ngắm những hình ảnh ngũ sắc huyền ảo kéo nhau trên tường và nghe mẹ kể Nghìn lẻ một đêm tôi đã hiểu ra sức mạnh của ngôn ngữ ký ức, tôi muốn viết ra một câu chuyện trăm đêm, nghìn đêm vừa giống như vậy, nhưng có lẽ vừa phải là một câu chuyện rất khác như vậy. Cuối cùng tôi viết ra câu chuyện có chiếc bánh madeleine mà chắc trong số quý độc giả đã, đang hay sắp đọc tôi đây, ai cũng có một chiếc bánh madeleine hương vị mong manh mà dai dẳng trên đầu lưỡi đời mình.
Ngày 18 tháng Mười Một năm 2022
Độc giả thân mến, chàng sinh viên văn khoa đã dời bước đi vào giữa những phố phường nhộn nhịp của Paris tự lúc nào, chắc là lại lang thang tìm nàng Cailín thần thánh nào của chàng ấy rồi mơ mộng đọc Đoạn thu băng của Krapp và viết nhăng cuội ấy mà, kết cục là đời rồi sẽ cho, nếu may lắm, thành ra anh in chữ dạo từ tiền túi của mình như tôi ngày trước thôi! Những hồi tưởng của tôi xin tạm dừng lại. Độc giả thứ lỗi cho nếu những ký ức và câu cú của tôi vẫn cứ dài ngoẵng như ngày nào hơn trăm năm trước tôi viết Đi tìm thời gian đã mất. Bởi vì với tôi, những cuộc đời âu cũng như những paperoles tôi sử dụng: gấp lại thì vừa lọt nắm tay mà mở ra thì dài bất tận. Xin độc giả cũng mở lòng đừng quá thất vọng với những bất toàn mà, dù tôi, Marcel Proust, người kể chuyện, đã cầm tay thổi chữ vào tai, chàng tác giả vụng về ngây thơ vội vã của bài viết này cũng không thể tránh khỏi. Vả chăng, “dưới bóng một cuộc đi tìm”, từ những kẽ nứt bất toàn mới nảy ra mầm cây làm nên tác phẩm? Một trăm năm ngày tôi qua đời khép lại, một trăm năm tới lại mở ra, thời gian cứ trôi, tôi viết và viết, tôi trôi qua những thế giới khác nhau, rồi lại cầm tay ai đó để viết tiếp, vì quả thật, đời thì quá ngắn, mà Proust thì còn rất dài.
7/12/2022
Nguyễn Vũ Hưng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...