Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Ấm áp yêu thương trong "Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam

Ấm áp yêu thương trong
"Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam

Nhà văn Nga Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”, đọc “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam ta càng thấm thía hơn về tình yêu thương con người trong truyện. Chắc hẳn đó là lí do khiến tác phẩm có sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng độc giả mấy chục năm qua…
Nhà văn Thạch Lam
Những ngày đầu đông, tiết trời thay đổi nhanh chóng. Cái lạnh ùa về trong gang tấc. Mở tủ lấy chiếc áo ấm khoác bên ngoài, tôi ngồi vào bàn làm việc. Tối nay thứ bảy cuối tuần nhưng tôi muốn chuẩn bị thật chu đáo cho tiết dạy sinh hoạt chuyên môn vào sáng thứ hai tuần tới. Đã rất lâu rồi, từ ngày học cấp hai, năm nay tôi mới có dịp trở lại với “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam trong chương trình Ngữ Văn lớp 6, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Lời văn nhẹ nhàng đầy xúc cảm, đậm chất thơ cùng với hình ảnh những con người bình dị, thắm tình, đáng trân quý trong truyện vẫn in đậm trong kí ức.Tôi quyết định chọn văn bản này để dạy chuyên đề sinh hoạt chuyên môn của tổ.
Truyện ngắn đi vào tâm thức tôi trước hết bởi lời văn vô cùng trong trẻo, nhẹ nhàng, lắng sâu. Chỉ đọc lần đầu thôi cũng đủ khiến trái tim ta rung cảm. Nhà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển mùa từ cuối thu sang đầu đông bằng những từ ngữ cô đọng gợi hình ảnh, âm thanh, khơi gợi cảm xúc: “cái nắng tháng mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi …”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo…”. Phải chăng, những cơn gió lạnh đầu mùa là cái cớ nhà văn tạo ra để nhân vật bộc lộ thế giới nội tâm sâu sắc? Gió lạnh mà không hề giá lạnh, bởi nơi đó thật ấm áp hơi ấm của tình yêu thương, của ngọn lửa trái tim giàu lòng nhân ái. Có lẽ văn bản đi vào lòng người chính bởi chất thơ đằm thắm, dung dị, mộc mạc mà chan chứa niềm thương ấy.
Ấn tượng sâu đậm của tôi về truyện còn ở chỗ: Truyện đã gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương trong cuộc sống; về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, chan hòa tình thân xóm làng. Thạch Lam đã xây dựng nhân vật đậm tính nhân văn. Mỗi con người trong tác phẩm của ông đều mang một thông điệp về tình yêu thương. Hình ảnh chị em Sơn và Lan là hai hình ảnh đẹp nhất trong truyện về tình người trong sáng, giản dị, rất đỗi mến thương.
Sơn là một cậu bé tình cảm, giàu lòng trắc ẩn. Câu chuyện của mẹ với vú già về đứa em gái tên Duyên đã mất khi mới bốn tuổi đã khiến Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Từ chi tiết nhỏ trong truyện, Thạch Lam đã giúp ta cảm nhận về một tấm lòng, dẫn dắt người đọc đến miền thương yêu trong tâm hồn thơ trẻ.
Mùa đông đến, Hiên co ro trong chiếc áo mỏng manh, rách tả tơi. Cũng như những đứa trẻ nghèo khác ở xóm chợ, môi chúng tím lại, da thịt thâm đi, hàm răng đập vào nhau vì rét. Chúng không có quần áo ấm để mặc. Còn Sơn đã được mẹ chuẩn bị cho những chiếc quần, chiếc áo vừa đẹp, vừa ấm. Sơn vốn con nhà khá giả, thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội bấy giờ. Điều đáng nói ở đây là cậu bé thiếu niên con nhà giàu ấy không hề tỏ ra kiêu kì, coi thường người khác; không có khoảng cách nào với lũ trẻ nghèo trong xóm chợ. Hàng ngày, Sơn vẫn nô đùa, chơi khăng, đánh đáo cùng bọn chúng. Nhà văn đã vẽ lên vẻ đẹp trong sáng, vô cùng đáng yêu của những đứa trẻ không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, chúng đến với nhau bằng tất cả trái tim tình người.
Nhà giáo Đoàn Thị Hạnh
Ta rưng rưng cảm động biết bao khi Sơn thì thầm với chị: “Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.”. Ta vui cùng niềm vui của Sơn khi Sơn đứng đợi chị Lan chạy về nhà lấy áo. Chỉ là chiếc áo bông cũ thôi nhưng đối với hoàn cảnh bé Hiên thì lại là món quà vô cùng quý giá. Ẩn sau đó là cả tấm lòng tình nghĩa của chị em Sơn. Thạch Lam đã rất khéo léo xây dựng hình ảnh mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Việc làm của chị em Sơn thể hiện truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là đức tính quý báu của mỗi con người. Tình yêu thương làm cho con người trở nên cao quý hơn là thế.
Hai chị em Sơn đã sống thật chan hòa, yêu thương với các bạn. Phải chăng tuổi thơ nhiều vất vả, lam lũ của Thạch Lam đã khiến ông có cái nhìn đầy thiện cảm, yêu thương.
Đọc truyện “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, ta còn cảm nhận tình yêu thương ấy qua nhân vật người mẹ. Mẹ của Sơn là người phụ nữ nhân hậu, giàu tình cảm; thấu hiểu, sẻ chia, cảm thông trước những mảnh đời khốn khó. Dẫu biết rằng năm hào kia không giúp cho mẹ con Hiên thoát được cái nghèo nhưng đó là nghĩa cử ấm áp thắp lên ngọn lửa tình người. Ta thầm nghĩ: Nếu như ai ai cũng có tấm lòng như thế thì cuộc sống này sẽ thật tươi sáng, hạnh phúc biết bao!
Với cốt truyện đơn giản, “Gió lạnh đầu mùa” sáng lên vẻ đẹp nhân văn sâu sắc. Lòng nhân ái, tình yêu thương làm cho người với người gần nhau hơn. Đúng như quan niệm về văn chương của Thạch Lam: “Văn học làm cho lòng người thêm trong sạch, phong phú”.
Một cảm giác ấm áp yêu thương tràn ngập tâm trí tôi dù ngoài kia gió mùa đang thổi, tiết trời se lạnh những ngày đầu đông.“Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam đã mang đến cho ta hơi ấm của tình yêu thương chia sẻ.
Nhà văn Nga Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”, đọc “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam ta càng thấm thía hơn về tình yêu thương con người trong truyện. Chắc hẳn đó là lí do khiến tác phẩm có sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng độc giả mấy chục năm qua.
Có biết bao tác giả, các nhà phê bình đã phân tích, đánh giá về giá trị, vị trí của tác phẩm, trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận của mình về một vấn đề mà tôi ấn tượng nhất, đó là vẻ đẹp của tình yêu thương con người. Ngọn lửa yêu thương có sức lan tỏa đặc biệt.
ĐOÀN THỊ HẠNH
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...