Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Cho tôi lại nhà trường

Cho tôi lại nhà trường…

Hình như hơn 10 năm lăn lóc với nghề dạy học, và gần đây đã cảm thấy cả quyết với văn học như một lựa chọn trọn đời – mình mới thấm thía biết bao điều mà thầy mình đã cố nói – không phải bằng vài lời hôm nay, mà bằng những điều mà thầy đã làm cho giáo dục, cho việc học văn suốt gần 50 năm qua.
Nhà giáo – nhà thơ Lê Thanh Vy
“Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan
 
Tôi yêu thầy tôi lắm
Nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng
Cô em bạn cùng đường”
 
(Kỷ niệm, Phạm Duy)
 
Đây là những câu hát mà thầy mình đã chọn để mở đầu buổi nói chuyện và ra mắt sách “Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn” sáng nay. Thầy bảo: “May mắn cho tôi là trường học luôn đi vào giấc mơ như là những giấc mơ đẹp; và không biết tuổi học trò ngày nay – khi nằm mơ về mái trường, những giấc mơ có dịu êm như thế không?”.
Hơn mươi năm qua thầy mình đã ra không biết bao nhiêu cuốn sách, nhưng mãi đến hôm nay thầy mới đồng ý làm nhân vật chính cho một talk show. Với mình, thầy là một người bạn lớn; có lẽ ít ai được thấy một giáo sư Huỳnh Như Phương dịu dàng, hóm hỉnh, ân cần như mình luôn may mắn được thầy đối đãi như vậy – vì thật sự lúc mới học thầy thời sinh viên, mình thấy thầy nghiêm khắc lắm; và sau này, trong mọi công việc, thầy luôn cực kỳ chỉn chu, nghiêm túc và kỹ lưỡng.
Nhưng hôm nay thầy mình đã rất hóm hỉnh và nhẹ nhõm trên sân khấu, và thật sự những chia sẻ của thầy khiến mình nhiều xúc động. Thế hệ của thầy, không bị vây bọc và ám ảnh như thế hệ của mình về những lý thuyết giáo dục, nhưng với trực giác mẫn cảm và một tâm hồn rộng rãi của một người dạy văn, thú thật, mình thấy những quan niệm của thầy về giáo dục vẫn rất “hiện đại”. Như cách thầy nói về việc chọn văn bản để đưa vào sách giáo khoa cần quan tâm đến đặc thù lứa tuổi và mục tiêu giáo dục, nên một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, sẽ là không phù hợp – mặc dù ông là nhà văn quá lớn. Thầy chia sẻ về những văn bản thầy đã được học thuở nhỏ: “Một văn bản hay, sẽ âm vang trong lòng ta suốt cả cuộc đời”.
Dĩ nhiên, như một đứa học trò bướng bỉnh nhưng luôn được thầy yêu thương – mình vẫn có những điều có thể tranh luận với thầy, khi mình đang được “nhúng” vào không gian của GenZ, GenAlpha – một không gian rất khác so với thế hệ của các thầy. Chẳng hạn, với thời chiến hay sau đó với thế hệ 7x, 8x, sách vở rất thiếu thốn nên sách giáo khoa còn là một nguồn không gian tinh thần quan trọng bậc nhất, và những câu chuyện trong sách giáo khoa đóng những vai trò chính yếu trong hành trình “khai tâm” cho tuổi trẻ. Nhưng ngày nay, nếu giới trẻ được bao vây trong rất nhiều “câu chuyện”: film ảnh đủ mọi nguồn và vô cùng dễ tiếp cận, truyện tranh, Facebook, TikTok, thậm chí các video tóm tắt phim nhan nhản… – thì nên tiếp cận những câu chuyện trong sách giáo khoa như thế nào để những tác phẩm này thực hiện sứ mạng khai tâm, chữa lành của mình.
Thầy còn là một trong những chứng nhân ít ỏi còn lại của giáo dục miền Nam trước 1975, một nền giáo dục mà thầy nhận xét là “kỳ lạ và đặc biệt” – chẳng hạn như thống kê cho thấy có đến 4 bài thơ của Tố Hữu – một nhà thơ thuộc về một ý thức hệ rất khác với ý thức hệ chính thống của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 – đã được đưa vào sách giáo khoa, như bài thơ “Mồ côi” là một ví dụ.
Không chủ định trở thành nhà giáo từ đầu (thầy muốn trở thành một kỹ sư nông nghiệp, nhưng những biến động thời cuộc đã khiến thế hệ thầy trở thành một “lost generation”), nhưng thầy đã gắn bó gần 50 năm cuộc đời với nghề, và đến nay vẫn còn bao trăn trở như tại sao ngày nay sách vở ngày càng nhiều, quan niệm về văn học ngày càng cởi mở hơn, nhưng chưa bao giờ uy tín về môn Văn và giáo dục lại xuống thấp đến như vậy dưới con mắt của dư luận.
Nhưng thông điệp mà thầy muốn gửi đến cho các thầy cô giáo hôm nay thật xúc động: Hãy tin tưởng vào nhà trường, vào văn học. Kẻ khác không hẳn là “địa ngục” như Sartre nói, kẻ khác còn tham dự vào đời ta, làm phong phú đời ta; và văn chương góp phần mình vào sự hiệp thông giữa người với người đó. Đứng trước những thời đại mà con người bị “số hóa”, từ Đức Quốc xã đến Khmer Đỏ, và thậm chí đến thời Covid – khi con người bị giản lược thành những mã định danh – thì, văn học kiên quyết kháng chống lại sự biến con người thành con số đó – nó tôn vinh những cá thể, nó nói với chúng ta rằng mỗi tồn tại người là một tồn tại duy nhất và không lặp lại.
Và: “Học văn là học kinh nghiệm làm người ở đời, để mình tự quyết với cuộc đời của mình”.
Hình như hơn 10 năm lăn lóc với nghề dạy học, và gần đây đã cảm thấy cả quyết với văn học như một lựa chọn trọn đời – mình mới thấm thía biết bao điều mà thầy mình đã cố nói – không phải bằng vài lời hôm nay, mà bằng những điều mà thầy đã làm cho giáo dục, cho việc học văn suốt gần 50 năm qua.
LÊ THỊ THANH VY
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...