Cỏ non trong vườn cũ
Lời tác giả: Đây là chương 1 của tập truyện dài Cỏ non
trong vườn cũ. Tập truyện dài này còn trong dạng bản thảo. Tôi lấy bối cảnh về
một thành phố nơi tôi đã sống. Tuổi mới lớn, tuổi đẹp nhất đời người.Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh Một
Rồi cùng có một ngày tôi trở về lại nguyên quán, về lại cái
thị xã nhỏ bé trước năm 75. Sau năm 75 mọi thứ đã thay đổi, cái thị xã năm nào
đã trở thành thành phố. Mọc ra những con đường dọc ngang chằng chịt, ngã
ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ, dọc theo hai bên đường là những hàng cây um tùm lá
lay bay trong gió, che khuất ánh nắng gay gắt giữa buổi trưa hè nắng nóng.
Ngồi ở một nơi nào đó trong quán cà phê nhìn ra đường phố và
mọi cảnh vật chung quanh chẳng thấy gì, ngoài những con đường nhựa bóng láng là
những ngôi nhà lầu cao tầng nằm san sát nhau che khuất tầm nhìn nhưng tôi vẫn
thấy được một màu xanh trong nắng lung linh ẩn hiện qua khe hở theo chiều ánh
sáng chạy dài đến tận chân trời. Có lẽ nơi đó là biển, tôi thấy sông, thấy cánh
đồng trải dài trong một khoảng không gian rộng, nhấp nhô sóng lúa, thấy mặt trời
đỏ ửng tròn vo vừa ló ra khỏi ngọn núi.
Thời gian sau này tôi mới chợt hiểu ra rằng, buổi sáng ở đây
đến rất sớm, sớm hơn so với những vùng quê xa xôi hẻo lánh, nơi mà bầu trời còn
chìm trong lớp sương mù dày đặc.
Thực ra Tam Kỳ đối với tôi, dù cái gì đó mang tên lần đầu
tiên hồi tôi còn ở với gia đình, khi đã bỏ làng quê ra đi để tránh bom đạn để về
phố. Tôi hoà mình vào cuộc sống mới và tiếp tục đi học cấp hai, cấp ba trường
Trung học Trần Cao Vân. Vậy nên thành phố ấy bây giờ đã trở thành miền đất hứa.
Tôi đứng ở ngã tư đường ngó bâng quơ về những gì tôi đã bỏ lại
một thời gian khá lâu sau những năm tháng xa trường lớp, xa bạn bè, thầy cô và
cái đáng nhớ nhất là cây phượng vĩ tàn lá sum suê, với những chùm bông đỏ rực
lung ling trong nắng gió ngày hè.
Tôi cắm đầu cắm cổ đi tiếp trong cuộc hành trình bất đắc dĩ.
Nhờ vậy mà tôi nhớ rất kỹ từng chi tiết.
Và Tam Kỳ ngày ấy vẫn là Tam Kỳ giống hệt như tôi vẫn sống,
tôi vẫn nhớ.
Trong khi mọi xê dịch chuyển biến của thời gian, thành phố
càng ngày càng sôi động từng nhịp thở qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất
trời muôn thuở trong sự tuần hoàn đến đi không ngừng. Rồi cũng đến thời khắc
bông sưa nở rụng đầy trên con đường ven sông, sưa tàn rồi lại nở. Gặp những thằng
bạn thường nói với tôi. Lần trước thì tôi về quá sớm, lần này thì về quá muộn
bông sưa đã nở rồi.
Lần trước là nói tới cái thời còn đi học, lúc ấy tôi mười bảy
tuổi, tuổi đi học và đi lang thang lếch thếch trong môi trường của tuổi mới lớn.
Sau một kỳ thi tú tài phần một đầy những khó khăn trong môi trường học tập thời
lửa đạn chiến tranh, nếu thi rớt không còn tiếp tục học mà phải xếp bút nghiên
lên đường đi lính…
Mấy mươi năm một quãng đời dài. Tôi cũng không thể đoán chừng
được. Có lúc tôi nghĩ đến thời gian vừa xảy ra đó rất dài, dài như cả một cuộc
đời. Khi thời gian mấy mươi năm qua rồi, tôi lại cảm thấy ngắn, như vừa chợp mắt
một cái, đã thấy thời gian trôi tuột về một nơi nào xa lắm, phải chi níu giữ lại
được, thành ra, tôi lại đứng ngay trên mảnh đất này, cùng với một người con gái
giống hệt như những ngày xa xưa ấy.
Em thấy tôi im lặng, ngập ngừng nói từng tiếng một.
– Hay là, em ở lại chờ đến ngày hoa sưa nở một lần nữa
trong nay mai.
Nghe giọng em nói sao mà hồn nhiên quá. Tôi cười thầm trong bụng.
– Em ở lại cũng được thôi, có sao đâu, nhưng làm gì
có hiện tượng hoa sưa nở lại lần nữa nghe có vẻ mơ hồ quá.
Nét mặt em lúc ấy bỗng dưng bối rối. Tôi định nói với em một
câu gì đó, nhưng rồi phân vân mãi không nói được.
Tôi và em bước cạnh bên nhau trong một buổi chiều nhàn nhạt nắng,
mùi thơm hương đồng cỏ nội bay thoang thoảng trong không gian nghe một chút
nồng nàn dễ chịu. Hai bên đường là hai hàng cây sưa lao xao trong gió vi
vu chạy dài cho đến ngã ba đầu đường, nơi rẽ tay trái để về thành phố.
Tôi cầm tay em hỏi
– Em bao giờ mới đi học lại?
– Em cũng không biết, tuỳ theo kết quả kỳ thi vừa rồi
ra sao cái đã.
Trông khuôn mặt em ngây ngô, trong lòng tôi lúc ấy cũng không
mấy vui cho lắm. Tại sao em còn phải nói vòng vo và có chút do dự với tôi
như thế Có lần em nói với tôi làm bài thi xong rồi chỉ chờ đợi kết quả đậu
cao hay thấp mà thôi. Vậy mà bây giờ lại nói lấp lửng…
Khi tôi và em chia tay nhau về hai ngã đường khác nhau, chiều
bắt đầu buông xuống trên những con đường trong thành phố, trong tiếng chuông
ngân nga trên tháp cao nhà thờ ngày lễ phục sinh.
Tôi đứng lại trên đường ngoảnh đầu lại trong giây phút mặt hướng
về mặt trời trên ngọn núi cao, nhìn thấy một vùng cây xanh rậm rạp lan tỏa một
màu tím sẫm, nhìn lên trời thấy từng dải mây trắng cũng tím sẫm một vùng núi
phía tây.
Âm thanh chiều lao xao tiếng côn trùng tấu khúc nhạc không lời
nghe réo rắt, tiếng chim sẻ kêu ríu rít trên mái nhà, âm thanh của gió, lẫn
trong tiếng người trò chuyện râm ran lúc gần lúc xa rồi im bặt… Riêng tôi có cảm
giác bình yên. Tôi cố kiếm tìm những gì còn đọng lại của buổi chiều đang tan dần
vào bóng tối. Rồi thời gian sau này những cảm giác ngồ ngộ ấy vào mỗi buổi chiều
cũng trở đi trở lại trong cuộc sống vẫn xảy ra đều đặn. Dù có thế nào đi nữa
trong niềm vui hay buồn không chỉ có thế xảy ra sự trống trải rất đáng sợ trong
tâm hồn mộc mạc.
Bữa cơm tối trong gia đình tôi thật đầm ấm, bên mẹ và hai cô
em gái, xoay quanh trong câu chuyện về cô bạn học mới quen của tôi.
Mẹ hỏi
– Hai cô cậu đi chơi với nhau như vậy đã yêu nhau chưa?
Thực đấy, em gái tôi cũng xen vào.
– Anh và chị ấy còn đi học mà yêu nhau làm chi sớm vậy?
Tôi cười…
– Bạn học trong trường với nhau đi chơi vậy thôi, có
yêu đương gì đâu? Cô ấy ngó vậy chứ còn hồn nhiên lắm. Chỉ quen trong vòng
một tháng trở lại đây, đôi khi chỉ dừng ở mức đứng đằng xa cười nói với nhau,
nghĩ cho cùng cũng chẳng thể nào đi đến với nhau đâu? Cô ấy học rất giỏi, còn
anh học tơ lơ mơ vậy làm sao dám ngỏ lời…
Tôi ngồi nghĩ mãi thế nào rồi cũng xa cách nếu một trong hai
chúng ta, kẻ đậu người rớt.
Tôi nhìn sang mẹ và hai cô em gái, nét mặt mẹ đăm chiêu, hai
cô em gái cũng đăm chiêu không còn vẻ mặt bình thản Tôi đoán thầm trong bụng,
chắc mẹ và hai cô em gái biết được những suy nghĩ của tôi. Mẹ và miếng cơm còn
lại trong chén, rồi để cái chén xuống bàn.
– Nếu hai cô cậu cùng đậu thì sao biết đâu được.
– Vậy thì mừng chớ sao nữa.
Mẹ cười, tôi cười và hai cô em gái đều cười như chưa lần nào
được cười…
21/2/2021 Vũ Khắc Tĩnh
21/2/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét