Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Cuốn sổ tay bìa xanh

Cuốn sổ tay bìa xanh

Chuyện xảy ra ở một trường phổ thông dân tộc nội trú. Trường có trên dưới 200 học sinh, nhưng có tới tám nhóm dân tộc khác nhau. Và mối tình trong câu chuyện này là của một cậu học trò người Ê Ðê với cô bạn cùng lớp người Dao đỏ.
Cô gái Dao vốn sinh ra ở một vùng núi phía bắc, theo cha mẹ trôi dạt đến vùng núi nam Trung Bộ này từ nhỏ, gọi là di dân tự do. Bắt đầu từ một đêm văn nghệ ngoài trời. Một đêm rực rỡ âm thanh và sắc mầu. Có đủ cả cồng chiêng, kèn, khèn, sáo, trống cùng với các kiểu trang phục và điệu múa lời ca của từng dân tộc.
Nhà văn Vân Hạ ở Nha Trang – Khánh Hòa
Cô gái Dao cũng lên biểu diễn một tiết mục múa hát trong bộ váy áo khăn truyền thống của dân tộc mình. (Ðó là bộ váy áo duy nhất bà ngoại cô mang theo và còn giữ được từ khi phải rời quê đi theo con cháu. Chính bà đã dạy cô cháu gái bài múa hát đó nhưng lại nhất định không cho mượn bộ váy áo. Cuối cùng một cô giáo trong trường phải lên đường tìm đến tận nhà cô học trò ở một làng cách trường gần hai chục cây số đường rừng, thương thuyết hứa hẹn mãi bà già mới chịu mở hòm lấy bộ váy áo ra cho mượn). Sau đêm văn nghệ đó, chàng trai Ê Ðê bắt đầu để ý đến cô gái Dao.
Tuy là học sinh lớp 9 nhưng chàng đã 19 tuổi. Và theo luật tục trong làng thì con trai con gái Ê Ðê từ 15 tuổi trở lên đã được phép hứa hôn rồi. Nhưng đó là ở làng. Còn ở trường thì chuyện yêu đương là điều cấm kị. Thế là mối tình vướng phải rào cản từ cả ba phía. Phía gia đình thì cả hai bên đều cấm cản. Nhà trường càng không ủng hộ.
Thầy chủ nhiệm lớp 9 cứ chủ quan nghĩ đã cấm rồi tức là không được phép. Thế là yên chí. Cho đến một buổi tối, mấy cô học trò ở cùng phòng nội trú với cô gái Dao bỗng gõ cửa phòng ông thầy chủ nhiệm. Với vẻ lo âu hoảng hốt, mấy cô thi nhau lắp bắp báo cáo với ông thầy rằng Luồng (tên cô gái Dao mà mọi người thường gọi chệch là Lường) đã đi cùng Yđiêng ra ngoài suối. Rằng đi đâu Yđiêng cũng mang theo con dao. Rằng Lường lo sợ lắm, nó đã khóc lúc đi theo. Rằng Yđiêng nói nó sẽ giết Lường rồi tự chết.
Thầy chủ nhiệm toát mồ hôi hột, nhận thấy chuyện đã trở nên nghiêm trọng. (Khi đó ông thầy mới 26 tuổi. Người luôn tự hào đã có mặt ở trường ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ðã từng ở cùng khu nhà nội trú, ngủ giường tầng, cùng ăn cơm bếp tập thể, cùng tắm suối tập thể với học trò, trước khi trường có nhà tập thể dành cho giáo viên).
Bình thường các học sinh trong trường thường tự xử các vụ mâu thuẫn, rất ít khi đem chuyện của nhau đến kể cho thầy, cô. Tuy được hợp lại từ tám nhóm dân tộc khác nhau, nhưng khi học và sinh hoạt trên lớp các em cùng mặc một loại đồng phục, cùng nói tiếng Việt phổ thông. Ngoài giờ về phòng nội trú, mỗi nhóm lại trở lại với phong tục lối nghĩ, cách ăn, tiếng nói riêng của gốc gác mình.
Tuy vậy họ cùng có một đặc tính chung là coi trọng sự công bằng. Ðiều kiện để được học trò yêu mến và chịu nghe lời rất đơn giản: được đối xử công bằng. Một đặc tính chung nữa là không bao giờ đem chuyện của nhau đi mách lẻo với các thầy cô giáo. Vì vậy khi các học trò này tự tìm đến thầy để cầu cứu cho bạn thì có nghĩa chuyện đã nghiêm trọng lắm.
Vậy là thầy giáo cùng nhóm học trò tức tốc cầm đèn pin hướng ra bờ suối. Dò dẫm chừng một giờ đồng hồ, thầy trò mới phát hiện ra “mục tiêu”. Cô gái Dao hoảng sợ chủ động chạy lại phía ánh đèn. (Không biết cô sợ cái gì nhiều hơn. Sợ cậu người yêu điên khùng hay sợ vì bị bắt quả tang vi phạm điều cấm?). May quá, chưa có gì xảy ra. Ông thầy chủ nhiệm nắm lấy con dao nhỏ vừa thu được, lệnh cho Yđiêng đi trước, còn ông đi sau như áp giải tội phạm về đến tận phòng ở của hắn. Ðám học trò vây chung quanh. Ông thầy nghiêm giọng:
– Trò hãy mở hộc giường, soạn hết đồ ra cho tôi coi.
Yđiêng im lặng mở hộc lấy ra từng món bày lên giường: sách vở, quần áo, mấy cái bắp non, một cái gùi con nhỏ xíu đang đan dở… Lẫn trong đó có một cuốn sổ tay. Ðây rồi. Chắc đây chính là cuốn nhật ký mà ông thầy đã được mật báo trước.
– Ðưa cuốn sổ kia cho tôi – ông thầy nói.
Yđiêng cầm quyển sổ do dự, rồi đưa cho thầy giáo. “Tôi sẽ tạm giữ quyển sổ này”. Nghe thầy nói vậy, Yđiêng vẫn ngồi im không nói gì. Mắt hắn lơ ngơ nhìn vào cái điều hắn không hiểu. Cấm yêu đương là nội quy của trường, hắn và những đứa học trò khác đều biết, nhưng lại không biết phải làm cách nào để giữ cho trái tim đừng rung động. Việc đó không phụ thuộc vào hắn, vượt quá khả năng hắn. Hắn không làm gì được khi nó đột ngột đến. Ðó là điều về sau ông thầy đầy uy quyền đọc được trong dáng vẻ lơ ngơ của cậu học trò lúc đó. Trong đó còn có sự tuân phục của kẻ biết mình phạm tội, biết mình sai trái. Ông thầy chủ nhiệm (tuy chỉ hơn hắn dăm bảy tuổi) nhưng là thần tượng của hắn. Hắn vừa ngưỡng mộ vừa rất sợ. Tất nhiên là phải sợ rồi. Và tất nhiên những gì ông thầy nói và làm đối với hắn đều đúng. Cũng như ông khi đã giải các bài tập trong sách thì không bao giờ sai. Vậy nên khi ông thầy bảo đưa con dao đây là hắn rút ra đưa. Bảo đưa quyển sổ, hắn cũng răm rắp…
Cuốn sổ nhỏ bìa xanh đã ngả mầu, nay vẫn nằm trên giá sách của ông thầy chủ nhiệm. Nó chỉ nhỏ bằng bàn tay, giấy kẻ ca-rô. Là loại sổ thường thấy bán ở các quầy tạp hóa ngoài chợ thị trấn. Nhưng giở bên trong ra người ta có thể giật mình vì những hàng chữ to cồ cộ, mầu bầm đen một cách khác thường. “Nó được viết bằng máu” – ông thầy giải thích. Lại một thông tin dễ làm người yếu bóng vía run tay. Ðúng là nó được viết bằng máu. Nét chữ non nớt vụng về giống chữ của một học sinh tiểu học hơn là của một học sinh lớp 9. Gọi là nhật ký thì không đúng lắm, vì phần nhiều chỉ là những tiếng gọi hoặc những câu thề thốt. Mỗi trang nhiều lắm cũng chỉ có một vài dòng. “Nếu mình không lấy được nhau hồn mình sẽ mãi mãi ở bên nhau như cỏ cây ở bên bờ suối!”. Một trang khác: “Nếu Yđiêng không lấy được Lường, Yđiêng sẽ chết, hai chúng ta cùng nhau chết”. Trang khác nữa: “Nếu anh không lấy được em…”. Có trang chỉ vẻn vẹn ba chữ “Em Lường ơi”. Có trang chỉ một hàng dài những chữ tên cô gái nối tiếp nhau “Lường Lường Lường”. Và còn rất nhiều giấy trắng.
Mấy ngày sau, ông thầy chủ nhiệm luôn phải để mắt đến hai đứa học trò như canh chừng ngòi nổ, nhất là anh chàng Ê Ðê, chỉ sợ lại xảy ra chuyện bất ngờ nào đó. Lại vừa phải cố tránh cho hai đứa khỏi trở thành điểm chú ý bàn tán của các giáo viên và học sinh trong trường. Nhưng rồi chuyện vẫn vỡ lở khi cả hai gia đình đều kéo nhau lên như muốn bắt đền nhà trường. Cả hai gia đình, không bên nào chịu cho con cháu mình kết hôn với người khác tộc. Nhất là nhà cô gái Dao, khi nghe “bên kia” phản đối gay gắt đã nổi tự ái đòi bắt cô nghỉ học về làm rẫy. Không học nữa. Không học chung với thằng đó nữa. Về làm rẫy! Họ nói vậy.
Những năm đó, vùng này có được một học sinh tốt nghiệp lớp 9 quý như hạt gạo lúa nương. Gần như tất cả số học sinh trúng tuyển vào trường nội trú đều thuộc diện đào tạo nguồn tại chỗ cho địa phương. Các học sinh được đầu tư gần như toàn bộ chi phí trong suốt bốn năm học từ lớp 6 đến lớp 9. Ngoài sách vở, đồ dùng học tập, tiền ăn và tiền tiêu vặt ít ỏi hằng tháng, mỗi học sinh còn được cấp mỗi năm một bộ đồng phục. Vậy nên khi một học sinh đã học đến lớp 9 rồi mà bỏ dở sẽ vừa uổng công đào tạo vừa tiếc cho học trò.
Cuối cùng nhà trường cũng tìm ra một cách là tạm gửi cậu học trò Ê Ðê về một trường phổ thông của người Kinh dưới đồng bằng, cách trường dân tộc nội trú hơn bốn chục cây số. Hy vọng đường đất xa xôi không có phương tiện đi lại sẽ rẽ thúy chia uyên được đôi trẻ cho đến khi chúng học xong. Thật ra giải pháp này cũng làm nhiều người thấy lo ngại, nhất là ông thầy chủ nhiệm. Vì tuy cậu học trò vẫn ngoan ngoãn nghe lời, nhưng mắt hắn ta nhìn cô bạn gái mỗi lúc cứ rực lên rồi dại đi, đờ đẫn, vô cùng khổ sở. Không biết rồi hắn có chịu nổi sự chia tách này không. Nếu không thì rồi chuyện gì sẽ xảy ra.
Và bi kịch đã xảy ra?
Không. Không có gì cả. Ðó là chuyện bất ngờ nhất.
Sau khi đến học ở môi trường mới không lâu, cậu con trai đã nguôi quên một cách dễ dàng đến không ngờ. Cũng không chắc có đúng vậy không nhưng hắn ta không có phản ứng điên rồ nào cả. Thời gian đầu hắn có vẻ xa lạ u uất. Lúc nào cũng lầm lì ngơ ngác như bị bắt mất hồn, tưởng không thể theo học được. Hắn thuộc diện phải quan tâm giúp đỡ đặc biệt. Ðám học trò trong cái lớp xa lạ đó từ chỗ tò mò thích trêu chọc hắn đã dần dần thấy thích hắn. Thế là chỉ sau chưa đầy hai tháng hắn đã có bạn mới, nhanh chóng hòa nhập với trường lớp mới.
Còn cô gái Dao thì khó khăn hơn. Cô được gia đình cho ở lại trường tiếp tục học nhưng lực học sa sút thấy rõ. Cô trở nên ít cười hơn. Cô độc hơn. Vậy rồi cô cũng xong lớp 9, chuẩn bị ra trường. Càng gần đến ngày kết thúc năm học càng thấy cô lộ rõ niềm vui chờ đợi. Thấy cô vui vẻ nói cười linh hoạt trở lại, đám bạn cùng phòng trêu cô “Vui rồi phải không?”. Ông thầy chủ nhiệm cũng bảo: “Vui rồi phải không. Chuẩn bị rượu để đón nó chưa. Tôi cũng đang đợi nó đây”.
Nhưng mãi không thấy Yđiêng trở lại. Hè năm đó, năm sau và nhiều năm sau nữa.
Nghe nói sau khi học xong lớp 9, cậu học trò đã ở lại thi đậu vào trường trung học dân tộc nội trú dưới thị xã, rồi thi đậu vào trường dự bị đại học hay cao đẳng gì đó. Giờ cậu đã đi làm và theo học tiếp những gì gì đó nữa. Bây giờ thì không ai biết cậu ta ở đâu.
Cô gái Dao cũng đã không đợi nữa từ lâu. Cô đã lấy chồng, đã là mẹ của hai đứa con (nghe nói chồng cô cũng là một người không cùng sắc tộc). Và đã trở thành một bà đỡ ở trạm y tế xã. Bà đỡ ở đây không chỉ làm công việc hộ sinh hộ sản mà còn kiêm tuyên truyền viên dân số kế hoạch hóa. Còn là nơi cho những người đàn bà núi đến cà kê để đặt những câu hỏi, nên cô còn là chuyên viên tư vấn về sức khỏe sinh sản một cách tự phát. Vì vậy, tìm đến cô hằng ngày chỉ thấy toàn váy với địu phụ nữ.
Nhưng rồi vào một ngày, bỗng nhiên có một ông đến tìm cô. Chính là thầy chủ nhiệm năm xưa. Cô học trò cũ bất ngờ và ngạc nhiên, luống cuống kéo ghế mời ông thầy ngồi. Sau một hồi hỏi thăm, ông thầy lấy trong túi áo ngực ra cuốn sổ nhỏ bìa xanh đã ngả mầu và hỏi cô còn nhớ cái này không? “Có khi nào em giận chúng tôi đã làm hai đứa xa nhau không?”. Cô học trò cũ ngẩn người nhìn cuốn sổ. Hình như phải mất một lúc cô mới hiểu ra. Cô lắc đầu cười:
– Có gì đâu thầy, tình yêu học trò ấy mà.
– Em nói thật không? Em không cần phải tự dối lòng như vậy. Tôi biết chứ. Nó là tình yêu đầu đời của em mà đúng không. Tình yêu đầu đời thiêng liêng lắm, đau khổ lắm, dễ gì mà quên được.
– Dạ. Nhưng nhờ vậy bây giờ Yđiêng mới là người thành đạt được đi khắp đó đây, chứ kết với em ở xó rừng này biết đâu hắn lại khổ.
– Ừ, biết thế nào là sướng với khổ. Có duyên mà không có nợ, cứ nghĩ vậy cho nó nhẹ nhàng. Vậy bây giờ Yđiêng ở đâu, làm gì?
– Em không biết. Em chỉ nghe có người nói lâu lắm mới thấy Yđiêng về làng, giàu sang lắm.
– Em lại giấu tôi. Em sợ gì chứ? Chả lẽ cậu ấy không tìm em lần nào?
Cô học trò cũ cảm thấy buồn vì ông thầy đã không tin cô. Ðành im lặng.
– Nhờ em đưa trả cái này cho cậu ấy giúp tôi – ông thầy đưa cuốn sổ cho cô học trò cũ – Nói với Yđiêng là tôi rất xin lỗi về chuyện lục soát thu giữ đêm đó. Với con dao thì được nhưng với cuốn sổ này thì không được. Tôi đã không công bằng. Em có nghĩ vậy không?
Giọng nói buồn buồn của ông thầy làm cô học trò cũ xúc động lây. Cô nhận ra Yđiêng đúng là tình yêu đầu đời của cô. Mối tình ấy đau khổ và thiêng liêng thật.
Sau khi tiễn ông thầy ra về, cô học trò cũ quay vào nhà, nhìn cuốn sổ trên bàn. Cô cầm lên, mở ra nhìn những dòng chữ bầm đen. Rồi cô gấp lại, bần thần nhìn ra ngoài cửa sổ. Chợt cô thấy dưới chân núi phía xa có bóng dáng một người cùng chiếc xe máy đang di chuyển. Chính là ông thầy. Cái bóng áo trắng cứ lấp lóa trong nắng trưa và mờ nhòa đi trong làn bụi đỏ. Kỷ niệm ùa về rưng rưng. Cô ôm chặt cuốn sổ đứng đó thật lâu. Cho đến khi ngoài cửa xuất hiện một người đàn bà núi đầu trần chân đất, địu một đứa bé trước cái bụng đã nặng nề và đeo một gùi mía sau lưng bước vào.
Sau đó cô học trò đã làm cuộc đi tìm lại những người quen cũ, tìm cách gửi bằng được quyển nhật ký bìa xanh cho người chủ của nó, kèm lời nhắn xin lỗi của ông thầy. Có lẽ vẫn chưa yên tâm, cô còn cẩn thận lật bìa sau cuốn sổ ghi thêm vào trang cuối:
“Thầy Thản nhờ Lường gửi trả Yđiêng quyển nhật ký này. Thầy xin lỗi Yđiêng vì chuyện tịch thu quyển nhật ký đêm đó. Thầy bảo thầy đã không công bằng”.
Người yêu đầu đời
Ký tên: Lường
Phải mất cả năm sau cuốn nhật ký mới tới tay người chủ của nó. Người bạn nhận chuyển nó cho Yđiêng về kể lại: Lúc nhận được cuốn sổ cùng lời nhắn, cậu học trò cũ – giờ đã là một người đàn ông chững chạc – có vẻ ngỡ ngàng. Hắn mở ra xem lướt rồi bỗng ngả ra cười. Cười rất đã. Cười xong thì chùi nước mắt, nói: “Vui quá. Không hiểu tại sao hồi đó tôi lại mê được một đứa như cái Lường”. Vừa nói hắn vừa tiếp tục lật lật cuốn sổ và vô tình nhìn thấy dòng chữ mới viết thêm của cô bạn cũ ở trang cuối. Hắn nhíu mày đọc và không thấy cười nữa. Chẳng biết về sau hắn có trở nên bần thần xao xuyến hay không.
VÂN HẠ
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...