Diện mạo của văn học
Đông Nam bộ từ 1975 đến nay
Khung cảnh và con người của một đất nước, một vùng miền, bao
giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học. Văn học Việt Nam sau năm 1975
là sự kết tinh của nhiều thành quả văn học vùng miền với một đội ngũ tác giả và
tác phẩm hùng hậu trải khắp từ Nam ra Bắc. Hòa chung vào dòng chảy của nền văn
học dân tộc từ sau năm 1975, văn học của vùng đất Nam Bộ nói chung, vùng đất
Đông Nam Bộ nói riêng đã có những đóng góp xứng đáng của riêng mình.
Từ sau năm 1975, văn học Việt Nam nói chungvà văn học Đông
Nam Bộ đã có sự thay đổi về cả lượng và chất. Số lượng tác giả văn học đông đảo
hơn, đa dạng hơn về phong cách viết. Tính chất, đặc điểm của nền văn học cũng
có nhiều thay đổi, từ một nền văn học giàu tính chiến đấu với nội dung chính là
phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chuyển sang một nền văn học thời
bình, viết về những con người mới của một chế độ mới. Đó là nền văn học của chế
độ mới, con người mới, cũng là nền văn học đượm tính nhân văn, giàu tình người
với những tên tuổi như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn
Một, Thu Trân…
Văn học Đông Nam Bộ sau năm 1975 đã được một số nhà nghiên cứu
quan tâm, đề cập đến trong một số công trình, bài viết. Có thể kể đến công
trình Văn học Đồng Nai – lịch sử và diện mạo của tác giả Bùi Quang
Huy (NXB Đồng Nai, 2011). Công trình được chia thành hai phần rõ rệt: Lịch sử:
Bao gồm các phần: Trên hành trình 310 năm; Văn học viết Đồng Nai từ buổi đầu đến
năm 1861; Văn học viết Đồng Nai từ năm 1861-1930; Văn học viết Đồng Nai từ 1930
đến nay; Văn hóa dân gian miền Đông Nam Bộ – nhìn từ… văn học viết. Diện mạo:
Viết về chân dung một số tác giả như: Gia Định Tam gia – niềm tự hào của một
vùng đất; Bình Nguyên Lộc – một chuyến đò quê nặng nghĩa tình; Huỳnh Văn Nghệ:
như một giấc mơ; Lý Văn Sâm: Trang sách hồng mở giữa đời hoa;… Tuy phần viết về
giai đoạn sau năm 1975 còn ít ỏi, nhưng công trình đã có những kiến giải xác
đáng và đã phác họa được chân dung cụ thể của một miền văn học.Nhà phê bình Hà Thanh VânNgoài ra, còn có một số bài viết rải rác trên các báo, tạp
chí. Chẳng hạn như những bài viết về văn học Tây Ninh của La Ngạc Thụy, viết về
văn học Đồng Nai của Bùi Công Thuấn, Nguyễn Một, Lê Đăng Kháng… Những bài viết
này chủ yếu phác thảo những nét diện mạo chung của văn học ở một tỉnh cụ thể,
hoặc đi vào phân tích những tác phẩm trên một phương diện nội dung hay nghệ thuật
nào đó, chứ chưa có cái nhìn khái quát đối với toàn vùng miền, do vậy, tính tổng
hợp, khái quát chưa cao.
1. Từ một vùng đất địa linh nhân kiệt…
Đông Nam Bộ là một phần của vùng đất Nam Bộ. Trên phương diện
địa lý chính thức thì vùng đất này bao gồm năm tỉnh và một thành phố: Bà Rịa –
Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TPHCM. Tuy nhiên, do
tính chất đặc biệt của một thành phố lớn hàng đầu cả nước, đi đầu trong nhiều
lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật… cho nên bài viết không đề cập đến
TPHCM trong khu vực Đông Nam Bộ. Với tầm vóc của một thành phố lớn, TPHCM xứng
đáng được xem là một địa bàn nghiên cứu riêng, không thuộc phạm vi nghiên cứu của
bài viết này.
Đông Nam Bộ là một vùng đất đặc thù với nhiều nét riêng biệt.Theo
Đại Nam thực lục tiền biên thì vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc
Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Nguyễn
Hữu Cảnh đã đi ngược dòng Đồng Nai đến Cù lao Phố, và bắt tay vào công cuộc ổn
định dân tình, hoạch định cương giới. Ông “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ,
lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm
huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn” (1).Có thể nói, với việc mở cõi, xây
dựng đô thành, chiêu mộ lưu dân, vùng đất Đông Nam Bộ một thời đã là tiền đồn
nơi phương Nam.
Bước qua vài trăm năm lịch sử, đây là cũng vùng đất công nghiệp
hóa từ rất sớm với những đồn điền cao su từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XX của
thực dân Pháp khai thác. Cũng từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân cao su
mà điển hình là Phú Riềng đỏ (2) đã khởi lên mạnh mẽ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng Đông Nam Bộ có chiến
khu Đ lừng lẫy(3), đã đi vào thơ văn nhạc họa, mà tiêu biểu là những tác phẩm của
thi nhân – chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ. Cũng trên mảnh đất này đã hình thành một lực
lượng sáng tác văn học nghệ thuật với nhiều tác giả, tác phẩm có giá trị, trong
đó có những tên tuổi như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Việt… Từ
sau năm 1975, vùng đất Đông Nam Bộ đã thật sự có những chuyển biến lớn lao, nhất
là từ cột mốc đổi mới 1986. Ngày nay vùng đất Đông Nam Bộ, là khu vực dẫn đầu cả
nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cũng như nhiều yếu tố kinh tế,
xã hội, văn hóa khác. Những tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài nhiều phải
kể đến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và tất nhiên là cả TPHCM.
Mảnh đất Đông Nam Bộ sôi động với thực tế cuộc sống dày dặn,
phong phú, phức tạp, với những con người nguyên mẫu sống động đã trở thành đề
tài cho nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn sống ở miền Đông, hay sống ở các
tỉnh thành khác trên khắp cả nước, nhưng bị cuộc sống miền Đông thu hút, hấp dẫn.Văn
học Đông Nam Bộ đã phản ánh hiện thực rộng lớn của vùng đất giàu truyền thống đấu
tranh cách mạng và ngày hôm nay đang đi đầu trong công cuộc đổi mới, công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa lớn
trên mảnh đất này: Xây dựng nhà máy thủy điện Trị An – nhà máy thủy điện lớn nhất
phía Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia; xây dựng các khu công
nghiệp, khu chế xuất lớn thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng, mở rộng hạ tầng
cơ sở các thành phố…Văn miếu Trấn Biên, Biên Hòa2. Cho đến những thành tựu văn học đóng góp cho nền văn học
dân tộc từ sau năm 1975
2.1. Vai trò của các Hội Văn học Nghệ thuật, Nhà xuất bản,
các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật và các tạp chí
Trong số các tỉnh Đông Nam Bộ, có thể nói Đồng Nai là tỉnh đi
tiên phong trong việc xây dựng một Hội Văn học Nghệ thuật vững mạnh, là bệ
phóng cho nhiều cây bút trẻ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày
22.12.1979 tại Biên Hòa, trải qua một thời gian tích cực vận động chuẩn bị, hội
Văn học Nghệ thuật Đồng Nai đã được thành lập. Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà văn
tên tuổi Lý Văn Sâm. Cho đến nay sau hơn 30 năm, số hội viên của Hội đã lên đến
con số hơn 200 người, trong đó đa số là lớp nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ
sau năm 1975. Đồng Nai đã hình thành giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài
Đức, lần thứ nhất là từ năm 1995 – 2000, cho đến nay đã trao tặng ba lần.Giải
thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương cho đến nay cũng
đã có đợt trao tặng lần thứ năm. Giải thưởng thường được trao cho những sáng
tác văn học nghệ thuật nổi bật của tỉnh mỗi năm năm một lần. Hội Văn học nghệ
thuật Bình Dương cũng đã tận dụng được ưu thế của thời đại công nghệ thông tin
để có một website hội ở địa chỉ http://www.vannghebinhduong.org.vn/, khác với Hội
Văn học nghệ thuật Đồng Nai và Tây Ninh vẫn sử dụng blog làm công cụ truyền bá
thông tin hay Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội Văn học nghệ thuật
Bình Phước thì sử dụng Facebook làm trang tin.
Ở Tây Ninh, sau một thời gian dài khá bình lặng sau ngày giải
phóng, đến năm 1993 – 1994, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Tây Ninh – những
chặng đường vàng sonđã trở thành điểm tựa để cho những tác giả đoạt giải như
Nguyễn Đức Thiện, Nhất Phượng, La Ngạc Thụy, Nguyễn Quốc Việt, Phạm Đình Trúc
Thu, Tích Lan, Minh Phương… về sau trở thành những cây bút chủ lực của văn học
Tây Ninh. Đặc biệt, từ sau năm 2004, cùng với chủ trương tài trợ cho công việc
sáng tác của Nhà nước thông qua Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
thì văn học Tây Ninh thật sự có bước khởi sắc với nhiều tác phẩm văn học liên
tiếp ra đời, năm sau số lượng vượt trội so với năm trước. Năm 2016, Hội Văn học
nghệ thuật tỉnh Tây Ninh có cuộc thi văn xuôi và thơ chào mừng 180 năm ngày
thành lập tỉnh và hứa hẹn thu hút nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh tham dự.
Nhiều trại sáng tác văn học dành cho các nhà văn miền Đông
Nam Bộ được mở ra cũng là một trong những động lực thúc đẩy người cầm bút có những
sáng tác mới. Vào tháng 12 năm 2011, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt
Nam đã khai mạc trại sáng tác cho các văn nghệ sĩ trẻ miền Đông Nam Bộ tại tỉnh
Bình Phước. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại sáng tác
Văn học nghệ thuật khu vực Đông Nam Bộ vào năm 2014 tại Đăk Nông.
Trên phương diện xuất bản, các nhà xuất bản ở các tỉnh miền
Đông Nam Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc xuất bản các tác phẩm văn học của
các nhà văn vùng đất này. Đi đầu phải kể đến nhà xuất bản Đồng Nai. Thành lập từ
năm 1980, cho đến nay nhà xuất bản đã cho ra hàng chục ngàn đầu sách, đạt nhiều
giải thưởng trong lĩnh vực xuất bản, mới đây nhất là giải thưởng sách đẹp Việt
Nam năm 2011.
Ngoài tờ báo Văn nghệ Đồng Nai và Văn nghệ Bình Dươngcủa Hội
Văn học nghệ thuật Đồng Nai và Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương là ha tờ báo
được đánh giá có chất lượng nội dung tốt, thì gần đây có thêm Đặc san Văn miền
Đông do Chi hội Nhà văn Việt Nam các tỉnh miền Đông Nam bộ thực hiện được ra mắt
bạn đọc ngay trong dịp đầu xuân năm 2010. Đặc san được thực hiện nhằm giới thiệu
những tác phẩm sáng tác, bài viết nghiên cứu, lý luận, phê bình, tác phẩm dịch
thuật… của các nhà văn là hội viên Hội nhà văn Việt Nam cùng những cây bút chưa
phải là hội viên hiện đang sống và làm việc trong (và cả ngoài) khu vực các tỉnh
miền Đông Nam Bộ. Đặc san Văn Miền Đông cũng được sự cộng tác của nhiều nhà văn
nổi tiếng trong cả nước. Chịu trách nhiệm xuất bản Đặc san Văn Miền Đông là nhà
văn Trần Đức Tiến. Đặc san Văn Miền Đông có một Ban biên tập gồm các nhà văn,
nhà thơ: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thiện, Đàm Chu Văn, Phạm Quốc Ca.
Cuối tháng 11.2011, nhà văn Khôi Vũ (Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam tại Đồng Nai) đã nảy ra sáng kiến thực hiện tờ báo điện tử mang tên Gác Văn
Đồng Nai dưới dạng file PDF và gửi đến email các bạn yêu văn chương, định kỳ
hai số một tháng. Tờ báo tập hợp những thông tin bổ ích về văn chương dưới dạng
các bài nghiên cứu, phê bình, trao đổi sáng tác, điểm sách và quan trọng nhất
là giới thiệu những sáng tác mới của các nhà văn miền Đông. Cây bút Trần Chiêm
Thành (Thành phố Biên Hòa) nhận xét về Gác Văn Đồng Nai: “Tôi quý nhà văn Nguyễn
Thái Hải (Khôi Vũ) không chỉ vì những tác phẩm văn chương của anh mà còn vì một
lẽ khác ý nghĩa hơn là ở tâm nguyện tập hợp, vun quén, xây dựng một đội ngũ những
người sáng tác văn chương cho Đồng Nai… Đây là sản phẩm tinh thần quý giá, là
sân chơi, là đất ươm mầm, nảy nở những tác phẩm văn chương. Anh Thái Hải tình
nguyện làm người giữ gác.”(4). Để khuyến khích, ươm mầm cho những tài năng văn
chương trẻ, nhà văn Nguyễn Thái Hải còn đứng ra làm chủ trang Tuổi học trò
blog, địa chỉ trên mạng internet: http://dmt.vnweblogs.com, đăng tải những sáng
tác của các em học sinh mọi lứa tuổi.
Hội thảo Văn học thiếu nhi – nhìn từ miền Đông Nam Bộ được tổ
chức ngày 10.5.2012 tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, dưới sự chủ trì của nhà
thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã thu hút được đông đảo các nhà
thơ, nhà văn vùng đất này, đặc biệt là những người cầm bút viết cho thiếu nhi
như: Trần Đức Tiến, Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Đàm Chu Văn, Trần Hoàng Vy, Trần
Ngọc Tuấn, Nguyễn Hiệp, Lê Nguyên Ngữ, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Phạm
Quang Trung, Phạm Quốc Ca, Anh Đào, Lê Thanh Xuân, Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Đức
Phước, Hạnh Vân… Chọn đất Đồng Nai để tổ chức Hội thảo, cũng có phần là để tôn
vinh vùng đất có nhiều nhà văn đã có những tác phẩm văn học hay dành cho thiếu
nhi trong giai đoạn hiện tại. Trước đó, cũng có một cuộc tọa đàm với chủ đề Văn
nghệ sĩ với sự phát triển của Đồng Nai do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức
vào tháng 2.2012 đã đặt ra nhiều vấn đề về những đóng góp của các văn nghệ sĩ
cho sự nghiệp phát triển toàn diện mọi mặt ở tỉnh.
Nhanh nhạy, năng động và đi đầu trong nhiều hoạt động văn
chương, các Hội Văn học nghệ thuật, các nhà xuất bản các tỉnh và các nhà văn
Đông Nam Bộ đã cùng nhau tạo ra một môi trường tốt để từ đó thúc đẩy những hoạt
động sáng tác.
2.2. Các thế hệ và thành quả sáng tác của các cây bút miền
Đông Nam Bộ
Có thể chia thành ba giai đoạn sáng tác của các cây bút miền
Đông Nam Bộ từ năm 1975 cho đến nay:
Giai đoạn 1 là từ năm 1975 – 1986. Giai đoạn này có ít tác phẩm
được xuất bản, một phần vì đất nước còn nhiều còn khó khăn, phần vì các nhà văn
còn khá bỡ ngỡ với cuộc sống mới và những xáo trộn giữa thời bình. Những tác phẩm
trong thời kỳ một mặt vẫn nối dài theo lối tư duy sáng tác của nền văn học cách
mạng 1954 – 1975, một mặt đã cho thấy những tìm tòi, cố gắng đổi mới nghệ thuật.
Những nhà văn tên tuổi từ những giai đoạn trước như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn vẫn
tiếp tục sáng tác. Lý Văn Sâm có những tác phẩm tiêu biểu như: Bức chân
dung (1983), Bến xuân (1985), Ngàn sau sông Dịch (1988)…
Hoàng Văn Bổn có những tác phẩm tiêu biểu như: Lũ chúng tôi (1981), Nhớ
phố phường (1981), Sóng bạc đầu (1982), Miền đất ven sông (3
tập, 1985)… Đề tài, chủ đề của văn học Đông Nam Bộ trong giai đoạn này vẫn là
dư âm của cuộc chiến tranh mấy chục năm qua và bước đầu là những phác thảo chân
dung cuộc sống mới, cuộc sống thời bình.
Một nhà văn, nhà hoạt động chính trị quê quán Đồng Nai là Trần
Bạch Đằng, còn được biết đến dưới các bút danh Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn
Trương Thiên Lý, tuy thời gian này sống ở TPHCM song đã có không ít những tác
phẩm viết về miền Đông Nam Bộ, trong đó nổi bật lên tiểu thuyết Chân dung
một quản đốc (1983, ký tên Nguyễn Hiểu Trường). Nội dung tác phẩm viết về
Hai Cũ, một tay trùm của băng cướp khét tiếng vùng Biên Hòa – Long Khánh. Hai
Cũ với khí phách, nhân cách của mình, đã được cách mạng cảm hóa và đi theo cách
mạng rồi hòa bình trở thành một quản đốc trong nhà máy. Tác phẩm này từng gây
xôn xao dư luận một thời và được dựng thành bộ phim cùng tên và nghệ sĩ nhân
dân Lý Huỳnh đóng vai ông Hai Cũ.
Từ năm 1986 đến năm 2000, là thời kỳ văn học Đông Nam Bộ nở rộ
với nhiều thành tựu. Công cuộc đổi mới, thực tế cuộc sống mới, con người trên mảnh
đất Đông Nam Bộ với nền kinh tế thị trường, mở cửa, trong cuộc xung đột giữa
các mới và cái cũ, giữa những giá trị truyền thống và yếu tố ngoại lai… tất cả
đều được phản ánh trong tác phẩm văn học. Trong thời kỳ này, ngoài nhà văn
Hoàng Văn Bổn vẫn duy trì sáng tác đều đặn, thì nổi lên nhiều gương mặt mà tiêu
biểu là nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải). Nhà văn Hoàng Văn Bổn tiếp tục có những
sáng tác như Tình đời đen bạc (1989), Phía sau vành móng ngựa (1989), Khắc
nghiệt (1989), Tuổi thơ ngọt ngào (1993), Một ánh sao đêm (1994), Ngôi
sao nhớ ai (1994), Thuở hồng hoang (1998)… Nhà văn Khôi Vũ có những
tác phẩm như Người có một thời (1988), Giữa dòng đời (1989), Lời
nguyền hai trăm năm (1989), Dòng sữa cây nước mắt (1990), Mặt
trời của riêng ai (1990), Triệu phú (1992), Ngọn lửa âm thầm (1993)…
Trong đó cuốn tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm đã đạt giải thưởng
Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 và gây được tiếng vang rộng rãi trong công chúng
yêu văn học. Lời nguyền hai trăm năm là tác phẩm tiêu biểu nhất của
nhà văn Khôi Vũ trong mấy chục năm cầm bút. Đây cũng là tác phẩm văn học đầu
tiên ở Đồng Nai sau năm 1975 đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Địa chí
Đồng Nai, tập 5 đã có những trang viết về văn học Đồng Nai từ năm 1930 đến nay
và đánh giá rất cao tác phẩm Lời nguyền hai trăm năm: “Cuốn sách viết về một
dòng họ trải 200 năm vẫn bị một lời nguyền ám ảnh và săn đuổi: phải làm điều ác
để duy trì dòng dõi của mình! Bao người từng toan “bẻ nạng chống trời” nào có
làm được. Đến thời Hai Thìn, nhân vật hiện tại, hiểu rõ lời nguyền từ trong cội
nguồn của nó. Nhưng anh lại là người duy nhất của dòng họ cưỡng lại để rồi phải
nhận lấy cái chết. Song, đấy là cái chết để điều thiện được hiện hình và cái ác
phải bị đẩy lùi. Lời nguyền hai trăm năm là bài ca khắc nghiệt, cay đắng
nhưng hân hoan của cuộc hành trình cưỡng lại định mệnh để trở về với điều Thiện.
Con người, dù phải chết, cũng không được làm điều ác. Đấy là triết lý của nhà
văn và cũng là lý tưởng nhân đạo cần có của cuộc sống ngày hôm nay (5). Dưới
tên thật là Nguyễn Thái Hải, nối tiếp những sáng tác cho thiếu nhi từ trước năm
1975, nhà văn có những sáng tác khiến các độc giả nhỏ tuổi đặc biệt yêu thích
như: Bên bóng Thái Sơn (1978), Ba chàng thám tử (1992), Cha
con ông Mắt Mèo (1993), Thằng đầu bò (1993)… Những trái sao xoay (1993), Con
dốc cổng trường (1994).
Cùng thế hệ với nhà văn Khôi Vũ, có nhà văn Nguyễn Thu Trân,
một cây bút nữ có lối viết tinh tế, hồn hậu, chuyên viết cho thiếu nhi và lứa
tuổi mới lớn. Đó là những tác phẩm như: Đường bong bóng bay (1993), Trò
chơi của biển (1994), Hoa của đường phố (1997), Con mèo lửa (1997), Những
dòng sông búp bê (1999). Chị đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm
1993 cho tập truyện dài thiếu nhi Đường bong bóng bay. Cũng viết cho thiếu
nhi có tác giả Trần Hoàng Vy với tập thơ Ngủ giữa vườn tiếng chim (1995)
và tập truyện vừa Miền thơ ấu (1996). Nguyễn Đức Thọ cũng là một nhà
văn khá tiêu biểu của miền đất Đông Nam Bộ trong giai đoạn 1986 – 2000. Tuy mất
khá sớm (năm 2001), nhưng Nguyễn Đức Thọ đã kịp để lại gần chục đầu sách, trong
đó có tập truyện ngắn gây được tiếng vang là Hồi ức làng Che (1999).
Từ năm 2000 cho đến nay là một thời kỳ sáng tác nở rộ của các
nhà văn miền Đông Nam Bộ, tương ứng với thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Những
tên tuổi có ở giai đoạn trước, đã định hình phong cách sáng tác và tiếp tục có
những tác phẩm mới. Nhà văn Nguyễn Thu Trân vẫn sáng tác đều đặn và gặt hái được
những thành công mới với các các tác phẩm Nhà có cửa sổ tròn (2001), Tóc
mây vỉa hè (2002), Ông thầy cũ kỹ (2002), Áo đen viền trắng (2002), Dường
như ta không còn bé nữa (2003), Bốn người nhẹ như chiếc lá (2005), Hộc
bàn không còn muối ớt (2009), Xanh đỏ dịu dàng (2012)… Trong đó
tác phẩm Ông thầy cũ kỹ được giải thưởng Văn học thiếu nhi Vì tương
lai đất nước của Hội Nhà văn TPHCM – Nhà xuất bản Trẻ; tác phẩm Bốn người
nhẹ như chiếc lá được giải thưởng Văn học tuổi hai mươi của Hội Nhà văn
TPHCM – Nhà xuất bản Trẻ.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải vẫn viết đều tay với một loạt tác phẩm
mới viết cho thiếu nhi như: Mơ làm thủ lĩnh (2011), Sao chim
không hót (2011), Một ngày hè ở biển (2012)… và với bút danh
Khôi Vũ thì có tiểu thuyết Cái bóng (2004) và tập truyện vừa Phía
sau một khách sạn (2007) rất được độc giả chú ý. Cây bút Trần Hoàng Vy
cũng cho ra đời một loạt tác phẩm như: Thơ gửi tuổi 17 (2000), Chuyện
cổ tích kể cho bé Sao (2002), Đồi cỏ hát (2003), Thằng Thu
đảo Nhím (2003), Mưa nấm mối (2005), Bóng nhớ (2005), Chớp
mắt rồi cười (209), Tự khúc + (2010)…
Nhà văn Nguyễn Một sau tập truyện ngắn đầu tay Tha hương (1996),
đã cho ra mắt một loạt tác phẩm: Ngũ hổ tướng xóm đồi (2000), Quà
của đất (2001), Vũ điệu trên đỉnh Kung Phô (2001), Long
lanh giọt nắng (2004) Như là cổ tích (2005), Đất trời vần
vũ (2009)…
Không chỉ nổi trội về văn xuôi, các cây bút Đông Nam Bộ còn
khá sung sức trong sáng tác thơ ca. Những năm qua có thể kể đến những tập thơ được
xuất bản: Lang thang (Nguyễn Đức Thiện, NXB Hội Nhà văn –
2005), Bóng nhớ (Trần Hoàng Vy, NXB Văn học – 2005), Nắng trong
tim – nắng trong thơ (Phan Kỷ Sửu, NXB Văn nghệ – 2006), Em và tôi và
năm tháng, trăng và biển và em (Minh Phương, NXB Văn nghệ – 2006), Ánh
đèn phố Núi (Sông Hương, NXB Văn nghệ – 2006), Chốn xưa (Nguyễn
Quốc Nam, NXB Văn nghệ – 2006), Đi về phía mặt trời (Khali Chàm – NXB
Văn nghệ – 2006), Cọng rau tập tàng (Cảnh Trà, NXB Hội Nhà văn –
2007), Trăng ngân (Nguyệt Quế, NXB Thanh Niên – 2007), Trên lối
đi xưa (Trần Mỹ Liên, NXB Hội Nhà văn – 2007), Môi ngọt (Nguyễn
Thị Kim Liên, NXB Hội Nhà văn – 2007), Một mình hát với đêm khuya (Trương
Văn Bảy, NXB Hội Nhà văn – 2007)…
Bên cạnh những cây bút nổi bật về văn xuôi trong giai đoạn
này, thì thơ ca miền Đông Nam Bộ cũng có không ít những gương mặt tiêu biểu. Trần
Ngọc Tuấn là một trong số đó. Giọng thơ của anh trầm lắng nhưng khắc khoải. Từ
tác phẩm đầu tiên Giác quan biển được xuất bản năm 1994 và các tác phẩm Giữa cỏ
(1996), Chân chim hóa thạch (1998), cho đến nay, giọng thơ của Trần
Ngọc Tuấn đã thật sự đi vào độ chín với các tập thơ Con mắt dã quỳ (2000), Gửi
dòng sông Đồng Nai (2004), Suối reo (2006)…
Từ năm 1975 đến nay, các cây bút miền Đông Nam Bộ cũng được
trao nhiều giải thưởng ở nhiều cấp độ khác nhau. Hai nhà văn Lý Văn Sâm và
Hoàng Văn Bổn được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Các tác giả
Khôi Vũ, Thu Trân được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng các
cuộc thi thơ, văn trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội được trao cho
các nhà văn Đàm Chu Văn, Nguyễn Đức Thọ, Lê Thanh Xuân, Thu Trân, Lê Đăng
Kháng, Nguyễn Một… Giải thưởng báo Văn nghệ trẻ được trao cho các tác giả Trần
Thu Hằng, Nguyễn Đức Phước, Nguyễn Hoài Nhơn…
2.3. Những khuynh hướng chính và đặc điểm sáng tác của văn học
Đông Nam Bộ từ năm 1975 đến nay.
Dễ dàng nhận thấy trong gần 40 năm qua, thành tựu về văn xuôi
của mảnh đất Đông Nam Bộ có phần lấn lướt hơn thành tựu thi ca. Đây cũng là điều
dễ hiểu vì hiện thực cuộc sống mảnh đất này ngồn ngộn đập vào mắt người cầm bút
mà chỉ có văn xuôi mới chuyển tải được hết. Riêng về văn xuôi, có thể kể đến những
tên tuổi nổi bật không chỉ trong giới hạn vùng miền mà còn được đông đảo bạn đọc
cả nước biết đến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Thu
Trân, Nguyễn Một…
Văn học viết cho thiếu nhi là mảng văn học đặc biệt ấn tượng ở
miền Đông Nam Bộ. Có thể là do tình cờ, nhưng phần lớn là do sự say mề nghề viết,
tại Đông Nam Bộ trong nhiều năm qua đã bền bỉ một phong trào viết cho thiếu nhi
với những cây bút tên tuổi như Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Thái Hải, Thu Trân, Nguyễn
Một, Trần Hoàng Vy, Đàm Chu Văn, Trần Đức Tiến, Trần Thu Hằng, Phạm Thanh
Quang, Hồ Việt Khuê… Tác phẩm của họ được giải cao trong nhiều cuộc sáng tác
dành cho các em, được xuất bản ở các nhà xuất bản như nhà xuất bản Kim Đồng,
nhà xuất bản Trẻ… thậm chí được in thành tuyển tập như Tuyển tập văn học
thiếu nhi Hoàng Văn Bổn (1999).
2.3.1. Những khuynh hướng chính của văn xuôi miền Đông Nam Bộ
trước hết là sự phản ánh cuộc đấu tranh gian lao mà anh dũng của quân và dân miền
đất này qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước như trong những tác
phẩm của Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn
Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, Nhất Phượng, La Ngạc Thụy, Đỗ Thanh Hiền, Nguyễn Công
Sao…
Hoàng Văn Bổn viết nhiều về đề tài cách mạng và kháng chiến,
đặc biệt ông xây dựng những bộ sử thi miêu tả cuộc đấu tranh lâu dài của quân
dân miền Đông Nam Bộ. Ông có những tác phẩm như bộ tiểu thuyết sử thi Miền
đất ven sông dài ba tập phản ánh hiện thực cuộc đấu tranh cách mạng từ những
năm 1940 đến năm 1954. Tiếp theo bộ tiểu thuyết sử thi Miền đất ven sông, Hoàng
Văn Bổn tiếp tục cho ra mắt một bộ tiểu thuyết sử thi khác là Nước mắt giã
biệt (1995) viết về ba mươi năm chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ của quân
dân miền Đông Nam Bộ. Mở rộng đề tài, Hoàng Văn Bổn viết Bầu trời mặt đất (1981)
nói về cuộc chiến đấu của không quân Việt Nam. Sóng bạc đầu (1982) viết
về cuộc chiến đấu của hải quân Việt Nam… Với giọng văn bình dị, mộc mạc, tự
nhiên, ông đã lôi cuốn được người đọc theo từng trang viết. Có vẻ như không cần
dụng công, hiện thực cuộc sống vẫn hiện lên rõ nét trong những tác phẩm tiểu
thuyết sử thi của ông. Con người và miền đất Đông Nam Bộ có mặt trong những tác
phẩm của Hoàng Văn Bổn một cách nhất quán, rõ ràng, liên tục và hệ thống, tạo
thành phong cách riêng của Hoàng Văn Bổn.
Nối tiếp cách viết, phong cách viết của Hoàng Văn Bổn, có thể
kể đến nhà văn Nguyễn Một với cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ (2009),
cũng lấy đề tài từ con người và miền đất Đông Nam Bộ.
2.3.2. Đề tài chiến tranh cũng tiếp tục được các nhà văn Đông Nam Bộ
khác khai thác. Đó là Mặt trận thầm lặng của Anh Hoàng, Viên gạch lạ, Muối đỏ của
Tấn Hoài, Chuyện nhà tôi của Trần Thúc Hà. Người ở miệt vườn và Mùa trái cây của
Nguyễn Đức Thọ. Khuynh hướng chung là ngợi ca những nhân vật của chủ nghĩa anh
hùng cách mạng trong đấu tranh sống còn với kẻ thù, chia sẻ những đau thương mất
mát không sao bù đắp được của những người còn sống. Truyện được viết chủ yếu dựa
trên tư liệu người thật việc thật, nhằm phản ánh hiện thực.
Viết về người lính trong chiến tranh và trong hòa bình, Nguyễn
Đức Thọ có Xứ sở tình yêu, Ốc mượn hồn, Phạm Thanh Quang có Tình yêu
thuở ấy và Địa linh, Lê Đăng Kháng có Tàu đến ga Long Khánh, Trần
Thúc Hà có Hai ngôi mộ, Nén nhang ngoài khuôn viên, Xế chiều… Không ít tác
phẩm đề cập đến hình ảnh người lính trong chiến đấu, dũng cảm hy sinh nhưng
trong cuộc sống chuyển sang thời bình, với nền kinh tế thị trường, họ không
thích ứng được.
Những băn khoăn, thao thức về những cảnh đời, những số phận
thăng trầm qua những biến thiên xã hội, cuộc sống và những thay đổi mà nền kinh
tế thị trường mang lại, là chủ đề trong nhiều tác phẩm của các nhà văn Đông Nam
Bộ, nơi đi đầu trong việc phát triển kinh tế của các nước, nhưng từ đó cũng nảy
sinh nhiều mặt trái của vấn đề. Các nhà văn Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ,Thạch Minh,
Phùng Phương Quý, Đào Phạm Thùy Trang, Hoàng Nguyên, Trương Thứ Bảy, Thiên Huy,
Nguyễn Khắc Luân, Phùng Thị Tuyết Anh… là người đi đầu trong việc hướng ngòi
bút về những chủ đề này. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Khôi Vũ, Lời nguyền
hai trăm năm, tuy mang đậm tính truyền kỳ dân gian, nhưng lại hàm chứa những biểu
tượng triết lý sâu sắc. Sử dụng bút pháp đan xen giữa hiện thực và huyền ảo,
nhà văn Khôi Vũ thông qua các phẩm này đã nêu lên tuyên ngôn về nhân cách con
người trong những thăng trầm xã hội. Lời tuyên bố của nhân vật chính, Hai Thìn,
cho thấy rõ ý hướng của nhà văn muốn chuyển tải: “Con đồng ý với ba là không thể
có con người toàn hảo. Nhưng đó là mặt ứng xử, là mặt tính cách. Còn lương tâm
người ta, ai cũng phải giữ cho nó vẹn toàn” (6).
Triệu phú là cuốn tiểu thuyết mà Khôi Vũ thể hiện rõ những
mâu thuẫn phức tạp trong đời sống nội tâm của con người trong nền kinh tế thị
trường. Ở đó tiền tài chưa chắc đã mua được hạnh phúc và tình yêu. Khai thác những
bộn bề đa đoan của cõi người, trân trọng cuộc sống, nhân cách của những con người
lương thiện, nhà văn Khôi Vũ còn có những tác phẩm Chuyện ở dãy phố năm căn,
Người có một thời, Cái bóng, Phía sau một khách sạn, Vỡ dần trong mắt, Tri
thiên mệnh… Trần Thu Hằng đi sâu khai thác thân phận của những nghệ sĩ đàn hát
ca trù Đàn đáy và đi sâu vào bi kịch của một gia đinh trí thức Người
đàn bà lưu vong. Hoàng Kim Chung hướng ngòi bút vào việc miêu tả đời sống gia
đình bộ đội, công chức viên chức Mái ấm…
Ở thể loại truyện ngắn, ngoài những cây bút Trần Thúc Hà, Tấn
Hoài…, đã xuất hiện thêm những gương mặt triển vọng như Dương Đức Khánh hay tác
giả Nguyễn Trí với tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương đoạt
giải thưởng năm 2013 của Hội Nhà văn Việt Nam. Viết về đề tài thiếu nhi và cho
tuổi mới lớn, bám sát thực tế một cách dung dị, hồn nhiên, lấy thực tế làm nguồn
dữ liệu vô tận cho sáng tác là điều thường thấy ở các nhà văn miền Đông Nam Bộ.
Truyện ngắn Phiên tòa trẻ con của nhà văn Trần Thu Hằng lấy đề tài từ
một câu chuyện có thật năm 2010, được phản ánh nhiều trên báo chí, là việc em
bé Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau bị ngược đãi. Truyện ngắn Phiên tòa trẻ con miêu
tả cách nhìn nhận của các em bé về sự việc thương tâm này. Tập truyện Đồi
cỏ hát của nhà giáo Trần Hoàng Vy có sáu truyện, trong đó có bốn truyện ngắn
và hai truyện vừa. Tất cả đều chứa đựng cuộc sống của tuổi học trò mới lớn với
những phức tạp của lứa tuổi có những rung động đầu đời. Mỗi truyện đều có nét
riêng, đặc thù tâm sinh lý của từng độ tuổi. Hai truyện vừa Tiểu thơ tỉnh
lẻ và Đồi cỏ hát gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Những trò nghịch
ngợm, giận hờn vô lý mang đậm nét hồn nhiên trong trắng được khắc họa rất rõ
nét trong Tuổi thơ tỉnh lẻ. Đặc biệt với Đồi cỏ hát mà Trần
Hoàng Vy đặt nhan đề cho cả tập truyện khiến người đọc bất ngờ. Bất ngờ vì những
đột biến của truyện, với những cuộc tình của tuổi mới lớn khi vừa rời khỏi bậc
phổ thông trung học đan chéo vào nhau, những cơn lốc cuộc đời, ăn chơi trác
táng của một bộ phận thanh niên đã dẫn đến tội ác.
Các nhà văn Thu Trân, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Khôi Vũ
và Phạm Thanh Quang đều có nhiều truyện cho thiếu nhi. Các nhà văn chú ý nhiều
đến trẻ em bất hạnh, những đứa trẻ lang thang. Trong Nhà có cửa sổ tròn, Thu
Trân viết về ước mơ của cô bé Thỏ Ngọc bị liệt phải ngồi xe lăn. Trong Chú bé
phiêu lưu, Khôi Vũ kể chuyện đám trẻ lang thang sống trong nhà tình thương.
Nguyễn Một viết về người anh hùng Điểu Cải và Hồ Thị Hương trong Màu hoa
trắng.
2.3.3. Về thể loại ký, các nhà văn miền Đông Nam Bộ cũng có
nhiều thành tựu. Họ viết về nhiều đề tài, chủ đề. Trọng Phú có tác phẩm Lực lượng
vũ trang nhân dân nói về con người và cuộc chiến đấu của nhân dân Đồng Nai
trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nguyễn Một có Quà
có đất gồm 22 bài ký và tập bút viết về những vùng đất khác nhau ở Đông
Nam Bộ, tập Giữa đời thường và Dòng sông độ lượng viết về chân
dung những con người nổi bật ở mảnh đất miền Đông. Đó là nhà văn Hoàng Văn Bổn;
nhà thơ Thu Bồn; nhà văn Khôi Vũ; cán bộ tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành chăm sóc
bonsai; chủ trường dân lập Bùi Thị Xuân; ông bà Lê Kỳ Phùng, chủ “ trang trại kỳ
cục”; Võ Văn Quân, Giám Đốc XQ thêu Đà Lạt… Nguyễn Yên Tri có tập ký Nhà giáo Đồng
Nai viết về những gương mặt tiêu biểu trong ngành giáo dục ở Đồng Nai.
Tập bút ký Những giấc mơ đã thành sự thật của Nguyễn
Tấn Hùng và La Ngạc Thụy đầy ắp những nhân vật, sự kiện tiếp nối nhau từ thời kỳ
chiến tranh đến xây dựng và phát triển trong thời bình. Tám truyện ký của Nguyễn
Tấn Hùng viết về đề tài lịch sử rất sinh động với những chuyện về Đội
Biệt động Thị xã Tây Ninh, chuyện của Anh hùng Nguyễn Văn Thương người bị CIA Mỹ
cưa chân đến sáu lần. Bên cạnh những truyện ký viết về con người, Nguyễn Tấn
Hùng còn tái hiện những chiến công trong chiến tranh với Trận đánh không tiếng
súng ở Cầu Vườn Điều, Đường dây Côn Đảo… Còn bảy bút ký của La Ngạc Thụy khai
thác mảng đề tài về phát triển kinh tế, xã hội của Tây Ninh sau hơn 30 năm giải
phóng, đặc biệt về đề tài nông dân và nông thôn.
2.3.4. Về thơ có các tác giả nổi bật như Trần Ngọc Tuấn, Đàm
Chu Văn, Phan Quang Hợp, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân, Đặng Minh Hân, Cảnh Trà,
Vũ Miên Thảo, Nguyễn Văn Tài, Phan Kỷ Sửu, Đặng Mỹ Duyên, Hạ Vi Phong, Lê Thị
Phù Sa, Nguyễn Thị Kim Liên, Minh Phương, Nguyễn Quốc Nam, Nguyệt Quế, Nguyễn Đức
Phước, Cát Du…
Chủ đề của thơ ca miền Đông Nam Bộ trước hết là sự tỏ lòng với
mảnh đất này. Mảnh đất làm nên căn cốt của nhà thơ, nuôi dưỡng cảm xúc của nhà
thơ. Đào Trọng Thử có Gửi Đồng Nai, Đàm Chu Văn có Đồng Nai tráng khúc, Đặng
Minh Hân có Hồi ức Mã Đà, Đỗ Minh Dương có Thăm Văn miếu Trấn Biên, Vũ Đức Hậu
có Soi gương hồ Trị An, Nguyễn Hiếu có Đêm Biên Hòa, Phan Quang Hợp có Chợ Vĩnh
An, Lê Hồng Sơn có Cù lao Phố… Từ những địa danh của đất miền Đông đi vào thơ
ca, cho thấy sự nặng lòng, quyến luyến của các nhà thơ với mảnh đất nơi mình
sinh sống. Trần Ngọc Tuấn viết:
Nhà Bè nước chảy chia hai/ Thân này chọn hướng Đồng Nai
xuôi thuyền/ Cũng vì hai chữ nhân duyên/ Xa cha biệt mẹ buông thuyền
theo em. (Gửi dòng sông Đồng Nai).
Những hoài niệm đẹp về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ, với tình quê hương sâu nặng cũng được nhiều nhà thơ lưu luyến đề cập. Đó là
Nằm võng giữa chiến khu của Đỗ Minh Dương, Tìm ba, Viếng đồng hương của Thạch
Hà, Rừng gọi của Vũ Đức Hậu, Hát trong hầm của Hải Ba…
Phan Quang Hợp từng da diết: Mùa mưa quay lại Trị
An/ Nhìn mênh mông nước võng ngàn bờ xanh/ Soi vào quá khứ lung linh/ Nắm
cơm hậu cứ lặng thinh nuôi người…(Trầm tích chiến khu).
Và Đỗ Minh Dương thương nhớ lại một thời:Võng nghiêng về phía
rừng dày/ Bếp Hoàng Cầm tỏa ấm ngày khao quân/ Võng chao cho dạ bần thần/
Thương hoài mắt mẹ trong lần tiễn đưa/ Nghiêng rừng cơn sốt mùa mưa/ Bạn hy
sinh để võng thừa chông chênh…(Nằm võng giữa chiến khu).
Bên cạnh những hồi ức về một thời đã qua, nhà thơ đất miền
Đông ngày nay còn phải đối mặt với bao phức tạp, bộn bề của cuộc sống. Khi đất
nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mọi giá trị như bị đảo lộn, băng hoại.
Cuộc sống nề nếp lấy tình nghĩa làm trọng trở nên chông chênh, không bền vững.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng thêm gay gắt. Lối sống thực dụng thống trị mọi
nẻo hồn người. Cho nên có nhà thơ ngậm ngùi:
Bán buồn mua được mấy vui/ Bán quen mua lạ, bán xui mua
hời/ Chợ trời bán cái dở hơi/ Tôi đành mua hết ngậm ngùi vào thân/ Bán xa
mua láng giềng gần/ Bán vàng mua phải lần khân lọc lừa/ Đất trời còn kẻ bán
mua/ Tôi về chuộc ánh trăng xưa làm quà – (Bán và mua – Nguyễn Hoài Nhơn).
Có nhà thơ viết về những cảnh đời đượm nhiều vị đắng cay của
hiện thực cuộc sống người nữ công nhân trong cách khu chế xuất, khu công nghiệp:
Nhịp đời thầm lặng/ Dây chuyền máy móc cuốn hết buồn vui/ Giờ
giải lao hé một tiếng cười/ Bữa cơm trưa vội vã/ Tháng hai kỳ lãnh lương chớp
lóa / Tính sao cho đủ mọi bề/ Ngày chủ nhật vèo đi/ Quanh quẩn căn phòng
trọ/ Nhìn đâu cũng thấy màu áo nữ/ Tài trai ở hết phương nào?- (Đồng
phục màu hoa lục bình – Đàm Chu Văn).
Nhưng trên hết, thơ ca là tiếng lòng, là tình cảm của con người.
Do vậy những rung động xao xuyến tình yêu, những tâm tư tình cảm, những dằn vặt
tâm hồn… đều được thể hiện trọn vẹn trong thơ của các nhà thơ miền Đông. Đỗ
Minh Dương có Đối thoại tình, Thạch Hà có Biển, Ngọc Khánh có Hẹn,
Trần Thị Hương Lan có Giao mùa, Nguyễn Đức Phước có Nửa yêu, Thân Nghệ
Thuật có Trở lại làng xưa... Và Lê Thanh Xuân trầm lặng, day dứt, Cát
Du nồng nàn:
Ô cửa sổ màu sơn đã nhạt/ Một bình hoa, không có bóng
hoa/ Tôi chờ đợi. Có thể em chờ đợi/ Hai trái tim không cất nên lời/ Vườn
lá rụng cành đã ra lớp mới/ Bãi ngoài sông thêm mấy sa bồi…/Ô cửa sổ màu
sơn đã nhạt/ Tôi trở về tìm lại chính tôi.- (Lê Thanh Xuân).
“Nàng bé tẹo/ Tuổi chất cao hơn nàng?/ Vậy mà nàng
biết đặt những câu hỏi của nhân loại/ Ta từ đâu tới?/ Tới để làm gì?/ Ta
sẽ về đâu?…
Nàng không hiểu/ Làm sao chỉ những sinh thể đa bào duy
nhất/ Thành anh, thành em và thành nhân loại/ Có nước mắt trong chiều
chia ly”.(Cát Du).
2.3.5. Về lý luận phê bình, mảnh đất miền Đông cũng có những
cây bút chịu khó mày mò trong địa hạt khó khăn này. Bùi Quang Tú có Một vài
chân dung văn nghệ. Bùi Công Thuấn có Chút tình tri âm. Bùi Quang Huy được
coi là nhà “Lý Văn Sâm học”, dành hàng chục năm để nghiên cứu về tác giả Lý Văn
Sâm và đã công bố hàng chục công trình về tác giả này. Đặng Minh Hân có tác phẩm
Văn thơ Đồng Nai, đôi điều cảm nhận gồm những bài viết về tác giả của Đồng Nai:
Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Anh Hoàng, Nguyễn Một, Minh
Chung, Lê Đăng Kháng, Kiều Văn Phẩm. Đặng Minh Hân có quan hệ gần gũi, thân thiết
với nhiều nhà văn Đồng Nai, vì thế nên có lợi thế khi viết về tác giả Đồng Nai.
Nhìn chung lại, điểm nổi trội trong những thành quả sáng tác
của các nhà văn miền Đông Nam Bộ là ở thể loại tiểu thuyết và ở mảng văn học viết
cho thiếu nhi. Đây là những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam từ sau năm
1975 cho đến nay. Những mảng thơ, ký, lý luận phê bình thì có phần mờ nhạt hơn,
nhưng không phải là không có những đóng góp nhất định.
Nhìn chung, hơn bốn mươi năm qua, cần phải khẳng định thêm lần
nữa là văn học Đông Nam Bộ đã thật sự có nhiều đóng góp cho nền văn học dân tộc
Việt Nam. Bám sát hiện thực, khẳng định cái mới, cái tốt, các nhà văn, nhà thơ
đều cố gắng khắc họa về con người và miền đất Đông Nam Bộ của ngày hôm qua và
ngày hôm nay, thể hiện tấm lòng và tâm huyết của mình đối với mảnh đất này, tô
đậm thêm những nét truyền thống văn hóa của mảnh đất “gian lao mà anh dũng”
trong thời kỳ chiến tranh và đi đầu cả nước về mọi mặt trong thời bình.
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng
(2002). Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX. NXB TPHCM.
(2) Hoài Anh. Đất và người Đồng Nai trong thơ
Trần Ngọc Tuấn.
http://tranngoctuanvn.blogspot.com/2011/07/hoai-anh-at-va-nguoi-ong-nai-trong-tho.html.
Truy cập ngày 18.7.2016.
(3) Trịnh Hoài Đức (2004). Gia Định thành thông chí.
NXB Tổng hợp Đồng Nai.
(4) Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Thanh
Xuân, Trần Đan Tâm (2002). 25 năm một vùng tiểu thuyết. NXB KHXH, Hà Nội.
(5) Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (2005). Tuyển tập
văn xuôi Đồng Nai 2003 – Trại viết Đà Lạt. NXB Đồng Nai.
(6) Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (2005). Tuyển tập
thơ Đồng Nai 30 năm (1975 – 2005). NXB Đồng Nai.
(7) Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (2005). Tuyển tập
văn xuôi Đồng Nai 30 năm (1975 – 2005). NXB Đồng Nai.
(8) Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh (2005). Tuyển tập
thơ 30 năm giải phóng Tây Ninh. Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh xuất bản.
(9) Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh (2005). Tuyển tập
truyện ký 30 năm giải phóng Tây Ninh. Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh xuất
bản.
(10) Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh (2010). Những
câu chuyện sau 30 năm. Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh xuất bản
(11) Bùi Quang Huy (2011). Văn học Đồng Nai –
lịch sử và diện mạo. NXB Đồng Nai.
(12) Nguyễn Một. Khôi Vũ – người lắng nghe tiếng nói của
nội tâm. http://dongnai.vncgarden.com/cam-nhan/khoivunguoilangnghetiengnoicuanoitam.
Truy cập ngày 20.7.2016.
(13) Bùi Công Thuấn. Đọc “Miền đất ven sông” thử
tìm hiểu tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn.
http://khoivudongnai.vnweblogs.com/post/2228/181827. Truy cập ngày 5.7.2016.
(14) Bùi Công Thuấn. Ba mươi năm văn xuôi Đồng Nai,
một phác thảo. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=11733.
Truy cập ngày 8.6.2016.
(15) Bùi Công Thuấn. Trần Ngọc Tuấn – những câu thơ
giăng mắc tình son. http://yume.vn/news/cate/subcate/tran-ngoc-tuan-nhung-cau-tho-giang-mac-tinh-son.35A8ECEB.html.
Truy cập ngày 8.6.2016.
(16) Bùi Công Thuấn. Thơ Đồng Nai – hành trình 30
năm. http://my.opera.com/buicongthuan/blog/show.dml/4377951. Truy cập ngày
18.7.2016.
(1) La Ngạc Thụy. Diện mạo văn học Tây Ninh từ sau
năm 2004. http://ngacthuy.vnweblogs.com/post/7686/229654.Truy cập ngày
10.7.2016.
(2) La Ngạc Thụy. Tác phẩm văn học Tây Ninh xuất bản
thời gian qua. http://ngacthuy.vnweblogs.com/print/7686/80709. Truy cập
ngày 10.7.2016.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (2001) Địa chí Đồng
Nai, tập 5: Văn hóa xã hội. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
(1) Theo Trịnh Hoài Đức (2004). Gia Định thành
thông chí. NXB Tổng hợp Đồng Nai.
(2) Ngày 3.2.1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Tử
Bình, lúc đó là Bí thư chi bộ Phú Riềng, hơn 5.000 công nhân cao su và người
lao động của 10 làng trong khu vực đã tiến hành biểu tình, bao vây khu nhà chủ
sở của công ty Michelin và buộc giới chủ phải đáp ứng thực hiện 6 quyền lợi thiết
yếu bao gồm: Cấm đánh đập; Cấm cúp phạt; Miễn sưu thuế; Trả lương cho nữ công
nhân nghỉ đẻ; Ngày làm 8 giờ; Bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động.
(3) Chiến khu Đ được thành lập tháng 2.1946, là một căn
cứ quân sự ở miền Đông Nam Bộ của Mặt trận Việt Minh và Quân đội Nhân dân Việt
Nam trong thời kỳ chống Pháp, và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Chiến khu bao
gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (nay thuộc huyện Tân
Uyên, tỉnh Bình Dương). Về sau Chiến khu Đ ngày càng mở rộng đến gần sát các
thành phố Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
(4) Theo Gác Văn Đồng Nai bước sang chặng đường mới
http://bongtram.vnweblogs.com/post/22460/359927. Truy cập ngày 20.7.2016
(5) Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (2001). Địa chí Đồng
Nai, tập 5.Văn hóa xã hội. Bài Văn học viết Đồng Nai từ 1930 đến nay. NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
(6) Khôi Vũ (1989). Lời nguyền hai trăm năm. NXB
Thanh niên, Hà Nội, trang 98.
29/11/2022 Hà Thanh VânNguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12/2016
29/11/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét