Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Hồn người theo gió bấc mà về Văn Lang

Hồn người theo
gió bấc mà về Văn Lang

Thời gian gần đây rộ lên trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử-huyền sử. Có được trào lưu như thế quả là phúc lớn cho văn học nước nhà.“Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…” Bác Hồ đã từng căn dặn như thế. Trong những tiểu thuyết lịch sử-huyền sử, tôi quan tâm tới cuốn Thần thuyết của người Chim của nhà văn Văn Lê. Cuốn này chào đời năm 2014, đến nay được 6 tuổi, và vẻ như đang chìm vào sương khói. Tôi tiếp cận văn bản cuốn sách chừng năm nay, và ngay lập tức nhận ra sự hùng vĩ của tác phẩm, mặc dù việc thẩm thấu câu chuyện chẳng dễ dàng chút nào.
Nhà văn Văn Lê. Ảnh: P Hoàng
Có một nghịch lý là, lao động nhà văn nói riêng và lao động nghệ thuật nói chung đôi khi không tương xứng với sự đón nhận của độc giả. Người đọc chẳng lạ gì Văn Lê. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay những trang viết đẫm máu qua những cuốn sách như Mùa hè giá buốt (Tiểu thuyết 2008), Phượng hoàng (Tiểu thuyết 2014), những cuốn đã được tặng Giải thưởng danh giá của Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cũng đúng bởi hầu hết những gì được biểu đạt trong Mùa hè giá buốt và Phượng hoàng thảy đều là một phần lịch sử mà Văn Lê là người dự cuộc. Ông sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, đã đi qua cuộc chiến chống Mỹ cứu nước và sau đó tiếp tục cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cho tới tận 1982 mới giải ngũ. Ngần ấy thời gian góp mặt trong đoàn quân vệ quốc, giả như Văn Lê chẳng viết gì thì cuộc đời cũng đủ để cho ta trân trọng.
Nhưng ông đã làm hơn thế! Thơ, điện ảnh, văn (chủ đạo là tiểu thuyết), món nào ông cũng can dự và để lại dấu ấn. Cũng xin nói ngay là tôi không viết chân dung nhà văn. Với Thần thuyết của người Chim, tác phẩm mà tôi cho rằng ông đã dụng biết bao công sức, sự đón nhận chẳng được như ý. Nhưng không sao! Chỉ biết rằng, cho đến thời điểm hiện tại, năm thứ hai mươi của thế kỷ hai mốt, Văn Lê là người thứ nhất viết về thời đại Hùng Vương. Cũng có không ít công trình về thời đại này, nhưng chủ yếu là sử học. Vén bức màn lịch sử thời đại Hùng Vương dưới hình thức văn học, thì ông là người công đầu. Bấy nhiêu cũng vinh dự lắm! Thần thuyết của người Chim là câu chuyện tình diễm lệ, bi tráng giữa T’rưng Chiêm, người sau này nắm quyền chỉ huy bộ tộc và Lạc hầu Lang Kôông, người chồng yêu dấu của cô. Văn Lê dành cho cặp đôi này rất nhiều tình cảm. Tình yêu của họ mộc mạc hồn nhiên, chẳng thiếu những màn ái ân thiết tha, nóng bỏng. Đây là ví dụ về một trong những cuộc đó. “…vào một ngày trước khi cưới, T’rưng Chiêm chủ động “đi lại” với anh ở trong nhà kho, sát bên chuồng trâu. Thoạt đầu, Lang Kôông lưỡng lự. Anh không thích “quan hệ” với cô ở nơi vừa tối tăm, bẩn thỉu vừa nồng nặc mùi phân ải. Nhưng khi nhìn thấy cơ thể nõn nà của T’rưng Chiêm hiện ra lúc cô cởi bỏ váy áo, anh không kìm lòng được. Anh đã bế cô đặt lên trên những bó rơm, rồi đè lên người cô” (trg 308). Xung quanh hai nhân vật trung tâm, còn một loạt các nhân vật, như Cao Lỗ, kiến trúc sư nỏ thần Liên Châu, loại hỏa tiễn khiến kẻ thù kinh hoàng bạt vía, hoặc Thục phán An Dương Vương, vị vua trị vì Âu Lạc, cậy có nỏ thần Liên Châu mà mắc mưu Triệu Đà, để mất nước. Đấy là tôi chỉ nhắc những người mà độc giả biết, còn rất nhiều nữa. Sự hùng vĩ của Thần thuyết của người Chim, tựu trung lại, là ở mấy điểm tôi sẽ bày tỏ dưới đây để mọi người cùng chia sẻ. Dĩ nhiên là ý kiến mang tính chủ quan của tôi.
Bìa tiểu thuyết “Thần thuyết của người Chim” của Văn Lê
Sự hùng vĩ thứ nhất là tác phẩm đã khẳng định Văn Lang là một nước có văn. “Trong cõi, vua-tôi sống với nhau chan hòa, cùng nhau cày cấy, ăn chung một nồi, tắm chung nguồn nước. Không có tệ sưu dịch, không có thói ràng buộc. Ở nhà không phải đóng cửa” (trg 141). Người Văn Lang có chữ viết theo lối khoa đẩu, kỹ nghệ đúc đồng cổ thuộc hàng thượng thừa, rượu nấu ngon không đâu bằng. Cổ sử ghi vào năm 2353 TCN, sứ thần nước Việt Thường đã tiếp kiến vua Nghiêu, biếu vua rùa thần nghìn tuổi. Về sự kiện này, trong cái áo tiểu thuyết văn học, Văn Lê viết: “Sử quan nước Đào Thường chép rằng: Vào năm thứ năm đời vua Nghiêu, người Việt Thường đến chầu, biếu rùa thần ngàn tuổi. Rùa thần to mỗi bề tới hơn ba thước, trên mai có chữ khoa đẩu, ghi chép từ thời mở đất. Vua Nghiêu mừng lắm, cho ghi vào sử sách. Không thấy sử chép về việc Hy Hòa sang thông sứ thế nào, hai nước đã trao đổi những gì, ngoại trừ ghi một dòng cụt lủn là ông, tức Hy Hòa, được vua Nghiêu cử sang viếng Nam Giao. Câu chuyện dừng lại ở đó” (trg 145-146). Hoặc là, chỉ bằng vài câu thoại giữa T’rưng Chiêm (vợ của Lạc hầu Lang Kôông) và Mi Thoại (em gái cùng cha khác mẹ với Lang Kôông), bản chất văn hóa của người Văn Lang đã lập tức bộc rõ: “Dân ta đúng là giàu có!/Em nghĩ thế à?/Vâng! Mẹ em bảo người giàu có nhất chẳng phải là người có gia súc đầy rừng, lúa thóc đầy kho, có trống đồng, chiêng bạc, mà là người cứu giúp được nhiều người khác” (trg 388). Còn rất nhiều sự việc diễn ra trong thời Hùng Vương mà sử học đã minh định, ví dụ như việc học và dạy chữ khoa đẩu, đều được Văn Lê khảo cứu để đưa vào tác phẩm của mình.
Một sự hùng vĩ nữa được biểu đạt trong tác phẩm là về mối quan hệ làng-nước, tình yêu vô bờ bến của tộc người Chim đối với quê hương xứ sở. Chẳng phải ngẫu nhiên, tôi cho là vậy, ngay ở trang đầu tiên, tác giả đã dẫn ra những câu hát trích từ Tứ thần điệu của giá đồng làng Thượng Chùa, tiếp liền đó là giới thiệu về làng La Ỷ, quê hương của T’rưng Chiêm. “Trời về chiều. Ánh nắng trở nên vàng vọt, sẫm đặc. Từng đàn hạc trắng bay theo đoàn người kéo về rợp cả bầu trời. Vừa bay, chúng vừa réo gọi nhau, rồi nhẹ nhàng đáp xuống dải đầm hoang xanh ngút ngàn, bất tận. Tiếng chim huyên náo, rộn rã, làm xao động cả lòng người” (trg 68). Trong tâm thức người Việt, làng giữ vị trí trung tâm. Mối liên hệ này đã bảo tồn nòi giống Việt, văn minh Việt trước mọi bể dâu. Sau khi Lạc Duệ Vương trao ngôi báu vào tay An Dương Vương, vua nghĩ tới việc dời đô, xây thành Khả Lư (còn gọi là Thành Ốc, Cổ Loa). “Vua mới cũng ra chi lệnh bố cáo với dân chúng danh xưng của ngài là An Dương Vương. Nhà vua đổi tên nước thành Âu Lạc. Theo ý vua, Âu Lạc có nghĩa là nước Lạc vững như âu đồng” (trg 494). Ở điểm này, tôi xin nói thêm một tí tẹo, kiến văn của Văn Lê có dị biệt với nhà làm sử, nhưng rõ ràng là có lý riêng. Văn Lê, qua nhân vật Lạc Hầu Lang Kôông, có dịp bộc bạch chính kiến. “…chi bằng, thay vì xây thành, nhà vua cho dân xây làng. Làng vững thì nước còn. Hoặc giả nước có mất, thì làng vẫn còn” (trg 502). Mối liên hệ làng-nước gắn liền với tình yêu quê hương xứ sở. Người xưa luôn nói làng-nước, chẳng ai nói ngược lại. Tương tự, trong mối liên hệ nước-nhà, thì lúc này vai trò nước là số một. Nước mất-nhà tan. Trong hoàn cảnh nguy biến, sự cố kết của người Việt được đẩy đến cùng, trở thành một truyền thống. Dựa trên thực tế lịch sử, bằng sự sáng tạo phong phú, Văn Lê đã làm sống dậy hai sự kiện: sự kiện hai đứa con gái xinh đẹp bỏ mạng trên biển, và sự kiện người ngư phủ bơi thuyền nan hát vang ở hồ Lãng Bạc. “Mới có vài tuần trăng mà cả hai đứa con gái đi theo đều chết bệnh/thương mà không thể đem xác theo, đành thả vào trong nước/mong hương hồn người đi không phải lang thang nơi đất khách/theo gió Bấc mà về Văn Lang…” (trg 98-99); “Đẩy một chèo, người đánh cá hát ngân vang trong gió chiều/trên dòng Thương Giang tùy theo phận mình mà kẻ sang đông người sang tây/người đánh cá chỉ cần đủ ăn, không buồn nhớ đến ngày tháng…” (trg 604). Đây là những áng văn rất đẹp, lay động lòng người.
Người đọc thời nào cũng luôn tìm cho mình món hợp vị. Hiện tại, có lẽ ngôn tình đang hớp. Phong vị của ngôn tình về phương diện nào đó cũng rất lôi cuốn. Tôi không trách người thích ngôn tình, chỉ cảm thấy hơi tiếc nuối. Trên nền lịch sử, Văn Lê viết: “Sử Bắc chép: Vào năm Giáp Ngọ (207 trước CN), Triệu Vũ Đế đã diệt nước Âu Lạc, sáp nhập nước ấy vào Nam Việt. Sử Bắc không ghi chép việc Triệu Vũ Đế trước khi chiếm Âu Lạc, đã dùng mưu gọi các hầu tướng về Khả Lư, rồi sai người mai phục giết họ trên đường. Sau khi chiếm xong Âu Lạc, giết hết các hầu tướng, Vũ Đế tịch thu nhiều trống đồng của các bộ tộc đem về Phiên Ngưng cất giữ. Ông ta còn thu giữ Lạc Thư, phả đồng, cuốn “Thần thuyết của người chim” và những gì có liên quan đến văn tự, chữ nghĩa, quốc thống của các triều đại Văn Lang, Âu Lạc, đem thiêu hủy sạch. Sử bắc cũng không bao giờ ghi lại sự kiện hai viên thư lại của Triệu Vũ Đế trông coi hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân là Triệu Mẫn và Cam Thuận sử dụng chiêu lừa “tìm kiếm người tài ra giúp nước”, nhân đó đã bắt và giết sạch những người Lạc biết chữ, có kiến văn, có hiểu biết, nhằm xóa sạch hồn cốt của Giao Chỉ” (trg 611-612). Hồn cốt của một đất nước, một dân tộc là văn hóa. Xóa sạch văn hóa, đồng nghĩa với việc xóa hết ký ức giống nòi, thử hỏi dân tộc ấy còn gì. Thật may, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bằng trí tuệ, người Văn Lang, Âu Lạc vẫn luôn bảo tồn được văn minh bản địa, đúng như lời đề từ của tác giả: “Không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ sự thật”. Tôi trở lại mối liên hệ làng-nước trong tác phẩm. Như đã trình bày, ở trang đầu cuốn sách, sau Tứ thần điệu của giá đồng làng Thượng Chùa, “Ơi, hồn/xin hồn đừng lang thang nơi đồng bưng, hoang phế/xin hồn đừng cô đơn nơi bể cả, non cao/xin hồn hãy về mau/giúp cháu con bảo vệ giống nòi Lạc…” Văn Lê dẫn dụ người đọc về làng La Ỷ, quê hương của vợ chồng T’rưng Chiêm-Lang Kôông. Ở trang cuối tác phẩm, khi thành Khả Lư (Thành Ốc, Cổ Loa) của An Dương Vương đã rơi vào tay nhà Triệu Đà, vào một ngày cuối năm, những người chạy nạn thấy một người đàn bà còn rất trẻ địu con trước ngực, vẻ mặt lạnh giá, lưng đeo gùi, vai khoác thanh gươm đi về La Ỷ. Văn Lê không để người đàn bà rất trẻ ấy xưng danh tính, nhưng hình ảnh khắc họa cho tôi biết đó là T’rưng Chiêm. “Thấy người đàn bà ấy đi một mình, lại ngược chiều với đám chạy loạn, có người hỏi: Chị về La Ỷ với người thân à?/những người thân yêu nhất của tôi ở đấy đã chết hết cả rồi!/vậy, chị về đó làm gì?/tôi về La Ỷ để được nghĩ về họ, nhớ về họ!” (trg 615). Làng còn thì nước còn! Chân lý giản đơn ấy lại cháy rực lên. Đứa con hôm nay người đàn bà địu trước ngực sẽ đi tiếp con đường của ông bà, cha mẹ, tổ tiên nó. Chỉ bằng vài lời thoại, Văn Lê đã thổi lên khát vọng hết sức mãnh liệt trong hồn người. Theo thiển ý của tôi, Thần thuyết của người Chim rất đáng đọc và suy ngẫm. Còn đôi điểm hùng vĩ nữa (và cũng có điểm nhược), nhưng tôi xin dừng ở đây, dành phần cho bạn đọc.
25.3.2020
CAO CHIẾN
 
Sài Gòn, 5/6/2019
Nguyễn Thị Hoàng
Nguồn:
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...