Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Đi tìm nguồn cơn của sự lan tỏa thơ 1-2-3

Đi tìm nguồn cơn của
sự lan tỏa thơ 1-2-3

Đọc của các bạn thơ, tôi giật mình trước những bài thơ 1-2-3 có bút pháp thật sự đặc biệt…
Nhà thơ Phạm Phương Lan
Ngày hanh hao bão lòng vần vũ
Tuổi đời như là con chữ
Mênh mang gieo nỗi cuộc người
 
Ai lội dòng năm cũ khôn nguôi
Ngược xuôi nước mắt chơi vơi
Bờ môi khô nở nụ cười mây mưa.
(PPL)
Có thể ai đó sẽ thấy ngồ ngộ. Một bài thơ sáu câu, ba khổ. Trong đó, tựa đề là một câu thơ, cũng là khổ thơ thứ nhất. Khổ thứ hai có hai câu thơ, khổ thứ ba có ba câu thơ. Việc quy định tựa đề bài thơ đặc biệt như thế cũng là để tránh việc “đạo thơ” và tránh trùng lặp ý thơ trong bài. Thật sự, nó hoàn toàn mới lạ.
Thể thơ này tôi được đọc từ năm 2018 trên trang zalo của nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng. Thấy lạ nên tôi đánh bạo hỏi anh. Khi ấy mới vỡ lẽ đó là thể thơ 1-2-3 mà anh đã ấp ủ về nó khá lâu trên hành trình lặng lẽ tìm tòi đổi mới thơ không ngừng. Mãi cho đến chuyến công tác tại nước Nga mùa thu năm ấy, nó mới chính thức được khai sinh. Anh đã viết mấy mươi bài liền đăng trên nhiều tờ báo.
“Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về
 
Lãng tử trên lưng ngựa lướt qua cánh đồng lúa mì
lững thững rừng phong lá rơi vàng bước chân ngôn ngữ
 
Với thi nhân khổ đau và cái chết không có điều gì mới
sợ đôi mắt người đẹp buồn hơn, mẹ già khuya sớm cút côi
dưới ánh trăng linh cảm tài hoa bão tuyết xoáy lòng tôi”
(Phan Hoàng – mùa thu 2018)
Số phận bi kịch của Sergei Yesenin cùng nhiều nhà văn, nhà thơ Nga khác đã trở thành nguồn cảm hứng cho những bài thơ 1-2-3 xúc động của nhà thơ Phan Hoàng. Đến tháng 4.2020, anh đăng lại một chùm thơ 1-2-3 về nước Nga trên website Văn Học Sài Gòn (VHSG). Thật kỳ lạ, chỉ vài tuần sau hàng chục chùm thơ 1-2-3 của các bạn thơ từ khắp nơi gửi về đăng tải. Thế là VHSG quyết định mở Cuộc vận động sáng tác Thơ 1-2-3 với thể lệ và tiêu chí hẳn hoi, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng sâu rộng không chỉ của những nhà thơ đến từ khắp các địa phương trong nước, mà các tác giả Việt kiều ở nhiều nước trên thế giới cũng nhiệt tình gửi bài về tham dự.
Điều gì làm cho một thể loại thơ hoàn toàn mới lại có sức cuốn hút, lan tỏa lớn mạnh như vậy? Có lẽ nó đã chạm đến đặc tính luôn tìm tòi yếu tố mới lạ của người sáng tác văn học nghệ thuật, chạm đến sự trăn trở tận trong sâu thẳm mỗi nhà thơ, nên khi bắt gặp được một thể loại thơ mới mẻ như vậy họ như “nắng hạn gặp mưa rào” và bắt tay vào thể nghiệm rồi đam mê.
Tôi cũng không nằm ngoài mạch nguồn đó. Tôi đọc và nghiền ngẫm hầu hết từng chùm thơ 1-2-3 đăng tải trên VHSG. Chẳng biết tôi bị nhiễm hay bị mê hoặc mà bây giờ, hễ đặt bút thì cũng gần như là mặc định cho những bài thơ 1-2-3 cứ thế tuôn trào. Đó cũng là lý do mà khi tôi mở đầu bài viết này lại cũng một bài thơ 1-2-3.
Đọc của các bạn thơ, tôi giật mình trước những bài thơ 1-2-3 có bút pháp thật sự đặc biệt, như vẻ đẹp trừu tượng ám gợi của thơ Lê Văn Hiếu – Lâm Đồng:
“Cái lưỡi trong tranh
 
Từ chiếu chăn bước vào trong tranh
Như thiên thần vỗ về ta giấc ngủ
 
Bí mật căn phòng – ai đã hiểu
Ta mơ màng ghì người trong tranh
Mơ màng người trong tranh bỏ quên trên môi ta cái lưỡi”
Còn nhà thơ Nguyễn Hồng Linh từ Stuttgart xa xôi của nước Đức với nỗi đau rất đàn bà:
“Đêm trở mình trăng nhạt nhoà tìm bóng
 
Em đốt lửa vá lại trái tim lạc lối
Tối tăm đã giết chết đời nhau
 
Con thạch sùng tắc lưỡi nỉ non gió mưa từng cơn nức nở
Đêm thở dài tiếng ễnh ương lạc giọng kêu vang
Cuộc trăm năm trói chặt bóng trăng cắt cứa nỗi buồn ngực thở…”
Nhà thơ Nguyên Trân ở TP.HCM thì nhẹ nhàng mà da diết:
“Sài Gòn mưa và đám sẻ
 
Từng hạt trong veo nhảy múa giữa vội vàng
Thanh âm Nostalgia réo rắt phụ hoạ
 
Đám sẻ nhỏ nép dưới máng xối nổi đoá
Chiều dần tan giữa ngập ngừng hương lạ
Sài Gòn mưa chậm rãi tiễn ngày qua.”
Mang tinh thần tự do nhưng thể thơ 1-2-3 vẫn có yêu cầu cụ thể về niêm luật: Mỗi bài thơ có ba khổ, gồm sáu câu thơ, mỗi khổ tương ứng tối đa 11-12-13 chữ. Với số câu và số chữ giới hạn như thế bắt buộc người viết phải có sự chắt lọc từ ngữ hình ảnh rất kỹ. Mỗi câu, mỗi chữ đều chứa những giá trị nhất định, làm sao chỉ bấy nhiêu câu từ thôi vừa chuyển tải đủ nội dung mà vẫn đảm bảo được hình tượng nghệ thuật, cho bài thơ có sức lay động, ghi dấu ấn đặc biệt trong tâm trí bạn đọc. Vậy nhưng bù lại, thể thơ này lại không khắt khe về thanh âm vần điệu. Có lẽ chính điều này đã làm cho người sáng tác được tự do phóng bút trong chính những giới hạn câu chữ đó.
“Tôi miệt mài phác họa đời mình
 
Gương mặt ngày tươi mới
Chân dung đêm úa nhàu
 
Đánh luống giữa ngày và đêm
Chòng chành phải – trái vẫn thật gương mặt mình.
Ước cuộc đời tươi xanh mãi một chân dung…”
(Mai Lệ Hằng – Ninh Bình)
Tôi nghĩ, ngoài việc lôi cuốn của một thể loại mới thì thơ 1-2-3 cũng đã đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc thời đại 4.0 này. Đó là sự ngắn gọn, súc tích. Bạn thử nghĩ xem, giữa sự năng động, gấp gáp của nhịp sống hiện đại thì con người, đặc biệt là giới trẻ, họ không muốn mất nhiều thời gian để tập trung đọc những tác phẩm quá dài hơi. Sự ảnh hưởng của các thiết bị di động lên não bộ của họ, khiến họ dễ bị phân tán. Đó chẳng phải là mảnh đất màu mỡ cho thể thơ 1-2-3 phát huy thế mạnh, cộng hưởng và lan tỏa nhanh chóng đến bất ngờ đó hay sao!
“Bài báo mạng được xào nấu bởi đầu bếp đa năng?
 
Những con chữ được trộm làm nguyên liệu 4.0
Thao tác trước sau, cho một món ăn đủ vị để theo thời
 
Những bút danh đọc vào không nhận ra được ai
Những kẻ bị mất trộm chẳng biết đường rủ nhau kiện tụng
Chỉ biết hình dung, lo độc giả ngộ độc ai sẽ đền bù?”
(Đoàn Thị Diễm Thuyên)
Thể thơ 1-2-3 mới ra đời chưa tròn hai năm, từ vài chùm thơ của nhà thơ Phan Hoàng, và cuộc vận động sáng tác trên VHSG cũng vừa được phát động bốn tháng, nhưng đã nhận được hơn 340 chùm thơ, tức khoảng gần 1.700 bài thơ của gần 150 tác giả đến từ khắp nơi trên đất nước và cộng động người Việt ở nước ngoài. Chẳng dễ gì khai sinh một thể thơ mới lại có sức cộng hưởng, lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ, nếu không phải là sự kết tinh từ trí tuệ và văn hóa lâu bền, xuất hiện đúng thời điểm đời sống sáng tạo thi ca cần đến. Đó quả thật là điều đáng quý và đáng tự hào cho thơ lẫn văn hóa nghệ thuật của chúng ta!
Sài Gòn, tháng 8.2020
PHẠM PHƯƠNG LAN
 
15/12/2020
Ngô Bích Thu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người xưa vẽ lên chiều những sợi khói hương Bên những ngôi mộ gió// Tôi đọc được nguyện ước tìm về bản sở/ Người xưa vẽ lên chiều những ...