Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

"Đi trốn" - Chạm vào nỗi niềm quá vãng

"Đi trốn" - Chạm vào
nỗi niềm quá vãng

Dù là một cuốn tiểu thuyết viết về thiếu nhi nhưng tác giả đã khéo léo chạm đến những vấn đề lớn của lịch sử làm tăng thêm tính hấp dẫn của tác phẩm.
Năm năm sau ngày tác phẩm “Quân khu Nam Đồng”, tác giả Bình Ca tiếp tục mang đến cho độc giả tiểu thuyết thứ hai “Đi trốn” (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020). Cũng giống như “Quân khu Nam Đồng”, ngay khi mới ra mắt, “Đi trốn” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Chạm vào một thời tuổi trẻ
“Đi trốn” kể về cuộc đời của những đứa trẻ con nhà cán bộ kháng chiến, sinh ra ở vùng tự do những năm 1950, tới khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, xa bố mẹ sơ tán về các miền quê, sống cuộc sống kham khổ thiếu thốn ở nông thôn, học hành trong không gian dữ dội khi bom Mỹ chực nổ trên đầu.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca.
Năm đứa trẻ, 5 người bạn, là con em cán bộ, đã có một chuyến phiêu lưu giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm. Đó là những con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam – được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. Lũ trẻ đang ở tuổi 12, 13, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Cũng chỉ vì nghịch dại, lũ trẻ đã phải rời khỏi trại sơ tán, “đi trốn” ở Hồ Mây để người lớn không tìm thấy. Chuyến đi ban đầu tưởng đùa, hóa ra lại là một hành trình khó quên do vướng vào một trận bom Mỹ. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu ly kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại khi đánh nhau với rắn hổ mang chúa, bị ong mật tấn công, gặp phải trăn gấm, vướng phải bom Mỹ… Những đứa trẻ vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi đã dần trưởng thành trong hành trình ấy, trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo.
Sức hút từ những dòng văn
“Đi trốn” là một trong những cuốn tiểu thuyết ít ỏi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như: Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường Học sinh miền Nam. Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao nhưng đa phần lũ trẻ vẫn lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình. Có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được ba mẹ đón ra lần nào. Có đứa ba đi công tác từ khi bé tí, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba. Dù là một cuốn tiểu thuyết viết về thiếu nhi nhưng tác giả đã khéo léo đan cài hoàn cảnh xuất thân mà hoàn cảnh ấy, trong một giai đoạn lịch sử, đã mang đến những bi kịch tận cùng cho nhân vật, để từ đó chạm đến những vấn đề lớn của lịch sử. Đó là một ông tướng phải nhận những mất mát lớn cho bản thân và con cái vì chịu sự phán xét tư tưởng sai lệch bị nghi xét lại. Ông bị hàm oan, bị tước bỏ mọi quyền lợi và nghĩa vụ, dù sau đó có được minh oan nhưng cũng vô cùng xót xa. Đó là bố của nhân vật Sơn, người suýt bị tử hình trong cải cách ruộng đất. Nếu không có sự can thiệp của ông bố một nhân vật khác trong truyện, ông cũng đã không còn may mắn sống trên cuộc đời này…
Nhà văn Bảo Ninh cho rằng 5 đứa trẻ trong “Đi trốn” chính là hình ảnh thời niên thiếu của những người lính trẻ gốc gác học trò thành thị những năm chống Mỹ. Nhờ truyền thống gia đình và do hoàn cảnh đất nước đang trong chiến tranh phải rời Hà Nội đi sơ tán, sớm đối diện những khó khăn, thử thách mà các nhân vật từ hồn nhiên lúc đầu đã trưởng thành những trang cuối truyện. Nhờ cuộc trốn nhớ đời ấy mà Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Thảo sẽ là những nhân vật điển hình cho một thế hệ thanh niên ghi dấu trong lịch sử đất nước.
Một điều đặc biệt là “Đi trốn” vô cùng hấp dẫn với những người mê du lịch. Đọc cuốn sách, nhiều người sẽ thấy mình đang quan sát một nhóm thiếu niên đi du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã với hồ Mây, vách Đá Ma, động Người Xưa, vườn Chim… Dưới những dòng chữ của nhà văn là những cảnh đẹp tuyệt trần dẫn dắt những người đam mê du lịch tìm về nơi các nhân vật của cuốn sách đã đừng đi trốn. Ngoài là một cuốn tiểu thuyết khá hấp dẫn, cuốn sách ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã khiến những người đam mê xê dịch không thể không bị cuốn hút.
Trong suy nghĩ của một người cầm bút, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng “Đi trốn” là cuốn sách hiếm hoi tạo dựng được sức hút cũng như ồn ào dư luận trong mặt bằng văn học tĩnh lặng hiện nay. Đã có không ít cuốn sách viết về hướng hồi ức tuổi thơ nhưng “Đi trốn” chạm vào được nỗi niềm, vào quá vãng, vào những gì của một thời tuổi trẻ mỗi người. Đó là thành công, là giá trị của một tác phẩm văn học đích thực.
Bình Ca chia sẻ một cách hài hước rằng sau “Quân khu Nam Đồng”, ông đã định sẽ đoạn tuyệt với văn chương vì sách in ra bị xin quá nhiều, có đến ngàn người. Đến nỗi 2 tháng sau khi sách ra mắt, ông đã phải cắm sổ đỏ. Lý do ra đời của “Đi trốn” là vì dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ, vợ ông phải vào TP HCM trông cháu, tác giả ở nhà chẳng biết làm gì nên mang máy tính ra gõ chữ…(!).

27/1/2021
Yến Anh
Nguồn: Người lao động
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...