Khắc khoải phận người
trong thơ Ngọc Khương
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Khương sinh ngày 26.11.1949 ở Quảng
Lộc, Ba Đồn, Quảng Bình. Ông hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí
Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam và là hội viên Hội Nhà Văn
TP.HCM. Từ năm 1968 đến nay, ông đã có nhiều thơ đăng trên các báo và tạp
chí. Tính đến 2020, Ngọc Khương đã xuất bản 14 tác phẩm (trong đó có 12 tập
thơ) và gần đây là Tuyển tập thơ Ngọc Khương, NXB Hội Nhà
văn năm 2020. Thơ ông nói đến các vấn đề về biến đổi xã hội, lẽ mưu sinh,
tình yêu, tình bạn, tình đời và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ… Nhưng ấn
tượng nhất có lẽ vẫn là những câu thơ viết về nỗi khắc khoải với hiện hữu phận
người.Nhà thơ Ngọc KhươngĐọc thơ Ngọc Khương có thể thấy ám ảnh với người đọc trước hết
là những phận người bất an trước nỗi đau của kiếp người. Đã sinh ra
phận con người trong cuộc đời là có buồn, có vui, có khổ đau, hạnh phúc. Khổ
đau vì kiếp người là vô thường, vô ngã và vận hành theo quy luật cuộc đời có ¾
nước mắt. Nên nhà thơ thấy rõ con người vui đó mà buồn đó, trong hạnh phúc có dấu
hiệu của sự chia ly phũ phàng. Bên nụ cười ngắn ngủi là chiều dài của nước mắt
rơi.
Nỗi mừng thấp thoáng nỗi lo/ Niềm vui chợt đến, thập thò niềm
đau/ Miệng cười mà mắt mưa ngâu/ Bao lời đường mật – bụng cầu gươm khua// Chợ đời
ai bán, ai mua/ Đồng tiền sấp ngửa, te tua kiếp người!/ Chênh vênh đứng giữa khóc
cười/ Nửa lao xao nắng, nửa trời động kinh”… (CÕI NGƯỜI)
Kiếp người/ Sao lắm bể dâu?/ Trái đất/ Hay giọt lệ sầu/ Mênh
mông?… (MÊNH MÔNG)
Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao trong thơ Ngọc Khương có
nhiều thân phận con người mang vẻ đẹp của kiếp nạn. Đối diện với sự thật về nỗi
bất hạnh của số phận, con người luôn bất an, nhưng quan trọng là phải biết đi
tìm nguyên nhân thực sự của nỗi bất an để hoàn thiện mình. Đau khổ với thân phận
của kiếp trời sinh nhưng con người trong thơ ông vẫn kiên trì, nhẫn nại đối diện
với thực tại để vươn lên trong cuộc sống. Phận người trong cuộc đời có khi đột
ngột bị ném ra ngơ ngác giữa đời sống, ngẫu nhiên, hoặc vì giới hạn của hoàn cảnh,
sự hữu hạn của cuộc đời. Nhưng điều quan trọng là con người phải biết sống làm
sao cho khỏi vô ích, kể cả dù kiếp mình là kiếp của người ở đợ, ông thầy giáo
làm thêm nghề chạy xích lô, ông già bán kem hay người hát dạo…
Bóng ai/ Thơ thẩn bên cầu/ Em còn ở đợ/ Nỗi sầu tha phương!
(SÔNG MƠ)
Mưa giăng mờ mịt/ Tôi về xích lô/ Chủ xe ráng sức/ Đường lầy,
gió xô…/ Đến nhà mưa tạnh/ Tôi quay trả tiền/ Ôi thầy giáo cũ/ Ngồi run trên yên! (TÁI
TÊ).
Chị ngồi dưới gầm cầu/ Con dỗi hờn đòi sữa/ Chị nắn hai đầu
vú/ Vắt cho con giọt sữa cuối cùng (DƯỚI GẦM CẦU)
Người thổi sáo ơi!/ Ai đặt anh ngồi bên thành sắt?/ Hai chân
anh đã để lại nơi nào?/ Tiếng sáo như khóc, như kêu/ Mười ngón tay xiết vào tiếng
nấc… (TIẾNG SÁO NGƯỜI HÀNH KHẤT)
Đến cả những nghề mà từ xưa đã bị liệt vào hàng “hạ giới rẻ
như bèo” hoặc lắm ngã “bạc bẽo”… như nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà giáo. Thậm
chí khi cần còn phải biết tự nguyện hiến tặng ngay cả bộ phận cơ thể mình cho
người cần sống. Nhà thơ biết cảm thông, chia sẻ sâu sắc với những phận người
thuộc về “phe yếu”.
Thân tằm còn chút này thôi/ Anh xin dâng hiến cho người khổ
đau!/ Người còn, kẻ mất trao nhau/ Vơi đi bao nỗi thương đau con người/ Môi anh
lóe sáng nụ cười/ Tôi nghe ấm áp khoảng trời chiều đông. (HIẾN TẠNG)Tuyển tập thơ Ngọc KhươngTrong quan niệm hiện sinh, con người có khả năng tự phản tỉnh,
tự nhìn lại thân phận hữu hạn của mình với những vấn đề muôn đời tồn tại trong
xã hội. Tuy nhiên con người cũng phải biết tự đặt mình trước nỗi cô đơn và trống
rỗng khi đối diện với chính mình. Phải biết đặt con người trước giới hạn của
cái chết theo quy luật để đừng trốn tránh, đừng bám trụ vào những điều phù phiếm
của lẽ tồn sinh. Nhất là trong thơ, nhà thơ dễ có điều kiện để nói thật những
điều mình đang nghĩ, diễn tả mơ ước về những điều không thể thấy. Chính vì
vậy, bên cạnh phận người bất an trước nỗi đau của kiếp người trong thơ Ngọc
Khương là sự hiện hữu của phận người cô đơn, mà trước hết là tâm trạng cô đơn
trước thực tại vô cảm, thờ ơ với nỗi khổ của con người. Nơi đó con người và con
người lừa lọc, gian dối với nhau, tìm cách hủy diệt nhau vì đồng tiền, vì muốn
dành phần lợi về mình.
Một chiều bên phố nhỏ/ Em gục xuống gốc đa/ Khách qua đường hờ
hững/ Không người thân, người nhà… (NỖI ĐAU)
Lắm người làm ngơ/… Lắm người thờ ơ/… Lắm kẻ nhởn nhơ/ Ôi bệnh
vô cảm!/ Cơn đại dịch hoành hành/ Đang di căn vào ngõ ngách cuộc sống (CON
QUỐC ĐÂU RỒI)
Trước thực tại đó, con người thường có ba thái độ sống, một
là quay lưng để bảo toàn bình yên cho mình, hai là đối diện ở phía khác, ba là
chọn thái độ thỏa hiệp, hòa hợp. Nhà thơ thường chọn cách đối diện từ phía khác
(Tiếng chuông kéo tay mọi người/ Thoát cơn cuồng nộ của trời/ Nhát cắt/ ngày tận
thế…/ Anh biết sóng thần sẽ cuốn anh ra bể/ Nhưng để cứu muôn người/ Anh quyết
rung chuông… rung chuông… rung chuông… (TIẾNG CHUÔNG NGÂN TRÊN ĐẦU NGỌN
SÓNG). Dù con người có chọn cách sống nào thì điều quan trọng vẫn phải biết tạo
cho mình một hướng đi riêng, dù có chông gai nhưng phải có ý nghĩa góp phần xây
dựng một xã hội con người đúng nghĩa. Đây cũng là chân lý muôn đời từ vẻ đẹp thẩm
mỹ của thơ ca. Dù biết đã cố gắng chống chọi trước bão tố của cuộc đời nhưng phận
người nhỏ bé nên đôi lúc cũng trở nên bất lực. Trong những khoảnh khắc này, nhà
thơ thường rơi vào nỗi cô đơn đến cô độc, cô đơn ngay cả khi đối diện với bản
thân mình.
Nửa đêm đột ngột hương ngâu/ Trắng vườn hoa trắng/ Một màu trắng
trinh/ Nhìn hoa mà ngẫm lại mình/ Một đời tóc trắng/ Lặng thinh/ Một đời!… (TRẮNG)
Con người/ Giọt nước biển Đông/ Hòa trong trời đất/ Buốt lòng vì
nhau (MÊNH MÔNG)
Nhìn bên này ham hố làm Vương/ Nhìn bên kia khát khao cửa Phật/ Cuộc
mưu sinh long trời, lở đất/ Bơ vơ giữa chốn khóc, cười/ Bờ sinh – tử cheo leo
gang tấc/ Cõi người chơi vơi… (CHƠI VƠI)
Đợi nhau bạc cả mái đầu/ Nỗi buồn hóa đá,/ Nỗi sầu hóa mây…/ Bơ
vơ/ Một nhánh si gầy/ Hắt hiu/ Một mảnh trăng chầy cuối đông… (ĐỢI)
Giá như phải tắt đi ngọn lửa/ Thì tim anh đã hết đập rồi/ Giá
như phải tắt đi vầng lửa/ Thì hồn anh đau đớn khóc mồ côi!… Nếu ngọn lửa một
mình anh nhen nhóm/ Mặt trời kia chỉ sáng nửa địa cầu/ Nếu ngọn lửa một mình anh
châm ngọn/ Câu thơ tình biết trú ngụ vào đâu? (MÃI TRONG NHAU)
Thơ ông nhắn nhủ nhiều điều với các con thân yêu, nhiều tâm sự
gan ruột với gia đình, với bạn bè, với người yêu… với tất cả những người ông yêu
thương và cả những thông cảm, xót xa cho những người đã lỡ lầm lạc, sai trái.
Tuổi trẻ Ba co giữa mùa đông lạnh. Đá đè ngọn cỏ xác xơ. Bóng
ma tỵ hiềm trùm lên giấc mơ/ Trái bồ hòn chia ly mãi còn chát đắng. Cây xanh cần
khoảnh nắng, nhưng phũ phàng đêm! (CÁNH CHIM MÙA XUÂN)
Công trình sụp đổ/ Đá trơ/ Công danh sụp đổ/ Bạc phơ mái đầu/ Tình
yêu sụp đổ/ Đàn sầu/ Niềm tin sụp đổ/ Tìm đâu ra mình! (LÀM NGƯỜI)
Anh lại đi tìm em giữa trời cao, biển rộng. Trăng nơi nào? Tiềm
ẩn, hư vô? Anh tìm em mộng ảo, mơ hồ. Đêm thảng thốt, em chập chờn trước ngõ… (TÌM
EM)
Tuổi xanh biết mấy phong trần/ Oằn lưng oan nghiệt/ Bao lần trắng
tay…/ Về rừng dẫu lắm buồn cay/ Bâng khuâng nghe gió chiều lay dậy hồn… (KHÔNG
ĐỀ). Có thể thấy bài thơ Không đề, và Cánh chim mùa xuân là
hai tác phẩm dễ gây xúc động nhất cho người đọc ở tâm sự này.
Phận người trong thơ ông còn luôn đối diện với nỗi cô đơn
ngay trong không gian, thời gian mình đang hiện hữu. Nỗi cô đơn trống trải thấm
đẫm tình người này làm se thắt lòng người. Bất an với cả nơi mình đang sống, phận
người trong ông chuyển hóa thành con người đồng vọng, hoài niệm với quê hương,
đất nước. (Phương Nam quyến rũ sắc màu/ Người vẫn “Mơ về quê cũ”/ Tây Lộc trăng
non ngời tỏ/ Bồi hồi nhớ “Hội liên hoan” – NÉN HƯƠNG LÒNG). Nhà thơ cũng tạm trú
tâm hồn mình trong nỗi nhớ quê quặn thắt đến đau đớn… Không nhớ quê sao được, bởi
nơi đó chứa biết bao ký ức về tuổi thơ vừa hạnh phúc, êm đềm, vừa chất chứa bao
nỗi cơ cực, tủi nhục của ông. Vì chiến tranh, nghèo đói, vì bệnh tật, vì chết
chóc, vì chia ly, vì bao ước mơ dự định làm người tử tế đôi lúc không thể thành
vì nhiều lý do. Trong chàng trai bé nhỏ của tuổi thơ ấy như đã sẵn chất chứa một
nỗi cô đơn, như định mệnh! Những bài thơ hoài niệm về thời gian, về không gian
quê hương vì thế luôn sâu thẳm, day dứt, có khả năng làm lay động trái tim người
đọc, nhất là đối với những người con xa quê. Như thể nỗi nhớ luôn thường trực,
đã có sẵn đâu đó trong tâm cảm của nhà thơ, chỉ cần có một sự gợi nhắc, những
câu thơ hay sẽ bừng thức. Thèm nghe một tiếng ầu ơ êm ái, thèm thấy một vầng
trăng, thèm được vùi đầu vào hơi ấm bao dung của mẹ, của chị, của em để được trở
lại “tị nạn” trong bình yên tuổi thơ. Ám ảnh những phút bình yên của thơ, ám ảnh
cả sự hủy diệt lạnh lùng, khủng khiếp của chiến tranh trên quê hương, nhà thơ
muốn tìm về kỷ niệm. Nhớ, thương, khao khát bình yên luôn hiện về! Cả khi đang
ngủ, tiếng bom đạn chiến tranh còn “cày” nát cả giấc mơ! Tôi nghĩ đây đúng là cốt
cách của Người miền Trung truyền thống.
Bây giờ tiếng nhạc cuồng quay/ Tiếng xe như tiếng bom cày giấc
mơ/ Giật mình tiếng khóc trẻ thơ/ Ước chi có tiếng ầu ơ… thuở nào! (TA THÈM)
Anh như thấy mắt em trong mộ/ Một nửa thương con, một nửa
thương chồng!/ Người đã khuất khóc cho người góa bụa/ Khói nhang chiều quặn lại
phía bờ sông (THĂM EM)
Tác giả có nhiều bài thơ viết về quê hương, dành nỗi niềm ưu
ái cho quê hương. Càng viết càng thương, càng đau, càng đau đáu với sự trở
về để đền ơn đáp nghĩa, để được chứng kiến sự hồi sinh của quê hương. Nơi đó có
gia đình, có em thơ, có bao đồng đội đã hy sinh và còn nữa bao bạn bè, bà con
mong đợi ta trưởng thành. Nơi đó, mảnh đất buồn đau như cái eo đẹp gánh hai đầu
thân thể đất nước. Nơi đó chứa cả bầu trời tuổi thơ người con trai miền đất
khói lửa sông Gianh, Quảng Trạch kiên cường, trong veo nhưng cũng đầy nước mắt
và nỗi bất hạnh; có cả bao nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca.
Nghe bài hát quê hương thương mạ quá chừng/ Sáng tần tảo chợ
Đồn/ Chiều còm lưng dặm lúa/ Gió bấc úa vàng ngọn cỏ/ Bao giờ hết khổ mạ ơi! (NGHE
BÀI HÁT QUẢNG BÌNH)
Vầng trăng ngày xưa ấy/Như mắc vào ta đây//…/ Như ngọn đèn bên
cửa/ Thao thức đến khôn cùng!… (TRĂNG NHẬT LỆ)
Vết thương lòng/ Như dồn tụ trăm năm/ Chưa hoàn sẹo/ Lại vành
tang siết chặt! (NỖI NIỀM SAU CƠN LŨ)
Một đời xuôi ngược bôn ba/ Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng
làng (CỔNG LÀNG)
Cứ thế những vần thơ về quê hương, về đất nước của Nguyễn Ngọc
Khương cứ vút lên sâu thẳm. Không cần chải chuốt câu từ, chỉ cần kể lại những
câu chuyện ông đã từng trải qua thôi cũng đã đủ làm ấm lòng người ở phương xa
và bà con, bạn bè ông dù hiện đang ở trên quê hương yêu dấu hay ở một nơi xa
nào đó trên trái đất này. Quảng Bình sẽ tự hào nếu có những người con đi xa có
tấm lòng hướng về nguồn cội như ông. Thứ tình cảm đó, với thế hệ trẻ, trong thời
đại ngày nay dễ gì có được, dễ gì thấu trải. Thậm chí một số người ra đi khỏi
quê hương là ngay lập tức đã cảm thấy quê hương bé nhỏ, lạc hậu, không muốn trở
về, thậm chí nổi tiếng rồi không muốn nhận mình là con của quê Quảng Bình, của
“Bọ”. Họ sợ cái thô mộc của “bọ” làm giảm bớt vẻ đài các của người thành phố…Tôi
trân trọng những dòng thơ của Nguyễn Ngọc Khương đến rưng rưng là vì vậy.
Làng tôi… Tháng tám dắt trâu trốn lũ/ Đường lầy, mẹ trượt bờ
ao//…Làng tôi một người bệnh, nháo nhác cả thôn/ Một người sinh, chật nhà than lửa/ Một
người mất, trắng đồng khăn rủ/ Một người đi xa, thương lím đò ngang… (KÝ ỨC
LÀNG TÔI).
Sông Gianh in bóng cầu thiêng/ Từ nơi máu lửa mọc lên bao cầu…Quặn
mình qua vạn thương đau/ Nghe muôn sóng nấc lệ chau đôi bờ (BÓNG CẦU).
Phận người xa quê muốn trở về là để tìm bình yên. Nhưng bình
yên nơi đâu? Bình yên chỉ ở ngay trong tâm mình, trong từng giây phút hãy thứ
tha cho quá khứ, nhà thơ hiểu rõ điều đó. Khi không trực tiếp về được, hãy trở
về bằng cả tâm hồn, bằng cả tấm lòng bao dung, hướng thiện với con người! Trong
thực tế, con người ấy càng trở về càng bị gợi nhắc, càng phải chứng kiến trực
tiếp những chứng tích khủng khiếp do chiến tranh để lại, càng đau, càng xót,
càng thương! Nhưng khổ cho phận người xa quê: “đi xa muốn về, khổ đau càng muốn
về”!
Xác em nhỏ/ Vắt qua bờ ruộng/ Ngút trời/ Khói lửa chiến
tranh/…/ Phận người/ Trước gió/ Mong manh/Trăng liềm ứa máu/ Rỏ quanh đồng làng… (MẸ
CẦU BÔNG LÚA NGOÀI ĐỒNG UỐN CÂU)
Cái thời bầu bí đong đưa/ Bầu giăng cho trẻ trú mưa giàn bầu/ Trái
bầu một nửa đi đâu?/ Nửa treo rỉ máu mà đau xé mình! (TRÁI BẦU QUÊ TÔI)
Ba mươi năm! Có đâu ngờ!/ Giếng trong hóa đục/ Biết giờ hỏi
ai?/ Mẹ tôi nén tiếng thở dài/ Bên bờ giếng cũ, ngồi hoài sương rơi… (GIẾNG
LÀNG)
Nhìn chung không phải tất cả các bài thơ của Nguyễn Ngọc
Khương đều hay. Trong nỗi cô đơn của phận người xa quê, kẻ độc hành đến với văn
chương từ “phía khác”, việc bén duyên với thơ lục bát trong thơ anh như một lẽ
tự nhiên của số phận. Thơ anh không chải chuốt, không cầu kỳ, không tìm cách
đánh đố người đọc. Mỗi bài thơ là một câu chuyện đời, chuyện tình mà anh đã từng
trải nghiệm. Có những câu chuyện thật đến “hãi hùng” cũng được vào thơ một cách
tự nhiên. Có điều gì đó rất thật trong những tâm sự qua thơ, như thể đây là những
dòng nhật ký chân thành trong suốt quãng đời đã qua của ông. Trải qua bao thăng
trầm, sóng gió của cuộc đời, cũng đã trải qua bao nghề mưu sinh chốn xa quê
nhưng cuối cùng, nét đáng yêu của nhà thơ vẫn luôn lấp lánh (Rượu đời pha trộn
buồn đau/ Câu thơ ta rót ngàn sau ngọt lành/ Yêu em bạc tóc đã đành/ Yêu thơ rút
kiệt xác mình mà yêu/ Chân chim đã vắt sang chiều/ Dắt nhau ta vịn câu Kiều cùng
đi... (EM VÀ THƠ). Cuối cùng, thơ vẫn là nơi trú ngụ tâm hồn của ông. Neo đậu vào
đây, dù có phải vắt kiệt xác thì ông cũng sẽ đi đến cùng. Bởi trong hành trình
khổ đau của kiếp phù sinh, ông hiểu chỉ có thơ mới là cứu cánh giúp ông xoa dịu
nỗi đau trong những giây phút khắc khoải về phận người trước cõi đời. Và giờ
đây, đã chạm đến được “thất thập cổ lại hy”, ông vẫn một lòng son sắt, trải
lòng bao dung, khắc khoải với thân phận con người, với tình bạn, tình đời. (Quẳng
đi/ Cái kiếp phù sinh/ Chữ NHÂN giữ lại/ Chữ TÌNH trao nhau (CHỮ TÌNH TRAO
NHAU).
2/4/2021 Mai Thị Liên Giang
2/4/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét