Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Khi người khuất núi

Khi người khuất núi

1. Ngày nghỉ với tôi bao giờ cũng là ngày thư giãn nhất. Tôi nằm trên giường, trùm chăn kín đầu, không sợ tiếng chuông đồng hồ réo vang, nhắc sắp đến giờ đi làm, không sợ cảm giác thèm ngủ trĩu nặng mí mắt. Tôi có thể nằm nán thêm chút nữa, chìm trong trạng thái mơ màng. Tôi thích giờ phút này với vô vàn sự tưởng tượng thoắt hiện thoắt biến. Đó là cảm giác ảo diệu nhất giữa ngủ và thức, giữa mơ mộng và thực tế.
Chồng tôi nằm bên cạnh, lướt điện thoại, dò tin tức. Mấy hôm nay, nhiều người bám sát chương trình thời sự nghe ngóng cơn bão số 7 đang tàn phá dải đất miền trung. Riêng Thừa Thiên Huế đã có 84.963 nhà dân bị ngập sâu từ 1 – 2,5m, có nơi còn sâu hơn, trong đó nặng nhất là thị xã Hương Trà 19.090 nhà, huyện Quảng Điền 16.228 nhà, huyện Phong Điền 13.003 nhà. Hàng ngàn người dân rơi vào cảnh không nhà không cửa, đói và rét. Hơn hai chục tuyến đường bị ngập nước, sạt lở không thể lưu thông… Hôm kia, tin tức đưa “do mưa lớn nên xảy ra vụ sạt lở vùi lấp nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, đã tìm thấy thi thể 2 công nhân, 15 công nhân bị mất tích”. Chiều tối hôm qua tin tức đưa tiếp:“14 giờ đoàn 21 người đi từ huyện ủy huyện Phong Điền vào Rào Trăng 3 để hỗ trợ việc tìm kiếm các công nhân đang bị mất tích”.
Nhà văn Thu Loan
Có lẽ biết tôi đã tỉnh giấc và cũng quan tâm đến cơn bão, chồng tôi đọc to thành tiếng: “0 giờ ngày 13/10 nổ lớn sụt toàn bộ núi, đất đá trùm lên trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67, 8 người thoát được ra ngoài, 13 người mất tích trong đó có 11 cán bộ quân đội, 2 cán bộ địa phương”. “ Cái gì, cái gì”?  Tôi chồm dậy. Trạng thái mơ màng biến mất. Tôi nhoài sang chồng, giành điện thoại, mắt dán vào màn hình chói sáng. Những dòng chữ cho thấy tôi không nghe nhầm. “Trời ơi! Đau xót quá”! Tôi kêu lên rồi gục xuống gối. Lồng ngực quặn thắt như bị đâm. Chồng tôi cũng lặng đi. Bỗng dưng trước mắt tôi lại hiện lên người đàn bà nhỏ bé, xinh đẹp – An.
An chính là nhân vật truyện ngắn tôi đã ấp ủ mấy tháng nay. Tôi nhớ cô trước lúc ngủ, thấy cô chập chờn trong mơ. Người phụ nữ đã khơi dậy trong tôi bao ý tưởng về sự sống, cái chết, về tình yêu thương vô bờ bến giữa người với người. Bây giờ, tôi không ngừng suy nghĩ về An. Cô nhìn tôi bằng đôi mắt ướt đẫm, khẩn thiết đòi bước vào trang viết. Tôi bật dậy, vội vàng đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi ngồi trước máy tính.
2.
An nhẹ nhàng nhấc cánh tay chồng khỏi ngực, dừng lại giây lát, ngắm gương mặt anh rồi khẽ khàng đứng dậy, thay áo ngủ, bước ra ngoài. Cô nhón gót, cố không gây tiếng động để Sinh không giật mình tỉnh giấc. Sinh mới từ đồn biên phòng về thăm nhà hôm qua. Ngày nghỉ bao giờ cũng là ngày An bận rộn nhất. An luôn sắp xếp lịch trình các công việc từ tối hôm trước một cách khoa học, sao cho một lúc có thể làm được hai, ba việc. Toàn những việc vụn vặt nhưng mất nhiều thời gian: rửa đống xoong nồi, chén bát bị dồn từ hôm trước. Sau đó phải lau chùi tủ, bộ bàn ghế gỗ đã bám bụi, cọ rửa nền nhà và các thiết bị phòng vệ sinh. Lần này mất thời gian hơn nữa vì mưa liên tục mấy ngày, góc nhà bị dột, mấy năm nay chưa sửa được. An dùng một chiếc khăn thấm nước, vắt vào xô cho đến khi không còn nước đọng. Sau đó An phải chà hết những vết bẩn trên áo quần của Bin rồi cho vào máy giặt. Dù sao, những việc ấy còn dễ chịu hơn phải đi chợ, chen chúc giữa đông người, chọn thức ăn tươi và trả giá. Về nhà lại phân thức ăn ra từng gói nhỏ, cất trong ngăn đá để dành cả tuần.
Nhưng ngày nghỉ này khác hẳn mọi lần. Sự có mặt của Sinh khiến trật tự công việc bị đảo lộn. An gạt các việc chưa cần thiết sang một bên, cố dành nhiều thời gian làm các món ăn Sinh thích. Ngoài thịt bò trộn xà lách, giá sống – những món ăn theo kiến thức dân gian làm tăng sinh lực nam, An còn cuốn chả ram, làm cá kho tộ, nấu canh cua, pha mắm ruốc. Bữa ăn là lúc gia đình sum họp. An nhớ hồi nhỏ mẹ chỉ ăn khi có bố. Nếu bố về chậm, mẹ vẫn chờ. Nếu bố bận việc quên không báo, mẹ sẽ nhịn luôn. Cuộc sống đã khác xưa. Thời gian làm việc của mỗi người mỗi kiểu: theo buổi, theo ca, theo yêu cầu. Một bạn bảo: nếu khăng khăng nếp cũ chẳng thà lấy dây trói buộc nhau. Bạn khác bảo: tự do rồi. Ai muốn ăn gì, ở đâu, tùy. Việc gì phải vẽ ra lắm chuyện làm khổ nhau. Bạn kia đưa ra giải pháp: bữa sáng, bữa trưa tự do nhưng bữa tối nhất thiết phải đủ mặt. Bạn nữa chọn giải pháp: thứ bảy, chủ nhật cả gia đình phải tụ họp. Nghe mọi người trò chuyện, tranh cãi, bình luận, An không tham dự. Nhà An có hai mẹ con. An nấu một lần ăn hai bữa. Bữa ăn qua quýt. Mỗi người một tô, thức ăn trộn chung với cơm. Nhiều lần, bữa ăn của An chỉ là củ mì, nắm xôi hay đĩa rau. Nhưng có Sinh, lập tức cách thức ăn uống thay đổi. Bữa ăn ít nhất có 3 món: luộc hoặc xào, mặn và canh. Các món được bày lên đĩa, canh múc ra tô. Chén đũa đặt ngay hàng thẳng lối, nồi cơm bên cạnh. Sắp xếp đâu vào đó An mới gọi hai cha con ngồi vào bàn ăn. Sinh ngồi một bên bàn, An ngồi một bên bàn. Bin ngồi phải hay trái, tùy lúc. Có Sinh, bữa ăn luôn rộn ràng bởi những câu đùa không dứt.
Từ khi lấy Sinh, An có thói quen chọn những miếng ngon, tỉ mẩn gỡ từng miếng nạc, lấy hết các xương nhỏ xương to rồi bỏ vào chén chồng. Lại chọn miếng ngon, lấy hết các xương to xương nhỏ, tỉ mẩn gỡ từng miếng nạc bỏ vào chén con. Sinh bảo anh có phải cu Bin đâu nhưng An vẫn không thể ngừng cái việc lấy hết các xương nhỏ xương to, xương to xương nhỏ, tỉ mẩn gỡ từng miếng nạc, chọn những miếng ngon bỏ vào chén chồng, bỏ vào chén con. Như thể bao nhiêu dịu dàng, âu yếm đã gửi hết vào đó. An thường ăn sau. Nào đầu thừa đuôi thẹo, nào gân, cơ, xương xẩu, nào món canh, món xào… hỏi Sinh không ăn nữa, con không ăn nữa, An mới vét vào chén mình. Đôi khi nhìn An mút mút cho hết chất tủy trong xương, cạo cháy loẹt quẹt, trộn cơm với nước kho, Sinh đá chân Bin dưới gầm ghế, nháy mắt ra hiệu Bin nhìn An xem mẹ giống con gỉ con gì rồi hai bố con cùng phá ra cười.
Sinh thức dậy lúc mùi đồ ăn bay lên thơm lựng khắp nhà. Anh bước từ phòng tắm ra với mái tóc đẫm nước. Anh mặc chiếc quần soọc màu xanh rêu ngang đầu gối. Trên tấm lưng trần, có bốn vết sẹo ngang dọc, dài ngắn khác nhau. An nhớ rõ lai lịch từng vết. Vết sẹo dài từ cổ xuống gần nách là lần Sinh đụng độ với bọn tội phạm tìm cách vượt biên. Vết sẹo ở xương sườn thứ ba là  lần chặn đường đám lâm tặc. Vết sẹo ngang thắt lưng là lần đuổi theo mấy tên giết người cướp của. Vết sẹo xéo bên hông là lần giáp mặt tên lái xe chở gỗ lậu. Nhiều lúc An không dám nhìn chúng, không dám nghĩ sâu về chúng. An cố quên chúng là ngọn lửa phừng phừng trong đầu, mũi dùi đâm trong ngực khiến An từng rùng mình suy nghĩ hay tưởng tượng những nỗi hiểm nguy Sinh phải đối mặt hàng ngày. Đôi khi chúng cũng biến mất. Như lúc này đây, niềm vui sum họp gia đình đã xóa nhòa các vết sẹo. An chỉ thấy trên gương mặt Sinh nâu sạm luôn hiện nụ cười tươi tắn.
Sinh chưa kịp lau khô tóc thì Bin đã lao đến Sinh cười rích rích. Lập tức, hai cha con làm ngay trò chơi quen thuộc. Sinh quỳ xuống, mông ép sát đất cho Bin leo lên, ngồi chễm trệ trên vai. Tay Bin lọt thỏm trong tay Sinh. Rồi Sinh đứng lên, hai cánh tay giang rộng như cánh chim, công kênh Bin đi vòng khắp nhà. Gương mặt Bin hưng phấn cao độ vì được nhìn mọi vật ở tầm cao mới. Bin vừa cười vừa kêu to: “A! Mẹ ơi! Con cao hơn bố! Con cao nhất nhà!”. “Thôi thôi, tới giờ ăn rồi”. An giục. An sợ thức ăn nguội sẽ kém ngon, uổng công sức và tình yêu thương An gửi gắm. Bin phụng phịu: “Ứ ừ. Con muốn chơi nữa.” . Sinh dỗ: “Ngoan nào. Gấu mẹ đã ra lệnh rồi. Hai gấu con phải chấp hành thôi.”. Sinh lại quỳ xuống, mông ép sát đất cho Bin tuột khỏi vai. Nhìn Bin ngồi lọt thỏm trong lòng Sinh, giống bố từ mái tóc rậm, cái trán dô đến nụ cười tươi, câu nói dí dỏm, An thầm nghĩ mình giống người đẻ thuê. Giống gì An cũng vui, miễn sau này Bin lớn đừng giống Sinh chọn đường binh nghiệp.
Bin không thể ngồi lâu một chỗ, cho dù đó là giữa vòng tay Sinh ấm áp. Cậu bé tuột xuống, đến tủ lạnh, lấy ra một thứ gì đó, giấu sau lưng, cười toét miệng: “Con đố bố nhé, con đang cầm gì đây?”. Sinh nháy mắt với An, ngầm nói anh biết thừa đó là gì nhưng vẫn giả bộ cao giọng ngạc nhiên: “Cái gì? Ôi, bố chịu thôi. Xin ngài thông thái gợi ý”.  “Nó là một loại quả ăn được, màu đó”. “ Quả ăn được, màu đỏ? À, bố đoán ra rồi. Quả cà chua”. “Sai rồi – Bin hớn hở – tên quả bắt đầu bằng chữ ơ thêm dấu sắc”. Sinh giả bộ nhíu mày, xoa xoa cằm ngẫm nghĩ:” Chữ ơ thêm dấu sắc à? Sao khó quá vậy. Thôi thôi, bố xin thua”. “ Quả ớt” – Bin hớn hở reo to, chìa ra mấy quả ớt: “ Quả này bữa nào bố cũng ăn. Dễ thế mà bố không đoán ra”. Bin khoái chí mách thêm:”Bố ơi, ớt này là ớt chỉ thiên, cay lắm. Mẹ bảo bố thích ăn cay.”. “ Ừ, bố thích ăn cay, còn Bin thích ăn gì, bố gắp cho”. Bin chăm chú nhìn mâm cơm, nói: “ Món nào cũng thích. Bố ơi, ngày nào bố cũng về nhà nhé”. “Để làm gì?” “Bố về, Bin được ăn ngon. Không có bố, Bin toàn phải ăn mì tôm hoặc bánh mì chấm sữa thôi à. Chán lắm”. Sinh bật cười ha hả: “ Ơ! Có dũng sỹ nào mà chưa làm được gì đã đòi ăn ngon mặc đẹp nhỉ?”. Bin húc đầu vào ngực Sinh: “ Không phải con! Không phải con!”. Sinh cười cười: “Bố có ăn ngon cũng “đóng thuế” hết cho mẹ thôi. Con hỏi mẹ thì biết”. Bin ngẩn người: “Đóng thuế là gì hở mẹ?”. An đỏ mặt, lừ mắt nhìn Sinh: “Đừng nghe bố tiêm nhiễm những ý nghĩ u tối. Ăn đi”.
Những bữa ăn gia đình như thế, An chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Gần chục năm, An vẫn chưa quen cảnh Sinh xa nhà hàng tháng liền. Một  mình An nuôi con, một mình làm mọi việc. Giờ đây, An chuẩn bị sinh con thứ hai, chuẩn bị đối mặt với bao tréo ngoe của con nít: Chúng ngủ say tít vào ban ngày, quấy khóc vào ban đêm. An quay cuồng tối mắt với ẵm bồng, dỗ dành, với tiêm phòng, nóng sốt, mọc răng, cảm lạnh… An không thể thống kê hết những việc phải làm, phải lo cho một đứa trẻ. Bin lên 5 tuổi vẫn là đứa trẻ. Những buổi sáng mùa đông lạnh buốt, An vẫn phải kéo thốc Bin dậy giữa giấc ngủ say, lấy khăn quấn tròn Bin như sâu nằm trong kén, mang gửi nhà hàng xóm rồi đi làm cho kịp đổi ca vào lúc 6 giờ sáng. An cũng là đứa trẻ khi chóng mặt nhức đầu, nằm co ro trên giường. An thèm có chồng nấu nồi nước xông, xoa dầu, đút vài thìa cháo nóng. Ngày nghỉ, lễ, Tết… giữa cảnh thiên hạ dập dìu vợ vợ chồng chồng, con cái đứa bồng đứa dắt, An như mẹ đơn thân bị thừa ra, lạc lõng. An thèm cảm giác có chồng ở bên. Chẳng làm gì cũng thấy yên tâm như có cột để tựa, có gối để ôm. Thèm giây phút ngồi bên bạn bè có lứa có đôi, thèm cùng nhau xuất hiện chỗ đông người, vợ ngấm ngầm hãnh diện về chồng, chồng ngấm ngầm tự hào về vợ.
Từ lâu, An muốn Sinh chuyển ngành, cùng lắm nghỉ việc. Miễn Sinh không phải xa nhà biền biệt. An không phải kìm nén ngọn lửa cuống xuân,  không phải vừa làm việc đàn ông vừa làm việc đàn bà, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dạy con. Nhiều cánh cửa mở ra cho Simh, sao cứ phải chung thân với một nghề quá nhiều thua thiệt? An đã nói với Sinh ý định này lúc ngồi cùng bè bạn, lúc chỉ có hai người, lúc gối đầu lên cánh tay, lúc tỉ tê trò chuyện. Giọng An khi trầm, khi bổng, thái độ khi giận dữ, khi nhẹ nhàng. Lần nào Sinh cũng chỉ nhún vai, lắc lắc mái tóc dày rậm, cái miệng tươi tắn cười cười: “Ơ, nghề binh là nghiệp của anh. Nó chọn anh chứ anh đâu chọn nó. Chuyển là chuyển thế nào? Bỏ là bỏ vào đâu?” Sinh còn kéo Bin làm đồng minh: “Bin kìa! Mẹ muốn bố lấy vợ khác”. Bin trợn tròn mắt: “Sao được?’. “Thì đó! Mẹ muốn bố về phố. Bố đẹp trai thế này, nhiều cô theo, làm sao bố giữ bố được, làm sao mẹ giữ bố được, làm sao con giữ bố được.Thế thì bố phải lấy vợ khác thôi”. “ Ứ phải, bố nói dối”. “Bố nói thật”. “Nhìn kìa! Nói thật mà bố cười! “ Đầu Bin ngoay ngoảy:“Ứ phải! Bố chỉ yêu mẹ thôi”. Bin nắm tay lại thành quả đấm. Bin bổ nắm đấm bên phải thì tay trái Sinh hất lên. Bin bổ nắm đấm bên trái thì tay phải Sinh hất lên. Bin biến hai nắm đấm như hai dùi trống đánh thùm thụp vào ngực Sinh thì Sinh lấy hai tay bắt chéo, che ngực, né bên này, nghiêng bên kia. Sinh vừa chống đỡ vừa kêu oai oái. Tiếng Sinh cười giòn tan. Tiếng cười khiến không khí trong nhà chẳng bao giờ buồn được.
Nhưng hôm nay An quyết không để cử chỉ nhún vai, mái tóc dày rậm lắc lắc, cái miệng tươi tắn cười cười làm xao nhãng. An hắng giọng, nghiêm mặt: “Em hỏi thật. Chuyện chuyển nghề anh nghĩ đến đâu rồi?”. Sinh cũng giả bộ hắng giọng, nghiêm mặt như An: “Anh nói thật. Chuyện chuyển nghề anh không nghĩ đến”. Thì ra ý định đã nói trong lúc ngồi cùng bè bạn, lúc chỉ có hai người, lúc gối đầu lên cánh tay, lúc tỉ tê trò chuyện cũng chẳng làm Sinh bận tâm. Giọng An khi trầm, khi bổng, thái độ khi giận dữ, khi nhẹ nhàng chẳng làm Sinh suy nghĩ. An lạc giọng đi vì không ngờ Sinh vẫn như tượng đồng trước mọi lời phân tích thiệt hơn, thì thào to nhỏ, khuyên can đủ điều: “Em không đùa đâu. Em hỏi nghiêm túc đó”. Sinh nhại theo: “Anh không đùa đâu. Anh trả lời nghiêm túc đó”. An biết Sinh yêu thích nghề binh nên không thấy nhàm chán vùng biên heo hút, với công việc loanh quanh dọc dòng sông, con suối. An đã từng đến đó, đi vài bước là hết mấy gian nhà cấp bốn – trụ sở đồn biên phòng. Ra cổng, chỉ một lối mòn quanh co, mất hút giữa rừng. Xung quanh chập chùng đồi núi, cỏ cây, không một bóng người. Có cho An mỏ vàng An cũng không chọn một nơi chốn như thế để sinh tồn. Đời người có được bao nhiêu mà chuốc khổ vào thân? Giờ còn vợ con chứ đâu phải độc thân. Cơn giận dâng trong lòng An. An không tin Sinh không hiểu những ước muốn của mình, không tin anh tự nguyện theo đường binh nghiệp suốt đời. An gắt: “Anh thích gì nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc ấy?”. Sinh vẫn nói giọng bông đùa: “Ở xa cho em dễ kiếm bồ”. An biết Sinh thích đùa, thích biến những chuyện gay cấn thành chuyện nhẹ nhàng. Có lần cậu lái xe để Sinh và An đợi giữa đường rừng hơn hai giờ vì quên đổ xăng. An chỉ muốn nhăn nhó, hét thật to cho đỡ bực mình. Nhưng Sinh vẫn nói đủ chuyện đùa như không biết cậu lái xe đang tái mét, run lên vì sợ. An không muốn đùa lúc này. Cơn giận như sóng biển dâng ngang ngực: “Em không cần bồ. Em chỉ cần anh. Em không muốn anh đối mặt với nguy hiểm từng ngày. Không chừng chết xác, bỏ vợ bỏ con”. “ Ơ hơ! Em càng có điều kiện lấy chồng khác.”. Cơn giận đã dâng ngang họng. Chuyện quan trọng này không phải trò đùa. An gào: “Muốn vợ lấy chồng khác thì chết ngay đi. Vài năm nữa mới chết, vợ già khấc, ma cũng không thèm lấy. Để vợ con bơ vơ một mình à?”. Sinh vẫn tỉnh bơ, tâm trạng vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, còn thông báo cho An biết anh phải đi cứu hộ cứu nạn ngay. Xe đơn vị sắp đến đón. An giậm chân, vung tay, mặt đỏ phừng. Cơn giận bốc lửa lên mặt, lên đầu. An hét lên những câu nói cấm kỵ mà sau này mỗi lần nhớ lại, An còn sửng sốt: “Đi đi! Đi chết đi! Chết ngay cho hết khổ vợ khổ con.”. Nhưng tiếng còi ô tô đã vang toe toe ngoài ngõ. An cảm nhận một vòng tay riết chặt, một nụ hôn vội vàng trên tóc, trên má rồi cái bóng cao lớn của Sinh vọt ra cổng. Cơn giận xẹp xuống như bóng xì hơi. An hốt hoảng thấy Sinh đã đi rồi. Sự khiếp đảm dâng lên trong lòng. Có khi nào Sinh nghĩ những lời rủa ấy là thật không? An vội vàng vơ áo khoác của Sinh chạy theo:“Anh ơi, quên áo ấm này’. Nhưng chiếc xe có Sinh ở bên trong đã mất hút trong mưa mù mịt.
3.
Tôi giật mình vì chồng xuất hiện trước mặt. Ngày nghỉ anh thường ra khỏi nhà từ lúc bảy giờ, ăn sáng và cà phê với ai đó. Có hôm anh đi nhậu rồi chơi bi da đến khuya, mặc tôi loay hoay với vô số việc và trách nhiệm phụ nữ: nấu ăn, giặt quần áo, quét dọn, mua sắm, chăm con… Giữa đống việc bộn bề và dường như bất tận ấy, tôi cố thu xếp thời gian để viết văn, công việc tôi yêu thích nhất nhưng thường được làm sau cùng, sau những công việc cơ quan, kiếm tiền, vui chơi. Tôi sung sướng sống trong không gian tĩnh lặng với cảm giác tự do.Tôi không còn biết trời mưa hay nắng, tiếng còi xe inh ỏi hay tiếng quát mắng sa sả bên nhà hàng xóm. Trong đầu tôi chỉ có tâm trạng và hành động của nhân vật mà tôi cố gắng diễn tả trên trang viết.
-Trưa nay ăn gì?
Tôi thoáng ngẩn ra. Trưa rồi! Lẽ ra lúc này mùi thức ăn đã bay lên thơm lựng. Các món ăn, chén đũa đã dọn sẵn trên mâm, đợi chồng có mặt là cả gia đình quây quần bên nhau. Nhưng bây giờ bếp lửa vẫn lạnh ngắt. Chén đũa còn ngổn ngang chưa rửa, quần áo dơ chất đống trong chậu. Nhận ra mình vẫn say sưa viết quên thời gian, quên trách nhiệm, tôi ngượng ngịu: “Em quên mất. Anh ăn đỡ mì tôm hay bánh mì vậy. Chỉ trưa nay thôi”. “Chỉ trưa nay”? Chồng tôi nheo mắt giễu cợt: “Khi em viết văn lúc nào chẳng thế.”. Chồng tôi phẩy tay: “Thôi, thích viết thì cứ viết. Anh tự lo được”. Tôi thầm cảm ơn chồng. Hồi anh yêu tôi, người thân, bạn bè can đừng lấy văn nghệ sỹ. Đa phần họ lơ ngơ như người “cõi trên”, sẽ chuốc khổ. Anh không thay đổi quyết định, bảo: “Văn nghệ sỹ cũng là người. Có người này người kia, sao vơ đũa cả nắm? Nếu là văn nghệ sỹ đích thực thì trên cả tuyệt vời.”
Anh đi rồi, tôi trở lại với câu chuyện của mình. Nhưng việc viết bị đứt quãng bởi tiếng điện thoại báo tin xe đã đến, đón tôi đến Trạm quản lý bảo vệ rừng, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở. Tôi chỉ kịp nhét thêm chiếc mũ vải vào túi khoác nhà nghề, nói với ra sau bếp: “Anh ơi, em đi thực tế đây, chưa biết ngày nào về. Buổi tối, anh nhớ đóng cửa nhé”. Tôi quáng quàng chạy ra cổng. Bên đường, động cơ vẫn nổ ầm ầm nghe thật sốt ruột. Tôi vừa nắm được cánh cửa thì xe đã lăn bánh. “Còn áo ấm này”. Chồng tôi đuổi theo, đưa vội chiếc áo khoác cho tôi. Chiếc xe lao vào cơn mưa như muốn giành lại khoảng thời gian đã mất.
Tôi bước lên xe nhìn khắp lượt.Tôi sửng sốt nhận ra gương mặt quen thuộc: An! Trưởng đoàn xếp tôi ngồi cạnh cô vì cùng là nữ. Vừa thấy tôi, An nói ngay như thể tôi là người thân thiết từ lâu: “Em là vợ anh Sinh. Đơn vị vừa báo anh ấy bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trời ơi, anh ấy có mệnh hệ gì, em làm sao sống được!”. An cố ghìm cảm xúc nhưng đôi môi mòng mọng vẫn run bắn, miệng méo xệch, nước mắt chảy dài trên má. Tôi nắm tay An siết nhẹ: “Bình tĩnh em”.
Sấm chớp ùng oàng. Không gian tối sầm. Mưa quất rào rào trên mặt kính. Hai gạt nước gạt liên tục mà kính vẫn nhòa nhịt khiến xe không thể chạy nhanh. Nhiều đoạn đường bê tông phẳng lỳ bị đút gẫy. Đất trồi lên từng đụn trơn trợt. Nhiều hố voi, ổ gà xuất hiện, lổn nhổn những đá to sỏi nhỏ khiến xe nghiêng ngả chóng mặt. Mấy lần, xe phải dừng lại. Chúng tôi cào bớt đất, kê đá, kê cây, xúm nhau đẩy xe qua những vũng lầy. Có đoạn chúng tôi xuống đi bộ, mặc bác tài với chiếc xe không, lạng lách qua những đoạn đường ghồ ghề. Dù cố gắng kiềm chế nhưng tôi biết An rất sốt ruột. Hai bàn tay An đan cài nhau, vặn vẹo, run giật. Có lúc An buột kêu nho nhỏ: “Bác tài ơi, nhanh lên! Nhanh lên! Nhanh nữa lên!”. An áp sát mặt vào cửa kính. Bên ngoài chẳng có gì ngoài gió giật dữ dội, mưa tơi tả và những khoảng đồi trơ trụi. Thỉnh thoảng bên đường có cành cây ướt sũng nước quệt rào rào vào thành xe.
Sáng hôm sau, chúng tôi mới đến được Trạm quản lý bảo vệ rừng- nơi trước đây chỉ cần đi hơn 2 giờ là tới. “ Ôi, không”! Tôi thốt lên, lấy tay dụi mắt. Trước mặt tôi bãi trống bạt ngàn, tan hoang. Cách xa vài trăm mét, quả núi bị sạt một nửa, không còn hình quả núi. Những tảng đá lớn nhỏ tràn ra chất chồng thành một vệt dài như dòng suối đá. Đất badan đỏ lừ, nhão nhoẹt ngập trên mắt cá chân. Tôi nhìn quanh, cố tìm lại khu nhà khang trang chúng tôi từng ở đây, từng say sưa nói chuyện, uống rượu, ôm đàn, ca hát với cán bộ của trạm suốt đêm. Chỉ có không gian bao la, vắng lặng. “Có ai không? Có ai không/?”. Mọi người túa ra xung quanh, gọi ầm ĩ. Không có tiếng trả lời. “Chị có nghĩ chồng em chết rồi không?” An thì thào. Mặt cô tái xanh, bợt bạt. Ánh mắt thất thần. Nhưng cô vẫn nói như muốn mọi người phải tin: “Anh ấy không thể chết. Anh ấy khỏe lắm. Chưa bao giờ bị bệnh. Có thể anh ấy đang ở trong rừng, tìm phong lan cho em”.
An luần quần bên những thi thể được tìm thấy, miệng không ngớt lầm bầm. “Không phải anh ấy, không phải anh ấy”. Thêm một thi thể nữa được bới lên từ đống đổ nát. “Anh Sinh!” An hét lên. Ngay từ xa, An đã nhận ra chồng mình đang được đưa lên, đặt cẩn thận trên tấm bạt, cẩn trọng gạt bớt bùn đất trên tóc, trên mặt. An mất hết tự chủ. Cô ngã khuỵu xuống, nằm xoài trên đất ướt. Hai chân mềm oặt, không sao đẩy thân hình nhỏ nhắn nhoài lên được. Tôi và một người nữa xốc nách dìu An đi. Mắt Sinh nhắm nghiền nhưng không phải giấc ngủ bình thường hay giả vờ chết khi chơi trò bắn nhau với Bin. Có một cái gì đó dị thường trong dáng vẻ thẳng đơ của tay, của chân, của cơ thể và của sự lặng lẽ khủng khiếp bao quanh. Đất đỏ dẻo quánh làm thành một lớp dày cộp bao bọc thân thể Sinh khiến anh như bức tượng người ngủ nặn bằng đất đỏ. Nhưng An vẫn nhận ra anh, vẫn nhận ra mái tóc dày rậm cô thường lùa đôi bàn tay vào đó, vò tung cho chúng xù lên ngộ nghĩnh, vẫn nhận ra màu da sạm nắng mà vì thế có biệt hiệu “Sinh Ấn độ”, vẫn nhận ra bàn tay, bàn chân gân guốc mà lần nào anh về cô cũng ngâm nước nóng, cẩn thận bấm, tỉa từng móng, vẫn nhận ra bộ quân phục màu xanh, cô vừa mới khâu lại một nút áo bị đứt bằng một sợi chỉ hơi nhạt màu, vẫn nhận ra bốn vết sẹo và lai lịch của từng vết. An gục xuống người Sinh, bật khóc nức nở: “Anh ơi! Đừng bỏ em một mình anh ơi”. Tôi an ủi: “ Em cứ khóc đi. Nhưng em phải chấp nhận sự thật là Sinh chết rồi. Hãy để anh ấy được siêu thoát”. “ Em không cần anh ấy siêu thoát. Anh cứ ở cõi trần này, đợi em chết, cùng đi”. Từ lúc đó, An ôm chặt Sinh vào lòng như lúc cả nhà thường chơi trò Gấu mẹ vĩ đại với hai gấu con. Nhưng bây giờ Gấu con không bao giờ tỉnh lại để vuốt tóc Gấu mẹ, cù nách cho gấu mẹ  nhăn nhó, nổi quạu, lấy sợi tóc ngoáy lỗ mũi khiến Gấu mẹ hắt hơi. Giữa tiếng khóc nấc, giọng An đứt quãng:“Chị ơi, em không bao giờ tha thứ cho mình. Nếu biết cuộc đời là vô thường, sống chết chẳng do mình định đoạt thì lẽ ra em phải yêu thương anh ấy nhiều hơn nữa”. Tôi ôm bờ vai An: “Em đã yêu thương anh ấy rất nhiều mà”. An lắc đầu: “Vẫn là chưa đủ yêu thương dù anh ấy vẫn nói nhờ có em mà anh ấy thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.”. Tôi vỗ về An: “ Sinh nói đúng. Nhờ em yêu anh ấy, anh ấy yêu em mà cả hai người đã đứng vững trong mọi hoàn cảnh khó khăn”. An vẫn khóc nức nở: “Lẽ ra em không bao giờ đòi hỏi những điều anh ấy không có khả năng, không muốn. Em phải để anh ấy làm những việc anh ấy thích. Đời sống có bao nhiêu mà phải giày vò nhau, hả chị? Công việc của anh đã nhiều áp lực, em còn quát, còn đay nghiến. Có lẽ anh ấy chưa hiểu tường tận cái đẹp cuộc sống chính là ở chỗ mình yêu ai thì tạo hết điều kiện tốt nhất cho người đó thực hiện được mơ ước. Hình ảnh cuối cùng anh ấy mang sang thế giới bên kia là những lời chửi rủa xấu xa của em. Em có lỗi với anh nhiều quá anh ơi”. An cứ nói và nói. Lúc đầu tôi còn nghe được loáng thoáng vài câu. Sau đó cô bắt đầu lảm nhảm như người say rượu. Cô cố gắng giải thích cho Sinh biết nỗi giằng xé trong lòng, mong anh đừng hiểu lầm tình yêu của cô. Rồi từng lúc từng lúc, nỗi đau đớn choán lấy An như bóp ngẹt trái tim, rút cạn khí thở. An nấc lên, úp mặt vào ngực Sinh, ngất lịm.
4.
Ngày nghỉ này khác hẳn những ngày nghỉ trước. Chồng tôi không ra khỏi nhà từ lúc bảy giờ, không la cà cà phê, không nhậu, không chơi bi da đến khuya. Anh mang về một chiếc ghế bành, bọc nỉ, có thể xoay tròn, dịch chuyển bằng bánh xe đặt trước bàn làm việc của tôi, nói thật âu yếm. “Tặng cho em”. “ Lãng phí! Em ngồi ghế gỗ cũng được.”. Tôi thốt lên khi nghĩ khoản tiền mua chiếc ghế này ít nhất bằng nửa tháng lương, bằng nhuận bút của năm truyện ngắn, bằng bằng bằng… Dù tôi biết ngồi trên chiếc ghế ấy, cảm giác êm ái dễ chịu vô cùng. Nhưng so với việc chúng tôi đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu để đổi sang căn hộ khác rộng hơn, chuẩn bị đón đứa con thứ hai ra đời thì sự chi tiêu này cũng lãng phí. “Vậy anh mua hoa tặng em nhé”. Tôi lừ mắt, còn anh cười phá ra, cười ha hả. Tôi biết anh đang chọc ghẹo tôi. Anh nhớ sau buổi giới thiệu sách, tôi càu nhàu vì mất cả buổi để tìm chỗ đặt hàng chục lãng hoa của các cơ quan ban ngành, đồng nghiệp, ban bè, người thân. Ba ngày sau, tôi lại phải trả thêm tiền cho người dọn rác mang đi, trong khi hóa đơn tiền in, nước uống, trang trí còn nợ một khoản không nhỏ. Lúc đó anh an ủi tôi đừng tiếc. Hãy nhìn những đại hội, hội nghị, khai trương, tổng kết… phải mang xe tải chở hoa đi đổ. Nếu tiếc thì có mà đứt ruột! Tôi không đứt ruột vì đó là tiền nhà nước, là của chung nhưng anh đã tìm ra liều thuốc chữa bệnh tiếc cho tôi bằng cách xoáy vào tính thực dụng. “Thôi, ngồi vào chiếc ghế này đi. Viết bốn, năm tiếng liền không lo ê mông, mỏi cẳng. Em viết được nhiều hơn, nghiền ngẫm sâu hơn trong sự cô đơn của chính mình”. “ Ơ! Thế anh không can em viết văn à? “. Chồng  tôi nhún vai: “Em cứ làm những điều em thích. Anh không muốn bắt người bạn, người yêu, người vợ của anh phải làm theo ý anh. Cô An vẫn đang chờ em đó”. Tôi lắc đầu: “Em và cô ấy đã chia tay rồi. Em không phải suy nghĩ về cô ấy nữa. Từ nay, em chỉ dõi theo đường cô ấy đi, ngầm xem cô ấy có được bao nhiêu người đón nhận, yêu mến hay chỉ mình em cảm thông, thấu hiểu”. Chồng tôi gật gù. Tôi biết chồng không hiểu những ngụ ý về tính chất nghề nghiệp của mình trong câu nói đó. Đã nhiều lần anh thắc mắc sao tôi có thể gắn bó mãi với nghề văn. Không hiểu tôi đã tìm thấy sự thú vị gì trong việc cặm cụi với trang viết từ ngày này sang ngày khác. Nhậ đôi ba đồng nhuận bút không đủ khao bạn bè một bữa nhậu mà vẫn đam mê. Ai đó cứ tưởng viết văn là nghề nhẹ nhàng. Chỉ cần có cảm xúc, thơ mạch văn sẽ tuôn ào ào như mây bay thác đổ. Anh thì biết rõ để có những khoảnh khắc cảm xúc đó tôi đã phải trải qua nhiều chuyến đi thực tế, cố chịu đựng cơn say xe lử lả, ói mật xanh mật vàng. Tôi cố gắng bỏ ngoài tai tiếng bạn bè ơi ới gọi nhau tụ tập, dành thời gian nghiền ngẫm những trang viết của các nhà văn trong và ngoài nước. Và chỉ cần hơi non gan, thần kinh yếu là quay lưng, bỏ nghề tắp lự trước những lời chỉ trích ác ý của đồng nghiệp.
Anh biết tôi thích viết và trân trọng ý thích của tôi. Hình như đó là cầu nối duy nhất để kéo anh đến gần nghề của tôi. Tôi hỏi: “Anh muốn biết chuyện của An không?” “Lúc nào rảnh anh sẽ đọc. Đọc văn bây giờ ngán lắm. Thời gian rảnh không nhiều. Văn chương lại càng không phải thứ duy nhất để giúp con người giải trí. Thôi, em cứ là nhà văn của cô An, của thiên hạ. Anh chỉ cần em là người bạn, người yêu, là vợ anh và là mẹ của con anh thôi”. Tôi không buồn. Câu nói quen thuộc này tôi đã nghe nhiều lần, nhiều ngày. “Hôm nay là ngày nghỉ, có thời gian rảnh, em có viết không? Để anh biết đường, tự lo việc ăn uống”. Lại thêm câu nói quen thuộc nữa. Nhưng trong sự trống rỗng sau khi chia tay An, hôm nay ý nghĩa của nó bất ngờ sáng rỡ trong tôi. Chồng chẳng biết nhặt củ hành, thái dưa. Mỗi lần tôi xa nhà, chồng cùng con mua cơm hộp, ăn cơm quán. Nếu nấu ăn ở nhà thì muôn đời thủy chung với mì tôm, trứng luộc, trứng tráng. Nếu vợ chỉ là người bình thường như vô vàn phụ nữ khác, chồng con có phải chịu thiệt thòi như vậy không? Tôi như thấy lại bao nhiêu ngày nghỉ các gia đình sum vầy bên nhau, cùng nhau đi du lịch nơi này nơi kia. Bao nhiêu đêm, tôi mải miết đọc, viết, kỳ cạch sửa bản thảo, chồng nằm co một mình không có người ôm lưng trò chuyện. Vì công việc tôi yêu thích, chồng chẳng bao giờ than van, trách móc. Bỗng dưng tôi thấy cuộc sống tuyệt vời làm sao khi có chồng kề cận, chia xẻ, giúp tôi thực hiện niềm mơ ước. “Thôi! Hôm nay em không viết nữa. Em sẽ dành hết thời gian làm các món anh thích. Lâu lắm, gia đình mình chưa ăn uống cùng nhau”. “ Xem kìa! Nhà văn lại muốn trở thành người đầu bếp tài ba.”. “Đầu bếp của riêng anh thôi”. Tôi nép vào ngực chồng. Bóng An thấp thoáng phía xa.
Bên ngoài mưa ngớt dần. Trời hiện nắng lung linh.
Pleiku 2020.
THU LOAN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...