Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Khoái lạc đơn côi - Tiểu thuyết của Vũ Tuấn Hoàng

Khoái lạc đơn côi - Tiểu thuyết
của Vũ Tuấn Hoàng

Sau này, trên con đường nghệ thuật đầy sóng gió, trong những giây phút bế tắc đường cùng, San được vực dậy nhờ chính hình ảnh này của mẹ. Và, chỉ trước lúc mất bà mới thổ lộ với anh chuyện gì đã xảy ra với bà vào cái đêm hôm đó.
Chiều trên sông Moskva 
… Dây đời rắm rối gỡ làm sao đây
Suy tư quẳng bớt vơi đầy
Giả như đang ngủ giấc say chìm vào
Quên đi hiện thực lao đao…
…запутавшись в своей судьбе,
отбросить мысли о себе
и, притворясь, что спишь,
забыть о мире сволочном…
(Иосиф Бродский)  
I. Một tiếng thét khủng khiếp âm vang đập vào những vách núi lởm chởm phủ đầy tuyết dưới ánh nắng chiều chói chang của vùng nghỉ mát Karpat. Từ đỉnh núi, các nhóm trượt tuyết của sinh viên đến từ Moskva trong những bộ thể thao nhiều màu đang rạp mình lao xuống vun vút, vội đứng thẳng người lên, ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng rồi, mọi cái nhanh chóng trở nên yên ắng, thanh bình. Dăm ba con đại bàng núi vẫn lặng lẽ chao liệng trên bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Đâu đó, vẳng lại tiếng chuông leng keng của những chú mục đồng đang lùa đàn cừu về khu chuồng trại chứa cỏ khô của nông trang “Rạng Đông”.
Gió thổi hun hút qua những gốc cây leo khô, bám rễ chắc vào các khe đá ẩm ướt không bị băng tuyết bao phủ.
Hoàng hôn vừa khuất núi. Bóng tối chạng vạng giăng ra khắp các ngả đường xung quanh khu nghỉ mát nổi tiếng. Đâu đó, những đống lửa lớn được đốt lên. Tiếng đàn gió, đàn Bandura, tiếng sáo, tiếng hát dân ca Ukraine buồn buồn, trầm lắng… khiến cho đêm miền Tây trở nên hoang sơ và đầy ma mị.
Viên cảnh sát trực to béo, tóc cắt ngắn, đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc bàn rộng và bừa bộn của căn phòng nhỏ ngay tầng trệt cuối dãy nhà nghỉ. Góc bên trái là chiếc lò sưởi bằng gang từ thời Sa hoàng mà than đã lụi dần. Ngay sát đó là mấy vỏ chai rượu vodka nằm lăn lóc. Một chú mèo đen nằm cuộn mình trong chiếc áo khoác dạ đã rách bươm được xếp lại thành ổ bên cạnh lò sưởi. Không khí trong phòng vẫn còn nồng mùi dầu hướng dương cháy, mùi dưa chuột muối, mùi tỏi hăng hăng. Bất ngờ, cửa phòng bật mở toang, kéo theo một luồng gió lạnh giá xộc vào, xới tung đám giấy tờ để trên bàn. Viên cảnh sát giật mình choàng tỉnh, đưa tay lên dụi mắt, chưa kịp phản ứng gì. Một thanh niên châu Á trong bộ đồ trượt tuyết chạy xộc vào giữa phòng, vẻ mặt thật khủng khiếp và lắp ba lắp bắp nói:
“Cứu, ông ơi, cứu cô ấy với!”
Sau mấy giây bối rối, viên cảnh sát lấy lại được tự chủ và đứng dậy hỏi lại bằng một giọng gần như quát: “Cứu ai? Bị sao? Bình tĩnh nói xem nào!”
Người thanh niên châu Á, chắc là sinh viên trong đoàn đến từ Moskva, bị lạnh cóng, mặt tái mét, cố gắng lắm mới lập bập nói được mấy câu:
“Cô ấy… bạn tôi… bị rơi xuống vực…” 
II. Gió thu ẩm ướt bứt những chiếc lá vàng còn cố níu lại trên các cành cây khẳng khiu đâm tua tủa lên bầu trời thành phố Moskva.
Phố cổ Arbat chiều chủ nhật thưa thớt người qua lại. Những họa sĩ cuối cùng đang chậm rãi thu dọn các bức tranh bày bán.
Không gian uể oải lan man buồn.
Những ngọn đèn đường mờ ảo được thắp lên tiếp sáng cho những tia hoàng hôn cuối cùng đang tuột dần khỏi những tháp chuông nhà thờ in bóng đen sẫm lên bầu trời chạng vạng.
Nhà hàng “Thiên nga” nằm sâu trong ngõ nhộn nhạo cả lên sau một cú điện thoại.
Ông chủ quán, một người đàn ông Gruzia thấp lùn, ria mép đen nhánh, triệu tập tất cả nhân viên vào căn phòng nhỏ tường treo đầy tranh trừu tượng để giao việc. Đơn đặt hàng tối thứ bảy tới là của bộ quốc phòng. Một ân huệ cao nhưng trách nhiệm cũng không hề thấp. Các vị tướng lĩnh muốn “rửa” quân hàm cấp trung tướng cho một đồng nghiệp.
– Đây là một vinh dự lớn đối với chúng ta và chúng ta không có quyền để những người anh hùng phải thất vọng. Các món ăn phải làm từ nguyên liệu tươi nhất, ngon nhất có thể! – Giọng ồm ồm đầy uy lực của ông chủ khiến ai nấy đều im thin thít lắng nghe – Từ chiếc khăn lót tay đến chọn bản nhạc trong lúc mọi người ăn uống, phải được kiểm tra đi kiểm tra lại cho đến khi… không thể tốt hơn được nữa mới thôi. Rõ cả chưa?
Mọi người lục tục kéo nhau ra khỏi căn phòng ngột ngạt mùi hơi người và khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao của mình. Một tâm trạng vừa lo âu vừa hãnh diện.
– Asia, cô ở lại mấy phút, tôi có chuyện cần bàn gấp!
Cô phục vụ bàn có tên Asia đã bước ra đến cửa, vội quay lại. Đó là một thiếu nữ tầm mười chín tuổi tóc màu hạt dẻ, hơi đậm người, gương mặt có nét phảng phất trung Á. Đôi mắt nâu long lanh, lúc nào cũng như cười dưới hàng lông mi dày và cong vút. Bên ngoài, mọi người đã tản ra hết, cánh cửa sau lưng họ khép lại. Duy chỉ có bà thủ quĩ Valia béo ục ịch vẫn còn nấn ná, mắt la mày lém chờ mọi người tản đi hết, rồi ngồi thụp xuống ghé sát tai vào lỗ khóa cửa.
Giọng ông chủ không còn oang oang như trước nữa mà dịu xuống, gần như thầm thì:
– Cô biết rồi đấy, thượng khách thứ bảy tới là tầng lớp tinh hoa của Moskva của cả liên bang, họ vừa giữ những vị trí cao trong bộ quốc phòng đầy quyền lực vừa không thiếu tiền…
– Dạ, cháu hiểu ạ!
– Gu thẩm mỹ của họ rất khó tính và quý tộc, nhất là các bà vợ. Chúng ta và chỉ quán của chúng ta mới có một món ăn tinh thần tuyệt vời mà không một nhà hàng nào trên phố Arbat này có được… cô biết tôi định nói gì rồi chứ?
Bên ngoài, bà Valia gần như dính chặt cả tai cả người vào lỗ khóa, giả dụ có ai đó muốn kéo bà ta ra chắc chỉ còn cách tháo  nguyên cả cánh cửa ra mà thôi.
– Dạ, cháu chưa rõ lắm. Cháu thì có liên quan gì tới món ăn tinh thần đó ạ? Asia hơi ngạc nhiên hỏi lại bằng một giọng trong trẻo, ngây thơ.
– Cô giấu ai chứ làm sao qua được mắt tôi – Ông chủ bỗng lên giọng
– Cháu giấu gì ạ?
– Thế cô tưởng tôi mù hay điếc mà không biết cô và thằng sinh viên trường nhạc Đam San phải lòng nhau, hả? Mỗi lần nó biểu diễn ở đây, với cô chả khác gì được người ta boa cho cả trăm rúp. Cô chạy đi chạy lại ưỡn ẹo làm những việc chả phải nhiệm vụ của mình, chỉ cốt được đến gần nó, chạm vào người nó. Rồi ánh mắt cô nhìn lúc nó chơi đàn thì chả cần phải một thằng già lọc lõi như tôi mới phát hiện ra…
Cô phục vụ Asia cứ xoắn hai bàn tay vào nhau, mặt cúi gằm xuống. Cặp má lúm đồng tiền đỏ lựng lên, lan cả xuống chiếc cổ trắng ngần có đeo một chiếc thánh giá nhỏ bằng bạc.
– Thôi, tôi chỉ nói thế thôi, đây là chuyện riêng của cô cậu. Tôi biết, nó cũng có cảm tình với cô thì mới đến đây biểu diễn, mặc dù tôi trả thù lao cũng không phải là cao. Cô muốn làm gì thì làm nhưng thứ bảy tới Đam San phải trình diễn tại đây bản Polone của Chopin. Dù nó bận đến đâu, cũng phải có mặt. Tôi sẽ viết vài chữ cho San và cô phải đích thân cầm tới ký túc xá đưa tận tay. Nếu không có câu trả lời đồng ý thì cô cũng đừng quay lại đây làm việc nữa, rõ chưa? 
III. Asia ngắm lại mình trong khung cửa sổ của toa tàu điện ngầm. Cô hài lòng với chiếc áo khoác dạ mỏng màu xám cổ bẻ và chiếc mũ nồi mới mua bằng tiền lương dành dụm được. Cô thấy vui khi cảm nhận được những ánh mắt thèm muốn lộ liễu của mấy chàng trai trẻ ở cuối toa. Asia quay người lại và lấy cuốn sách đang đọc dở trong túi ra, sách về mối tình của nhà soạn nhạc thiên tài Chopinvới nữ văn sĩ Pháp Geoge Sand mà San để quên trong quán tuần trước. Ở giữa cuốn sách là bức thư của ông Mikhain trong chiếc phong bì có in nổi hình hai con thiên nga và địa chỉ của quán. Ông đã tế nhị và hiểu đời bỏ vào trong đó sấp tiền rúp ứng trước cho San.
Asia bỏ chiếc phong bì dày vào túi trong của áo dạ, rồi chăm chú đọc tiếp. Cô tủm tỉm cười một mình vì tìm ra sự giống nhau giữa tình cảm của cô với nữ nhân vật chính trong sách. Tình yêu của cô với San thật bất ngờ và bột phát. Cô cũng không hiểu  vì lý do gì mà cô cứ bị hút về phía anh một cách vô thức, mặc dù San người thấp bé, da nâu nâu và có vẻ gì đó bẽn lẽn rụt rè như con gái. Anh rất ít nói và phát âm tiếng Nga vẫn còn chưa sõi, lơ lớ nhưng rất đáng yêu. Nhất là những âm sát. Ngay buổi biểu diễn đầu tiên của San tại quán, cô đã chủ động tìm nắm bàn tay anh trong bóng tối của cánh gà bên cạnh sân khấu. Hai bàn tay xiết chặt lấy nhau. Tiếp đó, giọng của ông chủ quán vang lên: “Mời các bạn thưởng thức một tác phẩm của nhà soạn nhạc Ba Lan Chopin do một sinh viên năm thứ hai của nhạc viện Tchaikovsky trình  diễn – Đam San! Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía cánh gà nơi San và Asia đang đứng. Mọi người im lặng ngạc nhiên, đâu đó nổi lên nhiều tiếng xì xào bàn tán. Có lẽ, cung cách ăn mặc không theo mốt thời thượng, bộ dạng lại thấp bé của San, thêm mái tóc đen nhánh hơi xoăn khiến cậu giống như một học sinh phổ thông hơn là một nhạc công đủ bản lĩnh để chơi nhạc đẳng cấp Chopin. San lẳng lặng, hơi chút rụt rè bước tới bên chiếc đàn Piano màu đen bóng loáng của Đức. Cậu ngồi xuống, không nhìn về phía các thực khách béo tốt hồng hào đang ném những ánh mắt đầy nghi ngờ và dè dặt về phía mình, mà ngoảnh đầu nhìn về phía Asia như ngầm bảo: “Anh đàn vì em đấy!”. Bốn mắt họ gặp nhau cũng là lúc những hợp âm đầu tiên vang lên.
Cả gian phòng đột nhiên như hóa đá, mọi người bị thôi miên bởi những âm thanh huyền ảo mê hoặc như hàng trăm quả cầu thủy tinh văng ra dưới các ngón tay gầy guộc của chàng sinh viên. Họ bị ghì chặt, cứng đơ ở những tư thế khác nhau. Người thì khựng lại khi đang rót rượu, kẻ thì cứng hàm khi nhả những vòng tròn khói thuốc lên không trung. Mãi mấy phút sau, khán giả mới thoát ra được khỏi trạng thái đờ đẫn, có thể nói là sững sờ mỗi khi con người ta bị Cái Đẹp dưới vỏ bọc của âm thanh bất ngờ tràn tới như một cơn sóng thần, cuốn phăng đi và nuốt chửng…
San đứng dậy và bỏ vào trong cánh gà để mặc cho cả gian phòng gào lên vì hưng phấn và thỏa mãn. Chùm đèn pha lê trên trần rung rinh chao đảo như sắp rớt xuống vì tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn kéo dài không dứt.
Asia ôm ghì lấy San trong phòng thay quần áo chật hẹp, tranh tối tranh sáng. Đôi môi họ tìm đến nhau một cách không thể cưỡng được. Cô lùa các ngón tay vào mái tóc đen dài thô cứng của anh. Hai thân thể trẻ trung đầy sức sống như bện chặt vào nhau, ngây ngất vì ham muốn. Người cô nổi gai ốc khi bàn tay luống cuống của San giật tung mấy chiếc cúc áo ngực…
– Để em chốt cửa lại đã… – Asia vừa thở hổn hển vừa nhoài người về phía cửa ra vào. Đúng lúc đó, cánh cửa bị bật tung ra và tay bảo vệ Vitali cao lớn, đầu cắt trọc bước vào.
– Không được động vào anh ấy! Asia quát lên và ánh mắt của cô khiến gã đàn ông định sừng sộ với San vội cụp mặt xuống.
– Đây không phải là nhà riêng của các người! – Gã làu bàu
– Thì sao? Anh định làm gì tôi? Asia một tay chống nạnh một tay xỉa xói vào mặt Vitali. Gã giật lùi trở ra và trước khi đóng sập cánh cửa lại còn ném ra một câu đầy hăm dọa
– Được rồi, các người sẽ biết tay!
Sông Moskva rì rầm chảy trong đêm. Con đường kè đá ven sông vắng tanh không một bóng người. Xa xa, nhưng cột đèn đường lặng thinh trầm ngâm như những dấu cảm thán lớn hắt bóng xuống mặt nước đen sẫm phản chiếu những tòa tháp cổ mái tròn hàng trăm năm tuổi.
– Hình như, mỗi viên đá lát đường cũng mang trong mình một dấu ấn của thời gian mà không phải ai cũng cảm nhận được – San dừng lại, tựa lưng vào thanh lan can trên cầu và nói tiếp – không khí ở đây, cây cỏ ở đây cũng tràn đầy những suy tư và truyền cảm hứng cho những các nhà thơ và nghệ sĩ…
– Nhất là nghệ sĩ piano…- Asia tiếp lời giọng trêu chọc và cất tiếng cười lanh lảnh vang xa trong đêm thanh vắng
– Tất nhiên rồi… Anh không thể không sáng tác… anh ấp ủ một bản giao hưởng để đời…
– Đề tài gì vậy?
– Bí mật! nói trước bước không qua!
– Thế em có xứng đáng được là… một nốt nhạc trong đó không?
– Tiếng cười của em trong đêm nay đã là âm nhạc đích thực rồi… thôi, muộn rồi, để anh tiễn em về. Mẹ em chắc đã lo cuống cả lên đấy…
Đôi trai gái khoác vai nhau đi trong đêm, sóng bước cùng dòng sông đang lững lờ trôi. Có tiếng máy canô từ xa vọng lại, hình như một con tàu du lịch cuối cùng cập bến. Một đêm yên tĩnh và thanh bình dưới vòm trời đầy sao.
Cả hai còn trẻ, còn ảo tưởng nhiều về tương lai màu hồng.
Móng vuốt của cuộc đời vẫn còn giấu kín trong bao tay bọc nhung. 
IV. Ra khỏi tàu điện ngầm Arbat, Asia rẽ tay trái và rảo bước dọc phố Bolsha Nikitska. Khu vực này đối với cô cũng hết sức lạ lẫm nên đến ngã ba, cô dừng lại để hỏi đường cho chính xác. Mãi đến người thứ ba, một bà cụ già về hưu tay xách làn thức ăn nặng trĩu, đặt túi xuống, vừa thở vừa nói:
– Nhạc viện hả?
– Vâng ạ, Chaikovsky – Asia nói liến thoắng
– Cháu cứ đi thẳng… qua một ngã tư… sẽ thấy bức tượng ông ấy ngồi vắt vẻo trên ghế, à mà chỉ cần đến gần đó cũng đã nghe thấy tiếng đàn tiếng tiếng hát từ sáng tinh mơ đến tận chiều tối. Tôi trước làm y tá trong đó, lâu rồi sau đại chiến thế giới thứ II…
– Cháu cảm ơn bà – Asia vội ngắt lời ngay vì biết chắc bà lại muốn kể lể chuyện con cà con kê.
Bà già hơi bị cụt hứng, nhìn theo cái dáng đi nhún nhảy của cô gái và chắc hẳn trong lòng cảm thấy một chút gì đó nghen tỵ với cái vẻ trẻ trung mơn mởn đầy sức sống của cô gái hỏi đường. Bà nhấc chiếc làn nặng lên và hơi tập tễnh đi về hướng ngược lại.
Đúng như bà già nói, chỉ cần bước chân lên khỏi ngã tư, Asia đã nghe thấy những âm thanh của các loại nhạc cụ vang vọng xuống từ các cửa sổ mở toang trong tòa nhà vốn là một tu viện nữ, quét vôi màu sữa.
Cô rảo bước dọc theo lớp hàng rào bằng gang sơn xám được đúc hình các khuông nhạc chạy dài. Đến dưới bức tượng Chaikovsky, bất ngờ cô hứng chí nhảy lên với tay chạm vào chiếc giày của ông. Thấp thoáng bên kia sau những thân cây hạt dẻ, từng nhóm từng tốp sinh viên ăn mặc kiểu cách đúng mốt thời thượng đứng túm tụm trò chuyện, cười nói ồn ào. Một thế giới hoàn toàn khác với môi trường nơi cô sống tại một khu tập thể công nhân dệt may dành cho các bà mẹ đơn thân ở ngoại ô thủ đô. Asia hơi e ngại, bối rối khi bước vào sân trong, đi ngang qua những con người thông minh được trời ban cho tài năng và may mắn. Ánh mắt cô nhìn họ vừa ngưỡng mộ vừa xa cách.
“Vậy mà San của mình cũng đang học tại đây!” Ý nghĩ này chợt đến khiến cô phấn khởi như mở cờ trong lòng và cảm thấy hãnh diện, tự tin để bước tới mở cánh cửa gỗ nặng trịch màu vàng tại tòa nhà chính có hai chiếc cột lớn màu trắng.
– Bác có thể cho cháu gặp anh Đam San, sinh viên người Việt Nam năm thứ hai khoa Piano không ạ? Asia nhỏ nhẹ hỏi ông già đang gục đầu ngủ gà ngủ gật trên ghế trong phòng bảo vệ ngay sát cầu thang. Chiếc mũ lưới trai được ông kéo sụp xuống che mặt. Ông choàng tỉnh, vừa dụi mắt vừa lên giọng hách dịch
– Đang giờ học…- Nhìn thấy khuôn mặt dễ thương và ánh mắt van nài của Asia, ông bảo vệ thay đổi giọng – Chờ đấy! Để tôi xem lịch học đã…
– Cháu cần chuyển gấp cho anh ấy một lá thư, rất quan trọng…Asia nói với theo sau lưng cái thân hình to béo của ông lắc lư đi về phía lối rẽ hành lang.
“Ai cũng nghĩ chỉ việc mình quan trọng, còn thiên hạ là rác cả hay sao?” Ông lẩm nhẩm trong mồm.
Asia đứng chờ, ngước mắt nhìn lên vòm xoắn trôn ốc của cầu thang cao vút mà cảm thấy choáng ngợp. Một tốp sinh viên ồn ào đi xuống, những chiếc hộp đàn màu đen cồng kềnh đeo sau lưng. Một chàng sinh viên râu quai nón, vừa bước xuống thang gác vừa luyện âm bằng một giọng trầm, cảm tưởng như cửa kính rung rinh. Một lúc sau, ông bảo vệ già bước ra, cũng vẫn với nốt giọng cao như lúc nãy:
– Cậu ta đang tập với dàn nhạc trong phòng hòa nhạc lớn, chắc cũng còn lâu đấy!
– Bác làm ơn cho cháu vào… đưa cho anh ấy bức thư rồi ra ngay – Vừa nói Asia vừa nhớ đến câu trả lời dứt khoát của ông chủ quán Mikhain: “Nếu không có được lời đồng ý của San thì đừng quay lại đây làm việc nữa!”
– Cô muốn tôi bị sa thải à?
– Cháu van bác đấy… cháu là người yêu của anh ấy… rất gấp – Asia bật khóc
Thôi được rồi, chờ đấy!
Nước mắt của phụ nữ đã tỏ rõ sức mạnh. Ông già cau mặt vẻ khó chịu và nhìn quanh, rồi nói với một nữ sinh đeo chiếc hộp đàn Violon tình cờ đi ngang qua  – này cô kia, cô có thể dẫn con bé này lên phòng hòa nhạc lớn được không?
– Dạ được – Cô nữ sinh mặt lấm tấm tàn nhang trả lời vui vẻ – Đi theo tớ!
Hai thiếu nữ chạy dọc các hành lang dài và rộng có trần cao vút. Những bắp chân trần của họ loang loáng lướt trên mặt sàn lát gỗ màu hổ phách. Bức tường hai bên treo đầy tranh phong cảnh  cũng như tranh tĩnh vật. Những vạt nắng rực rỡ hắt từ ngoài cửa sổ vào khiến một nhóm sinh viên chơi kèn đứng ngồi ngay trên bệ cửa sổ, dưới ánh nắng để học. Những kệ để bản nhạc cũng được đặt ngay sát cửa sổ.  Một nam sinh có mái tóc dài như con gái bất ngờ ngửa mặt tấu lên một điệu kèn xung trận đầy hào khí khi hai thiếu nữ chạy ngang qua. Những tiếng cười rộ kèm những câu đùa tếu táo biểu lộ niềm hân hoan và sức sống của tuổi trẻ. Họ bước qua cửa các phòng thư viện, nơi mọi người đang chúi mũi ghi ghi chép chép, một vài sinh viên đeo kính đang tra thư mục cạnh các giá sách cáo sát trần nhà. Một cánh cửa mở hé để lộ bên trong một giáo sư già tóc bạc trắng như cước đang ngồi ườn ra trên đi-văng để nghe một sinh viên đang kéo đàn vĩ cầm. Qua cánh cửa kính trong suốt trông rõ một nữ ca sĩ opera tóc bạch kim đang luyện giọng với thầy giáo của mình. Asia bước chậm lại, tim đập nhanh hơn vì trông thấy những tấm biển bằng đá trắng ghi chữ vàng: “Giảng đường nơi Tchaikovsky đã từng dạy học” “Mistislav Rostropovich làm việc tại đây”… Những tên tuổi tầm cỡ thế giới mà cô đã được nghe tới như ở đâu đó cao vời vợi, vậy mà hôm nay, cô được chứng kiến tận mắt, sờ tận tay.
Hai thiếu nữ nắm tay nhau bước ra một sảnh không gian rộng lớn với hai chiếc cột trắng toát bằng đá cẩm thạch.
Asia chạy xung quanh một vòng và sững sờ dừng lại trước bức tranh bằng thủy tinh màu rộng đúng bằng bức tường đối diện.
– Đó là bức Thánh nữ Secilia – Cô bạn bước tới bên cạnh và thì thầm vào tai Asia – Nữ thần bảo trợ cho âm nhạc đấy! Kia là cửa chính của phòng hòa nhạc lớn! từ sân khấu khi cánh cửa kia mở ra có thể nhìn thẳng vào bức ảnh thánh tuyệt đẹp này. Các nghệ sĩ cũng rất mê tín và sùng đạo mà.
– Mình thật ghen tỵ với bạn – Asia thốt lên
– Thôi, mình lên lớp đây, không muộn mất – Vừa nói, cô bạn vừa chạy về phía lối rẽ vào hành lang.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
Asia hét to và vẫy tay nhìn theo hai chiếc nơ trên bím tóc như hai con bướm trắng chấp chới đuổi theo bên cạnh cô nữ sinh tốt bụng.
Còn lại một mình, Asia bất giác ngẩng đầu nhìn lên bức ảnh Thánh nữ Secillia và kín đáo đưa tay làm dấu thánh.
“Cầu mong Bà phù hộ cho con, để trái tim của anh ấy thuộc về con, để chúng con được ở bên nhau…”.
Sau những lời cầu nguyện đó, Asia cảm thấy vững tâm và chậm rãi đặt từng bước chân của mình lên tấm thảm màu xanh trải dài đến sát cánh cửa gỗ có nắm tay bằng đồng lên nước bóng loáng. Trong đầu cô thoáng ý nghĩ nếu số bước chân đến cánh cửa kia là chẵn thì anh ấy đồng ý và ngược lại. Cô lo lắng vừa đếm vừa bước nhưng chưa kịp đi đến nơi thì cánh cửa đột ngột bật mở và một người đàn ông thấp lùn, đầu hói bóng, nách kẹp chiếc đàn violon, bước ra.
– Bác có thể gọi hộ cháu anh Đam San, không ạ?
– Khó có thể từ chối được một cô gái xinh đẹp như thế này! – Ông vừa nói vừa nhoẻn nụ cười thân thiện – Cô có thể tạm ứng một nụ hôn vào má cho tôi được không? Dây đàn bị đứt, mười lăm phút nữa quay lại, tôi sẽ gọi cậu ta cho cô. Nó đang bị ông giáo sư-nhạc trưởng hành cho ra bã đấy. Khổ thân, người thì nhỏ thó không biết có qua được kỳ sát hạch này không? À, cô vào ngồi tạm ở hàng ghế cuối mà chờ!
Ông mở rộng cánh cửa và chìa má ra. Asia hôn nhẹ vào bên má râu mọc lởm chởm của ông nhạc công vui tính, rồi rụt rè lách người qua khe cửa bước vào phòng hòa nhạc lớn.
Một cảm giác choáng ngợp vì một bầu không khí trang nghiêm đến bí ẩn giăng khắp gian phòng có vòm cuốn cao vút bóp chặt trái tim cô gái như mỗi lần cùng mẹ đi lễ ở nhà thờ Sophie. Cô lướt ánh mắt nhìn lên những bức chân dung hình oval của các nhạc sĩ thiên tài Nga và thế giới treo ngang phía trên cao, dưới mỗi khung cửa sổ trổ sát trần, chẳng khác gì các bức ảnh thánh trong nhà thờ.
“Một thánh đường âm nhạc!” Cô tự nhủ trong lòng và khẽ khàng hạ ghế ngồi xuống hàng cuối cùng, ngay sát lối đi. Từ xa, cô đã nhận ra cái dáng nhỏ bé của San đang cúi mình lặp đi lặp lại một tổ hợp âm thanh trên chiếc dương cầm đen. Trái tim cô đột nhiên đập mạnh lên những nhịp khác thường và hai má nóng bừng, trong lòng nhộn nhạo như có ngọn lửa đang reo. Đứng quay lưng lại phía cô là ông nhạc trưởng tóc dài đang vung vẩy chiếc que và cao giọng quát mắng một nhạc công nào đó chơi đàn Selo. Tự nhiên, Asia có ác cảm với ông này sau khi nghe vị nhạc công vừa đi ra cho biết là ông giáo sư đang “hành hạ San”. Cô chợt thấy chạnh lòng vì nhớ tới giọng điệu đe dọa đuổi việc của ông chủ Mikhain. Rồi còn gã Vitali bảo vệ nữa, không biết  định giở trò gì ra nữa đây? Mẹ cô sẽ làm gì nếu biết cô đem lòng yêu mến một sinh viên nước ngoài? Một người Việt Nam xa lắc xa lơ? Chắc chắn là bà sẽ phản đối thậm chí còn có thể từ cả cô. Mấy bà hàng xóm nát rượu trong khu tập thể cô ở, miệng lưỡi đàm tiếu thì chả còn gì là không bới ra soi mói. Ôi, mới bắt đầu yêu mà đã lắm chuyện phiền toái! Hình như, cả cái xã hội này, cả cái thế giới này đứng ngáng đường cô đến với San vậy…
Asia cảm thấy thấm mệt, ngả lưng vào thành ghế miên man nghĩ ngợi.
Những ý nghĩ về bản thân xen lẫn những hình ảnh trên sân khấu đang diễn ra trước mặt. Các nhạc công ăn mặc lôi thôi, mỗi người một phách, có người còn cởi trần. Cả dàn giao hưởng khi biểu diễn nghe mượt mà là thế nhưng lúc tập sao mà khập khiễng, cáu kỉnh và lộn xộn. Các âm thanh hỗn loạn của các loại nhạc cụ, tiếng la ó của ông nhạc trưởng, tiếng khóc tấm tức của một nữ nhạc công… chả khác gì một gánh hát rong của dân Digan giữa một phiên chợ.
Asia nghe rõ mấy lần ông giáo sư chế nhạo San là có đôi tai của một con bò. Cô giận ông ta lắm và chỉ biết lẩm nhẩm: “Tôi yêu con bò đó đấy! Còn ông thì giống… một con dê già cáu bẳn”.
Bỗng, cô giật mình vì cái vỗ vai nhẹ của vị nhạc công vui tính vừa quay trở lại.
– Để tôi bảo San nhé! Chờ một phút!
Ông vừa đi giữa hai hàng ghế trống để lên tới sân khấu vừa la la một giai điệu của bản nhạc đang tập. Ông bước tới bên chỗ San và cúi đầu thì thầm vào tai anh. Tiếng đàn chợt ngừng bặt. San vụt đứng dậy và nhìn hút về phía cuối gian. Asia giơ tay lên vẫy. San nói gì đó với ông nhạc trưởng rồi hấp tấp vội vàng rời sân khấu. Cả hai cùng chạy lại và ôm chầm lấy nhau ở ngay chính giữa gian phòng, dưới chùm đèn pha lê không bật sáng vì ánh mặt trời từ ngoài hắt vào qua các cửa sổ nhỏ sát trần nhà.
– Sao em lại đến đây vào giờ này? San hỏi giọng trách móc
– Chúng ta ra ngoài kia nói chuyện được không? Có việc quan trọng muốn bàn với anh…
– Chuyện gì thế? Nói ngay đi! Đang trong giờ tập… không tiện…giáo sư rất nghiêm khắc…
– Đây là thư của ông Mikhain… thứ bảy này nhà hàng có khách rất quan trọng… từ bộ quốc phòng… ông ấy muốn anh chơi Chopin…
– Ôi! Thật không đúng lúc chút nào! Thứ bảy anh đã hẹn dự sinh nhật con gái của nguyên thủ quốc gia, chị ấy học ở Tổng hợp Lomonosov…
– Ông ấy gửi trước anh tiền tạm ứng nữa này…
– Anh không đến được đâu… em mang về trả lại ông ấy đi!
– Thật không anh? Nếu thế thì…
– Sao lại không thật ? San cáu bẳn cắt ngang – Ông ấy chỉ biết nghĩ đến nhà hàng của mình… em thử đặt địa vị vào anh xem… em có thể từ chối đến biểu diễn tại sinh nhật của con gái của một nhân vật… đại loại giống như… Galia Breznhev được không?
Đến đây thì Asia bật òa khóc nức nở, vùng ra khỏi vòng tay ôm của San rồi bỏ chạy ra ngoài. San đứng sững lại một lúc, ngoảnh đầu nhìn về phía dàn nhạc trên sân khấu và cắm đầu đuổi theo. Vừa ra khỏi gian, San đã va ngay phải bà giáo vụ già của khoa, làm bắn tung tóe chồng tài liệu trên tay bà xuống sàn nhà. San  vội vội vàng vàng vừa xin lỗi vừa giúp nhặt đống giấy tờ lên. Bóng của Asia đã mất hút ở cuối hành lang. San chạy đến đầu cầu thang và đứng khựng lại. Anh cúi gập người nhìn xuống những vòng xoáy sâu hút của cầu thang tòa nhà, rồi hét to:
– Asia! Asia! Đứng lại em!
Chiếc váy hoa thấp thoáng và mái tóc màu hạt dẻ mất hút sau lan can tầng trệt. 
IV. San vô cùng bồn chồn hối hận vì sự việc xảy ra ở trường.
Anh chỉ biết câm lặng trước những lời mắng mỏ như sát muối của vị giáo sư nhạc trưởng gốc Do Thái Bekh Alekceyevich. Anh không hề để bụng vì biết rằng đằng sau những lời nói thô lỗ, thậm chí tục tằn là một tấm lòng vàng.
“Đừng để đàn bà dắt mũi, họ chỉ là chất xúc tác cho âm nhạc mà thôi!”
Lời nói của ông vang lên trong đầu San vào giữa đêm khi tỉnh giấc trên giường. Anh không ngủ tiếp được nữa và rón rén ngồi dậy để không làm thức giấc người bạn cùng phòng ký túc xá. Anh mở cửa và bước ra ngoài ban công. Đêm thu se lạnh khiến anh rùng mình. Moskva chìm đắm trong giấc ngủ khỏe khoắn và nặng nề như của chàng hiệp sĩ.
Một mảnh trăng lưỡi liềm treo chênh chếch, cô đơn trên bầu trời khiến lòng anh chạnh nhớ tới quê nhà. Anh nhớ mấy năm sơ tán của nhạc viện Hà Nội ở chùa Thầy. Vào những đêm trăng sáng, mẹ anh đã chơi những bản nhạc của Chopin. Lần đầu tiên trong đời, anh tiếp xúc với âm nhạc của ông giữa một khung cảnh thôn quê nghèo đói xơ xác vì chiến tranh, nhưng dưới ánh trăng bỗng trở nên lấp lánh, huyền ảo đầy lãng mạn. Thằng bé chín tuổi là anh lúc đó, ngồi tựa lưng vào đống rơm còn thơm mùi lúa nếp, mùi bùn non, vừa mơ màng nhìn lên vầng trăng khổng lồ  vàng rực như chiếc mâm đang từ từ vượt lên khỏi những ngọn tre đằng ngà đung đưa trong gió. Chopin đã ôm trọn tuổi thơ của anh và gieo những hạt mầm đầu tiên của một cá tính sáng tạo.
San vừa nhận được tin cha bị ốm nặng trong trại cải huấn ở Lao Cai. Ông là một nhà thơ có tài và tham gia vào bộ máy tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Cha mẹ anh ly dị cùng với sự chia cắt hai miền của quê hương, mỗi người đi theo lý tưởng riêng của mình. San sống cùng mẹ, một giảng viên thanh nhạc của nhạc viện Hà Nội, một ca sĩ nổi tiếng của dân tộc Tây Nguyên. Cái tên Đam San – Nhân vật anh hùng trong trường ca Tây Nguyên  của anh là một sự gửi gắm của mẹ và cha anh.
San hút nốt điếu thuốc lá còn bỏ dở để trong hộp cá thu trên lan can. Chiều qua, từ máy điện thoại tự động dưới chân ký túc xá, anh đã gọi nhiều lần tới quán ”Thiên Nga” nhưng đều không gặp được Asia và cả ông Mikhain nữa. Chắc họ đã giận anh và không ai thèm nghe máy. Qua giọng trả lời cáu bẳn của bà Valia thủ quĩ cũng đủ biết.  Đúng là anh đã bỏ lỡ một dịp để kiếm được một khoản tiền kha khá, nhất là trong lúc này. Nhưng thật chớ trêu, lễ sinh nhật của chị Lê Vy lại đúng vào chiều thứ bảy. Chị đã bảo ông tùy viên văn hóa của sứ quán gọi điện tới nhạc viện để mời anh tới chơi Chopin tại nhà riêng, với sự có mặt của bạn bè thân và khách sang trọng trong chính giới Xô-Viết. Mặc dù giọng nói khệnh khạng bề trên và gần như là ra lệnh của ông tùy viên văn hóa làm San bực mình, nhưng đây là một cơ hội hiếm có, không thể bỏ qua.
Không hề để lộ với bất cứ ai, trong đầu San đang nung nấu một ý định riêng của mình, một kế hoạch có thể nói là liều lĩnh và táo bạo để cứu cha. Anh muốn thông qua Lê Vy nhờ tác động đến người cha đầy quyền sinh quyền sát của chị mong được phóng thích sớm cho bố.
– Sao, không ngủ được à? Chắc lại nhớ nhà, đúng không? – Giọng ngái ngủ của người bạn từ trong bóng tối vọng ra. Hasam là một ca sĩ hát opera đến từ vùng núi Daghestan Trung Á. Anh choàng cả cái chăn rộng lên thân hình lực sĩ trần trụi của mình, bước ra ngoài ban công và ngồi xuống bên cạnh San – Mình cũng nhớ núi rừng nhớ người yêu ở nhà… Rồi bất ngờ, anh cất giọng trầm ấm đầy truyền cảm…
Mắt em biến hóa khôn lường
Khi thì bình lặng lúc dường bão giông
Trong veo rạng rỡ mênh mông
Ngày hè êm ả cũng  không đẹp bằng
Đôi khi chúng tựa đêm rằm
Hồ trên núi cũng chẳng bằng mắt em
Hàng mi yểu điệu buông rèm
Ánh nhìn trong trắng của em lạ thường
Hớp hồn đôi mắt dễ thương
Đi trong giấc mộng du dương ngọt ngào
Khi e ấp sau bờ rào
Hàng mi cong vút biết bao ẩn tình
Đôi mắt ấy biết cười xinh
Biết rầu giọt lệ trên tình thi ca
Rõ ràng đôi mắt thật thà
Cướp đi tĩnh lặng trước là của anh
Đam San bỗng nhớ đến cô gái mối tình đầu cùng học nhạc viện Hà Nội của mình mà không khỏi sót xa ngậm ngùi. Đôi mắt cô cũng đen thăm thẳm như màn đêm. Gia đình cấm cô không được quan hệ đi lại với San chỉ vì bố anh đang thụ án cải tạo. Sự chia lìa của cha mẹ anh vẫn chưa đủ để đứa con thoát khỏi cái bóng đè nặng của người cha ở bên kia chiến tuyến. Và San vẫn còn nhớ như in cái đêm mẹ anh không về nhà. Anh đã thao thức chờ, cũng không ngủ được như đêm nay. Lúc ra đi, bà đánh phấn ăn diện như chuẩn bị bước ra sân khấu. Bà mặc chiếc áo dân tộc của người Ede, mái tóc đen bồng bềnh. Đôi mắt thì thật kỳ lạ, vừa đẹp vừa ánh lên những tia dữ tợn. San thừa hưởng được đôi mắt hút hồn của bà. Mặc dù San gặng hỏi, bà vẫn một mực im lặng. Anh ngồi đàn suốt đêm, tất nhiên chỉ chơi nhạc của Chopin, chỉ nhạc của ông mới lấp đầy được những khoảng trống trong tâm hồn anh. Cuối cùng, đến gần sáng, San ngủ gục trên mặt đàn vì quá căng thẳng, mệt mỏi và đói. Anh chợt bừng tỉnh khi vòng tay của mẹ ôm choàng lấy anh và đỡ anh ra giường nằm.
– Những kẻ muốn lấy bố con ra để chọc gậy bánh xe… đã thất bại – Mẹ anh thì thầm, giọng run run – Con sẽ vẫn được sang nhạc viện Chaikovsky du học theo đúng điểm thi tuyệt đối của mình!
– Mẹ không oán giận bố chứ?
– Không bao giờ! Mẹ vẫn yêu bố con!
Anh ôm ghì lấy mẹ và khóc nức nở như hồi còn bé. Hai mẹ con cùng khóc và không hề nói thêm với nhau câu nào. Cả hai ngầm hiểu và cùng nhỏ những giọt nước mắt sung sướng nhưng mặn chát. Số phận của họ thật quá mong manh. Cả hai thấm hiểu rằng họ thuộc về nhóm yếu thế trong xã hội này. Tài năng chưa phải là tất cả, thậm chí nó lại là đối tượng của lòng ghen ghét đố kỵ của đồng nghiệp. Việc mẹ anh làm giống như một người bị kẻ cướp dồn vào chân tường và dí dao sát cổ.
Lúc mẹ anh đứng trước gương lau lớp phấn trên mặt, anh giả vờ không nhìn thấy những vệt đỏ xung quanh cổ bà.
Sau này, trên con đường nghệ thuật đầy sóng gió, trong những giây phút bế tắc đường cùng, San được vực dậy nhờ chính hình ảnh này của mẹ. Và, chỉ trước lúc mất bà mới thổ lộ với anh chuyện gì đã xảy ra với bà vào cái đêm hôm đó.
San rụt rè kéo ghế và ngồi xuống sau chiếc đàn piano choáng lộn trong góc phòng khách. Anh đưa mắt xác định trị giá của nó và dạo vài hợp âm. Một cảm giác sung sướng đê mê bùng lên như xăng bén lửa, lan tỏa theo từng rung động phát ra từ cây đàn, truyền qua các ngón tay và tràn ngập khắp cơ thể khiến anh nổi da gà. Chả khác gì một kỵ sĩ bất ngờ được cưỡi lên mình con tuấn mã có nước kiệu tuyệt vời.
Khu phố cổ Arbat của Moskva
V. – Lấy giấy bút ghi địa chỉ! – San nhận ngay ra giọng nói của người ở đầu dây bên kia.
Anh quay sang lấy tay làm cử chỉ mượn cây bút. Bà trực ký túc xá nhanh nhẹn cầm mẩu bút chì trên bàn và lật mặt sau cuốn sổ trực ban, rồi đặt ra trước mặt anh.
– Rõ chưa! Không được muộn đấy! Toàn khách cao cấp! Bí mật tuyệt đối!
Ông tùy viên văn hóa đặt ống nghe xuống.
Moskva rực rỡ ánh đèn. San ngồi trên ghế xe tắc-xi lòng bồn chồn không yên. Phố xá, cửa hàng cửa hiệu nhấp nháy lướt qua. Mọi người ăn mặc đẹp đẽ đúng mốt thời thượng, đi lại mua xắm tấp nập trong các cửa hàng thực phẩm đầy ắp đồ ăn thức uống. Nhiều đôi trai gái nắm tay nhau đi dạo hoặc đứng tha thẩn bên cạnh các đài phun nước, các bức tượng nghệ thuật trong công viên. Cả những con chó cao lênh khênh cũng ung dung và tự tin dạo bước bên cạnh những bà chủ phấn son lòe loẹt, váy áo diêm dúa.
“Cuộc sống của họ thật đầy đủ và sung túc!”
San thầm nghĩ bụng, chạnh lòng nhớ đến khu tập thể 187 phố Tây Sơn của Hà Nội nơi hai mẹ con trú ngụ. Những hành lang chật chội, tối tăm vừa là lối đi vừa là nhà bếp, khói mù mịt vào mỗi buổi chiều sau giờ tan tầm các gia đình cùng nhau nấu ăn. Rồi những đêm mất ngủ xếp hàng dài tại máy nước công cộng ở dưới sân. Cảnh tranh giành, chửi bới nhau, những tiếng xô xát của những con người sống bữa nay lo bữa mai. Niềm vui của họ là được thấy có điện có nước và  đi bới móc chuyện đời tư của gia đình hàng xóm…
Bỗng, ông lái xe đưa tay sang bật công tắc chiếc radio gắn phía trước mặt. Đây là đài phát thanh tiếng nói Moskva. Ca sĩ Ala Pugachova hát bài  “Chiếc đồng hồ cổ” đang rất thịnh hành. San thực sự không ngưỡng mộ lắm ca sĩ này mà thấy giọng của mẹ mình hay và truyền cảm hơn. Mỗi khi giọng mẹ cất lên, anh như nghe thấy cả một dàn hợp xướng của rừng đại ngàn Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng, tiếng chim hót, tiếng những thác nước hùng vĩ …
– Cậu quen ai trong khu nhà của giới quí tộc thủ đô vậy? Ông lái xe vặn nhỏ radio lại và khẽ hỏi
– À… một người bạn cùng học – San nói tránh vì nhớ lời ông tùy viên.
– Cậu người nước nào? Nhật Bản?
– Ồ không! Người Việt Nam… Thôi, bác cho cháu xuống đây, cảm ơn bác, cháu đi bộ vào một đoạn… hết bao nhiêu ạ? 5 rúp?
San dừng bước trước tòa nhà cao vút xây bằng đá cẩm thạch màu xám. Lối vào có lính canh cổng. Anh nhìn lại số nhà và ngước lên nhìn những khung cửa sổ rộng, trần cao được che bởi những tấm rèm cửa bằng nhung đủ các màu, những chùm đèn lộng lẫy hắt ánh sáng ra ngoài. Xung quanh ngôi nhà là cả một vườn tùng bách chạy xa tít tắp, phía trước có một đài phun nước với những bức tượng nam nữ khỏa thân bằng đá trắng theo phong cách Hy Lạp. Từ phía ngoài đường, mấy chiếc xe vonga đen chiếu đèn pha loang loáng rẽ vào bãi đỗ. Họ mở cửa xe và bước ra, bê theo những lẵng hoa khổng lồ, những món quà được gói trong những chiếc hộp vuông to, thắt nơ sặc sỡ. San đứng chờ dưới bóng của một cây thông gần cửa để cho đoàn người kéo vào hết. Bởi vì, anh cảm nhận được một bức tường ngăn cách vô hình giữa mình và những vị khách ăn mặc sang trọng kia. Bộ vest anh mặc là thứ đã lỗi mốt của cửa hàng đồ cũ, chiếc cavat cũng mượn tạm của anh bạn ca sĩ cùng phòng, đôi giày đã hai năm nay chưa được thay. San làm một cuộc đi bộ ngắn xung quanh cây thông để lấy lại sự tự tin và chờ chiếc kim đồng hồ trên tay chỉ vào con số bảy. Cảm giác lo lắng hồi hộp dâng lên khi sắp bước vào một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới cao sang đầy ma lực. Thế giới mà ở đó con người được đánh giá bằng những tiêu chí rất xa lạ với anh như: Chức tước, dòng dõi và tiền bạc. Chính họ nắm giữ vận mệnh của quốc gia và của từng người dân. Bằng trực cảm người nghệ sĩ, anh hiểu mình khó tìm được tiếng nói chung với họ. Nhưng rồi, hình ảnh cha đang đau ốm trong trại cải huấn lại hiện lên mồn một. Đôi mắt u buồn, đau khổ của ông nhìn anh trong lần gặp gỡ cuối cùng trước hôm lên đường du học đã thúc đẩy anh tự tin hơn và bước nhanh về phía cửa tòa nhà.
Một người đàn ông Việt, tầm trung niên có để ria mép, nói bằng giọng Nam Bộ. Chẳng chào cũng chẳng thèm đưa tay ra bắt, sau  khi anh tự giới thiệu, ông ta ngoắc tay ý bảo San đi theo sau.
– Cậu đi theo tôi!
Ông ta dẫn San qua những hành lang dài, cầu thang tối lờ mờ và tới một căn phòng rộng mênh mông, vừa là nơi nấu nướng vừa là nhà kho đựng thực phẩm, các thùng rượu bia ngoại, đồ hộp các loại chất cao. Nhiều người Việt và cả người Nga đang tíu tít bưng các món ăn lên tầng trên. San nhận ra một vài gương mặt quen trong sứ quán. Mùi nem rán và thịt quay xộc vào mũi khiến San ứa nước miếng. Anh ho lên mấy cái để nuốt nước bọt xuống. Cơn đói khiến bụng anh cồn cào. Trước lúc đi anh chỉ kịp ăn vội lát bánh mì quết bơ và cốc trà đen.
– Đợi đây, để tôi báo lên cô! Người đàn ông lẳng lặng bỏ San đứng đó và đi lên tầng trên. Chẳng cần phải chờ lâu, ở đầu cầu thang xuất hiện một thiếu phụ trạc gần ba mươi, ăn mặc sang trọng kiểu Âu, mái tóc đen cắt ngắn rất quí phái. San hơi giật mình vì vẻ đẹp của chị. Người đàn bà cất giọng mắng mấy đầu bếp chậm chạp và sai bê rượu lên nhanh vì khách đã đến đông đủ. Rồi, chị cúi xuống nhìn quanh cả gian phòng rộng một lượt và dừng lại ở chỗ San đứng. Chị chỉ vẫy tay ra hiệu, không nói gì. Anh hấp tấp cắt ngang gian phòng để bước tới phía cầu thang. Người phụ nữ bước xuống một bậc và chìa tay xuống cho San bắt. Bàn tay mềm và lạnh. San nghĩ bụng, ngước mắt lên nhìn thẳng vào mặt người đàn bà mà trước đây anh mới chỉ được nghe qua lời đồn.
– Chị cho gọi em – Giọng San run run vì xúc động.
– Chị là Lê Vy. Chị nghe tiếng em từ lâu rồi, hồi còn ở trong nước cơ. Chị cũng rất mê âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển.
– Em có thể giúp gì được chị ạ? Em rất vinh dự được chị mời tới đây góp vui…
– Hôm nay có rất nhiều chính khách Nga và quốc tế – Lê Vy thì thầm vào tai San – Đều là giới tinh hoa cả, chị không thích đưa nhạc cụ dân tộc ra đây mà muốn họ được thưởng thức… Chopin của em! Nói đến đây, người đàn bà vỗ mấy cái nhè nhẹ vào lưng San – Để cho họ thấy người Việt ta cũng chả kém cạnh ai, cũng ngang tầm thế giới… thôi em lên đi! Vào ngồi đàn một lúc cho quen tay, bài gì cũng được! nhưng vào lúc cao trào, để chị giới thiệu em với quan khách như con át chủ bài ngày hôm nay, thế nhé! Em không còn bộ vest nào tươm tất hơn à? Sao không bảo trước, chị cho tiền đi mua.
– Không sao chị ạ, tiếng đàn mới là bộ mặt của em…
San rụt rè kéo ghế và ngồi xuống sau chiếc đàn piano choáng lộn trong góc phòng khách. Anh đưa mắt xác định trị giá của nó và dạo vài hợp âm. Một cảm giác sung sướng đê mê bùng lên như xăng bén lửa, lan tỏa theo từng rung động phát ra từ cây đàn, truyền qua các ngón tay và tràn ngập khắp cơ thể khiến anh nổi da gà. Chả khác gì một kỵ sĩ bất ngờ được cưỡi lên mình con tuấn mã có nước kiệu tuyệt vời.
“Bao giờ mình mới được sở hữu một báu vật như thế này?” – San nghĩ bụng và dạo ngay bản trường ca Sông Lô của Văn Cao để tay làm quen với phím đàn mới và chân điều khiển bàn đạp sao cho thật thoải mái. Trong đầu anh bỗng hiện lên những quả đồi vùng trung du và dòng sông Lô đỏ ngầu phù sa khi cùng mẹ lên thăm cha trong trại cải huấn. Trời mưa tầm tã, những lá cọ như những bàn tay giơ lên cầu cứu trên cái nền trời nặng trĩu mây đen. Dòng sông Lô của Văn Cao năm nào tràn ngập xác lính trôi dạt, hai bên bờ nhà cửa bị đốt cháy tiêu điều nền trơ than xám. Dòng sông Lô của San hôm đó cũng tràn đầy tủi nhục và đau khổ, đi bộ gần chục cây số trong rừng, hai mẹ con dìu nhau vượt qua những con suối chảy xiết. Nước mắt hòa nước mưa. Hai người ướt như chuột lột nhưng vẫn cố gắng giữ khô hộp thuốc sốt rét, lọ mắm ruốc và mấy bao thuốc lá Điện Biên cho cha. Anh không bao giờ quên được tiếng hát của mẹ lúc đó, lúc mà tưởng sức lực cạn kiệt vì đói, rét, căng thẳng. Thế mà mẹ lại cất lên tiếng hát. Bà hát những bài dân ca của dân tộc Ede, của núi rừng Tây Nguyên. Tiếng hát như ngọn đuốc dẫn hai mẹ con đi trong đêm tối…
San dừng đàn, rồi lơ đãng lặp đi lặp lại mấy hợp âm nhè nhẹ ở những nốt trầm.
Khách khứa ồn ào chào hỏi, bắt tay nhau và nói chuyện rì rầm nên chẳng ai để ý tới tiếng đàn của anh.
Hình như có chuyện gì đó khiến ai nấy đều lo lắng, căng thẳng.
Đến bây giờ San mới có thời gian quan sát căn phòng khách sang trọng được bày biện đúng theo phong cách quí tộc Nga Sa hoàng. Các bức tường đều là những giá sách cao sát trần nhà, giữa những giá sách là các bức tranh cổ điển lồng trong khung gỗ lớn. Những bức tượng bằng đá trắng to nhỏ khác nhau, đầu của Lênin được chạm khắc tinh sảo trầm tư ngay sát tượng Hồ Chí Minh bằng thạch cao không rõ trạng thái cảm xúc. San nhận ra bức tranh chân dung bán thân khổ lớn của Lê Vy bên cạnh giá sách ở phía sau lưng. Chiếc bàn rộng hình ovan kê chính giữa gian phòng, dưới ngay bộ đèn chùm rực rỡ, đã được xếp ngập các loại thức ăn đồ uống. Chính giữa bàn là một chiếc bánh gato khổng lồ, nhiều tầng màu trắng toát. Trong đời, anh chưa bao giờ nhìn thấy chiếc bánh có kích thước lớn như vậy. Các cô phục vụ người Việt ăn mặc đồng phục xanh, còn các nhân viên người Nga toàn là đàn ông, quần áo trắng tinh. Từ chỗ anh ngồi, trông rõ Lê Vy đang bắt tay từng vị khách nước ngoài mới vào và lịch sự đưa đến tận chỗ ngồi.
Cuối cùng, khách mời đã đến đông đủ, nhưng chiếc ghế bên cạnh Lê Vy vẫn còn bỏ trống. Mọi người nhìn nhau như dò hỏi và chỉ biết thầm thì bàn tán nhỏ to. Tuy không ai nói ra nhưng tất cả đều ngầm hiểu – Bữa tiệc chỉ được khai mạc khi chủ nhân của chiếc ghế trống đó xuất hiện.
San đánh xong cả bài “ Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi mà con người bí ẩn đó vẫn chưa tới. Có lẽ, âm nhạc không có sức hấp dẫn bằng sự hiện diện của nhân vật quan trọng này nên chỉ có độc một người vỗ tay. Tiếng vỗ tay của ông lạc lõng đến mức tất cả đều quay lại nhìn. Đó là một người đàn ông Nga cao lớn trạc gần năm mươi. Khuôn mặt có nét gì đó của người vùng trung Á, bộ râu quai nón rất rậm và vầng trán cao rộng. Ông ta đứng lên khỏi ghế và sải những bước dài đến chỗ San, rồi cúi xuống ôm choàng lấy vai anh từ phía sau lưng.
– Cậu chơi tuyệt vời lắm! Cho tôi bắt tay cậu một cái nào! Rồi sẽ tới lúc, được bắt tay cậu như thế này cũng là một niềm vinh dự đấy!
– Ông quá khen… – San e thẹn đáp lại
– Tôi tên là Nicolai Muslov, một kiến trúc sư Nga – Rồi ông hạ giọng nói nhỏ vào tai San – và cũng là chàng rể bất đắc dĩ của đất nước Việt Nam…
Nói xong, ông đề nghị được chơi bốn tay với San bản nhạc “Bốn mùa” của Chaikovsky. Đúng lúc đó, một bé gái nhỏ, tóc đen, mắt nâu nâu rõ là con lai, từ phía bàn tiệc cũng chạy lại đòi chơi đàn.
– Con cho bố và chú mượn đàn chơi một lúc, được không?

Cô bé không chịu và khóc ầm lên. Thế là ông Muslov đành bỏ dở ý định chơi đàn, đứng dậy kéo cô con gái của mình trở lại bàn tiệc. Trong lúc đó, Lê Vy không giấu được vẻ sốt ruột, đi đi lại lại bên cửa sổ, vén mành nhung nhìn ra nơi đỗ xe. Ông đại sứ đầu hói, người loắt choắt, cũng nhấp nha nhấp nhổm, ngồi không yên trên ghế. Cuối cùng, ông chạy lại khúm núm nói với Lê Vy:
– Thưa cháu, chú đã cho người mang giấy mời đưa tận tay rồi, ghi chính xác giờ… chắc có chuyện gì đột xuất nên bà ấy mới đến chậm…
– Chú ra gọi điện lại đi! Có một việc như thế mà làm cũng không xong!
Ông đại sứ vâng dạ rồi chạy đi gọi điện thoại.
Khoảng hơn ba mươi phút sau, từ ngoài sân vọng vào tiếng động cơ của nhiều chiếc xe hơi phanh rít trên nền đường rải nhựa. Mọi người đang ngồi ngả nghiêng trên ghế vội choàng bật dậy. Ông đại sứ từ bên ngoài lao vào như một luồng gió thổi tung cánh cửa:
– Chiếc Lincôn của bà Galia Breznheva đã đến!
Lê Vy, ông đại sứ và vài người nữa hấp tấp đi ra cửa chính để nghênh đón. Chỉ sau vài phút, từ nhà dưới đã vọng lên tiếng đàn ghi-ta, tiếng trống, sênh, tiếng hò hét cười đùa một ban nhạc người Zigan. Họ tràn vào phòng với những bộ đồ màu sắc sặc sỡ như một đám cháy khiến không khí  trở nên náo động, rộn ràng. Mọi con mắt đều đổ dồn cả ra phía cửa để chờ đợi nàng công chúa của Liên Xô, một giai nhân của Moskva mà họ chỉ được nghe qua những lời đồn thổi, trên báo chí và vô tuyến truyền hình. Cánh phục vụ dưới nhà bếp cũng kéo hết cả lên để được chiêm ngưỡng công chúa điện Kremlin. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều vỗ tay chào đón khi Galia Breznhev loạng choạng bước vào, với hai người đàn ông dìu hai bên. Còn Lê Vy thì đỡ phía sau lưng.
– Xin chào… tất cả! – Bà ta nâng cốc rượu vang lên cao và cất giọng méo mó vì say sỉn ở đâu đó từ trước…
– “Chúc mừng sinh… nhật” – Bà ta quay lại ôm Lê Vy và hôn chùn chụt lên hai má. Những vết son môi đỏ chót của bà in rõ lên má Lê Vy như những con dấu “Tuyệt mật” đóng trên những hiệp ước ngầm giữa hai quốc gia Liên Xô-Việt Nam.
San cũng đứng dậy và ngạc nhiên nhận ra hai người đàn ông nổi tiếng đi kèm đỡ hai bên Galia là ca sĩ hát giọng opera Kovzon và nhà thơ kiêm diễn viên Vysosky.
Một cảm giác tự hào, hãnh diện dâng lên khiến anh rơm rớm nước mắt.
“Lát nữa, mình phải chơi Chopin cho thật hay! Toàn những con người tài năng trác việt, một dịp may hiếm có trong đời” – San tự nhủ thầm trong bụng, xoa xoa hai bàn tay lạnh đi vì xúc động vào nhau và làm mấy động tác thể dục cho các ngón. Anh ngồi xuống và cố gắng tập trung tình thần vào bản nhạc sắp trình diễn. Anh cố gắng không để những tiếng hò hét, cười đùa, những tiếng dao nĩa và cả tiếng cốc chén đổ vỡ làm ảnh hưởng tới sự tập trung cao độ của mình. Như thường lệ, anh lại nhắm mắt lại và lẩm nhẩm gọi tên nhạc sĩ thiên tài Chopin, cầu mong linh hồn ông nhập vào mình để cùng thể hiện tác phẩm…
Anh cố gắng nuốt nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Những giọt nước mắt tủi thân trào ra giàn giụa cả xuống hai bên má. Nem rất ngon mà miệng anh đắng chát.
VI. Một lúc sau, gian phòng đột nhiên im phăng phắc. Mọi người hướng cả về phía Lê Vy đang đứng và cầm trong tay cốc sâm banh. Đầu chị ngửng cao đầy hãnh diện và trông thật cá tính.
– Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt – Lê Vy cất giọng khỏe và vang bằng một thứ tiếng Nga rất sõi – Tổ quốc của chúng tôi đang lâm nguy. Nhưng bọn xâm lược sẽ thất bại thảm hại như tổ tiên của chúng cả ngàn năm trước. Bên cạnh chúng tôi, luôn luôn có người anh cả Liên Xô vĩ đại giúp đỡ! Nói đến đây Lê Vy quay sang phía Galina đang chếnh choáng bên cạnh. Bà gật đầu mấy cái liên tiếp ra chiều rất tâm đắc, rồi bất ngờ đứng bật dậy và thét lên:
– Kẻ thù của chúng ta sẽ tan xác dưới hỏa lực Cachiusa và xe tăng Liên Xô!
Bà đập mạnh tay xuống bàn làm cốc chén xung quanh nhảy dựng lên. Một chai sâm banh đổ vật ra bàn. May mà ca sĩ Kovzon nhanh tay chụp lấy, rồi  khúm núm rót vào cốc cho Galina.
– Với chiến tranh, chúng tôi đã quá quen thuộc – Lê Vy tiếp lời, giọng trầm xuống – Tôi được sinh ra trong hầm địa đạo, lớn lên giữa tiếng bom tiếng súng. Chiếc lược tôi chải tóc cũng được làm từ xác máy bay, lọ hoa trong ngày cưới là catut đạn pháo cao xạ. Chính ngày hôm nay, tại Hà Nội, em trai tôi cũng tổ chức đám cưới. Các vị thấy đấy, người Việt chúng tôi là một dân tộc độc nhất vô nhị! Chúng tôi vẫn tổ chức sinh nhật, tổ chức đám cưới, vẫn thưởng thức nghệ thuật khi tổ quốc lâm nguy. Và bây giờ, mời các bạn nghe phần trình diễn của một tài năng Piano trẻ của chúng tôi – Nói đến đây, Lê Vy giơ tay hướng về phía góc phòng nơi Đam San đang thấp thỏm chờ đợi – Anh sẽ cho các bạn thưởng thức một thứ âm nhạc tinh túy của châu Âu, của thế giới! Frederic Chopin!
Mọi người vỗ tay rộ lên nhưng  sau đó lại thôi ngay vì không thấy Galina Breznheva phản ứng gì. Khuôn mặt của người đàn bà ngoài bốn chục có vẻ gì đó không hài lòng, đôi lông mày rậm thừa hưởng của bố, thậm chí nhíu lại, khó chịu. Bà ta quay sang nói nhỏ vào tai ca sĩ Kovzon và cả nhà thơ kiêm ca sĩ Vysosky. Cả ba chụm đầu bàn tán trong khi San bắt đầu dạo những nốt đầu tiên của  bản Polonaise. Đâu đó, lan ra những tiếng xì xào thán phục từ phía các nhà ngoại giao châu Âu ngồi ở phía góc bàn xa. Khuôn mặt của Lê Vy cũng rạng rỡ và tỏ ra hãnh diện một cách không cần giấu giếm. Cô đưa mắt nhìn sang phía chồng, nhà kiến trúc sư Nga đứng tuổi ngồi cách đó không xa và giơ ngón tay cái lên. Ông Muslov cũng gật gù và nháy mắt với vợ ra chiều hoàn toàn đồng ý. Cô con gái của Lê Vy chẳng khách khí gì, chạy ngay lại đứng bên cạnh xem San chơi đàn. Đôi mắt thông minh và ngây thơ nhìn như hút hồn vào hai bàn tay đang bay lượn trên bàn phím như hai con chim hải âu yêu nhau đùa giỡn trên sóng.
Bất ngờ, bà Galina đứng bật dậy, trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
– Dừng lại! Dừng ngay lại! – Bà ta giơ cả hai bàn tay như một cửa hàng “Vàng bạc đá quí” thu nhỏ lên – Thứ âm nhạc xanh xao này, tôi không tiêu hóa được! Bốc mùi mùi tư bản!
Mọi người ngớ hết cả ra. Lê Vy thoáng chút bối rối vì bất ngờ nên cũng chưa biết nên phải đối đáp ra sao.
Vị đại sứ nhỏ thó đầu hói, đi đi lại lại ở trong hành lang vẻ cực kỳ hốt hoảng, miệng lẩm bẩm thành tiếng “Thôi chết tôi rồi, sao cái thằng vắt mũi chưa sạch ấy lại chơi nhạc “sâm-panh” của Mỹ cơ chứ? Nó chẳng thông qua tôi trước gì cả, sao không chơi nhạc Nga, hả giời? Cứ nhạc của Dostoevsky mà nện có phải yên tâm hơn không!”.
Có lẽ, người bị sốc nhất là San. Anh ngồi chết lặng đi như bị hóa đá, không tin vào tai của mình.
– Chú cứ chơi đi chú! Cháu thích chú chơi, kệ bà ấy, bà ấy không thích nghe thì đi về nhà! Cô bé nũng nịu, kéo tay San.
– Bây giờ thế này, tôi mời tất cả mọi người ngồi đây – Bà Galia khoát tay một cái – Cùng tiếp tục cuộc chơi suốt đêm nay trên du thuyền “Chim báo bão” của tôi đang đợi trên sông Moskva! Nào, chúng ta đi ngay đi! Cả giới văn nghệ sĩ thủ đô đang chờ chúng ta ở đó!
Tất cả mọi người ồn ào xô ghế đứng dậy. Lê Vy định nói gì đó để từ chối thì Galina bước đến bên cạnh, lấy ngón tay chỏ chỉ vào ngực áo của cô và nói rõ ràng từng tiếng một:
– Em phải đi! Một giai nhân phương Đông như em phải có mặt! Đi cùng xe Lin côn với chị, có chuyện muốn nói riêng với em! – Nói đến đây, Galina rút một chiếc nhẫn mặt đá to màu xanh ra khỏi ngón tay út – Đây là món quà chị tặng em! Mặt kim cương chín cara đấy!…
Đứng đợi ở bến xe buýt đã lâu mà San vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc vừa xảy ra. Anh có cảm giác chỉ là một giấc chiêm bao. Nhưng trong túi vẫn còn gói nem nóng ấm mà một chị phục vụ người Việt đã dúi vội cho lúc anh ra về qua lối nhà bếp. Chỉ có một người duy nhất tiễn anh ra một quãng đường là kiến trúc sư Muslov. Ông không ngớt lời khen tiếng đàn của anh, xin lỗi anh vì sự cố bất khả kháng vừa qua. Khi bắt tay anh, ông hẹn một dịp nào đó mời anh đến nhà và cùng chơi bốn tay nhạc của Tchaikovsky.
“Tôi có hai con mắt thì một mắt để lo việc đại sự của liên bang rộng lớn, một mắt để trông chừng cô con gái rượu mãi không chịu thành người lớn”- Hiểu được tâm trạng của San, ông Muslov nói nhỏ vào tai anh câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Brezenhev vẫn được giới thượng lưu Moskva truyền tai nhau, như một lời xin lỗi tế nhị nhất.
San lấy nem ra, vừa ăn vừa nhìn dòng xe cộ nườm nượp lướt qua trước mặt.
Anh cố gắng nuốt nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Những giọt nước mắt tủi thân trào ra giàn giụa cả xuống hai bên má. Nem rất ngon mà miệng anh đắng chát.
Bỗng, anh sực nhớ tới quán “Con thiên nga”. Nhìn lòe nhòe qua nước mắt chiếc đồng hồ to tướng treo ở cửa quầy bán thực phẩm bên kia đường, San nhanh chóng quyết định bắt tắc-xi tới đó vì vẫn còn kịp.
Khoản tiền thu lao không nhỏ giúp cha mẹ và khuôn mặt Asia lại hiện lên trong đầu khiến anh phấn chấn trở lại sau cú đạp trời giáng của giới thượng lưu Moskva.
VII. – Ngay từ đầu phố, San đã nhìn thấy ánh đèn màu nhấp nháy hắt ra từ dãy cửa sổ thâm thấp của quán. Một giai điệu Wans lúc to lúc nhỏ vọng lại. Thấp thoáng sau lớp cửa kính màu là hình bóng nhập nhòa của các quân nhân lướt qua lướt lại trong một điệu nhảy êm ái với các quí bà…
San không đi vào cổng chính mà rẽ trái, vòng qua một cây anh đào có những cành lớn ngả sát xuống bờ rào bằng gỗ và bước về phía cửa hậu dành cho nhân viên. Anh bấm chuông mấy lần nhưng không có người xuất hiện như mọi khi. Có lẽ vì tiếng nhạc ồn ào át đi nên không ai nghe thấy. Anh thử đẩy cửa, hóa ra không chốt bên trong. San đi dọc hành lang, qua khu nấu ăn và gật đầu chào một chị bếp đang lúi húi cắt bánh mì bằng một con dao rất dài. Đúng lúc đó thì ông Mikhain chạy xộc vào và kêu lên:
– Larisa! Nhanh tay lên! Thật là một lũ vô trách nhiệm!
Nhìn thấy San, ông làm mặt khinh khỉnh, nhưng trong bụng như mở cờ.
– Tưởng cậu hôm nay bận cơ mà? Đến đây làm gì?
– Tôi vừa từ chỗ bà Galina Breznheva đến thẳng đây – San nhanh trí đáp lại – Không thể từ chối được, thưa ông!
Chỉ cần nghe đến cái họ “Breznhev” của Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô là thái độ của ông chủ quán thay đổi hẳn. Vẫn là San bé nhỏ người Việt Nam, một sinh viên nhạc viên mới năm thứ hai, đang cần biểu diễn để kiếm tiền phụ thêm vào học bổng ít ỏi bảy mươi rúp. Thoắt một cái, sau khi tiếp xúc ở cự ly gần với cái họ nổi tiếng của người đứng đầu nhà nước Xô-Viết, anh đã hóa thân thành một con người khác hẳn, như được bế lên trên một bệ đá cao trong mắt ông chủ Mikhain. Ông vồn vã bắt tay anh thật chặt, rồi ôm lấy vai kéo vào phòng riêng của mình. Ông thân mật đẩy anh ngồi vào chiếc ghế bành bọc da nâu và đặt lên bàn trước mặt chiếc phong bì dày cộp màu xanh có in hình một con thiên nga trắng. Ông nhìn lên bức ảnh của Tổng bí thư Breznhev treo trên tường và hạ giọng thủ thỉ:
– Cậu uống cốc trà cho lại sức, rồi chuẩn bị ra biểu diễn! Toàn sao và vạch lấp lóa như những vì tinh tú trên bầu trời… lớp váng sữa béo ngậy của bộ quốc phòng… các bà vợ thì khỏi phải bàn… duyên dáng và xinh đẹp mê hồn! – Ông chúm môi lại làm một cái hôn gió rõ to – Đúng là trai tài gái sắc!
Lối sống của xã hội Liên Xô.
Tiếng nhạc từ chiếc máy quay đĩa kiểu cổ đột nhiên im bặt.
Khi ông giới thiệu San với mọi người, ánh mặt của họ nhìn anh vừa ngạc nhiên pha chút tò mò. Hình như, chiếc vương miện âm nhạc của Chopin quá cao và rộng so với cái đầu của chàng trai gày gò bé nhỏ, ăn mặc lại xuyềnh xoàng.
Các tướng lĩnh vẫn tiếp tục ồn ào nói chuyện, rồi xúm lại chúc tụng vị tướng mới được lên quân hàm. Các bà vợ sau mấy điệu nhảy cũng túm tụm lại gần quầy bar vừa hút thuốc lá vừa bàn tán chuyện riêng tư, con cái, rồi kỳ nghỉ đông sắp tới đi nước nào…
Giới thiệu xong, ông Mikhain rút lui về sau sân khấu và lấy làm đắc ý chờ đợi những phản ứng mà chính ông đã từng trải qua.
Đôi bàn tay San thả những những hợp âm đầu tiên trong vắt như những quả cầu thủy tinh đủ các màu sắc xuống sàn nhà. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều đồng loạt quay đầu nhìn lại, như bị một phép thuật thôi miên. Các bà ngừng nói chuyện và đưa mắt nhìn nhau. Sau màn dạo đầu, xung quanh anh đã hình thành một vòng các bà các cô, người kéo ghế ngồi, người đứng lại gần, đầu lắc lư. Rồi tiếp đến là các ông tướng, cũng khẽ khàng rời nhau ra. Nếu có ai đó lỡ cười to nói lớn chợt cảm thấy mình thô lỗ, vội đưa ngón tay chỏ lên ngang miệng và rón rén đi lại đứng tỳ vào thành ghế của vợ mình hoặc từ phía sau ôm choàng lấy người bạn đời. Có ông đưa tay lên vuốt tóc vợ hoặc làm những cử chỉ âu yếm cọ má vào nhau.
Tiếng đàn của San đã làm cho các quân nhân vốn cứng rắn trở nên mềm mại và lãng mạn. Còn các bà thì khỏi phải nói, họ bao bọc lấy anh bằng những ánh mắt long lanh đầy ngưỡng mộ và âu yếm.
San không chơi đàn mà anh kể chuyện đời mình bằng âm thanh và giai điệu của Chopin:
Những đêm trăng nghe mẹ vừa đàn vừa hát dưới vòm tre xào xạc…
tiếng gió thổi từ cánh đồng lúa mới gặt…
con sông Hồng đỏ ngầu phù sa cuồn cuộn chạy…
những con cò con vạc đập cánh gọi nhau trên những ngọn cây, mái chùa rêu phong làm vỡ tan bầu không khí im lặng oi ả của buổi trưa hè ở nông thôn.
Đó là hình ảnh mẹ anh gò mình đạp xe dưới trời mưa gió, đường trơn như đổ mỡ, vượt qua những chiếc cầu khỉ bằng tre mong manh, chao đảo để kịp vào thăm con nơi sơ tán, dúi cho con ổ bánh mỳ hay một cân đường…
Âm nhạc của Chopin có lúc nổi sóng, gây giông bão nhưng có lúc lại cô đơn.
Cái ác là bản chất của con người? Những trận ẩu đả tóe máu mũi máu mồm với những thằng bạn cùng lớp và thường San bị thua vì tầm vóc nhỏ bé và yếu đuối. Chúng đã bêu giễu, trêu chọc và khinh bỉ anh chỉ vì cha bị quản thúc trong tù. San bị dồn vào ngõ cụt, đã nếm trải những khoảnh khắc cô đơn, khi mà mình chả còn cần thiết cho ai. Những quan điểm, ý kiến của mình không tìm được sự thông hiểu ở ngay những người thân và bạn bè xung quanh.
Anh đã chất vấn và hỏi mẹ, tại sao anh lại rơi vào nông nỗi bi đát này? Mẹ anh chỉ biết khóc và ôm chặt cậu con trai vào lòng. Bà cũng bất lực trước câu hỏi nặng quá sức chịu đựng của mình. Không còn sự lựa chọn nào khác.
“Nghệ thuật sẽ cứu rỗi mẹ con ta” – Đó là câu trả lời duy nhất giúp dỡ đi những tảng đá u uất chất chồng trong lòng San những năm cuối phổ thông.
Âm nhạc của Chopin đầy khát vọng vươn tới tự do.
Sự cô đơn tạo nên sức mạnh nội tâm trong lòng San. Như một ngọn núi lửa ủ mình chờ thời khắc phun nham thạch. Anh xa lánh bạn bè nhưng lại đắm mình trong âm nhạc, trong những trang sách văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Anh đọc say mê tiểu sử các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới, tất nhiên Chopin chiếm vị trí hàng đầu. Anh tò mò lật giở từng trang sách nhàu nát và thích thú so sánh những điểm tương đồng giữa anh và họ, nhất là trong những sở thích cá nhân. Anh muốn được đứng trên đôi vai của họ. Cá tính sáng tạo trong anh được hình thành từ những nguyên vật liệu thô ráp, xù xì bốc mùi cuộc sống bản năng: Cô đơn, xúc phạm, căm thù, tự ái, sự nhạy cảm thái quá và cả tình yêu đầu đời bị dẫm đạp.
So với những đứa bạn cùng tuổi, anh già dặn hơn và tràn ngập lòng kiêu hãnh, không chịu thua kém ai. Anh thuộc kiểu người tự cho mình là độc nhất vô nhị, chả giống ai…
Ông chủ Mikhain trầm ngâm ngồi sau sân khấu nhìn ra bao quát cả gian chính. Chiếc tẩu màu xám bằng sừng tuần lộc liên tục đỏ lửa trong lòng bàn tay. Đôi mắt lim dim, láu lỉnh và sắc sảo không bỏ lọt bất cứ động thái nào của đám khách sộp hôm nay. Tiền chưa phải là cái quan trọng nhất của buổi dạ tiệc. Mà là mối quan hệ. Có những nhân vật là khách thường xuyên nhưng có người hôm nay là lần đầu tiên bước chân vào quán. Đó là vị đại sứ người Trung Quốc. Tại sao ông ta hôm nay lại có mặt ở đây?
Ông Mikhain tự đặt một câu hỏi và lên kế hoạch riêng của mình.
Không một ai biết rằng ngoài cương vị là một chủ quán bề bề, ông còn có một nhiệm vụ mật là phải theo dõi và viết báo cáo về những câu chuyện tưởng như là vô thưởng vô phạt bên cốc bia chai rượu của các thực khách có máu mặt hay ra vào quán, về xã hội Xô Viết, về đảng và các lãnh tụ… thậm chí, cả các câu chuyện tiếu lâm mới nhất bên bàn rượu. Để nhà hàng tồn tại được ở phố cổ Arbat, ông không thể từ chối người ta, kể cả trong lòng không thích thú gì.
Lúc bản nhạc sắp kết thúc, nhiều bà khe khẽ đưa mu bàn tay lên lau những giọt nước mắt chan chứa hạnh phúc vì món quà quá bất ngờ.
San kéo dài những nốt cuối cùng và ngồi lặng im, hai tay vẫn để trên bàn phím như chờ cho chính mình cũng như cây đàn piano thôi không còn thổn thức nữa… Một quí bà không kìm được lòng đã chạy ào tới ôm choàng lấy anh từ phía sau và hôn tới tấp lên mái tóc đen soăn, lên hai má anh, giữa tiếng vỗ tay thành từng nhịp mạnh của các vị tướng lĩnh như tiếng giày duyệt binh rầm rập trên Hồng trường.
San đứng dậy, cúi chào và bẽn lẽn đi vào trong. Bỗng, một vị trung tướng to cao tóc đã điểm bạc, sải những bước dài giữa hai dãy bàn đuổi theo anh.
– Anh bạn nhạc công trẻ ơi! Tôi có chuyện muốn nói với anh – Ông lên tiếng gọi.
Hai người gặp nhau ở khoảng hành lang hẹp, đối diện nhà vệ sinh. San đứng khựng lại khi vừa đặt tay lên nắm đấm cửa toilet và quay lại nhìn khuôn mặt hồ hởi, đỏ ửng vì rượu của vị tướng.
– Chú gọi cháu ạ?
– Còn ai vào đây nữa. Cháu giải quyết nỗi buồn đi! Chú đợi ở ngoài này.
Mấy phút sau, San bước ra. Ông trung tướng khoác vai anh và dẫn ngược trở ra phía ngoài gian. Vừa đi ông vừa nói nhỏ vào tai anh, hơi rượu phả ra nồng nặc:
– Vợ chú rất muốn được nói chuyện với cháu. Vợ chồng chú đã từng phục vụ ở Việt Nam rồi đấy! hơn mười năm trước .
– Ồ thế ạ? San cảm thấy thân thiện ngay với vị tướng mới quen mà anh chưa hề biết tên.
Hai người bước lại chiếc bàn phủ khăn trắng tinh thêu những bông cẩm chướng to tướng ở gần cửa sổ cuối gian phòng. Ngồi sau bàn là một người phụ nữ trạc gần bốn mươi, có gương mặt đẹp kiểu cổ điển, phảng phất buồn.Thoạt nhìn, San cảm thấy sững sờ như thể bà vừa bước xuống từ bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của Cramskoy. Bộ áo váy màu xanh lam làm nổi bật làn da trắng và chiếc cổ thanh mảnh của bà. Mái tóc màu hạt dẻ cắt ngắn khiến bà trông rất trẻ và quí phái. Bà đứng dậy và nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu:
– Chào em, em có khỏe không? Rồi bà vừa cười vừa đưa tay ra bắt tay San – Tôi là Anna, giáo sư dạy văn học Nga!
San cảm thấy xúc động và gần gũi với bà ngay từ giây phút đầu tiên. Anh ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện. Hai vợ chồng thay nhau đưa ra những lời khen tiếng đàn diệu nghệ của anh và đặt các câu hỏi, nào là anh học piano ở đâu? Sang Liên Xô lâu chưa? Đã đi thăm các danh lam thắng cảnh nào của thủ đô rồi?

Và, hai vợ chồng kể ra một loạt các địa danh của Việt Nam mà họ đã từng đi qua, những kỷ niệm khó quên, nhưng món ăn yêu thích, những từ tiếng Việt mà họ học bồi được…
Ông Lebedev Aleksey Ivanovich đã từng là tham tán quốc phòng sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Sau một hồi trò chuyện rôm rả, vừa tiếng Nga pha tiếng Việt, bà Anna nhận thấy San đưa mắt như tìm kiếm ai đó trong phòng, nên chuyển sang giọng như muốn kết thúc câu chuyện:
– Chúng tôi muốn mời em tới nhà chơi vào chủ nhật tuần sau – Bà Anna và quay sang phía chồng – Aliosa, anh ghi địa chỉ cho người bạn Việt Nam đáng yêu và tài năng của chúng ta đi! Ngôi nhà của chúng tôi ở ngoại ô, thiên nhiên ở đó chắc em cũng sẽ thích, đang mùa thu vàng rất đẹp. Tôi sẽ giới thiệu em với hai cô con gái. Hai đứa mà biết em chơi nhạc Chopin tuyệt vời như thế này thì sung sướng phải biết! Chúng nó cũng học đàn Piano mà!
San hơi lúng túng trước lời mời quá bất ngờ của một vị tướng cao cấp, oai vệ. Thực sự là anh rất ngại tiếp xúc với các quan chức. Anh và họ không có cùng hệ giá trị. Hơn nữa, đây lại là người bản xứ, và nhất là dư vị còn rát bỏng sau cú trời giáng của giới thượng lưu cách đây hai giờ đồng hồ. Nhưng vẻ thân thiện của cả hai vợ chồng làm anh yên tâm. Vả lại, họ đã từng làm việc ở Việt Nam trong chiến tranh, hiểu rõ cuộc sống và con người Việt thì chả có gì phải quá e dè, giữ kẽ. Thực sự, anh cũng chưa bao giờ đến làm khách một gia đình nào người bản xứ cả. Anh có cảm giác, đằng sau những ô cửa sổ buông rèm trên phố là một cuộc sống khác, rất khác với cuộc sống của anh. Những tia lửa của tính tò mò nổ lách tách. Anh vui vẻ nhận lời, chỉ đơn giản với ý nghĩ muốn tìm hiểu sâu thêm về cuộc sống gia đình của con người Xô-Viết mà trước đây anh chỉ được biết qua sách báo và phim ảnh. Nhưng anh đâu có ngờ được rằng trong cuộc sống đôi khi một vụ trọng án tưởng đi vào ngõ cụt lại được phát giác cũng chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên, tình cờ vô thưởng vô phạt.
Trong lúc ông Aleksey lúi húi ghi địa chỉ lên chiếc danh thiếp của mình, San đứng lên đưa mắt nhìn quanh gian phòng để tìm Asia.
Từ lúc tới quán đến giờ, anh chẳng nhìn thấy cô ở đâu cả.
VIII. – Cậu vừa nói chuyện với một nhân vật đặc biệt của bộ quốc phòng đấy nhé! – Ông Mikhain rót vào cốc của San nốt phần còn lại trong chai sâm banh Pháp – Cậu cứ ăn uống thoải mái đi, Asia đến là vừa. Lúc cậu vừa tới là tôi gọi điện ngay rồi!
– Hai ông bà ấy thật đẹp đôi! Họ đã sang Việt Nam thời chiến tranh. Ông ấy từng là chuyên gia về tên lửa phòng không, còn bà là giáo viên dạy văn học Nga – San đặt chiếc đùi ngỗng quay béo ngậy xuống đĩa, nói.
Phong cảnh nhà thờ Đấng cứu rỗi bên sông Moskva.
Thực sự bây giờ anh mới cảm thấy đói cồn cào. Chiếc đùi ngỗng, mấy quả dưa chuột muối, dăm lát bánh mỳ đen và một cốc nước hoa quả ép đã nạp lại năng lượng cho anh sau màn trình diễn đầy cảm xúc. Cảm giác đói ngấu nghiến sau khi lao động nghệ thuật được thưởng thức những món ăn ngon thật hạnh phúc. Âm nhạc đã đem lại cho anh những đồng tiền cần thiết và đúng lúc. Anh cần gửi thuốc men gấp về cho cha.
– Ông Aleksey còn tiến rất xa trên con đường danh vọng – Mikhain đi đi lại lại trong phòng, tung tung trên tay chiếc bật lửa có hình thù như quả lựu đạn – Một con người hội đủ mọi điều kiện, nào là danh gia vọng tộc, văn hóa cao, nào là quan hệ rộng, cả trong giới văn nghệ sĩ và ngoại giao… nhưng chỉ có một nỗi buồn…
Ông Mikhain định nói điều gì nữa thì bất chợt vang lên tiếng gõ cửa gấp gáp. Cả hai đều đưa mắt nhìn nhau.
– Cứ vào! Ông Mikhain nói to lên.
Cánh cửa bật mở toang. Asia đứng trong khung cửa, một bông hồng đỏ cực lớn trong tay. Hai bạn trẻ lao vào ôm lấy nhau như chịu một lực hút vô hình. Khi họ chợt tỉnh ra sau một nụ hôn khó cưỡng thì trong phòng chả còn ai xung quanh. Thân hình to béo của ông Mikhain như thể bị bốc hơi, chỉ để lại chiếc móc cửa vẫn còn lúc la lúc lắc.
– Thôi, về thôi em! Anh tiễn em hôm nay, được không? À, mà phần thưởng của em đây! – Vừa nói San vừa rút trong phong bì ra mấy tờ giấy bạc lớn có hình đầu Lênin – Em cầm lấy đi!
– Em đáng ra phải cảm ơn anh mới phải. Đây là những đồng tiền do công sức lao động của anh bỏ ra – Cô đẩy bàn tay đang cầm tiền của San ra xa và ngúng nguẩy hai bím tóc thật đáng yêu.
San lặng người đi vì cử chỉ này của cô.
– Thế thì chúng ta ra quán bên bờ sông Moskva đi!
– Một ý tưởng không tồi!
Quán ăn là cả một con tàu buồm thời trung cổ kích thước như thật nằm ghếch mũi lên bờ sông. Việc nắm tay thân mật một người ngoại quốc vào quán cà phê ngay bên bờ sông Moskva là một cái gì đó lạ thường, nếu như không nói là thách thức đối với các thực khách xung quanh. San cảm nhận được ngay ánh mắt của mọi người nhìn mình từ đầu đến chân. Có lẽ, ai cũng nghĩ cô bạn đi cùng là gái làng chơi. Nhiều bà nhìn bằng những ánh mắt khinh bỉ ra mặt, như muốn vạch rõ một hoảng cách vời vợi giữa các quý bà đạo cao đức trọng và một kẻ xấu xa, hư hỏng. Anh kéo Asia tới chiếc bàn ở đuôi con tàu buồm. Ở đây kín đáo hơn vì khuất ánh đèn và nhìn được toàn cảnh dòng sông về đêm. Bờ bên kia, những tòa tháp cổ hình mái tròn và bức tường điện Kremlin sáng lung linh hắt bóng xuống mặt nước.
Trái tim của một đế chế hùng mạnh có vẻ như đang ở vào đỉnh cao của nó.
Ngày hôm nay, anh đã trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc. Một ngày mà anh có cảm tưởng rằng thần kinh trong người căng ra như dây đàn sắp đứt. Asia sát bên cạnh, ánh mắt lúng liếng, mái tóc bồng bềnh trong gió đêm, những cái đụng chạm chân và đầu gối dưới gầm bàn làm lu mờ đi cả vết thương lòng lúc ở nhà Lê Vy lẫn những tràng pháo tay của các vị tướng lĩnh, các phu nhân quí tộc. San chả động chút gì tới các món mà chỉ ngồi ngắm nhìn Asia ăn, tai lơ đãng lắng nghe những tiếng sóng vỗ lách chách vào mạn thuyền. Thỉnh thoảng, anh lại đưa tay ra vén mấy sợi tóc lòa xòa bên má cô. Một lần như vậy, cô ngừng ăn và bất ngờ cắn vào tay anh một cái rõ đau. Cả hai phá ra cười. San chợt nhớ đến người yêu đầu tiên, anh cũng vén lọn tóc đen bết mồ hôi của cô ấy ra sau vành tai trong một chuyến đi chơi chùa Hương. Ba năm trước. Có lẽ, kể cả sau này, đó là cách anh bày tỏ tình yêu của mình với phái đẹp. Anh chưa bao giờ thốt ra ba chữ “Anh yêu em”.
– Anh nghĩ gì thế? Sao không ăn?
– Anh ăn rồi. Nhìn em ăn anh cũng thấy ngon.
– Vừa nãy… ông Mikhain có nói gì về em không?
– Không… sao em lại hỏi thế?
– Hôm trước, ông ấy nói nếu không mời được anh tới chơi đàn hôm nay thì đừng có đến làm nữa…
– Thật thế à? San há miệng ra vì ngạc nhiên – Chắc ông ấy đùa thôi!
– Em cũng chả biết thật hay đùa, nhưng em đã nghỉ làm tuần nay rồi. Lúc ông ấy gọi điện, em quá bất ngờ. Mẹ em hôm nay về nhà ông bà ở ngoại ô, làng Peredenkino. Anh đã nghe cái tên đó bao giờ chưa?
– Làm sao anh biết được. Moskva anh còn chưa biết hết nữa là! Thế bố em đâu? Anh không thấy em nhắc gì tới ông ấy.
– Bố em hy sinh trong cuộc chiến tranh ở Afganistan…
– Anh cũng chỉ ở với mẹ thôi… chiến tranh đã chia lìa bố mẹ anh… Bố anh đang ở tù vì đã từng làm việc cho chế độ Sài Gòn, đồng minh của nước Mỹ…
– Chúng ta là những đứa trẻ bất hạnh vì chiến tranh – Asia nói giọng buồn bã và đẩy đĩa salat ra, không ăn tiếp nữa.
– Nhưng chúng ta ở bên nhau thì… đỡ bất hạnh hơn – San ôm choàng vai Asia và kéo vào sát mình. Cô ngả đầu lên ngực anh. Bàn tay hai người đan chặt vào nhau. Một mối đồng cảm vô hình lan tỏa khiến cả hai không còn cảm thấy bất cứ rào cản nào ngăn cách.
Họ im lặng nhìn ra mặt sông đêm loang loáng ánh đèn màu xao động theo nhịp sóng.
Từ xa, chợt vọng lại tiếng động cơ tàu thủy.
– Chỗ ông bà em ở gần làng Nhà Văn. Bà em kể lại, Stalin là người đề xuất ý tưởng xây làng biệt thự cho các nhà văn Xô-viết sống gần nhau – Một lúc sau, Asia thủ thỉ tiếp -Bà em là đầu bếp của một quán cà phê trong làng văn, nơi họ hay lui tới chuyện trò và nhậu nhẹt. Anh có biết nó tên là gì không? Rất buồn cười: “Trại tập trung không chấn song”. Các nhà văn rất kỳ cục và lập dị. Họ đặt bí danh cho bà em là “Cai ngục”. Bà quen biết rất nhiều nhà văn, đặc biệt là rất thân với Pasternak. Bà còn khoe với mọi người rằng ông ấy đã từng tán tỉnh bà. Nhưng bà yêu ông em, một thợ sửa đường ống thật thà tốt bụng, nên đã từ chối. Anh đã đọc ông ấy chưa? Nhà văn được giải thưởng Nobel đấy!
– Tất nhiên là anh có nghe tên, nhưng chưa đọc tác phẩm nào. Anh quan tâm tới các nhạc sĩ hơn. Vả lại, vốn từ tiếng Nga của anh cũng chưa đủ…
– Em sẽ cho anh mượn cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago” để đọc nâng cao tiếng Nga. Em giúp giải thích những từ khó. Sách bị cấm đấy, nhưng bà em có một cuốn cất rất kỹ, in ở bên Ý. Có chữ ký đề tặng của chính Pasternak…
Đúng lúc đó, từ phía mặt sông vọng lên tiếng còi tàu thủy, rúc mấy hồi dài, âm vang trong đêm. Mọi người trong quán đổ xô ra phía cửa sổ boong tàu. San và Asia chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cô phục vụ bàn, tay vẫn còn cầm chiếc khay, bước nhanh tới gần chỗ hai người ngồi và chỉ tay ra mặt sông.
– Nó sắp qua đấy! Thật tuyệt đẹp!
– Du thuyền “Chim báo bão” nổi tiếng! Asia thốt lên – Anh nhìn kìa! Cả một khách sạn nổi lung linh! Vừa nói cô vừa đứng dậy và bước ra sát lan can để nhìn rõ hơn.
Lúc này thì tiếng đàn, tiếng trống của các nghệ sĩ zigan, tiếng hò hét đã vọng tới chỗ họ ngồi. San cũng nhìn ra nhưng trong đầu chỉ có hình ảnh của bà Galina Breznheva say lảo đảo được hai ca sĩ nổi tiếng xốc nách. Bên tai anh văng vẳng giọng hơi ồm ồm như đàn ông của bà ta “Thứ âm nhạc xanh xao này, tôi không tiêu hóa được! Sặc mùi tư bản!”.
San ngồi im, câm lặng. Trong thâm tâm, anh chỉ mong chiếc du thuyền đi ngang qua cho khuất mắt, càng nhanh càng tốt. Chính nó đã đánh tụt hẫng tâm trạng của anh lúc này. Chủ nhân của nó đã làm hỏng kế hoạch của anh như ném một mồi lửa vào cánh đồng cỏ khô làm bùng lên một đám cháy của oán hận, tủi nhục và căm thù. San thấm thía đến trào nước mắt cái khoảng cách xa vời giữa anh và chiếc du thuyền kia, giữa anh và xã hội của những người đang cười đùa, nhảy múa trên đó. Họ có thể tặng nhau một chiếc nhẫn kim cương như một thứ đồ chơi rẻ tiền. Còn anh thì phải làm sao tằn tiện chi tiêu để còn dành dụm giúp bố mẹ, từ mấy chục rúp học bổng. Anh phải đi chơi đàn thuê, quần áo mua ở hiệu đồ cũ.
– Sao anh trông buồn thế? Chắc mệt rồi phải không? – Asia nhìn San bằng ánh mắt dịu dàng và âu yếm – Thôi mình về đi anh!
IX. Từ trên xe buýt bước xuống, đôi trẻ nắm tay nhau đi vào một con phố nhỏ ngoại ô. Anh lái xe ngáp dài nhưng vẫn liếc mắt nhìn hút theo đôi trai gái, rồi bấm công tắc đóng cánh cửa lại và nhấn ga rồ máy. Chiếc xe lẩn mình vào màn đêm loang lổ những khoảng tối sáng của ánh đèn đường xuyên qua các tán cây phong.
– Mỗi lần đi làm về đêm thế này, em không sợ à?
– Mẹ em ra tận bến xe đón. Khu phố này quen thuộc với em từ bé. Mỗi thân cây, mỗi viên đá lát đường đều mang những kỷ niệm thơ ấu của em. Có nhắm mắt em cũng về được đến cửa nhà mình.
– Em nói hay cứ như cô giáo dạy văn vậy – San vừa nói vừa ôm nhẹ lấy eo lưng của Asia và trong đầu nghĩ cách làm thế nào hôn cô. Nụ hôn cháy bỏng trong phòng thay áo quần lần trước khiến đầu óc anh chẳng còn nghĩ được điều gì khác.
– Em cũng rất thích nghề giáo viên. Em định năm tới sẽ thi vào khoa văn của trường sư phạm. Mùa hè nào em cũng về chỗ ông bà, ở đó có một thư viện rất lớn để đọc văn chương chuẩn bị cho kỳ thi …
Có mấy bóng người, cả đàn ông và đàn bà đi ngược lại từ phía trước mặt. San bỏ tay ôm eo Asia ra.
– Chắc em ngại người quen nhìn thấy em đi với anh phải không? Nhất lại vào lúc đêm hôm khuya khoắt  thế này?
– Chỉ ngại thanh niên càn quấy, bọn họ không thích con gái Nga đi chơi với người nước ngoài.
– Ai cũng có trái tim cả – San nắm tay Asia chặt hơn-  Sứ quán Việt Nam mà biết anh đi chơi với em là bị kỷ luật nặng đấy! Có thể bị trả về nước. Mấy người bạn đã phải xách vali về nhà khi chưa tốt nghiệp.
– Thật thế sao? Anh nói thế làm em thắc mắc. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu, nào là “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” nào là “Tiến lên thế giới đại đồng”… Thế mà anh đi chơi với em cũng không được sao? Cũng phải xin phép sứ quán chắc? Em thật không hiểu nổi!
Nhóm người đi bộ tiến tới gần và  rảo bước ngang qua. Có lẽ, họ là những công nhân đi làm ca đêm. Ai cũng lầm lũi cắm cúi bước vội vàng. Một đốm lửa đỏ lóe lên trong tay một người đàn ông và mùi thuốc lá rẻ tiền belamo thoảng tới. Mấy câu chửi tục vẳng đến tai họ.
Đôi trai gái vội đứng nép vào bên đường, sát một gốc bạch dương có lớp vỏ trắng lóa trong đêm tối nhờ nhờ. Asia đứng tựa lưng vào thân cây thẳng vút lên trời như cột buồm, hai tay đan vào nhau và chắp ra sau gáy. Hơi thở của cô trở nên gấp gáp. Đợi cho toán người đi khuất hẳn, San bất ngờ quay sang ôm xiết lấy cô.
– Đừng anh! – Cô yếu ớt đẩy tay San ra.
Đôi trai gái đứng ôm hôn nhau trong đêm thu tĩnh lặng.
Con phố nhỏ lác đác ánh đèn đường không một bóng người. Dăm ba chiếc lá phong vàng liêu xiêu theo gió rớt xuống vai họ. Dưới quầng sáng nhàn nhạt của  chiếc đèn cao áp, một chú sóc bông hốt hoảng kéo lê chiếc đuôi dài thượt trên bãi cỏ gần đó. Thế giới xung quanh như không còn tồn tại. Chỉ còn hai trái tim rạo rực, khao khát được hòa quyện vào nhau.
Thiếu nữ Nga bên cây bạch dương.
– Anh làm em không thở nổi đây này – Asia nắm lấy hai tai San – Anh định xô đổ cây bạch dương này à? Cô vừa cười vừa cắn vào tai San rồi vùng ra và bỏ chạy. Cô chạy nhanh đến mức San đuổi không kịp. Hai bắp chân trần trắng lấp lóa trong màn đêm. Những đám lá vàng bay tung lên sau mỗi bước chân cô. Mãi đến sát cửa ngôi nhà năm tầng, San mới túm được vai Asia. Cả hai thở hổn hển và lại gắn chặt vào nhau trong một nụ hôn tưởng như không có hồi kết.
– Hình như mẹ em về rồi – Asia chỉ tay lên cửa sổ tầng ba – Đèn bếp bật sáng kìa! Mẹ lên để mai đi làm ca sớm.
– Nói khẽ thôi, mẹ mà ngó đầu ra thấy thì em chắc về bị mắng. Mẹ không bao giờ chấp nhận con gái đi lại với người nước ngoài đâu… sợ hàng xóm dị nghị…
– Anh nói đúng, nhưng em không ngại là đủ rồi!
– Cứ giữ bí mật chuyện của chúng mình. Anh không hình dung nổi bà sẽ làm gì khi biết. Thôi, anh về đây! Khi nào chúng ta lại gặp nhau? Anh để quên bông hồng em tặng ở quán rồi! Em làm anh chả còn nhớ gì cả!
– Thứ tư nhé! Chúng mình đi xem phim đi! Asia nói giọng thì thào.
– Đang có phim mới rất hay – “Bản tình ca nghiệt ngã”, anh lâu rồi cũng chưa xem phim nào cả.
– Hẹn em ở đâu?
– Bến tàu điện ngầm “Công viên văn hóa”.
– Ở lối lên hay trong ga tàu?
– Tất nhiên là lối lên. Phía cầu vượt nhé! Em cài cúc áo cổ lại cho ngay ngắn đi, các bà mẹ tinh ý lắm đấy! Anh không giấu gì được mẹ anh cả.
… San ngồi lắc lư trong toa tàu điện ngầm trống vắng, chắc là chuyến cuối cùng trong ngày. Cuối toa có một đôi trai gái đang ôm hôn nhau đắm đuối.
Anh có cảm giác như vừa trải qua một cuộc sát hạch, gay go có, ngọt ngào có. Chỉ một ngày mà anh được trải nghiệm về đất nước này bằng cả hai năm sống gộp lại. Cuộc sống ngay tại thủ đô một cường quốc thế giới hùng mạnh với bao giá trị vật chất lẫn tinh thần khiến anh choáng ngợp. Nhịp sống đột nhiên tăng tốc, mở ra nhiều con đường mới lạ mà trước đó anh không dám nghĩ tới. Rồi, cánh cửa của thế giới thượng lưu Moskva hé mở,  vừa hấp dẫn đầy ma lực vừa đặt ra trước mặt anh những câu hỏi lớn: “Mày là ai? Mày muốn lập  chiến công gì trên mảnh đất này?”.
Mặc dù chỉ mới hai năm ở Nga nhưng anh nhanh chóng hiểu ngay ra một điều: Sự phân biệt chủng tộc là hiện hữu, trong từng ngõ ngách của cuộc sống đời thường, qua những ánh mắt ở ngoài đường, trong ngay cả khuôn viên của nhạc viện, nơi tưởng chừng như dưới chân nữ thần Secilia bảo trợ nghệ thuật thì  tất cả sinh viên đều bình đẳng. Khẩu hiệu “Bình đẳng, bác ái giữa các dân tộc” mãi mãi chỉ tồn tại trên các trang báo “Sự thật”, trên các bức tường nhà cao tầng, rồi cũng bị mưa, tuyết và gió  làm cho mờ nhòa đi mà thôi.
Tuy thế, San rất kiêu hãnh vì khả năng âm nhạc của mình, mặc dù túi rỗng.
Đối với các bạn cùng lớp tại nhạc viện đa phần đến từ châu Âu, họ có thể to cao hơn, gia đình giàu có hơn, ăn mặc sang diện hơn nhưng anh không vì thế mà chịu nể phục về kỹ thuật đàn và cách cảm thụ nhạc phẩm, nhất là của Chopin.
Anh luôn luôn tin rằng nếu Chopin mà sống lại chắc ông sẽ mỉm cười hài lòng khi nghe anh biểu diễn các tác phẩm của mình.Ông sẽ ôm choàng lấy anh mà vỗ bồm bộp vào lưng: “Thật không ngờ, một người châu Á như cậu lại hiểu thấu lòng tôi đến như vậy!”.  Ngay từ hồi còn nhỏ, anh đã  linh cảm rằng giữa anh và Chopin có một mối giao cảm thần bí nào đó khó giải thích như một định mệnh. Lần đầu tiên nghe mẹ chơi Chopin, thằng bé 9 tuổi là anh lúc đó đang nấp cạnh đống rơm khô tại một ngôi làng nghèo của huyện Chương Mỹ nơi nhạc viện sơ tán, chợt sững người lại như mất hồn, bỏ cả cuộc chơi đang vui cùng lũ bạn. Nó đứng tựa vào đống rơm và lặng đi như nuốt từng âm thanh. Những âm thanh đã khiến nó rơm rớm lệ vì cảm giác đê mê lan tỏa trong từng mạch máu cơ thể. Rồi bất ngờ, một nỗi sợ hãi ập tới khi tiếng nhạc biến mất. Nỗi sợ cuống cuồng vì không rõ chuyện gì xảy ra với mẹ, hay là mẹ chết rồi? Nó bỏ chạy vào trong căn nhà lợp ngói ba gian chìm trong bóng tối, vừa chạy vừa gọi thất thanh. Nó lao tới ôm chầm lấy mẹ và bật khóc nức nở khiến bà ngỡ ngàng đứng dậy khỏi đàn và chẳng hiểu chuyện gì. Sau này, mỗi khi chơi nhạc của Chopin, anh thường ngồi nhắm mắt trước đàn một phút để thỉnh gọi linh hồn của ông nhập vào mình. Vì là người con của núi rừng Tây Nguyên, qua các huyền thoại mẹ kể, anh tin rằng linh hồn của những con người kiệt xuất như Chopin sau khi chết thường ngự trên các đỉnh núi cao, giữa những đám mây vần vũ, trong gió đại ngàn của rừng già sâu thẳm…
Ở cửa ra của tàu điện ngầm, anh bắt gặp một ông lão vô gia cư đang ngồi khâu khâu vá vá chiếc tất  rách nát của mình. Anh đã bước ngang qua chỗ ông ta ngồi một đoạn, nhưng rồi không hiểu sao, lại quay lại. Có lẽ, tình yêu đã làm cho con người ta trở nên bao dung và giàu lòng chắc ẩn hơn. Vừa đi anh vừa móc tiền trong túi áo ngực. Thấy có người bước tới, ông già giấu đôi tất rách vào trong chiếc túi để bên cạnh và quay ra nhìn San. Anh chìa đồng hai nhăm rúp màu tím nhạt ra trước mặt ông và nói nhỏ nhẹ:
– Ông cầm lấy đi! Tôi biếu ông.
Thật bất ngờ, ông già không cầm và hỏi lại bằng một giọng khá gay gắt:
– Cậu cho tôi tiền vì mục đích gì? Cậu đến từ Nhật Bản phải không? Cậu nhầm rồi, một công dân Xô Viết không bao giờ xin tiền của bọn tư bản thối tha. – Ông đứng bật dậy và sừng sộ – Cậu hãy cuốn xéo đi! Cậu định hạ nhục một con người chân chính, đúng không? Cậu nhầm rồi! Tôi nhặt vỏ chai đem bán, thì đã sao? Đó là lao động! Cậu hiểu chưa? Và chỉ có lao động mới làm con người tiến hóa…
San ngỡ ngàng giật lùi trở lại vì ông ta cứ hung hăng sấn sổ tới. Vừa nói tay vừa vung vẩy như muốn đánh anh. Đôi mắt xanh nhạt của ông ta đỏ ngầu và thất thần. Cuối cùng, anh quay đầu bỏ chạy ra khỏi tàu điện ngầm.
Lên đến cầu thang máy, anh mới thở phào và tự nguyền rủa mình là đặt tình thương không đúng chỗ. Sự thương hại chỉ làm con người ta tức giận. Và đối với anh, đây là lần đầu tiên nhưng cũng không phải lần cuối cùng.
X. Suốt chặng đường đi trong thành phố, cả hai vợ chồng không ai nói với ai câu nào. Đêm nghiêng về khuya. Các tòa nhà cao tầng hai bên đại lộ Kutuzovsky đã tối đèn. Chiếc xe Volga đen đơn độc lao trên con đường cao tốc dẫn ra ngoại ô. Ông Aleksey đưa tay sờ khắp các túi tìm bao thuốc lá nhưng chợt nhớ ra đã để quên ở quán.
– Anh không thể nhịn được đến nhà hay sao? Anna ngồi ghế sau lơ đãng nhìn qua cửa sổ, nói.
– Em biết đấy, anh có thói quen mỗi khi lái xe là cứ phải hút thuốc. Nhưng thôi, hai chục phút nữa là đến nhà rồi.
Hai người im lặng. Những cây dương hai bên đường loang loáng lướt qua.
– Chà, cậu nhạc công người Việt chơi quá độc đáo, anh bị bất ngờ – Aleksey chợt bật nói – Cậu ta làm anh nhớ lại những năm tháng không thể nào quên сủa chúng ta ở chiến trường Việt Nam…
– Em cũng vậy… làm sao mà quên được – Anna sụt sùi đưa khăn lên chấm mắt.
– Thôi nín đi em… Có ai chọn được cho mình số phận đâu? Nếu biết trước thì…
– Nhưng tại sao tai họa lại rơi vào chính gia đình mình? Hay chúng ta đã làm điều ác nào để Thượng đế nổi giận?
– Anh… lỗi tại anh cả – Aleksey nói lí nhí trong miệng, mắt chăm chú nhìn vào hai vệt đèn pha phía trước – À, em định mời cậu ấy đến dạy đàn cho bọn nhỏ thật à? Aleksey cao giọng lên như muốn chuyển đề tài và chấm dứt những hồi ức u ám.
– Được một tài năng như thế kèm cặp thêm… chắc hai đứa thích phải biết– Anna cất khăn tay vào túi xách – Nhưng không biết cậu ta có đồng ý không?
– Chúng ta giúp họ đánh bại Mỹ thì cả nước Việt Nam phải chịu ơn Liên Xô, trong đó có cậu ta. Vả lại, lương sinh viên thấp. Cậu ta chắc cũng cần tiền để chi tiêu và giúp đỡ gia đình. Mình cứ trả một khoản tiền hàng tháng như lái xe riêng của anh, em thấy thế nào?
– Một nhạc công tài năng như thế mà anh đánh giá ngang với một lái xe à? Giọng Anna hơi bực mình.
– Nhưng đối với cậu ta như thế là quá cao rồi! Thôi được, chuyện đó tùy em, anh không can thiệp, miễn là được việc! – Aleksey cho xe giảm tốc độ để rẽ vào một con đường nhỏ, hai rặng bạch dương trắng lấp lóa dưới ánh đèn pha trông như hai hàng lính danh dự trong lễ duyệt binh.
Mảnh trăng mỏng cong veo chợt lách mình ra khỏi mây, rải xuống mặt đất một thứ ánh sáng bàng bạc, như sương khói. Xa xa, một hồ nước rộng mờ mờ ảo ảo trong đêm. Tiếng động cơ xe làm rộ lên những âm thanh lao xao trên mặt nước của một bầy thiên nga bị đánh thức đột ngột vỗ cánh trắng lấp lóa.
Nhà nghỉ ngoại ô Moskva.
Tòa biệt thự ba tầng im lìm ẩn mình dưới những tán lá thông già mà nhìn từ xa trông giống như những gã khổng lồ đầy đe dọa đang đung đưa vì gió thổi từ phía hồ. Vài ô cửa sổ vẫn sáng đèn. Phía trong sân, phát ra mấy tiếng chó sủa ồm ồm khi chiếc xe dừng lại sát cánh cổng sắt cao vút.
Căn phòng rộng mênh mông của hai chị em Natalia và Nastia trên tầng ba. Từ chiếc máy quay đĩa kiểu cổ điển với chiếc loa khổng lồ hình loa kèn đang phát ra bản giao hưởng “Bốn mùa” của Tchaikovsky. Cô chị Natalia trong bộ đồ ngủ trắng tinh và mỏng tang đứng ở giữa nhà, ngay dưới chùm đèn pha lê và làm một số động tác balet duyên dáng, uyển chuyển.
– Hôm nay chị đứng bao lâu trên đầu ngón chân? Nastia nằm trên chiếc giường rộng, dùng ngôn ngữ cử chỉ của các ngón tay, hỏi.
– Chị cũng không nhớ, nhưng không ít hơn ba tiếng – Natalia trả lời và liếc nhìn mình trong chiếc gương lớn gắn trên tường. Chợt từ phía dưới sân vọng lên tiếng động cơ xe ô-tô và sau đó tiếng cánh cổng sắt rít lên. Cô chạy vụt đến bên cửa sổ và chụm hai tay làm loa, kêu to:
– Chúng con chờ bố mẹ dài cả cổ như thiên nga rồi đây!
Sau đó, cô nhảy những bước dài kiểu balet đến bên giường và nằm xuống cạnh em gái.
– Thôi, đọc thế đủ rồi! Vừa nói cô vừa giằng lấy tập sách trong tay Nastia và vất sang bên cạnh.
– Chị đố em, lời nói đầu tiên khi mẹ bước vào phòng bây giờ là câu gì?
– Chắc lại là…. “Sao giờ này mà các con chưa ngủ?” Nastia lại dùng các ngón tay trả lời và kèm theo vẻ mặt làm điệu bộ trông thật ngộ nghĩnh.
– Còn chị lại cho là… “Mẹ chẳng bao giờ thích cái trò tiệc tùng nhậu nhẹt, cũng chỉ vì bố thôi!”
Cả hai thích thú với trò chơi bất ngờ của mình, ôm chặt lấy nhau cười rúc rích và háo hức cùng hướng mặt về phía cửa ra vào. Chỉ sau đó mấy phút, cũng là lúc chiếc kim trên máy quay đĩa tự động nhảy bật lên, kết thúc bản giao hưởng. Không gian trở nên im ắng, nghe rõ cả tiếng bước chân của bà Anna vang lên trên cầu thang. Bước lên những bậc cuối cùng, bà còn nói vọng xuống với người phục vụ là phải tháo xích cho con béc giê vì sáng nay bà đã thấy ở cổ nó có vết trầy xước.
– Sáng mai sẽ đưa nó đến bác sĩ thú y! Bà hạ thấp giọng nói với chính mình – Chó nó không nói được thôi, chứ cũng đau như người ấy chứ!
Đứng trong khung cửa căn phòng của hai con gái, bà vỗ hai tay vào nhau và cất giọng trách móc:
– Sao giờ này mà các con chưa ngủ, hả?
Nastia ú ớ và vỗ tay đôm đốp, rồi quay sang ôm chặt lấy chị.
– Mẹ chẳng bao giờ thích cái trò tiệc tùng nhậu nhẹt, cũng chỉ vì bố thôi!
Bây giờ đến lượt Natalia cũng reo lên và cười như nắc nẻ.
Bà Anna bước tới giường và ôm lấy hai con, hôn lên má mỗi đứa hai cái.
– Mẹ có tin vui cho các con đây… – Đôi mắt bà trở nên rạng rỡ. Bà ôm lấy Nastia và vuốt ve mái tóc vàng vừa dày vừa óng ả của con gái út.
– Mẹ nói ngay đi! con sốt ruột rồi! Natalia giục, dùng một ngón tay soắn lấy lọn tóc mai
– Các con sẽ có một thầy dạy Piano mới, rất tuyệt vời!
– Thật không mẹ? Ai vậy? Tại sao lại là thầy? Thế cô Olga không dạy nữa à? Nastia dùng các ngón tay hỏi lại, ánh mắt đầy vẻ thắc mắc.
– Trông thầy thế nào ạ? Bao nhiêu tuổi? Có đẹp trai không hả mẹ? Natalia liến thoắng hỏi.
– Một sinh viên nhạc viện Tchaikovsky, người Việt Nam!
Cả hai chị em đều lặng đi vì quá bất ngờ.
Natalia quay sang nhìn em gái. Còn Nastia không nói năng gì, chỉ gỡ cánh tay mẹ đang ôm lưng và ngồi xích hẳn ra.
– Người Việt Nam à? Thật không? Natalia không tin ở tai mình, lên giọng hỏi lại đầy vẻ ngạc nhiên – Mẹ tìm ra anh ấy ở đâu?
– Trong buổi tiệc hôm nay. Cậu ấy chơi Chopin mới tuyệt vời làm sao!
– Lại còn chơi Chopin nữa, mẹ không nhầm đấy chứ? Hay cậu ta là người Nhật?
– Mẹ làm sao mà nhầm được! Mẹ còn nói chuyện bằng tiếng Việt với cậu ấy…
– Anh ấy học năm thứ mấy?
– Năm thứ ba, nhưng trông thấp bé, da ngăm ngăm đen…
– Và mắt him híp nữa chứ? Natalia cắt ngang lời mẹ và phá ra cười
– Mẹ đã mời anh ấy chủ nhật này tới dự lễ sinh nhật của mẹ.
– Thật bất ngờ! Natalia vỗ hai tay vào nhau và thốt lên.
– Nastenka của mẹ, con sao thế? Bà quay sang con gái út và cảm nhận được điều gì đó không bình thường qua đôi môi mím chặt lại và hơi giật giật – Con thấy trong người thế nào? Giọng nói của bà trở nên vừa âu yếm vừa lo lắng.
Nastia vùng vằng và nằm úp mặt xuống gối khóc thút thít. Bà Anna đưa mắt sang nhìn con gái lớn như có ý dò hỏi, chuyện gì đã xảy ra giữa hai chị em lúc mẹ vắng nhà. Natalia nhún vai và dơ hai tay ra để tỏ ý không biết tại sao em gái lại ngúng nguẩy như vậy.
– Con không muốn học đàn với anh ta! Nastia khóc to lên, ngôn ngữ ngón tay trở nên giận dữ – Con không muốn ở gần một người mà sự có mặt của anh ta luôn nhắc con về nỗi bất hạnh của mình!
– Nhưng cậu ấy có lỗi gì đâu? Bà Anna ngồi sát lại con gái và vuốt ve, xoa lưng cho con – Có khi gia đình cậu ấy còn là nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy chứ. Mẹ và bố đã tận mắt nhìn thấy bao cảnh chết chóc thương tâm trong thời gian ở bên đó. Hầu như gia đình nào cũng có người thân hy sinh hay thương tật. Chính mẹ cũng bị bom vùi suýt сhết trong trường học…. Còn bố thì… bị nhiễm… chất độc da cam… – Nói đến đây, Anna cũng đưa tay lên lau mắt.
– Bố mẹ sang Việt Nam để làm gì cơ chứ? Nastia hỏi lại câu hỏi mà đã không ít lần được viết ra kèm theo những tiếng ú ớ trong cổ họng.
– Nghĩa vụ con ạ. Chúng ta sống trong một xã hội mà mỗi con người chỉ là một chiếc đinh ốc nhỏ bé của một cỗ máy vô tri vô giác, phải chấp hành vô điều kiện và thực hiện ý chí của lãnh tụ tối cao… thôi, các con đi ngủ đi! Sáng mai còn đến trường…
Nói đến đây, Anna hấp tấp đứng dậy khỏi giường như chạy trốn và cúi xuống nhặt cuốn sách bị con gái vô tình gạt tay rơi xuống sàn nhà. Bà lẳng lặng bước đến bên chiếc bàn học của con và khẽ khàng đặt nó lên bàn. Bà tắt đèn trần và chỉ để lại ánh sáng xanh dìu dịu của ngọn đèn ngủ trong góc phòng.
– Chúc các con ngủ ngon!
Anna khép cửa lại như muốn nhốt chặt tiếng khóc tấm tức của con gái sau lưng. Phản ứng của Nastia khiến bà bất ngờ và đau đớn. Cái điều mà bà nghĩ đến đầu tiên khi định mời San đến dạy đàn là làm dịu đi nỗi bất hạnh của con gái. Bà biết con gái rất có năng khiếu âm nhạc. Ông trời đã lấy giọng nói của cô từ khi chào đời, nhưng Người lại rất hào phóng bù lấp khiếm khuyết đó bằng một khả năng thẩm thấu âm thanh hiếm có. Cô giáo dạy đàn Olga ngay từ buổi học đầu tiên đã nói với bà điều này.
Anna buông từng bước chân nặng nề xuống bậc thang với một tâm trạng hoàn toàn khác lúc đi lên. Ông Aleksey vẫn còn nói chuyện qua điện thoại với ai đó trong phòng khách. Bà loáng thoáng nghe câu được câu mất. Vẫn là những cuộc tập trận không bao giờ dứt, rồi thử nghiệm vũ khí mới…
Đột nhiên bà cảm thấy hoảng sợ vì ý nghĩ ngôi nhà thân yêu này, thành phố Moskva cổ kính này, hai đứa con thiên thần và cả chính bản thân bà đang nằm dưới tầm ngắm của những loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp.
Chỉ cần một tích tắc của sự nhầm lẫn, của sự điên rồ… là tất cả trở thành hư vô.
– Ôi con người! Thật đáng thương và mong manh biết chừng nào! Bà lẩm nhẩm thành tiếng.
– Em cứ đi ngủ trước đi, anh còn có chút việc phải làm nốt! Giọng ông Aleksey vang lên từ phòng khách.
“Ông thì bao giờ mà chả công việc là trên hết” – Bà nghĩ trong đầu.
Một cảm giác gì đấy giống như là một sự hối hận xâm chiếm tâm hồn. Anna đi ngang phòng ngủ vì biết chắc có nằm vào giường cũng chẳng chợp mắt được. Bà mở cửa phòng làm việc của mình và định đưa tay bật công tắc điện nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi. Bà bước đến bên chiếc ghế xôpha bên cạnh cánh cửa sổ cao rộng và lặng lẽ ngồi xuống. Bóng tối trong căn phòng và màn đêm bên ngoài khu vườn rộng khiến những suy nghĩ trong đầu bà trở nên rõ nét hơn. Sau buổi tiệc lúc chiều, bà càng cảm thấy rõ hố sâu ngăn cách giữa mình và những bà vợ ồn ào của đồng nghiệp chồng. Thực sự, bà không thể tham dự vào được bất cứ cuộc nói chuyện nào của họ. Cả buổi bà chỉ ngồi một chỗ và quan sát họ. Bà cũng chẳng chơi thân được với người nào, có lẽ bởi vì đa phần họ đều từ các tỉnh lẻ lên. Họ ào vào thủ đô một cách sỗ sàng, giẫm đạp không thương tiếc lên mọi các quy chuẩn đạo đức tối thiểu, miễn là đạt được mục đích bằng mọi giá. Bà thấy họ quá nhiều tham vọng quyền lực, thích phô trương và nông cạn. Сách ăn mặc của các bà vợ mới quê mùa làm sao, chỉ thích những gam màu nóng, xanh đỏ lòe loẹt. Những ý nghĩ không vui khô cong lên như bị nướng trên bếp than hồng. Nhưng cũng may, chúng cũng được mềm ra, mát dịu đi khi tiếng đàn của cậu sinh viên người Việt văng vẳng vang lên bên tai bà. Một cái gì đó giống như là một trận mưa nhiệt đới bất chợt mà bà đã được trải nghiệm ở Việt Nam khiến cái nóng ngột ngạt lắng xuống, dễ thở hơn.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ với San vừa qua đã làm sống dậy ký ức về một mảnh đất nhiệt đới xa xôi mà số phận đã run rủi xô đẩy gia đình bà cuốn hút vào vòng xoáy của nó hơn ba năm. Khúc chảy xiết nhất của dòng sông cuộc đời.
Và, dấu vết cũng như hệ lụy thì đến bây giờ vẫn hiển hiện qua cô con gái út bị câm. Một nạn nhân của chất độc màu da cam mà người cha bị phơi nhiễm tại chiến trường Việt Nam. Nó để lại một vết sẹo lớn trong tim bà và còn đeo đẳng đến tận cuối đời.
Suốt cả đêm hôm đó, Anna không ngủ. Bà khóa cửa phòng làm việc lại và lấy từ phía sau giá sách, nơi chỉ mình bà biết, ba cuốn nhật ký cũ ghi chép bằng nhiều loại bút mực khác nhau những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy trong thời gian phải đối mặt với chiến tranh, với cái chết cận kề, và cả tình yêu sét đánh hay nói theo kiểu Nga là “Say nắng” nhiệt đới…
18/12/2021
Vũ Tuấn Hoàng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

tương tri Tôi ở Sầm Sơn đã hăm tám năm, ngay từ thời tôi tậu cái nhà nghỉ mát này. Năm ấy tôi vừa bốn mươi và đương làm ký lục tòa án tâ...