Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Lặng lẽ bến chờ

Lặng lẽ bến chờ

Tiếng còi từ bến phà xa xa vọng về báo hiệu. Con gà ngủ trên cây mít đập cánh gáy một hồi dài. Chị loay hoay nhóm bếp, mớ lá khô bén lửa bùng lên. Ánh lửa kéo bóng chị ngã ra cánh liếp, đổ dài ra khoảng sân mờ tối, đầy sương. Mẹ cũng dậy từ bao giờ, tiếng mõ lóc cóc ở nhà trên đều đều dội xuống. Mấy con muỗi cứ vo ve, chờ sơ hở là nhũi đầu xuống chích. Kệ nó! Chị còn phải lăng xăng bắt nước nấu cơm, kho cá, vô cà mên, rồi còn phải chuẩn bị mấy bó tre cặp, chất mấy bâu ớt lên xe đẩy… hơi nào mà canh tụi nó.
Mấy công việc không tên không tuổi này chị đã quen thuộc, đã gắn bó bao nhiêu năm nay. Hồi còn ở với ba má làm ruộng đã cực, mà về nhà chồng làm rẫy còn cực hơn! Làm ruộng còn có lúc nông nhàn chứ làm rẫy thì quanh năm, hết mùa đậu thì tới mùa bắp, không trồng ớt thì trồng hành, nghỉ dưa leo thì dưỡng khổ qua… mà trồng giống gì cũng nhiều công đoạn. Lật quật từ sáng tới chiều hết trong nhà đến ngoài rẫy. Mà nào có riêng chị, bao nhiêu người phụ nữ trên cái xứ cù lao này cũng sống trong cái guồng quay ấy.
Riết cũng quen!
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Đào Uyên ở An Giang
Nồi cơm sôi lục bục nhắc chị hạ lửa. Mùi cơm thơm sực. Chồng chị thích mùi thơm của cơm nấu bếp củi thành ra cái nồi cơm điện nhà này quanh năm chẳng dùng tới, thành ra dù bận mấy chị cũng nấu cơm củi cho chồng. Nhớ hồi còn con gái những lần má kêu nấu cơm củi chị cứ hay cằn nhăn… Bởi vậy mới nói con gái là con người ta, con dâu mới thiệt mẹ cha mua về. Nhà chồng có mua chị? Tiếng tằng hắng làm chị giật mình. Chồng đứng chỗ thông hành, hỏi:
– Nãy giờ làm gì tui hỏi không nghe? Coi dỡ cơm rồi chất mấy bó tre lên xe đẩy ra rẫy… Ờ! Chiều nhớ tranh thủ đi về họp phụ huynh cho con Dao nữa….
Rồi không đợi chị trả lời, anh quay lưng đi tuốt lên nhà trên. Cái dáng cao gầy, mỏng dánh để lại chỗ chị cái mùi hăng hăng khó chịu của rượu ủ qua đêm. Chị nhợn ói. Kì! Cưới nhau bao nhiêu năm rồi mà chị vẫn không thể quen được cái mùi rượu ngấm vào hoà với mùi hôi của chồng những lần anh say. Bữa nhậu từ chiều qua mà giờ này trên người anh vẫn còn lẩn quẩn mùi men. Mẹ chồng hay nói:
– Thằng Tánh như cái bình Nhật Bổn cầm hơi. Nó nhậu bữa trước mà bữa sau tới kế bên nó hửi hơi còn muốn xỉn.
Cũng tại cái bình cầm hơi quá nên hôm bửa đám cưới sau khi “động phòng” anh ngủ say rồi mà chị không thể nào ngủ được vì cái mùi rượu trộn mùi hôi từ người anh phả ra. Tới sáng chừng anh thức dậy mới phát hiện vợ đang nằm ngủ chèo queo dưới ván. Còn mình nằm “cù bơ cù bấc” trên giường. Và nhiều đêm sau cũng vậy, những lần anh say chị ôm gối xuống ván ngủ một mình vì không chịu nổi mùi chồng. Chị đâu có ngờ từ cái bữa đầu tiên ôm gối ra khỏi giường cưới ngủ một mình chị đã chuốc lấy cho mình phiền luỵ… Tiếng còi tàu trên bến phà lại hụ sang một hồi dài. Thằng bé trong buồng giật mình, oà khóc. Lật đật chạy lên dỗ con, chị khe khẽ:
 “Ngó lên Châu Đốc, ngỏ xuống Vàm Nao
Anh thương em ruột thắt gan bào
Mà biết em có thương lại chút nào hay không?”
Có tiếng tằng hắng ở nhà trên. Chồng chị lào bào. Mẹ dừng tay gõ mõ, húng hắng ho. Chết chị lại quên, ru con bằng bài hát đó!
Trời xế bóng nắng, chị sửa tới sửa lui cái nón lá trên đầu mà không sao làm dịu được cái oi bức của trời đất và cả con giận đang bốc lên thành khói trong lòng. Mấy lời cô giáo nói vang vang bên tai.
– Chị à, về quan tâm tới bé Dao hơn. Trong lớp cháu nó cộc tính, hay gây gổ với bạn. Sao Dao thường nghỉ học vậy?
Nghỉ học để làm gì chứ? Ở nhà có ai hay biết gì đâu. Con nhỏ này thiệt là… Bà nội cung như trứng mà còn dở chứng. Cũng tại bà nội cưng chìu quá sinh hư. Mà không riêng gì bà nội, cả chồng chị cũng cưng Dao một mực. Có lẽ họ muốn bù đắp tình thương cho đứa bé sớm mất đi tình yêu thương của mẹ, sớm phải xa cha. Bảy năm trước khi chị mới về làm dâu đã thấy bé Dao chạy giỡn trong nhà. Thậm chí có hôm nó còn nằng nặc đòi vô ngủ chung với vợ chồng chị. Bà nội dỗ dành mãi nó mới chịu ngủ với nội. Sau này chị mới biết Dao là đứa con rơi của anh hai Lành. Anh Lành học hành sao đó trên thành phố mà một buổi chiều tắt nắng, gió ngoài sông lồng lộng thổi vô nhà, anh ẵm về cho mẹ một đứa bé chừng hai tháng tuổi. Mẹ nó giao nó cho anh Lành, anh Lành giao nó lại cho mẹ chồng chị. Đứa bé được đặt tên Dao, với nghĩa là đứa bé bị giao lại, trả lại. Rồi anh Lành ra trường, lập nghiệp, cưới vợ trên thành phố. Bé Dao sống luôn với bà nội và chú. Bởi gần gũi từ nhỏ nên chồng chị thương Dao như con, còn Dao cũng suốt ngày quấn quýt bên anh.
Thỉnh thoảng vợ chồng anh Lành về thăm. Anh Lành cũng hỏi han, cưng nựng mà sao chị thấy tình cha con họ lạc như nước ốc. Vợ anh cũng đối xử dịu dàng với nó nhưng chị thấy vẫn có bức tường vô hình ngăn cách cái tình mẹ ghẻ con chồng. Mấy đời bánh đúc có xương, đổi lại là chị, chị cũng không thể nào yêu như con đẻ đứa bé được tạo ra từ yêu thương của chồng mình và người phụ nữ khác. Tánh cũng kêu chị hãy thương yêu chăm sóc, hãy cho Dao tình mẫu tử vì con bé mất hơi mẹ từ hồi còn đỏ hỏn. Thương, nhưng chị không chấp nhận cái kiểu chìu cháu quá mức của mẹ. Dao muốn gì cũng được. Tám, chín giờ tối, đòi ăn bánh bà cũng lặn lội sang tiệm tạp hoá mua. Lúc bốn tuổi, nửa đêm khóc đòi võng bà nội cũng bồng ra ngủ gà ngủ gật ngồi đưa. Những đêm trăng sáng Dao hay bắt bà nội hoặc chủ Tánh dắt dọc theo bờ sông hay ra bến phà để tìm mẹ. Vừa thấy thương vừa thấy bực. Mẹ nó là ai nó có biết dâu mà tìm. Bởi từ lúc giao con tới giờ, mẹ chồng chị nói cô ta chưa một lần trở lại. Chìu quá nên giờ ra vậy, mấy hôm nay bày đặt trốn học chẳng biết đi đâu…
Đám đông lố nhố trước mặt cắt ngang cơn bực dọc. Cái gì vậy cà? Chị sấn bước lên, chen vào ngó. Một thằng bé đen đúa, còm nhom được đặt nằm trên võng. Một người đàn bà đang đút nước cho nó. Chiếc xe cà tàng với mấy chùm bóng màu xộc xệch dựng kế bên. Xung quanh là những tiếng bàn tán xôn xao:
– Nó là ai? Bị gì vậy ?
– Nó đi bán bong bóng. Nó bị bệnh gì đó, yếu lắm. Nó hay đạp xe bán đường này nè. Chắc nó mệt quá nên xỉu. Bữa trước bà Tư bún cho nó tiền, nó nói để dành tiền đi tìm mẹ. Mẹ nó bị tâm thần cứ lang thang hết nơi này đến nơi khác. Bây lớn mà tự nuôi mình, thiệt tội!
– Vậy ba nó đâu?
– Bỏ mẹ con nó từ năm Thìn bão lụt nào rồi!
Chị nghe lời bàn tán của mấy bà mấy cô mà trong lòng dâng lên niềm thương cảm. Sao nó bất hạnh như vậy? Sao có những người đàn ông vô tâm như vậy? Một người phát động:
– Tội nghiệp thằng nhỏ quá. Ai có tiền hùn lại chút đỉnh giúp nó đi!
– Ừ phải đó. Tui còn một ít nè.
– Ừ tui góp mười ngàn.
– Tui nữa.
– Tui nữa nè….
Chị cũng lần tay vô túi lấy tiền. Cái xứ này nghèo tiền bạc chứ không nghèo tình nghĩa. Nghe nói cũng có nhiều người giả cảnh đau ốm dọc đường để lừa tiền, nhưng mà thôi kệ họ. Giúp người vài ngàn mình cũng không nghèo hơn; chứ không giúp về lại cắn rứt vì lỡ đâu người ta bệnh thật. Thằng nhỏ này có lần chị gặp nó chạy xe qua ngõ nhà mình. Mà mẩy bà điên lang thang trên đường mỗi lần về nhà mẹ ruột chị hay gặp, biết đâu có một người là má nó?
– Hương!
Ai đó gọi, một bàn tay đặt lên vai chị. Quay lại ngó, chị đứng chết trân. Là anh! Ai có ngờ mấy năm trời xa cách giờ gần nhau trong gang tấc thế này đây.
– Hương khoẻ không?
– Ừ… ừ tui khỏe… còn anh sao ở đây?- Chị trả lời mà nghe lòng mình run lên xốn xang. Anh cười cười chỉ tay về quán cà phê bên kia đường:
– Quán cà phê đó là của vợ chồng tui mới cất. Vợ tui là dân xứ này.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Hai người cùng một điểm xuất phát – từ miệt Chắc Cà Đao ra đi, đi về hai ngã khác nhau, sau bao nhiêu năm trời ròng rã giờ cùng hội ngộ ở xứ người ; kẻ quê vợ người quê chồng. Hoàn cảnh quá khác ngày xưa, cái ngày hai đứa cùng ra đồng nhổ mạ cấy lúa… Từ cái đận anh lên hát bài “Được tin em lấy chồng” góp vui cho đám cưới chị, bị mấy ông anh kéo xuống khỏi sân khấu, anh ôm cửa ngõ khóc không chịu đi, rồi chị vu qui thì không còn gặp anh nữa. Có lần về thăm nhà, má chị nói :
– Nghe đồn nó lên thành phố làm công nhân hay học nghề gì đó. Lâu rồi nó không về đây.
Thêm đôi ba câu trao đổi cố tỏ ra bình thường mà cứ nghe ngượng ngùng, gượng gạo, chị chào anh về. Hấp tấp, đi mà cứ như chạy, cứ như có cái gì đang đuổi sau lưng. Thật sự là sau lưng chị có một ánh mắt đuổi theo…
Vừa bước vào khỏi cái trụ xi măng cổng nhà, chị đã vội nhảy sang một bên tránh cái đòn gánh đang bửa xuống. Tánh lè nhè :
– Đi đâu mới về? Còn dám nói chuyện với nhân ngãi ngoài đường, hả? Tưởng qua mặt được, hả ? Đó là thằng nào? Phải thằng Hùng tóc quăn không, hả ?
Rồi không chờ giải thích, anh xông vào chị với cây đòn gánh trên tay. Chị vùng chạy, anh đuổi theo. Hai vợ chồng đuổi đánh quanh sân ầm ĩ. Mẹ và hàng xóm vào ngăn anh lại. Anh bị mấy ông lực lưỡng kéo qua nhà hàng xóm. Chị bị phang trúng mấy chỗ. Mẹ dẫn chị vào bếp đắp muối. Bà vừa đắp vừa xuýt xoa:
– Thằng Tánh này cái tật uống rượu quậy không bỏ! Thôi con ráng thương mẹ, thương sấp nhỏ mà nhịn nó nghe con. Mai nó tỉnh, mẹ rầy.
Muối trộn mồ hôi mặn chát chảy xuống môi, chị chùi cái thứ nước mặn trộn mồ hôi rớt xuống từ mắt mình. Con chị khóc bên nhà hàng xóm. Cô tám hàng xóm đang dỗ dành :
– À ơi… nín đi nghe con… À ơi có quán tình phụ cây đa, ba năm quán đổ cây đa vẫn còn…
Sao câu hát ru con nào của người xưa nghe cũng đứt gan đứt ruột! Trời chập choạng tối. Con thằn lằn trên vách chắc lưỡi thở dài. Đời có vay có trả, quả báo nhãn tiền mà… Cái ngày nhà chồng qua hỏi cưới, má chị nói:
– Hạnh phúc cả đòi con, tự con quyết lấy, má không ép!
Má chị là vậy. Hiền lành, không bao giờ to tiếng với chồng con hay hàng xóm. Hồi xưa nhà ngoại giàu lắm, vậy mà má thương rồi về với ba dù nhà nội nghèo thiệt là nghèo. Má nói chỉ cần yêu nhau người ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thì cái nghèo có thấm thìa gì đâu. Mấy chục năm sống với ba là mấy chục năm má xoay sở với cơm áo, gạo tiền. Có năm tết đến mà trong túi không còn một đồng, phải ra tiệm mua thiếu bánh mứt, nhang đèn về cúng ông bà. Vậy mà má vẫn yêu ba, không than thở trước cái nghèo thấm thía. Nhưng chị thì khác! Từ nhỏ, chị đã sống trong cái nghèo nên biết sợ cái nghèo, biết nồi tủi thân của một đứa bé ngày tết đến không có được cái áo đẹp, biết xấu hổ khi đến tiệm mua chịu chai dầu đốt đèn trước vẻ mặt khó chịu của bà chủ tiệm; biết thương má đến độ muốn lao vào cắn bà chủ nợ khi mùng một tết mà réo má ra chửi ngay trước cửa nhà, trước mặt bầy con… Nên chị đã xác định mình không thể giống má, vì tình yêu mà sống cuộc sống nghèo đến độ bị người ta khinh. Chị không muốn con mình sau này phải xót xa đứng nhìn má nó ngồi năn nỉ người ta cho khất nợ. Chị đã nhận lời lấy Tánh, dù có người ngăn : « Coi người ta có gì không mà nhà giàu như vậy lại chịu cưới mầy ». Chị đã chấp nhận làm người vong phụ với mối tình đầu. Chị khóc không nước mắt khi Hùng ôm cửa ngõ, và khóc nhiều lần nữa khi Tánh nổi cơn sau mỗi lần rượu say, đánh chị vì cái tội :
– Thằng đầu quăn đó là cái gì mà ôm cửa ngõ khóc hả?
Và đánh vì cái tội :
– Cô có yêu thương gì tui! Đêm đám cưới cô không thèm ngủ chung mà. ,
Kể cả câu hát ru con mà cù lao này bao nhiêu người hát anh cũng cho là chị gửi tình ý vào trong đó. Những lần như vậy chị chỉ biết trách mình tham giàu làm chi. Mà đau xót là suốt mấy năm chung sống cái bụng chị chưa chịu nhô lên. Chỉ sợ câu gái độc không con, không có đứa con nối kết tình vợ nghĩa chồng dễ lợt phai. Hơn bốn năm nhìn chồng chăm bẳm yêu thương bé Dao như con mà chị cầu trời mau ban cho mình một đứa bé. Nhiều lúc chị nghĩ vẩn vơ vì mình tham giàu phụ khó nên bị phạt. Cuối cùng, trời cũng thương cho chị một đứa bé trai. Cứ nghĩ những trận đánh đập sau cơn say sẽ bớt đi… ngờ đâu… Cái lần đầu tiên gặp đứa bé trong nhà bảo sanh, Tánh đã nhíu mày :
-Ở đâu ra cái giống tóc quăn như vậy?
Thằng bé càng lớn càng giống Tánh từ đôi mắt, cái mũi đến khóe miệng; chỉ duy có mái tóc quăn! Làm sao lại có thể giống cái người ôm cửa ngõ?! Nên thằng bé bị cha hờ hững, lúc thương, lúc lại như không. Có lần, cô Tám hàng xóm hỏi chị :
– Nó say vô là đánh như vậy sao mày không bỏ cho rồi? Ở làm chi khổ thân.
Sao chị không bỏ chồng? Chị cũng không trả lời dứt khoát được. Chắc vì đó là chồng chị. Vì như bao nhiêu người phụ nữ khác chị khó bước qua cái chừ “thôi chồng “. Nói thì dễ, làm mới khó. Rồi sẽ ăn nói sao với người xung quanh khi bỏ chồng về xứ ? ” Đàn bà hư bị chồng bỏ”. Rồi sẽ mặc cảm, xấu hổ với người mình đã phụ rẫy. Một phần cũng vì tình nghĩa với chồng, dù khi say anh hay đánh chị, nhưng ngày thường anh hiền lành, giỏi việc đồng áng, hiếu thảo với mẹ. Một phần nữa vì mẹ chồng. Người đàn bà nhân hậu ấy luôn đứng về phía chị, bên vực mồi khi chị bị đánh. Bà thường khuyên :
– Con thương mẹ, thương nó thì bỏ qua. Nó từng bệnh một trận thập tử nhất sinh nên mới trái tính trái nết như vậy.
Nhiều lúc chị nghĩ đến bà cô chồng, chồng cô vợ bé vợ mọn mà cô vẫn ở, vẫn chờ năm này qua tháng nọ. Chị tư xóm dưới, bị chồng rượt đánh mà khi chồng bị công an xã mời lên làm việc lại lên năn nỉ cho cho chồng. Bởi đạo chồng nghĩa vợ là thứ ràng buộc muôn đời. Xuất giá tòng phu, người có học thức, hiện đại nghĩ khác, chị thất học, quê mùa nghĩ khác. Hơn nữa, chị và Tánh còn có một đứa con, con của chị cần có cha. Vì vậy chị không buông tay, dù chị mơ hồ nhận ra trong lòng chồng còn có một người nào đó, đã đến trước mình. Cái người cũ ấy là ai, ở đâu chị không rõ, nhưng người ấy vẫn hiển hiện trong lòng anh, nhất là những lúc anh trầm ngâm nhìn về phía ngọn sông Tiền. Thà rằng anh đánh chị đau còn hơn làm chị đau bằng dáng ngồi thẩn thờ ấy. Buồn, nhưng không dám hỏi, không dám trách nhiều vì chị hiểu cảm giác nhớ người cũ khó chịu như thế nào. Bởi thỉnh thoảng trong giấc mơ chị cũng gặp Hùng của ngày xưa…
Một chiều, chị đang lom khom gom mớ ớt khô phơi ngoài sân thì chồng ào về, túm ngay lấy chị, mùi rượu phả tràn qua hơi thở :
– Lại hẹn hò đàn đúm hả? Không ở được thì đi với nó đi, đi đi !
Chị tưởng lần này lại no đòn. Nhưng, chỉ có vậy. Anh xô mạnh chị xuống sân, quay ra lộ, đi thẳng. Mẹ chồng, cô tám từ trong bếp chạy ra. Cô tám chép miệng :
– Tao biết thế nào cũng có chuyện mà. Hồi trưa bên đám thôi nôi, thằng cha Út thài lai nói giấc sáng chả gặp mày trong tiệm thuốc thú y ngoài thị trấn, mấy thằng chả nhiều chuyện bàn sao con mày tóc quăn hổng giống cha, hổng giống mẹ…
Thì ra là vậy. Chị nào có biết cái tiệm thuốc ấy của Hùng. Hai con heo trong chuồng bỏ ăn, chị Hai bên nhà chỉ ra tiệm đó bán thuốc cho heo hay lắm. Ai ngờ! Lần trước gặp trên đường chỉ biết Hùng là chủ quán cà phê. Biết Hùng là chủ tiệm thuốc chị đã bối rối, ngạc nhiên biết chừng nào. Chị đã vội bỏ về dù Hùng nói chưa hết lời… Vậy mà cũng không tránh khỏi điều tiếng…
Suốt đêm ấy chị thao thức, mấy lời Hùng nói cứ văng vẳng bên tai: “Sao Hương ốm vậy? Tui hỏi thăm, biết Hương hay bị chồng đánh. Hương không hạnh phúc sao?… Tui vẫn nhớ Hương nhiều lắm. Neu chồng không thương, em nắm níu làm gì? Bỏ đi Hương, tui và em sẽ đi khỏi nơi này. Tui không quên em được… “. Chị gần như bỏ chạy, nước mắt cứ trào ra. Chị từng hắt hủi tấm chân tình của Hùng, anh còn thương chị thật sao? Hay đó chỉ là chút xao lòng, thương hại của tình xưa nghĩa cũ? Chồng chị vẫn chưa về. Tiếng còi từ bến phà hụ lên báo sáng. Bến phà… chỉ một bước chân xuống phà, qua bờ bên kia, tât cả sẽ khác đi. Nhưng còn con? Thằng bé sẽ ra sao khi sống cùng người không phải là cha nó? Hình ảnh thằng bé ngất xỉu bên vệ đường chợt hiện lên… Con giật mình, ré khóc. Chị quay qua ôm con, cất giọng nghẹn ngào:
– À ơi… Trời mưa bóng bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
Mãi đến chập tối hôm sau, Tánh mới về nhà. Tắm rửa, cơm nước, nói vài câu bâng quơ với con trai, lên nhà trên xầm xì chuyện gì với mẹ, rồi lại đi mất. Suốt mấy ngày liền anh đi biền biệt như vậy. về chốc lát, rồi lại đi. Chị nhìn thấy sự mệt mỏi, bơ phờ hiện rõ trên gương mặt của chồng, nhưng không dám hỏi. Chị thấy bất an khi đọc được nồi buồn trũng sâu trong mắt anh. Mẹ nữa, mấy hôm nay cứ ra vào phấp phỏm, mấy lần gọi chị lại, định nói gì, rồi lại thôi. Lẽ nào….
Lại một chiều chập choạng, gió ngoài sông lồng lộng thổi vào. Tánh về, ngập ngừng đứng ở đầu võng, nhìn chị ru con ngủ, một lúc thì bỏ lên nhà trên. Thì thầm… thì thầm. Lát sau, anh dắt bé Dao đi. Mẹ chồng từ nhà trên đi xuống, ngồi cạnh chị, giọng run run :
– Vợ thằng Tánh à, má… xin lỗi con. Má với thằng Tánh giấu con chuyện này lâu quá rồi… Con Dao… nó là… con… con của thằng Tánh.
Trong ngực chị có cái gì đó nhói lên, tay chân bun rủn. Sao có thể như vậy được? Chị chỉ nghĩ anh đã từng có tình yêu sâu đậm với người khác trước khi cưới chị về. Chứ đâu thể – mà cũng đâu muốn nghĩ anh từng có một đứa con riêng? Đứa con ấy từ bấy lâu nay vẫn ở cạnh anh.
… Thằng Tánh với con Thu yêu nhau, nhưng hai nhà đều không thuận. Ông nội sấp nhỏ thì chê má con Thu là phường buôn hương bán phấn, con Thu còn không biết cha nó là ai. Còn má con Thu ôm mộng đổi đời, muốn gả nó cho ngoại quốc nên không ưng thằng Tánh. Rồi má con Thu ép nó lấy chồng ngoại. Má đâu ngờ hai đứa nó đã ăn ở với nhau, má đâu biết con Thu đã có bầu… Bữa con Thu theo má nó lên thành phố, thằng Tánh uống thuốc rầy tự tử. Mai mà không chết. Từ đó nó thành đứa cộc cằn. Mấy tháng sau thằng hai Lành trên Sài Gòn bồng con Dao về, nói con Thu giao lại… Biệt tin con Thu sáu, bảy năm nay. Ai ngờ… ai ngờ nó về mấy hôm rày. Thằng Tánh nói nó bệnh nặng lắm con à…
Mắt chị nhòa đi, tai không còn nghe mẹ đang nói gì nữa. Cuối cùng, dù trên danh nghĩa, chị là người vợ có hôn thú nhưng cũng chỉ là người đến sau. Bấy lâu nay, anh vẫn nhớ về người đàn bà ấy, vẫn yêu thương giọt máu người ấy để lại. Mẹ con chị có là cái gì đâu? Đã bao giờ thằng bé được yêu thương thực sự? Giờ, người đàn bà ấy về rồi, trở về rồi, hai mẹ con chị sẽ sao đây? Đúng là quả báo! Chị bỏ người yêu để lẩy chồng giàu, người chồng giàu ấy đã bị người con gái khác bỏ để lấy người giàu hơn. Mà đau đớn nhất là chồng vẫn nhớ thương hình bóng cũ…
– Nín đi con, đừng khóc. Thằng Tánh nó cũng muốn nói thiệt với con mà chưa có cơ hội. Từ từ má tính. Má chỉ có mình con là con dâu thôi.
Mẹ chỉ coi mình chị là con dâu cũng đâu ngăn được chồng chị xem người khác là vợ? Một trong hai sẽ phải ra đi. Ai sẽ phải ra đi?
Khuya. Chị rón rén đi ra cửa, chắc mẹ đã ngủ. Trăng xế khỏi đỉnh trời. Mặt sông lấp lánh bạc. Chị ôm chặt con trai, đi về phía bến phà. Miên man, miên man, bước chân chị lần trong vô thức. Đi đâu? Từ bỏ tất cả? Thua cuộc? Tìm Hùng? Đi tìm hạnh phúc? Đi đâu? Tương lai? Trời khuya lắm rồi ai lại ru con xé lòng xé dạ người khác:
– Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…À ơi… Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai…
Sau mấy hôm đi biệt, Tánh về, ẳm thằng bé, nhìn chị có vẻ dịu dàng, có chút van lơn:
– Tui cũng không muốn giấu lâu như vậy. Tui biết tui có lỗi. Thôi thì cho tui thêm chút thời gian. Dù sao Thu cũng là….
Anh bỏ dở câu nói. Chị ngậm ngùi nhìn chồng. “Thu” , anh gọi người cũ sao mà tha thiết. Còn chị, đã bao giờ anh gọi chị trìu mến “Hương ơi!” chưa? Mà anh còn ngập ngừng làm chi, cứ nói thẳng ra anh chọn ai: mẹ con chị hay mẹ con người đàn bà đó. Đằng nào cũng phải dứt khoát một lần.
– Cho tui thêm ít thời gian. Thu… sắp chết rồi.
Điều đó thì chị biết. Chị đã không thụ động chờ đợi. Chị đã tìm đến chỗ người đàn bà ấy, đã đứng lặng bên ngoài nhìn chồng chăm sóc người ta. Đã khóc, đã tủi cho thân mình vì chưa bao giờ được chồng thương yêu như vậy. Đã xót cho chồng. Cũng đã xót cho người ta. Người ta cũng đáng thương, cũng có nỗi đau riêng. Nghe nói sau khi giao con, Thu đã lấy một ông chồng ngoại. Nhưng nhiều lý do nên không thể xuất ngoại, còn bị đánh ghen tơi bời. Ông chồng ngoại quốc bỏ đi… Nhiều lần dời đổi… Đi tiếp khách hạng sang… Cuối cùng dạt góc đường. Bây giờ về xứ, thân tàn ma dại vì đang mang bệnh thế kỉ. Chắc người ta cũng nhục nhã đau xót lắm khi gặp lại con, gặp lại người xưa trong hình hài như vậy. Chị đã đứng thật lâu nhìn chồng, có lẽ anh cũng như cái cù lao nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, phân vân giữa đôi dòng nước. Chị không dám lên tiếng, không dám vào thăm. Sợ! Sợ chạm mặt nhau, chạm vào nỗi niềm của nhau. Sợ sẽ vỡ òa, sẽ đứt gãy, sẽ làm cả ba đau khổ. Có lúc chị nghĩ, hay là anh nói: “Cho tui đem cổ về nhà chăm sóc” chị sẽ bồng con bỏ đi, để họ có cái kết thúc có hậu. Nhưng chỉ nghĩ đến cảnh bồng con bỏ đi chị đã rơi nước mắt. Chị không cao thượng như vậy, không thể nhường chồng cho người khác. Cái đêm bồng con đi loanh quanh dưới trăng chị đã nghĩ rất nhiều… Hùng dù tốt thế nào cũng không phải là cha ruột. Những phút giây xao lòng khi gặp lại chỉ là chút dư âm của một thời đã qua. Con trai chị phải lớn lên trong một gia đình trọn vẹn, phải có mẹ, có cha! Chị đã gắn bó với mái nhà này suốt mấy năm qua đâu dễ dàng một sớm một chiều nhường cho người lạ. Và… hình như chị… yêu chồng. Nên đành chờ, chờ cái gì đó… sẽ đến, chồng sẽ quay về. Cuộc đời bất hạnh của mẹ Dao thoi thóp như ngọn đèn trước gió…
Người đàn bà ấy ra đi. Chị cũng có mặt trong đám ma. Tánh nắm tay Dao đứng thật lâu trước mộ mẹ nó. Người đàn bà trót đem thân làm một cuộc trôi dạt đã về yên nghỉ trên bãi bồi, gối đầu lên cỏ nhìn ra sông Hậu êm đềm xuôi nước. Chồng đau, chị cũng buồn. Bé Dao chưa kịp mừng vì có mẹ đã chịu nỗi đau mất mẹ. Có thể chị không phải là một người mẹ kế tốt, nhưng chị sẽ thương nó bằng tình thương chân thật.
… Chồng chị cứ yên lặng nhìn xa xăm về phía ngọn sông Tiền mất mấy ngày trời. Lẽ nào anh vẫn chưa chịu quay về với mẹ con chị? Phải thêm bao lâu nữa anh mới có thể quên?…
Lại thêm một buổi chiều tắt nắng, gió ngoài sông lồng lộng thổi vào. Anh bồng con trai vào lòng, nhìn chị:
– Sáng mai về thăm ngoại. Lâu rồi mình không về bến phải không vợ? Lần đầu tiên chị nghe anh gọi mình ngọt ngào như vậy. Nước mắt trào ra. Chồng chị đã về bên chị. Cô Tám nhà bên vô tình hay hữu ý lại cất giọng ầu ơ:
– Chớ đốn cây ai nỡ bứt chồi, đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương…
NGUYỄN NGỌC ĐÀO UYÊN
(Tác phẩm Giải ba Cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL thứ V – 2015)
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...