Liều thuốc thần kỳ - Ám ảnh kiếp người
với niềm khát yêu da
diết
Đọc tập truyện Liều thuốc thần kỳ, tôi hình dung đến nữ
nhà văn Minh Thìn - một người đàn bà dáng dong dỏng cao, giọng nói nhẹ nhàng, đầy
trìu mến, một ý chí kiên cường, đầy bản lĩnh và một tấm lòng đôn hậu, yêu
thương với cuộc đời, với con người…Nhà văn Nguyễn Thị Minh ThìnTôi đọc một mạch 6 truyện ngắn trong tập truyện Liều thuốc
thần kỳ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Thìn, Nxb Hội Nhà văn, 2013. Nhan đề
truyện ngắn đầu tiên được lấy làm tên tập truyện. Năm truyện còn lại bao gồm: Em
không trở lại, Nỗi lòng của chị, Màu hoàng hôn, Cha ơi, Một chuyến đi nghiệt
ngã,… Mỗi truyện là một âm sắc riêng song đều toát lên nỗi niềm về những
kiếp nhân sinh bất hạnh, nhất là số phận chìm nổi, lênh đênh của người phụ nữ.
Đó là những đoản khúc nội tâm sâu sắc, là những lát cắt về đoạn đời mà tác giả
đã trải qua, chứng kiến và chiêm nghiệm. Điều đáng trân quý nhất ở tập truyện
này chính là đằng sau mỗi khúc, đoạn đời ấy là ở cách ứng xử đầy nhân văn, tinh
tế dù họ phải đương đầu với biết bao va đập mạnh của cuộc đời ở trong thời chiến
lẫn thời bình.
Tập truyện mở ra những chiều suy tư sâu sắc về kiếp nhân sinh
mòn mỏi, bất hạnh của những người phụ nữ từng vào sinh ra tử nơi chiến trường
đang âm thầm chịu đựng bao ngang trái trong cuộc sống đời thường. Bất kể nhân vật
người phụ nữ chính nào trong tập truyện cũng là một mảnh ghép chắt ra từ cuộc đời
đau khổ, chịu nhiều đau đớn, tủi nhục, mất mát, đau thương của chính tác giả.
Trước hết, đó là những người phụ nữ gặp nhiều trắc trở với nhiều
mất mát đau thương về mặt thể xác sau khi bước ra khỏi chiến tranh. Đó là Thi
trong Một chuyến đi nghiệt ngã từ “cô gái như một mỹ nhân trở thành một
người đàn bà gầy yếu, xấu xí, bệnh tật, bị chồng phản bội, bị người đời lừa gạt,
lợi dụng, chà đạp, hắt hủi, xúc phạm, đã năm tuần trôi qua, nằm trên giường bệnh
với căn bệnh hiểm nghèo. Hàng ngày cô phải vật lộn với những cơn đau khủng khiếp
hành hạ cô”. Người phụ nữ trong Liều thuốc thần kỳ thì đầy mặc cảm với
bản thân mình: “Nhưng dường như chợt tỉnh, cô vội vàng nằm xuống, kéo chiếc
chăn đơn trùm kín đầu giả vờ ngủ. Phương nghĩ mông lung: Một người đàn ông cao
sang đẹp đẽ thế kia còn mình đau ốm, còm nhom xấu xí như ma, sao không giấu mặt
đi mà còn trố mắt mà nhìn, thật xấu hổ”. Phương hiện lên đầy đáng thương, tội
nghiệp: “gượng dùng hai cánh tay khẳng khiu cố chống đỡ tấm thân gầy guộc từ từ
ngồi dậy trên giường” (Liều thuốc thần kỳ). Đó là hình ảnh mà chính bản thân Hiền
nhận thức được về chính mình: “Thân hình thanh mảnh, nước da trắng xanh, khuôn
mặt gầy gầy với chiếc áo màu áo xanh trứng sáo làm khuôn mặt chị sáng hẳn lên,
những nếp nhăn chạy dọc ngang ở trán và đuôi mắt cũng được che dấu bớt. Còn đôi
mắt lúc nào cũng đượm nét ưu tư phiền muộn, nó ẩn chứa những bước thăng trầm
trong cuộc đời chị”. Xót xa nhất là khi Hiền vô tình chạm phải hình ảnh của
mình trong gương: “Nhìn vào gương, chị thấy vẻ mặt mình thiểu não, thờ thẫn,
đôi mắt quầng sâu mệt mỏi. Đặc biệt là mớ tóc phía trước trán có rất nhiều sợi
bạc, lòng chị đau thắt. Đột nhiên, chị nhớ đến căn bệnh quái ác của mình, bệnh
“máu không đông”, các bác sĩ bảo “suy tủy”, bây giờ nó đã tạm lui nhưng đợi một
lúc nào đó nó lại trỗi dậy hoành hành thân xác chị”. Nhân vật chị Mai
trong Nỗi lòng của chị thì “Chị biết mình không đẹp, không dám soi
gương”. Còn sự phủ định nào lớn nhất, nỗi đau nào lớn nhất khi niềm yêu thích của
chị em phụ nữ là hằng ngày soi ngắm để chỉnh sửa dung nhan của mình như thế bị
chủ động triệt tiêu.Liều thuốc thần kỳ - tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh ThìnKhông chỉ vậy, họ còn gánh chịu bao tổn thương, bao nỗi đau về
tinh thần. Liều thuốc thần kỳ giống như một bài ca trầm buồn với nhiều
cung bậc lúc xót xa, lúc nuối tiếc, lúc đau đớn quằn quại, lúc cô đơn buồn tủi,
lúc ai oái, ngậm ngùi, lúc yêu thương ngọt ngào, tha thiết…Trong Một chuyến
đi nghiệt ngã, Thi cất bước dấn thân ra đi với bao đau đớn, tủi nhục: chồng phản
bội, bản thân không thể sinh con, thân thể gầy gò, ốm yếu, say xe, ăn mặc nhếch
nhác lại bị người ta lừa mất cả đôi dép dưới chân, bị tên lơ xe dở trò đồi bại,
bà vợ hiểu nhầm thì phải chịu oan ức một trận đòn lên bờ, xuống ruộng, bị
thiên hạ bàn tán, nguyền rủa không thương tiếc. Hiện tại đầy tủi nhục, chua xót
còn quá khứ thì đầy những đau buồn: trong những năm tháng tuổi xuân “Hai lần kết
hôn, hàng chục mối tình sóng gió”, chị bàng hoàng nhận ra “Trời ơi, sao mình phải
điêu đứng đến như vậy. Cả đời mình có ăn ở bạc ác đâu, hiền lành và nhân từ để
mong được sống yên ổn. Mong có một chỗ trú thân yên ấm, vậy mà rốt cuộc lại vẫn
bị xé vụn ra hàng trăm mảnh vứt tan tác suốt dọc đường đời”. Cô gái thanh niên
xung phong thuở nào trong Liều thuốc thần kỳ, bị ung thư máu, một
thân một mình thui thủi ở bệnh viện mấy tháng trời, không người thân thích ở
bên, chị nằm viện đã tự cật vấn mình: “Mình là ai? Một người đàn bà khổ hạnh lại
đang đau ốm bệnh tật, mình chẳng tốt đẹp gì,… Hạnh phúc đối với mình như một thứ
trái cấm chín mọng vàng óng treo lơ lửng trên cành cao, chỉ cho mình ngắm mà
thèm khát chứ chẳng bao giờ được thưởng thức. Trong truyện Em không trở lại, người
phụ nữ trót mang bầu đứa con ngoài giá thú phải bỏ nông trường đi trong đêm tối,
về nhà bị bố xua đuổi, phải ra đi “không có một đồng xu dính túi, em phải nhảy
tàu, phải ngồi trong buồng cầu của những toa tàu mà vẫn bị xua đuổi. Đói và
khát, không có bạn bè. Em phải theo một đứa con gái bị bệnh xơ gan cổ trướng,
ăn thức ăn thừa của nó, về nhà với nó để nó cho ngủ nhờ qua đêm, nhưng về đến
nơi bố mẹ nó không cho vào nhà, nó đành đưa em vào một căn nhà bếp bỏ không (…)
gió cứ lùa vào thông thống rét buốt như cắt da cắt thịt, đầy muỗi và chuột”. Đọc
lên chúng ta không khỏi rùng mình khiếp sợ cái tình cảnh đầy ngang trái, trớ
trêu, bi đát của Tâm. Đặc biệt là khi chị sinh nở, sức đã kiệt nhưng đau đớn nhất
là đứa con chị sinh thiếu tháng chết ngay trên tay bác sĩ mổ, thế nhưng đó là đứa
bé dị dạng. Chiến tranh với sự tàn phá ghê gớm, hủy diệt thiên nhiên và cuộc sống
con người. Nhất là chất độc dioxin. Điều này trở đi trở lại trong các truyện ngắn
của chị. Trong Màu hoàng hôn, khi vô tình biết được về người đồng chí
đưa thư cũ (đồng thời là người tình cũ) với những đứa con dị dạng (đứa con của
người vợ đầu đã lớn và đứa con của người vợ trẻ hiện tại vừa mới sinh ra),
Thanh chạnh lòng nghĩ đến niềm đau của mình: “Chị nhớ lại ngày chị mới ra quân
về được một năm thì lấy chồng. Vợ chồng chung sống với nhau được năm năm, chị
mang thai ba lần, cả ba lần đều bị sẩy thai (…) Sức khoẻ ngày càng sút kém, da
dẻ xanh xao vàng vọt, hơn một năm sau chị phát bệnh. Đầu tiên là những nốt thâm
nổi trên da, sau đó bị chảy máu chân răng cả máu mũi, chị cũng tưởng chảy máu
cam bình thường, sang đến ngày thứ ba đi tiểu ra máu tươi, chị mới cấp tốc đến
viện khám”.
Sự tàn bạo của chiến tranh, thời đoạn về đời sống chính trị
xã hội thời bình hiện lên qua cảnh đời của nhân vật. Đó còn là những người phụ
nữ nhạy cảm với những gì diễn ra xung quanh, luôn đau đáu day dứt về quá khứ…Những
người phụ nữ trong các truyện của chị luôn dạt dào yêu thương với cảnh với người.
Dù họ là những con người chịu tác động, chi phối của hoàn cảnh nhưng không bị
khuất phục bởi hoàn cảnh, luôn toát lên những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý: coi
trọng phẩm giá, coi thường tiền bạc, kiên cường, nhân hậu, vị tha,…Bất kể lúc
nào, họ cũng có cách ứng xử rất tử tế và nhân văn, giàu tình cảm, sống có trách
nhiệm và giàu tình thương đối với mọi người. Đó là cô Phương – một người phụ nữ
đầy yêu thương, giàu đức hy sinh nhưng cũng đầy quyết đoán: sẵn sàng dứt áo ra
đi “Em đã bỏ ngôi nhà ấy mà ra đi, và anh cũng đừng tìm về nơi ấy mà làm gì, chỉ
còn lại những kỷ niệm đau buồn mà thôi” vì “Anh không thể sống chung với một
người đàn bà không biết sinh nở. Người đàn bà ấy giờ đây lại đau ốm, bệnh hoạn
và sắp chết. Anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên cạnh một người vợ trẻ khỏe
với những đứa con xinh xắn bụ bẫm. Vì vậy mình không thể giam cầm anh mãi được,
mình phải dứt khoát”…Cô tự nhủ: “Mình không muốn chìm ngập trong đau khổ, phải
vươn lên cứng cỏi để chống lại với bệnh tật và những nỗi đau đời”. Đó là cô Hiền
– một người phụ nữ hiếu thảo với bố mẹ dù số phận có chịu thiệt thòi, bất hạnh,
thân thể gầy gò, ốm yếu: “Chị luôn cố dằn lòng để quên đi quá khứ, quên đi những
khổ đau mất mát để gánh vác công việc thường ngày. Cha mẹ đã già, mẹ thì còn đỡ
cho chị đôi ba công việc, nhưng còn cha, ngay cả việc sinh hoạt hàng ngày như
đánh răng, rửa mặt, tắm giặt,… tự chăm sóc cho bản thân mình cũng không làm được
mà chị phải làm thay. Tuy vậy, không bao giờ chị phàn nàn kêu ca, chị chỉ lo lắng
cho sức khỏe của cha mỗi ngày một sa sút” (Cha ơi). Hình ảnh một người
con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ già yếu luôn hiện lên đầy xúc động trong các câu
chuyện của chị. Đó là Tâm – một người phụ nữ dù trải qua nhiều gian truân, vất
vả một thân một mình bụng mang dạ chửa vẫn giữ một niềm tin son sót, dành trọn
tình yêu với Thành, coi khinh tiền bạc, bản lĩnh. Dù tên phó giám đốc công ty
“Tiếp nhận vật tư” dở lời sàm sỡ: “Nếu lấy anh, anh sẽ mua cho em một căn nhà ở
xa nơi đây mà không ai biết được, anh sẽ thường xuyên về với em, chu cấp tiền bạc
cho mẹ con em đầy đủ, em sẽ không phải lo gì hết”, chị khảng khái từ chối: “Những
lời dụ dỗ ngon ngọt ấy không hiểu sao càng làm cho em thêm kinh tởm. Mặc dầu em
đang bơ vơ không nơi nương tựa”. Tâm còn là một cô em gái giàu tình cảm, yêu
quý, thương cảm anh họ bị ung thư, chăm sóc anh một cách ân cần, trìu mến,
không nề hà: “Em cầm lấy bàn tay lạnh ngắt của anh ấp vào má mình mà nước mắt
tuôn trào (…) Em quên hết tất cả, em chỉ có mong ước một điều duy nhất là anh ấy
khỏi bệnh”. Đấy là chân dung của một người phụ nữ luôn lo nghĩ cho gia đình của
người yêu, bố mẹ, anh họ,…luôn nỗ lực, bền bỉ, vươn lên, đầy lạc quan, sẵn sàng
nhận hết cay đắng, thiệt thòi về mình và hiện lên trên trang văn của Minh Thìn
đầy khắc khoải, rưng rưng!
Nhưng trên hết, bất kể lúc nào cái lắng đọng lại trong mỗi
truyện chính là sự ân tình và nỗi khát khao “yêu” đến da diết, mãnh liệt. Tôi
muốn gọi những nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm này của chị là “khát
yêu”, “thèm yêu”. hế giới bủa vây người phụ nữ để người phụ nữ hạnh phúc, vui
buồn, mơ mộng, mạnh mẽ, kiên cường,… đều phụ thuộc vào tâm lý yêu. Người phụ nữ
“khát yêu” một người đàn ông chân chính yêu thương, che chở, bao dung. Điều đó
thể hiện ở nỗi hoài niệm về người chồng cùng chung sống với mình suốt 5 năm nay
đã cách xa “Cô nhớ anh đến cồn cào khô khát, mãi đến sang thu anh mới trở về,
anh về mang theo cả thế giới yêu thương choáng ngợp hồn cô, tràn ngập cả căn
nhà. Tiếng đàn ghi ta bập bùng suốt những đêm thâu. Nụ cười của anh, giọng hát
của anh làm cô ngây ngất đắm say. Ngồi bên anh cô cảm thấy mình không còn tồn tại
nữa, chỉ có ý nghĩ là có thật. ý nghĩ về anh lèn chặt hết tất cả mọi
không gian và thời gian”. Đó là những cảm xúc yêu thương trìu mến một người đồng
chí cùng đơn vị khi cùng làm nhiệm vụ khuân tài liệu thư từ qua suối sâu vực thẳm.
Đó là niềm thương cảm, cuồng say một người sếp rất đĩnh đạc, giàu cống hiến, hy
sinh ở nông trường cam. Đó là niềm biết ơn, đầy những bối rối, trăn trở với người
đàn ông từng đi lính đã quan tâm, chăm sóc ân tình trong những ngày nằm viện vò
võ một mình. Đó là niềm xúc động mãnh liệt đầy thao thức, trăn trở khi đi ở cho
đôi vợ chồng nọ lấy nhau cách đến hai mươi tuổi để lấy tiền về chữa bệnh cho mẹ
thì vô tình phát hiện ra người đàn ông ấy là người yêu cũ, người đồng đội cũ.
Đó là tình yêu ngọt ngào, thương mến nhưng éo le, muộn mằn với người em trai
cùng xóm,… Và trong tất cả các mối quan hệ nào, người phụ nữ ấy cũng yêu hết
mình, tận hiến hết mình.
Trong Liều thuốc thần kỳ, người phụ nữ thèm yêu, khát
yêu ấy khi viết về tình yêu đã mất đầy những da diết, nuối tiếc. Khi có tình
yêu, người phụ nữ ấy hạnh phúc đến ngập tràn: “Ngôi nhà trở lại thanh bình. Cây
cối trong vườn đâm chồi nảy lộc. Chim chóc lại hót líu lo chào đón mỗi ngày mới
tưng bừng”. Và người đàn bà ấy đau khổ, dằn vặt, nhức nhối khi tình yêu ấy vụt
trôi đi: “Ngôi nhà vắng anh bỗng trở nên trống huếch trống hoác và chao đảo,
khiến cô từ một cô gái hiền lành trở thành một con đàn bà độc ác, chua ngoa”.
“Cảm ơn anh, cảm ơn anh nhiều lắm. Em không biết kết cục rồi sẽ ra sao, có thể
lại bị dứt bỏ một lần nữa. Con tim em lại bị cắt cứa đến rỉ máu, đến đau đớn,
nhưng những ngày này em đang được hạnh phúc, đang được tận hưởng thì em không
muốn nghĩ đến quá khứ, cũng chẳng muốn nhìn về tương lai” (Liều thuốc thần kỳ).
Bên cạnh đó, họ còn sẵn sàng rút lui, chịu phần thiệt thòi về mình để người chồng,
người yêu cũ,… được hạnh phúc, được bình an: “Giữa anh và em trong ký ức của
chúng ta chỉ là những cánh rừng trắng xoá, cánh rừng bị đốt trụi và con suối
mang đầy chất độc Điôxin. Em sẽ không trở lại nơi đây để được gặp anh, như vậy
sẽ tốt hơn cho cả hai chúng ta” (Màu hoàng hôn).Nhà phê bình trẻ Hà Vinh Tâm ở Nghệ
AnNỗi thèm khát lớn nhất ám ảnh trên các trang văn của Minh
Thìn khi kể về cuộc đời của những người phụ nữ này chính là khát con, thèm con
đến đau đáu, đến cháy lòng. Chị xót xa cho mình – người đàn bà bước ra từ chiến
trường, bị ảnh hưởng bởi chất độc đioxin khiến cho bản thân mắc bệnh ung thư
máu (máu không đông) và không thể sinh nở. Khi thì người phụ nữ đã mang thai mấy
lần đều không sinh con được, khi thì sinh con nhưng đứa trẻ sinh thiếu tháng và
chết ngay khi vừa ra đời với hình dáng tật nguyền. Khi ở bệnh viện, Phương nhìn
những đứa trẻ với sự cảm nhận đầy thương mến, sâu sắc, tinh tế: “Giọng nói của
người mẹ vang lên nghe sao mà âu yếm, mà thiết tha. Chỉ có xuất phát từ cõi
lòng sâu thẳm của người mẹ yêu con mới có thể cất lên được giọng nói êm ái, mượt
mà và ấm áp đến dường kia. Một giọt lệ ứa ra từ khóe mắt thâm quầng mệt mỏi của
cô, một nỗi khát khao cháy bỏng, một nỗi đau tiếc nuối về niềm hạnh phúc đã qua
đi. Ôi, giá như mình được nói lên câu nói đó. Giá như mình được dang tay ôm gọn
cả hai đứa bé vào lòng mà vuốt ve, mà nựng nịu chúng nó, thật sung sướng biết
bao!” (Liều thuốc thần kỳ). Đó là nỗi lòng mong ước của Tâm khi đang mang
thai trong hoàn cảnh éo le về tương lai hạnh phúc: “Khi con đã lớn chừng ba, bốn
tuổi em sẽ đưa nó về, dắt nó đi dưới những vườn cam, vào lúc cam đang mùa có
trái, trái sai lúc lỉu níu oặt những cành con. Nó sẽ thích thú, sẽ reo lên mà
chạy suốt từ bờ lô này tới bờ lô kia. Chỗ nào cũng thấy những quả cam chín mọng
vàng óng, chẳng biết hái quả nào (…) Con nó sẽ reo lên sung sướng, sẽ hỏi han
tíu tít câu này, câu nọ khiến cho em trả lời không kịp. Trong đôi mắt trong veo
của nó chứa đựng cả bầu trời xanh của mơ ước và niềm tự hào. Em sẽ hái cho nó một
giỏ đầy, đưa nó xuống thuyền về bên kia sông, nơi có ngôi nhà nhỏ đơn sở, ẩn
mình khuất lấp dưới cây nhãn sum suê. Nhưng những mong ước đó mãi mãi không thể
trở thành sự thực vì “ Đến bây giờ em mới nhận thức được một điều đau đớn đến
kinh hoàng. Cả anh, cả chị Hiền. Và đứa con chưa kịp chào đời của chúng ta là nạn
nhân của một chất diệt cỏ quái ác mà đế quốc Mỹ đã rải xuống trên chiến trường
miền Nam trong những năm chiến tranh”(Em sẽ không trở lại). Với tôi, đây
là một thành công rất lớn của nhà văn Minh Thìn. Chị đã chọn cho mình một lối
đi riêng, khắc họa những nhân vật người phụ nữ bước ra từ chiến trường đầy những
nhọc nhằn, trăn trở, lo toan và thiệt thòi, đau đớn, vật vã cả về thể xác lẫn
tinh thần nhưng luôn đầy yêu thương, trìu mến với người, với đời.
Nhà văn kể chuyện một cách tự nhiên như thủ thỉ, trò chuyện
cùng người đọc. Những câu chuyện mà dường như có hình bóng chị ở đó như là người
chứng kiến, trải qua. Vì vậy mà trang viết của chị có sức lôi cuốn. Đặc biệt chị
khắc họa chân dung nhân vật qua độc thoại nội tâm sâu sắc với nhiều cung bậc cảm
xúc. Tất cả nhân vật đều thản nhiên đón nhận, phản ánh và phân tích hiện thực
xung quanh và nội tâm của chính mình,… tạo nên chiều sâu tâm lý của nhân vật.
Nhân vật được đặt trong những trạng thái tâm hồn cụ thể từ chính những sự việc,
tình huống xảy ra đối với nhân vật. Qua đó người đọc cảm nhận được từng vỉa tầng
cảm xúc của nhân vật. Nhân vật người phụ nữ trong tác phẩm của chị chịu nhiều
chấn thương tâm lý. Vì thế nỗi bất hạnh, nỗi đau tâm lý của nhân vật dày lên trở
đi trở lại. Hành trình trải nghiệm và những câu chuyện có thật xảy đến với cuộc
đời của chị khiến trang văn của chị oằn lê bao cảm xúc chân thực và cuộc sống
được hiện lên một cách sinh động, đầy đặn. Cô Tình trong Một chuyến đi
nghiệt ngã đã cật vấn, soi rọi lòng mình: “Hai lần kết hôn, hàng chục mối
tình sóng gió”, chị bàng hoàng nhận ra “Trời ơi, sao mình phải điêu đứng đến
như vậy. Cả đời mình có ăn ở bạc ác đâu, hiền lành và nhân từ để mong được sống
yên ổn. Mong có một chỗ trú thân yên ấm, vậy mà rốt cuộc lại vẫn bị xé vụn ra
hàng trăm mảnh vứt tan tác suốt dọc đường đời”. Nhân vật Tâm trong Em sẽ
không trở lại được miêu tả qua một trường độc thoại nội tâm viết thư cho
người yêu để kể lể hết sự tình, đan xen hiện tại, quá khứ và tương lai. Khi
nghe tin đứa con chết trên tay bác sĩ sinh thiếu tháng bị dị dạng, Tâm đau đớn
như bị một mũi dao sắc nhọn đâm thắng vào trái tim, cắt cứa cho đến rỉ máu, đến
đau đớn:“Nghe bấy nhiêu lời đó tim em đau thắt, dường như có một bàn tay khổng
lồ đen ngòm đang giơ ra cố bóp nát trái tim em đến vỡ vụn. Vết mổ hôm qua giờ
đây bỗng cuộn lên một nỗi đau khủng khiếp, và em ngất đi”. Khi nghe mọi
người bàn tán về cha mình, Hiền trong Cha ơi “tưởng như mình khuỵu xuống
và gục ngã trước sân. Nhưng rồi một tiếng nói văng vẳng bên tai: “Hãy gắng lên,
hãy thật bình tĩnh để cứu lấy người cha yêu của mình, lúc này mà gục ngã, mà đầu
hàng là không thể được”. Những khoảnh khắc hạnh phúc cũng được tác giả miêu tả
sắc sảo:“Họ ngồi bên cửa sổ, ánh nắng của mùa đông ấm áp chiếu rọi trên hai mái
đầu, một đen, một trắng. Hai khuôn mặt, một gầy gò, xanh xao; một già nua, nhăn
nhúm. Hai khuôn mặt đó sớm bị tàn tạ vì phải chịu nhiều khổ đau và bệnh tật.
Nhưng giờ đây họ quên hết tất cả, quên những đau đớn mệt mỏi, quên những lo
toan, chật vật thiếu thốn hàng ngày bởi niềm hạnh phúc lớn lao đang choáng ngợp
tâm hồn họ, sưởi ấm cõi lòng họ như ánh nắng ban mai rực rỡ ngoài kia. Ru họ êm
ái như tiếng lá cây rì rào trong gió nhẹ, như tiếng chim sâu đang ríu rít chuyền
cành. Niềm hạnh phúc đó hiện hữu trên cả nụ cười, nơi những giọt nước mắt lăn
dài suông hai gò má làm ướt đầm cả trang thư của đứa con, đứa em ruột thịt”.
Một điều hấp dẫn cho những thiên truyện trong Liều thuốc
thần kỳ là tác giả rất khéo léo dùng thiên nhiên để miêu tả tâm lý nhân vật.
Thiên nhiên như tấm gương phản chiếu nội tâm nhân vật. Thủ pháp này không hề mới
nhưng nhà văn Minh Thìn đã sử dụng dày đặc và hết sức ấn tượng. Đọc những đoạn
miêu tả thiên nhiên thấm đẫm nội tâm nhân vật, người đọc nhận ra con mắt tinh
tường trong quan sát và nội tâm đầy tinh tế của nhà văn. “Đó là một chiều cuối
thu, khi cơn mưa vừa dứt, bầu trời sạch trong. Ông mặt trời đã lùi về phía Tây
vẫn còn nán lại trên đỉnh cao của dãy núi đá vôi, xòe bàn tay với sức nóng hừng
hực, cố quạt khô đi những giọt nước còn đọng lại trên lá cây ngọn cỏ.” (Em
không quay trở lại). Đó là vườn cây đầy màu sắc: “Mấy cây xoan vừa mới
trồng lớn rất nhanh. Những tán lá mỏng manh, mềm mại đung đưa theo làn gió. Bên
dưới mảnh vườn rau mượt mà một màu xanh sẫm, mấy bông cải đang cố vươn lên để nở
tung những đoá hoa vàng rực rỡ. Những chú ong nhỏ xíu đang bay vo ve đi tìm mật.
Dưới bàn tay chăm chút của chị tất cả đều mơn mởn tươi xanh (…). Mặt trời đã dần
khuất sau đám mây màu trắng nhạt rồi nhanh chóng tụt xuống dãy núi phía Tây (Nỗi
lòng của chị). Đó là tâm trạng đầy những nhớ mong: “Bước sang ngày hôm sau, trời
vẫn lắc rắc mưa, cái rét ngày càng tê buốt. Giá như lúc này có anh bên cạnh, cô
sẽ nói rất nhiều điều muốn nói. Vắng anh, cô cảm thấy trống trải và cô đơn đến
mức đáng sợ (…) Thiếu vắng anh lúc này, khác nào khu rừng bị bão tố cuốn đi, chỉ
còn trơ lại xác lá và những cành cây bị gãy đổ”. Đó còn là những rung động nhẹ
nhàng; “Một làn gió ào đến, em cảm thấy mái tóc bị xõa tung quấn vào một cành
cây, hết sức bối rối chưa biết làm cách nào để gỡ ra thì có bàn tay ở phía sau
đang từ từ vuốt từng lọn tóc rồi nhẹ nhàng vắt ra phía trước (…) Nhưng sao em cảm
thấy ấm áp và thân thương. Em quay lại và bắt gặp đôi mắt với cái nhìn dịu dàng
trìu mến. Một điều gì đó thật lớn lao, thật thiêng liêng đã xảy đến với em,
choáng ngợp tâm hồn em (Em không trỏ lại). Thiên nhiên còn là phương thuốc
xoa dịu nỗi đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác cho Tình trong Chuyến đi
nghiệt ngã khi chị bị người ta hành hung, xúc phạm một cách oan ức, thậm tệ.
Chị bước lên xe với tâm trạng của một người vợ bị phản bội, chị vẫn thả mình
theo thiên nhiên: “Trời đẹp quá, càng về khuya những vì sao càng sáng rõ. Mỗi
lúc một rực rỡ hơn trên nền trời cao xanh lồng lộng (…) Ước gì mình có thể bay
lên được trên cao ấy thật tuyệt vời biết bao”.
Ở tập truyện này, tính cách nhân vật được hiện lên một cách đầy
đặn, trọn vẹn và đầy cá tính qua điểm nhìn trần thuật linh hoạt, điểm nhìn bên
ngoài và điểm nhìn bên trong, điểm nhìn không gian và thời gian, điểm nhìn của
người kể chuyện và nhân vật. Giọng kể nhẹ nhàng pha chút xót xa, mặc cảm,
day dứt ám ảnh người đọc.
Đọc tập truyện Liều thuốc thần kỳ, tôi hình dung đến nữ
nhà văn Minh Thìn – một người đàn bà dáng dong dỏng cao, giọng nói nhẹ nhàng, đầy
trìu mến, một ý chí kiên cường, đầy bản lĩnh và một tấm lòng đôn hậu, yêu
thương với cuộc đời, với con người. Tác giả đã đưa vào trang sách nhiều phiến
đoạn cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ. Dù tập truyện chưa có được những bứt
phá, mới mẻ, những tình huống gay cấn, căng thẳng nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn bởi
những ưu thế riêng. Tập truyện đã khơi gợi trong lòng người đọc về lòng trắc ẩn
với bao ngậm ngùi về kiếp người nhất là số phận của những người phụ nữ bước ra
từ chiến tranh, bao căm phẫn về chiến tranh đã đi qua và bao trăn trở về cuộc sống
hôm nay.
Cửa Lò, 16/8/2021 Hà Vinh Tâm
Cửa Lò, 16/8/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét