Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Màu sắc trong Truyện Kiều - Trần Đình Sử

Màu sắc trong
Truyện Kiều - Trần Đình Sử

Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính. Màu sắc trong tác phẩm có thể giàu, nghèo, đậm, nhạt, thực, ảo… phụ thuộc vào cái nhìn của nghệ sĩ. Xét riêng về mặt này Truyện Kiều cũng cho thấy những bằng chứng về sáng tạo độc đáo của thi hào Nguyễn Du.
Nhìn toàn bộ, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân (bản dịch của Nguyễn Đình Diệm) có khoảng hơn 10 vạn 6 nghìn chữ, có khoảng 106 lần sử dụng các từ chỉ màu sắc, chiếm 0,10%. Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm 22.778 chữ, có khoảng 119 lần sử dụng từ chỉ màu sắc, chiếm 0,52%. Như vậy, ngôn ngữ màu sắc của Truyện Kiều phong phú hơn màu sắc trong tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân gấp 5 lần. Tỷ lệ này một phần do đặc điểm ngôn ngữ thể loại quy định.
Nhưng vấn đề không chỉ ở số lượng. Ở Kim Vân Kiều truyện các màu hoặc là mang nội dung biểu tượng đã mòn như “lầu xanh”, “má hồng”… hoặc là các màu tả thực trong các chi tiết, tình huống cụ thể. Ở Nguyễn Du nổi bật lên là khuynh hướng dùng màu sắc để tạo thành các hình tượng có nội dung khái quát rộng lớn, giàu giá trị thẩm mỹ.
Chẳng hạn, Kiều của Nguyễn Du trước sau là một “bóng hồng”. Đối với Kim Trọng, từ đầu, Kiều là “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa” – người thiếu nữ mặc quần áo đỏ. Khi chàng thuê nhà trọ, bóng hồng hôm ấy vẫn luôn luôn ám ảnh: “Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra!”. Rồi khi lập đàn chay bên sông Tiền Đường để tế Kiều, chàng vẫn “Vời trông còn thấy cánh hồng lúc gieo”. Câu này mặc dù theo tự dạng, nhiều người nói hồng đây là hồng nhạn, hồng hộc, nhưng như Lê Văn Hoè phân tích, cánh hồng đây chỉ nên hiểu là cánh hoa hồng hay “bóng hồng” như buổi đầu chàng Kim mới gặp. Như vậy, bóng hồng đâu phải là khách má hồng hay khách hồng quần chỉ phụ nữ nói chung, mà thực sự là một hình ảnh biểu tượng mới mẻ về người đẹp được tạo nên thuần tuý bởi một màu sắc gợi cảm!
GS Trần Đình Sử
Đến khi Tú Bà đánh đập Thuý Kiều, nhà thơ nhìn ra cảnh “giày tía vò hồng“, “hồng rụng, thắm rời” thê thảm. Ở đây các màu hồng, tía, thắm không chỉ biểu trưng cho người đẹp (là hoa, vùi liễu dập hoa!), mà còn biểu trưng cho sự sống (“Uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa!”). Nguyễn Du biểu trưng Kiều dưới một sắc hồng. Khi nàng khóc xa nhà: “Nhìn nàng lã chã giọt hồng” – nước mắt có máu. Khi nàng ngất đi vì trao duyên: “Mới dầu cơn vựng chưa phai giọt hồng“. (Trong khi đó Vương Ông khóc chảy máu thì nói: “máu sa ruột rầu”). Khi xấu hổ trước bài học của Tú Bà: “Dường chau vẻ ngọc, dường phai vẻ hồng” (sắc mặt như tái đi). Môi trường xung quanh Kiều như cũng nhuốm màu hồng. Từ cái “trướng đào” chào khách đến “trướng hồng tẩm hoa”. Khi Từ Hải đến thì lầu xanh của nàng bỗng nhiên trở thành lầu hồng: “Thiếp danh đưa đến lầu hồng“. Không phải Nguyễn Du lơ đãng, quên rằng Kiều đang ở lầu xanh, mà là trong quan niệm của ông, Kiều trước sau là người đẹp ở trong lầu hồng. Nhà của Hoạn Thư cũng lầu hồng đó thôi. Không chỉ chiếc khăn Kim Trọng tặng nàng màu hồng (“khăn hồng trao tay” trong truyện của Thanh Tâm tài nhân ghi là “khăn là”, không nói màu sắc), cái thiếp ra mắt của Thúc Sinh cũng màu hồng (“Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”), mà cái trát quan sai đi bắt Kiều về tra hỏi cũng màu hồng: “Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra!”. Dù cho thiếp, trát thời ấy đều màu hồng thì việc nhấn mạnh ở đây hẳn cũng không ngẫu nhiên. Có thể nói nhà thơ đem lại cho Kiều một trường màu hồng, làm biến nghĩa của biểu trưng thơ thông thường. Chẳng hạn, khi Kim Trọng mơ tưởng Kiều “Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao”, thì “bụi hồng” không còn là “hồng trần”, cõi trần, mà còn có nghĩa là từ phiếm chỉ nơi có người đẹp ở (Thạch Giang ghi chú), hoặc bụi cây hoa hồng mà hai nàng nép vào hôm nào (Lê Văn Hoè)(*), cũng như “Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa là chỉ nấm mồ người đẹp” (Tản Đà), cũng giống như trường hợp Kiều khóc Đạm Tiên: “Nào người tiếc lục thương hồng là ai”, Bùi Kỷ chú là thương xót người đẹp. Điều thú vị là các danh gia chú thích truyện Kiều đều có xu hướng giải thích chữ hồng theo nghĩa người đẹp, là Kiều. Rõ ràng minh hoạ nàng Kiều mà thiếu màu hồng, hoặc màu hồng không chiếm vị trí chủ đạo thì không phải là nàng Kiều của Nguyễn Du!
Màu hồng là màu môi thiếu nữ, màu má trẻ em, màu của sự sống lành mạnh, màu của niềm vui, hạnh phúc. Màu hồng này chứng tỏ niềm tin của Nguyễn Du vào phẩm giá, vẻ đẹp của con người là có thật, bất biến, và vì có thật mà ông khóc than, tiếc thương đau đớn. Mặc dù xét theo tín ngưỡng ngày xưa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam nữa, màu hồng tượng trưng cho sự tốt lành, trừ tà ma xúi quẩy, được dùng rất phổ biến: quà tết gói trong giấy hồng đơn, câu đối viết trên giấy đỏ, cô dâu chú rể mặc áo đỏ trong ngày cưới, đèn lồng màu đỏ… người có vận đỏ… Nhưng ở đây theo chúng tôi là màu sắc của sự sống tươi trẻ.
Ở Truyện Kiều màu nâu thuần tuý là màu thiền, còn màu đen thì chỉ mang nghĩa tiêu cực. Ở đây chưa có màu đen với ý nghĩa đẹp, cho nên tóc đen đẹp thì gọi là tóc mây, hoặc “mây thua nước tóc”. Ở đây chưa thấy màu đỏ, nên lá đỏ thì chuyển thành lá thắm, hoặc lá hồng (“từng biếc xen hồng”). Trong nhóm màu đỏ, ngoài hồng còn có thắm, son, đào, những màu có ý nghĩa tốt đẹp, cao quý. Có thể màu đỏ chưa có vị trí trong gam màu của Nguyễn Du?  Chúng ta lưu ý Chinh phụ ngâm có câu: Áo chàng đỏ tựa ráng pha rất đẹp. Vì sao nhà thơ không dung màu đỏ?
Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du đầy màu sắc quý phái, vương giả và lộng lẫy. Tích nhìn mây trắng nhớ nhà của Địch Nhân Kiệt đời Đường, dưới ngòi bút của Nguyễn Du trở thành mây bạc, mây vàng: “Cách năm mây bạc xa xa”, “Lòng còn gửi áng mây vàng”. Tích ngọc thỏ chỉ mặt trăng trở thành “Lần lần thỏ bạc ác vàng”.
Nếu tính tỉ lệ số lần nhắc đến một màu nào đó trong tổng số lần nhắc đến các màu, thì ta có bảng sau trong Truyện Kiều:
Vàng kim              30,25%
Hồng (đào, thắm)  30,25%
Xanh                    10,80%
Vàng                      6,60%
Bạc                         7,60%
Ta thấy bảng màu của Nguyễn Du dồi dào sắc màu tươi sáng, yêu đời, đồng thời cũng là màu sắc sang trọng, vương giả, cao quý. Người ta thường nói màu hồng là màu của sự khoẻ mạnh và của hạnh phúc. Đó cũng là màu của tình bạn, tình yêu nồng nàn, lòng trung thành son sắt, tình quyến luyến và tin cậy. Màu hồng và màu vàng thể hiện sự hào hứng, vui vẻ, tươi sáng.
So sánh với Cung oán ngâm khúc, ở đó ta thấy:
Hồng, đào, thắm   50,00%
Vàng                    17,00%
Xanh                      3,80%
Màu sắc cung đình, vương giả ở đây rất đậm, đậm hơn Truyện Kiều. Màu xanh có tỉ lệ rất thấp. Trái lại ở Chinh phụ ngâm khúc ta thấy:
Hồng, đào, đỏ, son23,00%
Vàng                    23,00%
Xanh                    37,40%
Màu xanh của Chinh phụ ngâm khúc rất đậm, màu của tuổi trẻ, của ruộng đồng, dân dã nhiều hơn.
Nhìn chung các tỉ lệ trên cho thấy, dù số phận oan trái, phải chăng tình cảm yêu đời vẫn tràn trề tươi sáng, vẫn tin vào hạnh phúc có thật, vẫn ngưỡng vọng về phía cao đẹp, tôn qúi?
Đặc biệt nhà thơ thích dùng từng cặp màu tương phản trong miêu tả, trần thuật. Ta đã quen với những hình ảnh không gian của Nguyễn Du:
– “Cát vàng cồn nọ, bụihồng dặm kia”
– “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng“
– “Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
– “Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây”
hoặc vẻ đẹp chân dung, con người:
                   “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh“
Thời gian cũng trôi trong tương phản sắc màu:
– “Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh“
– “Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”
– “Rừng thu từng biếc xen hồng“
– “Sân ngô cành bích đã chen lá vàng“
Tâm trạng nhân vật cũng được khắc hoạ qua tương phản sắc màu:
– “Ngập ngừng thẹn lục e hồng“
– “Nào người tiếc lục thamhồng là ai”
– “Dường gần rừngtía, dường xa bụi hồng“
– “Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng“
Những đổi thay của cuộc đời được đánh dấu bằng sắc màu, màu thực và màu hư:
– “Ngày xanh mòn mỏi, máhồng phôi pha”
– “Hoa trôi dạtthắm, liễu xơ xác vàng“
– “Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh“
– “Mụ càng tô lục, chuốt hồng“
– “Cũng liều mặt phấn (trắng), cho rồi ngày xanh“
– “Thân nghìn vàng để ô danh má hồng“
– “Tócmây một món dao vàng chia đôi”
Những lời nói muốn tạo vẻ đẹp sắc màu:
– “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh“
– “Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”
Nguyễn Du thích chơi chữ trên sắc màu. Ông dùng màu hư, màu đồng âm đối với màu thực:
– “Hồng quân với khách hồng quần”
– “Bạc tình nổi tiếng lầu xanh“
– “Bạc đem mặtbạc kiếm đường cho xa”
Đã đành chữ hồng thứ nhất không phải chỉ màu đỏ, chữ “bạc” trong bạc tình có nghĩa là mỏng manh, phụ bạc với tình, và chữ bạc thứ nhất trong câu thứ ba là họ, còn chữ bạc thứ hai có thể là đen bạc hay bạc tiền, nhưng trong thế sóng đôi, lại thêm đồng âm, có thể gợi lên hiệu quả về màu sắc và cảm xúc thị giác.
Câu thơ này cũng thú vị:
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Chữ Hán “lục” ở đây là chép, song nó đồng âm với màu lục, nên có thể sóng đôi với màu xanh!
Những cách chơi cặp màu như trên, kết hợp với các chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà, các cây quý như cúc, mai, lê, đào… quả đã làm cho văn chương Truyện Kiều đạt đến mức “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Các màu trên quy lại cũng chỉ có mấy cặp xanh – vàng, xanh – hồng, vàng – hồng là chủ yếu, mà các màu ấy phần nhiều là màu ảo (hư), không cốt tả thực, chỉ cốt tạo vẻ đẹp thuần tuý văn chương giàu tính chất trang trí tao nhã. Các sắc màu này trong văn Truyện Kiều, tuy ứng với các cảnh huống khác nhau, nhưng chất màu không thay đổi: “Liễu xơ xác vàng” hoặc “non phơi bóng vàng”, hoặc “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô” hoặc “Lòng còn gửi áng mây vàng”… Khắp nơi vẫn một màu vàng chói chang, tươi sáng. Từ “giày tía vò hồng” đến “dường phai vẻ hồng” hoặc “chưa phai giọt hồng”… cũng vẫn một màu hồng ấy…. Và vì không đổi mà khắp nơi, sắc màu các màu hồng (thắm, đào, son); xanh (lục, biếc), vàng, bạc đều thực hiện chức năng, gợi lên vẻ đẹp, niềm lạc quan và tình cảm yêu đời có tính chất phổ quát. Nếu nói câu “Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” có niềm vui của Thúc Sinh khi được trở lại với Kiều, thì thật khó giải thích tình cảm Kiều khi thấy “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”, hoặc khi bắt đầu cuộc đời tiếp khách: “Lầu xanh mới rủ trướng đào“, câu thơ thoạt nghe như một lời chào khai trương. Hoặc khi nàng nhớ nhà da diết mà nói: “Lòng còn gửi áng mây vàng”, thì nghe như là nhớ về một gia cảnh sang trọng, chứ không phải vừa “xảy đàn tan nghé”. Rõ ràng việc sử dụng màu sắc được chi phối bởi một cảm quan yêu đời phổ quát, không hoàn toàn phụ thuộc vào tình cảm cụ thể của nhân vật: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Các hình ảnh “chưa phai giọt hồng”, “dường phai vẻ hồng”, “lã chã giọt hồng”, “giày tía vò hồng”… dường như muốn khẳng định một bản chất bất biến, biểu trưng hoá bản chất ấy.
Tóm lại, bảng màu ngũ sắc trong Truyện Kiều ít tính chất tả thực mà nặng về tính biểu trưng, thể hiện những bản chất bất biến trong mô hình thế giới của tác giả. Ưu thế của các màu sáng thể hiện “nốt” lạc quan, tươi sáng, yêu đời trong cái nhìn về nhân sinh và vũ trụ.
Ở đây phải nói đến ảnh hưởng sâu sắc của thơ Đường, mà việc sử dụng màu sắc sóng đôi trong những cặp đối của thơ luật trở thành nét phong cách của nhiều nhà thơ, đặc biệt là Đỗ Phủ, và Lý Bạch. Chẳng hạn, thơ Đỗ Phủ có những câu:
– “Bạch nhật phóng ca tu túng tửu”
Thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương”
– “Chủng trúc giao gia thuý
Tài đào lạn mạn hồng“
– “Hồng nhập đào hoa nộn
Lụcquy liễu diệp tân”
– “Bích tri hồ ngoại thảo
Hồngkiến hải đăng vân”
– “Lưỡng cá hoàng ly minh thuý liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên”….
Lý Bạch cũng có nhiều cặp đối:
– “Hồng nhan khí hiên miện,
Bạchthủ ngoạ tùng vân”
– “Hồng nhan quy cố quốc”
Thanhtuế yết phương châu”
hoặc:Cao lâu nhập thanh thiên
          Hạ hữu bạch ngọc sương
                             (Nghĩ cổ kì nhị)
Tuế vãn cảm tương phỏng
Thanhthiên kị bạchlong
(Tống Dương sơn nhân qui tùng sơn)
Bạchsa lưu nguyệt sắc
Lụctrúc trợ thu thanh
(Đề ngẫu khê quán).
Có thể nói dùng màu sắc từng đôi tương phản trở thành một bút pháp quen thuộc của các đại gia đời Đường. Tuy vậy, chỉ có Nguyễn Du là vận dụng cặp màu kiểu này thành một thủ pháp nghệ thuật trong thơ lục bát. Điều này liên quan tới nghệ thuật sử dụng tiểu đối tài tình mà một số nhà nghiên cứu đã đề cập tới(1).
Nhưng Truyện Kiều không chỉ có màu ngũ sắc. Màu ngũ sắc có lẽ là các phạm trù màu có tính chất thuần tuý dùng để phân biệt các sắc độ màu khác nhau của sự vật chứ không phải là màu sắc của bản thân sự vật. Chẳng hạn, ở Trung Quốc xưa thanh là màu xanh chuẩn; thương (trong thương hải, thương thiên) là xanh đậm; bích (bích ngọc, bích thiên…) là xanh nhạt, xanh lơ; lục là xanh lá cây; lam là xanh nhạt, sau này cũng dùng chỉ màu da trời. Các màu đỏ có chu (màu đỏ chuẩn), cang (đỏ thắm), xích (đỏ tươi), đơn (đỏ sáng), hồng (đỏ phấn, nhạt). Về sau xích, hồng, dùng lẫn lộn (chẳng hạn hồng kỳ – cờ đỏ) cũng như thanh, thương, bích, cũng dùng lẫn lộn. Trong Truyện Kiều, xanh, biếc, bích, lục cũng dùng lẫn, tuỳ lúc, tuỳ vần điệu, cũng như hồng thắm dùng đổi cho nhau để chỉ màu chuẩn. Màu chuẩn không nhiều, nên khi muốn miêu tả sự đa dạng về màu sắc của thế giới thì người ta dùng màu tạp của sự vật. Đã từng có ý định phân biệt sắc và màu: sắc là màu thuần chất, còn màu là tạp sắc(2). Ví dụ nói sắc đỏ, sắc trắng nhưng nói màu nâu, màu thiền. Màu là vẻ, sự biểu hiện sắc màu của sự vật. Tản Đà trong tập Bình Khang tân thanh tự bình bài Hỏi gió của mình là nhiều màu. Những chữ như “phong tình”, “phong trần”, “cầu phong”, “phảng phất”, “cánh bằng chín vạn”, “rung cây”, “bốc cát” đều là “màu gió” cả, “văn nhiều màu cho nên vui”(3). Xem thế thì biết văn Truyện Kiều rất nhiều màu – cùng là nước mắt mà có bao nhiêu cách gọi – giọt sương, giọt châu, giọt ngọc, giọt hồng, mạch tương, giọt lệ, giọt mưa, giọt ngắn giọt dài…; cùng là gió mà có bao nhiêu thứ gió – gió đàn, gió cuốn cờ, gió đông, gió mây, gió mưa, gió trăng, gió cây trút lá, gió giục mây vần, gió kép mưa đơn, gió mát trăng thanh, gió táp mưa sa, gió trúc mưa mai, gió tựa hoa kề, gió tủi mưa sầu…; cùng là giấc ngủ, giấc mơ, giấc mê, mà khi thì thiu thiu, khi thì giấc nồng, giấc tiên, phách quế hồn mai, giấc hoàng lương, giấc nồng… Đó là sự nhiều màu vẻ trong diễn đạt làm cho sự vật, hiện tượng có được tính cụ thể.
Nhưng mặt khác văn Truyện Kiều còn có nhiều màu tả thực, tái hiện màu vẻ đa dạng của cảnh vật, lấy màu của sự vật để tả cảnh, gợi tình. Ở đây có “mặt sắt đen sì” của ông quan, “lờn lợt màu da” của mụ Tú Bà, “mặt như chàm đổ” của Thúc Sinh, có màu da chì của Kiều khi làm con hầu. Màu cỏ cũng đa dạng khi thì “Cỏ non xanh tận chân trời”, khi thì “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”, khi có “cỏ lợt màu sương”, khi thì “cỏ áy bóng tà”, khi thì “Một vùng cỏ mọc xanh rì”… Nếu  như màu ngũ sắc với tính chất bất biến, biểu trưng mang nặng tính quan niệm, thì màu cảnh vật là sự kết hợp thuộc tính màu khách quan với cảm nhận chủ quan… Màu là sản phẩm của cảnh vật và tâm lý. “Cỏ non xanh tận chân trời” gắn với cảm thức bao la về viễn cảnh của cuộc đời, với vẻ thanh tân, trinh trắng của một vài bông hoa “lê” đầu mùa. Ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh như cuộc đời dở dang. “Cỏ áy bóng tà” – cỏ nhuốm ánh vàng của nắng chiều, như có cái gì xốn xang day dứt (Nhiều bản chú thích cỏ áy là cỏ úa vàng như màu cứt ngựa – Thạch Giang; cỏ úa vàng – Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Việt Hoài. Thiết tưởng cỏ úa vàng trong mùa xuân, giữa tiết thanh minh có vẻ khó hiểu). Còn cỏ mọc xanh rì là cỏ vô tư, không để lại dấu vết gì của cuộc hội ngộ, không chia sẻ với nỗi lòng Kim Trọng đi tìm lại bóng dáng người yêu. Còn cỏ lợt màu sương đúng là cái màu cỏ nhợt nhạt bởi sương đêm.
Đặc sắc hơn nữa là màu sắc tình cảm nhuốm trọn cả không gian, không khí, bao quanh con người. “Màu quan san” xa xôi cách trở trùm lên Lâm Tri, khi Thúc Sinh vừa dứt áo ra đi với bao nhiêu dự cảm xa cách. Đó cũng là “màu quan tái” mà Thúc Sinh khao khát, nhớ nhung, “màu dở dang” của đám người nhà thổ, “màu khơi trêu” của đám lau sậy trước con mắt kiếm tìm của Kim Trọng. “Bốn phương mây trắng một màu – Trông vời cố quốc biết đâu là nhà” là không gian của nỗi nhớ. Xưa Địch Nhân Kiệt đời Đường nhìn một phía mây trắng mà nhớ nhà. Nay Kiều trông phương nào cũng đều mây trắng, đúng là lòng nhớ nhà triền miên, khôn nguôi. “Buồn trông nội cỏ dầu dầu – Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” – màu của bế tắc, không lối thoát. “Vội vàng mở cửa rèm châu – Trời cao sông rộng một màu bao la” – màu của không gian lồng lộng, trang trọng – nơi chứng giám cho tấm lòng Kiều – : “Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông”. Có thể nói Nguyễn Du không chỉ nắm bắt sắc màu sự vật mà còn nắm bắt và diễn tả cả sắc màu tình cảm nhuốm đậm lên cảnh vật, không gian, không khí, làm cho phong cảnh có hồn. Những sắc màu cảm xúc này, khác với màu ngũ sắc bất biến nói trên luôn luôn cụ thể hoá và cá tính hoá cao độ, gắn chặt với đời sống nội tâm nhân vật.
Cách dùng “màu” này cũng có dấu vết của thơ Đường. Trong thơ Đường chữ “sắc” nhiều khi có ý nghĩa là cảnh, cảnh tượng, ví dụ như: sơn sắc, xuân sắc, liễu sắc, thụ sắc, nguyệt sắc, mộ sắc, nhật sắc… đều có nghĩa là cảnh sắc, cảnh (xem Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân: Sức quyến rũ của thơ Đường).
Sự kết hợp các màu biểu trưng bất biến với màu cảm xúc biến hoá sinh động trong miêu tả, trần thuật cho phép ta nghĩ rằng việc sử dụng sắc màu trong Truyện Kiều tựa như nhân vật sân khấu tuồng cổ điển – dưới các mặt nạ bất biến là những biểu hiện tình cảm biến hoá tinh vi thể hiện qua giọng hát, ánh mắt, bàn tay, động tác… Nghệ thuật tuồng cổ điển không thể không có mặt nạ, nhưng chẳng ai đi xem tuồng chỉ để xem mặt nạ. Màu sắc trong Truyện Kiều cho ta thấy tính chất lưỡng tính của nghệ thuật loại hình trung đại – một mặt là các môtip lặp lại ổn định, bất biến (ở đây là môtip màu sắc), và mặt khác là màu vẻ đa dạng biến hoá đậm tính cá thể và tính cảm xúc của tâm hồn. Mặt thứ nhất ngoài ý nghĩa biểu trưng còn mang tính chất trang trí vui mắt, mặt thứ hai là sản phẩm của quan sát và thể nghiệm. Hiển nhiên đây chưa hẳn đều là quan sát và thể nghiệm trực tiếp, mà còn xuyên qua kinh nghiệm cảm xúc của thơ ca cổ điển Trung Hoa. Chẳng hạn: “Một màu quan tái, bốn mùa gió trăng” – gợi nhớ lòng xót thương tình cảnh ly biệt của những bài nhạc phủ điệu “Quan sơn nguyệt”, nhưng cái chính vẫn là màu của cảm xúc, không thể gọi là màu gì, nhưng nhuốm lên tất cả để tạo thành không khí, khung cảnh của tác phẩm. Và đây cũng là một nét nghệ thuật hiếm có trong nghệ thuật truyện Nôm của Việt Nam.
   TRẦN ĐÌNH SỬ
______________
(*) Gần đây có người phát hiện bản Kiều cổ ghi rõ bằng chữ Nôm là “Bóng hồng”, chứ không phải là “Bụi hồng”. Xin xem Văn Nghệ, số 11, ngày 18-3-1995. Nhưng sau đó học giả Nguyễn Quảng Tuân đã bác bỏ cách hiểu đó, cũng trên báo Văn Nghệ.
(1) Xuân Diệu. Chung quanh từ ngữ “Truyện Kiều”. Trong sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam. T1, NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr.308-322. Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 218-221, 259-267.
(2) Long Điền Nguyễn Văn Minh. Việt ngữ tinh nghĩa từ điển. Tập nhất, Quảng Văn Thành xuất bản. Hà Nội, 1950, tr.216
(3) Tản Đà tuyển tập Nxb Văn học. Hà Nội, 1986, tr.137-138.
 
15/12/2020
Ngô Bích Thu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...