Người đem ánh sáng
tâm hồn soi rọi thi ca
Đọc tác phẩm Tình thơ bạn thơ - 36 khúc đò đưa,
trước hết, tôi hâm mộ nhiệt huyết và lòng kiên trì bền bỉ của nhà văn, nhà phê
bình trẻ Nguyễn Văn Hòa. Đây là kết quả của quá trình anh miệt mài đọc, tiếp cận
với nhiều nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước, với đủ sắc màu của thi ca, lặn lội
vào ngõ sâu hun hút của từng số phận cùng những phong cách thơ khác biệt.
36 khúc đò đưa là bấy nhiêu lần Nguyễn Văn Hòa dấn thân vào tầng
tầng hoang địa để tìm tòi phát hiện nội cảm sâu kín của thi nhân, đem ánh sáng
tâm hồn mình soi rọi từng dòng nhựa nguyên chuyên chở ý thơ trong tác phẩm, mà
hương sắc còn ẩn kín đâu đó dưới lớp lớp ngữ ngôn ẩn dụ, để khai quật tâm thức
của một nền thơ Việt đang khởi sắc. Qua ngòi bút của anh, từng khuôn mặt nghệ
sĩ hiện ra với những nét đặc thù cá nhân, cả về cuộc đời thi ca lẫn những uẩn
khúc sâu kín của số phận.Nhà phê bình trẻ Nguyễn Văn Hòa“Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh là hiện thực cuộc sống, là thân
phận con người. Đêm gợi cảm giác cô đơn, buồn, đau, khao khát sống, khao khát
yêu, nhiều khi có cả sự ám ảnh: đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt
ngang tờ giấy trắng/ búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ/ nhắc về
em hình hài thuở ban đầu (giấc rời)”.
Với sự nhạy cảm của một tâm hồn tha thiết với thi ca, nhà văn
đã xâm nhập vào tâm điểm của nỗi thao thức mà đầy khát khao trăn trở của thi
nhân:
“Hình ảnh người đàn bà và đêm, người đàn bà ăn bóng tối, người
đàn bà sinh ra từ mưa, em mua gánh mưa, em buôn nắng… gây ám ảnh, khắc khoải đến
tâm can người đọc. Đó không chỉ là sự lỡ nhịp, chông chênh của cuộc tình mà còn
là cuộc sống, là số phận của người phụ nữ, những người luôn chịu nhiều thiệt
thòi nhất so với cánh đàn ông”.
Với nhà thơ Bùi Kim Anh, tôi chắc nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
phải trải qua nhiều đêm dài thức trắng, so sánh và chắt lọc, để rồi đưa ra nhận
định:
“Dù viết về mình, về người, về nhân tình thế thái, thơ Bùi
Kim Anh vẫn dịu dàng đằm thắm, tha thiết nỗi đời, nỗi người. Ở đó người ta thấy
một nhà thơ Bùi Kim Anh luôn sống hết mình với cuộc sống và tình yêu. Nhưng cái
chủ đạo trong thơ chị vẫn là giọng trầm buồn, se sắt. Nhà thơ tự làm một cuộc
hành trình đi tìm bản thân mình, trở về với chính mình để suy nghĩ, để chiêm
nghiệm, để sống thật với bản thân mình hơn: Có như đêm nay tôi tự tìm mình/ đêm
cô đơn mở toang cánh cửa/ lúc này gió không còn có nữa/ một bóng người hút cuối
bóng cây”.
Nguyễn Văn Hòa thường vận dụng nền tảng lí luận phê bình thi
pháp học vào trong trang viết để soi chiếu tác phẩm. Bên cạnh đó, anh có một khả
năng cảm thơ, thẩm thấu thơ qua chính tâm hồn mẫn cảm của mình, và tôi nghĩ thứ
ánh sáng minh triết cũng đủ làm sáng tỏ bản chất và tính cách thơ của nhà thơ
mà anh đang tiếp cận. Nguyễn Văn Hòa ân cần hòa điệu với cảm xúc thi nhân,
trang viết của anh tỏa hương thân thiện, gần gũi, chan hòa, không còn sự cách
biệt giữa thi nhân và người bình như thường thấy… Độc giả hiện nay là những người
cảm thụ thông thái, nhà phê bình không còn giơ cao chiếc búa quyền lực của phê
bình để uốn nắn tác phẩm theo quan điểm của mình. Vì vậy, cách tiếp cận của
Nguyễn Văn Hòa trong tác phẩm thể hiện sự thông minh và uyên bác, đồng nghĩa với
tinh thần tự trọng cao cùng với cái nhìn ưu thời mẫn thế. Phạm vi hiểu biết và
phương pháp tiếp cận với nền thơ đương đại của anh khiến tôi ngạc nhiên. Anh
không chỉ căn cứ trên tác phẩm mình phân tích, mà anh thấu suốt cả một đời sống
văn học của từng tác giả, kể cả những góc khuất của số phận con người:
“Y Ban lại mạnh dạn phản ánh những sự thật của đời sống một
cách tự nhiên, không hề che giấu, những nỗi đau của kiếp người lần lượt đi vào
thơ chị như sự trải lòng. Thơ chị có sự bình dị, tự nhiên, đôi lúc như là lời
thủ thỉ tâm sự rất mực gần gũi, đời thường. Nhưng đọc kỹ, thơ chị nhiều ẩn ý,
giàu sức liên tưởng. Tôi cho rằng đó lại là cái đáng yêu, tạo nên hồn cốt và
nét riêng của một nhà văn đi viết thơ. Thơ viết về tình yêu, miếng ăn, nỗi khổ,
sự mất tự do, cái chết, nỗi buồn… Tất cả những điều đó tràn ngập trong thơ chị”.Tập phê bình Tình thơ bạn thơ - 36
khúc đò đưa của Nguyễn Văn Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020Nguyễn Văn Hòa chắt từ đâu để hiểu và viết về tha nhân với cuộc
sống và quan điểm phức tạp của mỗi người nếu không là tình yêu văn chương với
niềm đam mê vô bờ bến? Hiểu và viết về một bài thơ đã khó, bình về một tác phẩm
càng khó hơn và viết về một sự nghiệp văn chương lại càng đòi hỏi sự miệt mài
nghiên cứu, tìm đọc và tiếp cận tác giả. Tôi không hình dung được Nguyễn Văn
Hòa đã ngấu nghiến bao nhiêu tác phẩm để có từng cái nhìn tỉnh táo, chọn đúng
cái đẹp, cái sâu, cái cồn cào nhất của tác giả và tác phẩm để trích dẫn, nhận định
đúng trọng tâm, không chỉ chạm vào đáy lòng tác giả được anh “giải phẫu”, mà những
độc giả xa lạ cũng được chiếu rọi bằng tia sáng nhân ái để cảm thông và thấu hiểu
tác giả và tác phẩm hơn lên.
Nguyễn Văn Hòa không chỉ luận về văn chương chữ nghĩa, nhà
phê bình trẻ còn tỏ ra thấu đáo để chia sẻ những vết thương chiến tranh dai dẳng
đeo bám số phận con người, dù anh sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, mà sự
phân chia vẫn còn ám ảnh trong tâm thức bao người, cùng những số phận rủi ro bị
cuốn vào cơn lốc tang thương ấy. Anh dẫn thơ của nhà thơ lão thành Nguyễn
Nguyên Bảy với cuộc đời thơ văn sóng gió ngã nghiêng:
“Điệp câu: “Chúng tôi đã thành cát bụi cả rồi/ Những người
con gái con trai thiết tha yêu đất nước.“Không làng xã nào không xây dựng nghĩa
trang/ Không thị thành nào không xây dựng nghĩa trang” – Thảm họa của chiến
tranh cực kỳ khủng khiếp! Nhưng cái đau khổ nhất mà bão tố chiến tranh đem đến
cho con người không chỉ là mất mát, tang thương, điêu tàn mà còn là những vết
thương rỉ máu, những ám ảnh kinh hoàng còn mãi trong ký ức, xiết chặt tâm hồn
người thời hậu chiến./ Xin người sống nhớ cho/ Chết là điều duy nhất tiếc/ Đừng
để chúng tôi tiếc mình chết phí/ Máu nhuộm cờ phải mãi thiêng liêng/…”. Thơ thực
sự đã vỡ òa lời trăng trối.
Đã là nhà phê bình văn học, cũng có lúc nhà phê bình vận dụng
vốn liếng kiến thức của mình khi nhận định về các thể loại thơ sở trường và đặc
trưng của tác giả. Chúng ta hãy nghe anh viết về thơ Lê Thị Kim:
“Thơ tự do của Lê Thị Kim viết theo một lối riêng và rất hiện
đại. Dưới ngòi bút tài hoa của chị, thể thơ này có sự giãn nở về biên độ phản
ánh và cấu trúc hóa nhạc điệu câu thơ. Hình thức thơ biến hóa linh hoạt, câu
thơ uốn lượn một cách thoải mái theo cơn bão của cảm xúc tâm hồn, nhịp đập của
trái tim. “Em đã buông rồi/ Nhưng tất cả không rơi/ Kỷ niệm vẫn bồng bềnh như
sóng biển/ Sân trường cũ… và ngày xưa hoa tím/ Thoáng mưa buồn… vài giọt thả
long lanh…
Thơ 5 chữ phù hợp với việc giãi bày tâm trạng của con người,
thường có tính chất tự sự. Nói cách khác, thơ 5 chữ thường kết hợp tự sự với trữ
tình. Với thể thơ 5 chữ, nó có khả năng diễn tả đầy đủ dòng cảm xúc dạt dào của
nhà thơ khi nhớ về những kỷ niệm của quá khứ, khi nghĩ về hiện tại và cả những
dự cảm về tương lai. Ở thể thơ này, Lê Thị Kim đã tạo nên những vần thơ độc đáo
mang đậm dấu ấn của một phong cách thơ riêng: phong cách thơ Lê Thị Kim”.
Tôi (Nguyên Bình) lại muốn tò mò tìm xem Nguyễn Văn Hòa đã viết
về những nhà thơ tôi đã từng quen biết gần gũi họ, thử so sánh tư duy và nhận định
về thơ của anh có “giống” mình không. Tôi chọn nhà thơ Trúc Linh Lan:
“Vốn là người tinh tế và giàu lòng trắc ẩn, Trúc Linh Lan cảm
thấy nặng nợ với mảnh đất này. Do vậy, dù có đi đâu, làm gì tận sâu trong tâm
khảm nhà thơ vẫn dành riêng cho một “vùng nhớ” với nơi ngọn nguồn sinh dưỡng,
nuôi chị cả phần xác lẫn phần hồn: Có đi đâu?/ Vẫn thương nhớ đồng bằng!/ Nơi
câu dạ cổ hoài lang vang danh một vùng đất…
Những nét đặc trưng của vùng đất Tây Nam của Tổ quốc được chị
sử dụng trong thơ với tần số cao. Đây là điểm nổi bật làm nên nét riêng của hồn
thơ Trúc Linh Lan. Thậm chí trong 1 bài thơ chị cũng đã có rất nhiều từ ngữ để
tái hiện cảnh sắc con người vùng Tây Nam Bộ. Tôi gọi chị là “hồn thơ của sông
nước Cửu Long” (Nguyễn Văn Hòa).
Nếu đem so sánh thì quả là khập khiễng, nhưng tôi xin phép
trích một đoạn trong bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Người đàn bà ngồi
nhặt kí ức của nhà thơ Trúc Linh Lan để bạn đọc tự kiểm định mối tương
quan giữa người viết bình luận về tác phẩm, chắc cũng đem lại một chút thú vị
cho bạn đọc:
“Là người con lớn lên từ phù sa sông Hậu hiền hòa, nền thơ của
Trúc Linh Lan thấm đẫm những nét đẹp mộc mạc mà ma mị của vùng đồng bằng châu
thổ chín nhớ mười thương. Ta hãy lắng nghe điệu lý thương hồ bồng bềnh trong nhịp
chèo đặc hữu miền sông nước: “Ta đã thấy gì trong cơn mơ/ Số phận những con người
bồng bềnh/ Vầng trăng đong đưa điệu lý thương hồ/ Tiếng đờn ai dạo khúc bi ai”
(Nguyên Bình).
Tác phẩm bình luận văn học luôn đem lại cho người đọc những
góc nhìn mới, thay đổi góc độ và mức độ cảm thụ cũng như thái độ ứng xử khi tiếp
cận tác phẩm. Nguyễn Văn Hòa đã làm được điều đó. Anh mở dần các cánh cửa tâm hồn
trong lâu đài thơ ẩn kín giữa khu rừng văn chương bát ngát, thâm u. Ánh sáng
chiếu rọi sau cánh cửa mở toang bừng sáng màn đêm, một không gian ấm cúng và gần
gũi, mà nơi đó, chính nhà bình luận thiện tâm đã đặt bàn tay tác giả và độc giả
vào nhau, khai quật nét đẹp muôn đời của thơ nói riêng và văn chương nói chung.
Tác phẩm Tình thơ bạn thơ - 36 khúc đò đưa, theo tôi là
một công trình dày dặn công phu, bởi tác giả đã dùng nhiều tâm huyết, thời gian
và công sức. Sự cống hiến ấy của anh không hề nhỏ, rất đáng trân trọng trong bối
cảnh đời sống văn chương hôm nay. Trên dòng sông thi ca Việt đương đại, mỗi câu
mỗi lời trong 36 khúc đò đưa là một nhịp chèo khoan nhặt, đưa con
thuyền văn sang bên kia bờ mỹ cảm.
Bà Rịa, 14/6/2020 Nguyên Bình
Bà Rịa, 14/6/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét