Nguyễn Vỹ - Cảm quan xã hội
và thể nghiệm nghệ thuật
Sau nhiều năm gần như bị quên lãng, Nguyễn Vỹ
(1912-1971) từng bước trở lại với đời sống văn học qua hai sự kiện: tiểu thuyết Tuấn,
chàng trai nước Việt được tái bản năm 2006 và hội thảo “Nguyễn Vỹ – cuộc đời
và sự nghiệp” được tổ chức tại quê hương ông ngày 31-10-2017. Tuấn, chàng
trai nước Việt là cuốn tiểu thuyết tư liệu mang tính chất sử thi thể hiện
đường đời và số phận nhân vật trung tâm – một người con trai nước Việt đi qua
bão giông của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm thế sự làm biến đổi xã hội
và con người nửa đầu thế kỷ 20. Cuộc hội thảo về Nguyễn Vỹ, cũng như các hội thảo
về Bích Khê, Bùi Giáng trước đây, đã góp phần chiêu tuyết và định vị cho những
danh nhân văn học từng một thời bị hiểu lầm và phân cực trong đánh giá, tạo thuận
lợi cho những nghiên cứu khách quan, công tâm về sau.Nhà thơ
Nguyễn VỹNguyễn Vỹ cùng với Tế Hanh và Bích Khê là ba nhà thơ Việt Nam
quê ở Quảng Ngãi, xuất hiện trong phong trào Thơ Mới trước 1945, có ba cá tính
sáng tạo và ba phong cách khác nhau. Tế Hanh chân thành, giản dị và gần với hiện
thực quê hương; Bích Khê vượt lên hiện thực, thuần khiết và uyên áo; còn Nguyễn
Vỹ thì mang dáng vẻ hiện đại của nếp sống thị dân.
Tế Hanh và Bích Khê, dù đời văn dài hay ngắn, cũng trọn vẹn với
danh hiệu nhà thơ. Suốt một đời văn bốn thập niên, Nguyễn Vỹ thao bút trên nhiều
thể loại: ông vừa là nhà thơ trữ tình (Tập thơ đầu, Hoang vu), nhà thơ trào
phúng (“Thơ lên ruột”), nhà tiểu thuyết (Đứa con hoang, Thi sĩ Kỳ Phong,
Chiếc bóng, Chiếc áo cưới màu hồng, Người yêu của Hoàng thượng, Giây bí rợ, Hai
thiêng liêng, Mồ hôi nước mắt, Tuấn – chàng trai nước Việt), nhà báo (Dân Ta,
Bông Lúa, Phổ Thông, Thằng Bờm), nhà chính luận và biên khảo (Kẻ thù là Nhật
Bản, Cái họa Nhật Bản, Hào quang Đức Phật, Đứng trước thảm kịch Pháp Việt, Những
người đàn bà lừng danh trong lịch sử, Văn thi sĩ tiền chiến…). Ở mỗi lĩnh vực,
ông chưa đạt đỉnh cao nhưng đều có tiếng vang và gây ảnh hưởng. Điều đặc biệt ở
ông là sự tìm tòi và thể nghiệm những chủ đề mới, những thể tài mới, những cách
biểu hiện mới.
Bạn đọc ngày nay không dễ dàng tiếp cận toàn bộ sự nghiệp văn
học, báo chí phong phú, đa dạng và phức tạp của Nguyễn Vỹ. Trong sự nghiệp đó,
có lẽ thơ là nơi lưu giữ rõ nhất tâm hồn và tính cách của ông mà việc sưu tập
và tái bản hiện nay tương đối thuận lợi. Tác phẩm Nguyễn Vỹ – Thơ (NXB
Hội Nhà văn, 2020) là kết quả của nỗ lực mới nhất nhằm từng bước phục
hồi nguyên trạng và đầy đủ di sản thi ca của tác giả.
Như một cơ duyên, mở đầu cuốn sách là Tập thơ đầu (Premières
Poésies) do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm được trong Thư viện Quốc gia Hà
Nội cách đây hai năm và bản dịch do nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn tức Châu Diên
thực hiện không lâu trước ngày từ trần. Làm thơ tiếng Pháp ở độ tuổi đôi mươi,
Nguyễn Vỹ cho thấy con đường tìm tòi và thể nghiệm nghệ thuật để trang trải tâm
tình của một con người xã hội. Những bài thơ tiếng Pháp và tiếng Việt đầu tay
này chủ yếu giới thiệu lối thơ 12 chân alexandrin mà ông ưa chuộng, nhưng cũng
áp dụng những thể thơ khác: ba chữ, năm chữ, sáu chữ, thất ngôn bát cú, song thất
lục bát, thơ văn xuôi. Sự xuất hiện mà Hoài Thanh chế giễu là “chiêng, trống xập
xoèng, inh cả tai” có lẽ là do cung cách quảng bá trên báo chí lúc đó, chứ cứ
nhìn trên hình thức văn bản thì khó nói Nguyễn Vỹ chỉ là “tiền phong” hay “lập
dị”. Làm thơ trong bầu khí quyển lãng mạn của Thơ Mới, thật dễ hiểu khi Nguyễn
Vỹ gửi gắm hồn mình qua hình ảnh:
Mắt đẫm lệ, chàng cô đơn đáng thương
Tới nhìn cảnh đó vào một buổi chiều đang tắt,
Khóc thương cho một Lý tưởng đã chết trên trái đất này
Hoặc một kẻ mộng mơ người đầy thương tích
đang vừa khóc vừa bốc bay lên trời cao.
(Những đêm mất ngủ IV, Phạm Toàn dịch)
Cũng từ rất sớm, thơ Nguyễn Vỹ đã muốn gắn cá nhân với tha
nhân để có một sự hiệp thông trong xã hội. Trong những bài thơ thời trẻ đã xuất
hiện hình ảnh “những người hành khất”, “những nấm mộ sâu”, “những góa phụ mang
khăn trắng”, “những quan tài phủ kín hoa sen”, “nhà chùa tràn ngập mùi khói
hương”. Và chen lẫn vào đó là tiếng gọi nhắc người làm thơ như một mặc khải, một
sứ điệp về sứ mệnh của thơ ca:
Đôi khi, tôi nằm thức giấc vào những đêm đông dài, tai lắng
nghe những tiếng động ban đêm, có tiếng ai đang gọi mình. Một tiếng gọi xa xăm
cứ gọi tôi hoài. Có khi đó là trong căn phòng tường và trần có trang hoàng và
có đèn điện sáng, có khi đó là trong gian nhà quê vách đất tồi tàn vào những
đêm thâu rét mướt, và tôi ngồi đó năm đêm thức liền, lắng nghe, mơ màng.
(Buồn
vô cớ, Phạm Toàn dịch)
Từ đây về sau, thơ Nguyễn Vỹ vẫn là sự hòa trộn của lãng mạn,
hiện thực, siêu thực và huyền ảo; đồng thời là sự hòa trộn của tinh thần xã hội
với những thể nghiệm nghệ thuật.
28 năm sau Tập thơ đầu Nguyễn Vỹ mới xuất bản tập
thứ hai: Hoang vu, tập hợp 50 bài thơ đủ các thể thơ (hai chữ, ba chữ, bốn
chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục
bát, hợp thể, tự do) và đủ các đề tài (thiếu nhi, tình yêu, chiến tranh, lịch sử,
nhà tù, tôn giáo, ác mộng…). Hình như nhà thơ quan niệm rằng những gì xuất hiện
trong lịch sử thơ ca thì mình đều có thể thể nghiệm và thao bút. Thật là một
nghịch lý, cái hoàn cảnh tưởng như khắc nghiệt và trói buộc văn nghệ sĩ, lại
cũng là hoàn cảnh dung hợp tất cả khát vọng thể hiện bản ngã của họ.Tuyển tập “Nguyễn Vỹ - Thơ”, NXB Hội
Nhà văn 2019Với những bài thơ Sương rơi, Hoàng hôn, Mưa
rào, Tiếng chuông chùa, Nguyễn Vỹ được ghi nhận như người khởi đầu của
thơ thị giác (visual poetry) ở Việt Nam. Trên thế giới, thơ thị giác từng là cuộc
chơi say mê của G. Apollinaire, A. del Valle, G. de Torre… Sau Nguyễn Vỹ và Tao
Đàn Bạch Nga, lối thơ này tìm thấy những thể nghiệm ở Lê Đạt, Diễm Châu, Dương
Tường… Lý thuyết trò chơi giúp ta lý giải khách quan hơn ý nghĩa của thơ thị
giác và cho thấy những tìm tòi từ rất sớm của Nguyễn Vỹ không phải đơn thuần là
biểu hiện của chủ nghĩa hình thức trong văn học.
Trong phê bình văn học có phần cởi mở hiện nay, xuất hiện những
ý kiến tán dương thơ thị giác của Nguyễn Vỹ. Dù sao, cũng dễ thấy rằng số lượng
bài thơ dạng này của tác giả đếm không quá mười ngón tay và sự thể nghiệm này,
cũng như thể nghiệm thơ 12 chân alexandrin, đã không thành một niềm say mê lâu
dài của nhà thơ. Trong lời “Gửi một người bạn” in ở đầu tập Hoang vu, Nguyễn
Vỹ gián tiếp cho biết rằng ông không muốn “tô điểm thơ như một đồ chơi, một xa
xí phẩm”, không muốn “thơ như món nữ trang, bằng ngọc thạch thật hay giả, mà mỹ
nhân đeo duyên dáng trên tay và trên ngực”.
Ảnh hưởng của lối cảm thụ ấn tượng khi Hoài Thanh tuyên dương
bài Gởi Trương Tửu như một kiệt tác dễ khiến người đọc nhìn nhận đời
thơ Nguyễn Vỹ chỉ qua lăng kính của bài thơ độc đáo phô diễn một tâm tình bộc
trực và khí vị kẻ sĩ vừa tự ti vừa tự thị đó. Ngôn ngữ trần trụi mà góc cạnh của
bài thơ dễ che mờ một khía cạnh khác của tâm hồn Nguyễn Vỹ: kẻ ôm mộng vá trời
“làm cho bốn mươi thế kỷ xưa/ hất mồ nhỏm dậy cười say sưa”.
Trong những năm 1950, cùng với những trải nghiệm tù tội trong
các chế độ nhà lao (thực dân Pháp, phát xít Nhật, độc tài họ Ngô) và những gian
nan trong nghề báo (những tờ báo do ông chủ trương hay cộng tác – Le Cygne, Tổ
Quốc, Dân Chủ, Dân Ta – lần lượt bị đình bản), Nguyễn Vỹ nhìn thế sự với
những chiêm nghiệm khác trước. Ông thao thức về những tàn phá của chiến tranh
và nỗi cùng khổ của dân Việt:
Non nước điêu linh oán hận trường
Quốc hồn vang dậy tiếng thê lương
Bao nhiêu mồ mả không hương khói,
Vọng tiếng u hoài của cố hương!
(Gởi cô Bích Tiên – Hà Nội)
Ở Sài Gòn, tiếng thơ của ông hướng về những phận người “không
cửa nhà, không một chiếc giường rơm”, “ngày ngồi xin góc chợ khách đi qua”, “nằm
chèo queo, mình mẩy ốm giơ xương”, “người run rẩy như lá cây run rẩy”. Ở đây
thay cho giọng kiêu bạc là giọng thơ u hoài mà cay đắng:
Đêm nay lạnh ta ngồi bên khóm trúc,
Nhìn lên trời mờ mịt mấy ngôi sao.
Gió mai mỉa cả bầu trời ô nhục,
Bởi kiếp người mang hận suốt đêm thâu!
(Sài Gòn đêm khuya)
Không còn say sưa với những tìm tòi cầu kỳ, thơ Nguyễn Vỹ
trong thành phố thời chiến tranh Việt Pháp trở về với giọng điệu chân phác mà vẫn
truyền được lòng thương cảm và tình nhân ái. Tâm hồn ưu thời mẫn thế của ông ngập
tràn cảm xúc về mùa xuân đau thương của dân tộc:
Xuân muôn màu ngào ngạt nở muôn hoa
Là mạch máu chan hòa trong mạch đất!
Mỗi nhánh lá, một hồn thiêng phảng phất,
Mỗi tim hoa, nước mắt đọng thành sương.
(Tiếng súng đêm xuân)
Trong cảnh giới tha ma buồn não,
Lẫn tiệc vui huyên náo tưng bừng.
Tôi đi mỗi bước mỗi ngừng,
Nhìn trông non nước, lòng buồn vô biên!
(Xuân thông cảm)
Mặc dù hai nhà thơ thuộc hai thế hệ và hai bối cảnh xã hội
cách xa nhau, đi theo hai con đường nghệ thuật khác nhau, Nguyễn Vỹ và Nguyễn
Duy gợi cho ta thấy chỗ gặp nhau của họ: bài Sài Gòn đêm khuya ở trên
và bài Thơ tặng người ăn mày của Nguyễn Duy; bài Thành Thái ở
dưới và bài Tưởng niệm viết về vua Duy Tân:
Vua không ham muốn ở ngai vàng
Trong lúc muôn dân oán hận tràn
Vò võ năm canh người với bóng,
Đau lòng nước mất, cửa nhà tan. […]
Ngài sống hẩm hiu cảnh khốn cùng.
Một căn nhà mướn, phố Quang Trung
Cửa nhà rách nát, người đau yếu,
Giữa xóm dân nghèo một phế cung!
(Nguyễn Vỹ: Thành Thái)
Tấm thân phiêu dạt quê người
linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà
ngai vàng vừa cũ vừa xa
ánh vàng vương miện cũng là hư không.
(Nguyễn Duy: Tưởng niệm)
Hai ông vua anh kiệt chống Pháp trước sau đều trở về cố
hương: vua cha với thân hình “da bọc xương, áo quần mạng vá, tóc pha sương”;
vua con chỉ còn lại một “nắm xương lưu đày”!
Đọc thơ Nguyễn Vỹ những năm 1950, không còn thấy cái tôi kiêu
bạc nhưng vẫn hiện hữu một cá tính kiêu hãnh và ngạo nghễ. Thiết nghĩ, điều
đáng ngưỡng mộ ở Nguyễn Vỹ, cả con người xã hội và con người nghệ sĩ, chính là
đây:
Đừng nhử tôi ngựa, xe, tàn, võng, lọng.
Ai công hầu khanh tướng, mặc ai ai.
Đừng bắt tôi mang hia, choàng áo rộng,
Và khom lưng lạy các chúa trên ngai! [...]
Đừng bảo tôi hát những lời ca ngợi
Các tượng thần chói lọi ánh tà huy.
(Cảm ơn Ngài)
Bài thơ ấy viết năm 1953. Phải hơn một phần tư thế kỷ sau,
Nguyễn Đình Thi mới nhận ra: “Em nhìn xem bên kia/ Những pho tượng đổ không kịp
dọn/ Bầy quạ kêu hung hãn” (Vào mùa thu).
Hẳn không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Vỹ bộc lộ quan niệm của
mình về hình ảnh và sứ mạng của nhà thơ trong bài “Gởi một người bạn”:
“Thi sĩ chẳng phải gì khác hơn là một tội danh chung thân của
thời đại. Mỗi bước hắn lê trên đường đời đều mang dấu vết một hành trình thống
hận. Hắn nghe quen tiếng xích sắt kêu rổn rảng bên chân. Những kẻ bị đày đọa phải
đắp Vạn Lý Trường Thành, xây những Kim Tự Tháp, thật không có gì đáng hãnh diện.
Mỗi thế kỷ có một Vạn Lý Trường Thành, mỗi thời đại một Kim Tự Tháp. Thi sĩ là
một kẻ khổ sai trong quần chúng lam lũ đang đẩy xe đá. Hắn phải góp phần xâu
huyết lệ với thế hệ những người hy sinh.
“Rồi hắn cũng sẽ gục ngã xuống dưới cái nhìn câm lặng của Tượng
đá Nhân sư”.
Có lẽ lời tự bạch này hiện đại hơn tất cả những bài thơ hiện
đại và cách tân của Nguyễn Vỹ. Ông đã không chọn đi đến cùng với thơ ca, một
thơ ca thuần khiết và tinh huyết. Số kiếp của ông là số kiếp của một người trí
thức hành động, lăn lộn với đời sống, đem kiến văn và tài trí của mình phụng sự
xã hội, phụng sự văn hóa.
Lời đầu sách Nguyễn Vỹ - Thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội,
2020.
18/7/2020 Huỳnh Như Phương
18/7/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét