Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Nguyễn Vỹ: Tầm - Tâm - Tài và tình của một nhà thơ làm báo

Nguyễn Vỹ: Tầm - Tâm - Tài và
tình của một nhà thơ làm báo

Đánh giá về giá trị thơ và văn xuôi Nguyễn Vỹ sẽ còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng xét về sự nghiệp báo chí, có thể khẳng định rằng Nguyễn Vỹ là một nhà báo có vị trí và vai trò rất quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà. Đó là một nhà báo có Tầm, có Tâm, có Tài và có Tình (4T) vừa với tư cách là một nhà báo vừa với tư cách là một người sáng lập và quản lý báo chí.
Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Vỹ
Nguyễn Vỹ và cái Tầm của người làm báo
Công bằng mà nói, Nguyễn Vỹ là một nhà báo có Tầm. Cái Tầm này thể hiện rõ ở việc ông luôn đứng ra chủ trương thành lập các tờ báo, tạp chí và trực tiếp quản lý các khâu công việc của một tờ báo từ tôn chỉ, mục đích đến lãnh đạo, quản lý, mời cộng tác viên và trực tiếp sáng tác. Chúng ta chưa có điều kiện sưu tầm hết các bài báo của Nguyễn Vỹ (với rất nhiều bút danh khác nhau), nhưng chỉ điểm qua sự nghiệp sáng lập và quản lý báo chí của ông, ta sẽ nhận ra rất rõ cái Tầm của một nhà báo. Năm 25 tuổi (1937), Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt Pháp lấy tên là Le Cygne (tức Bạch Nga). Đây là tờ báo có uy tín và do một người có Tâm, có Tầm khởi xướng nên được Trương Tửu – nhà văn nổi tiếng bấy giờ cộng tác. Xuất bản chưa được bao lâu, chính quyền thực dân phong kiến lúc bấy giờ đã rút giấy phép vĩnh viễn tờ Le Cygne do Nguyễn Vỹ đã viết và in nhiều bài chỉ trích đường lối cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Báo đóng cửa, bản thân ông bị chính quyền kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, tuyên phạt 6 tháng tù cùng 3.000 quan tiền phạt. Điều này cũng đã chứng tỏ cái Tầm của ngòi bút Nguyễn Vỹ. Năm 1939, ông mãn tù lúc Pháp thất trận, quân Nhật vào chiếm đóng. Nguyễn Vỹ lại tiếp tục dùng ngòi bút đấu tranh chống Nhật, xuất bản liền hai quyển sách Kẻ thù là Nhật bản; Cái họa Nhật-Bản. Ông lập tức bị quân Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê. Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn. Báo do ông sáng lập và những bài viết của ông trực tiếp công kích chính quyền đương thời nên không bao lâu sau, tờ Tổ quốc bị đóng cửa. Không chịu khoanh tay, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Và vì vậy, không tồn tại được bao lâu, tờ Tổ quốc cũng bị đình bản. Năm 1952, Nguyễn Vỹ chủ trương lập tờ nhật báo Dân ta, nhưng cũng chỉ được một thời gian, cuối cùng Nhật báo Dân ta cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước. Vẫn không chịu ngồi yên, đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương Bán nguyệt san Phổ Thông. Đây là Bán nguyệt san thiên về nghệ thuật và văn học, do đó, nó tồn tại được lâu hơn và được xem là một tạp chí có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra Tuần báo Bông Lúa, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm… Năm 1956, lợi dụng việc được mời làm cố vấn cho chính quyền đương thời (chỉ một thời gian rồi ông tự động rút lui), ông tái bản Nhật báo Dân ta (bộ mới), nhưng đến năm 1965, vì chống lại chính quyền, Nhật báo Dân ta cũng lại bị đóng cửa. Vậy là từ 1967 đến khi bị tai nạn giao thông qua đời (ngày 04/02/1971), Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương Tạp chí Phổ Thông mà thôi [1].
Như vậy, liên tục sáng lập báo và tạp chí với chủ trương chống lại chính quyền thực dân cũ trước 1945, rồi chính quyền thực dân mới ở miền Nam trước 1975; đã từng vào tù ra tội vì làm báo, ông vẫn không bao giờ chịu khuất phục cường quyền. Điều này đã đủ để minh chứng cái Tầm của nhà báo Nguyễn Vỹ.
Câu chuyện Nguyễn Vỹ quyết định đăng bài của nhà thơ Sa Giang – Trần Tuấn Kiệt bút chiến với Đinh Hùng, được Trần Tuấn Kiệt kể lại như sau:
thế lực Đinh Hùng rất mạnh. Ông này là bạn của cố vấn Ngô Đình Nhu, thường nằm hút chung mâm đèn với cố vấn. Chỉ cần cố vấn gặc cái dọc tẩu xuống mâm đèn, ra lệnh một tiếng thì Nguyễn Vỹ và tôi bị mật vụ hỏi thăm sức khỏe ngay [2].
Điều này đã chứng tỏ bản lĩnh và cái Tầm của Nguyễn Vỹ trong thời gian chủ nhiệm Tạp chí Phổ thông. Đây là lời tâm sự của nhà văn Thiếu Sơn về Nguyễn Vỹ:
Mình ở tù ra, chẳng có thằng chủ báo nào dám đăng bài của mình hết, chỉ trừ có Nguyễn Vỹ. Nguyễn Vỹ kể tiếp: “Lời nói đó làm tôi cảm động, nhưng cũng có đôi khi, anh với tôi chạm nhau, ngay trên tờ Phổ Thông vì bất đồng một vài tư tưởng chính trị… Nhưng chúng tôi vẫn giữ phong độ con nhà văn, con nhà cách mạng [3].
Rồi chuyện Nguyễn Vỹ từ chối giải nhất Giải thưởng Văn chương Toàn quốc do Ngô Đình Diệm đặt ra cho bộ truyện Hai thiêng liêng của mình với số tiền thưởng lên đến 60.000 đồng (trong lúc ông đang đi vay tiền để in báo Phổ Thông) cũng chứng minh nhân cách một người làm báo, viết văn: Khi đó, Á Nam Trần Tuấn Khải khuyên ông cứ nhận đi:
60.000 đồng đâu phải ít. Nhưng tôi từ chối, và gọi điện thoại cho ông chủ tịch ban giám khảo biết tôi không tham gia, và không nhận giải thưởng của ông Tổng thống Ngô Đình Diệm [4].
Ngay đến việc khi thơ ông xuất hiện trước 1945, bị nhiều nhà phê bình, nhà thơ (Hoài Thanh, Thế Lữ…) chê bai, công kích, Nguyễn Vỹ cũng chỉ phớt lờ: Người ta công kích ta, chỉ chứng rằng ta đang sống [5] cũng là một minh chứng cái tầm của một người cầm bút. Cho dù Thế Lữ (Lê Ta) là người mạt sát ông nhiều lần, nhưng khi gặp Thế Lữ, ông vẫn cư xử đúng tầm của một người cầm bút có nhân cách:
Ngồi ghế đối diện với tôi, chính là kẻ đã nói xấu tôi và chửi thơ tôi tơi bời trên báo Phong Hóa, nhưng tôi muốn quên chuyện khó chịu đã qua, để tiếp một người khách có nhã ý đến gặp mình và hôm nay nói với mình toàn những lời vui vẻ, bông đùa, lịch sự[6].
Không những thế, ta còn có thể thấy cái Tầm của nhà báo Nguyễn Vỹ qua những vần thơ điếu của những đồng nghiệp ngay sau ngày ông mất. Đây là lời của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương:
Sáu mươi hai tuổi có là bao
Hơn bốn mươi năm mạch sống trào
Nét bút không ngưng dòng mực chảy
Lời thơ còn đọng chí anh hào.
“DÂN TA anh dũng” với “Oai hùng”
Chí khí ngang tàn vẫn nấu nung
Bút thép xứng danh người chiến sĩ
Non sông vay trả nợ tang bồng” ([7]).
Còn đây là đánh giá của nhà thơ Mạch Quê Hương:
Hồn nước “DÂN TA” mãi vút cao,
Bút son tỏa rạng chí anh hào,
“Thằng Bờm” ung đúc tâm hồn trẻ
Tòa soạn từ đây quạnh quẽ sầu” ([8]).
Và ta có thể khái quát cái Tầm của nhà báo Nguyễn Vỹ qua đoạn trích bài thơ kể khá đầy đủ về công trạng báo chí và tác phẩm của Nguyễn Vỹ sau đây:
Người không còn nhưng tên tuổi vẫn còn
Và còn mãi muôn đời trong văn sử
Nhớ thương ai trong quãng đời quá khứ
Đã bôn ba vì đất nước quê hương
Chịu lao tù, chịu gối tuyết nằm sương
Chịu “KIẾP SỐNG NHÀ THƠ NHƯ KIẾP CHÓ”
DÂY BÍ RỢ, ĐỨA CON HOANG còn đó
Và KẺ THÙ LÀ NHẬT BẢN còn đây
Mà thi nhân sao nhắm mắt xuôi tay
Bỏ CHIẾC ÁO CƯỚI MÀU HỒNG…
Bỏ DÂN TA đổ MỒ HÔI NƯỚC MẮT
Bỏ THẰNG BỜM, BUỒN MUỐN KHÓC LÊN
Cõi HOANG VU lạnh lẽo lắm người…([9]).
Nhà báo Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng thì khẳng định:
Nguyễn Vỹ là một nhà báo biết tự-trọng, có tư cách của người trượng-phu, không như nhiều cây viết khác, ti tiện, vô duyên mà không biết thẹn ([10]). Còn nhà thơ Bàng Bá Lân thì khẳng định: về việc làm báo của anh thì phải nhận là có tổ-chức chặt chẽ và đứng đắn. Báo ra đúng kỳ hạn, bài vở đều đặn, nhất là những mục do anh phụ trách (mà anh giữ rất nhiều mục với nhiều bút hiệu khác nhau) thì chẳng bao giờ chậm trễ, thiếu sót. Một điều đáng kể nữa là sổ sách rất đàng hoàng ([11]).
Tất nhiên, đây là những đánh giá của những nhà báo, nhà thơ từng cộng tác với Nguyễn Vỹ trong giai đoạn báo chí dưới chế độ cũ. Nhưng cần chú ý, Nguyễn Vỹ không phải là nhà báo cách mạng, nên khách quan nhận xét thì đây là những đánh giá khá chân xác của những người trong cuộc về tầm sự nghiệp báo chí của Nguyễn Vỹ lúc sinh thời sau khi ông đã qua đời.
Nguyễn Vỹ và cái Tâm của người làm báo
Cái Tâm quyết định phẩm chất của mỗi con người nói chung, riêng với người làm báo thì cái Tâm có vai trò quyết định để ngòi bút không đi chệch hướng, giúp nhà báo thực hiện đầy đủ nhất chức năng của báo chí đó là thông tin đúng sự thật và định hướng dư luận xã hội. Nguyễn Vỹ không những là một nhà báo chuyên nghiệp mà còn là một người tổ chức, quản lý báo chí. Vì lẽ đó, giữ cho được cái Tầm không khuất phục trước cường quyền và cái Tâm trong sáng không bị đồng tiền chi phối là điều kiện tiên quyết để giữ tròn đạo đức người làm báo:
Nguyễn Vỹ quả thật là người không hề biết tính toán… hay có chút xíu nào đầu óc thương mại, anh làm báo là làm theo sở thích, viết theo lý tưởng cho nên lúc nào anh tự mình làm báo, trông coi về tiền bạc luôn thì Nguyễn Vỹ bảo vợ bảo con ([12]).
Ngay từ thời làm báo trước 1945, tính ông đã vậy:
Nhiều tháng chúng tôi không có tiền… Có lần tôi được tiền nhuận bút 10 đồng, Trương Tửu lấy 4 đồng đi uống rượu đế và ăn thịt chó… Vũ Trang lấy 4 đồng đi Nam Định để biểu diễn thôi miên ([13]).
Cái Tâm ấy còn được thể hiện qua nỗi ân hận của một người chủ báo khi không đủ điều kiện để giúp đỡ bạn bè. Đây là lời tâm sự của Nguyễn Vỹ khi viết về nhà văn Thiếu Sơn:
Tôi ân hận riêng phần tôi, là với tạp chí Phổ Thông hoàn toàn độc lập, tự do, không nhận được sự ủng hộ tài chánh của bất cứ một thế lực nào, tôi không được giàu có để giúp anh Thiếu Sơn nhiều hơn nữa, như lòng tôi tự nguyện. Đó là việc xuất bản một tác phẩm của anh như “Một đời người”, để anh được bản quyền tác giả vài ba chục ngàn ([14]).
Lối sống đạm bạc, quên mình vì việc chung và lòng say mê viết lách đã thực sự trở thành phẩm chất của Nguyễn Vỹ. Và cũng chính vì lẽ đó mà đời ông phải gánh chịu nhiều thiệt thòi khi làm nhà báo, nhất là nhà báo dưới thời đất nước còn bị ngoại xâm:
Đời làm chủ nhiệm báo tuần, báo ngày và đời viết lách của anh thật là quên mình, có thể nói là quên ăn, quên uống. Thật vậy. Một khúc bánh mì thịt mua ngoài xe hoặc một dĩa cơm lao động anh Nguyễn Vỹ vừa ngồi viết tại bàn giấy vừa ăn thay cho bữa trưa là đủ. Quả đúng là anh say mê với cái nghiệp viết báo, viết văn… Thật đáng buồn cho vận số của anh khi một con người thuần chất văn nghệ, viết báo viết văn mà không biết con buôn thì tim óc anh luôn luôn bị người ta vắt, người ta nặn ([15]).
Vừa là Chủ nhiệm vừa là một nhà báo chuyên nghiệp, suốt thời kỳ dưới chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam, Nguyễn Vỹ “hì hục” viết trong suốt cuộc đời làm báo của mình, “hì hục” đến mức còn bị đồng nghiệp phê bình. Nhưng ông chỉ mỉn cười chua chát và luôn khẳng định: đã làm báo thì phải như thế, nhất là làm báo khi đất nước đang trong vòng nô lệ:
Anh chỉ vừa đủ sống mặc dù phải “hì hục” viết suốt một đời người. Những lúc đi ăn chung (ăn mà không nhậu vì anh không biết nhậu). Tú Xe thường chế ngạo cái lối viết “hì hục”, viết đến toát mồ hôi của anh, anh chỉ mỉn cười chua chát mà rằng: “Đành vậy hỏng lẽ đi buôn… mà đi buôn cái gì bây giờ, trong khi thời bi giờ bất cứ cái gì kể cả Tôn Giáo và Đất Nước cũng đều có người bán rồi” ([16]).
Và theo nhà thơ Bàng Bá Lân thì: tiền nhuận bút của các ký-giả và văn-hữu viết giúp được trả rất sòng phẳng, mau chóng. Đó là điều mà đa số các chủ báo khác không mấy lưu tâm! Có lẽ thế mà tạp-chí Phổ-Thông của Nguyễn Vỹ đã sống được khá lâu, và có vẻ càng ngày càng tiến triển ([17]).
Dưới thời Mỹ ngụy ở miền Nam, là một nhà báo có Tâm, trước thực trạng thanh thiếu niên Việt Nam bị phân hóa nặng nề bởi nền văn minh vật chất của văn hóa phương Tây ùa đến và cũng không ít thanh thiếu niên rơi vào trạng thái bơ vơ, ngơ ngác, không tìm được hướng đi, Nguyễn Vỹ đã mạnh dạn đứng ra chủ trương Tuần báo Thằng Bờm để đem hùng khí mới thổi vào tâm hồn trẻ…
Thằng Bờm không phải là Tuần báo cách mạng, cái “hùng khí mới” mà Nguyễn Vỹ chủ trương ở đây chính là giúp thanh thiếu niên giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, chống lại sự nô dịch của văn hóa thực dân kiểu mới. Mà đã làm báo vì thế hệ trẻ thì nhất định phải chấp nhận làm gương cho thế hệ trẻ về một lối sống đạm bạc, có tấm lòng nhân đạo cao cả, biết hi sinh bản thân để làm những việc có ích cho đời. Đây là lời tâm sự trong Điếu văn của đại diện Thi Văn Đoàn Thằng Bờm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định khi Nguyễn Vỹ mất:
Bác chịu đạm bạc một mình một thân trong căn gác trọ. Tiền làm báo bác trợ cấp cho những đoàn viên nghèo tiếp tục học hay giúp đỡ những sinh viên có tiền mua sách. Năm 1970, khi bão lụt miền Trung xảy ra, bác đã hô hào cho chúng con xuống đường chia từng toán nhỏ, đi từng khu phố, xin từng lon gạo, từng chiếc áo cũ rồi chính tay bác vác từng bao gạo, từng bao quần áo lặn lội về Trung phân phát tận tay nạn nhân… Chúng con biết bác làm thế để tạo cho chúng con biết thương người đồng loại, biết chuộng công bằng ([18]).
Chính cái Tâm của một nhà báo lớn thể hiện qua những bài viết cũng như hành động của mình, Nguyễn Vỹ được thanh thiếu niên trong Thi Văn Đoàn Thằng Bờm lúc bấy giờ xem như một người cha. Và họ tự hào về người cha ấy, đồng thời nguyện tiếp bước để làm rạng danh con Lạc cháu Hồng:
Chúng con biết nói gì hơn là tấm lòng hoài niệm hướng trao về người cha mến yêu. Chúng con sẽ nhớ những lời bác đã dặn lúc còn sinh tiền, chúng con sẽ tiếp tục đi trên con đường bác đã vạch sẵn cho chúng con, chúng con sẽ làm rạng danh giống dòng Long Nữ Thần Mẫu bất khuất và thiêng liêng ([19]).
Còn đây là câu chuyện của Tạ Bình ở Thi Văn Đoàn Thằng Bờm Quảng Ngãi trong lần gặp gỡ đầu tiên khi Nguyễn Vỹ dẫn đoàn Thi Văn Đoàn Thằng Bờm từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi để cứu trợ bão lụt miền Trung năm 1970:
Bước vào ngõ, tôi thấy một anh thanh niên và một người già nét mặt hiền từ với vầng trán rộng. Đó là Bác Nguyễn Vỹ. Tôi không ngờ con người tôi hằng kính mến và hằng ao ước để gặp mặt, nay ngồi trước mặt tôi. Với giọng nói hiền từ với những lời êm ái bác hỏi chuyện tôi và giới thiệu tôi với mọi người… Sáng hôm sau, phái đoàn Thằng Bờm vào cứu trợ Mộ Đức. Ngồi trên xe bác kể những chuyện vui… ngày xưa… Trưa đến cùng với bác ăn trưa, bữa trưa bằng những cái bánh mì thịt hộp nhưng đậm tình thân mến, đầm ấm.
Khi nghe tin Nguyễn Vỹ mất, Tạ Bình chỉ còn biết thốt lên:
Bác ơi! Miền Trung bị lũ lụt bác có biết không, quê hương bác đó. Chúng con đã đau buồn vì thiên tai mà bây chừ lại đón nhận tin buồn nữa.
Đúng, năm 1971, Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng lại bị lũ lụt. Trong tình cảnh ấy, Tạ Bình than thở:
Chúng con đang chờ đón bác ra Miền Trung để an ủi chúng con, để giúp đỡ cho đồng bào… Chúng con đang chờ đón bác, người cha thân yêu của chúng con… Còn đâu những lần hội ngộ. Còn đâu lời nhắn nhủ của bác… Bác mất đi, chúng con như chim lạc mẹ, bơ vơ giữa trời… Bác đã mất, chúng con mang một cái tang vào lòng… Bác mất đi nhưng hình ảnh và tên tuổi của bác vẫn sống mãi muôn đời, bất diệt trong lòng chúng con, trong lòng nhân thế [20].
Điều gì đã khiến Nguyễn Vỹ khi ra đi để lại muôn vàn tiếc thương cho thế hệ trẻ miền Nam lúc ấy? Tất cả đó đều do từ cái Tâm của nhà báo mà ra.
Nguyễn Vỹ và cái Tài của người làm báo
Phải khẳng định, Nguyễn Vỹ là một người đa tài. Ông làm thơ, viết văn, làm báo và lĩnh vực nào cũng ghi được những dấu ấn đặc biệt. Lê Ta (Thế Lữ) – một trong những người công kích, chê bai dữ dội thơ Nguyễn Vỹ, trên tờ Phong Hóa số 129, ngày 28.12.1934 dù có ý mỉa mai nhưng cũng phải mặc nhiên công nhận:
Ông Nguyễn Vỹ là một nhà học rộng. Bàn về thi ca, ông đã cho ta biết nhiều điều mới lạ ([21]).
Riêng về lĩnh vực báo chí, cái Tài của ông đã được rất nhiều người ghi nhận. Khi Nguyễn Vỹ qua đời, nhiều tờ báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ đưa tin và viết bài về ông. Tuần báo Thằng Bờm do chính ông làm Chủ nhiệm đã có số đặc biệt về Nguyễn Vỹ. Nhà báo Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng gọi ông là “một ngôi sao”, “một nhân tài” “viết gọn, có duyên, dí-dỏm”, “đề cập” đến nhiều vấn đề trong xã hội:

Một nhân tài ra đi! Trời Việt Nam một ngôi sao đã tắt… Gọi anh Vỹ là nhân tài, không có chi là quá đáng… Nguyễn Vỹ là một thi hào khả ái, viết gọn, có duyên, dí-dỏm,… Không có hiện tượng nào trong cái xã-hội này, mà cô Diệu Huyền (Bút danh của Nguyễn Vỹ-MBA) không chế diễu, chế diễu một cách thanh-tao, duyên dáng, khiến người bị ám chỉ cũng phì cười ([22]).
Đó là một nhà báo “đa diện”: Trong làng văn, làng báo, anh là con người đa diện. Anh làm thơ, viết tiểu thuyết, viết khảo luận, dịch sách, bên ngành báo anh vừa điều khiển tờ báo vừa chạy tiền mua giấy, vừa viết bài xã luận, viết bài phiếm luận, viết ký sự viết luôn phóng sự, lắm lúc ngồi viết luôn hóa đơn để thâu tiền quảng cáo ([23]).
Nhà thơ Huyền-Linh-Tử thì thốt lên: Bất hạnh thay! Chuyến xe đò oan nghiệt. Đã cướp đi làng báo một tài danh ([24]).
Đặc biệt là sự “thành công” cả về mặt tinh thần và tổ chức của Bán Nguyệt San Phổ Thông và “sắc thái độc đáo” của Tuần báo Thằng Bờm:
Bán Nguyệt San “Phổ Thông” của Anh là một thành công. “Dân Ta” khi ẩn khi hiện có một sắc thái độc đáo. “Thằng Bờm” của Anh quả thực đã gây được một phong trào trong giới thiếu niên. Ít ai có thể thành công như Anh về tinh thần cũng như về tổ chức ([25]).
Nhiều lần ông được khẳng định là nhà báo lớn, có chân tài thực học, viết nhiều thể loại, chủ trương nhiều tờ báo, “tạo được nhiều mỹ cảm trong nữ giới” với bút danh Cô Diệu Huyền:
Anh Nguyễn Vỹ thuộc về những người viết báo lớn, có chân tài thực học, viết đủ mọi loại. Hiện ngoài tờ nhật báo Dân Ta, Anh còn chủ trương hai tạp chí Phổ Thông, Thằng Bờm. Anh viết thật hăng say, làm việc không mệt mỏi. Dưới bút danh “Diệu Huyền” anh đã tạo được nhiều mỹ cảm trong nữ giới ([26]).
Ông còn được đánh giá là một nhà báo có tâm hồn và nhiệt huyết cùng những hoài bảo lớn lao. Ông ra đi là một cái tang chung “cho làng chữ nghĩa”:
“Cái chết của Anh là cái tang chung cho làng chữ nghĩa và cũng là một thiệt thòi đáng kể cho người Việt có tâm hồn và nhiệt huyết … Anh Nguyễn Vỹ có chân tài thực học, và những hoài bảo lớn lao mà anh chưa thành đạt trong muôn một ([27]).
Là một nhà báo quả cảm, nhiệt tâm và có trách nhiệm với “tiền đồ” và vận mạng Tổ quốc:
Anh Nguyễn – Vỹ mất, đất nước này mất một nhân tài, dân tộc này mất một con người quả cảm, nhiều nhiệt tâm đối với tiền đồ và vận mạng Tổ quốc V.N! ([28]).
Tất nhiên, đó chỉ là sự “quả cảm” chống lại ách đô hộ của ngoại bang, hướng tới “hòa bình, công lý, tự do dân tộc”. “Tiền đồ” mà Nguyễn Vỹ mong muốn là Tổ quốc (Miền Nam Việt Nam) thoát khỏi ách ngoại xâm, “Quốc gia độc lập, thống nhứt Nam Bắc một nhà” trong giới hạn ông chỉ là một người yêu nước và có tinh thần tự tôn dân tộc thuần túy, không phải là một nhà báo cách mạng:
Anh Nguyễn-Vỹ mất, giữa thời kỳ mà tờ nhựt báo “Dân Ta” vừa tròn 105 số. Nhựt báo “Dân Ta” qua 4 tháng tục bản, đã vượt bao nhiêu trở ngại – khốn đốn vì lập trường đấu tranh cho hòa bình, công lý, tự do dân tộc – chủ trương của anh Nguyễn Vỹ là Quốc gia độc lập, thống nhứt Nam Bắc một nhà, chấm dứt chiến tranh tái lập bình thường huynh đệ… Một mình Anh Nguyễn-Vỹ điều khiển những ba cơ quan ngôn luận: Phổ Thông, Thằng Bờm và Dân Ta với số độc giả trong và ngoài nước phải nói là đáng kể. Trước ngày anh Nguyễn-Vỹ tử nạn, anh còn định cho ra 4 phụ trang Dân Ta in Hán tự dành cho độc giả người Huê Kiều và 2 phụ trang in Anh Pháp văn cho sinh viên học sinh phát hành tại quốc ngoại ([29]).
Ta có thể mượn nhận xét sau đây khi so sánh thực tiễn làm báo giữa Tản Đà và Nguyễn Vỹ để kết luận về cái Tài làm báo của Nguyễn Vỹ:
Tản-Đà chỉ làm chủ một tờ báo mà thất bại, còn Nguyễn-Vỹ làm chủ đến ba tờ báo mà thành công: báo của ông ăn khách lắm ([30]). Cái tài ấy còn được nhiều lần nhắc đến trong các vần thơ điếu: NGUYỄN VỸ! tôi tiễn đưa anh/ Lần cuối – lần cuối cùng đưa tiễn một tài danh ([31]) và Thôi hỡi! Xuân về vắng bóng ai/ Công trình dang dở… Khách anh tài ([32]).
Nguyễn Vỹ và cái Tình của người làm báo
Có Tầm, có Tâm, có Tài, nhưng đã là nhà báo, cái Tình lại chính là một phẩm chất quan trọng thuộc về bản chất một con người. Người Việt sống và cư xử với nhau bằng cái tình và trong cuộc đời con người, Tình là cái sẽ tồn tại vĩnh viễn. Chính cũng vì cái Tình mà khi Nguyễn Vỹ đột ngột qua đời, ai cũng tiếc thương. Và ngay từ thời đó ở Sài Gòn, nhiều nhà báo cũng đã đề nghị nên có một con đường mang tên Nguyễn Vỹ:
Nói về tánh tình Nguyễn Vỹ, ai cũng thương cũng tiếc, vì anh rất dễ thương, không làm mất lòng ai, mặc dầu bất mãn với nhân tâm, bất đắc chí với một xã hội nào đó… Tôi tin và mong rằng một con đường nhỏ Đô-Thành sẽ mang tên Nguyễn Vỹ vì đó là một vinh hạnh cho con đường, chớ không phải cho nhà thơ ([33]).
Cả cái thời làm báo nghèo khó trước 1945, chiều 30 Tết năm 1936, vì quá túng tiền sau khi vay mượn nhiều nơi không được, cực chẳng đã, Nguyễn Vỹ phải viết thư xin vay Nhất Linh 5 đồng để tiêu tết. Vậy mà, khi Lưu Trong Lư nài nỉ: Mầy không biết hút thuốc phiện thì mầy giữ tiền trong túi để làm gì chứ? Thương bạn, Nguyễn Vỹ phải chia hai số tiền, nhưng vì không có tiền lẻ, Lưu Trong Lư cầm tiền vào chợ để đổi ra chia. Đợi đã quá giờ hẹn với khách, Nguyễn Vỹ đành bỏ hẳn 5 đồng cho Lư rồi vội đi. Và Tết năm ấy, ông không có tiền để tiếp một nữ thi nhân từ Phủ Lạng Thương đến ([34]). Sau này, là Chủ nhiệm nhiều tờ báo, nhưng lúc nào Nguyễn Vỹ cũng đối xử với cộng tác viên bằng “một tình cảm đậm đà” của tình nghĩa anh em, của một tâm hồn nghệ sĩ và lòng thương người:
Trong cuộc đời làm báo, tôi từng là ký giả công nhơn của nhiều Ông Bà Chủ nhiệm mà đến nay họ vẫn còn chủ trương nhật báo. Trong số các Ông Chủ của tôi, Anh Nguyễn Vỹ đã đối xử với tôi bằng một tình cảm đậm đà, gần gũi chớ không biệt cách. Anh thương mến tôi như em. Và tôi thương Anh ở tâm hồn nghệ sĩ nói chuyện rất có duyên và… có lòng rất thương người ([35]).
Nhà thơ Bàng Bá Lân khi tiếp xúc với Nguyễn Vỹ đã nhận xét trong cái vẻ bề ngoài ít niềm-nở ấy có chứa đựng những tình-cảm khá chân thành ([36]). Đã không ít người tự hào về Nguyễn Vỹ vì ông đã đối xử với họ bằng tất cả sự gắn liền bằng hữu huynh đệ không phân biệt giai cấp!, thân hay sơ:
Anh Nguyễn-Vỹ chết mà vẫn sống với dân tộc, tên tuổi anh bất diệt và anh đã tự hào nằm xuống một cách ngạo nghễ – Để đời đời thiên hạ mãi nhắc nhở, những kẻ thân hay sơ – những người bạn đường hoặc xa lạ… cho dầu, không cùng anh chung giới tuyến, họ vẫn nhớ vẫn thương – bởi vì anh là: tượng trưng cho tất cả sự gắn liền bằng hữu huynh đệ không phân biệt giai cấp! ([37]).
Với cái Tình ấy, Nguyễn Vỹ được thế hệ trẻ miền Nam lúc bấy giờ cảm nhận là “một người hiền lành yêu trẻ”, hết mực thương yêu và lo lắng cho tương lai của thế hệ. Họ ghi nhận cái tình cảm hiếm hoi ấy ở ông qua những trang viết đẫm nước mắt:
Ai có ngờ đâu, một người hiền lành yêu trẻ như Bác, thiết tha với thế hệ đang lên của đất nước ngày đêm Bác lo lắng cho chúng em tạo nên một lớp người mới phải đành đoạn ra đi trong nhiều nước mắt. Trong xã hội ngày nay, những người như Bác thật hiếm… Tự nhiên chúng em thấy bơ vơ lạc lỏng, như con nai ngơ ngác giữa rừng già ([38]).
Đây là câu chuyện của Chủ nhiệm Nguyễn Vỹ ở Trại hè Vũng Tàu Thằng Bờm 1971:
Đêm nay là đêm thứ hai, Bác ra thăm tất cả đoàn viên Thằng Bờm và sinh hoạt chung. Nhưng rủi thay, đang vui thì trời đổ mưa. Ai nấy đều bỏ chạy về lều của mình. Toán Sứa Lửa chúng tôi mời Bác về lều vui chung.
Vui xong, đêm đã khuya, Nguyễn Vỹ quyết định ra ngoài cho trại viên ngủ, mặc cho các em can ngăn. Đến lúc trại viên sực nhớ ra, đi tìm, thì thấy:
Bác nằm co ro trong chiếc tơi trú dưới căn chòi cây lợp lá ở trên, bốn bề trống trơn không có gì che đậy… Những cặp mắt thoáng chợt nhìn nhau, ngây dại, chẳng nói nên lời. Chúng tôi ai cũng muốn thốt lên một tiếng, một tiếng gì nhưng lại thấy nghèn nghẹn ở cổ. Không ai bảo ai, tất cả đều nhìn lên trời cố che giấu những giọt nước mắt hồng đang bắt đầu thành hình trong khóe mắt ([39]).
Riêng đối với thế hệ trẻ đồng hương Quảng Ngãi tại Sài Gòn lúc bấy giờ, Nguyễn Vỹ đã dành cho họ một tình cảm đặc biệt. Đó là sự ân cần, cởi mở, khi tiếp xúc:
Cách đây gần hai tháng chúng con đã đến với Bác, đến nơi căn phòng làm việc nhỏ nhoi, nghèo nàn nhưng ấm cúng và đầy tình thương của Bác tại tòa soạn nhật báo Dân Ta. Bác đã tiếp đãi chúng con với tất cả sự vui vẻ cởi mở, Bác đã hứa hẹn giúp đỡ chúng con nhiều vấn đề, Bác chia tay chúng con với bao nhiêu sự luyến tiếc.
Họ xem cuộc đời và thân phận của ông như là một hiện thân của cuộc đời và số phận họ – những người con Quảng Ngãi ly hương với một lòng nhớ thương đau đáu và luôn hướng về cố hương với tất cả tấm lòng chân thật của mình:
Cuộc đời của Bác đã trôi nổi từ tấm bé, tuy Bác đã xa quê hương Quảng Ngãi mấy chục năm nay để lăn lộn trong công việc phát huy văn hóa xã hội nước nhà. Nhưng không lúc nào Bác không nghĩ đến quê hương yêu dấu, nơi chôn nhau cắt rốn.
Họ đánh giá cao công trạng hoạt động báo chí của Nguyễn Vỹ, Đặc biệt là tờ tuần san thiếu nhi Thằng Bờm. Điều đó chứng tỏ Bác luôn nghĩ đến đàn con cháu hậu thế của mình: muốn xây dựng cho chúng một tâm hồn yêu quê hương nồng nàn, mộc mạc, trong cái xã hội tan tác vì chiến tranh nầy ([40]).
*    *    *
Tóm lại, Nguyễn Vỹ là một nhà báo có Tầm, có Tâm, có Tài và có Tình. Xưa nay, do sau những đóng góp về văn chương và báo chí giai đoạn trước 1945, Nguyễn Vỹ không trở thành nhà báo, nhà văn cách mạng như những người cùng thời mà chủ yếu là hoạt động báo chí và sáng tác văn học ở miền Nam cho đến lúc bị tai nạn qua đời (1971). Vì vậy, sự nghiệp báo chí và văn chương của Nguyễn Vỹ chưa được đánh giá một cách công bằng và đúng mức. Với tư cách là thế hệ hậu sinh trên quê hương Quảng Ngãi, chúng tôi hi vọng các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá một cách khách quan khoa học và đúng đắn, đặc biệt là khẳng định được vị trí vai trò của ông trong sự nghiệp báo chí và văn học nước nhà để chúng tôi, những người con Quảng Ngãi có quyền được tự hào về một nhân tài trên quê hương núi Ấn sông Trà.
MAI BÁ ẤN
_________________________
([1]) Tư liệu trên được tóm tắt từ Wikipedia.
([2]) Tao đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, Sa Giang – Trần Tuấn Kiệt, Website Một Thời Sài Gòn, ngày 07.05.2010.
([3]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.394.
([4]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.325.
([5]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.203.
([6]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.193.
([7]) Chuyến xe định mệnh, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.27.
([8]) Khóc văn thi sĩ Nguyễn Vỹ, Mạch-Quê-Hương, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.31.
([9]) Một vì sao rụng,  Huyền-Linh-Tử, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.22 (Những chữ in hoa là tên một số tờ báo do Nguyễn Vỹ sáng lập và tên tác phẩm của ông).
([10]) Nguyễn Vỹ, Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.2.
([11]) Vài kỷ-niệm về mấy văn, thi-sĩ hiện đại, Bàng Bá Lân, Nxb Xây Dựng, Sài Gòn, In lần thứ nhất ngày 1.11.62, tr.147.
([12]) “Khóc thương một bạn đàn anh: Thân thế và gia cảnh của nhà văn Nguyễn Vỹ”, Việt Nhân, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.4.
([13] )Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.227.
([14]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.393.
([15]) Khóc thương một bạn đàn anh: Thân thế và gia cảnh của nhà văn Nguyễn Vỹ, Việt Nhân, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.5.
([16]) Nhà văn An-Nam khổ như chó!, TIẾNG-VANG, số 2397, 19-12-71. In lại ở Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.13.
([17]) Vài kỷ-niệm về mấy văn, thi-sĩ hiện đại, Bàng Bá Lân, Nxb Xây Dựng, Sài Gòn, In lần thứ nhất ngày 1.11.62, tr.147.
([18]) Điếu văn của Thi Văn Đoàn Thằng Bờm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, Võ Thanh Sơn, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.21-22.
([19]) Khóc cha, Thi Văn Đoàn Thằng Bờm Long An, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.31).
([20]) Viết từ Miền Trung, Tạ Bình, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.28-29.
([21]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.199.
([22]) Nguyễn Vỹ, Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.2.
([23]) Nhà văn An-Nam khổ như chó!, TIẾNG-VANG, số 2397, 19-12-71. In lại ở Thằng Bờm, số 86, tr.13.
([24])  Một vì sao rụng, Huyền-Linh-Tử, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.22.
([25]) Anh Nguyễn Vỹ, Hoàng Cơ Bình, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.8.
([26])  Nguyễn Vỹ, Diệu Huyền ơi, thôi vĩnh biệt!, Nhu Thắng Cang, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.8-9.
([27])  Khóc Nguyễn Vỹ, An Khê, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.9.
([28]) Anh Nguyễn-Vỹ đã mất!, Nhựt báo DÂN TA số 106, ngày 16-12-71. In lại trên Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.10-11.
([29]) Anh Nguyễn-Vỹ đã mất!, Nhựt báo DÂN TA, số 106, ngày 16-12-71. In lại trên Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.10.
([30]) “Mỗi tuần một nhà văn hóa: Nguyễn Vỹ”, Hà-Bình chúa-nhựt. In lại ở Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.12.
([31])  Đưa tiễn một tài danh, Tống Anh Nghị, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.30.
([32]) Khóc văn thi sĩ Nguyễn Vỹ, Mạch-Quê-Hương, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.31.
([33])  Nguyễn Vỹ, Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.2.
([34]) Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến (1970), Nxb Văn học tái bản, 2007, tr.172-174.
([35]) Nguyễn Vỹ, Diệu Huyền ơi, thôi vĩnh biệt!, Nhu Thắng Cang, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.8.
([36]) Vài kỷ-niệm về mấy văn, thi-sĩ hiện đại, Bàng Bá Lân, Nxb Xây Dựng, Sài Gòn, In lần thứ nhất ngày 1.11.62, tr.148.
([37])  Anh Nguyễn-Vỹ đã mất!, Nhựt báo DÂN TA, số 106, ngày 16-12-71. In lại trên Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.11.
([38])  Thi Văn Đoàn Thằng Bờm Quy Nhơn – Nguyễn Nhi Thơ, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr.23.
([39])  Buồn giăng kỷ niệm, Sứa Lửa, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr. 25-27.
([40])  Điếu văn của anh em S.V.H.S Quảng Ngãi tại Sài Gòn, Tuần báo Thằng Bờm, số 86, tr. 24.
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lò Cao Nhum - Sàn trăng Thú vị nhất, hứng thú nhất là cụm bài: Sàn trăng, Bắt vợ, Mưa nắng nhà mình, Theo lời hát về nguồn... Ở phần này...