Những cái "tôi" và
tiếng lòng của Trần Bảo Định
Trong tác phẩm “Les pensées”, Blaise Pascal (1623-1662) viết
“Cái Tôi thật đáng ghét” (Le moi est haissable): Nhiều người ích kỷ thích xem
mình là “cái rốn của vũ trụ” và chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Thế
nhưng cái tôi của Trần Bảo Định thì không phải vậy! Anh viết về cái “Tôi” nhưng
không là cái “Tôi Trần Bảo Định” mà là cái “Tôi của chúng ta”: Làng tôi, Thầy
tôi, Vợ tôi, Mẹ tôi, đều là tiếng lòng mà qua đó anh muốn gửi chút tâm tình để
ghi nhớ tình yêu quê hương, tình nghĩa thầy trò, tình yêu mẹ và lòng yêu dành
cho người mình yêu thương và yêu thương mình.
Từ vài năm nay, giới viết văn ở TP.HCM hay gọi Trần Bảo Định
(TBĐ) là người kể chuyện Nam Bộ, vì anh viết nhiều và hình như tác phẩm nào
cũng đều đậm đà tình đất, tình người phương Nam.
Chỉ đâu chừng mười năm cầm bút, tính đến tháng 10-2018, nhà
văn Trần Bảo Định đã cho ra đời hơn 10 quyển sách ở thể loại truyện và ký, chưa
kể sáu tập thơ. Thật là một sức viết phi thường, như một cuộc chạy đua với thời
gian.Nhà văn Trần Bảo ĐịnhTôi không quen thân với TBĐ, dù trước đây có vài lần gặp anh
qua trang web Hương Xưa hay Xứ Nẫu. Có một lần anh kể là từng khuyên các em mua
nhà ở gần chợ để mỗi ngày đều thấy cuộc mưu sinh vất vả mà thương lấy con người.
Tôi quý anh từ ngày đó.
Là người quảng giao, bạn bè anh đủ mọi tầng lớp, quan chức,
trí thức từ già đến trẻ. Một tâm hồn trẻ trung, hồn hậu, phóng khoáng có phảng
phất nét hào hùng và tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng can thiệp để giúp đỡ bạn
bè, cả những người không quen để bênh vực lẽ phải. Bởi thế tôi không lạ khi thấy
có nhiều người đến hỏi ý kiến hay nhờ anh dàn xếp những tranh chấp mặc dù anh
đã về hưu và không còn giữ chức vụ gì chính thức.
Anh vui vẻ, tự tin, thân thiện, yêu quý và ủng hộ những người
cầm bút có trải nghiệm sâu sắc, yêu văn chương hay có những trang viết xúc động
trước vẻ đẹp của tâm hồn, và về lòng nhân ái.
Nhìn vóc dáng khỏe mạnh cùng giọng nói rổn rảng của TBĐ,
không ai nghĩ là anh mang trọng bệnh.
Có lần bạn văn Nguyễn Ngọc Thơ kể, là khi phát hiện bệnh (vào
năm 2009), anh vẫn bình tĩnh, vẫn sống vui vẻ, lạc quan và anh chọn cách viết
văn, dùng con chữ trong sáng tác như phương thuốc hiệu nghiệm để quên những cơn
đau: “Mỗi lần tập trung viết, tôi cảm thấy không còn đau nữa. Chỉ nghĩ đến viết
ra thật nhanh những câu chuyện đang chất chứa trong đầu mình”.
Nhiều người cho là anh mới cầm bút, còn tôi thì nghĩ là anh mới thực
sự viết và in sách, nhưng từ lâu, lâu lắm, anh đã từng suy nghĩ, chiêm
nghiệm và “viết trong đầu” mình. Chỉ có thế mới giải thích về những trang viết
đa dạng của anh đã và đang ào ạt xuất bản.
TBĐ viết tự nhiên, cứ nhẩn nha kể những câu chuyện đời thường.
Những câu chuyện anh viết khá sinh động, có khi anh viết về thú vật nhưng luôn
luôn “hiện bóng con người” và ẩn chứa nhiều nỗi niềm của tác giả.
Ít khi thuyết giảng nhưng cái tính triết lý nhẹ nhàng
ẩn đằng sau con chữ chín muồi của người có nhiều trải nghiệm, khi anh nói về cái giá trị chân thực của tự nhiên và con người.
“Người say quyền lực. Ta say sách
Người khát tiền. Ta khát kiến văn”
Như đã nói, TBĐ viết và in nhiều và tôi tin là người có sức đọc
phong phú đến đâu cũng không thể nào đọc hết những trang viết đa dạng của anh.
Vì thế bài viết này tôi chỉ muốn giới hạn về 4 tập thơ: Thầy
tôi. Làng tôi. Vợ tôi. Mẹ, tiếng lòng để chia sẻ một chút tâm tình cùng anh.
Trước hết, theo tôi, thơ là một dòng suối mà ngôn ngữ là con
thuyền chuyên chở cảm xúc, nhờ ngôn ngữ cô đọng nên “cái bên trong” của nhà
thơ… lan ra bên ngoài… tưới mát tâm hồn và chạm đến trái tim người đọc.
Cảm xúc đầu tiên khi tôi đọc thơ TBĐ là ý tưởng giản dị,
nhưng viết ra thành những câu thơ thì thật thân thương, và phải là một người nhạy
cảm và nặng tình mới đủ kiên nhẫn để trải lòng, nói lên những tình cảm dành cho
lòng thương (mẹ, vợ, thầy, quê) như anh. Ngôn ngữ thơ của anh là những từ của
quê hương Nam bộ, được xếp đặt một cách tự nhiên để chuyển đến người đọc tình cảm
chân thành. Tình tự mà không thực, quá chú tâm đến kỹ thuật lời thơ dễ biến
thành gượng ép.
Từng là người vào sinh ra tử nhưng tôi có cảm giác là TBĐ đã
treo trái tim mình lên đầu súng, vì nhịp đập của nó là những cảm xúc nhẹ nhàng,
sâu lắng để nói về những người mình thương yêu và quý trọng.
Mẹ, tiếng lòng và Vợ tôi.
Khi đọc mấy câu lục bát trong “Mẹ - tiếng lòng”, nhạc điệu
đơn giản mà âm thanh như tiếng nấc làm lòng tôi se thắt:
Lòng ơi!
se sắt tâm hương,
Giỗ đầu, lạy mẹ
nhớ thương vô cùng.
Người con nào mất mẹ, dù đã bao lâu hay ở vào tuổi nào, khi
nhớ về mẹ đều cảm thấy mình nhỏ bé và tôi rất xúc động khi thấy anh và
Nguyễn Ngọc Thơ đến chia sẻ nỗi đau của tôi trong ngày tôi mất mẹ. Mấy hôm sau
anh còn tặng tôi bài thơ “nhớ mẹ” [1] khi thấy hình tôi ngồi
bên mẹ mà các em tôi đưa lên FB.
Hai câu thơ khác của anh đã làm mắt tôi cay, nỗi ân hận dâng
lê ngày không còn mẹ:
“… biển trời ơn Mẹ làm sao trả
con khóc đêm nay trước mộ phần…”
Bài viết này không phải là nhận định hay phê bình mà chỉ là một
sự trải lòng của người đọc và cảm thơ theo góc riêng của mình qua tiếng lòng của
TBĐ và cũng để đáp lại ân tình mà anh đã dành cho tôi và gia đình.
Những câu thơ, trích đoạn là theo cảm nhận riêng và chưa hẳn
là những câu hay nhất.Vợ chồng nhà văn Trần Bảo ĐịnhCảm xúc trong “Mẹ, tiếng lòng” của TBĐ là nhớ mẹ, là
lòng yêu thương vô hạn. Trong tập thơ có rất nhiều hồi tưởng về những tháng
ngày gian nan và mẹ anh đã hy sinh chẳng quản gì mưa nắng. Là
phụ nữ mà “Mẹ lam lũ sống, quên nhan sắc, Cơ cực vì con, khó bởi chồng”.
Ký ức về Mẹ của TBĐ là “Cơm chan máu lệ” và anh vẽ lên
những hình ảnh xót thương rất ngọt ngào:
Mẹ ngồi đếm khổ, đong cay nghiệt,
Nuôi dưỡng tình quê trong khó khăn.
Tuổi thơ là những tháng ngày khó nhọc nhưng mẹ anh nhân hậu
và chính trực, yếu thế mà dám bảo vệ lẽ phải. Hồi ức ấy thường làm anh tự hào
khi thấy mẹ nhường cơm xẻ áo giúp đỡ những bạn nghèo. Anh hiểu đó là tấm gương
dạy con về lòng nhân ái:
Mẹ làm thuê mướn khắp trong làng
Bênh vực người ngay trước kẻ gian.
Giúp đỡ bạn nghèo khi túng quẫn,
Nhường cơm, xẻ áo lúc nguy nan.
Và bài học ấy chắc chắn đã hằn sâu vào tâm khảm người con!
Tôi không thể nào quên những ngày Nguyễn Ngọc Thơ bị bệnh. Tuy không giàu có
nhưng bằng cách “phát hành” sách, gây quỹ và kêu gọi bạn bè đóng góp để giúp trả
viện phí và cả tang lễ cho “người em nhỏ”. Sau khi Thơ mất anh còn giúp trả tiền
học phí cho con Thơ để việc học không gián đoạn.
Với tôi, Thơ không chỉ là một bạn văn. Em còn là đồng hương
và là bạn thân của các em tôi, đã từng “ăn dầm nằm dề” trong gia đình, tình như
ruột thịt.
Với lòng yêu kính mẹ TBĐ viết tâm sự mình, mà giống như những
lời khuyên nhủ cho con cái hay cho những ai còn mẹ:
Trọn đạo yêu thương tình mẫu tử
Thì ta mới xứng được làm người.
Ai cũng có hai người đàn bà quan trọng nhất đời mình, là Mẹ
và Vợ.
Hoàn cảnh đất nước đã buộc TBĐ phải sống xa gia đình nhưng
không vì thế mà lòng anh nguôi nỗi nhớ về một bếp lửa trong mái ấm gia đình. Nỗi
nhớ ấy được anh nhắc đến những niềm vui và nỗi buồn với nhiều e ấp, bồi hồi của
thuở ban đầu.
Và có lẽ, nghĩ, nhớ và viết về người cùng chia sẻ ngọt
bùi với mình trong suốt cuộc đời thì TBĐ là một trong những người hiếm
hoi. Anh nhắc lại những cung bậc tình cảm của đạo nghĩa vợ chồng, của tình yêu
và lòng bao dung, vượt lên những gập ghềnh để giữ mái nhà bền vững, gia đình ấm
áp.
Thơ TBĐ không da diết như thương vợ của Tú Xương: “Quanh nằm
buôn bán ở mom sông” hay “Nhất vợ nhì trời” của Nguyễn Khuyến… mà là sự cảm thông,
trải lòng với những tháng năm neo đơn, xa chồng, cuộc đời vất vả của người thiếu
phụ trong thời chinh chiến.
Với chân tình,Trần Bảo Định kể lại cái thuở ban đầu lưu
luyến:
”Ngập ngừng anh ngỏ ý thương,
Rụt rè, em rút tay buông, thẹn thùng
Kể từ hôm ấy nhớ nhung..”
Sau đó là quyết định chọn người bạn đồng hành suốt đời với
mình, nhưng hoàn cảnh chiến tranh và bom đạn, anh luôn thấp thỏm vì cuộc sống rập
tình với bao bất trắc, ai biết ngày mai sẽ ra sao?:
Chiến tranh vui ít, lo nhiều
Biết còn sống sót để chiều chuộng nhau?
Lo thì lo vậy nhưng chẳng lẽ không đến với nhau như lời thể
nguyện yêu thương:
Thôi thì năm miếng trầu cau
Một chai rượu lễ có nhau trọn đời
(“Em nhận lời cầu hôn”)
Hạnh phúc chưa được bao lâu thì đã phải chia xa. Trong “Bữa
cơm chiều” anh cảm nhận được nỗi buồn trong lòng người vợ trẻ:
Bàn tay đan kín vấn vương,
Mùi chồng còn phảng phất hương nồng nàn.
Bóng chiều đông cứng thời gian,
Mong manh mạng sống như làn khói sương.
Anh thấu hiểu được sự lạnh lẽo rợn người khi phòng không chiếc
bóng:
Đông tàn xuân vẫn là đông,
Cửa cài then đóng phòng không đợi chờ.
Những lúc ở xa, anh đau xót khi con sắp chào đời mà mình
không về được:
”Trời mù chưa kịp bình minh,
Tôi còn quanh quẩn bờ kinh, vạt rừng
Bấm tay, đếm đốt áng chừng
Bây giờ có lẽ vợ mừng sinh con”
(Vợ sinh con đầu lòng)
Có lẽ trong lúc vợ vượt cạn một mình, thấy mình có lỗi, Trần Bảo Định đã cảm kích và biết ơn người vợ giàu đức tính hy sinh và chịu đựng.
Nên “Chiều qua sông nhớ vợ” được anh viết bằng nỗi nhớ nhung và lòng thương cảm.
Nỗi buồn mênh mang, trôi theo con nước:
Chiều qua sông nhớ vợ nhà,
Tiếng ai khoan nhặt như là vợ tôi.
Giọng hò theo nước về xuôi,
Mái chèo thúc bách trong tôi nỗi buồn.
Bài thơ nào của anh cũng dung dị, nhưng có lẽ hình ảnh mộc mạc
từ mấy câu thơ đơn giản trong “Hôm về thăm vợ”, khi đọc lên, tôi như thấy như một
khúc phim quay chậm và hình ảnh tuyệt đẹp:
Chồng về, chạy đón vấp chưn,
Mình đau té ngã mắt rưng rưng mừng…
Giúp nhau, em bảo rằng thôi
Tháo giày, thay áo nghĩ ngơi đi mình!
Nỗi vui mừng hấp tấp của người vợ gặp chồng sau tháng ngày chờ
đợi đã làm tôi không cầm được nước mắt; Và nước mắt còn tiếp tục chảy dài khi đọc những câu thơ trong lời ”Dặn vợ” nếu một mai anh vĩnh biệt
trần gian:
”Đừng báo tin buồn, đừng tiếc thương,
Ngủ yên, mình ngủ giấc vô thường.
Chiều trăng tiễn biệt anh về đất
Một cõi nhân gian thế đã xong!”
Đó là nỗi buồn của thời khói lửa!
Đọc tập thơ ”Vợ tôi”, người đọc dễ nhận ra TBĐ là một người
chồng thủy chung và rất thương vợ. Mấy ai dành cả một tập thơ để nhắc về
kỷ niệm và viết lên cảm xúc của mình? Quen và cưới nhau vội vã, trong chiến
tranh “vui ít lo nhiều” thì anh vẫn là người hạnh phúc vì được trời ban
cho một người vợ hết mực yêu thương mình!
“Thương chồng, em giấu nỗi đau.
Không than, không trách, không chao đảo lòng”
Thế hệ của TBĐ ít ai quan tâm đến ngày sinh nên hình
như anh không có bài thơ viết cảm ơn ngày vợ đã sinh ra vì mình. Trong ý nghĩ ấy
tôi chợt nhớ mấy câu trong bài thơ mừng sinh nhật vợ của Nguyên Cẩn
nói lên tấm lòng của những người yêu thương vợ:
“… Tặng em này một đóa hoa,
Từ tâm vô lượng bước qua vô thường.
Sánh vai đến cuối con đường,
Trăm năm mưa nắng một phương đi về”
Thầy tôi
Có thể nói là TBĐ đã dành một tình cảm thương kính rất đặc
biệt cho thầy Nguyễn Khắc Dương, nguyên Trưởng ban Triết, Khoa trưởng Văn khoa
Viện Đại học Đà Lạt.
Đặc biệt vì qua những câu thơ anh viết, tôi cảm giác là tấm
lòng anh dành cho thầy vượt lên trên cái chữ Nghĩa thông thường mà người đời
thường dùng để nói về thầy. Nó vượt hơn thế, như thể người thầy này với
anh còn là bạn, là cha. Chữ nghĩa nói về thầy được anh chắc lọc
từ trái tim. Còn cái tình mà anh để lại sẽ là một tấm gương sáng cho thế hệ học
trò hôm nay.
Cái ranh giới Thầy - Trò thông thường như không còn khi hai
người đã từng chia sẻ tâm hồn và thấu hiểu tình cảm dành cho nhau. Đọc thơ anh
tôi chợt liên tưởng đến tình cảm với thầy Huỳnh Kim Bửu mà tôi đã viết trong
“Thầy giáo bạn văn” [2], nhưng sự thân thiết của anh với thầy Dương còn sâu sắc
hơn nhiều:
“Có hôm con ngủ lại,
Thầy trò đắp chung chăn”
Xa thầy con thèm khóc
Đời lạc chốn phong trần” (”Ký ức”)
Chỉ mấy câu để anh nói về thầy, một trí thức có đời sống
thanh bạch:
”Gia tài Nguyễn Khắc Dương
Một chiếc radio thường
Một bàn đánh máy chữ
Một tấm lòng yêu thương” (Cầu nguyện hòa bình).
Thầy sống như thể mọi thứ đều là tạm bợ, và khi cần thì sẵn
sàng dời đi nơi khác, chỉ cần gom theo ”Sách vở, quần áo cũ” là xong.
Trong tập thơ anh nhắc nhiều về những kỷ niệm ở Đà Lạt, viết
về thầy mà cũng là kể chuyện về thời sinh viên khốn khó của mình, cả một chặng
đường buồn vui, chiến tranh, chia cắt, ước mơ và tan vỡ.
Cuộc sống đạm bạc nhưng thầy luôn giúp đỡ nhưng sinh viên
nghèo, có hoàn cảnh khó khăn:
“Những chàng sinh viên bụi
Vừa học, vừa kiếm ăn…
Bám thầy những khi đói
Tâm sự lúc vui buồn...
Tình người không giới hạn
Gánh khổ, chia sớt nhau”
“Những chàng sinh viên bụi…
Đời nghèo sống lầm lủi…
Thầy - quán trọ tình thương”
(”Tâm tình”)
Vật chất đối với thầy chỉ là phù du hư ảo và trong “Hiến
dâng” thầy nguyện “”Dâng hiến cho tình yêu xót thương, Phúc âm hòa quyện với
quê hương, Kinh khuya cầu nguyện cho nhân loại...”
Và người học trò TBĐ đã hiểu và đồng cảm:
Sẽ có ngày xa thế giới này,
Đoạn đường kết thúc cõi trần ai.
Bạc tiền, danh vọng phù hư trả,
Nhà cửa, ruộng vườn như khói mây.
(“Một đoạn đường”)
Thật xúc động khi anh viết cảnh chia tay thầy, đến cảnh thầy
đi hỏi và cưới vợ cho trò, lặn lội vào thăm tận bưng biền, tặng lọ dầu: “Ngậm
ngùi tiễn trò đi, Mắt buồn lệ ứa mi, Thầy dúi ổ bánh mì” người đọc như thấy
được cả sự bịn rịn và sẻ chia.
Nhưng tình nghĩa thầy trò không chỉ vậy, vì thầy còn thay mặt
gia đình để “Nhận con dâu” “Giữa đạn bom, Mỹ Tho khói lửa” hiểm
nguy:
‘Thầy đi hỏi vợ cho trò,
Bên sông súng nổ, gọi đò chẳng sang.
Đêm về ngủ tạm Trung An,
Sương đồng bằng rớt, trăng bàng bạc rơi”
(Ngày cưới).
Tình sâu nghĩa đậm nên sau ngày hòa bình, trò về tìm lại Thầy
ở khắp nẻo đường nhưng “Mưa chiều, lệ ướt chiến bào, Con về không kịp, làm
sao bây giờ…”:
“Ngậm ngùi giọt đắng, giọt rơi…
Giọt kêu thảng thốt thầy ơi, hởi thầy!”
(Đêm Đà Lạt khóc).
Hai câu thơ buông ra như tiếng khóc và làm người đọc xúc động,
cảm thương.
Khi biết thầy học tập ở Sông Mao, trò vội vã tìm thăm.
“Ta về phố rợp trời sao,
Say men chiến thắng chợt đau nhớ Thầy”
(”Nhớ thầy”).
Nhưng lúc này trò là “người chiến thắng”, thầy thuộc phe chiến
bại nên “Sông Mao chiều cô quạnh, Đón người tù Khắc Dương”. Mọi việc như
Chúa đã an bài. Thời đó gặp mặt không dám nhìn, sợ có tội. Nhưng, người học trò
đã dũng cảm vượt lên mọi toan tính thiệt hơn, can đảm bước qua nỗi sợ, coi thường
quyền lợi cá nhân để giữ tròn đạo nghĩa.
Trong bối cảnh mà tình thương yêu giữa người và người ngày
càng cách xa, những trang thơ về “Thầy Tôi” của TBĐ lóe lên như một đóm lửa
ấm giữa mùa đông lạnh lẽo của tình người, hâm nóng tâm hồn nhân hậu. Và
vì thế tôi rất đồng cảm và và thích hai câu thơ của anh để nói lên tính cách cuả
mình:
Mình từ nguyên bản sinh ra,
Đến khi chết, chẳng thể là bản sao.
Làng tôi
TBĐ viết về làng, nhưng khi đọc thơ anh tôi ít quan tâm
đến các địa danh, các tiếp giáp địa lý “rạch Bà Tàu, cầu Bà Lý, ao Cây Bần hay
Vĩnh Bình, Hòa Ngãi… mà chỉ thấy cái làng của anh trong tâm tưởng. Vì làng của
anh không chỉ là một vùng quê bé nhỏ, mà là cái hồn của nó.
Trong cái làng của TBĐ tôi chỉ thấy những “tiếng trống đình
làng”, “khói đốt đồng”, “ngôi trường”, “những cánh cổng”, là “những cánh
cò chiều”, “bóng chiều”, “đêm chia tay bạn”, “má ngồi kể chuyện”… nói
chung là sinh hoạt và sự sống của bất kỳ một làng nào trên đất nước, nên nếu
nói theo cách khác, thì làng đó chính là quê hương. Là tổ quốc.
Thế cho nên khi đọc “Trời xanh mây trắng lang thang,
Tôi ngồi tôi nhớ thương làng quê tôi” tôi chỉ nắm bắt được cái nỗi lòng của
người con xa xứ. Vì làng đó có thể ở Long An, Cần Thơ, Biên Hòa hay Bình
Định, Thái Nguyên… Mây trôi trên nền trời xanh, hay “côn trùng rỉ rả cô thôn,
nhạc đồng quê trổi khúc buồn…” ở đâu thì cũng na ná như nhau, chỉ có hồn lữ
khách xa quê thì rung mãi theo từng nỗi nhớ.
Bởi thế khi đọc làng tôi của TBĐ, tôi không khỏi không nhớ đến
hai câu thơ của thi sĩ Yến Lan đã ăn sâu trong lòng và tôi thường ngâm
nga trong những ngày xa xứ:
… Chiều nay mở cửa ra trông,
Thấy làng đâu? – chỉ thấy lòng mà thôi…
(Nhớ Làng )
“Làng tôi” là những câu chuyện kể về những kỷ niệm
mà tác giả đã từng trải qua, những vui, buồn có thể rất đời thường mà có
lẽ chỉ những ai từng xa quê mới cảm được nỗi niềm. Tuy xa nhưng làng vẫn bám
vào ta như hơi thở. Và, tiếng lòng của câu thơ mới bật ra thành những giải bày
tâm sự.
Hoài niệm của TBĐ thường hướng về một thời đã xa, những tháng
năm còn yên ả, thanh bình, lúc tiếng súng chưa đì đùng để anh phải rời bỏ quê.
Nỗi nhớ ấy có thể bắt đầu từ những cánh diều tuổi nhỏ:
Thả dây diều lướt gió tung,
Thả tà áo rớt tuyệt cùng em yêu.
đến những rung động về cô gái nghèo bán hoa xuân gặp tình cờ
trong phiên chợ Tết:
Người vui áo lụa quần là,
Em ngồi bó gối áo bà ba đen...
Chợ hoa Tết ế lạ lùng,
Em về cố xứ quảy cùng cực theo.
Hay lòng háo hức khi gánh hát bội về. Niềm vui hiếm hoi, bất
ngờ, như một sự kiện của làng, tim rộn rã dù bị khiển trách hay hối thúc:
Trống đình làng thúc bách tôi,
băng đồng lội ruộng về coi hát chầu.
cằn nhằn em bước theo sau,
lầm bầm em hỏi sao lâu tới đình? (Trống đình)
Đến tuổi mộng mơ, bắt đầu nhìn các cô gái ấy hay quan sát những
bàn tay chai sạm của cô thôn nữ cùng tiếng hát đêm trăng:
Bàn tay chai sạm cam lòng,
Em hò cố níu ngược dòng thời gian.
Hay ánh mắt cay nồng vì khói khi “nàng” cùng mẹ đốt đồng chuẩn
bị cho mùa gieo hạt:
Chiều treo sợi khói ngọn cây,
mẹ và em đốt đồng cay mắt cùng.
hoàng hôn trời tối đã hung,
lửa theo gió chạy cháy hừng hực lên…
Rồi bị ánh mắt cay ám ảnh, chàng trai ấy mang theo vào giấc
ngủ, ngỡ như nghe được hơi thở của người con gái:
… Mùi rơm rạ thở hơi quen,
nửa đêm thức giấc ngỡ em bên mình.
Để rồi giật mình, từ giấc mơ ngọt ngào đến hiện thực khốc liệt,
sầu đau của chiến tranh, kẻ còn người mất:
Ánh trăng soi bóng tụi mình,
bóng em đè bóng lên hình bóng tôi.
nụ hôn vừa chạm làn môi,
thì làng quê đã bom rơi, đạn cày.
tôi đi xa xứ bao ngày,
còn nghe văng vẳng bên tai trống đình.
ngày về, tôi khóc một mình,
bóng tôi đè bóng lên hình mộ em! (Trống đình làng)
Hình ảnh chiếc bóng được vẽ nên bằng những câu thơ, mới vừa
lãng mạn ngọt ngào bỗng chốc biến thành nỗi đau thê thiết!
Chiến tranh! Cơn lốc bạo tàn của nó mang đến những cuộc tiễn
đưa giữa bạn bè và người yêu và mang lại chờ đợi trong vô vọng như trong
“Đêm chia tay bạn cùng làng”:
Bốn thằng uống hết một can rượu buồn.
mặt nhìn mặt rõ cùng hơn,
để quên thù hận và hờn oán nhau.
nỗi đau ngày một ngấm sâu,
quê hương tôi khóc dưới bầu trời xanh!
Thù hận phải quên thôi! Bởi khi “Người chiến binh trở về”
thì:
Còn bao nhiêu bạn bè anh,
Vẫn nằm rải rác rừng xanh chưa về .
Dù thích hay không thích uống cũng không thể không tìm đến
men cay để xóa nỗi buồn, dìm nỗi đau vào chén rượu :
Ta say, chiều sụt sùi mưa,
Chiều say, ta khóc khi vừa chạm môi.
Mà đời thì chỉ thế thôi,
Có chi vĩnh cửu em đòi ngừng say? (Chiều say)
Nhưng nỗi đau đâu có tan trong rượu, tỉnh rượu càng buồn hơn
với bao câu hỏi không có câu trả lời:
Nhiều đêm uống rượu anh không ngủ,
Tự hỏi vì sao bắn giết nhau.
Khiến người đọc bùi ngùi.
Và sẽ nghẹn ngào hơn lúc nhớ và đến “Thăm em”, thì hỡi ôi:
“… tôi về gõ cửa nhà em…
… khách ơi, cô đã lên chùa nhiều năm!”
Dứt binh đao, niềm vui còn hòa lẫn nỗi buồn, vì tuy xã hội có
phát triển nhưng:
… Văn minh hiện đại bao nhiêu,
lòng người cũng giảm bấy nhiêu thật thà.
Con người thay đổi, làng xưa làm sao không thay đổi?
Biết làm gì nếu không chấp nhận vô thường??
Phần cuối:
Khi đọc các tập thơ Mẹ, tiếng lòng, Vợ tôi, Thầy tôi,
Làng tôi tôi nghĩ là khi viết Trần Bảo Định không chú ý đến việc… “làm
thơ” mà chỉ dùng thơ như một phương tiện để chuyển tải những cảm nhận về
Hiếu, Tình, Nghĩa và Quê Hương đất nước. Trong tất cả các tập anh đều nhắc lại
những kỷ niệm mà anh đã trải qua để khắc ghi những cảm xúc của đời mình. Có lẽ
vì thế nên anh viết tự nhiên, không dụng công trau chuốt; ngôn ngữ chân
tình, đề tài không cao xa, gần gũi với đời sống thường ngày nên dễ thấm vào
lòng người đọc. Tất cả những hoài niệm mà anh nhắc tới đều có mặt trong dòng sống
của gia đình, trường học, quê nghèo, chiến tranh ly tán nhưng tràn đầy mơ ước.
Có thể nói TBĐ là nhà thơ còn kiên lòng giữ những giá trị cổ xưa, với một tâm
thức nặng nghĩa, nặng tình.
Nhìn chung, thơ TBĐ dễ đọc, dễ nhớ. Và tôi rất tâm đắc với nhận
định của nhà thơ người Anh W.H. Auden: “Thơ là những gì có thể nhớ sau khi đọc!”.
Thơ TBĐ có cấu trúc đơn giản nhưng có sự chuyển hóa từ tình cảm
sang ngôn ngữ, có sự hài hòa giữa cảm xúc, lời và nhạc điệu, vì thế nó có thể
xem như một chén rượu ngon làm cho ai cảm được sẽ thú vị khi thấy lòng mình như
cộng hưởng với tấm lòng tác giả. Đọc những tâm tình đó tôi thường liên tưởng đến
hình ảnh một người xa xứ, luôn mang theo trong chiếc ví những bức hình của người
thân, và mỗi bài thơ như một lần lấy ra, nhìn ngắm, nên cuối cùng các đường viền
đều bị nhàu nát hay ẩm ướt vì nước mắt của nhớ thương. Cảm xúc được anh viết
lên từ tấm lòng, nói lên những giá trị cốt lõi về tình vợ chồng, tình thầy trò,
tình quê hương… nên giá trị của nó đi theo con người suốt cuộc nhân sinh.
Nói cách khác, đó là “tiếng lòng” thứ văn nghệ dễ đi vào trái
tim người đọc, không xu thời hay tụng ca, biểu diễn trong chốc lát để rồi bị
chôn lấp bởi bụi thời gian.
Tuy cuộc sống hôm nay vùn vụt trôi, những giá trị tình cảm ít
nhiều đều bị thác lũ kinh tế bào mòn.. chúng ta chỉ còn lại một di sản quý báu
là tình tự con người… Thơ anh là tiếng nói của con người đến với nhau trong nhịp
sống đầy yêu mến.
Thầm lặng bao năm rồi bỗng nhiên, những năm cuối đời TBĐ cầm
bút, có lẽ anh phải viết ra vì “không quên năm tháng đau cùng cực đau”, và viết
như một nhu cầu giải tỏa, xem như liệu pháp trị bịnh, vượt qua những cơn
đau và sợ hãi, dùng chữ nghĩa để đánh bại, hay đánh lừa, thần chết, như khi cầm
súng. Chỉ khác là lần này anh chiến đấu bằng trái tim và ý chí.
Viết để đánh thức tình yêu chữ nghĩa, nằm ngủ yên gần suốt một
đời người.
Và những bài thơ về tình, nghĩa, quê hương trải dài theo từng
chặng đường, qua bao cuộc bể dâu, âm vang như tiếng thở dài trong đêm của một đời
người.
Chú thích:
[1] Nhớ mẹ.
Gửi bạn Trương Văn Dân, Elena Pucillo Trương
Bạn ngồi chăm chút mẹ ăn…
Giờ thì, mẹ đã âm thầm ra đi.
Dẫu rằng, tử biệt sinh ly
Mà sao không thoát nỗi bi ai này?
Bạn ngồi nhớ mẹ đêm nay,
Nhớ da diết nhớ, nhớ gầy rạc thân.
Mẹ ơi! Gọi mẹ bao lần,
Mong manh sương khói con tần ngần đau!
Bầu trời vừa rụng vì sao,
Đèn trời cũng đã tắt vào đêm qua!
Con tìm mẹ giải Ngân Hà,
Trăng khuya mây vỗ sóng và cõi không!
Trần Bảo Định.
[2] https://xunauvn.org/.
24/1/2020 Trương Văn Dân
24/1/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét